Monday, May 21, 2018

Nỗi Đau Vẫn Còn Đó




viet ve nuoc My (1)

viet ve nuoc My (2)
Người cựu quân nhân và chánh án Frank Caprio lấy từ video ‘Veteran pleads “guilty” to $100 parking violation- but when he gives reason, Judge says 5 words’.


Ngày 19 tháng 02 năm 2018 trên Facebook của thành phố Providence ở tiểu bang Rhode Island có đăng tải “video” nói về một phán quyết đầy sự nhân bản của người cầm cân nảy mực đứng đầu tại một tòa án ở thành phố này là ông chánh án “Frank Caprio” khiến mọi người vô cùng cảm động!

Số là vào tháng Năm năm 2016 có một ông cựu quân nhân thời “chiến tranh Việt Nam” bị phạt một trăm đô ở Trung Tâm Y Tế của Hội Chiến Binh tại Providence vì vi phạm chỗ đậu xe.  Khi xuất hiện trong phiên xét xữ, người cựu quân nhân này đồng ý là ông sẵn lòng đóng phạt nhưng ông muốn phân giải rằng tình trạng của chỗ đỗ xe ở bệnh viện; nơi ông một tuần đến khám vài lần để chữa trị các chiến thương, thì rất là “atrocious!”

Sau khi nghe người lính trình bày câu chuyện của mình xong, quan tòa Frank Caprio hứa sẽ bắt buộc bệnh viện xem lại chính sách vi phạm luật đậu xe và ông thêm rằng người cựu chiến binh này không có gì buồn bởi tuy việc vi phạm chỗ đậu xe là một vấn đề nhưng ông không cần phải đóng phạt do đi điều trị những thương tích mà ông đang mang vì đã phục vụ cho đất nước và để cho chuyện xét xữ được công bằng hơn vị quan tòa chỉ muốn nói “năm từ” thôi: THANK YOU FOR YOUR SERVICE!

Có mấy vị chánh án nào xung quanh chúng ta công minh như vị này?  Băng hình kết luận!

Câu chuyện đã lâu nay được đưa lên lại trước tháng Tư là tháng đã kết thúc chiến tranh Việt Nam cách đây bốn mươi ba năm như để tri ân các cựu chiến binh Hoa Kỳ đã chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam mà tôi tình cờ đọc được làm tôi bồi hồi mãi không thôi khi ngày đến tháng Tư buồn kia mỗi lúc một gần!

Và nó cũng là nguyên nhân làm cho tôi nhớ đến một câu chuyện đau lòng khác đã xảy ra gần chỗ tôi sinh sống rất lâu mà tình cờ bây giờ tôi mới được biết.

Tôi vốn qua Mỹ muộn màng lúc tuổi đã lớn và vì còn cha mẹ già ở quê nhà nên đã phải từ bỏ ước mơ đi học để làm “nails” nuôi thân cũng như lo cho gia đình còn ở Việt Nam lúc định cư từ tiểu bang South Carolina. 

Vài năm sau tôi lập gia đình rồi chuyển về quê vợ ở Ohio sinh sống sau khi chúng tôi có được một thằng con trai năm tuổi.  Tại đây tôi vẫn tiếp tục công việc của mình để mưu sinh và bà Judy là một trong số các người khách “ruột” của tôi.

Bà Judy là người Mỹ trắng, cao ráo, đẹp đẽ, vô cùng lịch sự!  Tuy đã gần bảy mươi tuổi nhưng tướng tá bà còn rất khoẻ mạnh vì bà vẫn đi “Gym” đều đặn mỗi ngày.   Đây chính là điều khiến bà và tôi rất hợp nhau bởi tôi cũng thường xuyên đi tập thể dục để chữa cái cột sống bị chấn thương ở trong “trại lao động cưỡng bức” hồi còn ở bên nhà năm xưa của mình.

