Wednesday, January 25, 2023

Những Ngày Thơ Ấu

Chiếc xe cũ khặc khừ đã mấy tháng nay, đã đến lúc phải đổi xe mới. Trưa thứ bảy, Văn đi coi xe về, vẻ mặt không vui, hỏi thì chàng đáp:
- Chẳng được cái việc gì cả. Thôi để tuần sau đi

Phượng thắc mắc:
- Nhưng có chuyện gì trông anh có vẻ không vui? Mà sao phải chờ đến tuần sau?

- Tại hôm nay gặp xui rồi. Văn thở ra, anh vừa ghé dealer xe gần nhà, thì bị cả một bọn bán xe ùa ra vây lấy. Họ dùng đủ mọi mánh khóe, lấy được bằng lái và chìa khóa xe của anh giữ rịt để cầm chân, nhất định không trả, sau phải doạ kêu police, họ mới đưa lại. Thoát được bọn hiếu sát, anh sợ quá, phải chuồn gấp vì không muốn làm mồi cho họ thịt.

Phượng bật lên cười:
- Hèn gì trông anh như người bị ma đuổi.

- Chính thế. Em không biết đâu, trông bọn chúng nhâu nhâu thấy phát khiếp. Như thế bố bảo ai còn có can đảm ở lại nói chuyện mua bán?

Nói xong, Văn cởi giầy quăng nào góc nhà, rồi ra xa lông ngồi đọc báo. Đúng lúc đó thì bọn nhỏ vừa đi đâu về, thằng Khôi thấy bố, thì báo cáo ngay:

- Bố ơi, nhà thằng Tyler dọn đi rồi.

Tyler là bạn hàng xóm của tụi nhỏ, nhà chỉ ở cách đó có vài căn. Đang bực mình, Văn vẫn không rời tờ báo đang đọc, giọng thờ ơ:

- Có chuyện gì lạ đâu con, mình đã biết trước, từ khi họ treo bảng bán nhà...

- Có bố ạ, họ để quên con mèo!

- Quên gì, họ chán, họ vứt đi đấy. Kệ họ.

- Nhưng nó đói, không ai cho nó ăn cả...

Văn hạ tờ báo xuống:
- Con muốn gì?

- Con muốn đem nó về nuôi.

Văn hoảng lên:
- Không được, cấm rước của nợ về đấy.

Tụi nhỏ xịu mặt:
- Bố ác hơn hải tặc.

Văn suýt phì cười, nhưng phải làm mặt nghiêm. Tụi nhỏ biết không ăn thua gì, nên cụt hứng lảng mất. Nhưng sự việc không chấm dứt tại đó, chúng nó xúm nhau lại hùn tiền mua thức ăn cho mèo, rồi ngày hai buổi, bốn chị em nó lễ mễ đem nào nước, nào đồ ăn, lại có cả sữa tươi nữa, sang tận nơi cho chú mèo tốt số. Nghỉ hè mà, làm gì cho hết thì giờ??

Phượng chỉ khám phá ra việc làm lén lút của các con vào một ngày lễ được ở nhà, không phải đi làm. Thấy lũ nhỏ biến mất, tới giờ ăn cũng không thấy về, nàng đi tìm, và bắt gặp bọn chúng chui ra từ phía sau nhà thằng Tyler. Phượng vẫy con Tú lại hỏi:
- Nhà đó có ai dọn đến chưa con?

- Chưa mẹ ạ, còn chưa có người mua nữa mà. Bé út Carolyn nói hớt.

- Thế sao các con lại chui sang nhà người ta như vậy? Lỡ có ai trông thấy, họ tưởng kẻ trộm thì sao?

Thằng Quang cãi:
- Không đâu mẹ, tụi con đem đồ ăn cho con mèo mà.

- Ai biết? Họ chỉ thấy có người mở hàng rào chui vào là họ nghi, họ kêu cảnh sát đó. Từ nay cấm, đứa nào không nghe, police bắt ráng chịu nghe chưa?

Tụi nhỏ có vẻ ngán, chúng nó xúm nhau lại, bàn:
- Mẹ nói phải đấy, hay là đem đại con mèo về nhà nuôi?

- Đâu được, bố đã cấm.

- Hay là mình cứ để đồ ăn ở sân sau nhà mình, nó đói tất phải mò sang. Như thế mình chỉ nuôi nó ăn, xong nó lại về nhà nó. Bố khỏi có biết đi.

