Lời trần tình trong lửa đỏ
(Để nhớ lại những ngày đầu hè đỏ lửa, 1972)
Người lính Mỹ to lớn kềnh càng và nặng như một khối đá, Vinh cố hết sức nắm sợi dây ba chạc trên vai của anh ta kéo đi, mà cái thân xác máu me ấy vẫn chỉ cứ có thể nhích đi từng phân một. Vinh nằm ngửa thở hổn hển, luồng hơi từ cổ họng chàng ào ạt tuôn ra ngoài không khí, lục cục như tiếng người ta kéo ống bể lò rèn. Chàng không được phép để thứ âm thanh chết người này vang vọng đến trên cánh đồng cát trắng hoang dã ngoài kia, nhưng chàng không thể kềm nén những tiếng thở lớn. Vì chàng đã kiệt sức, những giọt năng lực cuối cùng đã lụn tàn dần trong từng sớ thịt của mình. Nhưng dẫu cho thế nào, thì Vinh cũng phải kéo “thằng Mỹ” càng xa “tụi nó” càng tốt. Khổ nỗi, chàng phải kéo trong tư thế nằm, chứ nếu chàng khơi khơi cõng anh chàng Mỹ chạy, chắc chắn cả hai sẽ ăn… kẹo của địch liền. Chỉ mới có một khoảnh khắc không lâu từ hồi giữa trưa, khi nghe lệnh ông đại bàng chỉ huy bảo… chạy, gã Đại Úy Mỹ phóng ra cái vèo, nhanh như một con beo rừng, Vinh nghĩ rằng cái thân xác to như một con gấu của hắn có thể làm cái… khiên che tối ưu, nên chàng phóng ra bám theo hắn bén gót. Dù đang trong cơn hối hả, Vinh vẫn có thể cảm biết được nhiều tiếng chân chạy thình thịch phía sau chàng. Như vậy, đến phiên Vinh làm cái mộc che cho một người lính nào đó ngay bên lưng.
Từ căn hầm ngầm trong Chi Khu Mai Lĩnh muốn thoát ra khỏi vòng rào Chi Khu, Vinh phải phóng cật lực như một lực sĩ chạy một trăm thước ngang qua cột cờ, trên một khoảng sân trống, mà bất cứ một pháo thủ rất tồi nào của địch cũng có thể nhiều đạn xuống, không trúng chỗ này thì cũng trúng chỗ kia. Mọi người đều được lệnh phải chạy như điên, hoặc là sẽ không bao giờ ra khỏi Chi Khu Mai Lĩnh, vì ba bên bốn phía đã bị địch vây kín, với đủ loại súng đã chõ vào, cứ thấy thấp thoáng bóng áo lính là phơ không thương tiếc. Hồi sáng, bọn chàng đã thử phóng ra một lần, nhưng phải dội ngược trở vào, vì dàn nhạc của địch chơi rất… khá. Hai bên kềm giữ nhau từng tấc đất một. Bên trong chẳng thể xông ra, mà bên ngoài cũng khó có thể tấn vào. Nấn ná mãi đến trưa, đại bàng quyết định: đến tối mà không ra khỏi Mai Lĩnh, là coi như tàn đời, khỏi có mặc áo lính nữa đi, mà là áo quan, hay ít nhất cũng áo…tù. Anh chàng Đại Úy Mỹ làm gương trước, chẳng gì cũng là cố vấn, quan trên trông xuống quân ta trông vào, chẳng lẽ thua kém những người lính mà hắn cố vấn sao. Nên chi hắn phóng ra như vũ bão, với một quyết tâm thà chết giữa sân Chi Khu, hay trên đường bôn tẩu, chứ để tụi nó tóm được trong hầm rồi kéo ra cột cờ tặng cho mấy phát thì bể mặt anh hùng quá.
Không biết nhờ phép mầu nhiệm nào mà đoàn người trong Mai Lĩnh chạy ra khỏi vòng rào Chi Khu dưới những cơn mưa đạn nóng đỏ rát mặt từ mọi phía trút vào. Những dãy mái tôn ầm ầm tiếng đổ vỡ điếc óc, từng cột lửa nhoáng lên chóa mắt, đạn bắn và miểng bay sàn sạt trên đầu, bụi đất cuốn lên mù mịt như một cõi hỏa ngục có thật. Trong những ngày đầu hè ở vùng đất tội nghiệp này, cả một khoảng không gian bao la bát ngát hừng hực cơn nhiệt nóng của những luồng gió Lào cuốn sang từ phía Tây, đến cát đá cũng oằn oại than van. Nóng kinh khủng đến đỗi đá cũng phải đổ mồ hôi, nên con sông chảy qua thành phố Quảng Trị đã mang tên Thạch Hãn, là Con Sông Đá Đổ Mồ Hôi.
Vinh đang cật lực chạy theo anh chàng Mỹ, thì bỗng dưng chàng nghe hắn thét lên một tiếng đau đớn và ngã lăn ra. Cái thân xác to lớn của người lính Mỹ lăn lông lốc từ trên chóp đụn cát xuống. Chân đồi lác đác những bụi cây thấp phủ đầy bụi xám, người lính Mỹ rơi đúng vào một cái bụi cây, nhưng cái trớn lăn quá nhanh và sức nặng của hắn đã nghiến lên, càn qua bụi cây, rồi tiếp tục lăn xuống, cho đến khi đầu hắn tông vào một gốc cây thùy dương. Trong lúc đó thì vì bất ngờ, nên Vinh cũng trượt xuống đồi cát thê thảm không thua gì “thằng Mỹ”, nhưng được cái còn chủ động tất cả các giác quan, nên dù khá là khó khăn, chàng vẫn hãm được đà lăn. Vinh hối hả bò tới bên người lính Mỹ. Thắng chợt từ phía sau chạy tới lo lắng hỏi :
– Vinh, mày cần giúp gì không ?
Vinh ngước lên cảm động nhìn khuôn mặt đen nhẻm của bạn. À, mày cũng thoát được như tao. Vinh khoát tay :
– Mày kêu mấy thằng đem cáng, rồi mày gom tụi lính tới đây, mình cùng di tản với nhau.
Thắng gật đầu chạy đi. Những chờ mãi, chỉ chừng năm mười phút thôi mà Vinh có cái cảm tưởng như là dài hàng thế kỷ. Thắng đã không trở lại, mấy người lính cứu thương cũng chẳng thấy đâu. Vinh nào biết rằng, Thắng, người bạn cùng khóa với chàng, cùng rủ rê chàng đi lính thứ dữ này, rồi làm phó cho chàng, vì chàng lên lon nhanh hơn nó, nhờ dũng cảm cũng có hay may mắn cũng không chừng, đã cùng với mấy người lính khiêng cáng để lại chút da thịt trong một cái hố lớn sau một tiếng nổ kinh hoàng. Tất cả chỉ còn có thế, nhưng Vinh nào đâu biết. Thắng, bạn chàng, và những người lính đã đớn đau biến mất vào cõi thinh không. Vinh đưa mắt nhìn người lính Mỹ nằm gục đầu bên gốc thùy dương. Vinh trông thấy một vầng máu đỏ bên đùi của anh ta, hắn chỉ bị thương chứ không chết, có lẽ cú va chạm quá mạnh đã làm hắn ngất đi. Chẳng lẽ bỏ “thằng Mỹ” nằm ở đây thì còn gì là tình nghĩa huynh đệ chi binh nữa, Vinh nghiến răng xốc hắn lên vai. Vinh không chắc là có thể cõng được anh chàng này đi xa, người Đại Úy Mỹ nặng quá, dễ phải đến hơn một tạ gạo, mà con đường trước mặt dài thăm thẳm và dường như đến vô tận.
Vinh mấy lần sụm xuống úp mặt trên mặt đất, miệng mồm, mắt và mũi chàng đầy nghẹt những cát, trong khi cái xác thân của người lính Mỹ nằm phủ trên lưng chàng, hơi thở của hắn phà lên cổ chàng. Vinh mừng thầm trong lòng. “Thằng Mỹ” còn sống. Vinh phun cát phèo phèo, cát lạo xạo giữa hai hàm răng, lưỡi chát đắng. Chạy và té, Vinh mơ màng vác người bạn Mỹ đi mãi, đi mãi như trong cơn mộng du, cho đến khi chàng nghe dậy trên cánh đồng tiếng xích sắt và loáng thoáng nhìn thấy những chiếc áo màu rêu mốc, với những chiếc nón cối xanh ken đặc trên màu cát trắng, như những đàn kiến hung hãn. Tiếng đạn nổ rền ngoài phía quốc lộ, lóc bóc, cạch cạch, đùng đùng và tiếng ùng oàng của pháo. Hai bên vẫn tiếp tục giao tranh. Một bên di tản và một bên truy đuổi, trong khi Vinh như một con chim lạc bầy. Chàng ngơ ngác và ưu phiền nhận biết rằng, chỉ mỗi chiếc áo lính khác màu của mình và anh chàng Mỹ đang ở giữa những sắc áo tương phản của “tụi nó”. Từ phía cuối mắt, Vinh dường như trông thấy một khối sẫm nổi lên trên màu xanh trong của không gian, chàng ngã xuống giữa những đụn cát để tránh sự quan sát của địch và kéo người lính Mỹ về phía đó. Không biết chàng đã chạy được bao lâu và bao xa, nhưng những tia nắng cuối cùng của một ngày đã chỉ còn là một thứ ánh sáng hồng hừng lên phía sau đỉnh những đồi cát. Vinh hổn hển nằm sấp, vừa trườn vừa kéo người lính Mỹ nhích dần từng phân một về phía cái khối đen. Nó là cái chỗ duy nhất mà chàng và người lính Mỹ có thể trú ẩn trong đó giữa cơn binh lửa. Đến một lúc, Vinh cố ngước mắt lên nhìn, trước khi chàng không còn nhận ra được nó trong bóng đêm. Vinh bỗng kêu lên trong lòng, không biết là mừng rỡ hay buồn rẩu. Nhà Thờ Đức Mẹ La Vang đây mà. Nhưng ngôi thánh đường không còn là cái nhà thờ lúc chàng cùng đơn vị hành quân qua đây mấy ngày trước nữa.
