Chuyện Bây Giờ Mới Kể
Tháng Tư lại trở về.
Cái tháng Tư oan nghiệt, cái tháng Tư chết bầm, cái tháng tư đen đủi... đang trở lại cùng với thời tiết bất thường của California năm nay!
Vâng, “ Chuyện bây giờ mới kể” là chuyện gia đình tôi, bắt đầu từ tháng Tư 1975. Ngày ấy, vợ chồng tôi là giáo viên dạy ở hai ngôi trường lớn tại thị xã Bà Rịa. Chúng tôi có hai đứa con trai, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 2 tháng tuổi (cháu sinh tháng 2 năm 1975). Gia đình bốn người sống trong ngôi nhà nhỏ của xóm cư xá công chức thuộc thị xã Bà Rịa, tỉnh Phước Tuy (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Sau cái tháng Tư đổi đời ấy, nhà giáo tại các trường ở miền Nam nếu còn được tiếp tục cho đi dạy, được gọi là “giáo viên lưu dụng.” Lệnh của chính quyền mới là mọi giáo viên dạy các môn thuộc khối Khoa Học Xã Hội như Việt Văn, Triết, Sử, Địa, Công Dân Giáo Dục... đều phải hoán đổi trường với những giáo viên dạy cùng môn ở một huyện khác. Vậy là bắt đầu cảnh đi dạy học xa nhà.
Sau đó là những ngày học tập chính trị tại chỗ, lúc đầu là hàng ngày, rồi hàng tuần. Người giảng là các cán bộ chính trị của tỉnh, của quận, quen sống trong rừng, chắc chắn là ít học, phát âm chưa chuẩn.
Kế đến là chuyện đốt sách. Huyện ra lệnh mỗi giáo viên phải mang nộp những cuốn sách cũ, bi gọi là sản phẩm của văn hóa phản động để thiêu hủy cho bằng hết các “tàn dư của Mỹ Ngụy”.
Chưa hết, để đội ngũ giáo viên lưu dụng biết mùi “Lao động là vinh quang,” chính quyền mới ra lịnh nhà giáo phải lao động cuối tuần, khi thì quét chợ, khi thì làm thủy lợi.
Còn nhớ lần đầu, chúng tôi quét chợ Phước Hải. Đó là một quận lỵ ven biển, cách thị xã nơi chúng tôi đang sống 15 cây số. Thế là từ sáng sớm, từng tốp giáo viên đạp xe về phía nam, trực chỉ làng biển Phước Hải. Tới nơi, căng băng rôn “Lao động xã hội chủ nghĩa”, xăn tay áo, tốp cầm chổi, tốp cầm bao đựng rác sẵn sàng màn quét, quét, hốt, hốt... Nhưng lạ thay, con đường nào chúng tôi tới đều đã được dọn trước, sạch sẽ đến mức không còn gì phải làm. Thì ra, người dân địa phương biết các thầy cô giáo cũ bị hành, đã tự động bảo nhau dọn sạch dùm từ trước. Vậy là thay vì quét quét hốt hốtï, các nhà giáo được bà con mời vào nhà uống trà, nghỉ ngơi, đợi hết giờ... để đi về.
Lòng dân miền Nam với nhà giáo là vậy, nhưng chính sách lương thực kiểu xã hội chủ nghĩa thì khác. Ngay năm đầu tiên sau “giải phóng”, lương thực do nhà nước độc quyền cân đo, phân phối. Mức ăn theo đầu người mỗi tháng, trong khi công nhân thợ thuyền, được phân phối 18 ký lô thì một “ lao động trí thức” như nhà giáo chúng tôi chỉ được nhà nước bán cho 13 ký lô.
Số lương thực này gồm hai hay ba ký gạo, 10 kg còn lại là hạt bo bo, bột mì hoặc là khoai lang, khoai mì... sùng! Thằng con nhỏ, tuổi chưa đầy năm của chúng tôi, ăn loại hạt bo bo nấu chung với khoai xắt lát mỏng này, nó đi tiêu ra y nguyên hạt bo bo. Phát hoảng, từ đó, chúng tôi dành phần gạo ít ỏi nấu riêng nồi cơm cháo cho nó. Từ năm 1975 cho tới vài năm sau đó, huyện lỵ nơi chúng tôi ở không có trường mẫu giáo – nhà trẻ. Mà vợ chồng tôi bắt buộc phải có mặt ở trường 8 giờ/ ngày. (Trước đây, dạy cấp III, chúng tôi chỉ làm việc bắt buộc 16 giờ/ tuần).
