Những Mùa Xuân Đi Qua
Hình minh họa
Mấy hôm nay trời vẫn có nắng tuy khí hậu rất lạnh. Tôi hồi hộp nhìn những bông mai vàng của Mỹ đang nở sớm, hoa hồng vẫn còn ra nhiều búp, hoa giấy mọc xum xoe tươi đỏ, hoa chuối may mắn còn một nụ đang nở. Tay run run nâng niu những đóa hoa thầm cám ơn chúng vẫn chưa tàn trong thời tiết giá đông.
Không khí Tết đã thấy xuất hiện các mặt hàng nơi những khu vực Senter, Lion, và trong khu Grand Century Mall của người Việt Nam. Nghĩ đến những năm trước vào lúc cận ngày nên khó tìm parking. Người ta đậu xe liều ngay cả nơi không dành riêng cho parking. Xe vào không được ra cũng không xong, tôi bắt đầu thấy chóng mặt, nghẹt thở bởi những tiếng còi chung quanh, nên sợ hãi thúc ông xã về lẹ, không cần mua gì nữa cả. Ghé những ngôi chợ địa phương và Chùa mua đại khái.
Năm nay tôi đi sớm hơn vào khu Century, trước sân đã thấy những chậu hoa Mai, hoa Đào, hoa Lan được lồng trong bao ni lông vừa nở búp. Hai tiệm Ô Mai và Eurasia hàng bày xôm tụ nào là khô bò, khô mực, chà bông, xí muội, maggi Pháp, bơ Bretel, Pate’, bánh kẹo Pháp… v...v… trông thật mát mắt đầy cám dỗ. Nghĩ đến vài người mình quý mến ở xa nên tôi lựa ít thứ trong đó có cả mứt VN làm quà Tết. Tôi mua đủ các thứ cho Tết những thứ cần mua trước, và dự tính những thứ cần mua sau ở Chùa. Về nhà bày các thứ trên bàn, nhìn thẩn thờ, một vùng ký ức dần dần hiện ra trong tâm trí ...
Khi 5, 6 tuổi gần Tết, mẹ mua vải dẫn tới chị thợ may đầu xóm đo kích may áo đầm mới. Ba ngày Tết tung tăng chạy nhảy vui mừng được mẹ, các bác đến chơi lì xì đầy bọc. Lên Chùa theo mẹ được các sư chú, thầy vỗ đầu cho bọc bánh in đủ màu. Tôi còn nhớ rõ hồi đó bánh in màu lục, vàng là đậu xanh khô, màu trắng là bột bình tinh, màu gạch là bột nếp, bánh vo tròn là đậu xanh táng hơi ướt. Được quà, tiền, được ăn xôi chè, còn niềm sung sướng hạnh phúc nào bằng làm cái đuôi theo mẹ.
Năm Mậu Thân, tôi 12 tuổi. Ngày mồng một được bọc tiền lì xì tôi bị cám dỗ bởi mấy sòng tôm cua bầu cá bày ra đầu ngã tư Đoàn thị Điểm. Chơi suốt ngày chị tôi gọi về dùng cơm cũng không màng vì ăn bạc nhiều quá, đa số chủ sòng mở hộp lắc ra đều trúng 3 con cua, 3 con cá… v...v... Lúc thấy nhiều tiền và trời cũng tối thì tôi ngưng chơi vì sợ bị thua lại.
Sáng mồng hai, mở mắt thức dậy tôi rờ túi tiền định bụng chạy đi chơi tiếp, nhưng nhìn ra ngõ thấy hiện tượng lạ vì cả xóm xôn xao đứng nhìn phía Đại Nội. Tôi tò mò ra xem chuyện gì, bà con chỉ về hướng Phu Vân Lâu đang treo ngọn cờ đỏ sao vàng. Anh chị và mẹ vừa thấy mặt tôi lên tiếng la:
- Không được đi đâu hết, con nít mê bài thấy ớn
- Vì nó mà VC vô đó
Tôi giận ghê thà đánh mình về tội mê bài chứ đổ tiếng oan VC tấn công là uất ức lắm, (sau này mới biết người lớn ưa chọc ghẹo… út cưng). Lúc ấy trong bụng tôi nôn nao muốn biết mấy bàn tôm cua bầu cá còn mở ngoài ngã tư không, thật tình cái chân muốn chạy và cái bụng buồn vô hạn. Bà con đứng chỉ chỏ lá cờ, bàn tán hoang mang một hồi, bỗng nhiên có tiếng đạn âm thanh nghe “xiu, xiu” bay, mọi người hét lớn:
- Chạy vô nhà lẹ, VC bắn.
