Thursday, August 1, 2019

ĐẠO QUÂN TRUNG QUỐC THẦM LẶNG, BẢN CÁO TRẠNG DÀNH CHO TRUNG QUỐC

Juan Pablo Cardenal - Heriberto Araújo
Bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh
Bỏ ra hai năm làm việc, di chuyển 235.000 km đường hàng không và các phương tiện khác, tìm tới 25 quốc gia (trong đó có Việt Nam), thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn, chấp nhận những nguy hiểm tất nhiên cho mục đích điều tra của mình, hai nhà báo Tây Ban Nha JUAN PABLO CARDENAL và HERIBERTO ARAÚJO đã có được bản tổng kết khá hoàn hảo về tất cả những “chương trình kinh tế” của Trung Quốc đang giăng ra khắp địa cầu qua tập sách Đạo quân Trung Quốc thầm lặng. Chọn những đất nước giàu tài nguyên và có hệ thống cầm quyền tham nhũng, mất dân chủ, Trung Quốc đã hết sức thành công trong việc vẽ lại “bản đồ di dân” của mình, sự thành công quá dễ dàng, gần như mặc định.
Quyển sách dày hơn 300 trang, trong đó có hình ảnh minh họa và phần ghi chú rất dài, cho thấy các tác giả đã hết sức cẩn thận để đưa tới cho người đọc những thông tin đầy đủ, chính xác nhứt.
Thiên phóng sự điều tra công phu đầy tâm huyết này đồng thời cũng hết sức hấp dẫn, và tất nhiên cực kỳ giá trị.
Trong thời điểm đường cao tốc Bắc Nam của Việt Nam đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết trên cả mạng xã hội lẫn báo chí chính thống, tập sách Đội quân Trung Quốc thầm lặng thật sự là lời cảnh báo cho các nhà lãnh đạo Việt Nam. Nó xứng đáng để những người có trách nhiệm phải bỏ thời gian đọc và hiểu rằng bạn vàng Trung Quốc thực chất là AI…
Ngay đầu năm 2016, Văn Việt đã trích đăng một đoạn từ cuốn sách này liên quan đến sông Mekong, rồi một năm sau đó, là bài của nhà văn Vĩnh Quyền viết về cuốn sách này.
Nay được phép của dịch giả – Tiến sĩ Nguyễn Đình Huỳnh, Văn Việt xin đăng lần lượt toàn bộ bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Chi nhánh phía Nam) ấn hành năm 2015 và 2017.
Văn Việt
*****
Bình tĩnh quan sát và phân tích, giữ vững lập trường của chúng ta, kiên trì thực hiện thay đổi, che giấu khả năng và chờ đúng thời điểm, ẩn mình, không bao giờ đòi hỏi vị thế lãnh đạo, khiêm tốn thực hiện mục tiêu.”
Chiến lược do Đặng Tiểu Bình đề ra vào đầu năm 1990 – ngay sau vụ thảm sát Thiên An Môn – là một cách đối phó với những thay đổi diễn ra tại thời điểm đó. Cơ bản, đến ngày nay vẫn tiếp tục chi phối chiến lược quốc tế của Trung Quốc.
Mục lục
Giới thiệu
1 Người di cư thách thức thế giới
2 Con đường tơ lụa mới
3 Mỏ Trung Quốc ở Miền Tây hoang dã mới
4 Cuộc tấn công “vàng đen” của Trung Quốc
5 Các nền tảng của thế giới Trung Quốc
6 Các nạn nhân mới của “công xưởng thế giới”
7 Phép lạ Trung Quốc chống lại hành tinh
8 Hòa bình kiểu Tàu
Lời kết
Ghi chú
Giới thiệu

“Không thể nhìn thấy người Trung Quốc… nhưng đâu cũng có.”
Một nhân viên bán hàng Ai Cập ở Cairo nói về người nhập cư Trung Quốc trong thành phố.
Đối với hầu hết mọi người, ngày đó có lẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa, nhưng đúng 8 giờ 8 phút ngày 8 tháng 8 năm 2008, lịch sử đã sang trang.1 Khoảnh khắc đó đã đánh dấu thời điểm bắt đầu lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, lần đầu sự kiện loại này diễn ra ở một nước đang phát triển. Đó là sự kiện bị bao phủ trong tranh cãi và hoài nghi. Ngoài rủi ro do việc thiếu kinh nghiệm của nước tổ chức còn có lo ngại về tình trạng chính trị hóa cuộc tranh tài thể thao, hậu quả cuộc nổi dậy gần nhất trong vô số cuộc nổi dậy bị đàn áp ở Tây Tạng chỉ vừa xảy ra vài tháng trước, và nói chung, về bản chất độc tài của chế độ Trung Quốc.
Tuy nhiên, mười tám ngày sau, đại hội thể thao kết thúc bằng một màn biểu diễn hoành tráng khác tương xứng với lễ khai mạc. Trung Quốc đã vượt qua bài kiểm tra cuối cùng: công tác tổ chức xuất sắc và lần đầu tiên nước này trở thành một cường quốc thể thao nổi bật, vượt qua Hoa Kỳ trong bảng xếp hạng thành tích. Song thắng lợi lớn nhất không diễn ra trên đường chạy điền kinh của sân vận động Tổ Chim khổng lồ hay trong bể bơi Olympic hình khối. Thắng lợi thực sự đã diễn ra trên màn ảnh nhỏ với hơn 2 tỷ người theo dõi sự kiện và chứng kiến hình ảnh tươi tắn và đáng yêu của một đất nước hiện đại, tự tin vào khả năng của mình: hình ảnh Trung Quốc thế kỷ 21.
Olympic Bắc Kinh 2008 là một chiến dịch PR vô giá cho chế độ Trung Quốc. Sự kiện này không chỉ phục vụ cho việc đánh bóng hình ảnh chế độ trong mắt người dân nước này, mà còn cho thấy Trung Quốc xứng đáng với tầm uy tín quốc tế, giúp lập tức xóa sạch ký ức bi thảm về những chiếc xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn, máu đổ ở Tây Tạng, và chà đạp nhân quyền hàng ngày. Các vị nguyên thủ quốc gia chỉ vài tháng trước đe dọa tẩy chay đại hội giờ đây bày tỏ tôn trọng đối tác Trung Quốc hơn bao giờ hết. Trên báo chí, giờ đây người ta chỉ quan tâm đến khía cạnh kinh tế của Trung Quốc, còn những chuyện bất công hay đàn áp xã hội, thật ngạc nhiên, bị gạt ra bên lề. Dường như sau một đêm Trung Quốc đã trở nên “đồng hội đồng thuyền với chúng ta.”