Chỉ mới có mấy ngày dâu bể mà ngôi vương cung thánh đường đẹp đẽ, cổ kính và trang nghiêm đến thế kia gần như đã trở thành một đống gạch vụn, chỉ còn lại cái mái trơ vơ, kèo cột nổ tan hoang và cháy đen làm thành những lổ hổng rộng thênh thang nhìn lên bầu trời xanh trong. Những bức tường đã bị đạn pháo đốn ngã gục nham nhở, gạch đá ngổn ngang chắn lối. Vất vả lắm Vinh mới kéo người lính bạn vào được bên trong ngôi thánh đường. Chút ánh sáng của buổi chiều còn vương vấn bên kia bức tường thấp cho chàng thấy cảnh tượng đổ nát tang thương bên trong. Vinh rên lên trong lòng. Mấy ngày trước, chàng còn vào đây cầu nguyện Đức Mẹ Maria phù hộ cho chàng và lính của chàng được bình yên giữa cơn bão lửa đạn. Giờ đây những hàng ghế nguyện ấy đã gục gãy chỏng trơ nằm xơ xác giữa những khối đất và đá gạch, dồn thành một cái núi nhỏ chận bít mất lối đi ở giữa. Vinh cố nhóng lên nhìn về phía bệ thánh, trời ơi, Vinh kêu lên khe khẽ trong một trạng thái kinh dị tột độ. Tượng Đức Mẹ La Vang vẫn còn đứng kia, hai tay giang rộng trong một cử chỉ bao dung che chở.
Nhập nhoạng tối mà Vinh vẫn có thể cảm nhận được ánh mắt huyền nhiệm dịu dàng của ngài đang đăm đăm nhìn chàng. Vinh là người ngoại đạo, nhưng chàng tin có Chúa ngự trên cao. Toàn ngôi nhà thờ đã vỡ nát thành trăm nghìn mảnh, nhưng mà phép nhiệm mầu nào đã bảo vệ toàn vẹn bức tượng Đức Mẹ Maria. Một ít vết lổ chổ trên thân Tượng Đức Mẹ, nhưng khuôn mặt ánh màu hồng nhạt của ngài vẫn lành lặn một cách kỳ diệu. Người nghệ sĩ nào đã tạc bức tượng này, chắc là trong một phút giây thiêng liêng nào đó đã tạo nên thành đôi mắt huyễn hoặc thánh thiêng của Đức Mẹ, nên cho dù Vinh xê dịch ở vị trí nào, đôi mắt từ mẫu cao cả của bà cũng dõi nhìn theo chàng chăm chú, làm chàng rùng mình ớn lạnh.
Vinh kéo người bạn Mỹ nằm giữa cái chân bệ tượng và một mảnh tường phía sau còn sót lại. Chỗ nằm này thật kín đáo, vì nó được đống cây gỗ, gạch đá che khuất, không ai có thể nhìn thấy, chỉ trừ khi họ lục soát từng phân vuông một thì không kể. Đêm đã dần xuống, bên ngoài tối như mực. Vinh nghĩ, tốt hơn hết chàng nằm dưỡng sức ở đây chờ sáng, nhân đó coi lại vết thương của anh chàng Mỹ. Chạy và cõng hắn mấy tiếng đồng hồ, Vinh chẳng biết hắn còn sống hay đã chết nữa. Nếu hắn còn sống thì tốt. Nếu hắn chết thì hóa ra công dã tràng, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Đột nhiên “thằng Mỹ” cựa mình rên lên. Vinh đang loay hoay cởi chiếc ba lô tìm cái đèn pin để rọi khám hắn, chàng giật mình quay sang đặt tay lên vai bạn bóp nhẹ:
– William, anh không sao chứ hả…
Vinh rọi đèn lên thân thể người lính, ánh đèn chậm chạp rà xuống, để chàng trông thấy chỗ bắp đùi của hắn đẫm đầy máu. Anh chàng Mỹ khỏe thật, chạy nửa ngày trời máu ra nhiều mà hắn không… chết. William đôi mắt bị chóa dưới ánh đèn pin, anh chàng hấp háy mi thều thào:
– Anh là ai?
– Tôi là Vinh đây….
Dĩ nhiên chàng nói tiếng Mỹ, you với me. Chút vốn liếng hồi còn học Hội Việt Mỹ Sài Gòn đã giúp chàng rất nhiều trong những lúc trò chuyện với lính Mỹ, nên bọn cố vấn cũng khoái tán láo với chàng. Nhân đó Vinh có cơ hội thực tập tiếng Mỹ khá là trời ơi đất hỡi của chàng, nhưng dù sao thì bọn nó cũng hiểu, vì chàng cộng thêm chân tay vào, gọi là phụ đề Việt ngữ. William nhận ra Vinh, mắt hắn ánh vẻ mừng rỡ:
– Chúa ơi, thì ra là Vinh. Trung Úy Vinh cứu tôi phải không?
Bàn tay to tướng của hắn sờ soạng tìm nắm lấy bàn tay người bạn Việt Nam bóp mạnh thay cho nghìn lời cảm ơn, đôi mắt hắn ứa mấy giọt lệ chảy xuống đôi má phớt lông tơ vàng:
– .. tôi không chết phải không. Vinh, vợ con tôi, cha mẹ tôi…
Vinh thân mật vỗ vai bạn:
– Đại Úy đừng nói nhiều, tụi Charlie nó nghe được là hết vợ con lẫn cha mẹ, nằm yên để tôi băng vết thương.
Vinh rút cuộn băng cá nhân trong ba lô, chàng rọi đèn xem xét vết thương. Thật may mắn, đạn đi xuyên qua phần mềm, nhưng vì đầu của William va vào gốc cây dương nên hắn mới bất tỉnh lâu thế kia. Trong lúc chàng hí hoáy băng bó, bỗng William rên lên một tiếng đau đớn, làm Vinh ngẩng đầu lên hỏi:
– Đại Úy đau hả?
– Không!
– Nhưng tao mới vừa nghe mày kêu mà?
– Tao đâu có kêu cái hell gì đâu.
Vinh vò đầu lạ lùng. Nó không kêu thì ai vô đây, chẳng lẽ chàng kêu, hay… ma nó rên à. Để trả lời, Vinh nghe một tiếng rên khác, âm thanh đau đớn hơn. Vinh rùng mình nổi gai ốc, dường như nó đang ở ngay bên chân chàng. Rồi một cái gì đó lành lạnh như da con cóc chết bám vào cánh tay Vinh. Trái tim trong lồng ngực người lính đánh thình thình. Thôi chết, ma… Là chiến sĩ xông pha trăm trận, huy chương lon lá đỏ chói, quân địch chàng không sợ, nhưng Vinh vẫn thuộc loại người sợ ma. Chàng kỵ ma từ thuở nhỏ kìa. Vinh tái tê khi cái vật lành lạnh đó run rẩy vuốt dọc theo cánh tay chàng. Đến một lúc Vinh nhận biết, đó chỉ là năm ngón tay của một con người. Bây giờ thì chàng đã nhận thấy một chút hơi ấm từ bàn tay. Vinh rọi đèn pin sang nhìn. Một khuôn mặt tơi tả đẫm đầy máu, một mái tóc dài bết bát mồ hôi phủ rã rượi trên vầng trán, đôi mắt bên dưới thăm thẳm nhìn chàng cầu cứu. Dưới ánh sáng mờ, chàng trông thấy một con người trong chiếc áo choàng đen, một mảnh vải trắng vòng quanh ngực và cổ. Vinh thảng thốt suýt kêu lên. Trời ơi, một dì phước. Dì làm gì mà nằm lại giữa ngôi thánh đường với thân hình đầy máu như thế này. Dường như nàng hãy còn trẻ lắm. Vinh cúi xuống hỏi nhỏ:
– Sơ… sơ… làm gì ở đây…
Dì phước co người rên rỉ nói những lời vô nghĩa:
– Tôi… tôi… ở đây… tôi đi… tôi trở lại… Ôi tôi đau quá, ai đó cứu… tôi lạnh quá.
Năm ngón tay của nàng bấu mạnh lên cánh tay gầy của người lính, đôi mắt mờ dại dần. Vinh hốt hoảng chiếu tia sáng lên người dì. Lúc bình thường chàng không được làm thế, nhưng trong trường hợp nguy cấp như thế này, chàng đành phải vô lễ với nàng. Vinh đã nhận thấy phía bên ngực phải của người sơ sũng máu, màu đỏ đã thấm đẫm hết nửa tấm choàng trắng. Vết thương có thể nặng lắm. Vinh quýnh quáng không biết phải làm thế nào. Muốn băng bó cho nạn nhân thì chàng phải cởi áo của nàng để tìm vết thương, hay ít nhất cũng phải cắt bỏ mảnh vải trắng trước ngực. Thật khó khăn quá đi. Vinh thấy mình rơi vào một ngõ cụt. Suy nghĩ mãi, Vinh đành phải nói thật với nàng:
– Sơ cho phép tôi cắt áo chỗ bị thương và băng bó…
Người nữ tu chớp mắt rùng mình, có lẽ là phản ứng thẹn thùng của người thiếu nữ trước một đề nghị đột ngột thật vượt quá ý chí của nàng. Nàng nhìn thấy đôi môi nứt nẻ đầy đất cát của người lính lắp bắp nói:
– Sơ tha lỗi… tôi… tôi không biết cách nào hơn…
Dì phước mím môi lặng lẽ gật đầu. Nếu Chúa muốn nàng chết, thì ngài đã không xui khiến người lính này đến nơi này. Phải chăng đây là ý muốn của Chúa. Dì phước nhắm nghiền đôi mắt, trong một cử chỉ thuận lòng và phó mặc mọi sự vào tay người đàn ông xa lạ. Vinh ngước mắt lên nhìn Đức Mẹ từ phía sau lưng. Xin người hãy chứng cho lòng con. Vinh trao chiếc đèn cho William:
– Đại Úy cầm giùm và cứ giữ như vậy cho tôi thấy.