- Ừ phải, ý kiến hay!

Kế hoạch được thi hành ngay, một tô nước và một tô thức ăn được để ngay sân sau, dấu sau một bụi cây, chỗ con mèo thường hay nấp và để bố khỏi trông thấy. Quả vậy, con mèo hoang đói meo, đi lang thang kiếm ăn, thấy sẵn thì nhào vô xơi liền. Nhưng không hiểu nó là mèo của Lê Như Hổ hay sao mà ăn khoẻ thế? Một tô đầy đồ ăn, mà chỉ tới trưa là hết sạch. Tụi nhỏ tiếp tế nữa, một lúc sau ra xem, lại thấy sạch trơn. Mới có bốn ngày mà một bao cat food nặng tới kí rưỡi đã đi bay hết. Tụi nhỏ để ý rình, thì ra chẳng phải một con mèo của thằng Tyler, mà là năm, sáu con mèo khác của hàng xóm cũng thừa cơ ăn ké.

- Thế này thì hỏng rồi. Thằng Khôi nói, mình nuôi một con, chứ đâu có nuôi hết mèo của hàng xóm?

Lại có một cuộc họp giữa "tứ cường" gồm con Tú 12 tuổi, thằng Khôi 11, thằng Quang 8 tuổi, và bé út Carolyn mới lên 6. Kế hoạch nào cũng không ổn cả, sau cùng, chúng đi đến kết luận là chỉ còn giải pháp... năn nỉ bố. Mẹ thì dễ rồi, khỏi lo...

- Nó khôn lắm, bố! Thằng Khôi mở đầu, nó quấn quýt tụi con, thấy thương lắm. Thằng Scott, thằng Bryan tới gần là nó chạy trốn liền...

- Nó đẹp nữa, bố! Con Tú tiếp theo, mèo lông dài là mèo quý ở Mỹ.

- Quý thì người ta đã chẳng bỏ lại. Văn nói.

- Tội nghiệp nó, bố! Nó chỉ cần một mái ấm gia đình.

Văn gạt ngang:
- Không mái ấm, mái lạnh, không tội nghiệp gì hết. Ai dại dột đi hứng của thừa người ta vứt đi?

- Bố ác quá, bố ở với phù thuỷ mới phải.

Chúng quay sang mẹ:
- Chỉ nuôi nó ngoài garage thôi, có phiền đến ai đâu. Bố mẹ chẳng chiều tụi con gì hết.

Phượng hơi suôi tai, nhưng hỏi lại:
- Thế ai sẽ dọn phân, nước tiểu của mèo đây?

- Khỏi lo, mẹ! Con này đã được tập luyện rồi, lúc trước thằng Tyler nói với con, con mèo của nó ngoan lắm. Chỉ việc mua một cái khay, đổ cát vào, nó sẽ tự động bậy vào đó, tụi con sẽ đem đi đổ. Cam đoan bố mẹ sẽ không phải hầu hạ gì nó hết.

Phượng mềm lòng, quay sang chồng:
- Anh nghĩ sao?

Văn chưa kịp đáp, thì thằng Khôi doạ:
- Hè phải có cái gì cho tụi con giải trí chứ? Bố không cho nuôi mèo, thì mỗi khi đi làm về, bố mẹ phải đưa tụi con đi shopping.

Văn nạt:
- Không đưa thì tụi bay làm gì?

- Làm gì à? Con sẽ lôi cái computer của bố ra chơi, con sẽ mang kèn ra tập thổi, con sẽ vặn hết mấy cái máy hát, TV lên xem cho vui...

- Còn con thì chơi Kungfu với thằng Bryan ở trong phòng bố. Thằng Quang nói.

Ôi, cái này thì Văn ngán nhất, nên đành xuôi xị, nhượng bộ:
- Thôi được, mấy mẹ con muốn muốn làm gì thì làm, nhưng đừng phiền tới tôi.

- OK, vậy bố chịu rồi, nghe bố! Con hứa tuần này sẽ cắt cỏ cho bố.

- Còn con sẽ lặt rau, giúp mẹ làm cơm...

- Thôi đừng nịnh, đi mang nó về!

Thế là con mèo hoang bắt đầu đi vào cuộc sống của gia đình Văn. tới màn đặt tên, một màn cãi nhau ỏm tỏi giữa lũ nhỏ.

