Saturday, January 7, 2023

DUYÊN ANH – NHÀ VĂN TÔI BIẾT 


Tôi lớn lên giữa vùng rừng đồi cao nguyên đất đỏ. Mảnh đất cằn cỗi và xơ xác cơ hồ như quê hương tôi sau cuộc đổi đời thê thảm.

Trên mảnh đất nghèo nàn khốn khổ ấy. Tình người cũng se sắt và nhìn nhau nghi kỵ, bỉ thử. Người ta có thể đánh nhau, chửi nhau bằng những từ ngữ thậm tệ nhất chỉ vì một bó củi, con dao hay trái bí, trái bầu…

Mẹ tôi ! Người đàn bà góa bụa giữa tuổi xuân thì. Mẹ sống âm thầm, nín lặng và phả vào hồn chị em tôi bằng những câu thơ, bài hát chất chở tình người..

Đêm đêm, trong căn chòi tranh tồi tàn. Dưới ngọn đèn dầu mù mờ. Mẹ dạy chúng tôi đọc những vần thơ bồng bế yêu thương, chứa chan mộng mị.. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện tình của mẹ và bố.. Mỗi lần nhắc tới bố hai mắt mẹ rưng rưng :

– Ngày xưa bố biết làm thơ và viết văn hay lắm! Thuở còn đi học. Bố con đã quen nhiều nhà văn, nhà thơ và thơ văn của bố đã đăng báo… và trên tờ báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh.

-Duyên Anh là ai hả mẹ? tôi hỏi !

-Ông ấy là nhà văn viết truyện cho tuổi thơ, tuổi trẻ hay lắm. Tiếc rằng bây giờ sách của ông ấy bị cấm chứ không thì mẹ mua cho con đọc…

Bẵng đi một thời gian. Một hôm từ thành phố trở về. Mẹ khoe với tôi :

– Mẹ có truyện của Duyên Anh cho con đọc nè!

Tôi háo hức nhìn bìa cuốn sách đã bạc màu cũ kỹ: Hoa Thiên Lý !

“… Mẹ tôi yêu Hoa Thiên Lý như yêu chồng con….” Câu mở đầu cho tác phẩm đâu tay của Duyên Anh. Nó nhẹ nhàng và chất chở tình tự của một người VN. hiền hòa như tâm hồn của một người yêu thôn ổ, ruộng vườn.

Tôi lớn dần theo thời gian và tình cảm quê hương.

Đọc hết truyện Hoa Thiên Lý. Tôi say mê Nắng Chiều Quê Nội.

Ngày ấy. Tôi đã biết tự hỏi: Tại sao người ta cho phép chuyện Tàu như Tam Quốc Chí, La Thông tảo bắc, Tiết Nhơn Quí chinh đông được bày bán công khai trên hè phố mà những truyện viết về tuổi trẻ, viết để trang trải tình tự của một người chân thành thì lại bị cấm?

Năm 15, 16 tuổi. Tôi có thể kể vanh vách cho mấy chú Công An gác trụ sở xã những nhân vật Tam Quốc. Tôi có thể “bình luận” về tài của Khổng Minh hú gió cầu mưa. Nhưng tôi lại mù mờ về huyền thoại Hai Bà Trưng, tôi chả biết gì anh em nhà Tây Sơn khi tôi đọc Mơ thành người Quang Trung của Duyên Anh.

oOo

Thế rồi… Thời gian sau khi đặt chân tới bến bờ tự do…

Gác bỏ hết những quay quắt, nhớ nhung và phiền muộn về quê hương tràn ngập hận thù và tang chế đau thương.

Cho tới một hôm theo mẹ đi dự đám cưới…và gặp cô Julie.. Khi ông MC. giới thiệu có sự tham dự của Julie và cô sẽ lên sân khấu hát… Nhìn thấy cô từ dưới đi lên.. Đi gần tới bàn của mẹ thì cô vẫy tay chào. Mẹ mỉm cười gật đầu… Cô ghé lại bàn của mẹ và nói… :

-Chào chị ! Lát nữa, hát xong em sẽ nói chuyện với chị nhiều…Anh Duyên Anh đang ở nhà em. Anh ấy có nhắc tới chị mà em không biết chị ở đâu?

-Ừ ! Lên hát đi, lát nữa mình nói nhiều… Nè ! Mà đừng hát Mùa Thu Chết nhe !

Hát xong hai bài. Cô Julie quay lại bàn và đưa cho mẹ số phôn nhà cô…: -Hôm nào rảnh mời chị và cháu ghé chơi ! Em và Thục chờ chị nha..

