CHIM KÊU GÀNH ĐÁ
"Chiều chiều gió thổi Hải Vân
Chim kêu gành đá gẫm thân thêm buồn."
Việt Phương
Mẹ tôi thường nói theo Kinh Thánh: "Biết lòng nó độc thì nhịn mà chào nó". Không những bà chỉ dạy cho tôi điều ấy, mà ngay cuộc đời bà, là cả một sự nhịn nhục triền miên.
"Đời sống sinh ra là đã muộn phiền, như trái táo có con sâu nằm sẵn trong đó, đục ruỗng từ từ cho đến khi trái táo khô méo, rụng rơi."
Không biết mẹ tôi nhịn nhiều quá cho nên bà đâm ra bi quan trước đời sống. Bà mớm cho tôi những ý tưởng bi quan. Nhưng tôi nghĩ sau này lớn lên, thế nào tôi cũng chứng tỏ cho mẹ tôi thấy rằng, không phải cuộc đời nào cũng kéo dài trong sự phiền muộn. Tôi tin tưởng sẽ đem đến cho mẹ tôi những chuỗi ngày hạnh phúc, ít nhất là khi tuổi mẹ về chiều. Tôi lớn lên trong thế giới của hai mẹ con, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nguyên nhân khiến tôi có ý nghĩ phải phấn đấu với cuộc sống, bởi vì chung quanh tôi đầy rẫy những sự bất công. Những bất công đã đã nẩy ra trong tôi những chồi mơ ước.
Tuổi thơ của tôi bị đọa đày trong con hẻm lầy lội, ra khỏi con hẻm là nhà thờ Chánh tòa với nóc chuông chót vót trên cao. Tôi thường leo lên con dốc dài để vào nhà thờ và ở lại đó những lúc tan lễ. Khi bóng giáo đường im vắng với tiếng chim kêu thảng thốt trong chiều. Tôi thường ví mình như một con chim lạc loài chở chiều về trên đôi cánh mỏng. Không biết sao tuổi thơ của tôi lại có những mơ mộng và ý tưởng như người lớn. Mẹ tôi cũng thường nói thế. Những người chung quanh tôi thì bảo tôi khôn sớm vì thiếu cha. Có một lần tôi hỏi mẹ rằng ba tôi đâu. Mẹ tôi vuốt tóc tôi cười hiền. Ba bận đi xây tổ ấm. Tôi ngơ ngác hỏi. Xây tổ ấm là sao hả mẹ? Mẹ tôi nhìn xa xăm. Là như chim, bay đi chỗ khác làm tổ và không bao giờ trở lại nữa. Thế cho nên tôi không thích những con chim đậu trên nóc giáo đường là vậy đó. Chúng đến và đi. Tôi không thích vận dụng trí óc của tôi để "làm dấu" những con chim lạ. Tôi vẫn nghĩ một ngày là một bầy chim khác nhau về trú tạm, rồi bay.
Cạnh nhà thờ Chánh tòa là sân ga với những đường ray hắt hiu nằm đợi con tàu nghiến vào đó nỗi mệt nhọc của những vết xe già trên nửa thế kỷ. Những toa tàu cũ kỹ rùng mình trong sương sớm. Ở đó, tôi đã nhiều lần chứng kiến mẹ tôi chạy theo con tàu để mời mọc khách hàng mua từng chùm nem với lá gói nhiều hơn thịt bên trong. Những chùm nem Ninh Hòa giả hiệu được gói ghém đẹp đẽ. Sân ga với những lúc hai mẹ con ngồi buồn bã bên nhau đợi tiếng còi về. Những chiều mưa biển, xám xịt sân ga. Tôi thường nhìn qua màn mưa nghiêng cầu mong cho cơn mưa ngưng hạt để thấy được tia hy vọng sáng nhẹ trong mắt mẹ tôi.