- Đặt tên nó là Mimi. Thằng Quang đề nghị

- Mini thường quá, mèo bà ngoại cũng tên Mimi...

- Nó là con gái, hay đặt tên nó là Kathy?

Phượng phải xen vào:
- Mèo ai lại đặt tên người? Vả lại bà hàng xóm của mình cũng tên Kathy, con thử mắng con mèo" Kathy! câm miệng" là có chuyện với bả ngay.

- Ờ há... Hay gọi nó là Kitty? Carolyn lanh chanh nói.

- Kitty đâu phải là một cái tên, nó chỉ có nghĩa là mèo con, mà con này bự quá rồi.

- Tên gì cũng chê, nó bự, nhưng vẫn là baby trong gia đình mình. Carolyn phụng phịu như sắp khóc.

- Thôi được, tạm gọi nó là Kitty đi. Khôi chiều em nói, chừng nào nó già, đổi tên khác.

Vui vẻ cả làng, Kitty trở nên một thành phần trong gia đình. Từ ngày được cha mẹ chiều, tụi nhỏ giữ lời hứa, nên bớt phá phách. Kitty ngoan lắm, nó yên phận ở trong garage và chỉ bậy vào cái khay cát, tụi nhỏ lo hốt đem đi đổ. Kitty ít dám lên nhà trên cào thảm, nên Văn cũng không phải bực mình. Một tuần sau đó, một hôm đi làm về, Văn thấy tụi nhỏ đứng chờ ngay nơi cổng:

- Chở tụi con đi thư viện, bố!

- Đi thư viện làm gì?

- Mượn sách.

- Sách cả đống kia, bồ có thấy các con đọc đâu mà đòi mượn nữa?

- Nhưng chưa có sách về mèo bố ạ.

- Mượn sách về mèo để làm gì?

- Để điều tra "sơ yếu lý lịch" Kitty, Thằng Khôi đáp

- ?!?

- Để xem Kitty thuộc giống mèo nào, và cách săn sóc nó. Con Tú giải thích

- Không được. Bố mệt, để bố nghỉ.

- Đi thư viện về rồi hãy nghỉ, bố! Hôm nay con sẽ rửa bát thay bố.

Hai vợ chồng đều phải đi làm hết, nên công việc nhà được phân chia như sau: Phượng làm cơm với sự trợ giúp của con Tú, Văn rửa bát, hai thằng Khôi, Quang thay phiên nhau dọn bàn, lau bếp. Carolyn còn bé nên được miễn. Hôm nay chúng nó đề nghị đổi công tác, thằng Khôi thêm:

- Như thế là fair (công bằng) rồi, còn gì nữa bố?

Văn phì cười và tuy mệt muốn chết, nhưng chàng cũng đành chiều:
- OK. Lên xe đi, lẹ lên!

Có sách rồi, bốn đứa xúm lại đọc rồi so sánh, đối chiếu để điều tra dòng giống Kitty, xem nó thuộc loại mèo nào. Này nhé, mèo Persian lông xù, mũi tẹt, mặt ngắn, không phải Kitty rồi. Mèo Himalayan có bờm như sư tử, mặt to, tai ngắn, cũng không phải nốt. Mèo Scottish lông ba màu trắng, vàng , xám, tai cụp nhu tai chó, càng không giống. Mèo Xiêm lông ngắn, tai và chót đuôi màu xám hay nâu đậm. Kitty lông dài nhưng không xù, lông hai màu nâu, trắng, tai vểnh, mắt màu vàng, tuy không giống lắm với hình con mèo Maine Coon trong sách, nhưng thôi, cứ tạm cho thế đi .

Nuôi gần được một tháng, mới biết Kitty có bầu, hèn gì lúc mới đem về, cứ tưởng nó mập. Bây giờ thì thật rõ rệt, bụng ả to phình ra, những cái vú đã thấy lủng lẳng.

Hè qua nhanh lắm, thấm thoát đã đến lúc khai trường, lũ nhỏ phải đi học cả. Bà hàng xóm đưa trẻ con hai nhà đến trường. Tan sở, Văn tới đón chúng về, tiện cho cả hai bên. Một hôm, trong bệnh viện, nơi Văn đang làm việc, chàng nhận được một cú điện thoại lúc 10 giờ sáng:

- Alô, con đây bố! Tiếng thằng Quang.

- Hả, có chuyện gì vậy? Con gọi bố từ đâu?