Mấy mẹ con ùa nhau chạy vào, anh tôi chạy sau cùng, vừa đóng cửa thì đạn găm ngoài rớt xuống. Chậm một phút thì anh tôi trúng đạn, một phen hoảng hồn. Ngày sau gia đình bạn mẹ kéo thêm hai gia đình nữa từ vùng Cầu Đất xuống tạm trú. Tôi thật vô tư thấy nhà đông người mừng vui, có bạn đồng lứa đùa giỡn. Nhà có cây mít rất nhiều trái, ngày nào mẹ cũng hái nấu canh cho mọi người ăn. Tôi thuộc loại chân chạy chịu không được rủ bạn ra nhà Dung đầu đường, chúng tôi đứng nhìn tới cổng Đại Nội thấy bóng bộ đội vác súng đi lui tới canh gác. Giai đoạn này rất nhiều nhà bị pháo kích, trong đó có Mụ Chua cùng con cháu 7 mạng chết trọn, người ta phải quấn chiếu di chuyển tới hồ Tịnh Tâm (cuối đường nhà tôi) chôn tạm cùng nhiều người chết khác nữa. Tôi thương tiếc Mụ Chua hay ngồi quạt bánh tráng bán cho chúng tôi trên đường đi học mỗi ngày.
VC rút lui, ngày nào cũng diễn ra cảnh nhà bị pháo kích sập. Tôi siêng chạy đi xem, chứng kiến cảnh chết chóc, gào thét thê lương của nạn nhân. Đến chơi nhà bạn có ông anh bị mất tích, mẹ bạn trở bệnh như người điên. Anh chị Tuấn hàng xóm, cha sống dưới làng Phú Lương bị VC bắt sống, con cái cúng quẩy cầu hồn nhập người khác về khóc lóc thảm thương. Bác sĩ Đệ bị bắt đi trong khi vợ mang bầu sắp sinh.... Sau này những nạn nhân bị VC bắt, gia đình họ tìm được xác với hình ảnh thương tâm là xác chết bị trói cột tay chân bị chôn sống thật khủng khiếp. Đi đâu cũng nghe tiếng khóc, ra đường thấy toàn hình ảnh người mặc vải chế bịt khăn tang ...Tôi biết thấm buồn và hiểu thế nào là tội ác của VC đã giết hại dân lành trong mùa Tết đến. Đó là một cái Tết nhớ đời nhất.
Sau mùa xuân đó, trí óc tôi mở dần nhìn quanh: hình ảnh quen thuộc đau thương của những người thiếu phụ còn rất trẻ tuổi đã chít vầng khăn tang, của những chuyến xe chở lính trận bị thương vào Quân Y Viện trong Mang Cá, của dân làng lánh VC chạy lên thành phố sinh sống chung quanh xóm. Mắt tôi hết ngây thơ, tâm hồn bắt đầu trĩu nặng suy nghĩ về chiến tranh.
Lớn dần tuổi thiếu nữ ngày Tết cũng chạy loanh quanh nhà hàng xóm chơi bài xì lát, đầu năm đi Chùa nhưng không còn đi với mẹ mà ưa đi với bạn bè. Chiếc áo dài đầu đời màu tím lúc 18 tuổi, do người chú thất lạc đã lâu, liên lạc lại được gia đình. Chú ở xa gởi tiền cho 2 chị em may mặc Tết, chị tôi lựa vải màu vàng, còn tôi thỏa mãn ước mơ cầm trong tay xấp màu tím. Lần đó tôi bị mẹ la “đầu năm chẳng biết kiên cử, đi chọn màu áo buồn”.
