Nơi tôi về
Núi rừng Chu Pao, Kon Tum, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Trong Kinh Thánh Tân Ước, một môn đệ của Chúa Giê-Su là ông Tô-Ma, nổi tiếng cứng đầu vì ông này chỉ tin khi nào chính mắt ông thấy, tay ông sờ được. Khi các môn đệ khác cho ông hay rằng Thày Giê-Su đã sống lại và hiện ra gặp gỡ họ, ông vẫn không tin. Một ngày kia, Chúa Giê-Su lại hiện ra với tất cả bọn họ, Ngài nói với ông Tô-Ma hãy đặt tay vào dấu đóng đinh trên bàn tay ta, ông sờ vào và ông tin. Cũng như vị môn đệ này, tôi đã từng nghe, từng đọc nhiều bài viết về nạn hối lộ, xin tiền ở phi trường, từ các người Việt về thăm quê hương. Tôi nghĩ có lẽ chuyện này đã xảy ra từ những năm xa xưa lắm rồi, khi mới có phong trào “Việt Kiều” về thăm quê hương, lúc đó quê hương còn nghèo, bây giờ quê hương ta ngày nay giàu đẹp, dân chúng vui sống, làm ăn tự do trên mảnh đất hạnh phúc thứ nhì của thế giới, theo bảng chỉ số “nơi đáng sống nhất” của chính phủ Việt Nam đưa ra.
Các tòa cao ốc mọc lên như nấm, đường sá, các cao tốc được xây dựng thêm trên cả hai miền Nam Bắc. Rất nhiều triệu phú và tỷ phú đô la Việt Nam được lên danh sách của tạp chí uy tín quốc tế Forbes, thì có lý nào tệ nạn hối lộ, xin tiền này còn sống sót được. Nếu xảy ra, chỉ cần một cái bấm nút trên bàn phím, vài giây sau, mọi người Việt hải ngoại hay trong nước đều có thể đọc được chuyện gì xảy ra ở Việt Nam.
Sau mấy mươi năm lập nghiệp xứ người, tôi đã không về dù hay tin ba má tôi lần lượt qua đời. Khoảng trên mười năm nay, ông anh kế tôi bị tai biến, sức khỏe xấu đi từng năm. Mỗi lần gọi phone nhìn nhau qua màn ảnh nhỏ, thấy anh xanh xao, hao gầy, đôi mắt u buồn chịu đựng, khác với con người ngày trước, cao to và hoạt bát, tôi xúc động và thương anh vô cùng. Bằng giọng nói khó khăn, có lúc hụt hơi, anh mong muốn gặp tôi một lần, anh nói anh sẽ vui lắm. Tôi lo sợ không được gặp anh lần cuối, nên quyết định mua vé máy bay về thăm anh và nhìn lại quê hương mình sau bao năm xa cách. Biết tôi sẽ về, hai hàng nước mắt anh ứa ra chảy dài trên đôi má gầy guộc.
Mảnh đất yêu dấu Việt Nam ơi, tôi sẽ về, tôi sẽ dừng bước một khoảng thời gian để lặng thinh suy tư, nhìn rõ quê hương mình, nơi gần 100 triệu con người trên mảnh đất hình chữ S này đang sinh sống; tôi sẽ trở lại những nơi chốn cũ mình đã từng một thời truân chuyên, bị dìm xuống tận cùng đáy xã hội, một thời sống mòn trong cái xã hội không tưởng của những con người vẫn đang nuôi nuôi ảo tưởng trên miền giang sơn gấm vóc tươi đẹp mà họ vừa may mắn làm chủ.
Lúc máy bay sắp đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, qua khung cửa sổ, nhìn quang cảnh bên dưới, tôi thấy cũng giống như bao phi trường khác nơi tôi đã đi qua. Tôi không có được cái cảm giác xúc động hay nôn nao, vui mừng của người đi xa mới về lại quê hương. Tôi chỉ thấy ngỡ ngàng vì sự thay đổi mà lâu lắm tôi chưa thể hình dung ra.