Vinh rút con dao ngắn đi rừng ra cắt chỗ vải chung quanh vết thương. Máu đã quên đặc lên da thịt, nên khi chàng kéo mấy mảnh vải, dì phước co rúm người rên rỉ. Một khoảnh ngực đẫm máu của nàng đã lộ ra dưới mắt của người lính. Vinh chỉ còn có một cuộn băng thôi, chàng moi trong ba lô chiếc áo thun màu ô liu tương đối sạch nhè nhẹ lau những vệt máu trên ngực người sơ. Một cái lỗ đen, lớn, bầy nhầy, hun hút ăn sâu vào trong da thịt nàng, máu vẫn tiếp tục rỉ rả tràn ra ngoài. Có lẽ là một mảnh đạn pháo đã xuyên xéo qua ngực dì phước, nhưng không đi vào hướng phổi, mà nó chỉ xé toạc thịt da và trợt ra ngoài. Nhưng máu khô với những mảng bụi cát bám vào da rất khó lau sạch bằng tấm áo thun, có băng bó cho nàng cũng vô ích, vì vết thương sẽ nhiễm trùng nặng, rồi nàng sẽ… Vinh bàng hoàng nghĩ đến cái chết của nàng. Vinh thừ người lặng thinh không biết phải làm sao, thì người nữ tu đã mở mắt ra nhìn, nàng run run đưa bàn tay lên che ngực gượng gạo hỏi nhỏ:
– Sao anh không tiếp tục đi?
Vinh nhẹ thở dài:
– Tôi cần nước… nhưng ở đây làm sao tìm ra nước.
Chàng nhìn thấy nàng nhíu mày suy nghĩ. Chợt ánh mắt dì phước sáng lên:
– Anh lính ơi, nước… thánh…
Vinh vỗ đầu mừng rỡ:
– Trời ơi, tôi quên mất, nhưng biết có còn…
Chàng hối hả bò trở ra trước chân bệ tượng Đức Mẹ tìm cái chậu chứa nước thánh, nhưng trong lòng rất ít hy vọng nó còn đứng vững giữa cơn đổ nát như thế này. Ánh đèn pin le lói tìm kiếm. Đến một lúc, Vinh đã trông thấy một cái giá gỗ đỡ một, Chúa ơi, chậu nước thánh bằng kim loại sáng bóng. Vinh hồi hộp nhóng đầu lên rọi đèn nhìn vào. Nước. Đi lính đã nhiều năm, đã từng chứng kiến nhiều chuyện lạ lùng trên chiến trường, nhưng chuyện một chậu nước thánh còn nguyên vẹn ở giữa đống gạch đá ngổn ngang như thế này, chỉ có thể lý giải bằng phép lạ của thượng đế mà thôi. Vinh run run bưng chậu nước bò trở vào. Người nữ tu đăm đăm nhìn người lính, nàng thè lưỡi liếm đôi môi khô nứt. Vinh hỏi nhỏ:
– Sơ khát nước phải không?
– Dạ… anh lính làm ơn…
Vinh thấm một góc chiếc áo thun vừa đủ ướt đặt lên đôi môi của nàng, người nữ tu cắn chặt nó giữa hai hàm răng nhìn Vinh khẩn cầu, nhưng Vinh đã vội nói:
– Sơ ra máu nhiều uống nước không được đâu, chỉ như vậy thôi.
Dì phước nhắm nghiền đôi mắt, là dấu hiệu tiếp tục công cuộc bỏ dở. Lần này thì Vinh đã lau sạch được gần hết những vết máu và bụi dơ trên ngực nàng. Vinh đắp chiếc áo thun lên chỗ vết thương, rồi chàng quấn băng thật chặt quanh người dì phước. Mỗi lần chàng lòn tay xuống lưng nàng xoay trở thật khó khăn, vì nàng cứ kêu đau mãi. Vinh quẹt tay lau mồ hôi trên trán bảo William:
– Đại Úy đừng rọi đèn lên cao sáng quá, tụi Charlie nó thấy là chết cả lũ.
William lặng thinh. Vinh quay sang nhìn thì anh ta đang nằm thiêm thiếp, có lẽ hắn đang ngủ chăng. Cánh tay cầm chiếc đèn pin đã xuôi thẳng trên nền đất lúc nào. Vậy thì ánh sáng từ đâu kìa. Vinh sẽ không bao giờ có được câu trả lời. Lời giải đáp đó chỉ có mỗi người sơ biết thôi. Nàng đã rụng rời tê điếng không còn tin vào đôi mắt mình nữa. Trong lúc người lính đang lúi húi băng bó cho nàng, thì… nàng trông thấy… điều huyền nhiệm. dì phước trông thấy đôi mắt từ ái của Mẹ dịu dàng nhìn nàng. Một vầng sáng từ bàn tay của Mẹ Maria tỏa ra như một khối cầu phủ lấy người lính và nàng. Vinh lấy chiếc áo trận trong ba lô đắp lên ngực dì phước cho nàng đỡ lạnh. Trong đêm tối, Vinh không nhìn thấy ánh mắt nửa thẹn thùng nửa biết ơn của người nữ tu đăm đăm nhìn chàng. Vinh thoáng nghe giọng nàng khe khẽ:
– Cám ơn… anh…
Vinh rút ra chiếc khăn tay nhúng một ít nước thánh nhẹ nhàng lau mặt cho dì phước trẻ. Nàng nhăn mặt bối rối, không biết phải phản ứng như thế nào. Đến lúc nàng định bảo anh lính dừng, thì chàng đã làm xong công việc mất rồi. Vinh tắt phụt ánh đèn pin để nàng được an lòng, rằng chàng không có ý định nhìn dung nhan của nàng. Bỗng Vinh sực nhớ, chàng còn mấy viên Ampi của anh chàng y tá cho lúc bọn chàng vừa đổ xuống Huế. Hắn cười hì hì trông rất đểu:
– Ông thầy cứ nuốt trước mấy viên rồi tha hồ xuống sông Hương phện bằng thích nhé.
Nhưng Vinh nào đã có thời gian đi đâu. Giờ đây, những viên thuốc Ampi này có giá trị như những thần dược cứu rỗi. Chàng lục tìm thuốc giơ cao lên cho người nữ tu thấy :
– Sơ uống thuốc chống nhiễm trùng, xin lỗi… tôi phải đỡ đầu sơ lên một chút.
Vinh lấy cái nắp chiếc bi đông múc một chút xíu nước thánh, nhẹ nhàng bỏ hai viên thuốc vào giữa đôi hàm răng trắng muốt của dì phước rồi nâng đầu nàng lên, từ từ trút chất nước thánh vào. Đôi mắt của người nữ tu ánh lên một nỗi nửa thẹn thùng nửa hờn trách. Trời ơi, cái xác thân và linh hồn này đã thề dâng hiến cho Chúa, bây giờ nó đã bị va chạm quá nhiều với cái hình hài trần thế của người lính xa lạ này. Xin Chúa lòng lành tha tội cho con. Thân thể của con đã bị ô nhiễm mất rồi còn đâu. Bất giác hai hàng nước mắt lăn chảy xuống đôi má xanh xao của nàng. Nhưng Vinh cứ tưởng là nàng cảm động vì biết ơn. Vinh xoay qua đút thuốc cho William. Trong cơn mê man, mà anh chàng cũng đã nuốt lấy nuốt để chất nước ngọt mầu nhiệm ấy.
Sau những giờ phút cố gắng lẫn căng thẳng, qua nửa ngày bôn ba với một khối đá trên lưng, giờ đây những sớ thịt của Vinh đã dãn ra nhão nhoẹt như một sợi dây thun cũ, chàng kiệt lực dựa lưng vào chân bệ, đôi mắt chàng cồm cộm đất cát. Vinh đã định thức canh cho William và dì phước nằm nghỉ, nhưng chẳng biết từ lúc nào, hồn phách của chàng đã chìm vào cơn mê ngủ dật dờ… Không dám sử dụng chất nước thánh quí giá trong chậu, Vinh cứ để mắt mũi dính đầy cát đất của chàng như thế mà nằm ngủ, sau khi chàng đã uống đúng một nắp bi đông nước, dù chàng cháy khát bỏng cả cổ. Được một lúc, Vinh ngã lăn kềnh ra nằm bên cạnh William…
Những tưởng là đã ngủ được một giấc dài, nhưng khi có nhiều tiếng nổ lớn phía quốc lộ, và bàn tay của người lính Mỹ nắm lấy cánh tay chàng lắc mạnh, Vinh mở choàng mắt ngơ ngác nhìn ra ngoài. Phải mất mấy giây, đôi mi mới phá vỡ nổi lớp đất quện thành chất khằn bịt kín mắt chàng. Đêm vẫn còn đen đặc mịt mùng. Trời vẫn chưa sáng, thời gian ngừng trôi chắc. William thì thào bên tai Vinh:
– Vinh, tôi cần… chiếc máy truyền tin…
Vinh nhụ nhựa:
– Tôi không có…
– Không, tôi nói cái máy của tôi.
