Tuesday, May 22, 2018

Chuyện lạm dụng quyền lực ở.. xứ người

Câu chuyện xảy ra tại xứ Cờ Hoa, cụ thể là Thành phố cảng New York – New Jersey. Thời gian của câu chuyện xảy ra vào ngày 31/3/2018 và cuốn băng video được camera hành trình trên xe cảnh sát ghi lại đầy đủ cả phần hình ảnh lẫn âm thanh.

Cuốn băng này do hai sĩ quan cảnh sát có liên quan công bố trên mạng và kết quả bất ngờ sau đó là sự từ chức của một Ủy viên Hội đồng thành phố, bà Caren Turner. Dư luận tại Mỹ đã bị khuấy động, có người bênh vực bà Turner nhưng đa số có những phản ứng bất lợi cho bà.

Bà Caren Turner

Chuyện bắt đầu vào ngày cuối tuần của lễ Phục Sinh khi cảnh sát phát hiện một chiếc xe mang biển số không rõ ràng, kính xe được dán bằng loại giấy dán màu đen không thể nhìn rõ những người bên trong. Kiểm soát giấy tờ lại phát hiện chiếc xe đã quá hạn đăng ký 2 năm và dĩ nhiên cũng không có giấy tờ bảo hiểm.

Anh cảnh sát (người đeo kính đen trong băng video) giải thích, chiếc xe sẽ bị giữ lại và cẩu đi cho đến khi nào chủ xe hoàn tất mọi thủ tục hiện hành.. Mọi chuyện diễn ra một cách hòa nhã, cảnh sát còn đề nghị giúp những người trên xe bằng cách đưa họ đến một câu lạc bộ gần đó hoặc về đồn cảnh sát để chờ người nhà đến đón.

Điều rắc rối là một trong những người ngồi trên xe là một nữ sinh viên có mẹ là bà Ủy viên Caren Turner. Cô gái điện thoại cho mẹ đến đón và người mẹ thương con vội vã đến ngay. 

Băng video cho thấy bà Turner, 60 tuổi, có phần nóng nẩy, bồn chồn. Bà đòi cảnh sát giải thích lý do giữ xe và cảnh sát lạnh lùng trả lời là anh không có nhiệm vụ giải thích với bà. Trong trường hợp bà muốn biết thì cứ hỏi tài xế lái chiếc xe, chứ đối với anh, bà không liên quan đến vụ này!

Anh giải thích: “Con gái bà cũng không liên quan. Cô ấy không phải là tài xế. Chiếc xe này cũng không phải của bà như vậy làm sao bà có liên quan đến vụ này?”.

Bà Turner phản ứng bằng cách đưa danh thiếp, giấy tờ chứng minh bà là Ủy viên Thành phố và còn nói thêm bà là chỗ thân thích với ông Thị trưởng. Thế cho nên, bà có quyền tìm hiểu vụ việc nhưng anh cảnh sát từ chối việc xem giấy tờ của bà một cách lịch sự. 

Bà còn nói, “Tôi là Ủy viên Thành phố, tôi đứng đầu 4.000 cảnh sát ở đây, anh rõ chưa?". Anh cảnh sát kia (người không đeo kính) cũng không nao núng và đáp lại, “Thưa cô, chúng không cần xem giấy tờ của cô!”. Như bị đổ dầu vào lửa, bà “sửa lưng” anh cảnh sát, không được gọi bà bằng “cô”. 

Khi anh cảnh sát đeo kính nói với bà Turner rằng bà “có thể” rời hiện trường với những người khác, bà Turner sừng sộ lại rằng không thể nói bà “có thể” đưa con đến chỗ nào. Bà giáng thêm một câu chửi thề: “You May Shut the F--- Up!”. 

Câu chửi thề có vẻ “chợ búa” đó là mấu chốt của vấn đề. Một khi tức giận, người Mỹ thường hay chêm vào chữ “fuck”, tương đương với tiếng đệm “đếch, đéo, địt…” mà ngày nay người Việt mình có khuynh hướng thường sử dụng hàng ngày trong bất kỳ trường hợp nào!

Đối với bà Ủy viên Thành phố, câu chửi thề đó quả là đáng giá… cả một sự nghiệp chính trị. Ngoài ra, hành vi của bà Turner còn có thể bị ra tòa hình sự hoặc bị phạt, mức tối đa là 10.000 đô la.


Cảnh sát trưởng Tenafly, Robert Chamberlain, nói với New Jersey.com: “Băng video tự nó nói lên tất cả…”. Ông cũng đã gửi một bản sao cuốn băng đến chính quyền thành phố. Trong một bản thông báo, ông cũng cho biết “rất hãnh diện về thài độ kiềm chế của hai viên sĩ quan cảnh sát” và đồng thời kêu gọi chính quyền thành phố “có những biện pháp hợp tình, hợp lý”. 

Dán kính xe bằng giấy màu và biển số xe không rõ ràng là vi phạm luật giao thông tại New Jersey. Chủ chiếc xe đã 2 năm không đăng ký lại là cha của tài xế và ông cũng có mặt trong xe và người tài xế tỏ ra rất hợp tác với cảnh sát.

Về phần mình, Ủy viên Thành phố Turner đã lên tiếng xin lỗi hai viên sĩ quan cảnh sát vì những lời lẽ không đẹp trong cơn nóng giận. Bà cho rằng đó không phải là sự vi phạm tiêu chuẩn đạo đức cũng như không đòi hỏi sự đối xử đặc biệt nào. Bà đã xin từ chức! Đó là đoạn kết buồn cho câu chuyện ở xứ người.

Trước khi chấm dứt bài viết này, tôi xin kể một câu chuyện có thật, cũng ở xứ người. Tại phi trường ở Los Angeles có một vị khách chen lên trước hàng dài người xếp hàng làm thủ tục check-in. Ông ta nói lớn với cô nhân viên là ông có việc gấp nên muốn được giải quyết chuyến bay sớm nhất.

Cô nhân viên ôn tồn giải thích là cô phải giải quyết cho những khách đến trước và hứa sẽ giúp ông khi đến lượt. Ông không bằng lòng, ông nói như hét vào mặt cô: “Do you know who I am?” 

Cô nhân viên vẫn tươi cười và cầm micro nói vào loa phóng thanh: “Ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112.”

Hành khách có mặt trong hàng đều phá lên cười. Ngượng quá, ông điên tiết chỉ mặt cô nhân viên và bật ra một câu chửi thề tục tĩu : “Đ.M. mày”( F…k you) . Cô gái không một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, trả lời ông nguyên văn như thế này: 

I’m sorry, sir, but you’ll have to stand in line for that, too”. (Thưa ông, chuyện ông đòi giao hợp với tôi, ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được.)

Dù là bà Ủy viên Thành phố Caren Turner hay là ông hành khách khi đặt câu hỏi “Biết tôi là ai không?” đều có ý cậy chức, cậy quyền đễ đe dọa người đối diện. Tuy nhiên, nếu người đối diện là một người thẳng thắn, hành xử theo quy định của luật pháp thì chắc chắn câu hỏi đó sẽ không có tác dụng. 

Và họ, những người đặt câu hỏi đó, sẽ phải trả giá rất đắt về sự lạm dụng chức năng và nhiệm vụ của họ!

No comments:

Blog Archive