NỘI CHIẾN CỘNG HÒA
TIN GIỜ CHÓT: Tối thứ Sáu 6/1/2023, ông McCarthy cuối cùng đã đắc cử chủ tịch hạ viện sau khi 6 dân biểu khối MAGA đồng ý bỏ phiếu 'hiện diện', giúp giảm số phiếu cần thiết để đắc cử xuống 214, và ông McCarthy đắc cử với 216 phiếu. Có tin ngay trước khi bỏ phiếu vòng thứ 15, ông Trump đã gọi điện thoại và nói chuyện với từng người trong nhóm đó.
Bài này được viết trước khi có tin này, nhưng vẫn cần thiết để quý độc giả hiểu rõ câu chuyện.
------------
Bầu cử quốc hội đầu tháng 11 vừa qua, phe DC đại bại, mất thế đa số trong hạ viện vào tay phe CH. Ngày thứ Ba đầu tuần rồi, hạ viện nhiệm kỳ mới họp phiên họp đầu tiên, trên nguyên tắc để làm hai việc hết sức bình thường, coi như cho có lệ, chẳng có gì đáng nói: đó là bầu chủ tịch hạ viện để ông/bà này chủ tọa lễ tuyên thệ tập thể cho tất cả các dân biểu mới được bầu. Tượng trưng cho có, sau đó, về nhà tiếp tục ăn nhậu mừng năm mới. Chuẩn bị cho các công việc phải làm trong hai năm tới.
Thế nhưng chuyện coi dzậy mà hổng phải dzậy.
Chiến thắng của CH có thể sẽ biến thành thảm họa vĩ đại cho đảng này. Và cho cả nước luôn. Nhờ công lao của chính các vị dân biểu CH.
Hạ viện nhiệm kỳ mới, trong ngày họp đầu tiên, 3/1/2023, tổ chức bầu chủ tịch hạ viện. Để rồi kẹt cứng tại chỗ luôn cho tới.....
Thật ra, trước ngày đó, các chuyên gia đã tiên đoán có thể có chút rắc rối, nhưng không một ai nghĩ đến thảm họa như đã và đang xẩy ra.
DIỄN TIẾN
Phiên họp đầu tiên, bầu chủ tịch lần đầu tiên. Tất cả các dân biểu DC nhất trí bầu cho ông dân biểu da đen Hakeem Jeffries, lãng đạo khối DC vào chức chủ tịch hạ viện. Ông này được 212 phiếu (có 213 dân biểu DC, nhưng một vị mới qua đời bất đắc kỳ tử sau khi mới được bầu), thiếu 6 phiếu mới đủ 218 phiếu để đắc cử chủ tịch hạ viện. Bên CH có 222 dân biểu, tức là thừa tới 4 phiếu để dân biểu Kevin McCarthy, lãnh đạo khối CH, đắc cử chủ tịch hạ viện. Dễ ợt? Biểu quyết, rồi đếm phiếu, rồi khám phá ra ông McCarthy chỉ được có 203 phiếu, nghĩa là ít phiếu hơn ông Jeffries, vì đã có 19 dân biểu CH chống ông McCarthy, thiếu tới 15 phiếu.
Trái: ông Jeffries; phải: ông McCarthy Lần đầu tiên từ đúng 100 năm nay mới có chuyện ứng cử viên của đảng nắm đa số ra tranh cử chủ tịch hạ viện KHÔNG đắc cử ngay vòng đầu. Việc ông McCarthy phải trải qua hơn cả tá vòng bầu cũng là chuyện chưa từng xẩy ra gần 200 năm qua. Phe cấp tiến hý hửng nêu những kỷ lục này để bôi bác phe CH.
Thật ra việc nêu yếu tố lịch sử không chính xác, vì đã không tính việc vai trò của chủ tịch hạ viện đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây, chủ tịch hạ viện chỉ đóng vai trò 'hành chánh', không khác gì vai trò của bà Cheryl Johnson hiện đang chủ tọa các phiên họp bầu bán của hạ viện. Bà Johnson là một viên chức hành chánh với chức danh 'Clerk of the House', tương đương với chức tổng thư ký hạ viện, do bà chủ tịch hạ viện Pelosi bổ nhiệm năm 2019, chẳng có quyền hạn gì. Trong khi bây giờ, vai trò chủ tịch hạ viện đã biến đổi, trở thành một chính trị gia cực kỳ quyền thế, với quyền 'viết' nghị trình hạ viện cũng như bổ nhiệm thành viên tất cả các ủy ban. Quyền hành của chủ tịch hạ viện lớn hơn xa quyền của PTT hay lãnh đạo khối đa số thượng viện, chỉ thua quyền hạn của tổng thống thôi. Nghĩa là trước đây, chẳng ai thắc mắc ai làm chủ tịch hạ viện, bây giờ, bất thình lình biến thành vấn đề sinh tử, đánh nhau chết bỏ.