Năm đầu tiên sau “giải phóng” 1975 là năm gian nan, chông gai nhất của gia đình tôi vì chúng tôi có thằng con nhỏ, tuổi chưa đầy năm. Thằng con lớn 6 tuổi, năm đó, phải đổi trường học 3 lần. Chúng tôi cần nó giử em những khi chúng tôi bận ở trường. Nhờ thương em nên cho dù là con trai nó cũng đã giúp chúng tôi an lòng khi vắng nhà. Hằng ngày, ngoài giờ học, nó còn theo ba ra ruộng mò ốc, bắt cua đồng, mót rau muống... mang về nhà cho mẹ nấu canh.
Sang năm thứ hai, trong khi bụng đói, được nhồi thêm tối đa bằng đủ loại khẩu hiệu của chủ nghĩa Mac Lênin! Tất cả các giáo viên chúng tôi bắt đầu cảnh “vừa dạy học vừa sản xuất”: Buổi sáng, lên lớp dạy học, buổi chiều đi làm ruộng. Chúng tôi học cấy lúa, gặt lúa, bón phân, cho nước vào ruộng... từ các học sinh của chúng tôi. Và các bài văn trước đây tôi dạy cho học sinh như “kéo cày thay trâu”, nay, đã thành sự thật.
Buổi chiều, lên ruộng, các thầy không vừa ý vì ruộng chưa phẳng, còn nhiều cỏ dại. Không còn lựa chọn nào khác, các nam giáo viên phải ghé vai, hai thầy làm trâu phía trước, hai thầy phía sau đẩy tới... Bài học “kéo cày thay trâu” là chuyện có thật. Không hư cấu. Buổi tối thì chúng tôi chia phiên nhau lên ruộng ngủ để canh cho “ruộng ăn nước” (khai mương, dẫn nước vào ruộng). Việc này thì nam và nữ giáo viên cùng phải làm.
Cực nhọc là thế, rồi ngày tháng cũng qua. Ngoài chuyện mức ăn mỗi tháng, ngoài 13kg lương thực, các nhà giáo còn có thêm màn phân chia nhu yếu phẩm. Vỏ và ruột xe đạp là món rất cần thiết để đạp xe đi làm, nhưng 5 hoặc 6 tháng mới được mua một lần. Cả trường có hơn 40 giáo viên, mà huyện chỉ phân chia cho chúng tôi được mua 4 hoặc 5 chiếc vỏ hoặc ruột xe đạp. Không còn chọn lựa nào khác, chúng tôi phải bắt thăm để xem ai may mắn.
Tội nghiệp, từ người lớn đến con nít, dân chúng bị gian nan là thế mà sao cái loa ở đầu ngỏ cứ ra rả cả ngày: “Đất nước đã sạch bóng quân thù, toàn dân được hoàn toàn tự do – no ấm...”
Chúng tôi chỉ còn biết câm lặng, chịu đựng, cố cầy cấy, trồng trọt, nuôi heo... để có thể tồn tại. Năm 1980, thằng con lớn của chúng tôi đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Khi nó lên nhận giải thưởng, đứng xếp hàng cùng với bạn, nó thấp hơn bạn học cùng lớp đến nửa cái đầu... Phải chăng vì những năm tháng thiếu ăn, mò cua, bắt ốc!
Trong những năm dân miền Nam đua nhau liều chết vượt biển, nhiều lần, cả nhà chúng tôi cũng đã có mặt trong những chuyến đi, nhưng mọi chuyện không thành.
Mãi tới tháng Năm, 1986, lúc đó, thằng con út nhỏ 11 tuổi, thằng anh lớn 16 tuổi mới đi thoát, khi theo bà ngoại vượt biển Đông, tới được đảo Galang sau 7 ngày đêm lênh đênh trên chiếc thuyền đánh cá mỏng manh chở theo tới 120 người.
Vợ chồng chúng tôi không thể có mặt với mẹ già và hai con dại trên chiếc thuyền may mắn này.
Sau ngày đưa mẹ và các con ra đi, đêm đêm tôi thức trắng, ngồi ở cửa sổ, trông chờ... Có lúc nghe tiếng động đâu đâu cũng dáo dác không yên, tưởng như mẹ già và con dại không đi được, quay về, phải nhanh tay mở cửa cho mẹ và hai con vào nhà liền để hàng xóm không biết...
Cứ vậy đúng một tháng 10 ngày. Lúc tưởng như sắp quị vì kiệt sức thì may sao cầm được trên tay cái điện tín của anh tôi ở San Jose (Bắc California) cho hay là “Ba bà cháu đã tới đảo Galang an toàn...”
Biệt danh “ba bà cháu” là tiếng gọi thương yêu của cả tàu gọi mẹ già 65 tuổi và hai cháu ngoại vị thành niên.