- Từ nhà.

- Sao giờ này chưa đi học? Bà hàng xóm không đưa các con à?

- Không phải, bố ạ. Nhưng, con,.. con Kitty đẻ được bốn con.

- Rồi sao nữa? Kệ nó chứ...

- Nhưng nó đẻ ở trong phòng bố mẹ.

- Trời ơi! Đã bảo mà, rước của nợ về có ngày mang họa. Bây giờ làm sao lau chùi đây?

- Đừng lo, bố! Nó đẻ ở gầm giường mà.

- Gầm giường càng chết nữa, chẳng thà nó đẻ trên giường, còn đem khăn giường ra giặt rũ.

- Sorry, bố...

Văn cáu:
- Chiều nay về, tao vứt hết cả mẹ lẫn con nó vào thùng rác!

- Đừng, bố! Làm vậy phải tội chết, để tụi con dọn.

- Thế hôm nay những đứa nào trốn học?

- Cả... bốn đứa.

- Trời ơi là trời! Cả bốn đứa bỏ học, để ở nhà xem mèo đẻ...

Văn cáu kỉnh cúp điện thoại nghe cái rụp. Chiều hôm đó Phượng làm ca chiều nên thoát, cả năm bố con phải xoay trần ra khênh giường đi chỗ khác để clean thảm, một khoảng to bằng cái gối bê bết những máu và phân mèo. Sau khi hốt hết phân mèo, trước hết phải phun nước lên thảm để làm tan máu khô, rồi dùng khăn thấm hết, sau đó rắc bột tẩy lên, chà thật kỹ, rồi dùng máy hút, hút đi. Làm vài chục lần như thế, mà vẫn không sạch, chỗ thảm vẫn loang vết ố, đành chịu. Lũ nhỏ biết tội nên then lét, Văn thấy tội nghiệp nên không nỡ mắng mỏ thêm. Con Tú an ủi:

- Mình kê cái giường lên thì không trông thấy vết ố nữa, bố ạ.

Văn lừ mắt không nói gì cả. Bà mèo được mời ra garage như trước, nằm trong cái thùng giấy có lót quần áo cũ cùng với lũ con của bả. Mèo con lớn nhanh lắm, mới ba tuần đã ra khỏi ổ và bậy lung tung khắp trong garage. Phượng cáu lắm, đi làm về, thay áo xong, chưa kịp thở, đã phải lau dọn garage, lũ nhỏ đi học về mệt, lại phải làm bài tập, nên năm thì mười họa mới giúp mẹ được một lần. Có lần, Phượng mệt, lười dọn, bé út đi đâu về, chạy xộc từ garage vô nhà bếp, ôm lấy mẹ, toan nhõng nhẽo, thì bị Phượng đẩy ngược ra, nàng chun mũi ngửi vài cái, rồi kêu toáng lên:

- Thôi chết, con đạp cứt mèo rồi... Dơ chân lên xem nào!

Cả một chiếc giầy dính nhớp phân mèo.
- Chết tôi rồi, lê những đâu, chỉ mẹ coi?

Năm, sáu vết giầy trong nhà bếp, vài vết trong garage, vết nào cũng thúi hoắc. Lại một phen lau chùi cọ rửa nhà bếp, garage và lôi con bé đi tắm... Cũng may nhà bếp lót gạch bông, không có thảm nên cũng đỡ. Nhưng tùnh trạng này không thể kéo dài, Văn quát:

- Phải chấm dứt ngay, tôi chịu hết nổi rồi. Đem hết mấy con mèo con quăng thùng rác!

- Đừng ác, bố! Để con "train" nó cho.

- Được, làm sao đó thì làm, xảy ra lần nữa là bố giết hết!

Chàng đi mua lưới về, thằng Khôi quây lũ mèo con trong một góc garage, chúng chỉ được ở yên trong đó. Đi học về, bốn đứa hì hục rửa don, xong bắt đầu việc huấn luyện. Bọn nhỏ thay phiên nhau đứng rình, hễ thấy chú nào bắt đầu cào cào muốn xả xui, là tóm ngay lấy, để vô khay cát. Chú nào lỡ bậy ra ngoài, thì bị bắt dí mũi vào chỗ đó, rồi phết cho một cái. Lâu dần chúng cũng hiểu ý chủ. Công trình huấn luyện kiên nhẫn đó có kết quả, khi lũ mèo con bắt đầu vào khuôn ra phép, thì tấm lưới được dẹp bỏ.