– Nó đâu?
Chàng nghe “thằng Mỹ” thở dài buồn khổ:
– Mất rồi…
– Vậy còn gì để nói nữa!
– Không, mình phải tìm cho bằng được, có nó là mình sống.
– Nhưng mà tìm ở đâu mới được chứ?
Vinh nhìn thấy ánh mắt của gã lính Mỹ lóe lên trong bóng đêm,hắn bóp mạnh tay chàng:
– Tôi chắc là đã đánh rơi nó trong bụi cây gần gốc cây dương…
– Rồi sao?
– Tôi… tôi đề nghị… Trung Úy trở lại lấy nó, rồi tôi mới có thể…
Vinh ngồi bật dậy chửi thề:
– Shít, Đại Úy có biết từ đây về đó bao nhiêu cây số không? Có bao nhiêu sư đoàn Charlie ở chung quanh đây không?
– Không!
– Vậy thì Đại Úy câm mõm lại cho con nhờ!
Nói là nói vậy, nhưng nằm gác tay trên trán suy nghĩ được một lúc, nghe “thằng Mỹ” thở dài sườn sượt bên cạnh, Vinh thấy mủi lòng. Ừ, tại sao không thử nhỉ. Dù gì thì cũng cầm bằng là… chết. Vậy thì chết ở trong ngôi thánh đường này hay chết ngoài bãi cát kia có khác gì nhau. Phải tìm cái sống trong cái chết chứ. Vinh lay anh chàng Mỹ dặn nhỏ:
– Đại Úy coi chừng bà nân giùm tôi. Nếu tới sáng mà tôi không về thì… thì…
Thì sao nhỉ. Vinh tắc tịt. Nếu chàng bị tụi nó phơ ngoài kia, thì có trời mới biết được số phận của William và dì phước trẻ này sẽ ra sao. Bỗng Vinh rùng mình. Một bàn tay mềm mại, nhỏ nhắn run run tìm lấy bàn tay nhám nhúa của chàng, chắc chắn không phải là của “thằng Mỹ” rồi. Chàng bồi hồi nghe được giọng nói dịu dàng của nàng:
– Anh lính ơi, anh trở lại Mai Lĩnh phải không, anh có biết là…
Thôi chết, nàng hiểu được tiếng Mỹ nữa sao. Vinh gục đầu cảm động:
– Tôi biết chứ… nhưng mà sơ đừng lo… Chúng tôi biết cách đi đêm…
Chàng nhận biết những ngón tay của dì phước bóp chặt hơn:
– Nếu vậy thì tôi sẽ cầu nguyện cho anh được bình yên trở về đây…
Trong bóng tối, Vinh nghe tiếng thở dài của người nữ tu, chàng tần ngần chẳng biết nàng u uất điều gì. Vinh cởi bớt những dây ràng buộc vướng víu trên thân thể, chàng phải trang bị thật gọn nhẹ để hành động như một con mèo đi đêm, điều mà ngày xưa trong quân trường binh chủng người ta đã dạy chàng. Vinh bật đèn pin rọi xuống mặt đất để lấy hướng đi, bỗng William chồm dậy nắm lấy gấu quần Vinh kêu khẽ:
– Vinh, có người!
Vinh ngồi thụp xuống nấp sau cái bệ tượng Đức Mẹ Maria. Có tiếng bước chân của nhiều người đang mày mò đi vào nhà thờ, chàng nghe tiếng lách cách khe khẽ của kim loại. Vinh rên lên trong lòng. Thôi chết, chẳng lẽ là Charlie. Nếu đúng là bộ đội Charlie, thì ngôi thánh đường này đã bị bao vây mất rồi. Khi bình minh lên, chẳng khó khăn gì họ sẽ phát giác được bọn chàng ngay. Đến lúc ấy thì ngọc đá đều cũng phải vỡ tan dưới họng súng của tụi nó.
Vinh cố lắng nghe phản ứng của bọn người mới đến. Những bước chân thận trọng nhưng nhẹ nhàng như những con hổ săn mồi đêm, có ít nhất là bốn hay năm người. Nếu là Charlie, thì Vinh sẽ kiên nhẫn chờ cho bọn chúng ngủ say, rồi chàng sẽ bò ra làm thịt từng đứa một. Dường như có hai gã đang ngồi dựa vào chân Đức Mẹ La Vang, Vinh nghe chúng thầm thì, tiếng được tiếng mất:
– Mầy có… chắc… thấy… hướng này?
– Thấy… ổng vác… thằng… chạy trước…
Vinh nghe tiếng động của tên thứ ba đang bò tới, một tên hỏi nhỏ:
– Trung Sĩ… tính sao?
– Ngủ đi… rạng sáng… kiếm… ổng.
Vinh thầm hỏi trong lòng. Ổng nào. Bọn này đi tìm nhân vật nào vậy kìa. Được một lúc, Vinh nghe một tên:
– Hên, mày… coi chừng… tụi nó thấy…
– Kệ mẹ chúng nó, thèm quá.
Ủa. Vinh vừa nghe tên thằng Hên, là lính của chàng. Chẳng lẽ thằng đang bập thuốc là thằng Hên, vì chàng nghe mùi thuốc thơm lừng. Chúng mày tao với nhau, Charlie thì phải gọi nhau là đồng chí chứ. Câu trả lời đến với Vinh:
– Sao mày không… theo… vệ ông Vinh?
– Theo gì … theo, mới thấy… ổng… mất tiêu…
Trái tim Vinh đánh thình thình trong lồng ngực như muốn nhảy vọt ra ngoài. Trời ơi, chúng nó nhắc tới tên thằng cha Vinh nào đó, há không phải thằng cha đó là chàng sao. Thằng Hên thì chàng biết chứ. Nó là thằng mang máy truyền tin đi kè kè theo chàng như bóng với hình. Nếu đúng là lính của chàng, thì ngay tại đây, ở khoảnh khắc này, Vinh sẽ úp mặt xuống hôn đất ngợi ca phép nhiệm mầu của Đức Mẹ La Vang. Chàng đang cần một chiếc máy truyền tin, thì bỗng dưng thằng Hên lù lù dẫn xác tới.
– Hên… còn gì ăn không, tao đói…
– Hết rồi, có bao nhiêu cho dân chạy giặc hết rồi.
– Còn nước không?
– Không!
Người lính thở dài chửi thề:
– Mẹ, cái gì cũng không…
Đến đây thì Vinh biết chắc tụi nó đúng là lính của chàng. Charlie không bao giờ chửi đù má, chúng cũng không bao giờ phân phát lương khô và nước uống cho dân chúng. Vinh bò tới gần gọi nhỏ:
– Phải Hên không, tao là Vinh đây.
Hên giật mình nhoài người ra tìm kiếm, Vinh nghe tiếng nửa reo vui nửa nghi ngờ của hắn:
– Vinh nào, phải ông thầy… nói danh hiệu, không tui bắn!
– Tao là Vinh, là Trà Vinh đây.
Hên nhào tới ôm Vinh nghẹn ngào:
– Tụi tui đi tìm Trà Vinh quá trời, ông thầy không sao chớ.
Đù má, thằng hỏi lạ, có sao thì tao còn ngồi đây à. Người lính và người Trung sĩ cũng bò tới. Vinh bật đèn pin lên. Chàng nhận ra binh nhì Hào và Trung Sĩ Tính. Nếu có những giây phút gọi là hạnh phúc của một đời người, thì Vinh xin được ghi nhớ mãi cái khoảnh khắc lạ lùng mà tuyệt vời này. Ôi, khuôn mặt thân thương của những người lính từng cùng với chàng xông pha trên khắp nẻo tử sinh. Chẳng mấy chốc mà năm người lính đã vui mừng quây quần bên “ông thầy” kính mến của họ, để sẵn sàng nhận lệnh. Kể vắn tắt cho những người lính cuộc di tản của chàng, rồi Vinh cắt đặt công việc:
– Tính, mày coi sắp xếp tụi nó canh gác, trời mờ sáng là mình dọt. Hên, cái máy còn ngon không?
Hên vênh mặt tự hào:
– Tốt, thằng Mỹ sẽ kêu trực thăng tới bốc tụi mình… Ê, mày dụi thuốc cho tao, thơm bát ngát như thế này, tụi nó ngửi thấy là mình tàn đời…
Chiếc trực thăng đập cánh phành phạch đáp nhanh xuống khoảng trống thấp ở giữa hai đụn cát. Vinh đã chỉ cho người Đại Úy Mỹ địa điểm này để anh ta gọi máy cho người phi công biết tọa độ bãi đáp. Không thể quăng trái khói làm dấu, thật may mắn, một người lính moi trong ba lô ra một lá cờ trải lên mặt đất. Từ trên cao, người phi công sẽ dễ dàng trông thấy cái hình chữ nhật màu vàng với ba sợi sọc đỏ. Hai đỉnh đồi cát sẽ che khuất tầm quan sát của địch, ít nhất là cũng được vài phút. Chỉ đôi phút quý giá ấy thôi, William và người nữ tu trẻ đã yên lành nằm trên con tàu rồi.