Các du khách xếp hàng chờ đi qua trạm di trú làm thủ tục vào Việt Nam. Hai vợ chồng anh bạn về cùng chuyến với vợ chồng tôi xếp hàng bên kia, bên hàng này, vợ tôi đi trước, tôi lóng ngóng không biết nên đi cùng hay không, sau cùng, tôi quyết định đứng lại sau vạch chờ đến phiên; hàng bên kia, hai vợ chồng anh bạn cùng tiến lên một lượt, họ đưa giấy cùng một lúc. Vợ tôi trình giấy, anh nhân viên tuổi chừng 50, liếc thật nhanh giấy tờ vẻ không để ý, miệng hỏi vợ tôi về Việt Nam sẽ cư ngụ ở đâu, và tính ở bao lâu. Vợ tôi trả lời nhỏ quá, tôi không nghe rõ. Anh ta từ tốn ngả lưng trên ghế và nhìn bâng quơ lên trần nhà. Tôi nhìn theo tia mắt anh ta coi có gì hay khiến anh ta đang làm việc mà phải mất thời giờ để nhìn, trong khi nhiều du khách vẫn xếp hàng chờ. Chẳng có gì cả.
Tôi sốt ruột chờ. Anh nhân viên vẫn tỉnh bơ, hết nhìn trời rồi nhìn đất, nhìn trước rồi nhìn sau, hết đưa tay che miệng ngáp, rồi gãi đầu gãi tai, thỉnh thoảng lại hắng giọng. Tôi lấy làm lạ quá vì đã vài phút trôi qua mà anh ta vẫn không đóng dấu hay nói năng gì cả. Tôi quay lại sau lưng mình, vị khách nước ngoài nhìn tôi với đôi mắt tròn xoe, nhún vai. Tôi đáp lại bằng cái lắc đầu. Chợt vợ anh bạn từ hàng bên kia, tiến về phía tôi hỏi mượn $10, tôi nói không có tiền lẻ. Chị lẩm bẩm “cho nó đại cho xong việc”. Tôi bàng hoàng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Bên đây, có lẽ anh nhân viên di trú cũng sốt ruột chẳng thua gì tôi, anh ta tỏ vẻ bực bội, nhìn vợ tôi, gắt nhẹ “thôi đi đi”. Vợ tôi nhận lại giấy tờ và bước đi. Tôi bước tới, cũng cùng một câu hỏi, tôi trả lời xong, đứng chờ. Anh ta mở sổ thông hành của tôi ra nhìn thật kỹ rồi chau mày:
– Bác cũng đi nhiều nơi nhỉ? Gần kín hết cuốn hộ chiếu rồi. Mà bác đi đâu đến tận những vùng xa xôi như Aghanistan, Iraq vậy?
– Tôi đi công chuyện riêng.
– Thế bác về Việt Nam lần này là lần đầu à?
– Vâng, lần đầu.
– Về đây bác có tính đi đâu chơi không?
– Chưa tính gì cả, thăm gia đình trước rồi mới tính được.
Anh ta nhìn tôi thật kỹ, rồi khoan khoái ngả lưng ra sau, lại nhìn trời nhìn đất, cúi xuống vờ lục lọi gì bên dưới, rồi lại ngước lên nhìn quanh, cái nhìn tha thiết như chưa bao giờ được nhìn, rồi liếc tôi thật nhanh như dò phản ứng, đoạn nhìn bâng quơ qua chỗ khác. Tôi biết anh ta muốn gì, nhưng lòng khinh bỉ, tôi đứng im như tượng đá, nhìn thẳng vào anh ta, kiên nhẫn chờ đợi. Vài phút trôi qua, anh ta không chờ nổi và cũng không hiểu nổi sao cha này ở nước ngoài về, mặt mày có vẻ “thông manh” mà “chậm hiểu” thế. Anh ta khoát tay ra hiệu đi đi. Tôi đủng đỉnh, khoan thai nhận lại giấy tờ kèm theo lời cám ơn, “a thank-you from the heart of my bottom” chứ không phải “from the bottom of my heart”, vì bắt tôi chờ đợi thêm mấy phút không đáng, trong khi vẫn còn du khách chờ sau lưng.