Mèo con bắt đầu xâm nhập nhà trên. Thôi thì một cảnh tàn phá chưa từng thấy, chúng cào rách thảm, cắn hết giầy dép. Văn cáu lắm, nhưng cũng đành phải đợi đến khi chúng được hai tháng rồi mới tính chuyện đem cho. Thằng Quang xin giữ lại một con đực đẹp nhất, màu nâu, có cái bờm như bờm sư tử. Từ mấy tuần trước, Phượng đã bắt đầu chiến dịch quảng cáo lũ mèo với các bạn bè và đồng nghiệp, nào là mèo long dài tuyệt đẹp, đã luyện kỹ về vụ tiêu tiểu, đã chích ngừa đủ thứ... Vì vậy cũng chẳng khó khăn lắm, cũng tìm đủ ba "thân chủ" bằng lòng rước đi. Bèn làm một buổi hẹn cả ba đến một lượt cho tiện. Buổi chiều có hẹn, Phượng đi làm về sớm, hối bọn nhỏ dọn nhà sạch sẽ để "cho họ khỏi cười nhà mình luộm thuộm." Sau đó đến màn trang điểm cho mấy chú mèo con để "lỡ họ không thấy đẹp như mẹ quảng cáo, họ đổi ý không lấy nữa, thì phiền" Đem mèo con ra chải lông, lấy khăn lau rử mắt, rồi lại buộc vào cổ mỗi con một cái nơ, coi đẹp ra gì... Mọi việc suôi rót, cả chủ lẫn khách đều vui vẻ.

Con mèo con còn lại được đặt tên là Chubbi, nghĩa là bụ bẫm, vì quả thật nó bụ bẫm, dễ thương lắm. Tưởng thế là yên, ai dè vài hôm sau, bé Út ở ngoài vườn chạy vô, kêu ầm lên:

- Bố ơi, ra xem con Kitty đang cắn con của nó kìa!

Văn hốt hoảng:
- Chết, coi chừng nó bị bệnh dại đấy!

Phượng từ dưới bếp đi lên, đủng đỉnh nói:
- Dại đâu mà dại? Không khéo nó có bầu nữa đấy, vì nó gừ không cho con nó bú nữa.

Có lý, bởi vì từ mấy tuần nay, con mèo mẹ bắt đầu gào đực ầm ỹ trên mái nhà. Nhiều đêm đi trực về khuya, không ngủ được, Văn cáu lắm, bèn năn nỉ mấy đứa nhỏ:

- Các con đã có Chubbi, để bố đem con mèo mẹ đi cho nhé?

Thằng Quang ngần ngừ:
- Cho ai bây giờ? Người ta chỉ xin mèo con, chứ ai lấy mèo già?

- Không cho được thì đem đi vứt, chứ không rồi đây lại một bầy mèo con nữa, chịu gì nổi? Nhà mình chứ có phải pet shelter đâu?

- Làm vậy ác quá, bố! Thử nghĩ cách khác xem sao...

- Được, để bố tính.

Văn nặn óc, cố tìm trong số bạn bè, một người có lòng nhân và dễ tính. A được rồi, hai vợ chồng ông bạn già, ở một mình không con cái... Bèn nhắc điện thoại, làm một màn tả oán lâm ly, ông chịu, thế là đem Kitty đi liền. Nhưng than ôi, chỉ tới xẩm tối là đã thấy ả ta bò về, kêu meo meo ngoài cửa. Có gì đâu, nhà ông bạn già chỉ cách nhà Văn có hai dãy phố, mà giống mèo tinh khôn lắm, thuộc đường như ranh. Thôi đành chịu, Kitty có vẻ quyến chủ đấy. Thôi, tha cho nó một phen.

Chubbi càng lớn, càng trổ mã xinh đẹp lắm, lông dài mượt, mắt màu vàng rực, hay chuột ra gì. Lũ nhỏ cưng như vàng, bế ẵm tối ngày. Có lần Văn bắt gặp nó ngủ trong giường của con Carolyn ban đêm. Sáng dậy, chàng la ầm nhà:

- Con ngủ chung với nó, hít phải lông thành hen suyễn mất thôi. Mèo lại hay có sán lãi, lây chết.. Con nữa, ban đêm nhỡ nó muốn đi "pi" thì sao? Nó bậy ra phòng, thì con dọn nhé?

