Những Ngày Xuân Xa Nhà
Con biết không về mẹ chờ em trông,
Nhưng nếu con về bạn bè trông mong,
Bao lứa trai cùng chào Xuân chiến trường,
Không lẽ riêng mình êm ấm,
Mẹ ơi con Xuân này vắng nhà...
(Trích bài hát "Xuân Này Con Không Về")
Một khi nói về quê hương mình thì dĩ nhiên, ai cũng khen đẹp, khen tốt. Hơn thế nữa, ai xa quê hương cũng nói lên sự luyến nhớ quê hương mình. Là người, tôi cũng không tránh khỏi chuyện này, cho nên, ai đọc bài này thì tôi xin người ấy thông cảm với tôi. Có thể lòng thương nhớ quê hương làm cho tôi thần thánh hóa quê hương tôi, nhưng tôi không thể viết khác hơn. Tôi vốn là một con người chân thật.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ miền Cao Nguyên Trung Phần tên là Ban Mê Thuột. Quê tôi nhỏ lắm, hiền lắm. Tuy thế, năm nay tôi đã quá 50, đã đi nhiều nơi trên thế giới, tôi chưa hề nhìn thấy thành phố nào có một loại nắng vàng đẹp như thành phố tôi ở. Mỗi năm, cứ vào khoảng tháng 10, trời bắt đầu trở lạnh. Buổi sáng thức giấc sớm đi lễ nhà thờ, bước ra ngoài giếng nước múc nước rửa mặt, gió thổi lạnh cóng chân tay, run bần bật. Buổi trưa, ngồi trong lớp mơ màng nhìn ra ngoài trời, thấy nắng đổ xuống, phủ kín đất trời bằng một màu vàng hanh. Càng về trưa thì nắng càng vàng. Vàng như có ai phủ một tấm màn màu vàng trước mặt mình. Cái màu vàng này tôi không thể diễn tả được nhưng nó rất ấm, rất dịu, rất tình. Tình và đẹp như những cô con gái học trường Nữ Trung Học Ban Mê Thuột giờ tan lớp.
Tôi còn nhớ lại, những ngày học trò thơ dại ấy, lòng tôi thường nổi lên những niềm vui nhẹ nhàng êm ái: chẳng bao lâu nữa sẽ đến Noel rồi sau đó sẽ là Tết... Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, lễ lạc chưa chắc đã có quần áo mới mà mặc như thiên hạ, nhà cửa cũng tiêu điều, có muốn bày biện hay trang hoàng gì cũng chẳng có tiền mà mua, nhưng không hiểu tại sao, niềm vui cứ tràn ngập lòng anh em chúng tôi. Có lẽ nhờ hai tuần lễ nghỉ. Có lẽ vì ra đường thấy ai cũng nhộn nhịp vui vẻ, lòng mình cũng thấy vui theo...
Tôi thích nhất là đêm Noel đi lễ nhà thờ, nghe ca đoàn ca những bài thánh ca lúc thì trầm ấm dịu dàng, lúc thì vi vút như trời cao, lòng tôi cảm thấy phơi phới, dịu dàng. Lễ xong về nhà vào lúc quá nửa đêm, cả gia đình ngồi quây quần chung quanh một... nồi cháo gà. Mọi người ăn uống nói cười vui vẻ làm sao. Đến ngày tết, năm nào nấu được một nồi bánh tét thì năm đó nhà coi như một ngày hội, niềm vui lớn quá, không thể nào nói được. Ngồi canh nồi bánh tét ngoài trời, gió thổi phần phật quất hơi lạnh vào người mình. Thế là mình chỉ cần ngồi xích gần bếp lửa một chút nữa thì hơi nóng từ lò lửa nồi bánh tét bốc ra, sưởi ấm mình ngay. Bên cạnh thế nào cũng phải có một đĩa hột dưa hay một đĩa kẹo để mình chấm mút. Sáng sớm, nồi bánh Tét chưa nấu xong thì đã ngủ gục không biết từ lúc nào...