Hai ngày sau, dù vẫn chưa quen với giờ giấc, tôi lại đáp chuyến bay đi cao nguyên Pleiku-Kontum. Người bạn thân cùng lớp, cha Binh mà người Thượng thân mến gọi là Bok Binh, hiện đang coi xứ đạo Pơlei Tơwer, gần Kontum, lái chiếc xe quân sự đa dụng UAZ-469 cũ kỹ thời Nga Sô viện trợ cho miền Bắc Việt Nam; Bok Binh ra đón chúng tôi tại phi trường Cù Hanh, thị xã Pleiku. Tôi thắc mắc sao máy bay không bay thẳng đến phi trường Kontum, bạn cho biết phi trường KT đã bị chiếm hữu làm nhà riêng và làm trụ sở vài cơ quan của chính quyền thị xã. Chiếc UAZ-469 là một chiếc xe “địa hình” (off-road) bắt chước theo kiểu xe Jeep của Mỹ, dân miền Bắc Việt Nam vẫn gọi là xe U-Oát. Xe này sản xuất rẻ, khá bền, đơn giản, đương nhiên không thoải mái tí nào khi phải ngồi trong xe, nhưng ưu điểm là dễ bảo trì, được viện trợ cho quân đội tất cả các nước nghèo thuộc khối cộng sản cũ. Bạn tôi đã tự đại tu và khoác cho nó một nước sơn mới coi cho đàng hoàng để đón chúng tôi. Chiếc xe biểu tượng cho sức mạnh quân sự khối cộng sản, nay không còn ai muốn chạy nữa, ngay cả người dân miền Bắc, những người “may mắn” được giải phóng và sống trong thiên đường cộng sản trước cả người dân miền Nam. Ngày nay, cán bộ và tướng lĩnh cao cấp quân đội lại ưa thích xe của bọn tư bản giãy chết vì nó êm ái và tiện nghi hơn nhiều. Xe U-Oát bị vất xó. Bạn tôi mua được nó với giá rẻ rề như cho không vì bạn biết nghề cơ khí, thích tháo tung máy ra để sửa chữa.
Bạn tôi sinh đẻ và lớn lên ở Kontum, phải chờ đợi đến khi tóc điểm muối tiêu mới được nhà nước cho thụ phong linh mục chỉ vì tội có cha đi cải tạo dài hạn chưa được tha về. Suốt mấy chục năm lặn lộn trong rừng thiêng nước độc bằng đôi chân trần, khá hơn chút nữa bằng con ngựa sắt 2 bánh, và bây giờ sắp sửa tiến lên chủ nghĩa đại đồng bằng chiếc xe U-Oát cọc cà cọc cạch, nhờ nó mà bạn tôi lặn lội, chuyên chở gạo muối, đồ khô, thuốc men, và dụng cụ y tế cho đồng bào Thượng trong những vùng heo hút ít người đặt chân tới.
Bạn là một người mục tử thấm đẫm mùi chiên của mình. Bạn chọn con đường tu trì, phục vụ, hy sinh, vâng lời ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, không phải ở những nơi thị thành đông người mà những nơi thâm sâu cùng tận, nơi sốt rét rừng ác tính luôn chờ đợi bước chân người đi gieo hạt mầm tình thương. Lần lượt vài căn nhà thờ mọc lên giữa những đại ngàn hoang sơ do chính bàn tay và công sức bạn tôi. Ánh sáng đèn điện ắc-quy bừng lên trong những ngôi nhà sàn mái lợp tranh, vách, phên tre nứa. Quan trọng nhất là nước sạch từ trên đỉnh núi được bạn dẫn về tận thôn làng cho người dân. Cuộc sống bắt đầu khá lên, bạn tôi lại âm thầm lặng lẽ rời đi, nhường lại cho một người bạn linh mục trẻ khác về coi xứ, tiếp tục công tác mục vụ của mình.
Bạn lên đường đi kiếm vùng đất mới, bắt đầu ươm mầm sống, mầm hy vọng cho các thôn làng khác ở sâu hơn trong rừng. Chính quyền địa phương không phải là không biết và không chú ý đến điều này, họ theo dõi rất sát, nhưng họ chọn làm ngơ để bạn tôi tự do hành động vì có lợi cho họ, chính quyền không phải làm gì hết mà vẫn được tiếng tốt lo cho người thiểu số.