Với những người như chúng tôi, từng sống ở Trung Quốc và, từ góc nhìn nghề báo của mình, vốn là những nhân chứng hàng ngày đối với sự lạm dụng, vượt quyền và những nỗi kinh hoàng của chế độ, nên trò khử trùng cho chế độ độc tài lớn nhất thế giới này là điều gì đó chúng tôi nhìn vào vừa ngạc nhiên vừa đau đớn. Chiều hướng đó chỉ tăng lên trong những tháng tiếp theo: sự phấn khích từ Thế vận hội, dịp đã tôn vinh gã khổng lồ châu Á, vừa lắng xuống kịp lúc Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư tại Hoa Kỳ, tuyên bố phá sản; ngày 15 tháng 9 năm 2008, chỉ ba tuần sau khi Thế vận hội kết thúc, đánh dấu sự khởi đầu cuộc khủng hoảng đe dọa làm sụp đổ hệ thống tài chính phương Tây.
Tình trạng hỗn loạn do sự sụp đổ tài chính ở Hoa Kỳ và châu Âu, gồm cứu trợ ngân hàng, đóng cửa hàng loạt doanh nghiệp và sa thải hàng triệu công nhân, không chỉ hôm nay vẫn nhìn thấy rõ mà sẽ còn mất nhiều năm nữa để những vết thương này lành hẳn. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, gần như không biết đến cuộc khủng hoảng, nhờ sự can thiệp của nhà nước vào hệ thống tài chính đã giúp ngăn chặn lây lan, và nhờ phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh để tránh suy thoái. Không chỉ thế, trong khi thế giới chung quanh sụp đổ, gã khổng lồ châu Á – với nhu cầu ngày càng tăng và dự trữ ngoại tệ vô hạn – đã nổi lên như chiếc phao cứu sinh giữa đống đổ nát của phương Tây, mua các khoản nợ và cho vay vốn chỗ này, chỗ kia và khắp mọi nơi. Trong chưa đầy một năm, uy tín và vị thế của Trung Quốc trên thế giới xoay 180 độ, từ một chế độ độc tài không đáng tin thành vị cứu tinh của nền kinh tế thế giới.
Rõ ràng cán cân quyền lực trên thế giới đã bắt đầu nghiêng về phía Đông. Tháng 11 năm 2009 chúng tôi ngạc nhiên theo dõi Hồ Cẩm Đào và Barack Obama cùng nhau xuất hiện trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của vị tổng thống này. Thái độ đấu dịu của nhà lãnh đạo Mỹ khi động đến các vấn đề khó chịu truyền thống đối với Bắc Kinh – như nhân quyền – vốn luôn đóng một vai trò nổi bật trong lịch trình ngoại giao của người tiền nhiệm của ông, là dấu hiệu chắc chắn của sự trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên vũ đài thế giới. Chỉ vài tuần trước, ông chủ mới của Nhà Trắng đã tiếp cận Trung Quốc với ý tưởng tạo ra G2, một trục Washington – Bắc Kinh để dẫn dắt các công việc của thế giới. Bắc Kinh đã nói không. Tại sao Trung Quốc phải hình thành một liên minh với Hoa Kỳ khi họ đã nắm được vai trò lãnh đạo thế giới trong tay?
Với túi căng phồng và uy tín được tân trang, gã khổng lồ cảm thấy tràn đầy sức mạnh. Vì thế, ở giữa các cơ hội do sự đổ vỡ tài chính tạo ra, Trung Quốc bắt đầu bủa rộng lưới. Nhìn từ chỗ chúng tôi ngồi ở văn phòng Bắc Kinh, các khoản đầu tư trị giá hàng triệu đô-la, các hợp đồng cung ứng dài hạn nguyên liệu thô, và việc thâu tóm tài sản trên khắp hành tinh cung cấp nhiều bằng chứng rằng cuộc chinh phục thế giới của Trung Quốc đã trở thành một thực tế dường như không thể chối cãi. Chúng tôi nhanh chóng bị qui mô của hiện tượng cuốn hút: Bản chất sự bành trướng của Trung Quốc trên khắp hành tinh là gì, một sự bành trướng dựa trên sự im lặng của tiền bạc chứ không bằng sức mạnh quân sự vẫn được các cường quốc khác trên thế giới sử dụng? Có phải quốc gia châu Á này thực sự đang thuộc địa hóa châu Phi? Quan hệ quân sự, kinh tế, hạt nhân giữa Bắc Kinh và Tehran chặt chẽ đến mức nào? Có phải gã khổng lồ này đang thực sự xóa sạch những cánh rừng ở Mozambique? Nước láng giềng Nga đang chịu đựng sự xâm nhập của Trung Quốc như thế nào? Vòi của Trung Quốc đã với xa tới Mỹ La-tinh chưa?
Lần lượt, những câu hỏi mài sắc tò mò của chúng tôi, nhưng dựa trên thông tin chúng tôi không thể rút ra được câu trả lời nào. Trong khi đó, ngày nào cũng viết về GDP và các biến số kinh tế vĩ mô khác của Trung Quốc đã trở thành thói quen gần như không thể chịu đựng nổi khi chúng tôi có thể nhìn thấy lịch sử đang chuyển dòng ngay trước mắt mình, ở các giếng dầu Angola, các mỏ sắt Peru và những khu chợ Trung Á ngập hàng “Made in China.” “Hãy trở lại với nghề báo thực sự và bắt đầu chúi mũi vào vấn đề này,” chúng tôi bảo nhau, tin rằng cuốn sách này chỉ có ý nghĩa khi tiến hành điều tra tại chỗ. Chúng tôi phải đi đến những nơi nhìn được rõ nhất dấu chân của gã khổng lồ – ở các nước đang phát triển. Nói cách khác, đã đến lúc đi châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, để tự mình nhìn thấy, va chạm và nếm trải cách thức Trung Quốc trở thành một thế lực toàn cầu.
Hè 2009 đã gần kết thúc khi chúng tôi bắt đầu cuộc điều tra hai năm toàn tâm toàn ý. Tìm hiểu “thế giới Trung Quốc mới” khởi đầu như cuộc đánh cược, nhưng đã nhanh chóng biến thành nỗi đam mê, cùng với những trao đổi qua thư điện tử đầy ý tưởng điên rồ vào những giờ khuya khoắt trong đêm. Khi chúng tôi tiến tới và bắt đầu hiểu ra những vấn đề và bí mật cốt lõi của hiện tượng này, cuộc điều tra mở rộng thành nỗi ám ảnh. Thật may mắn, chúng tôi không phải là những người duy nhất quyết định khám phá thêm: Công ty phân tích truyền thông Mỹ Global Language Monitor trong tháng 12 năm 2009 đã công bố “sự nổi lên của Trung Quốc” là câu chuyện được theo dõi chặt chẽ nhất trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình và Internet kể từ đầu thế kỷ, thậm chí hơn cả sự kiện 9/11 hay cuộc bầu cử tổng thống Obama. Đối với hai nhà báo chúng tôi, không có gì háo hức hơn việc theo đuổi “tin nổi bật của thập niên.”