Trong nhà đợi, mẹ con chúng tôi ngồi co ro bên nhau, lạc lõng giữa những tiếng ồn ào chung quanh. Những lúc ấy mới thấy chúng tôi thật nhỏ nhoi giữa chợ đời. Tiếng người hò hét giành chỗ để đồ đạc, tiếng chửi rủa tục tĩu, phát ra từ miệng của những người đàn bà. Mẹ kéo tôi vào lòng nói nhỏ. "Lẽ ra mẹ không nên đưa con đến những chỗ như thế này.". Tôi không quan tâm đến những lời của mẹ tôi cho lắm. Vì nếu tôi có ở nhà, quanh quẩn trong bốn bức tường gỗ, tôi cũng có thể nghe được những lời chửi bới tương tựa như thế này trong con xóm lao động của tôi. Những lúc trời mưa rả rích mái tôn. Tôi không thể nào không nhớ lại cơn mưa ngày nào.
*
Mẹ bế tôi trên tay chạy vật vã theo bóng người trước mặt. Chiếc bóng mỗi lúc một di động nhanh hơn. Tôi ho run rẫy trong lòng mẹ dưới cơn mưa đổ xuống mỗi lúc một lớn. Những hạt mưa quất vào mặt tôi tím ngắt. Mẹ tôi gào trong tan nát. Tôi khóc ngằn ngặt trong bước chân của người đàn ông dần khuất. Ba tôi đó. Ông bước đi như không có gì vướng bận. Tiếng kêu của mẹ tôi chìm dần trong vô vọng. Nếu không vì ổ gà dưới chân làm bà té nhào, chắc mẹ tôi còn cố gắng rượt theo nữa. Bùn bắn tung tóe lên người hai mẹ con chúng tôi. Mẹ tôi ngồi bệt xuống đất, quên cà cơn lạnh đang hành hạ tôi.
Tôi mất ba vào một ngày mưa, cho nên tôi ghét mưa. Chính cơn mưa đó khiến cho mẹ tôi đã túng quẫn lại càng túng quẫn hơn. Tôi bị viêm phổi. Có thể tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ bế tôi gõ cửa từng nhà vay mượn tiền để đi bác sĩ chữa trị cho tôi. Với tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất là không có tiền. Nỗi sợ ấy thấm trong máu tôi từ những ngày còn bé tí. Vì tiền, mẹ tôi đã chịu không biết bao nhiêu cực nhục. Họ hàng khinh khi, láng giềng rẻ rúng. Cũng chính số tiền khám và chữa bệnh cho tôi đã làm mẹ tôi khánh tận. Hết rồi, cả chiếc nhẫn cưới. Tình nghĩa vợ chồng cũng mất thì sá chi chiếc nhẫn cưới, giữ lại chỉ thêm buồn. Mẹ tôi đã nói với tôi như vậy. Tuy nhiên, tôi không tin. Vì, nếu không yêu ba tôi thì mẹ tôi đã không ở vậy nuôi tôi trong sự kiệt cùng.
Nghĩ lại tôi thấy mẹ tôi ngây thơ quá trong những ngày bế tôi ra chân cầu gỗ bốc mùi hắc ín để chờ ba tôi trở về.. Chiếc cầu Trịnh Minh Thế dẫn đến Ngũ Hành Sơn. Tôi nhớ những lần cùng ba mẹ đến vỗ vào cái trống cát, cười vui trong hang động chúa Nguyễn Ánh trốn thuở nào. Những lần hạnh phúc chạy theo sao tà áo dài của mẹ tôi quấn quít bước chân ba tôi, khi chúng tôi leo từng bậc thang cấp để qua những hang động khác xem Phật ngồi, Phật nằm. Trời ơi! Nếu tôi được lớn lên trong hạnh phúc của hai người, chắc cuộc đời của tôi sẽ bước qua một bước ngoặc khác, bước ngoặc của những con đường đầy hương hoa gió ngọt. Chứ đâu phải lầm lũi theo mẹ tôi trốn con nợ để vào Nha Trang, sống trong con hẻm chỉ vừa một chiếc xe đạp chạy vào.
