Người Chuẩn úy Thiết Giáp ngày Tết Mậu Thân
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
Người hãy nhìn đây chân tay xương máu, của dân lành.
Người hãy nhìn trên con đê phơi xác, chết phanh thây.
Người hãy nhìn trên con sông trôi xác, chết vật vờ.
Trên gốc rạ, trên lúa trên cây,
Trên búi cỏ, trên rẫy trên nương.
....
Lời nguyện này ta ghi lên súng thép: dấu căm thù.
Lời nguyện này ta ghi lên súng thép: dấu căm thù.
Lời nguyện này ta ghi lên xác chết của anh em.
Lời nguyện này ta ghi lên trên bia đá của mẹ già.
Xin cúi mặt một phút cho anh.
Xin cúi mặt một phút cho em.
Vuốt Mặt (Cục Chính Huấn QLVNCH)
Vận mạng của một người con tùy thuộc vào vận mạng của một gia đình, vận mạng của một gia đình tùy thuộc vào vận mạng của đất nước mình... ( Vô Danh )
Hôm Ngày Lễ Mừng Cha vừa rồi, 2012, tôi ngồi nhìn thằng con trai tôi, mới vừa được 17 tuổi, bày biện mấy thằng lính nhựa ở ngoài sau hè rồi cùng thằng bạn thay phiên nhau dùng súng hơi bắn thi, xem thử ai bắn trúng được nhiều hơn. Chúng nó bày đi sắp lại, bắn tới bắn lui, ai thắng thì cười vô tội vạ, ai thua thì mặt buồn xo...
Nhìn chúng nó chơi một lúc, tôi tự dưng nghĩ ra một chuyện và cảm thấy... giật cả mình, ly bia cầm trong tay xém đổ xuống đất...
Cách đây 44 năm, tức là năm tôi bằng tuổi nó, 17 tuổi, tôi đã lên đường đi lính. Năm tôi 17 tuổi, bằng tuổi nó, tôi đã khôn lanh trải đời, biết uống rượu, hút thuốc, thậm chí cũng đã đi... khai cu rồi. Trong khi đó, thằng con trai tôi bây giờ 17 tuổi, vẫn còn bày biện những thằng lính nhựa ra để tập bắn, cất những tiếng cười hồn nhiên vô tư lự, trong sáng, vui vẻ và vô tội. Cái vui vẻ vô tội của những thằng bé chưa hề nếm mùi đời, chưa hề biết đau khổ, chưa hề biết đói một ngày trong đời, chưa hề biết tang tóc, chưa hề biết mùi vị đau thương của chiến tranh.
Ngồi nghĩ xa hơn một chút, tôi bắt đầu nghĩ... ngược lại. Ví dù như bây giờ thằng con tôi là tôi, phải sinh ra và lớn lên ở một đất nước nghèo khổ và chiến tranh bất tận như Việt Nam, không biết năm nó lên 17 tuổi, nó có được khôn lanh như tôi ngày xưa không? Tôi chắc chắn là có. Hoặc giả, bây giờ, ngược lại, nếu tôi là nó, sinh ra và lớn lên trong một Quốc gia giàu sang hùng mạnh, được nuôi dưỡng kỹ càng, ăn học đầy đủ, chưa hề sợ đói, chẳng biết chiến tranh là gì ngoài mấy cái trò War game trong Xbox hay PS3, tôi có thể có cái ngây thơ và hồn nhiên như đứa con tôi không? Tôi cũng chắc chắn là có.
Hóa ra, con người lớn lên hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh chung quanh mình. Mình lớn lên trong một Quê hương nghèo khổ thì khôn sớm, ra đời sớm, lại được sống trong một Quốc gia hùng mạnh, được ăn sung mặc sướng thì cuộc đời mình cũng khác đi...
Quả đúng là một giòng máu, nhưng hai cuộc đời, hai thế hệ...
Không hiểu tại sao, hình ảnh thằng con trai 17 tuổi còn dùng súng hơi bắn bọn bọn lính nhựa với thằng bạn nó cứ trở về ám ảnh lấy tôi, và hình ảnh tang thương của năm tôi lên 17 tuổi bỗng trở về ngập kín hồn tôi...
17 tuổi, tôi đã biết thế nào là đói. 17 tuổi, tôi đã biết thế nào là khổ. 17 tuổi, tôi đã biết thế nào là bị khinh bỉ coi thường. 17 tuổi, tôi đã biết thế nào là sống một cuộc đời không có tương lai, không có ngày mai.
17 tuổi, đó là năm Việt Cộng tấn công trận Mậu Thân, đem tang thương máu lửa cho hàng triệu đồng bào miền Nam, trong có có gia đình tôi...
Thành thật mà nói, không biết từ lúc nào tôi không nhớ, tôi đã biết yêu thương gia đình và Tổ quốc tôi. Tôi chắc chắn nhiều người trai nước Việt đồng lứa tôi lúc ấy cũng mang một tâm trạng yêu gia đình, thương Tổ quốc như tôi. Chuyện này chẳng có gì lạ. Dù tôi chẳng làm được gì cho gia đình và Tổ quốc tôi lúc ấy, nhưng đối với gia đình, một gia đình đông anh chị em và nghèo khổ, tôi đã biết nhịn ăn nhịn mặc, chịu thua sút bạn bè để Thầy mẹ khỏi tốn tiền mua quần áo mới cho tôi, và tôi cũng không hề đòi hỏi, không hề xin xỏ bất cứ một thứ gì. (Thật ra thì có xin cũng chẳng được, thôi thà... đừng xin.)