Sự quan tâm ngày càng tăng của thế giới đối với nước Trung Quốc mới là kết quả trực tiếp từ ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong thế giới đang phát triển, nơi Trung Quốc có thể bành trướng nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên chiều hướng phát triển lâu dài của Trung Quốc thực sự không có giới hạn. Không nghi ngờ gì, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng sớm hay muộn sẽ đưa Trung Quốc tấn công ồ ạt thị trường phương Tây, nơi nước này đã mua nợ công, xây dựng hạ tầng mới ở Đông Âu, thâu tóm cổ phần chi phối các tài sản chiến lược như cảng, công ty năng lượng và dịch vụ công cộng, kiểm soát các công ty công nghệ của Đức, và giải cứu các thương hiệu phương Tây khỏi bờ vực sụp đổ. Do đó chúng ta đang đối mặt với một cuộc chinh phục chậm nhưng vững chắc, tiến đến thay đổi cuộc sống của mỗi chúng ta và rất có thể đã đặt nền tảng cho trật tự thế giới mới của thế kỷ 21: thế giới do Trung Quốc lãnh đạo.
Thách thức của việc điều tra hiện tượng Trung Quốc đòi hỏi chuẩn bị tỉ mỉ; chúng tôi sẽ phải xem xét tất cả dự án hàng triệu đô-la cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc hàng ngày vẫn tuôn ra từ máy điện báo của văn phòng. Đi đâu? Chọn nước nào? Phỏng vấn ai? Theo manh mối nào? Đó là những câu hỏi chúng tôi tự hỏi khi đứng trước thực tế không một xó xỉnh nào trên hành tinh này Trung Quốc chưa vươn đến. Sau đó là những tháng nghiên cứu kỹ lưỡng, với vô số cuộc phỏng vấn các chuyên gia ở Bắc Kinh và những giờ dài vô tận kiểm tra và phân loại các thông tin chúng tôi có được. Điều đó cho chúng tôi tầm nhìn toàn cầu về hiện tượng mà chúng tôi sẽ sớm có cơ hội xác nhận trên thực địa: thế giới Trung Quốc mới đã hiển hiện. Tất cả các con số chỉ ra thực tế này: từ năm 2005 đến tháng 7 năm 2012, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 460 tỷ đô-la Mỹ trên toàn cầu, trong đó 340 tỷ (74 phần trăm tổng số) vào các nước đang phát triển.2
Điều đang xảy ra hết sức rõ ràng. Trong khi phương Tây phải chịu hậu quả cuộc khủng hoảng năm 2008, Trung Quốc ngày càng thành công: từ hợp đồng 6 tỷ đô-la ở Cộng hòa Dân chủ Congo theo công thức “đổi khoáng sản lấy hạ tầng” đến đóng góp vô giá của Trung Quốc vào việc cơ giới hóa Cuba của Castro, đất nước đang thiếu muối, sữa bột và gạo khi chúng tôi đến hòn đảo này; từ việc bán vệ tinh cho Venezuela đến cuộc tấn công chưa từng thấy của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung “vàng đen,” bao gồm khoản đầu tư 48 tỷ đô-la vào tài sản dầu mỏ từ năm 2009 đến năm 2010.3 Và chúng ta đừng quên dòng xuất khẩu vô địch đã được tạo ra trong thập niên trước, từ khi Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chỉ trong mười năm, nước này đã tăng sáu lần thương mại với các nước trên thế giới, từ 510 tỷ đô-la năm 2001 lên 2.970 tỷ đô-la năm 2010.4
Cho dù không nghi ngờ gì cuộc khủng hoảng thúc đẩy mạnh mẽ sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới, không thể tách rời sự bành trướng của quốc gia này với khả năng của dân tộc Trung Quốc hay sức mạnh của nhà nước và hệ thống tài chính của họ. Trước hết, sự bành trướng của Trung Quốc sẽ không được như ngày hôm nay nếu không có sự hưởng ứng của hàng triệu người vô danh đã dũng cảm vượt lên định kiến và hoài nghi để tạo dựng doanh nghiệp ở những nơi ít khả năng thành công nhất trên khắp hành tinh. Trung Quốc thu lợi từ đạo quân những con người lạ lùng với khả năng hy sinh vô hạn, mạo hiểm tiến ra thế giới chỉ với giấc mơ thành đạt thúc đẩy và những người tiếp bước chinh phục những thị trường không tưởng mà người phương Tây không bao giờ dám lao vào – hoặc đã thử nhưng thất bại.
Ngoài động lực của khu vực tư nhân, cần phải xét đến tính hiệu quả của mô hình kinh tế Trung Quốc, sử dụng sức mạnh tài chính mạnh mẽ của nó để phục vụ các mục tiêu chiến lược quốc gia của nước này. Các quỹ không bị giới hạn trên thực tế do các ngân hàng chính sách như Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu (China Exim) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cung cấp là lợi thế không thể tính được trong một thời kỳ trái ngược bị chi phối bởi các ngân khố trống rỗng và một dòng tiền èo uột. Thứ nhất, các khoản vay này cho phép các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng mua các tài sản chiến lược, bảo đảm các hợp đồng cung ứng dài hạn và phát triển các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hơn nữa, các quỹ không giới hạn này cho phép các công ty xây dựng Trung Quốc đấu thầu các dự án quốc tế với các gói tài chính hấp dẫn nhất trên thị trường.
Nhiều lần họ thậm chí không thông qua đấu thầu công khai. Các quỹ thường xuyên được China Exim và CDB cung cấp cũng cho phép Trung Quốc cấp tín dụng hàng triệu đô-la cho các nước như Iran, Ecuador, Venezuela, Angola, Kazakhstan, và nhiều nước khác. Các khoản vay này hầu như luôn được bảo đảm bằng dầu và thường với các điều kiện bí mật. Bất chấp cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong những năm 2009-2010 Bắc Kinh đã vượt Ngân hàng Thế giới để trở thành người cho vay lớn nhất trên hành tinh, chỉ trong thời gian đó đã cấp hơn 110 tỷ đô-la tín dụng. Điều này mang lại cho Trung Quốc một vũ khí tài chính ghê gớm: trở thành “ngân hàng của thế giới” không chỉ củng cố ngoại giao quốc tế và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, mà còn cung cấp cho “Công ty Trung Quốc” (China Inc.) – bộ ba gồm nhà nước do Đảng lãnh đạo, các ngân hàng và các công ty quốc doanh – đạn dược cần thiết để đánh bại hoàn toàn các đối thủ cạnh tranh, như chúng tôi đã có thể xác nhận từ nước này sang nước khác. Và họ có thể làm tất cả điều này mà không phải chịu trách nhiệm với một ai.