William khập khễnh chạy ra chỗ chiếc máy bay vừa đáp xuống nhờ một chiếc gậy chống mà Vinh đã chặt từ một nhánh cây bên đồi. Vinh bồng cái thân thể nhẹ tênh của dì phước lom khom chạy dưới sức đẩy của chiếc cánh quạt. Dù muốn hay không thì người sơ cũng phải quàng đôi tay vòng lấy cái cổ gầy guộc nhơn nhớt mồ hôi và cát đất của người lính. Chiếc cánh quạt cuốn lên một đám bụi mù thốc vào, dì phước buộc phải úp mặt vào ngực của chàng. Một mùi tanh nồng, chua mặn của áo trận không biết đã bao nhiêu ngày chưa giặt và mùi da thịt hăng hắc kỳ dị chẳng biết bao nhiêu ngày chưa tắm của người đàn ông phả vào mũi làm nàng muốn ngạt thở. Trong một trạng thái lâng lâng lạ lùng, người nữ tu nửa muốn được nằm mãi trong vòng tay rắn chắc của người lính, nửa muốn thoát ra khỏi thứ ma lực quỷ quái không biết gọi tên là gì đang ùn ùn xâm chiếm và chế ngự hết thảy những giác quan và con tim của nàng. Nhưng cái cảm giác đó chợt biến mất trong một nỗi hụt hẫng ngỡ ngàng, khi người nữ tu nhận biết nàng đã được đặt nằm lên trong lòng chiếc phi cơ. Vinh cúi xuống nói nhỏ vào bên tai nàng:
– Bây giờ sơ đã được an toàn rồi…
Người xạ thủ đại liên ra hiệu cho những người lính nhảy lên con tàu. Anh ta đưa ba ngón tay, ngụ ý chỉ ba người thôi. Năm người lính nhìn nhau ngơ ngác. Trung Sĩ Tính quyết định đẩy Hên và Hào lên trước. Vinh lo lắng hỏi người xạ thủ:
– Tại sao không cho tụi nó lên hết?
Người lính Mỹ lắc đầu:
– Nặng lắm, cất cánh không được, chờ chuyến sau…
Vinh phóng xuống khoát tay lệnh cho ba người lính gần nhất lên tàu. William cũng khập khểnh bò xuống, người xạ thủ gào lên trong tiếng gió cuốn:
– Đại Úy điên à?
– Tao chờ chuyến sau!
William biết, làm gì còn có chuyến sau, chàng mà đi rồi thì những người lính còn lại ở dưới đó sẽ bị bỏ rơi với số phận hẩm hiu của họ. Chẳng một người nào nhảy lên cả. Người phi công phụ ngồi gần cửa sốt ruột vẫy tay lia lịa, ngụ ý không còn nhiều thì giờ nữa. Người xạ thủ lắc đầu chịu thua:
– Thôi được, lên hết, nhưng quăng hết…
Hắn lấy chân đạp mấy thùng đạn đại liên lớn xuống đất. Ba lô, đạn dược nặng nề buộc phải bỏ lại trên đụn cát, nhưng William nhất định giữ lại chiếc máy truyền tin của Hên. Có ai dám bảo đảm rằng sẽ không có lúc cần dùng đến nó nữa đâu. Chiếc trực thăng nặng nhọc bốc lên, nó lảo đảo như một con chuồn chuồn bị cắt cánh, hai cái càng là đà, vất vả lướt trên đầu những ngọn cây thùy dương. Không thể gọi là bay nữa, mà là lết trên không khí. Nhưng dù sao thì con tàu cũng đã đem được ngần ấy con người ra khỏi chốn chết chóc. Vinh cảm khái nhìn xuống nóc Vương Cung Thánh Đường La Vang. Ở dưới đó, vẫn còn bức Tượng Đức Mẹ Maria đứng lẻ loi giữa cơn lửa đỏ của chiến tranh. Nhưng Vinh biết chắc, cuộc ra đi chỉ là một tạm biệt, rồi bọn chàng cũng sẽ trở lại một ngày nào đó, mà chàng tin rằng không xa lắm đâu. Chàng đã khấu đầu rất lâu trước Đức Mẹ La Vang, thề với ngài rằng bọn chàng sẽ trở lại.
Bất giác Vinh cúi xuống nhìn người nữ tu trẻ. Nàng đang nằm thiêm thiếp trong cơn nóng sốt. Hai viên thuốc hồi đêm chưa đủ liều lượng để đem nàng trở lại với cuộc sống thế gian, nếu Đức Mẹ không dun rủi Hên đem chiếc máy đến với chàng. Dì phước khẽ cựa mình rên rỉ, nàng đưa lưỡi liếm đôi môi khô nứt đòi nước. Vinh nhúng ngón tay sâu vào trong chiếc bi đông đựng nước thánh rồi áp lên đầu lưỡi của nàng. Được một lúc, dì phước yếu ớt hé mắt nhìn người lính với vẻ biết ơn. Dưới ánh sáng của mặt trời và trong giây phút nhàn nhã này, Vinh đã có thể ghi nhận khuôn mặt của người nữ tu vào ký ức của chàng. Đôi mắt to đen, chiếc mũi thon dài và đôi môi nhỏ mềm làm cho toàn bộ khuôn mặt của nàng hãy còn đậm nét ngây thơ trong trắng của tuổi xuân thì. Nàng nằm thiêm thiếp trong một tư thế thánh thiện quá, xa vời quá trong chiếc áo nữ tu, như là một thiên thần không thuộc về thế giới trần ai…
Chiếc trực thăng đáp xuống bên lề quốc lộ. Nó đã cố gắng bò ra được tới nơi này. Đến đây thì chuyến bay của những người lính đã chấm dứt, họ phải nhảy xuống tiếp tục cuộc di tản trần thân. William nắm chặt tay bạn rưng rưng:
– Vinh, tôi sẽ tìm lại anh…
Vinh gục gặc đầu mỉm cười:
– Mình sẽ còn gặp nhau mà, nếu tôi không chết trong cuộc chiến tranh này.
Người nữ tu trong cơn mê man, nào đâu biết người lính mà nàng chưa kịp nói lời cảm ơn và giã biệt, đã cùng với mấy người lính của chàng mất hút vào dòng người cuồn cuộn chảy trên mặt quốc lộ xuôi về phương Nam. Mắt đẫm đầy lệ, William chống tay nhỏm dậy dõi mắt nhìn theo cái dáng gầy gò của người lính, mà chàng dám chắc rằng quân đội ấy đã sản sinh ra rất nhiều, rất nhiều, không thể đếm hết những người lính cao cả ngoại hạng giống như Trung Úy Vinh. Con tàu đã cất lên cao dần mà William vẫn cố nhìn mãi, cho đến khi chàng chỉ còn thấy chiếc cần ăng ten chiếc máy truyền tin của Hên nhú lên trong khối người hỗn độn trên đường. Đó là hình ảnh cuối cùng mà William còn lưu giữ được trong trí nhớ của chàng. William không còn bao giờ gặp lại những người bạn Việt Nam ấy nữa…
Sơ Theresa Trinh lặng lẽ quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ Maria La Vang, nàng cúi đầu, chiếc cằm gần chạm vào hai bàn tay đang thành kính chắp trên ngực. Đêm đã khuya lắm, không gian tịch mịch đắm trong tiếng côn trùng rỉ rả, mà sơ vẫn còn quỳ bất động như một bức tượng đá. Ánh sáng mờ của cây đèn dầu đặt trên bàn thờ hắt lên hai bức tượng người, một sống và một vô tri rất giống như một khối hào quang ngũ sắc, tạo nên thành một tác phẩm điêu khắc kỳ ảo và thánh thiêng. Mẹ Bề Trên và vài người sơ khác đã lùi vào phòng tĩnh tâm từ lâu rồi. Nói là phòng, nhưng thực sự chỉ là những cái mái lá che tạm những căn phòng đã đổ nát trong cơn chiến tranh. Bây giờ đã là thời điểm của hòa bình, một thứ hòa bình cay đắng mà người ta phải cắn răng thụ nhận, vì chẳng còn một chọn lựa nào tốt hơn. Còn có gì quý giá hơn hòa bình nữa. Thế nhưng mà sao vẫn có nhiều nước mắt, nhiều chia lìa và, trời ơi, máu vẫn âm thầm tuôn chảy, cuồn cuộn như những con sông, ở những nơi chốn tối tăm nào đó mà những người ở ngoài cõi sáng không bao giờ được quyền biết.
Những người nữ tu hiền lành đã tìm về với Đức Mẹ La Vang để u sầu thảng thốt nhìn đống ngổn ngang hoang tàn. Không còn cái gì có thể sử dụng được nữa, ngoài những bức tường lụn bại nham nhở bốn bề gió thổi ù ù. Vất vả hàng tháng trời, Mẹ Bề Trên và vài dì phước mới dọn dẹp được gọi là tạm tươm tất cho ngôi thánh đường. Những ghế nguyện được những bàn tay tu sĩ vụng về chắp vá trong những hình thù xiêu vẹo đến mủi lòng. Những căn phòng tĩnh mịch của ngày xưa, giờ chỉ là những cái ô trống ban ngày nhìn trời trong, ban đêm ngắm sao trên trời. Lại phải vào chân núi cắt tranh về làm mái tạm che mưa nắng. Một số giáo dân ở mãi tận bên kia Đèo Hải Vân lục tục trở về thôn xưa, đã đến tiếp giúp. Nhà thờ nghèo quá không có gì khoản đãi, chỉ có mấy dĩa khoai mì luộc đơn sơ đến não lòng, người có tấm lòng nuốt làm sao vô. Họ biết, nếu họ ăn số thực phẩm đó, thì có lẽ Mẹ Bề Trên và các sơ phải nhịn đói cho ngày ấy. Nên ai cũng vỗ bụng nói là mình no để thoái thác không ăn. Chứ thực tình thì ai cũng đói cả. Những luống khoai mì trồng vội trên sân sau, còi cọc, cháy úa và ngã nghiêng oặt òa theo từng cơn gió mạnh. Đến khoai mì mà còn không sống nổi trên những giồng cát, thì còn nói gì đến những hoa màu khác.