Tối hôm ấy ! Sau đám cưới, mẹ kể cho tôi nghe về cô Julie :

-Ngày xưa. Cô ấy là Julie Quang. Cô lấy Duy Quang con ông Phạm Duy và bài hát đưa cô lên đài danh vọng bắt đầu từ bài Mùa Thu Chết. Thuở ấy, hình như là năm 71, 72 gì đó.

-Sao lúc nãy con nghe cô ấy nói là Em và Thục….?

-À ! Thục là Trần Đình Thục… Người họa sĩ và trang trí nổi tiếng lắm! Chắc là Julie đang ở với Thục.

Tuần lễ sau! Theo lời chỉ đường. Hoa Chanh đưa mẹ tới Westminster thăm Julie và “diện kiến” nhà văn Duyên Anh

Thoạt mới nhìn. Duyên Anh còn rất trẻ theo trí tưởng tượng của Chanh. Ông có nụ cười rạng rỡ và cởi mở. Giọng nói Bắc Kỳ đặc sệt :

– Con gái thằng T. đây hả? Nhìn Hoa Chanh ông cười cười :- Cháu có nhiều nét giống bố cháu lắm !

Cô Julie diễu :

-Chả lẽ lại giống ông hàng xóm !

Qua câu chuyện giữa mẹ và Duyên Anh, tôi mới biết ngày xưa. Thời chưa vào lính, bố tôi cũng đã có thời sống rất “nghệ sĩ” và sinh hoạt nhiều với giới văn nghệ và báo chí Saigion`.

-Thằng T. chết ở đâu? Duyên Anh hỏi mẹ.

-Em cũng chả biết ! Vì người ta có cho thấy mộ đâu.

Đôi mắt buồn. Duyên Anh đốt điếu thuốc và ông kể :

-Như các em đã biết đấy! Ngày xưa, anh đối xử với các chú ấy thế nào! Anh không lấp đường cản trở những cây viết trẻ muốn vươn lên. Anh khuyến khích các chú ấy nữa… Những đứa như Từ Kế Tường, Nguyễn Thanh Tịnh, Đinh Tiến Luyện vân vân và cả thằng T. chồng em nữa…Chúng nó thương anh coi anh như anh ruột…

Sau ngày Saigon thất thủ. Anh không dám ra đường nhiều. Mất hết liên lạc với bạn bè. Chả biết ai còn, ai mất. Ai đã ra đi và ai đã ở tù?

Mẹ tôi nhìn Duyên Anh thở dài :

-Ai cũng tưởng anh, chị đã di tản sang Mỹ rồi! Anh quen biết nhiều cả với phủ Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo.. Sao anh không đi?

-Số mạng cả thôi… Kẹt ở lại anh mới biết cảm giác chờ chết nó thấm thía dến thế nào… Em và các cháu đã đọc : SaiGon Ngày Dài Nhất chưa?

-Đọc rồi! Chúng em đã đọc hết những sách của anh viết… Con này.(Vừa nói mẹ nhìn về phía tôi) Nó thích truyện của anh lắm!

Nghe vậy. Ông đứng lên đi vào phòng, trở ra tay ông ôm một đống sách mới xuất bản trao cho tôi ông nói :

-Bác tặng cháu bản đặc biệt có chữ ký của tác giả…

-Cám ơn bác. Tôi nhìn ông hãnh diện.. nhận sách đó là những cuốn được in bởi nhà Xuân Thu bìa dày có shocket. Nhà Tù, Trại Tập Trung và Nhìn Lại Những Bến Bờ…

Duyên Anh nói với tôi :

– Trong cuốn này ông đưa tay chỉ cuốn Nhìn Lại Những Bến Bờ cháu sẽ thấy bác nói hết, kể hết những oan khiên, gập ghềnh mà bác đã đi qua trước khi trở thành Duyên Anh. Bác chỉ cho những người trẻ ham thích viết văn phải cố gắng thế nào…

Tôi nhìn ông thán phục :

-Bác quả là một nhân tài!

Ông cười :

– Bác chẳng phải là nhân tài hay thiên tài gì cả ! Bác chỉ đam mê và cố gắng thôi… Bố cháu ngày xưa biết đấy. Bác viết Truyện ngắn : Con Sáo Của Em Tôi giữa trưa hè nóng nực trên căn gác xép mái tôn trời nóng như phun lửa.

– Bác ngồi giữa SaiGon nóng nực mà viết được cái lạnh giá buốt của miền Bắc buổi đầu Xuân? Tôi hỏi ông!