Sáng mùng một Tết, dù tối qua thức khuya nhưng chẳng ai thấy mệt. Nếu có quần áo mới thì mặc vào, nếu không thì mặc bộ đồ cũ nhưng bảnh nhất, đã giặt ủi và để dành từ nhiều ngày qua, đi chúc Tết cha mẹ rồi đến bà con hàng xóm. Lúc mừng tuổi thì luôn luôn được tiền lì xì. Không phải đi học, được đi chơi suốt ngày, trong túi lại có được mấy chục đồng bạc mới tinh thì không vui làm sao được"
Cái mục vui thú nhất là mục đi ra chợ xem người ta lắc bầu cua, vào chợ ăn hàng, rồi đi xem múa lân hay đốt pháo v.v...
Tôi không thể nào quên được những ngày Xuân đầm ấm này...
Nhưng những ngày xanh bình yên qua mau. Quá mau...
17 tuổi, đậu xong bằng tú tài 1, tôi vội vàng từ giã mái ấm gia đình và thành phố Ban Mê Thuột thân yêu lên đường đi lính. Những ngày đầu tiên ở quân trường mới thê thảm và nhớ nhà làm sao. Suốt từ sáng đến tối, đầu óc tôi không nghĩ đến gì ngoại trừ cái thành phố thân yêu cách xa cả một vùng trời, ngôi trường La San đầy kỷ niệm, nơi đã dạy tôi nên người, những thằng bạn trời đánh đã cùng một thời chơi đùa với nhau. Tôi nhớ từng con đường, từng góc chợ, từng khóm cây. Tôi muốn từ bỏ kiếp người, biến thành một con bướm hay con... rệp cũng được, để trở về bay lượn gần những giàn hoa nơi quê nhà yêu dấu nếu làm bướm, hoặc cuộn mình trong đáy một cái giường nào đó nếu làm rệp. Làm gì cũng được, miễn là tôi được ở gần quê hương, được hít thở khí trời dịu dàng tươi mát, được nhìn ánh nắng vàng hoe của những buổi trưa mùa đông lành lạnh...
Nhiều lần quẩn trí, tôi muốn leo rào đào ngũ trở về nhà, suốt đời làm một tên nông dân quê mùa nơi miền đất đỏ.
Nhưng tôi đã không về... Làm nông dân thì chẳng ai cấm, nhưng làm một tên trốn quân dịch thì không ai cho.
Từ quân trường Quang Trung cháy nắng cho đến trường bộ binh Thủ Đức nhọc nhằn gian khổ rồi cũng qua mau. 18 tuổi, tóc vẫn còn xanh, tôi được làm ông Chuẩn úy bộ binh. Tôi biết uống bia, biết chơi bời, ăn nói thường pha những tiếng chửi thề. Những chuyện này chẳng tốt lành gì để khoe, nhưng người ta sao thì mình vậy. Đau khổ hơn cả, tôi bắt đầu biết tập để giết chết những mộng mơ của cuộc đời mình. Tôi không mơ vợ đẹp con khôn, không mơ tưởng được sống một cuộc đời an nhàn hay giàu có, không mơ được sống lâu sống thọ. Mỗi ngày, hàng ngàn người trai trẻ lứa tuổi tôi ngã gục, một ngày nào rồi cũng đến phiên tôi thôi. Làm sao tránh được mà mơ" Đáng buồn nhất, mỗi lần Tết gần đến, tôi cũng đủ lý trí để biết rằng việc về nhà ăn Tết làm một việc không bao giờ có thể xảy ra cho tôi. Nếu lính tráng ai cũng về nhà ăn tết hết thì người đâu để đánh giặc bảo vệ giang san"
Tôi đã đọc ở đâu đó là nỗi mất mát lớn nhất của một con người là cái mất mát sự mộng mơ. Một con người không còn biết mộng mơ, nhất là ở lứa tuổi 18 hay đôi mươi, chẳng khác gì một con suối khô cạn không còn nước. Chín tháng quân trường đã biến thể xác tôi thành một người phong sương rắn chắc, tâm hồn tôi thành chai đá, dạn dày. Tôi không ngờ, chỉ mấy tháng trước, tôi còn có thể buồn được vì một đám mây bay, mắt có thể rớm lệ khi đọc một truyện tình buồn. Bây giờ, tôi là một người lính, sẵn sàng ôm súng lao vào kẻ thù. Mày không chết thì tao chết, đơn giản như thế thôi... Lính mà em.