Tôi biết mẹ tôi còn nhớ Mỹ Khê, chợ Hàn; nhớ Tam Tòa, nhớ tiếng người lao xao chợ Cồn đường Ông Ích Khiêm. Tuổi hoa niên của mẹ tôi như bướm lượn bên bên cạnh ba tôi trên bến Bạch Đằng những chiều nắng mật ngọt ngào. Thật ra, tuổi hoa niên của mẹ tôi đẹp hơn tuổi thơ của tôi rất nhiều. Tuổi thơ của tôi mở ra ở hai đầu ngõ. Luồn lách trong con hẻm sâu hun hút, thoát ra một đầu là chợ Xóm Mới, nơi mà những người ngồi chồm hổm buôn bán nhiều hơn những người có sạp. Đầu còn lại của con hẻm nhà tôi dẫn ra ngã sáu xe cộ tươm nườm nượp về sáu hướng khác nhau. Tôi không biết chọn hướng nào, chỉ biết leo lên sân nhà thờ ngồi trải nỗi buồn ra với Chúa.
Tôi thường bị bạn bè chọc ghẹo là đứa con không cha. Có đứa ác độc hơn bảo tôi là con rơi. Tôi về nhà khóc lóc với mẹ tôi. "Biết lòng nó độc thì nhịn...". Cũng những câu nói ấy. Tôi không biết trong lòng trẻ con như chúng tôi thì đã có đất để gieo những mầm mống toan tính độc ác chưa? Nhưng sao với tôi, những đứa trẻ con cùng trang lứa dạo ấy thật là ác độc. Chúng bè lũ ăn hiếp tôi, khiến tôi sống trong sự cô đơn cằn cỗi. Như một hạt giống bị gieo vào nơi thiếu ánh sáng, thiếu rất nhiều điều kiện thuận lợi của thiên nhiên.
Tôi èo uột lớn lên trong điều kiện đó. Những mơ ước của tôi lớn dần theo ngày tháng. Mẹ tôi nói (lại mẹ tôi), càng lớn, con người ta dễ dàng chấp nhận những gì mình đã có, nghĩa là mơ ước ngày càng nhỏ. Nhưng tôi thì ngược lại, bởi vì với tôi mơ ước lúc nào cũng chỉ là mơ ước, không bao giờ đạt được. Song song với những ước mơ được ươm trồng trong tâm hồn bệnh tưởng của tôi, thì dĩ vãng vẫn như là một vết mực không bao giờ tẩy xóa được trong tôi. Những ngày được mẹ bế bồng trông đợi. Những chiều lủi thủi theo chân mẹ về không dám nói một câu khi thấy khuôn mặt mẹ nặng như đeo đá. Quẩn quanh trong nỗi nhớ của tôi là con tàu sắt ngoằn ngoèo lượn mình xuyên qua đèo Hải Vân để ra Huế. Tết đến, hai mẹ con không có được một chiếc áo mới để "vui xuân" với người ta. Mẹ con tôi lầm lũi trong đêm ba mươi xuyên qua những con hầm ngạt mùi than đá.
Đến Huế, sự bơ vơ càng đáng sợ hơn khi hai mẹ con bước xuống ga xe lửa của một đêm đoàn tụ mọi gia đình. Sân ga vắng. Những chiếc đèn vàng hắt chút ánh sáng trên con dốc nhỏ. Mẹ tôi ghì tôi vào lòng. Tôi nghĩ mẹ tôi sợ, hơn là cơn lạnh đang ùa vào chúng tôi. Tôi rúc đầu vào ngực mẹ tôi không dám kêu rên một tiếng dù cả buổi chưa được ăn miếng gì vào bụng. Còn bé, nhưng tôi như đã thấu hiểu được tâm sự của mẹ tôi. Tôi cố gắng chia sẻ với mẹ tôi dù tôi không biết phải nói như thế nào.
Đêm ba mươi, bóng tối đổ trùm xuống chúng tôi nỗi đau đớn của hai kẻ lạc loài. Mẹ tôi bế tôi leo lên dốc Nam Giao, lần mò ra căn nhà bên nội tôi. Căn nhà mẹ tôi chưa một lần bước chân vào. Hai mẹ con đứng lấp ló sau hàng ngâu được cắt xén kỹ lưỡng. Tôi thấy có ánh lửa bập bùng sáng một góc vườn. Tiếng người cười đùa vang lên đâu đó. Hình như họ đang ngồi canh nồi bánh tét. Mẹ ôm tôi đứng trong bóng đêm.
