30 tháng Tư – Sáu Tê
Lê Quang Trung
Ngẫm lại cái ngày 30 tháng Tư 1975 mất nước, tôi kẹt lại quê nhà: Ngày 27 tháng Tư, được tin cô em gái kế tôi đột ngột qua đời, tôi được phép rời đơn vị về nhà. Vừa chôn em xong thì nghe D.V. Minh tuyên bố đầu hàng!
Chắc là kiếp trước có tu, nhưng có lẽ vì “Tu chưa đủ” (bài nầy không dành cho những bạn nói giọng Huế!…) nên tôi có cái may mắn bù lại là “được… có vợ”!
Lại cũng có lẽ bởi vậy mà chỉ mới khoảng hai tuần sau khi làm lễ cưới nhau (ngày 03 May 1975), tôi buộc phải chia tay bà xã, chui vô trại tù. Đến bây giờ nhớ lại chuyện nầy vẫn còn thấy, thiệt là… tức khí !
Ba năm đầu bị đưa vào trại “cải tạo”, còn trong thời gian “quân quản” tức là bị quân đội Cộng sản “quản lý”. Thời đó bọn họ tự xưng là “Chính quyền Cách mạng”. Sau vài lần chuyển trại, chúng tôi bị đưa bằng ghe, đi cả ngày đến một vùng gần biển. Đến một khu trại thuộc vùng nước mặn, để phá rừng đắp đập, biến nơi đây thành một nông trường khai thác thủy lợi.
Họ gọi chúng tôi là tù binh. Nơi đây đã cất sẵn một dãy trại lớn hơn do các tù “cải tạo” địa phương dựng sẵn để chứa đám nầy. Trại tù dưới quyền của một Đại úy Cộng sản tên Sáu Tê. Trọng tuổi, một người ít nói dáng gầy khắc khổ, tính tình có vẻ khó khăn hay gắt gỏng. Tay nầy lại thích uống rượu. Thường khi ra nông trường chỉ huy mặt mày đỏ gay. Y có một tay phụ tá cũng mang hàm “Đại úy” mà tôi không còn nhớ tên. Gã thứ hai nầy dễ chịu hơn, tính bình dân và hay lân la nói chuyện với đám tù binh. Có lúc được chúng tôi hỏi lý do đi “làm cách mạng”. Y kể:
“- Tui ở vùng nầy làm nghề đi rừng. Lúc nọ đốn được bốn cây mấm lớn, thẳng đứng đem về ngâm sình để làm cột cất nhà. Máy bay nó dội xuống banh mẹ nó hết! Nên tức mình theo du kích chớ có biết cách mạng là cái giống gì đâu!”.
Cá nhân tôi có lần bị y chận lại hỏi:
“- Ê! Cái chữ “ỉa” viết i dài hay i cụt vậy mậy?”
Có lúc chúng tôi hỏi han y về Đại úy Sáu Tê, y nói: “- Tao biết chả mà! Hồi nhỏ đi chăn trâu hiền queo, rồi sau đó giác ngộ theo cách mạng chớ đâu!”
Khi bị tập trung về khu trại mới trong rừng, mỗi người được phát một bộ quần áo lính bộ binh VNCH trước đấy để lao động. Khoảng hai năm sau, áo quần đã bắt đầu rách nát. Những dịp đi phá bỏ các đồn bót, căn cứ cũ trước đây, chúng tôi thu nhặt các bao cát xây hệ thống phòng thủ nơi đây. Kết lại thành các quần áo dã chiến mặc đi lao động. Loại bao cát bằng vải nylong rất bền chắc.
Một hôm sau một ngày lao lực, như mọi khi chúng tôi phải tập trung lại kiểm điểm nhân số tại chỗ, trước khi sắp hàng vác cuốc xẻng về trại tù. Lúc đó có mặt Sáu Tê. Y nhìn quanh thấy đám tù ăn mặc kiểu thời… tiền sử: Hở đây, hở đó! Y hỏi sao chúng tôi không mặc đồ được cấp phát. Một anh bạn tù khéo nói trong đám lên tiếng trả lời y là các áo quần đó cấp đã mấy năm. Nay bắt đầu rách, anh em để dành dịp thân nhân xuống thăm nuôi mặc cho nó… đẹp (!?…)
Lúc đó thấy Sáu Tê ánh mắt dịu đi, y quay qua đám du kích đang cầm súng vây quanh ra lịnh:
“- Bây về mở kho cấp cho mấy tù binh mỗi người một bộ đồ lính (VNCH) khác!”