Nhưng sau trường bộ binh Thủ Đức, thay vì ôm súng lăn vào quân thù, tôi được chính phủ cho ôm... sách vở đi học. Tôi gia nhập KQ, nằm trong lều vải của Tent City ở Gò Vấp để học Anh Văn. Rồi tôi được quân đội dạy cho lái chiếc tàu bay quê mùa nhất, cũ nhất, chậm nhất của QLVNCH là tàu bay L-19. Tàu bay tôi nhẹ đến nỗi, mỗi buổi tối, chúng tôi phải dùng giây buộc nó lại, sợ gió thổi bay mất.
Tôi về phi đoàn 114, đóng ở Nha Trang, chỉ cách Ban Mê Thuột một tiếng rưỡi giờ bay, thế mà, suốt 4 năm ở phi đoàn, đi bay hành quân từ ngày một cho tới ngày mất nước, tôi không hề được về Ban Mê Thuột một lần để ăn tết. Thành thật mà nói, nếu muốn, tôi có thể lên gặp ông trường phòng HQ để xin đi biệt phái Ban Mê Thuột. Nhưng đời tôi, tôi chưa bao giờ biết mở miệng xin xỏ ai, tại sao bây giờ lại hạ mình đi xin xỏ để được ăn tết ở nhà" Hèn quá, không được.
Thế là mỗi một ngày Tết, tôi sách tàu đi biệt phái. Thường thì là những nơi "Xôi Đậu" máu lửa ngập trời như Pleiku hay Phù Cát. Năm cuối cùng, tôi biệt phái Quảng Đức vì trận Bu-Prăng đang diễn ra khốc liệt.
Cũng xin nói thêm, tôi không viết bài này để than phiền ai. Thật ra thì trong phi đoàn tôi chuyện này chẳng có gì là bất công cả mà lại rất tự nhiên. Mình tuổi trẻ, chưa vợ con thì tết nhất sách khăn gói đi biệt phái miền xa là phải rồi, để cho các đàn anh ăn tết ở nhà với vợ con. Mai mốt mình lấy vợ có con, đeo lon... đại úy trên vai thì các đàn em lại đi biệt phái để mình ở nhà với vợ con. Một sự suy nghĩ thật đơn giản và đúng. Chỉ tiếc rằng, tôi chưa đeo được cặp lon Trung úy thì mất nước. Cũng cần nói thêm ở đây, tổ tiên giòng họ nhà tôi xuất thân là nông dân nơi một vùng đất quê mùa hẻo lánh tên gọi làng Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đất của tổ tiên tôi, nhìn ra phía trước là biển mặn chập chùng, quay ra sau là núi đá sừng sững. Nghèo khổ và cơ cực lắm, chỉ có con tim và khối óc mà thôi, chả có gì....
Gia phả nhà tôi mấy chục đời chưa hề thấy ghi có ai được làm quan. Chỉ có ông cố tôi làm tới anh đình trưởng và mấy đời sau, có mình tôi làm được làm quan một tàu bay. Như thế là vinh hạnh lắm rồi. Cái đáng nói ở đây là không biết ngày xưa, ông cố tôi có làm được gì để giúp dân làng Kỳ Anh nghèo khổ đói rách hay không. Thân phụ tôi không hề nói nhưng tôi hy vọng là có. Riêng tôi, tôi chẳng làm được gì cả để đóng góp cho quê hương và tổ quốc mình. Tôi đau đớn lắm nhưng không biết làm sao hơn.