Với gia đình thì như thế, còn đối với Tổ quốc, một thằng bé như tôi chẳng làm được gì. Nhưng trong trường, dù nhà tôi chẳng có ai đi lính, chẳng có ai giữ bất cứ một chức vụ gì trong Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, tôi luôn luôn dùng tài hùng biện của mình để kêu gọi tinh thần yêu nước trong lòng anh em bạn học cùng lớp, vạch trần những thủ đoạn hèn mạt mà Việt Cộng đang áp dụng lúc đó. Tôi không hiểu tại sao dù rất nhỏ, nhưng tôi đã biết căm thù CS đến thế. Có lẽ, trước hết, một phần là nhờ một lần đọc báo, thấy hình ảnh của những người Công chức, những viên chức Xã ấp vô tội bị Việt Cộng lôi ra chặt đầu, tôi thấy rùng mình và kinh tởm. Đúng là những hành động hèn nhát và bất công. Tại sao phải chặt đầu những người vô tội như thế? Suốt đời tôi, tôi không thể nào chịu được sự bất công. Và cũng có lẽ khi coi phim “Chúng tôi Muốn Sống” tôi không chịu được cảnh vô đạo, vô lương tâm, con cái đấu tố cha mẹ rồi cuối cùng chôn sống cha mẹ rồi kéo cầy qua, cắt đứt đầu của cha mẹ mình. (Tất cả những chuyện này sau này đều được xác nhận là có thật.) Nhưng tôi yêu miền Nam nước tôi, Chính phủ nước tôi, quan trọng nhất, là vì Chính phủ tôi là một Chính phủ (tương đối) của dân, biết lo cho dân, đặt nền tảng sự cai trị trên sự Tự do công bằng như bất cứ mọi Quốc gia văn minh nào trên thế giới. Nhờ chính phủ QGVN, gia đình tôi tuy nghèo nhưng chúng tôi cũng đủ ăn đủ mặc, không bị ai ức hiếp, cướp đất cướp nhà, ngày ngày chúng tôi được cắp sách tới trường học hành để lo cho tương lai.
Mỗi lần nghe Radio nói quân ta hành quân, giết được bao nhiêu Việt Cộng, nghe con số càng lớn thì tôi càng mừng. Tôi biết rằng tin tức từ Radio Việt Nam mình nhiều khi cũng không đúng lắm, nhưng cứ cho như thế đi để tự kiếm lấy một niềm vui cho mình. Mỗi lần nghe quân ta đụng trận, tôi lo lắng cầu xin cho Quân đội ta được bình yên vô sự. Mỗi lần nhìn thấy một chiếc xe nhà binh chở quan tài có phủ cờ chạy qua, tôi đứng cúi đầu lặng yên, cảm thấy đau đớn như người nằm trong quan tài ấy chính là bà con ruột thịt của mình.
Tôi cứ lớn lên như thế trong một Thành phố nhỏ tương đối còn được yên ổn an bình, chưa bao giờ biết mùi chiến tranh là thành phố Ban Mê Thuột. Ban Mê Thuột hồi đó, tuy có đại bản doanh của Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, nhưng mùi chinh chiến hoàn toàn không thấy. Gần gũi chiến tranh lắm chỉ là những khi nhìn thấy những chiếc xe vận tải nhà binh, những xe Jeep chạy khắp phố phường. Hay lâu lâu, nghe được vài tiếng pháo từ xa vọng về. Hay khi đi ngang những quán nhậu, nhìn thấy lính mình mặc đồ trận đủ thứ loại với súng ống ngồi nhậu nhẹt vui vẻ tưng bừng, vỏ bia chất đầy từng đống cao như núi bên trong. Nhiều người không thích nhưng không biết sao tôi lại thấy khoái cái cảnh.... Lương Sơn Bạc tân thời này. (Không biết có phải vì những hình ảnh này mà sau lớn lên mặc đồ lính, tôi đã trở thành bợm nhậu không?) Dưới cặp mắt tôi, họ chính là những Tráng sĩ đất Việt đã bỏ gia đình, hy sinh khoác chiến y vào, dâng hiến cái tuổi trẻ quý báu của mình cho Quê hương Tổ quốc, đem máu đào xương trắng để gìn giữ quê hương bờ cõi, cho bọn học trò chúng tôi còn được an tâm cắp sách đi học, cho buổi họp chợ ban mai còn được rộn ràng sức sống, cho những người nông dân còn được yên tâm cày cấy hay trồng tỉa hay làm ăn, cho những buổi cơm chiều trong những mái nhà tôn vách ván bần hàn, bên ngọn đèn dầu, cha mẹ con cái còn được chia xẻ với nhau những buổi cơm chiều thanh bạc nhưng vui vẻ, chia với nhau được những tiếng cười đầm ấm hạnh phúc...
Họ chính là những Anh hùng của tôi, của toàn dân miền Nam...
Nhưng nghĩ sâu thêm một chút, chiến tranh cũng đã ảnh hưởng đến tôi qua một hình thức khác, thấm thía hơn. Đó là tôi có vài thằng bạn bỏ nhà đi lính sớm rồi bị tử trận.