Vấn đề này sẽ không cho chúng tôi yên. Từ đâu các ngân hàng Exim Bank và CDB có được nguồn lực không giới hạn của họ? Làm thế nào mà một quốc gia đang phát triển như Trung Quốc lại có thể trở thành một thế lực tài chính hùng mạnh khi phần còn lại của thế giới đang phải trải qua khủng hoảng kinh tế? Công thức thần kỳ của Trung Quốc là gì? Câu trả lời cho bí ẩn này được tìm thấy ngay tại trung tâm của chế độ độc tài: nói ngắn gọn, chính người dân Trung Quốc chi trả cho giấc mơ và tham vọng của nhà nước Trung Quốc, cho dù họ có thích hay không. Vì sao? Một mặt, Exim Bank và CDB tự tài trợ cho chúng bằng cách phát hành trái phiếu cho các ngân hàng thương mại Trung Quốc mua, một khoản chi được bảo đảm bởi khoản tiền gửi tiết kiệm của 1,3 tỷ người Trung Quốc. Vì không có phúc lợi nhà nước, người dân Trung Quốc tiết kiệm trên 40 phần trăm thu nhập của họ, mức tiết kiệm cao nhất trên thế giới. Mặt khác, số lượng tiền gửi khổng lồ này được kết hợp với điều các nhà kinh tế gọi là “thắt chặt tài chính,” trong hệ thống của Trung Quốc có nghĩa là người gửi tiền buộc phải thua lỗ với khoản tiết kiệm của họ. Điều này là do người tiết kiệm hưởng lãi suất âm trên tiền gửi, hệ quả từ lãi suất thường thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Quan trọng nhất, bất chấp sự mất mát giá trị của khoản tiền tiết kiệm, người gửi tiền bị ngăn cản rời bỏ hệ thống này để tìm kiếm các giao dịch tốt hơn ở nơi khác do sự kiểm soát chặt chẽ dòng vốn. Lựa chọn đầu tư trong nước bị hạn chế và kiểm soát vốn chặt chẽ ngăn cản người tiết kiệm đầu tư tiền của họ vào các lựa chọn có lợi hơn ở nước ngoài. Vì vậy, tổn thất tài chính người dân Trung Quốc phải gánh chịu vừa khớp với nhu cầu của “Công ty Trung Quốc,” sử dụng số tiền này (với lãi suất trên thực tế bằng 0) cung cấp cho các công ty nhà nước tài chính giá rẻ để thực hiện cuộc chinh phục toàn cầu. Nếu những hạn chế được gỡ bỏ, các khoản tiết kiệm này sẽ rời bỏ hệ thống chuyển sang các phương án đầu tư khác ở nước ngoài, từ đó cắt đứt dòng chảy của nguồn vốn giá rẻ. Vì vậy cây đũa thần kỳ diệu của việc tài trợ vốn không giới hạn được trả với giá cực đắt bởi những người tiết kiệm Trung Quốc, đồng thời, đối thủ cạnh tranh thương mại của Trung Quốc tố cáo nguồn tín dụng ưu đãi này là không công bằng.
Dẫu sao, chiến lược này đã cho phép Trung Quốc tung ra cuộc tấn công quốc tế, chủ yếu nhằm vào các nước đang phát triển. Chính ở các nước này Trung Quốc có thể tìm thấy nguyên liệu cần thiết để vận hành nền kinh tế của họ, cũng như tìm thấy thị trường chưa được khai phá còn ít cạnh tranh cho các sản phẩm của Trung Quốc. Do đó việc bành trướng của Trung Quốc ở châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh là một vấn đề chiến lược cần được diễn giải từ quan điểm chính sách trong nước: Trung Quốc cần phải đạt được tăng trưởng hàng năm ít nhất 8 phần trăm để duy trì ổn định xã hội, vì thế cần có nguồn cung cấp liên tục nguyên liệu cần thiết để giữ cho “công xưởng thế giới” và quá trình đô thị hóa của Trung Quốc – hai lực đẩy kinh tế của đất nước này – không bị trì trệ. Đối với Bắc Kinh, rõ ràng là quá nguy hiểm nếu để những vấn đề quan trọng như thế cho thị trường quyết định.
Ở phía các nước đối tác, sự bành trướng của Trung Quốc đang gây ra những biến đổi sâu sắc. Tác động ở châu Phi được cho là dễ nhận thấy nhất do tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng kinh niên, bất chấp các quan ngại về chất lượng.5 Chỉ ở lục địa này, Trung Quốc đã góp phần xây dựng 2.000 km đường sắt, 3.000 km đường bộ, hàng chục sân bóng đá, 160 trường học và bệnh viện, cùng nhiều dự án khác. Nhưng chúng ta đừng quên 300 con đập Trung Quốc đang xây dựng hoặc tài trợ trên khắp thế giới; hàng ngàn km đường ống dẫn dầu và khí đốt chiến lược ở những nơi như Sudan, Kazakhstan và Myanmar; công trình nhà ở trong những nước bị chiến tranh tàn phá như Angola; hay dự án đường sắt ở Argentina và Venezuela. Ngoài ra, những kế hoạch của Trung Quốc làm thay đổi thế giới gồm cả những tham vọng dài hạn: Bắc Kinh đã đề xuất xây dựng 200 km “kênh khô” ngang qua Colombia như là phương án thay thế cho kênh đào Panama, và các công ty Trung Quốc cũng đã bày tỏ quan tâm đến một dự án hạ tầng tương tự kết nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương qua sông Amazon.
Chúng tôi có thể cảm nhận được sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong cuộc hành trình đầu tiên vào tháng 11 năm 2009, khi bay ra khu nghỉ mát bên bờ biển Sharm el-Sheikh của Ai Cập để thử xem hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Châu Phi mới nhất vào thời điểm đó. Trong các bài phát biểu thông thường hết lời ca ngợi tình hữu nghị Trung Quốc – Châu Phi, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố Trung Quốc sẽ cấp cho châu lục này 10 tỷ đô-la vốn vay ưu đãi, con số mà Trung Quốc tăng thêm 20 tỷ đô-la khác trong hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi tổ chức tại Bắc Kinh tháng 7 năm 2012. Tuy nhiên, tiết lộ thực sự về hội nghị thượng đỉnh 2009 xảy ra vào cuối cuộc họp báo của nhân vật số hai của chính phủ Trung Quốc. Ôn đứng trong phòng chật kín hơn 50 nhà báo châu Phi và Trung Quốc như một dũng sĩ đấu bò chiến thắng, mỉm cười với đám đông trong sự tung hô nồng nhiệt và chụp hình với các phóng viên đang cúi mình để bắt tay Đấng Cứu Thế mới. Chúng tôi không thể tin vào điều mình đang chứng kiến: các nhà báo đang tung hô kẻ quyền thế! “Liệu Trung Quốc có thể thực sự làm tốt như thế ở châu Phi?” Chúng tôi tự hỏi. Từ những gì chúng tôi vừa nhìn thấy, câu trả lời dường như là một tiếng “có” vang dội.