Tôi nhớ có một năm, hình như 1973 thì phải, tối 30 mặc đồ vét đi chúc tết bà con ở Nha Trang, ai mời rượu cũng không dám uống để sáng hôm sau thức dậy 5 giờ cất cánh. Sáng sớm mùng một, trời còn mờ mờ tối, anh em âm thầm vác khăn gói ra tàu, mặt mày méo xệch, đau đớn quá chẳng ai buồn nói với ai một lời. Mở máy gọi đài kiểm soát, chưa kịp thử vô tuyến, cha nội ngồi trong lầu kiếng buông một câu: "Nhân ngày đầu năm mới, xin kính chúc quý vị một năm mới khang an..." Thế là mình cũng giả vờ chúc lại, cố gắng làm ra giọng vui vẻ để khỏi phụ lòng người.
Thử máy xong, đem tàu ra so hàng, tống hết ga cất cánh. Đủ tốc độ, kéo máy bay rời phi đạo lên trời, càng thấy mình cô đơn hơn nữa. Cô đơn đến chết được. Ở trên là trời. Ở dưới chân mình và càng lúc càng xa đi là thành phố Nha Trang đang nằm ngủ im lìm. Mình một thân một mình, chỉ có tiếng động cơ và tiếng cánh quạt đều đều. Rời vòng phi đạo, lấy hướng 220 độ đi Quảng Đức. Nghiêng cánh một phát, không muốn nhìn nhưng cũng phải nhìn xuống một phát. Nhìn để thấy thành phố thân yêu, nơi có người em gái mình yêu và cũng yêu mình đang nằm ngủ một cách yên lành, say đắm. Sóng biển nhẹ nhàng vỗ vào bờ cát trắng mịn dưới chân mình như muốn vỗ về ôm ấp...
Biển ơi là biển, có biết lòng ta chăng"
8500 bộ, trời lạnh run, thò tay mở ADF nghe radio đài Sài gòn, lại nghe được mấy bài hát như "Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…", nhìn chung quanh chỉ thấy trời cao, biển rộng và núi thẳm thì càng thấy thấm thía hơn. Người ta bảo phi công là những người cô đơn nhất thật là đúng trong trường hợp này.
Đáp con tàu xuống phi trường Quảng Đức, bàn giao biệt đội với phi hành đoàn cũ, check với Alo rồi lên xe phóng về biệt đội… nằm ngủ. Ai nói đi ngủ ngày mùng một Tết là một chuyện khó tin nhưng có thật với tôi. Ngày Tết là ngày kiêng cữ, mình lại chẳng quen ai ở cái thành phố xa lạ này thì chỉ nên nằm nhà ngủ cho sướng. Buổi chiều, đại úy Hạnh sĩ quan A-Lô đem sang đòn bánh chưng và chai rượu, rủ chúng tôi nhậu.
Nhậu nửa chừng, nghe radio văng vẳng bài hát:
"Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
Khi thấy hoa đào nở vàng bên nương…
Năm ngoái con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ,
Mà tin con vẫn xa ngàn xa…"
Nghe đến đâu thì muốn đứt ruột đến đó, nhưng biết làm gì hơn được"
Năm 1975, ngày Tết mà phải bay hộc xì dầu và vô tình gặp được một thằng bạn cùng lớp ngày xưa ở Ban Mê Thuột. Thằng An. Nó bây giờ làm một đại đội trưởng của sư đoàn 23 bộ binh, tướng tá phong sương dày dạn hơn tôi gấp chục lần. Tiểu đoàn nó vừa đụng nặng nên được về làm an ninh cho thành phố Quảng Đức. Tôi kéo nó về biệt đội, hai đứa ngồi cưa một chai rượu.
Hai thằng nói đủ thứ chuyện. Từ chuyện ngày xưa đi học, chuyện những đứa con gái mà chúng tôi biết, cho đến chuyện lính tráng, chuyện chiến tranh. Đến một lúc nào đó, tôi than phiền với người bạn tôi rằng dù là phi công, tôi chưa năm nào được ăn Tết ở nhà cả.