Người đầu tiên là thằng Thời, bạn thời ấu thơ, con chú Bảy trước nhà tôi, xác được đem về một buổi chiều cháy nắng, gói Bastos Xanh trong túi áo nhuộm máu nhiều đến nỗi biến thành gói Bastos đỏ. Tội nghiệp thằng Thời, sinh ra nghèo khổ, sống lam lũ từ thuở chưa có trí khôn, cuối cùng thì chết vì Tổ quốc ở lứa tuổi quá trẻ, khoảng 17, 18 gì đó.
Người thứ hai là Nguyễn Đức Quốc, con ông Nguyễn Đức Trung, đang học hành ngon lành ở trường La San với tôi lại bỏ học tình nguyện đi lính Nhảy dù. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra khiến nó phải bỏ nhà đi lính, mà lại đi một thứ lính dữ tợn nhất trên thế giới. Có thể nó chán đời, cũng có thể nó muốn sống cuộc đời giang hồ ngang dọc. Không ai biết được.
Học chung trường, ở gần nhà nhưng chúng tôi không chơi thân với nhau lắm. Chỉ nhớ một lần tôi gặp nó ở Nhà Thờ vào một ngày Chủ nhật, nó nói nó sắp đi lính, bộ mặt nửa lạnh lùng, nửa hãnh diện. Hồi đó tụi tôi đều mới bước vào lứa tuổi dậy thì, lứa tuổi ngỗ nghịch, lứa tuổi coi trời bằng nửa nắm tay, lứa tuổi chẳng biết sợ chết là gì, lứa tuổi nghĩ rằng mình có thể vá trời lấp biển và thay đổi giang sơn bằng hai bàn tay học trò nhỏ bé vụng dại của mình.
Tôi cũng chẳng bao giờ ngờ rằng đó là lần gặp gỡ cuối cùng cho nên cũng chẳng nói gì nhiều với nhau. Thật ra thì muốn nói cũng chẳng có gì để nói. Nó chẳng cần những lời khuyên của tôi, và tôi thì không thích đãi bôi. Tôi chỉ chúc nó vài câu, nó lại khuyên tôi ở lại ráng học hành, rồi chúng tôi chia tay nhau. Chia tay nhau mà không hề bắt tay, không uống được với nhau một ly nước mía, hay một ly cà phê...
Sau đó đi chừng gần một năm, một buổi chiều, tôi nhớ mãi là chiều thứ Năm vì chiều thứ Năm trường tôi được nghỉ, tôi phải ra rẫy làm việc với thân phụ. Trên đường về, xe đạp bị xẹp bánh, tôi phải xuống xe dắt bộ. Và tôi đi ngang nhà thằng Quốc...
Buổi chiều hôm ấy lạ lùng lắm, tôi không thể nào quên được trong đời mình...
Đi ngang nhà thằng Quốc, tôi nhìn thấy anh Quân, anh thằng Quốc, đứng ngoài thềm nhà, nơi có trồng hai cây trứng cá lớn, hút thuốc lá và đăm đăm nhìn ra ngoài đường với một bộ mặt rất là kỳ lạ. Bộ mặt kỳ lạ mà ngày hôm sau tôi mới hiểu được...
Đã lâu chưa nghe tăm hơi thằng Quốc, tính quay vào hỏi thăm thằng Quốc chừng nào về phép để tôi qua nhà thăm nó, nhưng thấy bộ mặt anh Quân coi thấy ghê quá, đành dắt xe đi thẳng...
Ngày hôm sau, tôi nghe tin thằng Quốc đã tử trận ở một chiến trường nào đó. Tôi đau đớn thẩn thờ, không ngờ thằng Quốc lại chết sớm như thế. Hình như nó chưa tới 17 tuổi thì phải.
Gần xóm đạo tôi cũng có ông Thiếu úy Biệt Kích tên Thuận, đi nhảy toán bị Việt Cộng bắn thế nào không biết mà bị liệt cả hai chân. Mẹ của anh Thuận vào trong Bệnh xá ở luôn với con, chăm sóc cho con 24/24. Một ngày vào Bệnh xá thăm anh Thuận, tôi nghẹn lời. Tôi cũng ghi nhận tình mẹ thương con như trời như biển. Mẹ anh Thuận bỏ hết công việc làm ăn, vào ăn ở luôn với con, nuôi con, ngủ luôn dưới đất bên cạnh giường con, không bao giờ rời. (Anh em Biệt kích nào có nhớ Thiếu úy Lực Lượng Đặc Biệt tên Thuận ở Ban Mê Thuột xin liên lạc cho tôi biết thêm chi tiết.)
Xóm tôi cũng còn vài người nữa đi lính và chết trận nhưng đó là chuyện sau này...
Lớn lên trong một hoàn cảnh khó khăn như đã kể thì một khi suy nghĩ về tương lai, câu hỏi lớn nhất trong đầu tôi vẫn luôn luôn là, chừng nào chiến tranh mới kết thúc? Hơn ai hết, tôi biết rõ vận mệnh của một người con hoàn toàn tùy thuộc vào vận mệnh của một gia đình, và vận mệnh của một gia đình thì luôn luôn tùy thuộc vào vận mệnh của đất nước mình. Đất nước tôi cứ chiến tranh triền miên như thế này thì chừng nào những trai trẻ như tôi mới quyết định được tương lai của chúng tôi?