Rất lâu, bà mới dám rung chuông....
*
Tôi có thể quên nhiều chuyện trong đời, nhưng chuyện đêm ba mươi năm ấy, có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được. Mỗi lần nghe tiếng chuông nhà thờ đổ, tôi lại nghĩ đến tiếng chuông của mẹ tôi kéo rung lên dạo nào. Dù chiếc chuông mẹ tôi kéo ở nhà ông nội tôi chỉ nhỏ bằng một nắm tay con nít. Nhưng tiếng vang của nó lại dội mãi trong lòng tôi như không bao giờ yên lắng.
Ba tôi một lần nữa khuấy động nhịp sống bình lặng của chúng tôi. Ông theo bước chân của đứa trẻ bán cà rem líu lo chỉ đường theo tiếng chuông leng keng trên tay, bất ngờ tìm gặp mẹ tôi. Lẽ ra mẹ tôi là người vui nhất mới phải. Bao nhiêu năm chờ đợi, cuối cùng ba tôi đã xuất hiện. Ông đứng án cả chút ánh nắng ban chiều dọi vào chiếc cửa ra vào độc nhất của nhà chúng tôi. Mẹ tôi đang loay hay thổi nồi cơm ở góc nhà. Tôi thấy lưng mẹ tôi oằn xuống mà đau lòng. Tôi phụ mẹ tôi nhặt những hạt sạn trong gạo. Mẹ tôi tái mặt quay lại khi nghe ba tôi gọi mình ơi, mình ơi tha thiết. Chuỗi âm thanh êm đềm cũ quật vào trí não mẹ tôi một đợt sóng làm bà chới với. Tôi không thể nào quên được đôi mắt mẹ tôi lúc ấy. Đôi mắt nửa mừng rỡ, nửa tuyệt vọng. Bỗng, mẹ tôi òa khóc:
"Anh còn tìm đến làm gì?"
"Không tìm mình anh biết tìm ai?"
"Tìm ai cũng được, miễn không phải là tôi."
Ba tôi sà xuống bên cạnh tôi, ông vuốt đầu tôi:
"Con còn nhớ ba không?"
Tôi ngơ ngác nhìn ông. Sao tôi không có được một cảm giác nào, dù chỉ là những rung động giả tạo. Không phải bấy lâu nay tôi ao ước có được một người cha sao? Ba tôi hỏi tiếp:
"Con đang làm gì đó?"
Lạ. Ông không biết tôi đang nhặt những hạt sạn lẫn lộn trong từng bữa cơm của chúng tôi hay sao? Thiếu ba. Tôi ăn cơm trộn sạn. Thiếu chồng. Mẹ tôi ăn rau chừa cơm cho con được no bữa. Những ngày tháng ấy ba tôi đã làm gì? Ở đâu? Tôi không dám nói những suy nghĩ ấy cho ba tôi nghe. Có thể khi nói ra sẽ bị mẹ tôi la rằng tôi hỗn láo.
Mẹ tôi mời ba tôi ở lại dùng bữa cơm chiều. Tôi nhìn ba tôi trệu trạo nhai cơm mà nghe hả dạ. Có như thế ông mới biết mẹ con tôi khổ sở như thế nào. Mẹ tôi lặng lẽ không nói. Tôi thấy không khí trong nhà chùng xuống não nề. Như là bữa cơm chia tay của kẻ tử tội. Trong ba người chúng tôi. Ai là kẻ tử tội? Cuối cùng rồi suy nghĩ của tôi cũng được giải bày. Tôi đó. Ba tôi đã chính thức mở miệng ra để "xin" tôi về quê nội. Mẹ tôi vật người ra khóc. Nếu tôi nói không quá. Mẹ đau lòng khóc còn hơn dạo ba tôi bỏ đi. Đến bây giờ mẹ tôi mới lên tiếng phản đối một cách mãnh liệt. Tôi hình dung ra con gà mái đang xòe cánh che chở cho đàn gà con:
"Ông thật là ích kỷ. Tại sao lại chia rẽ mẹ con chúng tôi?"