Thằng bạn tôi cười méo mó:
-Mẹ bố, nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. Nhìn thấy tụi mày đi bay về có giường nệm ngủ, có điện thoại, có bếp nấu đồ ăn tao bắt thèm. Tao đây, có nhiều khi chỉ mong được dịp cởi đôi giày bố ra chừng vài tiếng đồng hồ và không dám cởi, nói gì đến chuyện ngủ giường nệm...
Rồi nó bắt đầu kể lại cuộc đời lính bộ binh, những lần đụng độ, những lần thoát chết. Thằng bạn tôi đi lính sau tôi, ra trường cuối năm 71. Năm 72, vừa ăn tết xong là nó được nếm mùi lửa đạn liền khi Việt cộng tấn công trận mùa khô năm 72. Nó bắt đầu bằng câu:
-Tiểu đoàn tao chỉ một tháng mà rụng tới ba ông tiểu đoàn trường. Tiểu đoàn trưởng mà còn rụng mau như thế thì lính tráng nói gì...
Tôi ngồi nghe một lúc và chợt thấy mình quả là may mắn và đồng thời, thương cho cuộc đời những người lính bộ binh. Nếu tôi không vào Không Quân thì cuộc đời tôi bây giờ chắc chẳng hơn gì nó.
Đồng ý rằng lính nào cũng có cái khổ riêng, cái nguy hiểm riêng nhưng tôi thấy lính Không Quân chúng tôi, so với những người lính bộ binh, chúng tôi quá sung sướng, quá thọ. Những cực khổ và nguy hiểm của chúng tôi không bằng họ được. Họ là những người gian nan nhất, thiệt thòi nhất, đáng được tôn vinh nhất. Có lẽ vì thế nên khi làm việc với bộ binh, tôi luôn luôn nhiệt tình, hết lòng hết sức...
Tôi nhớ lại năm 72, trong khi sách vở dạy L-19 không được bay quá 3 giờ, có nhiều khi tôi ở trên trời đến gần 5 tiếng đồng hồ. Trận đánh phía dưới diễn ra khốc liệt quá, máy bay khu trục của Mỹ bay đầy trời, nếu không có L-19 hướng dẫn thì họ phải giải tỏa bom đạn rồi bay về. Vì vậy tôi đành ở lại. Tôi không thể bỏ mấy anh em bộ binh được.
Về nhà, dĩ nhiên đâu dám ghi sổ là 5 giờ bay, phải rút xuống chỉ ghi có 3 giờ thôi. Ghi lạng quạng là thế nào cũng bị an phi điều tra, gọi lên gọi xuống làm khó dễ y như là mình phạm một tội ác nặng lắm. Một buổi trưa, đi bay về mệt rã người, chưa kịp thay đồ thì điện thoại reo vang rồi có người nói:
-Nhị, ông Tám muốn nói chuyện với mày.
Tôi cầm điện thoại lên, thế là một tràng những tiếng chửi rủa bay ra:
-Anh là thằng phi công mất dạy, ai cho anh bay thấp như thế. Anh muốn tự tử chết thì chết một mình, đừng có đem ai theo cả. Từ này về sau, hễ tôi nghe báo cáo anh bay thấp nữa thì tôi lôi cổ anh về nhốt.
Tôi nghe lời được vài bữa rồi chứng nào vẫn tật ấy. Mẹ kiếp, tàu bay thám thính mà bay tuốt ở trên cao thì làm sao nhìn thấy Việt cộng được. Tôi chả phải anh hùng gì nhưng mình đã mặc áo lính lái tàu bay ăn cơm chính phủ, mình phải làm việc như thế nào cho lương tâm mình khỏi cắn rứt là được...
