Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt được làm bằng vàng, bạc hoặc bạc mạ vàng để ghi lại các sự việc diễn ra trong cung đình.
Từ nay tới tháng 8/2016, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam mở cửa trưng bày chuyên đề giới thiệu một phần bộ sưu tập kim sách triều Nguyễn - một loại thư tịch cổ đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.
Đây là những cuốn sách được làm bằng vàng, bạc hoặc bạc mạ vàng để ghi lại sắc mệnh, chiếu dụ vua ban về các việc chính sự, lễ nghi triều đình.
Đó là sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập hoàng thái tử, tấn phong hoàng hậu, vương phi hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, thụy hiệu cho hoàng thân, quốc thích...
Việc chế tạo kim sách giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện. Lời sách do đích thân các hoàng đế tự biên soạn hoặc sai các danh nho, đại thần đương thời chấp bút.
Quy cách kim sách được điển chế vương triều quy định rất nghiêm cẩn. Tùy theo tước hiệu được tôn phong cao thấp khác nhau mà chất liệu, kích thước, trọng lượng và số tờ kim sách khác nhau.
Bố cục sách văn thường gồm 3 phần: mở đầu ghi niên hiệu và tên người dâng, ban kim sách; chính văn nêu lý do, ca ngợi phẩm hạnh, công đức người được dâng, ban kim sách và cuối cùng là tước hiệu được tôn, phong cùng những lời chúc tụng, những điều răn bảo cho được xứng với tước hiệu mới.
Nội dung kim sách không những chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, tư tưởng đạo đức, điển chế, điển lễ đương triều mà còn phản ảnh chân thực chân dung cuộc đời, sự nghiệp của các hoàng đế và các nhân vật ghi trong kim sách.
Hộp đựng kim sách thường được làm bằng bạc, được chế tác rất tinh xảo.
Mặc dù quy định về kim sách rất nghiêm ngặt, nhưng tùy tình hình thực tế mà các hoàng đế đương triều cũng có những thay đổi linh động, mềm dẻo cho phù hợp.
Năm 1862, sau khi ký hòa ước Nhâm Tuất với thực dân Pháp, hoàng đế Tự Đức đã phải thu hồi nhiều kim sách, kim ấn đã ban cho các hoàng thân, công chúa trước đây, nấu thành thỏi để bồi thường chiến phí. Nhưng theo mẫu cũ cải cấp lại bằng sách đồng để lưu giữ đời đời.
Từ đời vua Đồng Khánh (1885 – 1889) về sau, do tình hình quốc khố nghèo nàn, những kim sách, kim bảo theo lệ cũ làm bằng vàng đều đổi thành bạc mạ vàng.
Một số hình ảnh khác về các Kim sách nhà Nguyễn đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Theo KIẾN THỨC
No comments:
Post a Comment