Năm 1855, đã có kỷ lục bầu tới 133 vòng trong 2 tháng liền mới ra được chủ tịch. Tuy nhiên khi đó là vài năm trước nội chiến, cả nước Mỹ đang tranh cãi túi bụi về chuyện nô lệ da đen, và hai ứng cử viên của hai chính đảng ngang ngửa phiếu của nhau, không như bây giờ là chuyện nội bộ một đảng có nội chiến. Nếu bây giờ chỉ là cuộc bầu giữa ông Jeffries và ông McCarthy thì ông McCarthy đã thắng ngay vòng đầu, khỏi rắc rối.
Không ai đạt được con số 218 phiếu để đắc cử. Trong vòng bầu thứ nhì, tất cả 19 phiếu chống McCarthy đã được dồn qua cho dân biểu MAGA Jim Jordan, cho dù chính ông này ủng hộ và bỏ phiếu cho ông McCarthy. Vòng ba còn tệ hơn, số phiếu của ông Jordan bất ngờ tăng lên thêm 1, tới 20 phiếu.
Theo luật hạ viện, muốn đắc cử phải có hơn 50% số phiếu của tất cả những dân biểu hiện và biểu quyết. Hiện nay đang có 434 dân biểu hiện diện và bầu chủ tịch, do đó muốn làm chủ tịch, phải có ít nhất 218 phiếu.
Nếu số dân biểu hiện diện ít hơn, hay bỏ phiếu ít hơn, thì số phiếu đắc cử cần thiết cũng giảm theo. Lấy ví dụ, có 30 dân biểu không đến họp, hay họp mà bỏ phiếu trắng, thì con số phiếu được kể chỉ là 404 và số phiếu cần thiết chỉ còn là 202.
Cuộc bầu tiếp tục không ngừng, qua tới vòng thứ 13 ngày thứ Sáu 6/1 thì 15 ông bà bảo thủ đã chuyển qua ủng hộ ông McCarthy, tuy nhiên vẫn chưa đủ túc số vì còn 6 dân biểu khối MAGA quá khích nhất quyết chống. Tuy nhiên ông McCarthy chỉ cần thêm đâu 2 phiếu nữa thôi. Điều đình trong hậu trường tiếp tục.
6 db 'tử thủ' chống McCarthy: từ trái: Matt Gaetz (FL), Eli Crane (AZ), Matt Rosendale (MT), Lauren Boebert (CO), Andy Biggs (AZ), Bob Good (VA)
ÔNG MCCARTHY
Trước hết, nói sơ qua về ông McCarthy. Ông này trong thời gian phe CH ở trong khối thiểu số, đã được nhất trí bầu làm lãnh đạo khối CH trong hạ viện. Nhưng bây giờ, ra tranh cử chức chủ tịch hạ viện thì lại bị chống đối kịch liệt bởi một thiểu số đồng chí CH rất cứng rắn, đòi hỏi những điều kiện cực khó mà không chịu nhượng bộ một ly nào, bất kể việc ông McCarthy đã liên tục nhượng bộ.
Ông Kevin McCarthy sanh năm 1965, năm nay 58 tuổi. Ông là dân California, thành phố Bakersfield. Đắc cử dân biểu lần đầu tiên cuối năm 2006, nhậm chức đầu năm 2007 cách đây 16 năm, tức là đã tái đắc cử 8 lần. Trước đó, ông là dân biểu tiểu bang Cali. Ông được bầu làm lãnh đạo khối CH trong hạ viên, đầu năm 2019.
Ông McCarthy là người có khuynh hướng bảo thủ rõ ràng. Cũng là chính khách đầu tiên của đảng CH công khai ủng hộ ông Trump khi ông này mới ra tranh cử TT năm 2016. Ông cũng là dân biểu CH đầu tiên tới thăm ông Trump tại Mar-a-Lago sau khi ông Trump rời Tòa Bạch Ốc năm 2021.