Và vì thế chúng tôi bắt đầu cuộc phiêu lưu tuyệt vời và nguy hiểm qua hơn hai mươi lăm nước để tìm hiểu xem liệu tất cả sự tung hô này có thực sự xứng đáng. Mục đích của chúng tôi là tìm hiểu cách thức Trung Quốc thực hiện sự bành trướng hiện tại của họ và tác động của việc này ở các quốc gia đối tác và khu vực. Từ các mỏ đồng của nước Cộng hòa Dân chủ Congo đến các sa mạc giàu khí đốt của Turkmenistan, và từ những cánh rừng Siberia đến những con đập trên sông Amazon của Ecuador, triết lý của chúng tôi luôn giống nhau: tận mắt chứng kiến điều đang xảy ra, bày tỏ ý kiến với các diễn viên chính của vở kịch, và sử dụng kinh nghiệm nhiều năm làm báo ở Trung Quốc để giúp giải thích hiện thực mới mẻ này. Quyết định tự tài trợ cho dự án của mình là hoàn toàn điên rồ về mặt tài chính, nhưng cũng đáng để giữ tính độc lập báo chí của chúng tôi.
Chúng tôi tiến hành khảo sát thực địa rộng khắp để tránh rơi vào cái bẫy giai thoại. Chúng tôi đã bay tám mươi chuyến qua 235.000 km; chúng tôi đã vượt qua mười một biên giới đất liền và mạo hiểm sinh mạng của mình trong hành trình 15.000 km trên những cung đường nguy hiểm và những lối mòn bẩn thỉu. Một ngày không thể quên trong hành trình tìm hiểu thế giới Trung Quốc của chúng tôi vì nó làm rõ hơn những khía cạnh đòi hỏi của chuyến đi: ngày 22 tháng 8 năm 2010. 6 giờ sáng hôm đó chúng tôi bay từ Luanda đến Cabinda, một vùng đất nhỏ của Angola trên biên giới với Cộng hòa Dân chủ Congo; tối hôm trước chúng tôi đã mất nhiều giờ làm thủ tục lên máy bay tại một sân bay không có máy vi tính, bị kẹt vào sự cố mất điện diện rộng. Vượt qua một trong những biên giới nguy hiểm nhất ở châu Phi hôm đó là cực kỳ căng thẳng vì trạm kiểm soát đóng cửa nghỉ lễ và nhiều lính gác đã say rượu và phê thuốc. Lại càng phức tạp hơn khi chúng tôi mang theo bốn máy tính xách tay, bảy máy ảnh và năm ổ đĩa cứng – lưu trữ kết quả mấy tuần làm việc.
Khi chúng tôi đến Muanda, thị trấn Congo nghèo, ngoài vòng pháp luật, sát với biên giới, chúng tôi đã bị bắt giữ nhiều giờ trước khi đại sứ quán Tây Ban Nha giải cứu chúng tôi thoát khỏi gã cảnh sát trưởng địa phương đang xoa tay hả hê với ý nghĩ trúng mánh khoản hối lộ lớn. Sau đó chúng tôi đi 400 km đến Kinshasa, thủ đô Congo, trên một hành trình địa ngục theo con đường hẹp đầy ổ gà, với xe ô tô hỏng nằm dọc theo mương và xe tải không có đèn pha lao hết tốc độ về phía chúng tôi. Đã quá nửa đêm khi chúng tôi cuối cùng đến được khách sạn ở Kinshasa, nơi đám người phóng túng nhất tụ tập sau khi trời tối, đàn đúm với bia rượu, tiếng nhạc chát chúa và súng ống. Với giá 100 euro mỗi đêm, truy cập Internet và nước tắm là những thứ xa xỉ chúng tôi chỉ có thể mơ ước. Trong khi đó, ngủ là một cuộc chiến liên tục với muỗi. Ngày tiếp ngày trôi qua như thế, cuộc sống thật bất an.
Một số trong 500 cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện cho dự án này cũng đã diễn ra trong những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt ở các nước kém thân thiện, nói theo ngôn từ báo chí, như Venezuela của Hugo Chávez hay Iran dưới quyền các giáo chủ. Ví dụ, ở nước Myanmar do quân đội nắm quyền, chuyến đi đầu tiên của chúng tôi đã thất bại do sự cảnh giác thường trực của các cơ quan chính quyền. Hơn nữa, sự có mặt của chúng tôi bắt đầu gây nguy hiểm cho các nguồn tin và vì vậy chúng tôi quyết định rời khỏi nước này để giúp họ thoát hiểm. Chúng tôi đang điều tra việc buôn bán ngọc bích tại bang Kachin đầy biến động ở phía bắc nước này, nơi doanh nhân Trung Quốc hợp tác với chính quyền quân sự Myanmar để tước đoạt tài nguyên thiên nhiên của khu vực, gây hậu quả xã hội và môi trường nghiêm trọng. Trong tình hình đó, chúng tôi không chấp nhận thất bại. Chúng tôi liên lạc với hàng chục nhà báo, học giả, nhà hoạt động và tất cả các loại chuyên gia hiểu biết Myanmar, cả trong và ngoài nước này. Mười tháng sau, tất cả cố gắng của chúng tôi bắt đầu được đền bù khi chúng tôi nhận được một tin nhắn từ đầu mối tiếp xúc của chúng tôi ở bên ngoài Myanmar: “Chúng tôi đã liên lạc với người của chúng tôi ở trong nước và họ sẵn sàng giúp đỡ các ông. Họ sẽ chờ đợi ông ở Myitkyina [thủ phủ của bang Kachin] trong dịp lễ hội Manao, lễ hội của người Kachin. Hành xử như khách du lịch. Ở trong khách sạn – và chờ cho đến khi họ liên lạc với ông. Họ sẽ đến tìm ông.” Một năm sau nỗ lực đầu tiên thất bại, cuối cùng chúng tôi đã đến đích, đi tàu lửa từ Mandalay để không bị để ý. Mục đích của chúng tôi là phỏng vấn các doanh nhân dính líu khai thác ngọc bích, thợ mỏ nghiện thuốc phiện và gái mại dâm, cũng như các linh mục, lãnh đạo và nhà hoạt động địa phương. Bi kịch được diễn trong cái góc bị lãng quên của thế giới – mà Trung Quốc rõ ràng phải chịu trách nhiệm một phần – sẽ không bao giờ được kể lại trong cuốn sách này nếu chúng tôi không thể đến đó và tự mình chứng kiến.