Sau khi ghé thăm ông anh và đem cho ông một số thuốc men đem từ Mỹ về, Bok Binh đưa chúng tôi trực chỉ hướng Bắc đi Kontum, hai bên đường nhà cửa giờ mọc lên san sát, màu xanh cây rừng ngày xưa giờ thay bằng những đồi trọc bị khai thác vô trách nhiệm, không thương tiếc. Tôi vẫn nhớ ngày xưa khi tôi đi xe đò một năm 4 lần để đi học từ Pleiku lên Kontum, lúc đó hai bên là rừng xanh bạt ngàn, thỉnh thoảng xe đò bị đắp mô chặn đường hoặc bị bắn sẻ. Trước khi rẽ vào con đuờng đất đi đến giáo xứ Pơlei Tơwer, bạn tôi dừng xe gần đèo Chu Pao để chúng tôi có dịp hoài niệm quãng đường nguy hiểm ngày xưa. Một niềm cảm khái lẫn xúc động dâng lên trong lòng chúng tôi với biết bao vui buồn trên đoạn đường ngắn ngày nay và những dấu tích, hố bom của chiến tranh ngày xưa.
Hơn 40 cây số trên con đường quốc lộ 14 đi Kontum, tôi không thấy xe cảnh sát giao thông chạy trên đường, nhưng tôi nhận ra 2 chốt cơ động của cảnh sát giao thông, mỗi chốt chỉ có một chiếc xe cảnh sát nằm lặng lẽ, nhàn hạ, hơi khuất dưới một bóng cây to râm mát, nếu không để ý sẽ không thấy; đằng sau xe là một cái bàn nhỏ có một vài công an quần áo vàng đang hí hoáy ghi chép gì đó, đối diện là vài bác tài đang chờ đến phiên mình. Xe chạy chậm lại, tôi mới thấy vài ba chiếc xe vận tải đã tắp vào lề gần đó từ lúc nào. Thì ra mấy bác tài xế, mỗi lần đi qua đây thì “tự giác” ghé vào đóng hụi chết hay còn gọi là nộp tiền mãi lộ mà không sợ phiền hà đến giấc ngủ của hàng xóm, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của nhân dân, không chiếm lòng lề đường. Nói chung là là “win-win situation”. Anh thắng, tôi thắng, đôi ta cùng thắng. Mất công ra chặn xe, làm náo động xóm làng, gây “bức xúc” không cần thiết cho tài xế, lại còn bị quay phim, bỏ lên mạng, làm mất đi “hình ảnh đẹp” của người công an nhân dân, mới hay cảnh sát giao thông Việt Nam quả là có đầu óc sáng tạo, xứng đáng với khẩu hiệu “đâu cần công an có, đâu khó ló công an”.
Tại chốt thứ hai, quang cảnh cũng như chốt thứ nhất, có khác chăng là không phải những bác tài xế xe vận tải, mà là những người đàn ông bực bội đang chở gia đình đi chơi hay những bác tài mặt khó đăm đăm, từ những chiếc xe nhỏ, nhăn nhó như khỉ phải ớt tắp vào lề đường theo tay gậy của người đầy tớ nhân dân. Những chủ nhân ông này đang cố tranh luận với các tên đầy tớ, nhưng công lý lúc nào cũng thuộc về thằng đầy tớ với hình ảnh chụp tốc độ rõ ràng. Chạy đằng giời nhé ông chủ!
Chạy thêm chưa đầy một cây số, qua một khúc quanh lên dốc, chúng tôi mới thấy hai cái camera trên cao, cạnh vệ đường luôn theo dõi và chĩa thẳng vào luồng xe đang chạy trên đường. cho thấy chính quyền luôn lo cho tính mạng người dân để không bị tai nạn do chạy quá tốc độ. Người dân phải biết ơn nhà nước sâu sắc vì chỉ một nhóm công an giao thông địa phương cũng biết chăm lo cho sinh mạng của người dân, quả là hiếm có trên thế giới. Nghiệt ngã một điều là các bác tài vừa mới tăng chân ga để leo dốc, tốc độ cho 90 cây số/giờ, lên đỉnh dốc, chưa kịp giảm chân ga thì bảng tốc độ bất ngờ xuất hiện cảnh báo chỉ 50 cây số/giờ; hai máy hình chớp lên đủ các góc cạnh, chụp bảng số xe, và chụp luôn khuôn mặt ngơ ngác của bác tài, thì chạy đâu cho thoát. “You can run but you can’t hide” (Bạn có thể chạy, nhưng bạn không thể nào trốn). Thật là một sự “vô tình” có tính toán đến từng chi tiết nhỏ, bất cứ tài xế nào, dù để ý đến đâu, nếu không quen thuộc đoạn đường, đều dính vào cái bẫy thiên la địa võng này.