– Mình phải vận dụng trí nhớ và óc tưởng tượng khi viết truyện cháu ơi!

-Truyện của bác Duyên Anh viết y như thật! Giống như bác viết nhật ký kể lại quãng đời bác đã đi qua.

-Đời bác tầm thường lắm. Viết vài trang giấy là hết rồi. Nhưng khi viết truyện cho người khác đọc thì mình phải vận dụng trí nhớ và thêm thắt vào… Thực là giọt cà phê.. Thêm vào là những muỗng sữa…Ta có một ly cà phê sữa thật tuyệt vì màu sắc bao gồm cả sự thất và hư cấu…

Mẹ tôi hỏi :

-Anh chị còn ở chơi bao lâu bên này… Hôm nào em mời anh, chị lại em chơi… Em nấu món Lươn bung củ chuối.. Mẹ con em đãi hai bác !

Duyên Anh ngước cổ cười ha hả… :

-Tuyệt cú mèo! Em còn nhớ món Bắc Kỳ ấy sao?

-Nhớ chứ ! Em làm dâu Bắc Kỳ thì phải biết nấu món Bắc…Vừa nói mẹ tôi cười tủm tỉm : – Chọc anh cho vui… Em mới đọc cuốn: Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc của anh viết đấy. Em sẽ tập nấu thử xem có ngon không?//

oOo

Duyên Anh hứa lại nhà tôi…. Ông chưa kịp thực hiện lời mời thì…

Sáng 30-4-1988…Buổi sáng định mệnh đã tới với ông…

Ngoài đường Bolsa người ta biểu tình rầm rộ. Biểu tình để kỷ niệm biến cố đau thương khi quê hương bị nhuộm đỏ. Thấp thoáng đó đây tôi thấy nhiều màu áo nâu và khăn quàng sọc của những người trong MT. Hoàng Cơ Minh. Khí thế chống Cộng dâng cao. Những khẩu hiệu chống Cộng được hô vang. Người ta đả đảo CS. Đả Đảo những người thân Cộng và tôi nghe từ đám đông khẩu hiệu : Đả Đảo Nguyễn Tú A !

Từ lề đường Bolsa và Bushard.. Tôi nhìn thấy ông Hùng Cường, trên tay người nghệ sĩ đã có một thời nổi tiếng tại quê nhà năm xưa ông cầm là cờ vàng ba sọc đỏ phất phất.. Thấy tôi. Ông hỏi :

-Cờ của cháu đâu?

-Cháu không có cờ… Cháu mới tới thôi… À! Chú Hùng Cường! Sao lại đả đảo ông Tú A?

Hùng Cường nhìn tôi :

-Tại “thằng” Tú A về VN. quay phim đem bán.

Tôi hơi sững sờ kèm chút muộn phiền khó tả…

Ông Nguyễn Tú A và gia đình tôi là chỗ quen biết từ lâu… Mẹ kể rằng: Tú A ngày xưa học Vạn Hạnh và Kiều Loan vợ ông là bạn của mẹ từ độ còn mặc áo dài trắng đi xe Lam ba bánh…

oOo

Vẫn theo lời mẹ tôi kể, thì ngày ấy nhiều nữ phóng viên cho các báo chí tại Sàigòn. Những cây bút chịu lao mình vào lửa đạn để săn tin có cả bà Kiều Loan.. Từ Khe Sanh, Quảng Trị , Đông Hà cho tới mặt trận miền Đông…

Thế mà, bỗng chốc vợ chồng Tú A – Kiều Loan bị cộng đồng đả đảo…Thê thảm đến thế sao?

Từ giã ông Hùng Cường. Tôi đi lại phía nhà hàng Thành Mỹ, len lỏi qua đám biểu tình… định vào Tú Quỳnh tìm vài cuốn sách thì từ xa tôi nhìn thấy ông Trần Đình Thục với máy ảnh khoác vai, đi sau ông Thục là nhà văn Duyên Anh và vai người mà tôi không quen mặt.. Thấy Duyên Anh vừa đi vừa cười cười nói nói với hai ba người đàn ông nên tôi nghĩ thôi cứ để mấy ông ấy trò chuyện…

Tú Quỳnh hôm ấy đông người chi lạ.. Chen chúc giữa những kệ sách thật khó khăn..Tôi ra về trước khi chào bà Yến vài câu xã giao thông thường…

Chiều hôm ấy. Một người bạn phone cho mẹ tôi than thở :

– Chị có biết ông Duyên Anh bị đánh té ngoài đường Bolsa không?