Trong tư cách dân biểu kỳ cựu đã từng nhận những trách nhiệm lớn nhất trong đảng CH, ông McCarthy nhẩy ra tranh cử chủ tịch hạ viện sau khi CH chiếm được thế đa số.
Ông Trump đã là một trong những chính khách CH đầu tiên hưởng ứng, tuyên bố ủng hộ ông McCarthy. Tuy nhiên, một số dân biểu CH trong khối bảo thủ cực đoan nhất, lại lên tiếng chống ông McCarthy đến cùng.
AI CHỐNG? TẠI SAO?
Nói một khối dân biểu CH chống ông McCarthy thật ra không chính xác lắm. Chỉ có một thiểu sỗ rất nhỏ quá khích nhất, đâu 4-5 dân biểu trong số 222 dân biểu CH trong hạ viện chống cá nhân ông McCarthy thôi. Còn lại khoảng 15 dân biểu CH không chống cá nhân ông McCarthy mà chỉ muốn áp lực để đưa ra yêu sách này nọ của họ.
a. Khối cực đoan MAGA
Đây là khối dân biểu MAGA quá khích nhất, cầm đầu bởi các dân biểu Matt Gaetz (FL), Scott Perry (PA), và Lauren Boebert (CO). Họ công kích cá nhân ông McCarthy và thề chống đến cùng vì cho ông McCarthy này thuộc loại tắc kè đổi mầu theo thời thế, không phải là bảo thủ thật hay trumpist thật. Với khối này, họ bác bỏ tất cả mọi điều đình hay nhượng bộ nào của ông McCarthy. Cái lạ là họ sẵn sàng 'bất tuân chỉ thị' của chính ông Trump kêu gọi tất cả nên ủng hộ và dồn phiếu cho ông McCarthy để tránh việc hóa phép biến một đại thành công của CH chiếm được hạ viện, thành một đại thất bại để DC chiếm được chức chủ tịch hạ viện.
Việc ông Trump ủng hộ ông McCarthy chứng tỏ ông Trump đã tính toán kỹ, thấy rõ vai trò cực quan trọng và khó khăn của chủ tịch hạ viện, và ông McCarthy chính là người tương đối có khả năng, kinh nghiệm và uy tín nhất, hơn xa mấy 'đệ tử cuồng mê Trump' như Matt Gaetz hay Lauren Boebert. Ngay cả những dân biểu thật sự ủng hộ Trump nhưng chín chắn hơn như Jim Jordan, Marjorie Taylor Greene,.. cũng đã nhất trí ủng hộ ông McCarthy.
Được hỏi về việc ông Trump kêu gọi đoàn kết bầu cho ông McCarthy, bà Lauren Boebert đã thẳng thừng công kích ngược lại ông Trump, chất vấn tại sao ông Trump không kêu gọi ông McCarthy rút lui mà lại bắt bà phải ủng hộ ông ấy? Dân Biểu Matt Gaetz thì nhún vai, bác bỏ, cho rằng đó là ý kiến của ông Trump, không phải ý kiến của ông Gaetz và ông không có bổn phận phải làm mọi chuyện theo ý của ông Trump. Chẳng những vậy, theo ông Gaetz thì ông Trump rất dở về việc chọn người và dùng người, luôn luôn chọn sai người, chẳng hạn như đã chọn ông Barr, ông Mattis, và bây giờ ông McCarthy. Thái độ 'bảo hoàng hơn vua' của mấy tay MAGA quá khích nhất đưa đến câu hỏi thật sự họ có phải ủng hộ ông Trump không, hay chỉ là mượn tên của ông để đạt được tham vọng cá nhân của họ? Bây giờ đã là dân biểu rồi, nên bất cần Trump? Phe cấp tiến hý hửng khai thác ngay: Trump đã mất hết uy quyền ngay cả trong đám MAGA cuồng nhất.
