Saturday, June 30, 2018


Dạy tiếng Mỹ ở đảo, rồi tiếng Việt ở Mỹ

Trương Tấn Thành, WA

Khoản cuối năm tám mươi khi lên được đảo Galang tôi bắt đầu ‘mở lớp dạy Anh văn’ liền cho người đi chung chuyến với mình.  “Lớp học”  lúc đầu là căn phòng trống phiá dưới một barrack với tấm ván tường làm bảng viết.  “Học sinh” có kẻ bồng người ẵm con ngồi bệt trên nền xi măng chăm chú học bài.  Nổi mừng tới được đảo và lòng hy vọng được đi định cư tràn trề  làm mọi người, cả thầy lẫn trò, hăng hái trong việc dạy và việc học hành.

Sau đó tôi được mời dạy cho chùa và một số hội đoàn trên đảo.  Có nơi số người học thật đông gây cho tôi thật nhiều hứng khởi.  Ngoài ra vì không có thân nhân ở ngoại quốc trợ giúp tiền bạc, tôi còn nhận dạy tư cho nhóm và cho cá nhân để kiếm tiền sinh sống trong thời gian dài hơn ba năm ở đảo.  Chưa lúc nào tôi thấy mình giúp ích được cho những người đồng cảnh ngộ với mình như trong thời gian này.  Đi đâu cũng được mọi người thân mến gọi bằng “thầy” làm tôi được vô cùng mản nguyện. 

Những nhóm dạy tư thường là ở một phòng nào đó trong barrack, chừng năm ba người tụ lại với nhau để học trong hai hay ba tiếng đồng hồ, vài ba ngày trong tuần.  Sách học thì gởi mua hay người này mua lại của người đã đi. Lớp học chú trọng vào loại Anh ngữ đàm thoại, ít nặng về văn phạm nhưng chú trọng về phần đàm thoại thực hành.  Vaò thởi điểm có lệnh của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên hiệp Quốc đóng cữa các trại tỵ nạn toàn quốc năm 89, làn sóng người vượt biển bổng dâng cao.  Ngày nào cũng có vài ba chiếc tàu vưột biển được nhận vào trại.  Theo đà nhân số vượt biển tăng, Galang 1 trước đây hoang tàn, bỏ phế  bổng trổi mình sống lại.  Từ Galang 2 trở ra Galang 1, lều trại bổng đầy nghẹt người tỵ nạn cuối mùa, số người học Anh ngữ tăng theo cấp số nhân.  Một trong những kỷ niệm dạy tiếng Anh ở đảo mà tôi nhớ mãi đến giờ là anh học trò tên Thông.

Thông lúc đó trên dưới ba mươi, sống chung với người bạn gái , ngừơi này có con riêng và người em, coi như một gia đình.  Thông có được đức tính siêng năng và tinh thần ‘’trọng sư’ đáng qúy.  Để kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình, Thông vào mé rừng Galang 2 để xây một lò làm bún nhỏ cung cấp cho các tiệm ăn trên đảo.  Thức khuya dậy sớm để ra mẻ bún, xong  rồi Thông đội thúng bún đi giao hàng, còn dư lại thì để gia đình ăn.  Thông thường biếu cho tôi bún để tỏ lòng kính mến.  Quần quật, đầu tắt mặt tối như vậy mà tối đến Thông vẫn đến barrack tôi để học.  Con đường thương mại phồn thịnh có  thể  gọi là  “Lê Thánh Tôn - Galang2” thì có điện do các chủ tiệm mua nhưng các barracks ở thì chỉ có ánh sang nhờ đèn dầu thôi.  Vậy mà dưới ánh đèn dầu mù mù, Thông siêng năng, chuyên cần học với tôi cho đến lúc Thông và gia đình đi định cư ở Canada. Vài năm sau khi định cư ở Mỹ, tôi có dịp qua chơi ở Toronto và có đến thăm Thông và gia đình anh.  Lúc đó Thông mới mua chiếc xe Toyota mới tinh do đồng lương kiếm được với nghề làm thợ tiện trong khi tôi chưa có được một chiếc xe ra hồn để chạy.  Thật là một bài học về tính chuyên cần mà tôi phải học ở Thông.

Tôi tiếp tục dạy tiếng Anh nhiều chỗ, nhiều nơi , cho những ai có nhu cầu để kiếm sống cho đến ngày rời dảo đi định cư.