Tìm cách vượt qua những trở ngại ấy và tiếp tục dấn thân là điều cần thiết để hàng trăm người sẽ cho chúng tôi thâm nhập cuộc sống của họ và cho chúng tôi thấy, từ góc nhìn hẹp của riêng họ, các chi tiết không dễ phát hiện của việc Trung Quốc bành trướng trên khắp hành tinh. Chúng tôi đã gặp gỡ các doanh nhân Trung Quốc bỏ lại đất nước và gia đình sau lưng để tìm kiếm cơ hội trở thành triệu phú, những lưu dân và con cháu họ bảo vệ DNA Trung Quốc của họ như một kho báu, và công nhân của các công ty nhà nước Trung Quốc – để kiếm thêm đồng lương – làm việc quần quật ngày này qua ngày khác trong các dự án hạ tầng ở những xó xỉnh khắc nghiệt nhất trên thế giới. Chúng tôi cũng đã gặp những ông chủ thực hiện chính những dự án này vì lòng trung thành với công ty và với Trung Quốc, các nạn nhân của sự lạm dụng môi trường và điều kiện làm việc đi cùng với bất kỳ khoản đầu tư nào của Trung Quốc, và các chính trị gia, nhà hoạt động và học giả, những người đã cố gắng làm sáng tỏ bản chất thực sự các khoản cho vay của Trung Quốc hay tìm bằng chứng để hỗ trợ những nghi ngờ của họ về tham nhũng.
Người Trung Quốc thường đồng ý gặp chúng tôi để nói về công việc và dự án của họ hay kể chi tiết về những nỗ lực to lớn của họ ở các quốc gia cực kỳ khó khăn. Một số rất muốn cho chúng tôi thấy ngay cả đại diện cao cấp nhất của một công ty nhà nước Trung Quốc tại nước đối tác vẫn ngủ trong một căn phòng chật hẹp chỉ có một giường xếp treo màn chống muỗi. Hầu hết chào đón chúng tôi vì lòng hiếu khách đầy ấn tượng của họ, như trong trường hợp của Fan Hui Fang, doanh nhân đến từ Sơn Đông, sản xuất 1.400 tấn rau mỗi năm trong một trang trại ở vùng ngoại ô Khartoum, thủ đô Sudan. Các cuộc gặp này hầu như luôn mang lại những phát hiện, những mẩu chuyện, những tình tiết mới phản ánh hoàn hảo cách thức người Trung Quốc nhìn nhận sự xuất hiện của họ ở “thế giới mới.” Kinh nghiệm trước đây của chúng tôi ở Trung Quốc rất hữu ích khi cần tạo ra bầu không khí tin cậy cần thiết để việc thú nhận xảy ra, như trong một đêm hè ở Khartoum năm 2010.
“Quà của đại sứ quán Trung Quốc,” Fan nói với chúng tôi, vung chai rượu gạo (baijiou), một thứ xa xỉ quý hiếm ở quốc gia Hồi giáo này, khi chúng tôi ngồi vào bàn tiệc thịnh soạn ông mời tại nhà riêng. Gong, bạn của ông, trưởng phòng cung ứng của một nhà máy lọc dầu Sinopec ở ngoại ô Khartoum cùng dự tiệc với chúng tôi, có vẻ ngây ngất khi nhấp ngụm đầu tiên. Sau khi nâng ly liên tục, cuộc trò chuyện bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn.
“Tôi rất tự hào Trung Quốc đang phát triển Sudan,” Fan nói với chúng tôi, trịnh trọng. “Không có chúng tôi ở đây, người dân Sudan không có tương lai.”
“Khi chúng tôi đến Khartoum tám năm trước, tòa nhà cao nhất chỉ có ba tầng,” Gong thêm vào, phả ra làn khói thuốc dài.
“Đúng, tôi đã thấy đất nước này phát triển trong những năm gần đây,” Fan tán thành. “Họ trước đây không có gì. Không có đường sá hay ô tô. Trung Quốc đã đóng vai trò quyết định trong sự thay đổi đó.”
“Người Sudan muốn phát triển đất nước của họ và họ đã yêu cầu phương Tây giúp đỡ, nhưng bị từ chối. Vì vậy chúng tôi đã giúp họ. Bây giờ phương Tây ghen tị với Trung Quốc vì họ nhìn thấy lợi ích chúng tôi nhận được từ điều đó,” Gong nói, giọng cáo buộc.
Theo bản năng Fan tiếp nối Gong. “Trong khi người Mỹ đến đây để ném bom,” ông nói, đề cập đến cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào một phòng thí nghiệm Sudan năm 1998, “chúng tôi có mặt ở Sudan để xây dựng đường sá, nhà cửa và bệnh viện. Chúng tôi ở đây để mang lại hạnh phúc cho người dân Sudan.”
Ý kiến của Fan có nhiều phần đúng về lợi ích của sự bành trướng của gã khổng lồ châu Á mang lại cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các hoạt động của Trung Quốc ít ra đang gây tranh luận, nếu không muốn nói là tranh cãi công khai. Thực ra, một khi chúng ta không dừng lại ở đường lối đảng cầm quyền của Bắc Kinh, vốn thường tuyên bố lợi ích quốc tế chính đáng rõ ràng của họ bọc trong những lời hùng biện “tình huống cùng thắng,” sẽ thấy nhiều dự án của Trung Quốc ở các nước này không có bất kỳ sự giải thích chắc chắn nào. Không chỉ việc thiếu minh bạch kinh niên khởi nguồn từ ngay bản chất hệ thống chính trị của Trung Quốc là một sai lầm chiến lược về mặt quan hệ công chúng, mà chúng tôi còn gặp phải sự khó hiểu mỗi khi cố gắng khám phá bản chất vấn đề như thông tin về hợp đồng, tác động của các dự án của Trung Quốc đối với môi trường hay thực trạng điều kiện làm việc.
Ngay khi bắt đầu điều tra, chúng tôi đã thỏa thuận tuân thủ một nguyên tắc cơ bản: ngoài việc lắng nghe tất cả các phía, chúng tôi sẽ ưu tiên tiếng nói của các cấp của nhà nước Trung Quốc, những người đang điều khiển đằng sau sự bành trướng của Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng chính quyền Trung Quốc sẽ giải thích nguyên lý và động lực đằng sau hành động của họ. Chúng tôi muốn họ cung cấp cho chúng tôi câu trả lời chính thức cho các câu hỏi dẫn đến cuốn sách này: Cách thức Trung Quốc đảm bảo nguồn cung cấp dầu của họ? Đầu tư của họ để lại những hậu quả gì về môi trường? Tại sao Bắc Kinh hỗ trợ các chế độ độc tài khắp thế giới? Chiến lược ngoại giao của nước này là gì? Cách thức khu vực tư nhân của Trung Quốc chinh phục các thị trường khó khăn? Qui mô của cuộc di cư từ đất nước đông dân nhất hành tinh? Động cơ thực sự là gì đằng sau các sân bóng đá, đường sá và đập nước Trung Quốc đang xây dựng khắp thế giới? Ai thực sự hưởng lợi từ các cơ hội do đầu tư của Trung Quốc tạo ra? Tác động toàn cầu của sự trỗi dậy của gã khổng lồ châu Á này là gì?