Tại sao khối MAGA cực đoan thù ghét ông McCarthy như vậy? Có thể vì tham vọng cá nhân, nhưng cũng có thể vì ông McCarthy, trong biến động biểu tình bao vây quốc hội ngày 6/1/2021, đã dám tuyên bố TT Trump trong tư cách TT, phải chịu một phần trách nhiệm về vụ biểu tình đó. Tuyên bố này đã khiến nhiều người cuồng mê Trump quay qua chống ông McCarthy một cách tuyệt đối, rất vô lý. Đám MAGA này, đặc biệt là bà Lauren Boebert, cũng đã tố ông McCarthy không nhiệt tình ủng hộ họ nên họ đã gặp khó khăn lớn trong cuộc bầu quốc hội vừa qua, như bà Boebert đã thắng khít nút, phải đếm phiếu lại. Tệ hơn nữa, đã khiến nhiều ông bà MAGA nặng đã thất cử như bà Kari Lake hay ông Don Bolduc chẳng hạn. Trong con mắt của khối MAGA này, ông McCarthy chẳng những không đáng tin, mà còn là con sâu con bọ trong đầm lầy mà ông Trump cần tát cạn.
Tin kinh hoàng nhất là khối MAGA quá khích này đã công khai tuyên bố sẵn sàng chấp nhận dân biểu lãnh đạo khối DC, ông dân biểu cấp tiến cực đoan da đen Hakeem Jeffries, làm chủ tịch hạ viện, chứ không để cho McCarthy làm chủ tịch! Đúng là hết ý khi chống báng cá nhân đã đi đến tình trạnh sẵn sàng ngồi chung với kẻ thù bất chấp quyền lợi cả đảng và cả nước.
Không hiểu quý độc giả nghĩ sao, chứ theo VL, việc làm này dường như chỉ có tính cách hù dọa, tháu cáy chứ không thể thành sự thật vì việc đó nếu xẩy ra, sẽ là tuyệt đỉnh của chuyện ân oán cá nhân vô trách nhiệm nhất, điên khùng nhất. Chủ tịch hạ viện là người có quyền bổ nhiệm các thành viên các ủy ban, và quan trọng hơn xa, là người có quyền định đoạt chương trình nghị sự, chẳng hạn cho biểu quyết chuyện gì, hay cho điều tra hay ngưng điều tra chuyện gì. Hãy tưởng tượng phe DC làm chủ tịch hạ viện xem chuyện gì sẽ xẩy ra. Việc đầu tiên là các điều tra về Trump sẽ tiếp tục và tất cả các toan tính điều tra về cha con Biden sẽ bị vứt vào thùng rác. Đó có phải là chuyện đám MAGA cuồng này muốn không?
CH nắm đa số mà lại để DC làm chủ tịch hạ viện thì đảng CH đã đúng là tự đào hố chôn sống chính mình.
Vài con vẹt dốt phịa tin đám MAGA này tuân lệnh của Trump, cố trì hoãn để cản không cho hạ viện thông qua kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukraine vì Trump thân Putin, muốn chặn việc viện trợ vũ khí cho Ukraine chống Nga. Như vậy thì con vẹt này giải thích thế nào về chuyện Biden và phe DC hý hửng mừng bế tắc của CH? Nhiều cụ vẹt trước đây đọc quá nhiều chuyện phong thần Tầu nên rất nhiều trí tưởng tượng lăng nhăng.
b. Khối bảo thủ cực đoa
Ngoài đám thiểu số trên, còn một nhóm khác chống ông McCarthy, nhưng một cách chính đáng hơn và nghiêm chỉnh hơn. Đó là khối khoảng 15 dân biểu bảo thủ nhất. Chính xác hơn, khối này không chống cá nhân ông McCarthy, mà họ không bỏ phiếu cho ông chỉ vì muốn áp lực lên ông để đạt được một số yêu sách, đòi hỏi của họ. Đây là khối đã và đang điều đình với ông McCarthy.
Họ đòi hỏi những gì?
Trước hết, họ đòi hỏi khối bảo thủ của họ phải có tiếng nói lớn và mạnh hơn trong việc ra luật mới, hay cản luật của Biden và phe cấp tiến đề nghị. Một cách cụ thể, họ đòi phải có sự hiện diện của khối bảo thủ trẻ này trong các ủy ban quan trọng nhất của hạ viện trong việc ấn định các chính sách kinh tế lớn của cả nước, đặc biệt là các ủy ban có vai trò lớn trong ngân sách và kinh tế như Ways and Means Committee, hay Appropriations and Rules Committee.
Đòi hỏi rất khó cho ông McCarthy đáp ứng. Trong hạ viện cũng như thượng viện, có vấn đề 'thâm niên' của các dân biểu. Những ghế trong các ủy ban quan trọng thường được dành cho các dân biểu thâm niên hơn, trong khi các dân biểu trẻ, mới đắc cử thường được cho vào các ủy ban tương đối nhẹ ký hơn. Ông McCarthy trên nguyên tắc, có toàn quyền bổ nhiệm các đồng nghiệp vào các ủy ban, nhưng dù sao cũng phải tôn trọng cái tôn ti trật tự này nếu không muốn mất hết hậu thuẫn của đại đa số các dân biểu thâm niên.