Sau 1975 những cái Tết đói rách thiếu thốn kinh khủng. Nhà nước bán mỗi đầu người mấy cân vừa ít gạo, sắn khô, khoai khô, hoặc bo bo, hoặc may mắn lắm được nhúm mì sợi. Mẹ tôi nâng niu nhúm mì sợi để dành Tết dùng việc cúng giỗ đón đưa ông bà. Có lần ngồi cả đám bạn nói chuyện về Tết, ai cũng lạy trời đừng bị ăn khoai sắn khô nữa. Đứa mơ ước được ăn tô bún bò mụ Rớt có 2 miếng mỡ rệu cột dây chuối, đứa muốn có tiền ăn tô mì hoành thánh ông Biên nơi đường Chi Lăng, tôi chỉ ước nồi cơm trắng ăn với dưa cải kho ruốc, nhưng mà mơ chỉ để mơ, giấc mơ xa vời quá với những hột cơm trắng thời ấy.
Khi qua Mỹ, chẳng có ngày Tết, cúng giỗ thức ăn thì ê hề, bánh trái ngập mặt nhưng mồng một, mồng hai đều như ngày bình thường vì bận đi làm đầu tắt mặt tối. Còn nhớ thời gian làm hãng Kyle Design, ngày mồng một, cô manager cùng boss hiểu ngày Tết VN sao đó, bàn tính xuống họp nhân viên hỏi ai muốn nghỉ thì ghi tên, nhưng giai đoạn đó đa số sinh viên vừa làm partime vừa học, còn tôi mới chỉ được nhận tạm thời không có benefit, chị bạn tự nhiên phản ứng “no, no, some body keep to work...” Hai người đứng nhìn nhân viên trố mắt ngơ ngác như thầm hỏi “Tết chúng mày tại sao không nghỉ”, chứ họ đâu có biết dân Việt qua đây chăm cày, bòn nhặt từng đồng gởi về cho cha mẹ, nào ai dám để mất lương dù ít tiếng chứ đừng nói tới 8 tiếng.
Ngày mồng một Tết năm khác cũng thật buồn cười: rằng ngày đó phải tổng vệ sinh và sắp đặt lại hàng hoá. Tôi chui dưới gầm bàn chùi dọn, di chuyển đồ đạt, vô ý đầu bị đụng sưng u lên, chị bạn lấy đá đắp chỗ sưng, vừa xoa vừa cười ha hả:
- Mẹ ơi ! bên VN mẹ cử kiêng đủ chuyện, nào là rác có đầy ngập cả nhà, hột dưa có vãi tứ tung, dầu có dẫm nát, mẹ cũng cấm dùng chổi quét 3 ngày Tết, sợ...tiền bạc đi ra cả năm. Giờ thì mẹ có biết con đang quét rác, chui đầu bị màn nhện dính đầy tóc, còn sưng quả trứng gà trên trán nữa...hi...hi...
Mấy chị em VN cười oà lên, chỉ có con Kayden, con Lisa có hiểu gì đâu, thấy chị em cười cũng cười theo, nhưng cũng chẳng ai rảnh rỗi giải thích, có giải thích mấy bạn cũng khó hiểu, chỉ có dân tỵ nạn VN mới hiểu.
Năm năm về sau, boss làm ăn khấm khá, và chúng tôi cũng được hưởng quyền lợi ngày nghỉ, đặc biệt chủ cho thêm ba người VN ngày mồng một nghỉ được ăn lương. Bản tánh người VN cần cù, hy sinh và có trách nhiệm. Công việc liên hệ các khâu, giấy order mỗi ngày đem xuống, người shipping chờ khâu sản xuất, có những mặt hàng cần gấp một ngày, hai ngày. Mỗi người ôm một số mẫu của mình, có thể người khác chưa làm được, nên dù được nghỉ Tết ăn lương nhưng chúng tôi không yên tâm. Suy nghĩ qua xứ Mỹ, được đổi đời có cuộc sống sung túc, được có công ăn việc làm, được chủ thương thì cũng biết hy sinh làm tốt cho business của chủ. Từ đó mới có nhà, an cư lạc nghiệp và nuôi cha mẹ, giúp anh em chốn quê hương, nên chúng tôi để dành ngày đó cho lúc khác. Nếu may mắn mồng một lọt vào ngày cuối tuần thì khỏi lo, mọi người đều được hưởng không khí Tết.