Ba tôi cất giọng ôn tồn:
"Con nó ở với mình không có tương lai đâu. Hơn nữa, ông bà nội cũng nhớ nó lắm."
Mẹ tôi nghiến răng:
"Bắt con tôi? Không thể nào."
"Mình cũng hiểu nó là đứa cháu đích tôn. Sau này tất cả đều phải nhớ vào nó."
Mẹ tôi cười ngờ nghệch:
"À! Ông tìm không ra con cái rồi mới nghĩ tới nó chứ gì? Quá muộn rồi."
Ba tôi xoay qua tôi cầu cứu:
"Con có muốn theo ba không?"
Tôi lắc đầu. Rõ ràng là tôi muốn nói với ba tôi thật nhiều, tôi muốn nói những bất mãn trong tôi đối với ông. Nhưng tôi không nói được. Tôi cúi đầu lùa vội miếng cơm cuối cùng vào miệng. Tôi buông đũa chạy ra hiên nhà. Và, tôi gục mặt khóc sướt mướt.
*
Tiếng chuông vừa rung xong, mẹ tôi bấu chặt tay vào cánh vai tôi đau điếng. Có tiếng guốc bước ra cổng. Khuôn mặt một người đàn bà trung niên thò ra giữa hai cánh cổng. Mẹ tôi lí nhí hỏi thăm ba tôi. Cánh cổng khép lại vội vàng. Mẹ tôi ngơ ngác giữa hai cánh cổng khép. Rồi đôi mắt ấy đổ những niềm tuyệt vọng xuống đôi mắt tôi đang ngước nhìn mẹ tôi chờ câu trả lời. Không đợi cho niềm tuyệt vọng trong mắt mẹ tôi trào ra theo từng giọt lệ, cánh cổng một lần nữa lại được mở ra rộng hơn. Mẹ tôi kéo tôi đi theo người đàn bà lúc nãy. Căn phòng khách đèn đuốc sáng trưng. Mọi người trong gia đình đã tề tụ tại đó, như thể họ đang chờ xem một tuồng hát bất ngờ được diễn trong không khí gia đình đang hớn hở chờ những phút giây trừ tịch.
Người ngồi uy nghi trên chiếc tràng kỷ là ông nội tôi. Tôi chắc như thế. Nhìn hai tia mắt có lửa của ông, tôi nghĩ có thể thiêu đốt được tim gan mẹ tôi lúc bấy giờ. Bên cạnh ông, người đàn bà khoảng lục tuần với đôi môi tô son đỏ như hai quả ớt sừng trâu nằm vắt ngang trên miệng bà.. Ba tôi đứng khép nép sau lưng. Bên cạnh đó là hai người đàn bà, mà tôi được biết là cô tôi. Hai người cô (người Huế gọi là o), mặt khó đăm đăm đang chiếu những tia nhìn khắc nghiệt vào mẹ tôi. Nếu vào sống trong gia đình này, mẹ tôi làm dâu cũng chẳng có được hạnh phúc. Hai người chị chồng là hai "mụ o dọn (nhọn) mồm" hàng ngày sẽ đâm thọc mẹ tôi, không chết cũng bị thương.
Ba tôi là con út trong gia đình. Người đàn bà ra mở cổng đưa chúng tôi vào chỉ là người làm. Bà đang bưng nước lên. Trông dáng điệu của bà thật đáng tội nghiệp. Lúc nãy kênh kiệu trước mặt hai mẹ con chúng tôi, bây giờ thì đang khép nép trước mặt chủ nhân. Bà đặt khay nước xuống bàn rồi khúm núm rút lui, không quên quét đôi mắt dò hỏi trên mình hai mẹ con chúng tôi.