Ở đây, cũng phải hiểu yêu sách của đám bảo thủ này không phải vô căn cứ hay vô lý. Mới đây, khối này đã hết sức bất mãn khi thấy các dân biểu CH lão làng 'dĩ hòa vi quý' đã đồng ý phê chuẩn cái ngân sách khổng lồ 1.700 tỷ do chính quyền Biden và phe DC đưa ra. Khối bảo thủ là khối chủ trương cân bằng ngân sách, giảm công nợ, bác bỏ Nhà Nước Vú Em đại bàng, không cấp nhận tung cả ngàn tỷ qua cửa sổ. Họ cho rằng các chi tiêu vung vít của khối DC mà các bô lão CH ủng hộ là vô trách nhiệm, đã đưa công nợ lên mức ngập đầu cho cả nước, và đẻ ra nạn lạm phát,... là những chuyện không thể chấp nhận được. Họ muốn được vào các ủy ban quan trọng để ngăn chặn những việc này. Vì nguyên tắc bảo thủ chứ không phải vì chống đối cá nhân ông McCarthy.
Việc chống đối ông McCarthy trên căn bản này có thể là chính đáng, khó trách được họ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó thì khối này cũng phải chấp nhận thực tế, thảo luận, tương nhượng chứ không thể ngoan cố khư khư không nhượng bước. Cuộc khủng hoảng lãnh đạo trong đảng CH có thể giải quyết được hay không phần lớn do khối dân biểu bảo thủ này quyết định (Tin giờ chót, ngày thứ Sáu 6/1, khối này đã đạt được thỏa thuận và đã bỏ phiếu ủng hộ ông McCarthy).
Một dân biểu trong khối bảo thủ này cho rằng cải cách trong các thủ tục biểu quyết mà họ đòi hỏi, cũng như sự hiện diện của khối bảo thủ trong các ủy ban quan trọng nhất là vấn đề nguyên tắc căn bản, bảo vệ lập trường của khối bảo thủ, bảo vệ các chính sách bảo thủ, không phải là chuyện đảng phái, hay tranh dành ghế gì, là chuyện phải làm và làm một cách dứt khoát. Không thể chấp nhận cải cách nửa vời để rồi sau đó lại thấy tình trạng... vẫn như cũ. Khối này cho rằng ông McCarthy vẫn chỉ là rượu cũ bình mới thôi, trong khi họ muốn đổi luôn cả bình lẫn rượu.
Trên căn bản, dĩ nhiên nghe rất hợp lý, đúng theo các lý luận rất dẻo lưỡi của các chính trị gia. Nhưng thực tế chưa hẳn như vậy.
Việc tranh dành ghế trong các ủy ban là vấn đề hết sức then chốt, và có thật, vì tất cả các dân biểu đều muốn có ghế to trong các ủy ban lớn, để sau này, có dịp khoe công với cử tri khi ra tranh cử lại. Chuyện bình thường thôi. Trong trường hợp ông McCarthy, vì ông này tương đối yếu thế khi đảng CH nắm được thế đa số rất mỏng, rất lỏng lẻo, thì đó chính là cơ hội ngàn vàng để 'tranh đấu' cho quyền lợi của chính mình, hay nói cho oai hơn, tranh đấu cho quyền lợi của quan điểm và lập trường của khuynh hướng bảo thủ nói chung.
Một chuyện thật ngộ nghĩnh, đáng kể ra ở đây. Florida có dân biểu CH da đen, ông Byron Donalds. Ông này là tay mơ, mới đắc cử dân biểu cuối năm 2020. Ban đầu ông ủng hộ và bỏ phiếu cho ông McCarthy. Nhưng qua vòng nhì, đổi ý bỏ phiếu cho... chính mình, được đâu đúng một phiếu. Qua mấy vòng sau, sau khi những phiếu chống McCarthy được dồn cho dân biểu MAGA Jim Jordan và bị ông này từ chối không nhận vì ông ủng hộ ông McCarthy, thì các phiếu chống ông McCarthy lại được dồn hết cho ông Donalds, một bằng chứng hiển nhiên về tính thiếu nghiêm chỉnh, vô trách nhiệm của những dân biểu chống McCarthy. Được hỏi ông có muốn làm chủ tịch hạ viện không, ông Donalds cười, cho biết KHÔNG, ông không muốn làm chủ tịch, nhưng sẽ nhận làm thành viên một ủy ban lớn nào đó. Có phải đó chính là mục đích tối hậu của những chống đối ông McCarthy không? Trong vòng bầu thứ 13, ông Donalds đã bỏ phiếu cho ông McCarthy.