Nhưng Tám nói là Tám làm. Sau đó tôi bị nhốt thật. Vào tù, không ai có thể hiểu được tại sao lái L-19 bay thấp lại bị ở tù. Bạn tù tôi toàn phạm những tội tày trời như buôn lậu, săn nai, bán xăng, hiếp dâm, giết người, chỉ có tôi bị tội bay thấp bị nhốt. Tôi đã giấu chuyện này trong nhiều năm, không viết ra sợ đụng chạm, sợ "làm xấu Không Quân", và đồng thời một phần, cũng vì cón sự kính nể người phi đoàn trưởng của tôi ngày xưa, tôi không muốn khơi dậy đám tro tàn. Cái tội của tôi chỉ là tội quá hăng máu yêu nước nhưng phải nằm trong tù chung với những thằng sĩ quan khác phạm những tội như tội buôn lậu bạch phiến, hiếp dâm, giết người, tôi thấy bất mãn thật. Nếu tôi là phi đoàn trưởng, chắc tôi không đối xử với phi công trong phi đoàn như thế. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, có thể nhờ như thế mà tôi còn sống được đến ngày hôm nay....
Tôi không biết...
Rồi năm 1975 đến thật mau, thật ngỡ ngàng. Tôi chạy trốn khỏi nước trong túi vỏn vẹn hai gói mì khô và mấy trăm đồng bạc...
Nhưng, tôi xin sửa lại một câu của danh tướng Mc Arthur mà nói rằng: Người ta có thể đem tôi ra khỏi quê hương, nhưng không ai đem được quê hương ra khỏi tôi...
Những ngày đầu tiên, mỗi tối, tôi leo lên giường, nằm nhắm mắt lại, lần mò về lại thành phố Ban Mê Thuột yêu dấu của mình. Tôi chia thành phố ra làm nhiều khu vực để đi thăm, và không dám đi mau, đi từ từ kẻo hết chỗ thăm...
Ngày đầu tiên, tôi thăm nhà. Ra sau nhà quay nước giếng và đổ đầy mấy phuy nước. Đây là công tác của tôi phải làm hằng ngày khi còn đi học. Rồi tôi giặt hết mấy thau đồ, cũng là một công tác khác mà tôi phải làm. Làm xong, tôi lấy cây đờn, leo lên một nhánh cây mít to lớn quen thuộc, búng phiếm đàn rồi cất tiếng hát một bài nhạc lính: "Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi, thành phố sau lưng ôm mộng ước gì, tôi là người vui chinh chiến dài lâu, nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu..."
Ngày thứ hai, tôi về thăm lại ngôi trường cũ, trường La San Ban Mê Thuột, nơi đã đào tạo tôi nên người. Tôi vào lớp chào từng ông thầy, ông Frère. Ông nào cũng tiếp tôi niềm nở, bảo tôi "Anh mặc áo bay coi oai quá." Tôi cười cười thêm: "Oai và đẹp giai nữa chứ thầy..." Tôi ra sân chơi chính, nơi hằng ngày tôi thường đứng diễn thuyết và mọi người bu chung quanh để nghe tôi nói một cách thích thú. Rồi tôi ra sân đá banh, nơi mà lớp tôi đã từng chiến bại mà.... không hề chiến thắng suốt mấy năm trời trung học. Ở phía sau quán bà Năm, xa xa một chút, là nơi chúng tôi trốn để tụ tập hút thuốc lá. Đây cũng là nơi đã diễn ra những trận oánh lộn chí chóe. Có lần, "pặc-co" tay đôi với thằng Trúc, tôi bị nó đấm bầm một con mắt tại nơi đây. Tôi cúi xuống, sờ từng viên gạch, từng hòn đá, hỏi: "Chúng mày có nhớ tao không, sao tao nhớ chúng mày quá..."
Ngày thứ ba, tôi vào nhà thờ chính tòa, nhìn lại nơi tôi đã quỳ gối mỗi ngày suốt mười mấy năm. Cái nhà thờ này là một hình ảnh lớn trong đời tôi. Chính tại nơi đây, linh hồn tôi đã lớn lên và trưởng thành giữa những bài hát đạo ấm cúng như bài:
Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng,
Thầy yêu chúng con thầy sinh xuống gian trần
Thầy yêu chúng con, thầy ban trót thân mình
Để nuôi chúng con, ngày lữ thứ trần gian...