Chúng tôi 4 người từ Mỹ về và vợ chồng người bạn ở Kontum. Vợ chồng bạn đến gặp chúng tôi bằng chiếc xe khác, xe U-Oát chỉ chở được 4 người. Bìa phải, tóc bạc là Bok Binh, người bạn linh mục cùng lớp.
Chiếc xe U-Oát của Nga Sô viện trợ quân sự cho Việt Nam thời chiến, đã được tân trang và sơn lại.
Chưa hết ngỡ ngàng thì sau khúc cua, lừng lững một tên đầy tớ áo vàng với cây ba toong, chỉ thẳng vô mặt rồi chỉ tiếp vô lề. Các ông chủ chỉ có việc móc túi trả lương cho mấy thằng đầy tớ vừa vất vả làm việc cho mình. Lại “win-win situation”, chủ tớ đề huề, cả hai đều mừng. Tên đầy tớ mừng vì được trả công khó nhọc giăng cái bẫy; ông chủ mừng vì được tha cho đi, vờ “để quên con tim” lại là xong. Thật là một xã hội công bằng, chủ tớ, chẳng ai nợ ai.
Chiếc xe giảm tốc độ, rẽ vào con đường tráng nhựa được vài cây số, đến chỗ ít nhà dân thì đường nhựa biến thành đường đất lồi lõm. Con ngựa sắt Nga Sô nhảy chồm trên đoạn đường dài bụi mù dẫn vào ngôi làng Thượng xa xa, hành khách lẫn tài xế cùng nhịp nhàng theo vũ điệu lên voi xuống chó trong xe. Có hân hạnh ngồi trên niềm tự hào của quân đội Nga mới biết cám ơn những chiếc xe của bọn tư bản giãy chết. Nhà ít đi, người thưa dần, màu xanh trải dài hai bên đường. Đến đây mới thấy được sự tiêu điều của những căn nhà sàn lợp tranh, vách phên nứa, bám đầy bụi, những trẻ em người Thượng, chân không, áo dơ bẩn, rách rưới đang chạy chơi, rượt đuổi nhau.
Tiếp tục chạy thêm vài cây số đường đất nữa, chúng tôi quẹo trái vào cổng một một khoảng sân rộng với ngôi thánh đường nhỏ nằm sát bìa rừng, đơn sơ, được xây bằng gạch, xi măng, lợp tôn với bức tượng Đức Mẹ bám đầy bụi đất đứng giữa sân nhà thờ. Bạn nói đây là nhà thờ, kia là nhà xứ nơi mình ở. Nhìn qua bên phải, tôi thấy cả một khu vườn rộng xanh mướt, cây cối um tùm như rừng, tiếng chim chuyền cành rượt đuổi nhau, ríu rít cất tiếng hót quanh đây, đủ loại hoa đầy màu sắc, ở giữa vườn là một tháp gỗ có một bồn nước khá lớn bên trên. Một căn nhà nhỏ, khiêm tốn, ẩn bên dưới những tàng cây, được dựng lên bằng cây rừng, mái tôn, là nơi ăn, ở, và phòng làm việc của cha xứ. Tôi như thấy hiện lên trước mắt một bức tranh huyền ảo của câu chuyện thần tiên hiện về từ ký ức tuổi thơ: bức tranh sinh động đầy màu sắc thật thanh bình và yên tĩnh đến lạ lùng. Chúng tôi ngây người thưởng thức bức họa thiên nhiên và hít căng đầy lồng ngực không khí trong lành của núi rừng.