GIẢI PHÁP NÀO?
Gần đây, DĐTC đã từng bàn phe CH với thế đa số quá nhỏ sẽ bị một thiểu số rất nhỏ vài dân biểu bắt bí dễ dàng. Là chuyện đúng là đang xẩy ra. Khối CH lo cấu xé nhau, dành quyền lợi cá nhân và quyền lợi phe phái, bất cần biết hậu quả sẽ tai hại như thế nào, chỉ làm lợi cho phe DC. Cái bệnh chia rẽ giữa cả nửa tá phe cánh như DĐTC đã bàn, sẽ giết đảng CH, cho dù chiếm được hạ viện. Bình loạn dza cấp tiến cực đoan James Carville nhận định đảng CH đang tự sát, có lẽ không sai lắm. Cái bệnh chia rẽ giữa cả nửa tá phe cánh như DĐTC đã bàn, sẽ giết đảng CH, cho dù chiếm được hạ viện.
Đảng CH tự sát vì đảng này sẽ hiện nguyên hình như một đảng cực kỳ rối loạn, trong đó cánh cực hữu MAGA quá khích nhất đã hoàn toàn thống trị, khiến cả đảng bị tê liệt, không thỏa thuận được gì trong trách nhiệm lo chuyện dân chuyện nước.
Dân Mỹ nói chung có quan điểm chính trị ôn hòa, sẽ không bao giờ chấp nhận một khuynh hướng quá khích nào. Đảng DC dưới cụ Biden đang mất hậu thuẫn mạnh vì đi quá xa về hướng tả. Cũng vậy, đảng CH nếu đi quá xa về hướng hữu, sẽ mất hậu thuẫn của dân Mỹ dễ dàng.
Cho dù không có bầu cử cho tới năm 2024, thì ít nhất trong ngắn hạn từ đây tới đó, đảng CH sẽ vì nội chiến, chẳng làm nên trò trống gì, để rồi tới bầu cử năm 2024, sẽ ra trình diện với cử tri với bảng thành tích trắng tinh.
Các dân biểu chống, phần lớn là trong khối bảo thủ, muốn có tiếng nói lớn và mạnh hơn qua vài thay đổi thủ tục điều hành quốc hội.
Cái nguy khổng lồ mà khối chống đối ông McCarthy không chịu nhìn thấy là cuộc nội chiến CH này có những hậu quả cực kỳ tai hại hơn xa những tai hại vừa nêu trên, và những giải pháp thấy được hiện nay đều chẳng có cái nào coi được hết.
- Trường hợp lạc quan nhất, cuối cùng thì các phe cánh sẽ tìm được đồng thuận nào đó và chấp nhận ông McCarthy làm chủ tịch. Thực tế, cái đồng thuận này chỉ có thể có khi ông McCarthy chấp nhận những nhượng bộ thật lớn. Để rồi cái ghế ông chiếm được sẽ là ghế ba chân, hết sức lỏng lẻo mà ông có thể té bất cứ lúc nào vì bất cứ lý do nào. Nghĩa là chủ tịch hạ viện McCarthy sẽ là chủ tịch yếu nhất lịch sử hạ viện.
Một trong những đòi hỏi của phe chống đối mà ông McCarthy đã phải nhượng bộ là 'chỉ cần đúng một dân biểu đòi hỏi là chủ tịch hạ viện sẽ phải cho biểu quyết xem ông chủ tịch hạ viện có còn xứng đáng được ngồi ghế này tiếp tục hay không'. Theo quy luật hiện hành, phải có đa số dân biểu thuộc khối đa số mới có được biểu quyết này, bây giờ chỉ cần MỘT dân biểu! Ông McCarthy đã mím môi chấp nhận, mà đám chống đối vẫn chưa thỏa mãn.