Càng lớn tuổi thì càng học cao, càng học cao thì càng hay suy nghĩ nhiều, tôi thấy sự lựa chọn cho mình một con đường đi, trong hoàn cảnh quê hương khói lửa mịt trời như thế này, chẳng có gì khó. Tôi sẽ đi lính. Je part soldat. Oui, monsieur, Je part soldat... Mẹ, ông đi lính...
Tôi đi lính, thầy mẹ khỏi tốn tiền trả tiền học, nhà lại bớt thêm được một miệng ăn và hàng xóm bớt được nhìn thấy một thằng học trò bặm trợn du côn phá phách như quỷ nhà trời. Trong khi đó, Chính phủ lại thêm được một người lính. Và riêng tôi thì có được một tương lai, dù tương lai... lính thì cũng chẳng sáng sủa gì cho lắm, nhưng tôi cũng có được một tương lai. Điều quan trọng hơn cả, tôi biết, nếu tôi không tình nguyện đi lính sớm thì một ngày nào đó Chính phủ cũng nắm đầu tôi kéo vào lính. Làm sao thoát được, thời chiến chinh mà...
Tôi đem bàn chuyện này với bạn bè, chúng nó khuyên tôi, bảo:
- Mày học giỏi, có đầu óc Chỉ huy (Tôi chuyên môn tổ chức cho chúng nó đi... ăn cắp mía, đi hái bắp lậu và đi phục kích đánh bọn Trần Hưng Đạo, một xóm... Bắc kỳ di cư có nhiều thằng thảo khấu cở tuổi tôi) sao không lấy cái Tú tài rồi hẳn đi.
Thật ra thì tôi cũng đã tính như thế ở trong đầu. Tôi muốn Chỉ huy một đơn vị Bộ binh rồi từ từ nếu không xanh cỏ thì rồi thế nào cũng sẽ được đỏ ngực như lời người ta thường nói thời đó...
Năm đó chúng tôi chuẩn bị thi Tú tài 1 và mùa Xuân năm ấy, một chuyện xảy ra làm cho tôi càng thấy định mệnh đời mình đã được an bài...
Tết Mậu Thân năm đó, Việt Cộng bất ngờ tổng tấn công toàn thể miền Nam. Đây là lần đầu tiên Thành phố Ban Mê Thuột và dân cư ở đây nếm được thật sự cái mùi của chiến tranh...
Tết năm đó chúng tôi cũng đón giao thừa như thường lệ, ăn bánh chưng bánh tét, uống vài ly rượu dâu ngọt cho giống người lớn, và đốt pháo lai rai xong vô nhà ngồi đọc mấy tờ báo Tết.
Nhưng sau giao thừa chừng vài tiếng đồng hồ, chúng tôi chuẩn bị đi ngủ thì tự nhiên súng nổ khắp nơi, đạn lửa màu đỏ màu xanh bay ngợp trời đất. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những lằn đạn lửa màu đỏ màu xanh. Mãi sau này mới biết lửa màu xanh là súng Việt Cộng, còn màu đỏ là của mình.
Mới đầu ai cũng tưởng là lính bắn súng ăn mừng Tết, nhưng sau thấy đạn lớn (Sau này mới biết là B-40) nổ ầm ầm, bắn cả vào chung cư của Chính phủ, khách sạn Mỹ, vào xe nhà binh của mình thì mới biết là có giặc thật. Tiếng súng càng lúc càng nổ gần và tôi bắt đầu nghe được tiếng đạn bay chíu chít trong gió rất gần mình. Nghe thấy cũng vui tai lắm chứ chẳng có gì.
Là người con trai lớn nhất nhà, tôi làm chuyện gì mình phải làm...
Mẹ tôi thời đó bán muối nên có một nhà kho nhỏ chứa muối. Thế là chỉ huy và phụ mấy đứa em trai khiêng những bao muối ra để sát vào tường nhà, dày hai lớp, lại lót gỗ phía trên và bỏ muối lên, làm thành một hầm trú ẩn nổi ở trong kho muối, dư sức chứa cả nhà. Cho mọi người vào hầm, một mình tôi trở ra làm bổn phận của “Người trai thời loạn...”
Nhà tôi có một cây súng săn 2 nòng thời Pháp để lại, đã mấy chục năm chưa có ai sử dụng, không biết bắn còn có nổ không, dấu mãi trong tủ. Đây là lúc cần tới mày. Tôi lôi nó ra, chùi cho sạch rồi lên cò, bóp thử nghe tách tách. Tôi bắt đầu nhét đạn vào. Đạn này là loại đạn đi săn, tuổi tác xem ra lại còn có vẻ.... già hơn cả cây súng. Tôi tự hỏi lòng, không biết đạn đuốc như thế này, nếu bắn mà nó còn nổ được thì cũng chưa biết đạn có chịu... bay ra khỏi nòng hay là không. Nhìn thấy mấy viên đạn mốc meo coi ghê quá. Và nếu đạn chịu bay ra và có bắn trúng người thì cũng không biết người bị đạn có chết không, hay chỉ bị... trầy da. Mình bắn Việt Cộng mà Việt Cộng chỉ bị trầy da, chúng nó nổ lại một tràng AK đạn đồng thì mình lỗ nặng...