Bé Út vùng vằng mãi, sau cùng cũng phải nghe lời, vì Văn doạ sẽ đem đi cho. Một ngày thứ bảy, cả nhà đang sửa soạn đi chơi, chợt nghe con Tú kêu rú lên:

- Trời ơi ghê quá, mẹ vào đây xem!

- Cái gì thế???

Thấy con Tú đang dòm vào gầm giường, Phượng cũng cúi xuống nhìn, thì ra là con Chubbi, hai mặt nó rực sáng như hai đốm lửa màu vàng. Thấy chủ, nó ngẩng lên, nhưng không quên đè chặn một vật gì dưới những móng sắc bén. Nhìn kỹ thì ra một con chuột to khủng đang cố vật lộn để chống trả. Khiếp đảm, Phượng hét lên và nhảy vội lên giường, ngồi thu chân lại, run như cầy sấy. Thằng Quang từ phòng bên chạy sang, chẳng nói chẳng rằng, dơ gậy toan đập, nhưng con Tú cản lại:

- Coi chừng trúng Chubbi.

Vừa lúc đó, con chuột vùng lên chạy, kéo theo một vệt máu, nó đã bị thương. Chubbi vội vàng đuổi theo đế chụp, theo sau là bốn đứa nhỏ vác gậy gộc, cố xua con chuột ra khỏi nhà. Một cuộc đuổi bắt náo loạn cả nhà. chuột chạy vòng vòng, mèo đuổi bén gót, leo cả lên bàn ghế, làm đổ vỡ tứ tung. Sau cùng, con chuột cũng bị đập chết. Nhưng kiểm điểm lại, thấy vỡ mất một cây đèn bàn và hai cái ly thủy tinh, một bình hoa bằng nhựa bị đổ, nước chảy lênh láng, và khắp nhà đầy vết máu và lông chuột. Thế là lại mất hết một buổi để dọn những đổ vỡ và lau chùi nhà cửa. Hết cả đi chơi, mà tụi nhỏ cũng không dám kêu ca.

Một buổi chiều, Phượng vừa đi làm về, thì bà hàng xóm sang chơi. sau vài câu xã giao, bà vô đề liền:

- Con mèo nhà bà ồn ào quá, nó cứ qua nhà tôi meo cả đêm, không ai ngủ được.

- Trời đất, con nào vậy, thưa bà?

- Cái con mèo đực màu nâu ấy, nó sang o con mèo cái nhà tôi...

Phượng suýt bật cười, bây giờ lại bị mắng vốn vì không biết dạy mèo, để nó đi quyến rũ mèo nhà người ta. Tuy buồn cười hết sức, nhưng Phượng cũng chỉ nhỏ nhẹ nói:

- Chết thật, cho tôi xin lỗi. Phải làm thế nào bây giờ?

Bà ta mách nước:
- Sao không thiến quách nó đi?

- Ừ nhỉ, có thế mà nghĩ không ra. Cám ơn bà.

Bèn dò địa chỉ của Animal hospital, rồi đem Chubbi đi liền, luôn tiện hỏi xem có thể ngừa sinh đẻ cho mèo cái. Ông bác sĩ thú y cho biết là có thể cắt buồng trứng, nhưng phải đợi nó đẻ xong tám tuần.

Thấm thoát đã đến ngày Kitty nở nhụy khai hoa lần thứ hai. Cảnh cũ lại tái diễn với những màn hốt phân, cào thảm, chích ngừa, training mèo con và đem cho... Lần này không dễ như lần trước, Phượng năn nỉ sùi bọt mép cũng chỉ tống khứ đi được có hai trự. Hai trự còn lại phải đăng báo cho không, tốn tiền đăng tới năm, sáu kỳ, cũng chẳng có ma nào chịu rước. Thật ra cũng có vài người tới coi, nhưng họ chê mèo lai, nên không chịu lấy. Phượng cãi:

- Con mèo mẹ chả rặt giống Maine Coon là gì?

- Thế còn con bố?