Đêm nay, bỗng dưng một nỗi xốn xang dị kỳ dậy lên trong lòng sơ, chầm chậm, từ từ như những con sóng tít ngoài khơi xa, rồi ào ạt dâng cao lên như những đợt sóng thần và tràn nhanh đập vào trái tim bấn loạn của người nữ tu. Lạ chưa kìa. Sơ Theresa Trinh gục đầu lắng nghe từ đáy lòng mình vọng lên một tiếng gọi mơ hồ, lãng đãng như từ một nơi nào xa xôi lắm. Hay đó chỉ là tiếng gió hú từ trên những đồi sim từ trong dãy núi chập chùng mịt mù sau những cánh rừng bạt ngàn trong kia. Dù là tiếng gió rít hay gì gì đi nữa, thì nó vẫn là một cái gì đó thật dị kỳ cuốn xoáy sơ vào một con lốc ảo não. Bỗng sơ Theresa giật mình ngẩng đầu lên. Nàng vừa mới nghe một tiếng động nhẹ từ phía cánh cửa vào thánh đường. Và tiếng bước chân của ai đang lướt trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế nguyện. Sơ rùng mình, chậm rãi quay người lại nhìn, suýt nữa đã thảng thốt kêu lên. Trời ơi, sơ trông thấy một bóng người, hay bóng ma, trong một hình hài gầy guộc, được bao phủ bằng một mớ giẻ rách gọi là quần áo. Một người đàn ông lặng lẽ đứng nhìn sơ bằng đôi mắt u uất. Sơ Theresa đưa tay lên ôm miệng để khỏi bật thành tiếng đau thương. Khuôn mặt anh đầm đìa những máu, những giọt máu nhỏ ròng ròng xuống đất. Nhưng tất cả những linh ảnh ma quái gớm ghê đó không làm cho sơ Theresa sợ tê điếng và bàng hoàng cho bằng điều mà nàng đã nhận ra. Sơ có nhìn lầm không. Nàng đã trông thấy anh… lính, người đã băng bó cho nàng trong cái đêm hãi hùng giữa cơn lửa đỏ đó. Anh lính…, chàng đã bồng nàng chạy dưới cơn gió giật của cánh quạt, đặt nàng nằm lên sàn con tàu. Sơ làm sao quên được đôi mắt héo úa nhưng đầy ánh từ ái của chàng lần cuối cùng.
Khi sơ Theresa tỉnh dậy trong một bệnh viện nào đó ở Huế, có lẽ là quân y viện của người Mỹ, thì nàng mới biết rằng người lính đen đúa gầy gò đó đã đi về một phương trời xa diệu viễn nào rồi. Kỷ vật duy nhất mà chàng còn để lại là chiếc áo trận phủ ấm cho nàng trong đêm lạnh dưới chân tượng Đức Mẹ La Vang. Lúc sơ Theresa đã hoàn toàn bình phục, Đại Úy William có đến thăm và từ giã nàng, nói chàng đã mãn nhiệm kỳ ở Việt Nam, chàng rất vui sướng khi nghĩ đến những ngày tương phùng với vợ con. William chăm chăm nhìn chiếc áo nhà binh mà sơ đang ấp ủ trong lòng như một báu vật, làm nàng thẹn thùng cúi đầu xuống. William thở dài:
– Người ta tính quăng bỏ nó, nhưng tôi giữ lại cho sơ đó!
Người nữ tu ngước lên nhìn người lính Mỹ lắp bắp:
– Đại Úy… có biết… ông ấy ở đâu không?
William gật đầu:
– Biết chứ, tôi ở cùng đơn vị với anh ta mà.
William nhẹ nhàng đặt mẫu giấy nhỏ mà chàng đã viết vội mấy chữ xuống bên cạnh sơ Theresa Trinh, rồi anh đứng lên nói lời giã biệt:
– Tôi phải ra phi trường cho kịp giờ. Tôi ra đi nhưng tôi không nghĩ rằng tôi không còn bao giờ trở lại đất nước này. Chúc sơ mau bình phục… À, mà sơ có định trở về ngôi nhà thờ đó không?
Sơ Theresa chắp hai bàn tay lên ngực với tất cả lòng thành kính:
– Về chứ…, tôi sinh ra và lớn lên ở đó mà!
La Vang chưa yên, chưa về được, sơ Theresa tìm đến mấy tu viện ở Huế thì may làm sao, nàng đã gặp lại Mẹ Bề Trên và nhiều sơ khác cùng chạy từ La Vang về. Sau nhiều đêm trăn trở, cố gắng lắm, sơ Theresa mới dám mở lời xin Mẹ Bề Trên cho nàng đi tìm ân nhân. Mẹ Bề Trên đăm đăm nhìn nàng bằng ánh mắt thương xót, như của người mẹ dành cho đứa con, vì chính Mẹ đã đem nàng về nuôi từ thuở ấu thơ:
– Con đi đi, Mẹ bằng lòng và vui lòng…
Mẹ trao cho sơ một chiếc áo dài vải thô màu trắng và một chiếc nón lá cũ:
– Con đi đường nên mặc như thế này cho giản tiện là hơn.
Khi sơ Theresa Trinh lặn lội đến được chỗ mà William đã viết trong mảnh giấy, thì người ta nói cho biết người lính nàng tìm đã cùng đơn vị đi lên Triệu Phong rồi, ở phía bên kia con sông Thạch Hãn. Có nghĩa là xa, xa lắm. Định mệnh thật cay nghiệt. Chàng vừa lên xe đi, thì nàng đến. Sơ cố gắng đi tiếp, nhưng chỉ được một khoảng đường, thì người ta đã ngăn nàng lại bên bờ Nam sông Mỹ Chánh. Không một người thường dân nào được đi xa hơn nữa, vì phía Quảng Trị đang có đánh lớn, chỉ có lính ta và lính địch. Một chiếc xe nhà binh đã chở sơ cùng với nhiều người dân lạc loài trở về phương Nam. Sơ gục đầu lên thành xe, lạ lùng nhận ra rằng, nàng đang mang mễn một nỗi sầu não tái tê…
Cái bóng đen đứng bất động giữa khung cửa thánh đường, như một linh ảnh ma quái phiêu phưởng chưa được siêu thoát, có lẽ là còn vướng vất mối oan khiên thương đau trên cõi trần gian. Cái hình hài đẫm máu trong chiếc áo rách nửa muốn bước sâu vào, nửa ngại ngần muốn quay lưng ra đi vì tự thấy tấm thân tàn tạ tanh tưởi của mình không thể làm ô nhiễm một nơi chốn thờ phượng trong sạch và thiêng liêng như thế này. Cái phần tinh anh duy nhất mà sơ Theresa còn cảm nhận được là đôi mắt sáng lóng lánh của chàng. Ôi, đôi mắt dịu dàng đó đã từng nhìn sơ với vẻ ái ngại xót xa, trong những giây phút nàng cận kề bên cái chết. Cũng đôi mắt đó hừng lên niềm hân hoan khi đem được nàng lên con tàu cứu mạng. Sơ Theresa run run bước đến gần cái bóng ma, nàng lắp bắp gọi tên người lính:
– Anh lính… anh Vinh, có phải là anh Vinh?
Vinh buồn rầu gật đầu thay cho câu trả lời. Sơ Theresa Trinh bước nhanh đến cái hình thù gầy gò, lòng những muốn tỏ lời cảm ơn thiết tha, nhưng chàng đã hoảng hốt đi giật lùi, gót chân anh lướt nhẹ trên mặt đất. Sơ Theresa thảng thốt kêu lên:
– Anh Vinh… anh đi đâu, người anh đầy máu thế kia, anh vào đây tôi chăm sóc cho anh…
Vinh đau đớn xua tay từ chối, sơ nghe tiếng của chàng rền rền thê thiết như vọng lên từ đáy vực sâu nào:
– Vô ích… sơ ơi… Tôi đâu có còn… xin vĩnh biệt!
Cái bóng rách rưới của Vinh chợt phóng vút lên cao và tan biến mất vào cõi đêm đen. Sơ Theresa kinh hoàng chạy theo kêu van:
– Không, không… đừng đi… Anh không thể chết được đâu…
Cái bóng ma đã tan loãng vào cõi thinh không như những sợi khói ẻo lả. Sơ Theresa nấc lên đau thương, nàng loạng choạng ngã chúi xuống úp mặt lên cái ngạch cửa nằm bất động…
Con tàu hú lên một tràng dài báo hiệu hành khách sắp đến ga Quảng Trị, để những người muốn xuống nơi này kịp chuẩn bị hành lý. Một chàng thanh niên khoảng ba mươi ngoài, người dong dỏng cao, dáng gầy gò đứng dậy mang một cái ba lô cũ đi dần đến lối lên xuống. Anh mặc một bộ quần áo kaki màu xanh sờn cũ trông rất giống bộ áo lính ngày trước của một quân đội đã không còn hiện hữu. Qua khung cửa kính, anh bồi hồi nhìn những cảnh vật vùn vụt chạy giật lùi, trong lòng dậy lên nỗi xốn xang nhức buốt. Anh nhớ lại những kỷ niệm vấn vương ở trên vùng đất này, vùng đất cày lên sỏi đá, mùa nắng thì bụi mịt mờ và gió Lào nóng cháy thịt da, mùa mưa thì dai dẳng và buốt giá tận xương tủy. Con tàu giảm dần tốc độ, tiếng còi tàu vang rền, làm anh nhớ lại khoảng đời mười năm trước, anh cũng hành trang lên con tàu như thế này đi vào cõi chiến tranh. Con tàu chầm chậm lướt qua những phố xá buồn thiu. Ôi, mười năm qua rồi mà sao Quảng Trị vẫn đắm mình trong một màu sắc xám xịt ảm đạm, những con người dật dờ di động dưới kia trong một trạng thái cam chịu ủ ê. Những chiếc xe đạp đã long hết nước sơn è ạch dưới những khối nặng, kẽo kẹt lăn bánh trên mặt đường, những quang gánh bán buôn dường như đã oằn nặng thêm trên những đôi vai gầy. Những chiếc xe bò cọc cạch chở rơm rạ, củi khô chậm rãi đếm từng tấc đất một trên một quãng đường gập ghềnh, không biết về đâu.