Hoặc những tiếng cầu kinh rì rầm, nhẹ nhàng, đều đều... những tiếng chuông trong giờ hành lễ v.v...
Tại nơi đây, tôi đã cầu xin đủ thứ. Cầu xin cho mình, cho đất nước, cho gia đình...
Ngày thứ tư, tôi đi ra phố, vào rạp chiếu bóng LoDo xem xi nê. Một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được xem một phim xi nê hay. Gia đình tôi vốn khe khắt nên cấm tuyệt anh em chúng tôi không được bao giờ lai vãng đến rạp hát. Thân phụ tôi bảo rạp hát là ổ của tội lỗi. Vì thế, mỗi lần muốn đi coi xi nê, tôi phải đi lén. Coi được một phim nhiều khi phải tốn hàng tuần lễ để thiết trí kế hoạch và chuẩn bị. Rồi phải kiếm tiền nữa. Đủ thứ cực khổ nhưng tôi luôn luôn coi được những phim mình muốn coi. Nhưng niềm vui coi xi nê không bao giờ được vẹn toàn vì vừa coi xi nê vừa sợ về nhà bị đòn...
Hết phim, tôi ra chợ, đi vòng vòng các cửa hàng, thăm đủ thứ...
Cứ thế và cứ thế, mỗi một buổi chiều, sau một ngày mệt mỏi lao động, tôi leo lên giường, âm thầm trở về thăm quê cũ...
Nhưng dần dần, những chuyến trở về càng lúc càng ngắn đi cho đến một ngày, tôi hoàn toàn bị lôi kéo vào cuộc tranh sống nơi xứ người. Ban ngày đi học, ban đêm đi làm. Tối về đến nhà là thở không ra hơi, lại còn bài vở phải lo làm, tôi ngồi lì ở cái bàn nhỏ vừa là bàn cơm vừa là bàn học, nhiều khi tôi thiếp ngủ đi, đầu gục xuống bàn.
Dù bận rộn nhưng mỗi năm một lần, vào ngày Tết, tôi xin nghỉ việc và nghỉ học một ngày. Nghĩ không phải để ăn Tết mà đóng cửa phòng nằm nhà, ngồi tưởng nhớ đến quê cha đất tổ, nơi cha mẹ anh em bạn bè tôi còn bị đày đọa trong ngục tù Cộng Sản.
Người ta bảo nỗi buồn nào rồi cũng qua đi, tôi thấy đúng. Nhưng riêng tôi, tôi thấy có một nỗi buồn, một nỗi nhớ thương mà loài người không thể nào quên cho được, đó là nỗi thương nhớ quê hương. Có đi xa quê hương như thế này mới thấm thía câu "Hồ Mã Tê Bắc Phong, Việt Điểu Sào Nam Chi."
Và thời gian qua nhanh...
Khoảng năm 1984, Việt cộng cho Việt kiều về lại Việt Nam. Nhiều người Việt Nam tị nạn khắp nơi hăm hở trở về để ăn chơi, hoặc để thăm nhà, hoặc để lấy vợ hay làm gì đó. Mỗi người luôn luôn có một lý do để về Việt Nam. Và chuyện này là chuyện cá nhân của mỗi người, tôi không có ý kiến.
Riêng tôi, ngày nào còn chính quyền Cộng Sản ngự trị trên quê hương thì chuyện trở về thăm nhà sẽ không bao giờ xảy ra với tôi. Tính cho đến ngày hôm nay, đã 38 năm tôi chưa về nhà ăn Tết. Đã gần 32 năm tôi chưa được nhìn lại được mặt trời của quê hương.
