Friday, June 1, 2018

Nghĩa trang Quân Đội Hoa Kỳ

By Đinh Yên Thảo -
May 24, 2018

Tháng Năm. Thời tiết Washington DC. cũng lạ ngay cả với những người cư dân lâu năm. Chỉ mới hôm trước nhiệt độ lên trên 90 độ thì ngày hôm sau chúng tôi ngồi run lập cập trên toa xe chở những khách viếng Nghĩa Trang Quân Đội Hoa Kỳ nằm trên đồi Arlington của tiểu bang Virginia, nhìn xuống dưới là thủ đô DC. Toa xe dài nên tôi cũng chẳng rõ người hướng dẫn viên đang dẫn giải lịch sử hay từ loa máy phát ra. Cũng chẳng sao. Bởi tôi nghe loáng thoáng bằng mắt. Cùng tiếng gió thổi bên tai. Tâm trí tôi đang dõi theo những hàng bia trắng ngang dọc thẳng tắp giữa những thảm cỏ xanh. Cái cảm giác bình yên đến xúc động thật kỳ lạ. 200 mẫu Tây, nghĩa trang rộng mênh mông. “Đây từng là vùng đất của cháu nội Đệ Nhất Phu Nhân Tổng Thống George Washington, về sau do con gái là phu nhân của tướng Robert Lee kế thừa…”, tiếng dẫn giải đều đặn phát ra từ loa. A! Vậy sao? Danh tướng Robert E. Lee thời nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ. Bởi đến nghĩa trang quân đội này, người ta chỉ thường nghĩ đến chuyện viếng mộ Tổng Thống Kennedy. Cái khoảng cách thời gian dễ gần gũi, hay đúng ra là dễ nhớ hơn thời nội chiến. Dù cái tên của tướng Lee cũng được nhắc đến nhiều hơn gần đây. Nước Mỹ đang truy vấn lịch sử của mình.

Nghĩa trang Quân Đội Arlington National Cemetery

Hầu hết là những tấm bia trắng đá cẩm thạch đơn giản, cùng kích cỡ. Nhưng cũng có những bia to lớn hơn. Có lẽ của những nhân vật đặc biệt, bởi nơi đây an táng vị tướng cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ. Tướng 6 sao John Pershing. Tôi không biết. Nào giờ chỉ biết đến tướng 5 sao, không ngờ có cả tướng 6 sao. “Phía bên trái của quý vị là mộ của Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, dưới thời Tổng Thống Kennedy rồi cả thời TT Johnson”. Nghe quen thuộc, đôi tai tôi lại quay về lời thuyết trình. Ra Robert McNamara, một trong những kiến trúc sư chủ chốt của cuộc chiến tranh Việt Nam. Lõm bõm đôi chút lịch sử vậy mà làm những nơi mình đến trở nên thú vị hơn. 

Cái danh xưng là Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington nhưng đúng hơn là một nghĩa trang quân đội thuộc quyền Bộ Quốc Phòng, do quân đội quản trị và điều hành. Bởi nơi đây an táng vài trăm ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã vị quốc vong thân qua nhiều cuộc chiến. Từ nội chiến Nam Bắc rồi Đệ Nhất, Đệ Nhị Thế Chiến đến Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam… Nhưng cũng có một số ít nhân vật nổi tiếng, đóng góp cho quốc gia khối dân sự hay thân nhân người lính cũng được vinh dự nằm ở đây. Rồi đài tưởng niệm những phi hành gia hai phi thuyền Challenger và Columbia đã nổ tung trên bầu trời nước Mỹ. “Xin hãy im lặng và bày tỏ lòng tôn kính với những người đã hy sinh cho quốc gia. Và họ xứng đáng được hưởng sự vinh dự này”. Vâng, chắc chắn là vậy. Lời nhắc không thừa, nó chỉ là tiếng vọng những gì tôi, và có lẽ những người khác trên xe cũng đang suy nghĩ. Những người nằm dưới tấm bia mộ kia không chỉ hy sinh cho đất nước Hoa Kỳ này mà họ đã chiến đấu để bảo vệ cho lý tưởng tự do của cả thế giới. Hơn 400 ngàn binh lính Hoa Kỳ đã tử nạn trong Đệ Nhị Thế Chiến. Thêm 36 ngàn trong Chiến Tranh Triều Tiên cùng 58 ngàn tại Việt Nam. Rồi bao nhiêu ngàn người nữa trong những cuộc chiến Iraq, Afghanistan gần đây? Có những người lính tử nạn còn được mang thi thể về nơi đây an táng. Nhưng có những người chẳng bao giờ tìm ra hài cốt. Họ nằm lại đâu đó tại cái một vùng đất xa lạ mà có lẽ họ cũng chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó xương cốt mình sẽ nằm lại ở đó.