Gia đình nhà chồng tôi may mắn đoàn tụ trọn vẹn, anh em lập gia đình sinh con cháu tổng cọng hơn 50 người, có nhà Từ Đường con cái góp chung để cha mẹ vui thỏa mãn việc cúng giỗ từ đời ông bà Cố. Mẹ chồng tôi hiền như Phật sống, lúc ở VN chẳng động móng tay thời huy hoàng. Qua Mỹ thấy các con đi cày đầu tắt mặt tối, mẹ chồng bắt tay vào việc nấu ăn. Ngày thường và ngày Tết bà chu đáo việc cúng giỗ, mâm trên mâm dưới kính cẩn gia tiên. Khi mẹ chồng yếu kém sức khỏe, gọi con cái và mếu máo khóc:
- Con ơi Tết nhất không lo được mấy mâm cơm, Mạ đau lòng và thương người đời xưa quá.
Từ đó các con dâu, con gái đi làm xin về sớm, hoặc đặt mua thức ăn, hoặc chung nhau nấu dâng lên bàn thờ. Ba chồng ăn chay trường nên chỉ muốn cúng giỗ bằng những món chay, ông nói
- Cúng chay thì tránh nợ máu súc vật, dâng hiến những món chay tạo thêm phước đức. Trước tiên cầu nguyện dòng họ nhiều đời nhiều kiếp đã quá vãn dễ được siêu thoát. Sau nữa sẽ sinh khởi tánh từ bi với muôn loài, buông giảm tham, sân, si lợi lạc cho đời sống của mình.
Ba chồng tôi rất có uy, nói gì con cái nghe răm rắp. Dù ngày mồng một bị nằm trong tuần, nhưng tối đó phải tập trung tất cả nơi nhà Từ Đường. Thắp hương, chúc Tết ba me, lì xì các cháu bắt phải chúc Tết bác, chú, cô, dì, thím, mợ bằng tiếng Việt. Các cháu học thuộc lòng một câu trước đó:
- Chúc...phước lộc dồi dào, sang năm sinh con trai...
Gặp lúc bà mụ (chị ông nội) đến thắp hương, cháu cũng áp dụng câu chúc với bà mụ trên 80 tuổi, người lớn cười ồ lên làm cháu mắc cỡ chạy trốn. Màn kế tiếp là ăn uống vui chơi, người lớn chơi bài xì lát, trẻ nít bày bàn Bầu Cua Tôm Cá. Có điều lạ lúc nhỏ tôi mê cờ bạc, bây giờ chẳng thích, chẳng hề tham gia một ván nào, những lúc mọi người chơi bài thì tôi chỉ biết xem ti vi.
Bao mùa xuân đi qua... giờ đây sắp đón Tết Quý Mão. Ba mẹ chồng, ba mẹ tôi lần lượt qua đời, rồi đến anh tôi, anh chồng đều từ giã cõi trần. Nhìn quanh thấy trống vắng dần dần, ngay đến bạn bè cũng đứa còn đứa mất.
Càng gần Tết càng nhớ quá mẹ ơi! ký ức quay về thời điểm mấy ngày cận Tết. Thương mùa lạnh xứ Huế, mưa thúi đất thúi đai. Trường tổ chức văn nghệ mừng xuân, tập hát những bài đồng ca và tập vũ khúc, rồi cắm trại. Một tuần nghỉ ở nhà, khoảng 24, 25 âm lịch mẹ bắt đi theo, đem cuốc xẻng, đem trái cây xôi chè, thức ăn lên mộ ông nội được chôn cất nghĩa địa hướng Nam Giao gần chùa Từ Đàm. Đi hai chuyến xe đò từ nhà ra chợ Đông Ba, chuyển xe lên Nam Giao. Hai mẹ con nhổ cỏ, dọn dẹp sạch sẽ xong bày các thứ ra cúng xong, mẹ phân phát các trẻ chăn trâu loanh quanh gần đó, nét mặt mẹ vui hẳn lên như vừa làm xong bổn phận với ông nội.