Khoảng hai năm sau khi đã khá thân với nhau, một hôm bà hỏi “tôi từ đâu tới?”  Tôi nói cho bà biết lý do vì sao người Việt phải trốn đi bằng đường biển hay đường bộ sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào năm 1975 bất chấp mọi phong ba bão táp, hải tặc hay đói khát hoặc vô số hiểm nguy chết chóc khác luôn rình rập, sự gian nan ba chìm bảy nổi kiếm đường vượt biên của tôi từ cuối năm 1978, nỗi khổ cực bị hành hạ gần sáu năm trong các trai lao động của cộng sản lúc bị bắt và cuối cùng là tình trạng chờ đợi suốt gần mười một năm trời trong tuyệt vọng ở bên trại tỵ nạn lúc đến đảo sau ngày đóng cửa và khi đã bị bác quyền tỵ nạn. 

Từ ngạc nhiên đến thán phục sự kiên trì, quyết tâm tìm tự do để hôm nay có được một đời sống như ước nguyện trên xứ Mỹ của tôi bà cũng kể tôi nghe là bà lấy chồng khá sớm.  Bà có người anh chồng đi lính năm mười chín tuổi, sang Việt Nam tham chiến sau khi cưới vợ được vài tháng, rồi chết trong một trận đánh không lâu sau đó vào năm 1969 mà không hề biết rằng vợ mình ở quê nhà đã có thai. 

Người chị dâu ấy khi đó còn là một cô gái nhỏ, ngây thơ dại khờ, mới chỉ mười tám tuổi. Không biết sẽ sống ra sao trước tương lai mù mịt với đứa con nhỏ sau đó, cô ta đã sợ hãi và đem giao đứa con trai mới sinh cho ông bà nội của nó rồi ra đi biền biệt.

Đứa bé trai đó được ông bà nó đặt tên là Tom, năm nay bốn mươi tám tuổi, hiện đang ở Springfield; một thành phố nhỏ của tiểu bang Ohio.  Nó lớn lên vô tư trong tình yêu thương của ông bà nội mà nó cứ tưởng là cha mẹ cho đến khi bà nó sắp sửa qua đời thì họ mới cho nó biết sự thật.  Quá phẫn uất và đau lòng, từ đó Tom trở nên lầm lì. Đây cũng đúng là thời các cựu quân nhân tham chiến tại Việt Nam trở về đang bị truyền thông trong nước bêu rếu do đó hình ảnh của họ bị xấu xí, bị ruồng bỏ, bị đối xử tệ bạc, danh dự của người lính là “cục xương khó nuốt” do ảnh hưởng của nhóm phản chiến.  Tom không biết sự hy sinh của ba nó có đáng không?  Đúng hay sai?  Nó luôn tự hỏi nhưng không tìm được sự thật cho câu trả lời  ấy khiến càng ngày nó càng thêm bực tức, không muốn nghe và nói đến cuộc chiến tranh này và đó là lý do Tom cũng ghét người Việt Nam!

Câu chuyện đau thương chưa bao giờ được biết của người không cùng màu da chủng tộc nhưng lại gắn liền với số phận bi thảm của đất nước mình khiến tôi mủi lòng.  Ngẩng đầu lên nhìn bà Judy, tôi thắc mắc:

- Thế hài cốt của ông bố của Tom có được mang về Mỹ không?

- Có!  Bà trả lời.

Ông ta được chôn ở Nghĩa Trang Arlington ?

- Không.  Ba má của anh ta quyết định đem hài cốt của con mình về chôn tại nghĩa trang thổ mộ ở quê nhà Springfield, Ohio này nè. Nhưng tên ông ta thì có trên “Bức Tường Đá Đen ở Washington D.C.”*

Bà dứt lời, cả hai rơi vào im lặng một lúc lâu.  Mỗi người theo đuổi một suy tưởng riêng.  Rồi tôi nghĩ tôi nên cho bà biết về những hoạt động hổ trợ lũ lụt, thiên tai của Cộng Đồng Việt Nam trên khắp nước Mỹ trong nhiều năm qua, các buổi nấu ăn, làm từ thiện, phát quà bánh cho người vô gia cư cả Việt lẫn Mỹ ở Cali vào mấy dịp lễ lớn như Christmas hay New Year hoặc chính nhóm chúng tôi năm vừa qua cũng đã đóng góp tài chính để mua các phẩm vật cần thiết như chăn màn, xà bông, tã, kem đánh răng…. cho bệnh viện cựu chiến binh hay cơ quan giúp đỡ người vô gia cư ở Dayton này trong ngày Thanksgiving.