Thế đành chịu, vì tía ai biết được cái... tổ con chuồn chuồn. Nhưng sau cùng, cũng có người chịu lấy, với điều kiện phải đem đến tận nhà cho họ, với giấy chứng nhận đã chích ngừa đủ thứ. Đành vậy, lại tốn tiền và phải xin nghỉ một buổi, lái xe hơn 30 miles đi giao mèo. Xong vụ mèo con, tính đến mèo mẹ, bác sĩ dặn phải chờ 8 tuần sau khi đẻ, thì bây giờ vừa đúng 8 tuần rồi đây, bèn làm một buổi hẹn, đem Kitty đến. Nhưng khi bác sĩ khám lại, thấy nó có bầu nữa, nên từ chối. Văn kêu hoảng:

- Sao ông bảo 8 tuần? Bây giờ mới hơn 8 tuần có vài ngày.

- Thì phải 8 tuần sau khi đẻ, mới mổ được. Ai biết đâu mèo của ông lại có bầu sớm thế?

Không làm gì hơn được, Văn đành hậm hực đem mèo về. Giận con quỉ cái hư hỏng, Văn bớp cho nó một cái thật mạnh, nó kêu chóe lên, vọt mất. Văn kể lại cho vợ con nghe và nói với tụi nhỏ:

- Các con thấy từ dạo nuôi mèo, cả nhà cực khổ biết bao. Bây giờ nó lại sắp đẻ nữa, bố nhất định không thể chịu đựng thêm, mà các con cũng vất vả vì chúng nhiều rồi. Giữ con Chubbi, vứt con mèo mẹ đi nhé?

Thằng Quang lắc đầu:
- Nó đang có bầu mà, bố!

- Chắc cũng vì vậy, mà người chủ cũ đành bỏ nó lại. Các con dại dột nên rước nó về. Trời sinh thú vật có thể tự túc được. Các con xem những con mèo hoang, mèo rừng vẫn đẻ con và vẫn sống nhăn, chết chóc gì đâu? Bố sẽ đem nó đến một khu đông người mà thả, nó sẽ tìm được một nhà có từ tâm như nhà mình đã nuôi dưỡng nó bấy lâu. Nay đến lượt người khác chứ. OK? Bố sẽ mua cho các con một cái VCR, tha hồ xem phim...

Vừa hối lộ, Văn vừa dọa:
- Nếu không, thì từ nay chúng mày ra garage mà sống với mèo, và phải lo hết mọi việc, kể cả việc đem mèo con đi cho. Bố mẹ nhất định không chịu trách nhiệm nữa.

Tụi nhỏ đã thấm mệt, vả lại cũng ham VCR, nên bằng lòng. Thế là một hôm, khi các con còn ngủ, Văn và Phượng rời nhà thật sớm, mang theo Kitty bỏ vào trong một cái thùng đậy kín. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này, hai vợ chồng đem mèo đi thả ở một nơi thật xa, cách nhà tới 7, 8 miles. Có họa là thánh mới biết đường về, Văn nhủ thầm, và chàng thở ra một hơi nhẹ nhõm. Giữ lời hứa với các con, hôm sau, chàng đi mua cho chúng một máy VCR.

Hai tuần êm ả trôi qua, một sáng chủ nhật, Carolyn đang đi ra vườn, bỗng chạy ngược trở vô, kêu lên ầm nhà:

- Bố mẹ ơi, cả nhà ơi! Con Kitty... Kitty đã về kìa

Văn đang đánh răng trong phòng tắm, nói vọng ra:
- Nói lạ, con mèo nào chứ?

- Không, đúng con Kitty thật mà. Kìa, nó đã vô nhà rồi.

Mấy đứa kia còn đang ngái ngủ, nghe thế cũng bật ngay dậy, chạy ra phòng khách. Quả thật đúng là Kitty, bụi bặm và xơ xác sau một cuộc hành trình dài, nó nhất quyết quay về với chủ. Cả nhà đều ngạc nhiên và cảm động. Tụi nhỏ ôm lấy Kitty, đem đi tắm rửa sạch sẽ, và đãi ả ta một bữa ăn thịnh soạn để lại sức. Văn thì cứ thắc mắc, không hiểu làm cách nào mà nó biết đường về? Con này có thiên tính như chim bồ câu chăng? Thôi được, đã mấy lần tống khứ, mà nó vẫn quay về, nếu vứt nó đi nữa thì ác quá.