Nhưng tôi không còn một thứ vũ khí gì khác hơn trong tay lúc ấy để bảo vệ gia đình mình...
Nhét đạn xong vào cây súng, gập nó lại thì tôi bắt đầu có đủ sáng suốt để nghĩ ra một chuyện khác vô cùng quan trọng. Giờ này người ta đang bắn nhau bằng súng thật, mình ôm cây súng giả này chạy ra, lính Quốc gia thì nghĩ mình là Việt Cộng và Việt Cộng thì sẽ nghĩ ngược lại. Như thế là nếu không bị giặc bắn thì thế nào cũng bị phe ta bắn. Tôi chẳng dại gì mà chết như thế. Thế là tôi cất cây súng gần cái hầm nổi, nghĩ rằng, nếu Việt Cộng vào đây thật thì tôi lôi súng ra cũng chưa muộn...
Tôi mò ra nhà trước xem động tỉnh...
Súng vẫn nổ đều đều, khi nhỏ khi to, khi dồn dập, khi thưa thớt, nhưng toàn là ở xa, không gần nhà tôi. Như thế là tốt rồi. Tôi ngồi gần cửa sổ nhìn ra ngoài...
Nhìn một lúc, chẳng thấy gì, tôi mơ màng ngủ thiếp đi trên ghế...
Nhưng ngủ không biết được bao lâu thì bỗng dưng tôi bị dựng đứng dậy bởi những tràng súng liên thanh nổ chát chúa như ngay sát bên tai...
Tôi hoảng kinh hồn vía ngồi bật dậy và nhận ra có ai đó hình như đang bắn súng liên thanh dữ dội ngay phía trước nhà mình. Vì nhà tôi ván gỗ nên những tiếng nổ nghe chát chúa rõ ràng, cả những tiếng võ đạn văng vào tường gỗ nghe lụp cụp nghe rợn cả người. Tôi tự hỏi, vỏ đạn rớt mà nghe đã thấy khiếp đảm như thế rồi, chừng nghe viên đạn thật bắn thì làm sao tôi dám đi lính đây?
Lúc nãy tính thì ghê lắm nhưng bây giờ nghe tiếng súng nổ sát bên tai thì tôi mới thấy thật là kinh hoàng. Quả đúng là chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ. Tôi nằm im không dám nhúc nhích, cố gắng suy nghĩ xem những gì vừa xảy ra và mình sẽ phải làm gì? Việt Cộng đã về tới đây rồi chứ cần gì phải suy nghĩ nữa?
Nhưng sau vài tràng đạn, tiếng súng lại ngưng. Rồi lại nổ nữa, nhưng lần này hình như không còn ở ngay phía trước nhà mà xa hơn một chút. Thỉnh thoảng cũng có những tràng AK đáp lễ nghe chóc chóc, tiếng súng nổ khác hẳn với tiếng súng của mình..
Từ từ, tôi bò dậy và hé màn cửa sổ nhìn ra ngoài...
Trước nhà tôi có một cây mít khá lớn và trong bóng tối chập chờn, tôi thấy đứng đằng sau cây mít là một người mặc đồ lính quốc gia với một cây súng trong tay trong tư thế sẵn sàng nhã đạn. Phía dưới chân anh ta là một túi Quân trang...
Cám ơn trời đất. Nếu người núp sau cây mít là một thằng Việt Cộng thì tôi không biết tôi sẽ phải làm gì?
Tôi tiếp tục quan sát và thấy người lính nổ vài tràng súng về phía hướng rẩy, rồi bỏ cây mít, lại chạy sang một chỗ khác, nổ vài tràng súng nữa, rồi lại thay đổi chỗ đứng, nổ thêm vài tràng nữa...
Tôi không hiểu tại sao anh lại làm vậy. Tính mở cửa ra hỏi anh có cần giúp gì không nhưng không dám. Tôi không một tấc sắt trong tay, lại chẳng có chút gì kinh nghiệm chiến đấu, ra không giúp gì được mà có thể làm vướng bận anh ta...
Cứ như thế một lúc chừng nửa tiếng thì tiếng súng từ từ bớt cường độ rồi ngưng hẳn. Tiếng súng ngưng nhưng người lính vẫn đứng yên ở sau cây mít, súng luôn luôn hờm sẵn. Bây giờ thì anh không đi tới mà cũng không đi lui, cứ đứng yên một chỗ như muốn quan sát mọi chuyện...
Không lâu sau đó thì trời cũng bắt đầu sáng. Tôi mở cửa ra. Người lính quay lại nhìn tôi và tôi thấy cái huy hiệu Thiết Giáp, chiếc xe tăng với họng cà nông to chềnh dềnh, nơi cánh tay áo, mặt mày anh tròn trịa coi hiền lành, đầu không đội mũ và đặc biệt có mang cặp quai chảo Chuẩn úy nơi cổ áo. Cây súng anh đang sử dụng là cây Carbine M-2 nổi tiếng thời đó.Võ đạn đồng văng đầy sân trước nhà tôi.
Anh chỉ nhìn sớt qua tôi nhưng không nói gì. Tôi làm dấu chào anh rồi hỏi anh:
- Hồi nãy anh bắn nhau với ai vậy?