Anh bạn tù kế tôi thúc cùi chõ thì thào:
“- Sao bữa nay nó tử tế quá vậy!”
Nhìn vẻ mặt Sáu Tê, tôi chợt nổi hứng:
“- Anh không thấy mặt y đỏ gay sao? Chắc là đang xỉn. Bởi vậy bây giờ trong nó không phải là thằng Đại úy Sáu Tê cáu kỉnh hằng ngày. Mà trong con người đó mới chính là thằng Sáu Tê chăn trâu thuở xưa. Khi say người ta mất đi ý thức tự kiểm soát. Chính lúc đó người ta mới sống với con người thật của mình!
Anh bạn tù gật gù mỉm cười vẻ cảm thông.
oOo
À, chỉ còn mấy hôm nữa là đến ngày tụi nầy cưới nhau sau 43 năm!
Nhân chuyện với tay Sáu Tê nầy, tôi muốn kể thêm một ít là sau đó tôi lại bị chuyển đi một trại nhỏ khác không xa mấy. Một buổi trưa khi được nghỉ tay sau cả buổi lao động từ sáng. Tôi lợi dụng nhào xuống bên trong con đập vừa được đắp xong mấy tuần trước đó để mò kiếm cá tép, đấp đổi thêm các bữa ăn. Sáu Tê ở đâu xuất hiện sau lưng, kêu tôi leo lên bờ. Y nói tôi không được mò bắt cá tép bên trong, mà hãy bước qua kiếm ăn bên ngoài con đập. Tôi thắc mắc hỏi tại sao. Y trả lời cụt ngủn:
“- Bên trong đó là của nhà nước!”
Lúc đó tôi cũng không hiểu y nói gì. Trong bụng cứ thắc mắc không biết như thế nào là cái “Của nhà nước”?
Từ lúc mất miền Nam, chỉ vài tuần sau tôi bị đưa vào trại tập trung. Không biết gì, cũng như không hình dung được tình trạng xã hội bên ngoài diễn tiến như thế nào dưới chế độ độc tài Cộng Sản. Chỉ có tưởng tượng chung chung là mọi người không còn quyền tư hữu cá nhân.
Sau thời gian quân quản, chúng tôi lại bị tập trung về khám đường ở Tỉnh và chuyển giao qua cho đám Công An tiếp tục quản thúc trong các trại tù nơi khác.
Sau cùng tôi được trả tự do sau 6 năm tổng cộng qua các trại giam.
Lúc vô tù, tôi chỉ mang theo mình một gói nhỏ hành trang. Khi ra trại giam, tôi chẳng có gì mang về ngoài những kỷ niệm nặng đau thương: Tang mẹ hai năm trước đó vẫn còn trĩu nặng trong lòng; kèm theo bịnh rét rừng: Mỗi ngày, hai cơn lên sốt .
Chị tôi đang dạy học ở Sài Gòn nhờ bạn bè quen biết cộng thêm chút “biết điều” chạy cho tôi được vào một bịnh viện ở Chợ Rẫy chữa trị. Vì trên nguyên tắc quản lý người dân khi đó, tôi không có hộ khẩu ở Sài Gòn. Vài ngày sau khi những cơn sốt rét đã bị đẩy lui dần, tôi khỏe hơn. Nên buổi nọ nắm tay bà xã đi dạo một vòng Bến Thành để gợi nhớ.
Cảm giác đầu tiên khi trở lại với đời sống thường nhật của một con người sau một quãng dài tách biệt; chịu đựng những dập vùi khiến mình như một tên ngáo. Làm quen với kiểu cách nói chuyện lai căng, nửa văn chương, nửa bần cố nông: “Ổn định” là ngồi xuống, “Ùn tắt” là kẹt xe, “Chế độ” là khẩu phần. Thậm chí thẳng thừng một cách hết sức bình dân… vô giáo dục: “Xưởng đẻ”, “Cầu Ỉa”, “Cầu Đái”, v.. v…
Về Sài Gòn, đi ngang qua các rạp hát với những hàng quảng cáo vắn tắt gọn nhẹ đến lạ lùng. Rạp thì ghi: “Phim màu Tiệp” (Tiệp Khắc), rạp khác ghi “Phim màu Hung” (Hung ga ri). Có rạp “hấp dẫn” hơn: “Phim màu Mông” (Cổ) .