Thế là Kitty được chấp nhận cho ở lại. Bụng nó lớn dần, hai tháng sau, nó đẻ tới 5 con. Lần này, làm đủ cách như mấy lần trước, mà vẫn chẳng cho đi được con nào. Không biết làm sao hơn, Phượng bỏ tất cả năm chú mèo con vào một cái thùng giấy, đem ra trước cửa KMart đứng chờ kẻ hảo tâm đến rước. Đứng mỏi chân từ sáng đến quá trưa, người lớn, trẻ con xúm lại xem khá đông, trầm trồ khen ngợi, nhưng sau cùng thì.. lảng mất. Trong cái tỉnh Tehachapi nhỏ bé này, có cả trăm con mèo cần cho đi, mà số người nhẹ dạ (hay dại dột) chỉ đếm được trên đầu ngón tay, dễ gì gặp? Đứng hai ngày liền như thế, mặt trơ trán bóng, chân tay mỏi nhừ, mà không có kết quả, Phượng bực mình đem về.

Tuần sau đến lượt Văn đem thùng mèo đi chợ khác. Rút kinh nghiệm của vợ, Văn chẳng dại gì đứng chờ. Chàng đi vòng ra sau chợ, tìm chỗ vắng người, mở nắp thùng ra, năm chú mèo chạy túa vào bên trong. Văn quăng cái thùng giấy vào cái xe rác ở gần đó, rồi xoa tay, ung dung đi bộ ra xe. Chàng ghé mua tờ báo, liếc sơ qua mấy mục quảng cáo, rồi quăng vô ghế sau. Văn vừa tính nổ máy xe, thì chợt thấy một người cảnh sát xuất hiện, ra hiệu cho chàng ngừng lại. Văn giật thót người, nhìn chung quanh để kiểm soát, xe chàng đậu đúng chỗ, có gì sai đâu? Để trả lời những thắc mắc của chàng, người cảnh sát đưa ra một tờ biên bản và nói:

- Ông bị phạt 200 đồng về tội thả súc vật ra nơi công cộng. Mèo, chó đem theo thì phải cho vào lồng, để chạy lung tung như vậy là phạm luật. Chúng tôi có camera theo dõi nên đã thấy hết. Bây giờ, mời ông vào chợ, bắt lại mấy con mèo, nếu chúng gây ra thiệt hại gì cho chợ thì ông phải chịu trách nhiệm.

Chán nản, Văn đành thở dài, làm theo lời viên cảnh sát. Sau một hồi đuổi bắt với sự trợ giúp của một người bán hàng, chàng thâu đủ năm chú mèo, đem ra xe chở về. Vào đến nhà, Văn bê thùng mèo quăng ra giữa nhà, rồi chẳng nói chẳng rằng một câu, chàng vào phòng riêng, đóng xập cửa lại. Mấy đứa nhỏ ngơ ngác, còn Phượng chỉ mỉm cười, lặng lẽ pha một ly nước cam thật mát, đem vào phòng cho chồng:

- Mình uống đi cho hạ hoả. Năm hết Tết sắp đến rồi, đừng giận dữ, nó dông cả năm.

Thấy chồng vẫn làm thinh, nàng kiên nhẫn:
- Hôm nay là ngày ông Táo lên trời, còn có một tuần nữa là Tết. Xem nào, tết này là Tết Đinh Mão, năm mèo, mà nhà mình có nhiều mèo thế là điềm hên, lộc trời cho nhiều...

Văn bật lên gắt:
- Hừm, hên chẳng thấy đâu, mới mất toi nó 200 đồng tiền phạt đây.

Nói xong, chàng vắn tắt kể cho vợ nghe chuyện mới xảy ra ở chợ. Phượng cười thật dịu dàng:
- Thôi tiếc làm gì, của đi thay người. Ra giêng thong thả, mình đem lũ mèo con đi cho Animal Shelter, bà hàng xóm mới mách, OK?

Văn phì cười:
- Sao bảo lộc trời cho, mà lại đem tống đi?

Phượng không biết trả lời thế nào, chỉ cười trừ: - Hỏi cắc cớ chi vậy, hạ hoả rồi phải không?

- Trái lại, đang lên cơn điên đây.

Nói xong chàng túm lấy vợ, Phượng mắc cỡ, đấm chồng thùm thụp:
- Quỷ nè...

Văn cười lớn, kéo mạnh cho nàng ngã xuống, chiếc giường rung lên răng rắc. Phượng hốt hoảng kêu lên:

- Ấy chết, ra đóng cửa lại đã, kẻo các con nó thấy

PHƯƠNG - LAN
(kỷ niệm những năm ở Tehachapi, CA)

No comments:

Blog Archive