Bok Binh đãi chúng tôi một bữa ăn trưa thật ngon miệng gồm cơm Lam, thịt gà nướng chấm Muối É, gỏi thịt gà trộn bắp chuối, vài con cá bống tươi rói mới bắt ở suối về, vài cái bánh tráng, và dĩa muối mè, đậu phộng. Bữa ăn được chính đầu bếp người Thượng vừa nấu xong còn nóng hổi. Tất cả món ăn đều tươi ngon, sạch sẽ từ vườn nhà và từ rừng suối đem về, không bị tiêm nhiễm kiểu nấu nướng thị thành.
Cơm Lam nướng trong ống tre/nứa, chén muối É màu xanh để chấm thịt gà thả vườn.
Cơm Lam là cơm gạo tẻ hay gạo nếp, ngâm trong nước vài giờ trước khi nướng trong ống tre hoặc ống nứa, mà phải là ống tre nứa còn non. Khi nướng, không được nướng trực tiếp trên ngọn lửa to mà chỉ nướng bên cạnh ngọn lửa đến khi thấy hơi nước bốc lên từ ống tre, nghĩa là cơm đã sôi. Sau đó vùi dưới tro và than lửa, thỉnh thoảng trở ống nứa đều, đừng để chỗ nào bị cháy. Khi ăn, chỉ cần róc vỏ ống tre như róc mía, rồi lột bằng tay, cơm trong ống có màu ngà, bốc mùi thơm ngào ngạt của gạo lúa mới pha lẫn mùi đặc trưng của tre nứa. Một món ăn hài hòa thiên nhiên ban tặng cho con người; đưa răng cắn miếng cơm, tay bốc miếng gà nướng chấm vào chén muối É, một vị đậm đà thơm ngon thấm dần vào đầu lưỡi và chân răng khiến tôi ngất ngây không thể nào quên được. Muối É là loại muối trắng và lá cây É, được giã nhỏ trộn với dấm và vài gia vị tạo nên một thứ nước chấm ngon không thua gì nước mắm.
Bữa ăn đơn sơ nhưng ngon tuyệt. Đây là bữa ăn nhớ đời, bữa ăn mà lâu lắm rồi, có đến gần 50 năm tôi chưa được nếm lại một lần cho đến ngày hôm nay. Những bữa cơm ở các nhà hàng đắt tiền giờ không còn hấp dẫn tôi được nữa. Sau bữa cơm đậm đà hương vị núi rừng quê hương mà tất cả chúng tôi vừa tận hưởng, bok Binh mời chúng tôi qua bên hiên ngồi uống rượu Cần, nhắc lại kỷ niệm những năm tháng còn đi học với nhau dưới mái trường chủng viện Thừa Sai Kontum.
Rượu Cần là loại rượu của người Thượng được làm bằng gạo, bắp, khoai mì hay củ mài được ủ lên men bằng nhiều lá cây rừng nén chặt trong một cái ghè. Rượu uống vô, vị nhẹ, ngon, thanh, và hơi ngọt, dễ uống, người không uống rượu như tôi, vẫn có thể uống vài xị dễ như chơi. Uống cạn, cứ việc châm thêm nước lạnh vô ghè, nước thấm xuống đáy lại biến thành rượu ngon. Khi uống, dùng ống trúc nhỏ, gọi là Cần, cắm vô ghè để hút. Rượu Cần thường được dùng để tế lễ, cúng Yàng trong dịp hội hè, hay đãi khách.
Ghè rượu Cần. Phía sau là tấm bảng dạy người Thượng học tiếng Kinh.
Sau khi cơm no rượu say, chúng tôi giăng võng nằm cạnh nhau, nhắm mắt thả hồn đi phiêu du, không gian yên lặng, chỉ có tiếng gió rừng thì thầm bên tai như khúc nhạc thần tiên đưa chúng tôi vào giấc ngủ nhẹ nhàng lúc nào không hay. Ngoài kia khu vườn vẫn xào xạc, vài chiếc lá nhẹ rơi xuống bên thềm.
(Hết phần I)
– Nguyễn Văn Tới
(Tháng 11/2022)
No comments:
Post a Comment