- Trường hợp xấu hơn là một dân biểu CH nào khác sẽ được bầu làm chủ tịch. Đây là trường hợp nhiều người mong muốn, nhưng bảo đảm sẽ xấu hơn trường hợp trên. Chỉ vì bất cứ dân biểu nào khác ông McCarthy ra làm chủ tịch, sẽ còn yếu thế hơn xa ông McCarthy. Nghĩa là chỉ còn ngồi ghế... hai chân chứ không còn ba chân nữa. Chỉ vì ông này, cũng chẳng khác gì cụ Biden, chỉ là bung xung, con rối mà các phe phái chấp nhận vì phe phái nào cũng nghĩ ông này mắc nợ họ nên sẽ dễ xoay chuyển hơn, làm con rối dễ bảo hơn. Để rồi cuối cùng, đảng CH sẽ rối loạn hơn tơ vò, suốt ngày đánh đá lẫn nhau trong nội bộ, đưa đến việc đảng DC sẽ thực sự nắm quyền, thành công hơn vì đoàn kết nhất trí hơn, luôn luôn có tối thiểu 212 phiếu.
- Trường hợp quái dị nhất: dân biểu MAGA Matt Gaetz tung ra đề nghị mà bà 5 Sa Đéc chắc sẽ phán "ông Mát Ghết này chắc nói dzởn chơi": bầu ông Trump làm chủ tịch hạ viện. Trên nguyên tắc, chủ tịch hạ viện không bắt buộc phải là dân biểu, do đó, ông Trump có thể được bầu làm chủ tịch. Trên thực tế, ông Trump nếu muốn làm chủ tịch hạ viện, đã có thể thành công rất dễ dàng, bằng cách ra tranh cử dân biểu, đắc cử dễ dàng, rồi trong tư thế dân biểu, ra tranh cử chủ tịch. Khi mà gần 90% các dân biểu CH hiện nay đã là những người được ông hậu thuẫn trong cuộc vận động bầu cử vừa qua thì việc ông đắc cử chủ tịch dường như dễ hơn trở bàn tay. Hiển nhiên là ông Trump đã không muốn cái ghế này, là cái ghế ngồi sau lưng Biden và cả sau lưng bà Kamala luôn.
Tuy nhiên, đó là suy nghĩ bình thường, trong khi không có gì bình thường nơi ông Trump hết. Ông Trump mà làm chủ tịch hạ viện thì bảo đảm cụ Biden sẽ từ bị thương tới chết, một kịch bản không thể nào hấp dẫn hơn, tuy hầu như xác xuất thành sự thật chỉ là... zero.
- Trường hợp tương đối 'ôn hòa', kiểu 'hòa hợp hòa giải dân tộc': CH điều đình với DC, đưa ra một CH ôn hòa được hậu thuẫn của cánh bảo thủ DC, đổi lấy một số điều kiện của DC. Đây có vẻ là giải pháp nhiều người ôn hòa cổ võ, nhưng rất đáng nghi ngờ vì phe DC sẽ có những điều kiện gắt gao vì họ nghĩ họ đã nắm được 'yết hầu' của CH.
- Trường hợp tệ nhất: ông DC Jeffries sẽ đắc cử làm chủ tịch hạ viện. Có ít ra là ba trường hợp hợp có thể xẩy ra:
Đám MAGA quá khích sẽ nhẩy rào, ủng hộ ông Jeffries như họ đã đe doạ.
Đám CH ôn hòa, bực mình với những xâu xé nội bộ, kéo dài vô tận, việc nước chẳng ai lo, sẽ nhẩy rào, ủng hộ ông DC Jeffries để hạ viện quay qua lo việc nước.
Ngay cả ông McCarthy, bị áp lực quá mức, cũng có thể sẽ điều đình với khối DC, ủng hộ ông Jeffries nếu ông McCarthy đạt được nhượng bộ lớn nào đó từ ông McCarthy, hay ngược lại, điều đình để phe DC chấp nhận ông McCarthy sau khi ông này đã nhượng bộ chuyện lớn nào đó, chẳng hạn, như ủng hộ các chuyện vung tiền ra cửa sổ của Biden, hay cản không cho hạ viện điều tra về cha con Biden.
Cuộc bầu bán này có thể kéo dài bao lâu? Chẳng ai có câu trả lời vì luật quốc hội không có ghi giới hạn thời gian nào. Cho đến khi bài này được viết thì đã kéo dài 4 ngày rồi. Trong lịch sử Mỹ, đã có nhiều lần hạ viện phải bỏ phiếu cả trăm lần trong cả 2-3 tháng mới bầu được chủ tịch.