Anh chợt hỏi lòng rằng, tại sao mình muốn xuống cái ga buồn ảo não này nhỉ. Quê hương anh đâu có phải ở ngoài này, mà là ở bên kia Đèo Hải Vân. Đúng ra anh phải về trong đó chứ. Nên khi con tàu đã dừng lại, anh ngần ngừ, phân vân, không biết cái gì đã xui khiến, thúc giục anh vác ba lô đặt chân xuống nơi đây. Anh chặc lưỡi, lắc đầu bước xuống như trong một cơn vô thức. Anh không có gì lưu luyến ở thành phố nhỏ bé và hoang tàn này, anh chỉ ngơ ngác, bồi hồi đi dọc theo con đường chính xuôi về hướng Nam. Chàng thanh niên chợt nhận ra rằng, chàng đang muốn đi đến một nơi chốn mà đã thật quá mờ mịt trong ký ức, nhưng giờ đây đã trỗi dậy mạnh mẽ và rõ ràng. Trong lòng anh dậy lên một niềm hy vọng rất dịu dàng, rất xôn xao là, biết đâu anh sẽ gặp lại nàng…
Từ trên một đỉnh đụn cát, người mặc áo lính đã có thể trông thấy cái hình thù đen sẫm của Vương Cung Thánh Đường La Vang. Lòng tràn ngập xúc cảm, anh bỗng biết rằng mình đang đứng trên cái đồi cát mà ngày xưa anh đã cõng “thằng Mỹ” chạy giữa cơn lửa đỏ. Cảnh đó người đây luống ngậm ngùi. Đi lên một cái đụn cát nữa, chàng thanh niên ngước nhìn cái nóc nhọn của ngôi nhà thờ. Trái tim chàng cảm xúc đập nhanh trong lồng ngực. Giáo đường có thay đổi ít nhiều dưới bàn tay hồi phục của con người, nhưng những vết tích của chiến tranh vẫn còn lỗ chỗ in dấu khắp bốn mặt tường. Trái tim anh nhói đau một nỗi hân hoan trong một hy vọng lạ lùng, khi anh trông thấy một con người mặc chiếc áo dài trắng đang cúi người cuốc xới bên sân. Một dì phước thì phải. Nhưng sao nàng không mặc áo chùng mà lại là áo dài. Nàng làm gì giữa cơn nắng hạ như thế này. Chàng thanh niên hồi hộp bước vào chiếc sân bên cạnh thánh đường. Một linh cảm diệu kỳ nào đó dậy lên trong ý nghĩ của anh, anh thầm cầu nguyện Đức Mẹ, rằng cô gái mặc áo dài trắng đó chính là nàng, người mà anh đã một lần tìm về trong một cơn mộng dữ hãi hùng… Chàng thanh niên gọi lớn:
– Sơ ơi, cho tôi hỏi thăm.
Cô gái dừng tay ngước mắt nhìn ra, nàng kéo chiếc nón lá trên đầu lên cao. Bỗng cô gái bủn rủn buông cây cuốc rơi xuống đất, nàng thảng thốt kêu lên:
– Ôi, chúa ơi… là anh sao…
Chàng thanh niên cũng đã nhận ra được khuôn mặt của, chính là dì phước của mười năm trước, chàng làm sao quên được nét ngây thơ thánh thiện ấy, anh phóng tới vừa kịp đỡ nàng ngã vào lòng:
– Sơ… sơ…
Cô gái giọng đứt quãng:
– Anh lính… anh Vinh, phải anh Vinh không?
Người mặc áo lính run lên khi nghe nàng gọi đúng tên chàng:
– Dạ đúng… tôi là Vinh đây… tôi đã trở về…
Thục Trinh gục đầu vào ngực người trai khóc nấc lên:
– Anh còn sống sao, anh đã chết rồi mà…
Vinh dìu cô gái ngồi tựa vào thành chiếc giếng cũ bên sân dịu dàng trả lời:
– Tôi đã chết… nhưng không hiểu sao tôi được sống!
Người ta có một nhận xét vừa ngộ nghĩnh vừa thán phục về con người xứ Quảng. Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co. Thật lạ lùng, Vinh là đứa con được hun đúc từ cha người Quảng Nam và mẹ người Quảng Ngãi, nên đã thừa hưởng được đặc tính hùng biện đó. Cũng bởi hay cãi và hay co, cứng đầu cứng cổ không chịu khuất phục, tranh luận gay gắt với cai ngục, nên Vinh đã nhiều lần bị chúng đánh đập tàn nhẫn. Lần cuối cùng, Vinh bị dộng nhiều cái báng súng từ nhiều cánh tay khác nhau vào mặt đến nỗi thịt da nát bấy bá, mấy cái răng cửa của chàng rơi lổn nhổn đầy trong miệng. Rồi chàng thấy chàng bị quẳng vào một chỗ tối tăm, lạnh lẽo bốn bề đen như mực, tay chân bị cùm chặt. Vinh thở hắt từng đoạn ngắn, chàng đang hấp hối, chết dần. Thân thể chàng mềm nhũn như một con trùng đất, chàng có cái cảm giác rõ ràng là bộ xương dưới da thịt chàng đã bị dần bể nát thành trăm ngàn mảnh.
Vinh nằm trên vũng máu đó không biết đã bao lâu. Khi người ta đã được đạt đến tận cùng sự đau đớn thể xác, thì tất cả dây thần kinh cảm giác cũng chết lịm theo, người ta không còn cảm thấy đau đớn nữa. Cái đó gọi là sự mở đầu của cái chết. Trong cơn mơ chập chờn, bỗng dưng Vinh thấy mình cất lên không trung như một thiên thần. Chàng bay hoài bay mãi lên cao và xuôi đầu về phương Nam. Vinh biết mình đã chết, cái hồn oan của chàng đang oằn oại, phưởng phất tìm về cố hương. Vinh đã sa xuống trước sân một cái nhà thờ mà chàng nhận được ngay, trời ơi, chính là nhà thờ La Vang. Vinh thờ thẫn, lạ lùng bước vào ngôi thánh đường. Ánh sáng dịu dàng từ bức tượng Đức Mẹ Maria tỏa những vầng ngũ sắc, để chàng trông thấy một con người trong chiếc áo chùng đen đang kính cẩn quỳ dưới chân Đức Mẹ...
Dưới bóng mát từ cái tán lá rộng của một cây thùy dương, người chồng âu yếm dùng một cái khăn nhỏ ướt nước lau những giọt mồ hôi trên vầng trán và trên hai cánh mũi thon của người vợ đang ngồi tựa lưng vào gốc cây. Người vợ vén tay áo của chồng lên, đôi mắt đẫm đầy lệ. Dù đã được nhìn thấy nhiều rồi, nhưng cứ mỗi lần những vết sẹo chằng chịt suốt dọc trên hai cánh tay gầy trơ xương của chàng hiện ra, nàng không thể không khóc. Xương thịt con người làm sao chịu được những cú đập của những thanh gỗ cứng sắc cạnh chứ. Nàng đớn đau hình dung lúc chàng đưa hai tay lên che đầu dưới những cú nện thật lực của những con người hung bạo với những thanh gỗ dài. Người chồng kéo tay áo xuống:
– Thôi mà, quên đi, người gì mà nhiều nước mắt thế!
Người vợ sụt sịt:
– Anh đau lắm hả.
Chàng cười hiền, mấy cái răng sún làm cái miệng dễ thương ngày xưa của chàng trông xấu xí quá đi:
– Lâu quá quên mất rồi.
Vinh cũng muốn quên lắm chứ, nhưng cứ mỗi lần trời trở gió đông, thì thân thể chàng oằn oại nhức buốt như có hàng trăm ngàn con kiến đang hung hãn đục khoét trong từng mạch máu và sớ thịt của chàng. Những lúc ấy, Vinh đã cắn môi đến bật máu, co rúm người quay mặt vào vách để khỏi làm kinh động giấc ngủ của vợ. Thấy nàng chăm chăm nhìn vào miệng mình, anh đưa tay lên che kín với vẻ bẽn lẽn, nhưng nàng đã kéo tay anh xuống nhỏ nhẹ:
– Anh cứ để em nhìn, anh cười… trông có duyên ghê đi, chắc ngày xưa nhiều cô mê anh lắm phải không?
Chàng phì cười:
– Ngày xưa thì cũng đại… khái, nhưng bây giờ thì chỉ có một cô thôi!
Người chồng dịu dàng phe phẩy chiếc nón lá quạt mát cho vợ:
– Em ngồi đây, anh cuốc vài luống khoai nữa rồi mình vô nhà.
Nàng nhìn chàng tha thiết:
– Em cùng làm với anh!
Người chồng đặt tay lên bụng vợ xoa nhẹ trong nỗi hân hoan vô bờ:
– Không đời nào, em cứ ngồi đây với cục cưng của chúng mình cho anh, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó…
Đến lượt người vợ che miệng cười khúc khích, nàng rót một chút nước từ trong chiếc ấm nhôm đen thui ra cái chén âu yếm trao cho chồng:
– Anh uống đi rồi em nói cái này anh nghe…
– Anh uống rồi, em nói đi.