Thật không may, sự hoàn toàn thiếu hợp tác và tính thích giữ bí mật thâm căn cố đế của các cơ quan nhà nước Trung Quốc khiến chúng tôi khó giữ được lời hứa dành cho các nhà chức trách Trung Quốc quyền trả lời. Các đại sứ quán của Trung Quốc hiếm khi trả lời các cuộc gọi của chúng tôi, còn các công ty dầu lớn nhất của họ – CNPC, Sinopec, CNOOC – từ chối cho chúng tôi phỏng vấn, dù ở Bắc Kinh hay ở những nơi khác trên thế giới. Các bộ của Trung Quốc hoặc trốn tránh câu hỏi của chúng tôi hoặc dứt khoát từ chối trả lời. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì và hỗ trợ vô giá của những trợ lý người Trung Quốc của chúng tôi – những chuyên gia trong nghệ thuật guanxi, tức thiết lập những mối quan hệ cá nhân, vốn rất quan trọng đối với cuộc sống và kinh doanh tại Trung Quốc – chúng tôi đã có thể lấp đầy những khoảng trống ở bất cứ đâu với thông tin thu thập trực tiếp trên thực địa, ví dụ trường hợp ở Turkmenistan và Argentina.
Tất nhiên, có một số ngoại lệ đối với sự thiếu minh bạch chính thức này. Một ví dụ là cuộc gặp của chúng tôi với Liu Guijin, nhà ngoại giao rất có uy tín và đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề châu Phi. Cuộc phỏng vấn ông cho chúng tôi thấy ngay cả trong chính quyền Trung Quốc cũng có những con người thẳng thắn và cởi mở tự nêu vấn đề và đấu tranh để làm cho mọi việc tốt hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi mọi người đã tình nguyện cho chúng tôi biết cách riêng của Trung Quốc trong các sự kiện – cho dù họ là nhà ngoại giao, học giả, quản lý công ty nhà nước hay chuyên gia làm việc gần gũi với chính quyền – chúng tôi thường thấy họ chọn trung thành chặt chẽ với đường lối Đảng cầm quyền của Bắc Kinh.
Ví dụ, mọi việc dường như tốt hơn vào ngày 09 tháng 10 năm 2010, khi chúng tôi rốt cuộc được phép phỏng vấn ngân hàng China Exim Bank, một trong những tổ chức tài chính của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quốc tế của nước này. Chúng tôi đã chuẩn bị đề cương trong cả năm, gửi hàng chục bản fax bằng tiếng quan thoại và gọi điện thoại hơn năm mươi cuộc trước khi chúng tôi thấy chính mình cuối cùng cũng đã ngồi trong văn phòng của Exim Bank trong khu tài chính của Bắc Kinh. Tuy nhiên, hăng hái ban đầu của chúng tôi không kéo dài được lâu. Ba giám đốc điều hành với chuyên ngành kỹ thuật, tiếp chúng tôi trong một phòng họp hoành tráng, đã dành toàn bộ cuộc phỏng vấn kéo dài cả giờ để tìm cách né tránh những câu hỏi của chúng tôi. Tình hình càng trở nên kỳ quái hơn, chẳng hạn vị trưởng đoàn cúi xuống thì thầm một cách ồn ào như một học sinh vào tai đồng nghiệp của mình, dặn anh ta không được lộ những loại tài sản và tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc đang mua ở thế giới đang phát triển, cứ như việc Bắc Kinh đang mua dầu và khoáng sản là một bí mật quốc gia. Tiếp đó ông bác bỏ sự tồn tại của bất kỳ số liệu thống kê tổng quát nào nêu lên tổng số tín dụng mà ngân hàng này cấp cho các nước hay các doanh nghiệp của họ.
Mọi thứ thực sự lên đến đỉnh điểm ở lượt phỏng vấn cuối cùng, khi người được phỏng vấn trông có vẻ căng thẳng đã bắt đầu trả lời tất cả các thắc mắc của chúng tôi chỉ bằng nụ cười gượng gạo, được gắn vào khuôn mặt của ông ta trong vài phút. Chúng tôi ngây thơ nghĩ đơn giản chỉ vì ông ta không hiểu câu hỏi của chúng tôi. Không lay chuyển, ông tìm cách né tránh trao đổi với một chuỗi “tôi không biết” như là câu trả lời duy nhất của ông. Ngạc nhiên, chúng tôi tự hỏi tại sao ông lãng phí cơ hội này để cho chúng tôi biết về những đóng góp không thể chối cãi của ngân hàng đối với sự phát triển ở châu Á, Mỹ La-tinh và châu Phi. Có phải ngân hàng che giấu điều gì đó? Sau một giờ, ông ta không cung cấp cho chúng tôi được một mẩu thông tin hữu ích đơn giản, nhưng cuộc phỏng vấn đã bộc lộ tầm quan trọng Bắc Kinh dành cho tính minh bạch của các dự án ở nước ngoài.
Có thể những câu hỏi của chúng tôi có phần khó trả lời, vì chúng dựa trên trải nghiệm thực tế của chúng tôi trong suốt chuyến đi. Hoặc có thể đơn giản vì những câu hỏi của chúng tôi “không cân bằng,” như một chuyên gia phương Tây về quan hệ của Trung Quốc với châu Phi bất ngờ gợi ý cho chúng tôi. Trong khi Trung Quốc là một nguồn liên tục gây tranh cãi gay gắt, nhiều nhà quan sát cuộc tấn công quốc tế của nước này có khuynh hướng tập trung vào các khía cạnh tích cực của nó, hạ thấp hoặc thậm chí bỏ qua tất cả hành vi sai trái, cũng như các tác dụng phụ của hiện tượng này. Mặt khác, mục đích của chúng tôi là khám phá mọi khía cạnh của cuộc chinh phục thầm lặng của Trung Quốc trên hành tinh chúng ta, với tất cả các mặt tốt và xấu của nó. Xét cho cùng, chúng tôi không bao giờ quên nhiệm vụ nhà báo của chúng tôi là không đặt ngọn đuốc dưới ánh đèn sân khấu, mà làm sáng tỏ những góc tối nhất. Kết quả là một cuốn sách không dựa vào những đồn thổi và lý luận vu vơ mà vào những câu chuyện người thực việc thực.