Quê hương mình, mình nhớ thật, nhưng, như đã nói, ngày nào Cộng Sản còn thống trị quê hương thì chuyện trở về không có tôi. Tôi là kẻ thua trận. Làm trai sinh nhằm thời loạn, tôi đã mặc áo nhà binh để bảo vệ quê hương mình. Nhưng cuối cùng tôi đã không làm tròn bổn phận, phải bỏ đất nước mà trốn chạy một cách nhục nhã. Tôi không bao giờ quên được những chuyện này nhưng sẽ giữ kín trong lòng và chết đi sẽ đem nó xuống mồ với mình. Tôi không bao giờ nói cho con cái nghe về cái dĩ vãng tủi nhục đau đớn của cha nó. Những gì xảy ra ở Việt Nam sẽ được giữ lại tại Việt Nam. Tôi, tâm trạng có lẽ giống như mấy lời thơ mà Cao Tần đã làm hồi mới mất nước như sau:
Nhà ông khổ hơn người vì đôi cánh,
Những thênh thang bát ngát những trời xanh,
Này cánh đại bàng nhớ chân trời thẳm,
Thôi cuối tuần này lên núi cùng ta...
Trên núi cao ta biết rành một chỗ
Có hòn đá xanh có gốc thông già
Ngồi trên đá ông sẽ thành Trang Tử
Hồn nhẹ bay theo bướm lượn chiều tà...
Tôi còn quá trẻ và quá yêu đời để làm Trang Tử, và tôi càng không dám làm đại bàng, nhưng tôi biết tôi khổ hơn người vì sự suy nghĩ, vì còn có liêm sỉ, vì còn biết tủi nhục là gì. Dù làm một kẻ lưu vong sống âm thầm tủi nhục nơi xứ người, tôi ráng sống một cuộc đời còn lại của mình một cách thanh bạch và lương thiện. Tôi áp dụng đúng câu châm ngôn đã học được ngày còn ở những lớp Tiểu Học, đó là: Giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch, và đem hết nghị lực ra làm việc...
Mùa hè năm 2005, trận bão Katrina kéo đến tàn phá quê hương thứ hai của tôi, thành phố New Orleans. Hồi đó tôi đã tính không chạy bão, nhưng lúc ấy chân phải tôi bị gẫy, tôi biết nếu thành phố ngập nước, tôi ắt khó mà nổi được với một cái chân què, nên đành phải phóng xe đi. Tôi tính chỉ đi vài ngày rồi trở về, không ngờ, đến bây giờ là đã hơn một năm, vì công ăn việc làm, tôi vẫn còn "lưu vong" tại Dallas. Cứ ba bốn tuần một lần, tôi bay về nhà, thăm vợ con vài ngày rồi lại bay đi. Mỗi lần lên phi trường về lại Dallas, tôi lại có cảm tưởng như mình đi... biệt phái hồi xưa. Có khác chăng là hồi xưa đi biệt phái mình chẳng có vợ con, tuổi còn trẻ măng, chẳng biết lo lắng gì. Bây giờ, tuổi đời chồng chất, vợ con bận bịu, nhiều lần ôm con từ giã mà ruột đứt ra từng khúc...
55 tuổi là cái tuổi quá lớn để tìm bạn mới, và quá trẻ để về hưu, vui thú điền viên. Tâm hồn tôi bây giờ cũng cằn cỗi nhiều, ít ham đi đâu, và thành phố Dallas lại quá lớn, chằng chịt đường xá, nên tôi nằm nhà tối ngày. Cái thú vui của tôi bây giờ là cái... màn ảnh máy điện toán. Qua cái màn ảnh này, tôi đọc thật nhiều và cũng viết thật nhiều...
Tôi không viết bài này để than thở. Biết đâu chừng, nhờ những ngày "lưu vong" này ở Dallas, tôi có thể viết được một tác phẩm lớn để đóng góp với đời...
Trong khi đó, xin kính chúc quý vị một lễ Giáng Sinh an bình và một năm mới hạnh phúc....
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
Dec 14, 2006
Những ngày lưu vong Dallas
No comments:
Post a Comment