Vì là ngày đầu tuần tiệm vắng khách nên tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi còn nói cho bà hay là ngày nay, bà đã có thể nói cho anh Tom cháu bà là nước My, người Mỹ đã tghấy rõ cuộc chiến chống cộng tại Việt Nam năm xưa là hoàn toàn  có chính nghĩa. Các cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam nay đã được cả chính phủ và người dân coi trọng.  Và tôi cũng ngỏ ý muốn gặp người con bất hạnh chưa một lần biết mặt cha mẹ ấy để chia xẻ nỗi mất mát lớn lao mà anh đã chịu đựng cũng như  cám ơn sự hy sinh của cha anh ta trong việc bảo vệ tự do cho đất nước tôi. 

Bà Judy lấy làm thú vị với mấy câu chuyện tôi nói, hứa sẽ chuyển lời lại cho cháu bà.  Và tôi đã chờ rồi đợi mãi nhưng chỉ nhận được sự im lặng.  Môt thời gian sau, bà  đến làm móng tay và cho biết người cháu trai của bà chưa muốn gặp tôi.  Câu chuyện dừng lại ở đó cho đến hôm nay bỗng nhiên bà bất ngờ dẫn anh ta đến đây khiến tôi vô cùng ngạc nhiên.

Tom ngồi xa xa trên dãy ghế chờ đợi dành cho khách sát với cửa ra vào trong khi tôi làm “deeping powder” cho bà.  Sau khi xong tôi tiển bà ra ngoài, bắt tay anh thật chặt khi bà Judy giới thiệu, nhìn thẳng vào mặt Tom; một người đàn ông trung niên vạm vỡ, to cao, có đôi mắt đẹp nhưng buồn với hai con ngươi màu hạt dẻ, hàm râu quai nón rậm được cắt tỉa cẩn thận. Tôi nghĩ mình sẽ nói với anh ta rằng “người Việt Nam chúng tôi vô cùng biết ơn sự hy sinh của ba anh và xin...”

Vừa nghĩ tới đây, tôi chợt thấy không biết có nên khơi lại niềm đau cô đơn vì cha mất, mẹ bỏ đi của anh ta không? Chắc là không.

Khi nói chuyện với anh,  tôi lái câu chuyện sang đề tài khác bằng cách cho anh hay năm 2017 vừa qua Chính Phủ Mỹ đã ấn định ngày 29 tháng 03 hằng năm là Ngày Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam Toàn Quốc của Hoa Kỳ nhằm vinh danh các người lính đã hy sinh phục vụ cho quốc gia. Tôi cũng kể cho anh ta nghe chuyện ông chánh án  Frank Caprio tỏ lòng quí trọng người cựu binh ở Việt Nam thế nào. Nghe chuyện, hình như các thớ thịt trên gương mặt của anh co giật bởi bị kíck động còn bà Judy thì vui mừng vì cuối cùng nước Mỹ cũng trả lại danh dự cho những người như cha anh.

- Tôi mong muốn được viếng mộ ba anh một ngày nào đó nếu anh cho phép.  Tôi nói tiếp với anh.

Tom hít một hơi thật dài, cảm kích trước những gì tôi nói và đáp:

- Maybe!

Nhìn theo bóng dáng họ khuất sau khi quẹo qua tiệm cà phê Winans trong The Green Mall, tôi nghe bâng khuâng cõi lòng và tự nhủ mkình sẽ  liên lạc với Tom  để có thể viếng mộ và tri ân người cha của Tom.

Cuộc chiến tranh nào cũng để lại lắm mất mát cho nhiều người từ mọi phía! Riêng  cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng xem ra vẫn còn đâu đó nhiều nỗi buồn không nguôi!

Dayton-Ohio, 30/04/2018

Triều Phong (TPN)

No comments:

Blog Archive