Mỗi tối ngồi bên bếp lửa than ngào mứt gừng, mứt dừa, sấy bánh đậu xanh vo tròn phụ mẹ gói giấy gương. Anh tôi được giao công việc dọn bàn thờ, lau chùi lư đồng. Ngày càng kề cuối năm thì công việc chạy nước rút, mẹ mua sắm lung tung, làm thêm thịt đông dầm nước mắm đường, làm dưa cải chua, giò thủ, gói bánh tét. Ba mươi Tết chúng tôi làm việc vặt phụ mẹ nấu cơm mời ông bà về ăn Tết. Mẹ nấu thịt kho măng, canh giò heo với cải bẹ xanh bỏ bún tàu, gà rô ti, tôm kho thịt, kim châm xào giá...Bàn thờ trang hoàng bánh trái hoa quả sáng trưng, chưa kể các am nhỏ ngoài sân nữa. Xong buổi giỗ trưa chị tôi lo vặn máy nước đổ tràn bể, tôi quét sân trước sân sau sạch sẽ. Ngày Tết như có điều gì thôi thúc mọi việc phải thay đổi mới mẽ, chị em đua nhau ủi quần áo, tắm gội, dọn đi dọn lại những gì còn sót, đó là những cái Tết trước 75 đầy ấm cúng...
Càng sống với kỷ niệm, lòng càng tìm thấy sự ấm cúng khôn nguôi dù chỉ trong khoảnh khắc. Niềm cảm xúc dâng lên, tôi thèm được nghe nhạc ru ấm tình quê hương. Mở Google tìm những bài xuân, nhớ về người bạn năm nào chiều cuối năm, bạn đến rủ tôi đi nhìn tàn dư của năm cũ, sau khi công việc dọn dẹp nhà cửa và cúng giỗ đã xong. Hai đứa đèo nhau chiếc xe đạp, xem quang cảnh chiều 30 Tết, ngang quán cà phê nghe tiếng hát Anh Khoa dội ra “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa. Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa. Em đứng chờ tôi dưới song thưa. Tôi đi qua đầu ngõ. Hỏi nhau thầm xuân đã về chưa”
Bản nhạc nghe khiến lòng nao nao, bồi hồi cảm giác buồn hiu như thôi miên chúng tôi. Nhìn quán vắng chỉ vài người ngồi rải rác bất động như những kẻ cô độc xa nhà. Chúng tôi đang mặc quần áo dành khi lúc ở nhà, cũng liều gan dừng xe bước vào. Đúng là những tâm hồn đồng điệu mê nhạc, nay thì bạn đã vùi sâu dưới lòng đất lạnh với giấc ngủ bình an cách đây hơn 5 năm.
Tôi miên man tìm những bản nhạc xuân lời lẽ réo rắc “Xuân đã về anh có hay..., Đón Xuân, Xuân này con không về” ....v..v... Đặc biệt tôi ưa nghe đi nghe lại bản nhạc tình lãng mạn để tìm chút hương xuân trong lòng, tiếng hát Tuấn Ngọc cất cao, hồn mây mưa theo cuộc tình của ai đó, hay trở về dĩ vãng xa vời ...
Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau
Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu
Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi
Ngày xuân vẫn trôi tình mình vẫn hoài thương nhớ đầy vơi
Trời dào dạt sóng gió reo mùa đông
Chìm trong giá băng bóng xuân mịt mùng
Vì mình xa nhau nên xuân vẫn mãi xa vời chốn nao
Còn thương nhớ nhau còn nặng u sầu muôn kiếp về sau ...
Mùa xuân vẫn tiếp tục đến, dù không còn cảm giác nôn nao chờ đón. Nhưng thói quen về ngày Tết vẫn in sâu hình ảnh người mẹ thờ cúng cha mẹ chồng, đi tảo mộ dù không có chồng bên cạnh. Người mẹ nâng niu gói ghém những sợi mì khô cẩn thận để dành cho đám giỗ, dù hoàn cảnh có cơ cực thiếu thốn vẫn cố gắng có mâm cơm dâng cúng ông bà. Cũng như bà mẹ chồng tay run, chân yếu buồn rầu ứa nước mắt lo lắng không đảm được mâm cơm cúng tổ tiên. Hình ảnh những người mẹ đã truyền lại thế hệ chúng con niềm thương kính vô bờ, nhận thức được cái đẹp của người phụ nữ đảm đang hiền hậu.
Chúng con vẫn cúng giỗ, sum họp đại gia đình ngày Tết, duy trì tập quán quê nhà để không phụ lòng cha mẹ đã giữ gìn truyền thống tốt đẹp nơi xứ người.
Minh Thúy Thành Nội, Xuân 2023
No comments:
Post a Comment