Tôi tò mò quay qua hỏi bà xã bây giờ không biết họ có chiếu phim Cu Ba không?
Sau cùng hai đứa đi ngang xi-nê Rex mà trước kia chuyên chiếu những phim ngoại quốc nổi tiếng. Nhìn lên bảng thấy hàng chữ quảng cáo đầy thơ mộng phim đang chiếu: “Nước trong bên thảm cỏ xanh – Phim màu Ba lan”.
Tôi thấy nó “make sense!”.
Nhớ lại thời gian 6 năm hai đứa buộc phải xa nhau. Âu là rủ vợ mình vô coi: Để mong tìm lại chút phút giây thơ mộng khi xưa. Ngày đó, mình ung dung trong bộ quân phục tím, em với chiếc áo dài trắng giáo sinh chưa ra trường. Hai đứa dung dăng dung dẻ vào Rex xem bộ phim, tập “Angelique sương phụ nửa chừng xuân”.
Để tìm lại chút tình tứ thơ mộng của mà hai đứa chỉ có bên nhau vỏn vẹn hơn mươi ngày sau khi cưới.
Bèn hí hửng nói với vợ:
“- Em à, Ba Lan cũng là nước Cộng Sản (lúc đó). Nhưng có thời đã là một quốc gia vương giả, văn minh trước đây. Cũng đã có nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới. Hay mình vô đây coi thử cho biết.”
Bà xã chiều chồng bèn OK. Vậy là hai đứa tới quầy mua hai vé vô cửa.
Vì không hề biết phim thuộc loại gì cũng như nội dung ra sao, chúng tôi để tâm chú ý theo dõi. Thoạt đầu phim chiếu những cảnh khá thơ mộng nơi đất người. Thế rồi sau đó là một buổi họp của Đảng. Và tiếp theo sau là một cuộc họp nữa của Đảng. Phim quay sang vài cảnh ngoài đời để rồi tiếp theo là … một cuộc họp Đảng khác. Bồi thêm sau đó một buổi… Họp Đảng nữa.
Tôi chịu hết nổi, thất vọng kéo tay bà xã cười buồn:
“- Thôi mình đi về nhe em!”
Thoát khỏi cái hơi ẩm nóng trong rạp ra ngoài, nhứt là khỏi cái ám ảnh “rùng rợn” của chuyện phim. Ra khỏi cửa, hai đứa khoan khoái hít mấy hơi cho tỉnh lại. Chợt hai tên gác cửa chặn lại hỏi cụt ngủn:
“- Đi đâu đây?”
Hai đứa: “- Chúng tôi đi về, không thích coi nữa.”
Gác cửa: “- Không được, phải trở vô coi tiếp!”
Chúng tôi: “Ủa, tụi tôi trả tiền vô cửa, không muốn coi nữa thì đi về. Sao không cho ra?”
Câu trả lời: “- Đây là qui định! Mấy người đã vô là phải coi cho hết phim. Thích hay không thích, không được đi về giữa chừng!”
Mới ở tù ra không bao lâu chưa kịp hú hồn hú vía, lớ mớ nó bắt nhốt trở lại. Tính cãi nữa nhưng thôi thì: Một câu nhịn, chín câu lành!
Tôi dắt vợ trở vào bên trong, cố “nuốt trọng” cho xong cuốn phim. Bụng ấm ức mà không biết phản ứng như thế nào.
Và bỗng nhiên, như một kẻ tu hành chợt giác ngộ: “À, thì ra là dzậy!”
Cơn ngẫu hứng từ đâu nổi lên trong đầu. “Triết gia” ta bèn kết luận:
– Đã có rất nhiều định nghĩa cho một xã hội CS, thí dụ như: “…Nơi mà người ta ăn muối và cho là mình đang ở trên thiên đàng.” v.v…
Như vầy thì đơn giản, thực tế hơn:
…Ở cái đất nước mà khi bỏ tiền vô coi xi-nê, giữa chừng chán bỏ ra về… bị đuổi trở vô, là nước Cộng Sản!
Lê Quang Trung
No comments:
Post a Comment