Hậu quả cụ thể là trong khi bầu chủ tịch không được thì tất cả mọi chuyện đều ngưng tại chỗ, không có dân biểu nào được tuyên thệ nhậm chức, sẽ không có bàn thảo hay biểu quyết bất cứ chuyện gì. Coi như không có hạ viện. Sẽ chẳng có cuộc điều tra nào về cha con Biden, nhưng cụ Biden cũng chẳng thông qua được bất cứ dự luật nào, kể cả ngân sách, vì không có hạ viện phê chuẩn.
PHẢN ỨNG CÙA PHE DC
Phe DC và truyền thông loa phường dĩ nhiên là hý hửng nhẩy tưng tưng ăn mừng CH đánh đấm, giết nhau. Cụ Biden rất 'hoành tráng' đã cho rằng cuộc nội chiến CH thật "đáng xấu hổ".
Phe DC thích thú nhìn CH đánh nhau, nhưng quên mất ngày nào không có hạ viện thì cụ Biden cũng như bị trói tay, chẳng là gì được luôn. Nếu có hạ viện, cho dù hạ viện do đa số CH kiểm soát, vẫn còn hy vọng làm được gì nếu có nửa tá dân biểu CH nhẩy rào.
NHẬN ĐỊNH RIÊNG
Trong thực tế cuộc sống, ít khi nào ta có những lựa chọn giữa hai ba con đường đều tốt đẹp hết, hay giữa con đường thật đẹp và con đường thật xấu. Thực tế, thường chỉ là lựa chọn đi theo con đường nào... đỡ xấu nhất thôi.
Ông McCarthy có thể không phải là dân biểu tài giỏi nhất, hay bảo thủ nhất, hay đáng tin cậy nhất, nhưng nhìn cho kỹ vào đảng CH hiện nay, chẳng thấy ai có những điều kiện thuận lợi hơn ông. Việc bầu một dân biểu khác, đặc biệt là một dân biểu cuồng MAGA là chuyện không tưởng, không bao giờ xẩy ra vì vị đó sẽ không bao giờ có thể kiếm đủ 218 phiếu CH để đắc cử, mà có xẩy ra thì sẽ tai hại có thể còn hơn việc bầu một ông DC làm chủ tịch. Tai hại hơn vì về lâu về dài, sẽ giết đảng CH vì biến đảng CH thành một đảng quá khích còn hơn xa những gì ông Trump mong muốn và dân Mỹ có thể chấp nhận được.
Khối CH lo cấu xé nhau bất cần biết hậu quả sẽ tai hại như thế nào, chỉ làm lợi cho phe DC. Quyền lợi đất nước, và quyền lợi đảng hình như đã bị cuốn theo chiều gió thổi đi đâu mất rồi. Bây giờ chỉ còn quyền lợi cá nhân. Đó là cách nhìn của những người không thích đảng CH lắm. Không phải là hoàn toàn vô lý.
Nhưng nhìn kỹ hơn thì thấy ngay đó là cách 'vận hành' của cái gọi là thể chế dân chủ. Trước đây, một đại chính khách gia mà kẻ này quên tên, đã từng nói "thể chế dân chủ lúc nào cũng rất rối rắm" -"democracy is always very messy". Trong khi các chế độ độc tài của phát-xít hay CS thì trái lại luôn luôn rất kỷ luật, kỷ luật đến độ kết quả bầu cử luôn luôn cỡ từ 99% tới 100%, như hậu thuẫn của ông Jeffries trong đảng DC hiện nay là đúng... 100% không thiếu một ly nào, trong cả chục vòng bỏ phiếu.
Kẻ này, với bản chất lạc quan, luôn luôn tin tưởng cái thể chế dân chủ của Mỹ, cho dù 'messy' tới đâu cũng vẫn tốt hơn, và cuối cùng sẽ có kết quả tốt hơn xa mọi bầu bán với 100% nhất hô bá ứng một chiều. Có trái chiều bao giờ cũng tốt hơn!
--------------
Cũng may mà cuối cùng, ông CH McCarthy đã thắng!
Để xem ông ta đã nhượng bộ những gì, và sẽ trả nợ ra sao.
Vũ Linh
ĐỌC THÊM:
Tại sao chống McCarthy - CNN:
Thể chế dân chủ vận hành - Fox News:
No comments:
Post a Comment