1. Khartoum – Một lao động nông nghiệp người Trung Quốc và đồng nghiệp Sudan trong trang trại Trung Quốc ở ngoại ô thủ đô Sudan. Một trong những vấn đề chính Trung Quốc phải đối mặt là nuôi sống 1,3 tỷ người với nguồn lực có hạn. Vì mục đích này, người khổng lồ châu Á đã bắt đầu tìm kiếm lương thực ở nước ngoài. Luis de las Alas
2. Xai-Xai, Mozambique – Công nhân Trung Quốc và Mozambique trên một con đường nối Maputo với trung tâm đất nước. Hàng trăm ngàn người Trung Quốc đang làm việc tại các nước đang phát triển, xây dựng các cơ sở hạ tầng thường được Bắc Kinh tài trợ. Luis de las Alas
3. Khartoum – Một doanh nhân Trung Quốc và khách hàng chụp hình bên cạnh tòa nhà họ đang xây dựng ở thủ đô Sudan. Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh doanh chính của nước Cộng hòa Hồi giáo Sudan, nơi nước này đầu tư hàng tỷ đô-la trong ngành dầu mỏ và hỗ trợ cho nhà độc tài của Sudan, Omar al-Bashir, bất chấp những cáo buộc diệt chủng liên quan đến hoạt động của ông ta ở khu vực Darfur. Luis de las Alas
4. Luanda – Một công nhân Trung Quốc cạnh chỗ ngủ của mình, ở cùng với những công nhân Trung Quốc khác, những người đến Angola để xây dựng lại thuộc địa Bồ Đào Nha trước đây sau 27 năm nội chiến. Với những chỗ ăn ở đơn sơ và tồi tàn thế này, các công ty Trung Quốc chỉ đơn giản lặp lại tiêu chuẩn lao động của nước họ trên khắp thế giới. Luis de las Alas
5. Maputo – Công nhân của công ty nhà nước Trung Quốc An Huy Wai Jing bên trong Sân vận động Quốc gia xây dựng ở thủ đô Mozambique. “Tình hữu nghị Trung Quốc và Mozambique sẽ sống mãi như Trời Đất,” khẩu hiệu ở lối vào sân vận động. Tuy nhiên, tranh chấp về điều kiện làm việc của công ty đã tạo ra không khí không thân thiện bên trong công trường. Luis de las Alas
6. Luanda – Một quản đốc người Trung Quốc chụp hình cùng công nhân của mình tại công trường một trong những dự án xây dựng lớn nhất do Trung Quốc thực hiện ở Angola. Với giàn giáo bằng tre, công ty nhà nước Trung Quốc CITIC đang xây dựng một “Luanda mới” ở ngoại ô thủ đô, cung cấp hàng chục ngàn ngôi nhà mới. Luis de las Alas
7. Merowe, Sudan – Ảnh chụp các công nhân Trung Quốc cần cù trong công trường đập Merowe đầy tranh cãi. Dự án xây dựng khổng lồ này, nhằm tận dụng lợi thế dòng chảy sông Nile để sản xuất điện, đã gây ra thiệt hại xã hội và môi trường không thể khắc phục đối với vùng đất nghèo khó này ở miền bắc Sudan. Nó là dự án thủy điện quan trọng nhất của Trung Quốc ở châu Phi. Luis de las Alas
8. Cairo – Một nhóm shanta sini, cách người Ai Cập gọi những người bán hàng rong Trung Quốc, trưng bày sản phẩm của họ trước khi bắt đầu đi bán dạo tận từng nhà, như họ đang làm hàng ngày. Không nói được một từ Ả Rập và hầu như không có kiến thức nào về châu Phi, hàng chục ngàn shanta sini đi khắp Ai Cập thể hiện lòng can đảm, tính kiên trì, nhẫn nhịn và ý chí vươn lên thành công của người Trung Quốc. Luis de las Alas
9. Beira, Mozambique – Một doanh nhân Trung Quốc tại kho gỗ của mình ở thành phố cảng Beira. Cùng với tham nhũng và thiếu ý thức về môi trường, nhu cầu gỗ to lớn đã khiến Trung Quốc trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các cánh rừng trên thế giới, như đã thấy ở Siberia, Mozambique và Myanmar. Luis de las Alas
10. Dalnerechensk, Viễn Đông Nga – Anatoly Lebedev là một trong những người đang chiến đấu quyết liệt cho sự sống còn của các cánh rừng Siberi. Người đàn ông rất thông minh và dũng cảm này đã chỉ ra khai thác bừa bãi các loài gỗ quý hiếm đang đe dọa đa dạng sinh học của vùng như thế nào. “Những con hổ Siberia không còn thức ăn vì thế chúng đi vào làng để bắt chó,” một trong những cộng tác viên của ông cho biết. Đây là điều chưa từng thấy trước đây. Anatoly Petrov
11. Sa mạc Karakum, Turkmenistan – Một công nhân Turkmenistan tại trại căn cứ công ty dầu khí Trung Quốc CNPC ở Turkmenistan, gần Uzbekistan. Trung Quốc đã xây dựng một đường ống dài 7.000 km để vận chuyển khí đốt từ Trung Á đến các nhà bếp ở Thượng Hải. Heriberto Araùjo
12. Tehran - Một kỹ sư Trung Quốc phụ trách xây dựng con đường nối Tehran với biển Caspian. Trung Quốc là một trong những đồng minh kinh tế và chính trị mạnh nhất của Iran, bất chấp sự cô lập quốc tế của nước Cộng hòa Hồi giáo do kế hoạch phát triển hạt nhân. Zohreh Soleimani
13. Marcona, Peru – Việc thiếu ý thức xã hội và môi trường của công ty khai thác mỏ Trung Quốc, Shougang Hierro Peru, đã buộc người dân địa phương ở thị trấn trên bờ biển Thái Bình Dương này đứng lên đấu tranh. “Hằng năm đều có đình công,” lãnh đạo của các tổ chức công đoàn mỏ nói. Thợ mỏ Marcona cảm thấy bị công ty bóc lột và đối xử tàn tệ. Marco Garro
14. Havana, Cuba – Mỗi buổi sáng, một số người dân Cuba tập thái cực quyền ở khu người Trung Quốc tại Havana. Truyền thống này có từ lúc xuất hiện những người Trung Quốc nhập cư đầu tiên trên hòn đảo này giữa thế kỷ 19. Juan Pablo Cardenal
15. Myitkyina, Myanmar – Một người đàn ông Myanmar đứng trước mỏ vàng do Trung Quốc sở hữu. Các công ty Trung Quốc có mặt rất mạnh trong lĩnh vực khai thác ngọc ở Myanmar. Họ kiểm soát mọi khía cạnh của ngành kinh doanh siêu lợi nhuận này, từ khai thác ngọc đến bán ngọc tại các thị trường Thượng Hải và Hồng Kông. Ở cấp địa phương, các hoạt động do các công ty này thực hiện đã gây ra thảm họa môi trường và xã hội. “Hầu như tất cả thợ mỏ đều nghiện heroin,” nguồn tin cho biết. Juan Pablo Cardenal
16. Vladivostok, Nga – Hàng chục ngàn người Trung Quốc đã di cư đến mọi ngõ ngách của hành tinh tìm kiếm cơ hội mới. Người phụ nữ Trung Quốc này làm việc trong một tiệm làm tóc Trung Quốc tại chợ của Liu Desheng ở Vladivostok. Heriberto Araùjo
Heriberto Araújo

------------

Vạch mặt kẻ tham lam tàn phá: "Đạo quân Trung Quốc
thầm lặng"
----------------

No comments:

Blog Archive