Một câu hỏi thật là ngớ ngẩn nhưng anh vẫn trả lời, giọng miền Nam xuề xòa:
- Bắn nhau với Việt Cộng chớ với ai chú em. Mà chú em ở trong nhà đi, đóng cửa lại, đừng có ra đây làm gì, chờ chút nữa yên bớt rồi tính sau...
Nghe lời anh, tôi lui vào nhà, khép cửa, rồi xuống nhà dưới, bảo mấy đứa em ra pha cho tôi một ly Cà phê sữa. Tôi đem ly Cà phê sữa ra cho anh. Lúc này thì trời đã sáng hẳn.
Anh mỉm cười khoái trá, nhận ly Cà phê từ tay tôi nói, giọng hiền lành thân mật:
- Chú em này coi cũng biết điều dữ đa. Cám ơn chú em.
Anh móc gói ra gói thuốc lá, mồi một điếu, uống Cà phê. Anh uống nhưng cặp mắt tiếp tục quan sát khắp nơi, luôn luôn đề phòng.
Không lâu sau đó thì người trong xóm cũng từ từ đổ ra vây chung quanh anh, kẻ hỏi một câu, người khen một tiếng, cứ ồn cả lên.
Anh Chuẩn úy Thiết giáp vừa hút thuốc lá, uống Cà phê, trả lời những câu hỏi và kể lại những gì đã xảy ra, đưa tay chỉ chỏ.
Một lúc nào đó, anh nói một câu làm mọi người rụng rời:
- Cái xóm này tối hôm qua không có tôi thì Việt Cộng lọt vô đây rồi. Chúng nó không nhiều, chỉ có chừng vài ba thằng thôi nhưng một khi đã lọt vô đây rồi thì khó mà bứng nó ra lắm....
Mọi người ai nấy nghe như thế thì giật nẩy mình và mừng lắm. Nhờ anh, xóm tôi thoát được một đại nạn.
Anh nói tiếp rằng, tối hôm qua anh ăn Tết ở nhà, cũng một căn nhà mướn trong xóm đạo gần đây. Quá giao thừa thì anh nghe súng nổ. Là người đã từng tham gia trận mạc, nghe những tiếng súng nổ là anh biết ngay Việt Cộng đang tấn công mình trong Thành phố. Anh liền sách súng phóng lên xe để đi vào Tiểu khu hay về đơn vị nằm đâu gần đó.
Nhưng đi nửa chừng, anh phải bỏ xe để đi bộ vì Việt Cộng đã chận được vài khúc đường, anh không muốn bị lộ diện hay bị ăn B-40. Anh đã ở đây một thời gian nên biết đường xá Thành phố Ban Mê Thuột như trong lòng bàn tay mình...
Nhưng anh vừa đi với tới đây thì gặp ngay một toán Việt Cộng cỡ chừng vài ba thằng cũng từ đang trên đường đi tới. Chúng nó có lẽ đi lạc hoặc là âm mưu tính chiếm khu xóm này...
Dù một thân một mình, nhưng anh quyết ngăn cản chúng nó. Anh liền núp sau cây mít nổ một tràng đạn về hướng mấy thằng Việt Cộng đang đi tới. Bọn chúng hoảng hốt khựng lại, chia nhau ra bắn trả..
Và những đoạn anh kể tiếp theo làm cho tôi mới hiểu được tại sao anh lại bắn vài tràng súng chỗ này rồi chạy sang chỗ khác bắn tiếp vài tràng nữa. Anh nói:
- Nhìn cách đi đứng lạng quạng của chúng nó, tôi biết chúng nó chỉ là bọn đặc công hay du kích từ đâu vào nên không biết rõ địa hình địa thế, cũng không biết lực lượng quân ta ở đây như thế nào cho nên không dám mạo hiểm mò vào. Lợi dụng chỗ đó, tôi dùng kế, cứ đứng chỗ này bắn ít tràng, nhảy qua chỗ kia bắn ít tràng, làm như ở đây mình có nhiều hơn một người. Thật ra thì với 3, 4 thằng với AK, nếu chúng nó quyết định xông vào đây thì tôi đã không cự lại. Mà nếu chúng nó xông được vào đây thì đồng bào biết rồi, trục chúng nó ra rất là khó, sẽ có bom đạn, sẽ có nhà cháy, sẽ có người vô tội bị chết oan...
Ngừng một chút để hít một hơi thuốc lá, anh tiếp:
- May mà chúng nó tưởng ở đây có cắt lính gác rồi nên sau một hồi bắn qua bắn lại, thấy khó ăn, chúng nó mới bỏ đi. Cái xóm này thật là hên...
Mọi người nghe nói thì đội ơn anh vô cùng vì ai cũng biết, đúng như anh Chuẩn úy Thiết Giáp nói, chỉ cần một vài thằng Việt Cộng lọt vào đây thôi thì khó mà trục nó ra được và khi quân ta đánh vào thì sẽ có nhà cháy, có bom nổ, vân vân.