Từ lúc vào nhà đến giờ. Tôi chưa thấy ai nở nụ cười. Bà nội tôi rót nước vào chiếc tách in hình long phụng bưng lên đưa cho ông nội Ông cầm tách trà hớp một ngụm rồi từ tốn đặt xuống bàn. Xong, ông đưa mắt nhìn mẹ tôi lần nữa:
"Cô là ai? Kiếm thằng Duyệt có chuyện chi?"
Mẹ tôi bối rối vò đầu tóc của tôi. Tôi nhìn những đôi mắt soi mói chờ câu trả lời của mẹ. Mẹ tôi đứng chôn chân, như thân cây khô héo đang chờ người ta bứng đi. Tôi cúi xuống thấy tội nghiệp hai bàn chân trần của mẹ tôi đang cố bám vào nhau bằng hai ngón chân cái tím bầm. Đôi bàn chân lạc loài tương phản với nền gạch hoa bóng loáng. Tôi biết trong mẹ tôi, nỗi đau khổ, nhục nhằn đã quá mức, bằng cớ là tóc của tôi như muốn bức ra khỏi đầu bởi bàn tay khổ sở của bà không biết bám víu vào đâu. Tôi biết sự việc rất hệ trọng. Tôi không dám kêu rên một tiếng. Nhưng nước mắt tôi cứ chảy dài.
Bỗng một người đàn bà khác xuất hiện ở ngạch cửa. Ông tôi đưa tay ngoắc. Giọng ông có một chút gì đó đe dọa:
"Vợ thằng Duyệt, lại đây."
Mẹ tôi quay qua nhìn người đàn bà vợ của ba tôi, mặt mẹ tôi bỗng bệch ra một màu chì nặng trĩu. Bà hấp tấp bế tôi vào lòng. Lí nhí nói:
"Có lẽ con đi lộn nhà,"
Nói xong, mẹ tôi ùa chạy. Tôi ngoái nhìn ba tôi lần cuối. Khuôn mặt ông thở hắt ra sự căng thẳng. Trong mắt ông, một chút reo vui ánh lên như một kẻ tội phạm bị nhốt lâu ngày khi không được phán vô tội, phóng thích. Tôi nghe những giọt nước mắt của mẹ tôi tuôn chảy xuống mặt tôi. Đêm ba mươi. Tiếng gió như buốt thịt xương. Hình như mẹ tôi còn quên cái gì đó ở nhà ông nội tôi? Phải rồi, đôi guốc gỗ mẹ tôi đã tháo gỡ, bỏ nơi bậc tam cấp trước khi bước vào nhà ông.
*
Như vậy đủ biết ba tôi đã lừa dối mẹ tôi khi ông thề non hẹn biển với bà. Ông vốn đã có vợ, một người vợ môn đăng hộ đối. Đến bây giờ tôi không nhớ nỗi khuôn mặt mẹ lớn của tôi. Khi một người đang yêu, họ có thể bị mù quáng. Bằng chứng là mẹ tôi. Những điều bà biết về ba tôi thật quá ít. Nhưng bà chấp nhận tất cả. Tôi không hiểu mẹ tôi có biết ba tôi đã có vợ trước khi lén lút kết hôn với bà không? Chắc không? Bởi vì bà đã tròn xoe mắt kinh ngạc nhìn bà vợ chính thức của ba tôi trước khi lao mình ra khỏi nhà ông tôi đêm ba mươi năm nào? Mẹ tôi đã có gan từ xa xôi đến tìm ba tôi. Tại sao mẹ tôi không nói thật cho mọi người ở đó biết? Cũng có thể mẹ tôi mặc cảm. Sự mặc cảm thua sút đã thể hiện quá rõ ràng như đôi bàn chân trần co quắp trên nền nhà gạch hoa dạo nào. Lúc ấy, mẹ tôi còn tệ hơn người hầu trong nhà. Sự chênh lệch như kéo mẹ xa ba tôi hơn. Giá như lúc đó mẹ tôi mang hẳn guốc vào nhà, có thể thế đứng của mẹ tôi lúc ấy cũng được... cao thêm một chút.