Tháng 10 năm 1986, đúng ngày lễ Halloween, ba bà cháu đặt bước chân đầu tiên tới Mỹ, tới San Jose. Ngay ngày hôm sau, anh tôi, người bảo trợ, dẫn hai đứa nhỏ vào trường. Thằng con lớn, Trác Trần, học lớp 11 và thằng em nhỏ học lớp 6.
Như lời hai đứa con hứa với chúng tôi, chúng đã dốc hết sức học thật giỏi, vừa học vừa làm lặt vặt thêm như kèm cặp các bạn học dở trong lớp, bán kẹo, khuân vác dọn nhà ... kiếm tiền mua sách vở và dành dụm gửi về Việt Nam cho bố mẹ.
Trong thời gian này, chưa hề có cell phone, chúng tôi chỉ biết mỗi hai tuần chúng tôi viết gửi tới hai con. Qua các lá thư , chúng tôi đã nhắc nhở, dạy dỗ và hướng dẫn chúng mọi điều cần thiết với chúng lúc bấy giờ. Nơi quê nhà nhưng vợ chồng tôi bước theo từng bước chân, đập theo từng nhịp đập của hai con đang sống “ mồ côi “ nơi xứ xa... Kết thúc lá thư nào, tôi cũng dặn dò: “Hai con ráng học để có nghề nghiệp vững chắc, để trở thành một công dân tốt là Ba Mẹ mãn nguyện lắm ...”.
Đứa con nào trong hoàn cảnh chia ly như gia đình tôi, cho dù xã hội Mỹ quá văn minh, nhiều cám dỗ, nếu muốn sai, muốn “sịa “, chắc cũng không nỡ lòng!
Nhờ học giỏỉ nên cả hai anh em Trác và Trí đều được học bổng toàn phần của nhà nước Mỹ cấp cho trong thời gian hai đứa theo học ở đại học MIT (Massachusetts Institude Of Technology – tieu bang Massachusetts).
Năm 1997, mười một năm sau khi thoát khỏi Việt Nam, lần đầu tiên hai đứa con về nước thăm ba mẹ còn kẹt lại ở quê nhà. Hai con đã kính cẩn trao tận tay chúng tôi hai bằng thạc sĩ của đại học MIT cấp, ngành computer science. Lúc đó, con trai lớn của chúng tôi đang theo năm cuối chương trình nghiên cứu sinh Ph.D. (chương trình tiến sĩ).
Ba năm sau, tháng giêng năm 2000, sau 14 năm dài xa cách, vợ chồng tôi đã tới được nước Mỹ theo chương trình “Đoàn tụ gia đình” do con trai Trác Trần bảo lãnh.
Tháng Tư năm 2000, vợ chồng tôi được Trường Đại Học Johns Hopins, thành phố Baltimore, bang Maryland phỏng vấn. Đây là nơi Trác Trần, con trai lớn của tôi, đang giảng dạy. Kết thúc buổi phỏng vấn, tôi nói trong nước mắt: “I like the famous country where my children are working" (Tôi yêu đất nước danh tiếng này, nơi các con tôi đang làm việc).
Bên ngoài cửa sổ văn phòng của Trác Trần, bấy giờ, hoa đào tháng tư hằng năm đang nở rộ.
Nhìn hoa đào tháng Tư rực rỡ, tôi không thể cầm được giọt lệ, khi nhớ lại cái tháng Tư bầm tím năm nào. Ngày 30 tháng tư đã mang lại quá nhiều cảnh sinh ly, quá nhiều đau khổ cho nhà nhà, cho người người của quê hương tôi, cho nước Việt Nam của tôi. Ôi cái giá của “Một cuộc đổi đời.”
Nhờ anh lớn làm gương, hai anh em gắn bó chịu khó học hành, sau khi Trác Trần đã là một giáo sư tiến sĩ, em trai Trí Trần cũng theo bước chân anh, tốt nghiệp Đại học MIT, là kỹ sư cho vài công ty lớn vùng Bắc California và năm 2010, Trí tự mình thành lập công ty thực phẩm Munchery.
Tuần báo Bloomberg Businessweek số ra ngày 17 tháng Giêng năm 2016 đã đăng bài phỏng vấn cháu Trí Trần và vợ chồng chúng tôi (Ba Mẹ của Cháu Trí) với hàng tít: “How a Vietnamese immigrant made it to Silicon Valley and is reprogramming dinner in America” - (Làm thế nào để một người Việt Nam nhập cư thực hiện và đã thay đổi bữa ăn tối ở Mỹ).
Nguyễn Thị Phi Phượng
No comments:
Post a Comment