Qua Mỹ., với sự giúp đỡ tận tình của người bạn trẻ là Nhân, tôi lại được cắp sách đền trường.  Mỗi ngày hai anh em, Nhân chở tôi trên chiếc xe pickup hiệu Mazda màu đỏ để đi học tại trường đại học cộng đồng.  Cuối tuần thì hai anh em đi làm cỏ để kiếm tiền trả tiền mướn phòng và chi tiêu vặt.

Sau khi ra trường tôi vào làm ở trường dạy cho trẻ em ngươi Da đỏ nhưng vẫn liên lạc thường xuyên với trường cũ.  Một ngày nọ, khoản vào năm hai ngàn, tôi đọc được một thông báo của trường tìm người dạy tiếng Việt cho học sinh lớn tuổi ngươì Mỹ học vì nhu cầu giao tiếp và thương mại. Tôi nộp đơn ngay để được phỏng vấn.  Vì là cựu sinh viên của trường và đã có bằng bốn năm nên tôi được nhận.  Lớp khoản bảy người lớn, đủ thành phần.  Mỗi tuần hai buổi tối mỗi tối hai tiếng đồng hồ.  Tôi cũng áp dụng lối dạy đàm thoại với những đề tài thực tế sát với đời sống hằng ngày.  Tôi cũng đem những băng hình về văn hoá và xả hội, âm nhạc Việt để tạo hào hứng cho lớp học.  Lớp học keó dài được ba tháng rồi ngưng.

Tôi cũng có dạy một lớp Việt ngữ cho người Mỹ lớn tuổi với tính cách tự nguyện cho trường Việt ngữ Hùng Vương ở Olympia vào buổi tối.  Trong số học viên có anh  tên Jim là chủ tiệm ăn dưới phố có vợ là người Việt cần học để giao tiếp  với bên vơ của mình.  Có người là sinh viên cần học để tìm hiểu thêm về tiếng Việt vân vân.  Tôi yêu cầu mỗi học viên tự đặt cho mình tên Việt Nam để tạo không khí sát với thực tế. Tôi soạn bài học ngắn theo đề tài đi sát với thực tế hằng ngày rồi sau khi tôi đọc bài viết trên bảng,  họ lặp lại cho quen âm Việt .  Kế tiếp là  từng học viên thay phiên nhau giữ một vai trò tập đàm thoại với nhau.  Cái khó nhất là phần phát âm vì âm Việt có năm dấu mà hầu như âm Mỹ không có.  Hầu hết học viên Mỹ đều không phát âm đúng được từ có  dấu nặng.  Lớp học vui vẻ và hào hứng nhờ đề tài tôi chọn ra từ các đề tài có tính cách va chạm thực tế trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoài ra tôi còn phụ trách lớp dạy Việt ngữ cho các em nhỏ lớn lên tại Mỹ cũng ở trường Việt ngữ Hùng Vương mỗi tối thứ Sáu.  Trở ngại của các em vẫn là phần phát âm tiếng Việt không được đúng vì lớn lên tại Mỹ.  Trong khi dạy ở trường Hùng Vương, tôi được biết một giáo viên đầy nhiệt tâm và tận tụy với các em trong việc dạy muá hát dân vũ và nhạc Việt lâu năm  tại trường mà chắc chị không buồn tôi khi đề cập đến tên của chị, đó là chị Dung.  Đoàn vũ nhà trường do chị , đào luyện hưóng dẫn công phu thuờng được mời đi trình diển trong các lễ hội trong quận.  Chị xứng đáng là một giáo viên có công to lớn trong việc giữ gìn văn hoá và bảo tồn tiếng Việt ở nước ngoài.

Tôi thấy mình mãn nguyện khi dạy tiếng Mỹ cho người đồng cảnh ở đảo và phổ biến tiếng Việt khi ở xứ này.  Ít ra tôi cũng đóng góp được một phần nào vào việc mang chữ nghĩa đến cho nhiều người.  Mỗi khi được nghe tiếng gọi “thầy”  nơi các học viên tôi cảm thấy mình đã làm được một cái gì đó, dù nhỏ nhưng được mọi người chấp nhận với lòng kính mến.  Như vậy là tôi đã không uổng công liều sống chết vượt biển và phụ lòng kỳ vọng của ba má tôi khi hai người còn sinh tiền.

Trương Tấn Thành

No comments:

Blog Archive