Mẹ tôi hốt hoảng :

– Anh ấy bị lúc nào? Sáng nay con cháu con nhìn thấy ông ấy đi với Trần Đình Thục mà !

– Cảnh sát chở đi rồi… Chắc vào nhà thương… Nghe nói ông ấy bị đánh bằng cục đá vào đầu. Té xỉu ngay tại chỗ.

Lật cuốn sổ tìm số của Trần Đình Thục. Mẹ tôi quay mãi mới nghe tiếng ông.

– Anh Thục. Tôi là T. mới lại nhà anh thăm anh Duyên Anh.. Nghe nói anh ấy bị đánh phải vào nhà thương có đúng không anh Thục.

– Đúng ! Anh Duyên Anh bị một vài người lạ đón đánh khi anh ấy đang đi với tôi..

– Bây giờ anh ấy ra sao?

-Tôi cũng không biết nữa! Giọng ông Thục nghẹn ngào…Khi xe cứu thương chở đi thì anh ấy vẫn còn bất tỉnh.

-Thế anh ấy đang ở nhà thương nào?

-Tôi cũng không biết rõ.

Hình như ông Thục muốn dấu..

-Khi nào anh Thục đi thăm anh Duyên Anh cho tôi đi theo được không?

-Cho tới lúc này tôi cũng chưa biết anh ấy đang nằm ở đâu làm sao mà thăm!

Sáng hôm sau trên tờ Viet Press của ông Nguyễn Tú A… Tôi bàng hoàng xúc động nhìn tấm hình Duyên Anh nằm bất tỉnh. Đầu vẹo sang một bên giây nhợ chằng chịt connect từ mũi, từ miệng…

Mẹ tôi ứa nước mắt. chỉ nói được hai tiếng tội nghiệp!

Cho đến giờ phút này. Tôi vẫn tự hỏi. Tại sao người nào đó lại hành hung Duyên Anh?

Bằng lòng là ông ấy có nhiều kẻ thù chỉ vì dám viết lên những sự thật.

Ông Nguyễn Cao Kỳ chẳng hạn. Ông Kỳ đã nhắn nhủ với ông Tô Văn Lai của Thúy Nga Paris rằng : Ông bảo thằng Duyên Anh câm mồm nó lại.

Tại sao lại phải câm? Ông Kỳ từng tuyên bố tại Tân Sa Châu rằng: Ông ta nhất định tử thủ Sàigòn vì sang Mỹ không có cà ghém, mắm tôm… Đứa nào chạy sang Mỹ vợ nó làm …và nó làm cu li

Duyên Anh có chửi là nói theo sự thật. Sự thật ấy đã làm ông Kỳ bất bình, căm ghét.

Sự thật là có những ông Tướng ra lệnh cấm trại 100% rồi bỏ lính bay ra tàu Mỹ. Theo Duyên Anh đó là hành động đào ngũ. Đào ngũ mà còn lường gạt những người dưới quyền nữa.. Đó là những người thế nào?

oOo

Những gì mà Duyên Anh viết ra có thể là tiếng nói của những người lính bị cấp trên lường gạt, bỏ rơi. Họ buông súng và tù đày trong tức tưởi nghẹn ngào..

Đó là tâm trạng của một đại đội trưởng bị tù 7 năm.. Theo diện HO. Người đại đội trưởng này gặp lại vị tiểu đoàn trưởng đơn vị cũ :

-Anh còn nhớ tôi không? Tiểu đoàn trưởng hỏi.

-Nhớ chứ ! Nhớ bộ mặt lừa lọc của anh đã đào ngũ bỏ chúng tôi vào giờ phút cuối.. Anh còn nhớ anh nói gì trong máy truyền tin với tôi không??? Quyết chiến đấu…

Ngay trong cuốn: Bầy Sư Tử Lãng Mạn, Duyên Anh than thở: Trong phòng giam bằng hai chiếc chiếu đã có tới ba chính phủ và ba ông Thủ Tướng. Những ông Tá mơ tưởng sẽ lên Tướng. Những ông Tướng ao ước nghĩ tới số tiền ráp-pen ngày ra tù !

Chẳng trách Duyên Anh có nhiều ghen ghét….

oOo

Ngày nhà văn Duyên Anh bị hành hung…

Nhìn tấm hình ông nằm thiêm thiếp trên Viet Press. Tôi thật tình khiếp đảm và bất mãn cùng cực. Ai là người đã đả thương trí mạng một nhà văn không có chút vũ khí tự vệ???