– Anh có nhớ ngày xưa, cái gì đã soi sáng để anh băng bó cho em không?
Anh gãi đầu cố suy nghĩ:
– Thì chiếc đèn pin của anh.
– Đèn pin mà sáng dữ vậy sao?
– Vậy chẳng lẽ đèn… bóng?
Thiếu phụ nghiêm mặt hờn trách, nhưng ánh mắt thật trìu mến:
– Anh lính ngốc ơi… anh có tin vào phép mầu nhiệm không?
Ngươi chồng giật nẩy người ú ớ, một tia chớp từ cõi quá khứ xa xăm vừa lóe lên trong tiềm thức của chàng:
– A, anh biết rồi… Thôi anh biết rồi, anh tin, anh tin… Đức Mẹ La Vang thật cao cả…
Người vợ hai tay nâng khuôn mặt đen đúa hốc hác của người chồng nhìn thẳng vào đôi mắt nàng thì thầm:
– Thế còn mối tơ duyên của chúng mình, một anh lính và một bà sơ?
Người chồng ngơ ngác ngẩn người ra không biết trả lời làm sao. Đó là điều mà chàng ấp ủ trong lòng mấy năm qua mà chưa từng tìm được câu giải đáp. Chàng chỉ nhớ bên bờ giếng năm nào, bàn tay mềm nhỏ của nàng đã run run nắm lấy bàn tay thô ráp của chàng:
– Đừng gọi tôi là sơ nữa, Mẹ Bề Trên bảo tôi phải trở về với trần thế… Từ nay tôi là Thục Trinh, chứ không còn là sơ Theresa …
Không bao giờ Thục Trinh có thể quên được giây phút mà ánh mắt từ ái của Mẹ Bề Trên và bàn tay với những làn da nhăn nheo dịu dàng đặt nhẹ trên đầu nàng sau buổi cầu kinh:
– Sơ Theresa, từ nay Mẹ cho phép con được trở về với đời sống thế gian…
Sơ Theresa hốt hoảng nắm lấy bàn tay của Mẹ khóc nấc:
– ..con…, xin Mẹ đừng xua đuổi con ra khỏi Nước Chúa, con nguyện hiến dâng tất cả…
Mẹ Bề Trên hạ người thấp xuống, hai tay Mẹ nâng mặt người nữ tu ngước lên nhìn bà, Mẹ lau nhẹ giòng lệ ướt trên đôi má tái xanh của nàng. Mẹ gật đầu mỉm cười, mà đối với sơ Theresa là nụ cười của người hiền mẫu:
– Dù ở đâu thì Theresa con cũng là đang ở trong Nước Chúa. Con đừng có khóc lóc như vậy, thế gian còn nhiều đau khổ, con có sứ mạng phải sống với người thế gian, đó là ý muốn của Đức Mẹ huyền nhiệm và cũng là của Mẹ… Thời điểm đã đến rồi… Chúa luôn ở cùng con và những người đau khổ!
Vinh đang lúi húi vun mấy luống khoai, thì bỗng chàng nghe có tiếng máy xe hơi từ phía quốc lộ vọng vào. Tiếng động cơ nổ dòn dã trong một trạng thái háo hức nào đó, những chiếc bánh xe nghiến rào rào trên con đường đất nhỏ dẫn vào khu nhà thờ. Vinh chống cuốc nhìn ra. Thục Trinh lạ lùng đội chiếc nón lá rách đứng bên chồng. Từ khúc quành của con đường đất xám, một đám bụi mù bốc lên, một chiếc Jeep quân đội ào ào phóng tới. Vinh ngẩn người tự hỏi với lòng. Trời đất, đã mười mấy năm qua rồi, mà tại sao vẫn còn loại xe Jeep này nhỉ. Chắc chắn không phải là “lính mình” ngồi trên đó rồi. Những chiến lợi phẫm này đã nằm trong tay những người chủ mới từ lâu rồi. Đúng như Vinh nghĩ, khi chiếc xe dừng lại trong sân nhà thờ, thì người tài xế trong bộ quân phục Nam Định nhảy xuống nhìn quanh. Người hành khách ngồi phía bên kia cũng phóng xuống. Một người ngoại quốc trong bộ y phục dân sự. Những ngón tay của Thục Trinh bấu mạnh lên cánh tay của chồng, nàng kêu khẽ:
– Vinh, anh… cái ông đó, ổng…
Vinh hấp háy mắt cố trông cho rõ. Ông khách đã nhìn thấy hai vợ chồng chàng, ông ta xoãi bước tới như một con ngựa, rồi ông ta phóng đến như một cơn lốc ôm chầm lấy Vinh hét lên, mà chàng nghe đúng là tiếng Mỹ:
– Đại Úy Vinh, Vinh phải không?
Không cần nghe lời xác nhận của con người tồi tàn trong bộ quần áo kaki cũ vá víu, ông khách ghì chặt Vinh vào lòng. Hai cánh tay to tướng như cái vòng thép thít chặt lấy lồng ngực Vinh, làm chàng nghẹn thở, Vinh kêu toáng lên:
– Tôi là Vinh, còn ông là cái ông hell gì đây?
Ông khách buông chàng ra, hai bàn tay bóp chặt lấy hai chỏm vai của Vinh:
– Vinh, Đại Úy Vinh… Trời ơi tôi tìm anh từ bấy lâu nay…
Đến bây giờ thì Vinh đã nhận biết cái anh chàng người Mỹ này là ai rồi. Vinh thấy đôi mắt của anh ta đẫm đầy lệ. Đến lượt Vinh ôm lấy anh ta kêu lớn trong một nỗi hân hoan tận cùng:
– Đại Úy William, chính anh là William…
Không trả lời bạn, ông người Mỹ xoay qua lịch thiệp đưa tay ra chào Thục Trinh:
– Tôi đã biết bà đây là bà Theresa, tha lỗi cho tôi nếu tôi nói đúng bà là phu nhân của Đại Úy Vinh.
Thục Trinh bẽn lẽn và rụt rè nắm lấy bàn tay to đầy lông lá của William:
– Hân hạnh được gặp lại ông.
William nhìn theo ánh mắt ái ngại của người thiếu phụ về hướng anh chàng tài xế kaki Nam Định:
– Bà đừng có lo, kể từ giây phút này, ông bà an toàn tuyệt đối!
Quay qua người bạn cũ, William nắm chặt bàn tay gầy guộc của Vinh xúc động:
– Đại Úy Vinh lừng lẫy ngày xưa mà bây giờ tàn tạ đến thế sao?
– Đại Úy Đại Uyết gì nữa ông ơi, bây giờ là phó thường dân rồi. Còn bạn bây giờ là cái hell gì rồi?
Willaim nheo mắt cười cười:
– Bạn đoán đi!
Vinh ngắm bạn từ đầu đến chân:
– Tối thiểu bạn phải cỡ Đại Tá lấy lên…
William xoay qua Thục Trinh:
– Ông nhà đoán sai rồi, đến phiên bà.
Thục Trinh cắn môi suy nghĩ:
– Nếu vậy ông phải là một ông Tướng.
William xoa tay vui vẻ:
– Nhờ ơn trời… đúng như vậy.
– Ngọn gió nào thổi ông tới đây vậy?
– Ngọn gió lành. Tôi ở trong phái đoàn đàm phán bênh vực cho những người lính thất thế như Đại Úy… Thôi, để sau này mình tâm sự nhiều. Bây giờ xin Đại Úy Vinh và bà phu nhân làm ơn giúp tôi một chuyện…
Vinh ngơ ngẩn:
– Tôi còn có thể giúp gì được cho một ông Tướng…
William choàng đôi cánh tay dài ngoằng ấp ủ vợ chồng Vinh:
– Brothers in Arms, Huynh Đệ Chi Binh… tôi muốn ông bà thu xếp chuyện nhà và đi ngay với tôi.
– Đi đâu?
– Đi đến cái nơi mà nhân phẩm của Đại Úy Vinh và những người chiến hữu của Đại Úy được tôn trọng.
Vinh đã mường tượng hiểu cái chốn ấy là nơi nào. Nhưng sự việc diễn ra đột ngột quá, chớp nhoáng quá, đến đỗi Vinh không nghĩ chàng đang sống trong thực tại, mà chắc là một cơn mộng đẹp từ một hy vọng xa xỉ không bao giờ có. Vinh ngần ngừ:
– Gì gấp dữ vậy ông, để thư thả vài ngày…
William đưa hai tay lên trời:
– Không có vài ngày đâu ông Đại Úy thân mến của tôi, phi cơ đang chờ tôi ngoài phi trường Phú Bài. Tôi cho ông bà mười lăm phút, chặc, nửa tiếng, tôi ngồi trên xe chờ ông bà.
Thục Trinh xen vào giải thích:
– Chúng tôi phải xin phép Mẹ Bề Trên, với lại còn đồ đạc, quần áo.
– Mẹ Bề Trên chắc chắn cho phép sự ra đi của ông bà. Còn quần áo, đồ đạc, bỏ lại hết…
William gục gặc đầu đắc ý:
– Đại Úy Vinh còn nhớ lúc tụi mình quẳng ba lô đạn dược nhảy lên trực thăng cũng tại chỗ này không?
Vinh nhún vai:
– Nhưng… tôi và bà xã tôi không thể vào sau được sao?
William lắc đầu quầy quậy:
– No, no, no… Tôi đã thề với lòng là không bao giờ tôi cho phép tôi để cho bạn biến mất trước mũi tôi lần nữa. Bà xã tôi bảo tôi nhất định phải tìm cho được Đại Úy, nếu không thì đừng về nhìn… mặt bà ta nữa!
Phạm Phong Dinh
No comments:
Post a Comment