Có người nào đó mời anh vô nhà ăn uống nhưng anh từ chối, bảo anh phải đi nhưng, nếu có ai cho anh xin gói xôi hay vài khoanh bánh tét đem theo thì tốt nhất. Gì chớ xôi hay bánh tét thì ba ngày Tết thiếu gì. Chẳng bao lâu hàng xóm đem tới một đống trước mặt anh, đủ cho... 20 người ăn. Anh cám ơn rồi bảo anh chỉ lấy một vài miếng đem theo, còn bao nhiêu bà con đem về nhà để ăn Tết đi.
Nói thêm vài câu, trong lúc tiếng súng vẫn còn ầm ì vọng về từ ngoài phố, tiếng tàu bay đủ loại còn bay khắp nơi trên trời, anh từ giã mọi người để ra đi. Anh bỏ mấy khoanh bánh tét và một bịch ni lông nước vào ba lô, xách cây Carbine đứng lên. Anh chào mọi người và nói:
- Thôi, bà con vô nhà hết đi, đừng tụ tập đông quá ở ngoài này không tốt. Đừng quên là Việt Cộng vần còn ở nhiều chỗ trong Thành phố. Chúc đồng bào ăn tết vui vẻ nghe...
Rồi anh khom người, vác túi Quân trang, xách cây Carbine nhằm hướng Tiểu khu mà đi...
Không có ai hỏi anh đi đâu và anh cũng không nói. Cũng không có ai ngỏ ý tặng cho anh một chiếc xe đạp để anh có phương tiện di chuyển dễ dàng hơn một chút...
Tôi đứng nhìn theo anh, cảm động vô cùng vì hành động anh hùng của anh, đã cứu nguyên cả xóm tôi khỏi bị cháy nhà, dân xóm tôi khỏi bị bắn giết...
Tôi đứng nhìn theo anh, nhớ lại một đoạn phim Nhật tôi đã coi lúc nào...
Một cái làng nọ bên Nhật bị bọn thổ phỉ kéo tới phá phách. Cả làng họp lại rồi quyết định góp tiền mướn mấy anh Samurai tới giúp đỡ. Sau khi dẹp tan bọn thổ phỉ sau nhiều trận đánh đẫm máu, những người Võ sĩ đạo âm thầm ra đi. Nhìn từ phía sau lưng anh, tôi thấy hình ảnh của anh giống như hình ảnh của những anh chàng võ sĩ đạo ngày nào trong lúc phim gần hết. Anh Chuẩn úy Thiết Giáp quả đúng là một chàng Võ sĩ đạo Việt Nam tân thời. Có điều khác hơn là ngày xưa, người ta phải trả tiền cho mấy anh chàng võ sĩ đạo kia, còn bây giờ, không có ai trả cho anh một xu một cắc nào cả. Có chăng chỉ là vài lời cám ơn và vài khoanh bánh tét...
Tôi đứng nhìn theo anh, một người lính Bộ binh bình thường như hàng triệu người lính Bộ binh khác của QLVNCH, như là một người anh hùng của tôi, và tự hỏi lòng mình, trên mảnh đất nước đau thương tàn khốc này của quê hương, mỗi ngày còn có bao nhiêu người Chiến sĩ khác như anh, dù không bao giờ được tuyên dương công trạng, dù những hành động oai hùng không hề được ai biết tới, dù đã không bao giờ ngửa tay nhận của đồng bào một đồng xu cắc bạc nào, đã âm thầm đem xương máu mình ra để gìn giữ và bảo vệ cái quê hương này?
Tối hôm qua, anh đã có thể bỏ chạy, kẹt lắm thì quăng súng rồi lẻn vào nhà dân để trốn, một chuyện thật là dễ làm. Nhưng anh đã không làm. Anh ở lại và nổ súng để bảo vệ cho cái xóm Đạo của tôi cho đến khi trời sáng dù anh chưa bao giờ quen biết chúng tôi, và chúng tôi cũng chưa bao giờ quen biết anh. Anh đem mạng sống mình ra để bảo vệ chúng tôi, sẵn sàng chết cho chúng tôi, như làm một chuyện bình thường như hút thuốc lá, như ăn cơm. Anh chẳng bao giờ nghĩ xa hơn. Chẳng nghĩ đến chuyện đền ơn, chẳng nghĩ đến chuyện làm anh hùng.
Một công trạng to lớn như thế mà sao anh vẫn bình thường, vẫn nói năng từ tốn với chúng tôi, chẳng hệch hởm, chẳng cao ngạo, chẳng coi chuyện cứu nguyên cái xóm tôi khỏi bom đạn như chẳng có gì…
Thật là cao cả và đẹp đẽ quá, người lính QLVNCH.
Từ những ngày xưa bé nhỏ, tôi đã biết yêu lính, bây giờ thì sự thương yêu ấy trong lòng tôi càng tăng lên gấp mấy trăm lần nữa…
Phải mất cỡ 2,3 tuần nữa thì Quân đội mình mới dẹp hết được Việt Cộng trong Thành phố Ban Mê Thuột. Chúng tôi cắp sách đi học lại. Ngày đầu tiên trong lớp, tôi nghe nhiều chuyện thương tâm xảy ra cho những người bạn học trong lớp tôi. Có người chết cả cha lẫn mẹ, nhiều người nhà bị cháy, tan nát cả cơ nghiệp, không còn chỗ ở...