Ngoài bài viết có tính cách tường thuật của Nguyễn Tú A trên Viet Press. Đã không có báo nào ở đây lên tiêng bênh vực và phản đối hành động dã man của kẻ côn đồ.

Một phần vì người ta ganh ghét Duyên Anh. Phần khác người ta sợ áp lực của nhiều phe phái..

Trên Viet Press. Tôi đọc được một bài báo ngắn của một người nhận anh ta là độc giả của Duyên Anh. Chỉ là độc giả thôi mà anh ta lên án kẻ đánh lén Duyên Anh..

Có tiếng đồn rằng Duyên Anh bị Mặt Trận Hoàng Cơ Minh đả thương để bịt miệng và trả thù những bài báo của ông đăng trên Ngày Nay của Lê Hồng Long và nhất là cuốn tiểu thuyết: Tuổi Bướm Sầu của ông viết về MT. Hoàng Cơ Minh.

Ngày ấy! MT. Hoàng Cơ Minh coi như đã tan rã từ thượng tầng… Hai ông Phạm Văn Liễu và Trần Minh Công công khai lên án và rút lui khỏi MT. Trong một lá thư gởi đồng bào hải ngoại. Cụ Phạm Ngọc Lũy đã chính thức công bố không còn dính líu gì tới vấn đề tài chánh của MT. nữa !!!

Một đoàn viên rất hăng say của MT. hồi đó nói với tôi rằng :

“Đây là một cái xui xẻo cho Duyên Anh và cũng cho MT. Hoàng Cơ Minh. Bởi vì nếu MT. cho người hành hung Duyên Anh thì MT. sai lầm. Còn nếu như Duyên Ạnh bị một kẻ nào đó hành hung mà MT. chịu mang tiếng ác thì lại càng xui hơn…”\

Duyên Anh là nhà văn có sách bán chạy từ trong nước (trước năm 75) và sau này khi ra hải ngoại…

Trong cộng đồng người Việt tỵ nạn CS. Có thể nói sách của Duyên Anh được in lại và bán chạy nhất.. Nhà xuất bản Xuân Thu độc quyền mua trọn các tiểu thuyết mới của ông.

Trên văn đàn quốc tế. Chỉ cần một cuốn: Một Người Nga tại Sàigòn cũng đã đưa ông lên hàng văn sĩ quốc tế. Nhà Bel Fond ký hợp đồng dài hạn với ông là một vinh dự cho người Việt tại hải ngoại.

Thấy ông bị nạn. Tôi lặng người đi.. Buồn bã và suy nghĩ mãi về tinh thần chống Cộng của người Việt. Nhận mình là chống Cộng mà đốn ngã một nhà văn đã chịu đầy đọa trong lao tù CS. Nhận mình là căm thù CS. mà ngang nhiên đánh gục một tù nhân lương tâm???

Mấy ngày sau. Mẹ tôi phone lại ông Trần Đình Thục hỏi han về tình trạng sức khoẻ của Duyên Anh..

-Hình như anh ấy đã rời bệnh viện và về Pháp rồi… Ông Thục trả lời.

-Ai đưa anh ấy về và anh ấy đã khỏi chưa mà họ cho đi?

-Tôi cũng không rõ lắm… Chỉ nghe nói vậy thôi.. – Vẫn lời ông Thục.

-Thế anh Thục có vào thăm anh Duyên Anh không? – Mẹ tôi hỏi.

-Không ! Người ta không cho ai vào cả. Trừ thân nhân của anh ấy !

…………………..

Tiêng thở dài buồn bã khị mẹ tôi buông phone…

Nhìn tôi, mẹ than thở :

-Chỉ sợ bác ấy chịu không nổi… Rồi chết thôi….

Tôi an ủi mẹ :

-Con nghĩ chả sao đâu… Nếu bác ấy còn bệnh năng.. Thì họ đâu cho xuất viện. Mỹ mà mẹ.. Họ cũng sợ trách nhiệm sau này mà…Bác sĩ Mỹ đâu phải VC. mà mẹ sợ.

Hai tuần sau. Tôi phone lại tòa báo Viet Press gặp ông Tú A thì biết chắc Duyên Anh đã được đưa về Pháp để chữa bệnh.

Suốt thời gian ấy. Chúng tôi không có liên lạc gì thêm.. Chỉ biết rằng ông bị liệt tay phải và đang tập viết văn bằng bàn tay trái…

Hoa Chanh

No comments:

Blog Archive