Mẹ tôi đâu phải là một người thiếu học. Nhưng đứng trước đội quân bên chồng, đứng trước nề nếp và căn nhà xưa cổ đó, bao nhiêu điều học hỏi của mẹ tôi đã theo hồn vía bay mất. Mẹ tôi như kẻ có tội. Cái tội làm bé, giật chồng người ta. Cái tội nghèo. Người nghèo lúc nào cũng nhìn mặt đất thấp hơn, sát hơn. Có thể nhìn chi li từng con kiến một. Người giàu thì có khuynh hướng nhìn lên trời. Bầu trời đối với họ thấp có thể với tới được. Không biết tôi học ở đâu ra lối lập luận như vậy, nhưng áp dụng vào trường hợp của ba mẹ tôi thì hai cái nhìn của họ không bao giờ ở chung một điểm được. Biết thế nhưng tại sao mẹ tôi lại yêu ba tôi nhỉ? Tôi thật sự không hiểu thế nào là tình yêu.
Tôi buồn tay lấy cây cà rem khều ổ kiến lửa đang vun đống nơi thềm nhà. Lại sắp có mưa. Mẹ tôi nói mỗi khi kiến độn đất lên như vậy thì thế nào cũng có mưa. Tôi cũng không thèm để ý đến những giải thích có tính cách khoa học hơn. Những con kiến đang chạy loạn dưới chân tôi. Phải rồi. Tôi nghèo nên nhìn những con kiến cũng tội nghiệp hơn người khác. Phải chi tôi đừng phá ổ của nó. Phải chi ba tôi đừng đến tìm mẹ tôi. Tôi khều chi ổ kiến lửa? Ba tôi khều chi vết thương chưa lành mí của mẹ tôi? Một lúc sau đó tôi nghe mẹ tôi lớn tiếng. Đây có thể là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mẹ tôi có phản ứng dữ dội như vậy:
"Mời ông ra khỏi nhà tôi ngay. Mẹ con tôi không muốn gặp mặt ông nữa."
Tôi ghé mắt nhìn vào khe cửa. Ánh mắt mẹ tôi long lên sòng sọc. Đã đến lúc mẹ tôi quên câu Kinh Thánh xưa: "Biết lòng nó độc thì nhịn...". Mẹ tôi đứng dậy xô ghế, bà làm một cử chỉ như cương quyết mời ba tôi ra khỏi nhà. Ba tôi bình tĩnh đứng lên:
"Anh cũng sẽ có cách 'bắt' nó mà."
Nghe đến chữ "bắt nó", trong lòng tôi tê điếng. Tôi không muốn mất mẹ tôi dù chỉ một phút. Tôi không muốn. Tôi cắm đầu chạy. Tôi lách qua con hẻm. Tôi băng ra đường. Trên cao. Nóc nhà thờ đang đổ chuông rền rã. Những chú chim nghe động vút mình bay ra. Có con chim nào trong đám tôi biết, bay về chiều nay? Tôi nghe tiếng thắng xe, tiếng còi bóp ầm ĩ. Tôi thấy ước mơ của tôi bị vụn vỡ dưới cơn mưa đổ xuống bất chợt. Hình như tôi không còn lớn lên được nữa. Muôn đời tôi vẫn là thằng bé tí ngồi vẽ vời mộng mơ. Tôi nhớ như in khuôn mặt mẹ tôi khi chiếc tàu chạy qua đèo Hải Vân chiều mồng Một tết năm nào. Lúc ấy hình như cũng có cánh chim lướt qua khung cửa trên toa tàu. Tôi theo mắt mẹ tôi nhướng người nhìn ra ngoài. Có chú chim non lạc loài nơi gành đá. Một lúc sau tôi thiếp ngủ trong lòng mẹ tôi. Khuôn mặt mẹ tôi một lần nữa lóe trong trí nhớ nhỏ nhoi. Tôi thiếp đi trong lời ru não ruột: "Chiều chiều gió thổi Hải Vân, chim kêu gành đá gẫm thân thêm buồn."
VP
(Trích từ tập truyện "Trong Khu Vườn Rêu Cũ", Lạc Việt xuất bản tại Hoa Kỳ, 1996)
Tranh sơn dầu: Việt Phương
No comments:
Post a Comment