Nghi thức đổi phiên gác trước mộ Chiến Sĩ Vô danh

Tôi nói với anh bạn đi cùng, “nhìn thử xem có bia mộ khắc tên Việt nào không”. Chỉ cầu may thôi. Có những người lính Mỹ gốc Việt đã hy sinh tại những chiến trường sau này, có thể họ cũng được an táng đâu đó. Nhưng dễ gì nhìn ra giữa cả trăm ngàn bia đá như vậy. Tôi về tra tìm danh sách từ hồ sơ nghĩa trang, không tìm ra tên tuổi những người lính gốc Việt, nhưng lại vô tình tìm thấy 10 quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong số 65 quân nhân nước ngoài hiếm hoi đã được an táng tại Nghĩa trang quân đội Hoa Kỳ này. Người duy nhất có tên là Thiếu Tá Vũ Văn Pháo (hay Phao?). Cùng hai phi công VNCH bị tử nạn tại Lào và bảy sĩ quan đã tử nạn trong chuyến trực thăng bị rơi năm 1971. Hài cốt của họ đã được tìm ra cùng hài cốt của những sĩ quan Mỹ cùng tử nạn nên được đưa sang Hoa Kỳ an táng chung mộ. Không biết gia đình những người lính VNCH này có biết hài cốt thân nhân họ đã được vinh dự an táng nơi đây?

Mộ Tổng thống Kennedy và phu nhân Jacqueline.

Nằm trang trọng ở một vị trí từ đồi cao thật đẹp trong Nghĩa trang quân đội Arlington này là mộ đá trắng Chiến Sĩ Vô Danh khắc hàng chữ, “Đây là nơi an nghỉ trong vinh quang danh dự của người lính Mỹ mà chỉ Thượng Đế biết”. Nghi thức đổi phiên gác thật tôn nghiêm. Bồng súng, trao súng, người lính bước đi 21 bước thay cho 21 phát đại bác – nghi thức trang trọng nhất của quân đội. Lễ cũng chừng đâu 15 phút. Có cả trăm cảnh sát từ California sang tham dự. Tôi cứ ngỡ mình vô tình được chứng kiến buổi lễ diễn ra chỉ đương lúc có nhiều du khách hay thực hiện riêng cho cảnh sát LAPD sang đặt vòng hoa tưởng niệm. Nhưng khi đọc lại mới biết mộ Chiến Sĩ Vô Danh này được luân phiên canh gác 24 giờ trong suốt 365 ngày. Và lễ đổi phiên gác diễn ra ngay cả sau khi nghĩa trang đã đóng cửa, bất luận thời tiết như thế nào. Nước Mỹ tri ân sự hy sinh người lính không phải để trình diễn cho du khách.

Tác giả bên bệ khắc lời TT Kennedy

Rồi đây! Mộ của Tổng Thống Kennedy cùng Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline. Chỉ đơn giản hai tấm bia mộ cùng ngọn đèn dầu cháy sáng quanh năm. Eternal Flame – Ngọn Đèn Vĩnh Cửu. Phía trước là những bệ đá khắc những câu nói lưu danh của ông. Tôi ngồi xuống bên bệ đá khắc hàng chữ “Đừng hỏi quốc gia đã làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn đã làm gì cho quốc gia”. Vâng! Hơn ai hết, những tấm bia trắng dưới kia là câu trả lời hào hùng và danh giá nhất từ những người lính Mỹ đã hy sinh và cống hiến cho đất nước của mình. “Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng, núi cây rừng…”. Đoàn quân dưới bia mộ kia có lẽ sẽ mãi là một đoàn quân bất tử. Trong lòng người dân Hoa Kỳ. Chiều đã xuống thấp và gió cũng đã lạnh hơn. Tôi quay lại nhìn ngọn đèn dầu vĩnh cửu bập bùng, bập bùng thêm lần nữa trước khi lên xe đi xuống đồi.

ĐYT
Tháng 5/2018, Mùa Chiến Sĩ Trận Vong

Danh sách những sĩ quan VNCH an táng tại Nghĩa Trang Quân Đội HK

No comments:

Blog Archive