Tết Mậu Thân năm đó, tôi cũng chưa được 17 tuổi, đúng ra là mới 16 tuổi rưỡi, nhưng tôi thấy như mình đã trưởng thành hẳn ra, trở nên chính chắn, biết vui và buồn với vận nước nổi trôi. Trận đánh Mậu Thân đã thay đổi sự suy nghĩ của bọn học trò chúng tôi hoàn toàn. Từ những người học sinh vô tình vô tội ngày hôm qua, chúng tôi biến thành những người tuổi trẻ biết đau niềm đau của dân tộc, biết chia sẽ nổi buồn của quê hương, và quan trọng hơn cả, chúng tôi bắt đầu biết yêu thương quê hương đất nước mình. Chúng tôi tự cảm thấy mình đã quá thờ ơ với vận tình đất nước. Trong lúc hằng ngày không biết có bao nhiêu thanh niên đã đổ máu mình ra để bảo vệ Tổ quốc thì chúng tôi vẫn yên ổn cắp sách đến trường, sống bình an yên ổn bên cạnh những đau thương tang tóc của dân tộc, bên cạnh những sự hy sinh cao cả của những người lính như những kẻ ngoại nhân…Bây giờ thì chúng tôi đã được mở mắt để biết thế nào là chết, thế nào là sự tàn phá của chiến tranh, thế nào là sự đau thương thống khổ của Dân tộc mình, đồng bào mình. Và, giống như những đứa con trai sinh ra và lớn lên trong những gia đình nghèo khổ, chúng tôi bắt đầu biết yêu thương quê hương đất nước mình...
Vào những khi đàn đúm với nhau sau những buổi học, câu chuyện không còn đi từ chuyện tán gái đến chuyện... tán gái như thế nào mới hay, mà là, lính nào đánh giặc ngon nhất, súng nào bắn chính xác nhất, phi cơ nào bỏ bom hiệu quả nhất, vân vân và vân vân. Chúng tôi cũng bàn về những Quân trường của lính, từ Đồng Đế, đến Thủ Đức, đến Võ Bị Đà Lạt, đến trường Không Quân, Hải Quân...
Những bài thơ ủy mỵ như "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều..." bố láo vớ vẩn được thay thế bằng những câu thơ phừng phừng lửa chiến chinh và coi thường cái chết như:
Túy Ngọa Sa Trường Quân Mặc Tiếu
Cổ Lai Chinh Chiến Kỷ Nhân Hồi...
Hoặc.. cải lương hơn một chút:
Khi tôi chết ai là người xây mộ?
Ai là người nhỏ lệ khóc thương tôi?
Chúng tôi cũng chẳng còn uống Cô ca hay Cà phê sữa mà bắt đầu gọi bia. Sang một chút thì bia 33, nghèo một chút thì bia con cọp, tệ hơn nữa thì rượu đế, có chết ai đâu...
Sau mùa thi năm đó, khoảng gần nửa số người đỗ Tú tài 1 trong lớp tôi quyết định lên đường đi lính, trong số đó có tôi.
Lúc ấy tôi vừa tròn 17 tuổi...
17 tuổi đời, chúng tôi tình nguyện đi lính không phải để mưu cầu an vui sung sướng, nhưng mà để đi tìm gió mưa cùng sự mạo hiểm, đi để trả lời tiếng gọi non sông, đi để làm tròn bổn phận những người trai sinh nhằm thời chinh chiến. Trai thời loạn thì phải mặc áo nhà binh, đơn giản như thế thôi. Ai trong chúng tôi cũng biết rõ rằng, đằng sau bộ độ lính oai phong lẫm liệt kia là những sự gian khổ cực cùng, là lưỡi hái của thần chết đang rình rập chờ đợi chúng tôi từng giây, từng phút đồng hồ để chém xuống, chẳng nể vì ai, chẳng bao giờ biết nương tay cho ai. Nhưng chúng tôi chẳng ai sợ cả. Chết là cùng chứ mẹ gì. Thật thế, chúng tôi chẳng có một tí ti gì sợ hãi cả vì linh hồn chúng tôi đang tràn ngập lửa hận thù, tràn ngập tình yêu Tổ quốc, tràn ngập lửa thống hận của mấy ngàn năm dựng và giữ nước mà tổ tiên truyền lại, hừng hực nổi lên trong lòng chúng tôi, những người Trai đất Việt.
Chúng tôi nói với nhau rằng, bọn mình ra đi không phải để mang vinh hiển về cho bố mẹ gia đình mình, và sẽ sẵn sàng, nếu trời muốn, sẽ trở về trong những cỗ quan tài để làm vinh hiển cho Quốc gia Dân tộc mình. Vì sao thế. Vì Tổ quốc luôn luôn lớn hơn gia đình. Bố mẹ buồn, chúng con xin lỗi vì đã không còn để đáp đền ơn sinh thành dưỡng dục, nhưng chúng con chẳng thể nào làm khác hơn. Chúng con là đứa trẻ con sinh nhằm thời ly loạn. Câu trả lời chỉ đơn giản như thế thôi...
Và chúng tôi đã đồng ý chấp nhận với nhau như thế. Hãnh diện mà chấp nhận như thế.
Ôi, Ban Mê Thuột, Việt Nam, 17 tuổi, thật là ngậm ngùi nhưng cũng thật là oai hùng và chan chứa làm sao...
Trường Sơn Lê xuân Nhị