BBC
Biểu tình trước nhà mà người biểu tình cho là của đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân ở Warsaw, Ba Lan
M ột doanh nhân trong những ngày gần đây đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng người Việt tại Warsaw.
Ông Nguyễn Văn Thân, doanh nhân đồng thời là đại biểu Quốc hội Việt Nam, là một trong những dân biểu công khai ủng hộ Dự luật Đặc khu, với những phát biểu khiến một số người tại Ba Lan biểu tình phản đối.
Trên tờ Tuổi Trẻ, hôm 03/06/2018 ông Thân nói "không ủng hộ luật đặc khu là một sai lầm" và cần phải làm đặc khu, "càng sớm càng tốt".
Một số người Việt tại Ba Lan đã ngay lập tức phản ứng lại phát ngôn này và đã tổ chức hai cuộc biểu tình trước ngôi nhà được cho là nhà riêng của ông tại quận Ochota ở thủ đô Warsaw.
Khoảng 60 người đã có mặt trước căn nhà chiều 16/06, hô vang các khẩu hiệu đòi quyền tự do, quyền con người, phản đối Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.
Cũng trong hơn một tuần qua, nhóm vận động tại Ba Lan đã xin được trên 1200 chữ ký phản đối hai đạo luật này trong các khu trung tâm thương mại của người Việt, theo nhà báo tự do Mạc Việt Hồng cho BBC biết.
Một tốp cảnh sát Ba Lan có mặt túc trực từ đầu đến cuối để giữ trật tự và bảo vệ đoàn biểu tình cũng như gia tư của ông Thân.
Theo ban tổ chức cuộc biểu tình, họ có sự đồng ý của thành phố Warsaw và thông tin từ cộng đồng người Việt tại Ba Lan nói đây là ngôi nhà do ông Thân cùng vợ đứng tên mua từ năm 2009.
Thông tin chính thức trên truyền thông Việt Nam ghi rằng ông Nguyễn Văn Thân sinh năm 1955, tiến sĩ khoa học, là đại biểu quốc hội khóa 2016-2021, đại diện cho huyện Đông Hưng, Thái Bình, quê ông.
Ông Nguyễn Văn Thân còn là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Mối liên hệ gắn bó của ông với Ba Lan từng được ông nhắc tới trong một cuộc trả lời phỏng vấn với trang tin Doanh nghiệp Hội nhập.
Hồi 4/2016 ông nói với trang tin này rằng ông "lập nghiệp ở Ba Lan và một số nước Đông Âu".
Gắn bó với Ba Lan và Đông Âu
Sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh trong thập niên 1980, ông đã tham gia hoạt động ở một hội doanh nghiệp tập hợp các doanh nhân ra đi từ Việt Nam sang Ba Lan qua các ngả du học, nhập cư, định cư.
Sau đó, ông về Việt Nam trong thập niên 2000 nhưng vẫn duy trì các liên hệ chặt chẽ với Cộng hòa Ba Lan.
Số PESEL (mã số cá nhân cho người đóng thuế tại Ba Lan) trên hồ sơ xin quốc tịch trùng với ngày tháng năm sinh của đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân trong tiểu sử công khai của ông, theo nhà báo Mạc Việt Hồng.
Việc ông Nguyễn Văn Thân từ nhiều năm trước đã nộp đơn xin quốc tịch Ba Lan khiến cộng đồng người Việt tại Warsaw đặt câu hỏi.
Một khẩu hiệu trong cuộc biểu tình hôm 16/06 là nhóm vận động người gốc Việt đã yêu cầu điều tra làm rõ việc có phải đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có hai quốc tịch Việt Nam và Ba Lan hay không.
Hôm 17/06, ông Phạm Quốc Khánh, quyền Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình cho BBC biết ông "không rõ về vấn đề quốc tịch của ông Thân".
Ông Nguyễn Văn Thân "quốc tịch gốc vẫn là người Việt Nam", ông Phạm Quốc Khánh nói, bởi "trước khi vào quốc hội, hồ sơ lý lịch các ứng viên đã được điều tra làm rõ".
Tuy nhiên, "ông Thân là đại biểu do Trung ương gửi về và hồ sơ của ông Thân do Ban công tác Đại biểu Quốc hội nắm, nên Đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình không biết," ông Khánh nói.
Hồi tháng 7/2016, ở Quốc hội Việt Nam có vụ việc đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường "có hai quốc tịch", một của Việt Nam, một của Malta.
Theo phát biểu của Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia khi đó là ông Nguyễn Hạnh Phúc thì ngày 15/7 cùng năm, Hội đồng Bầu cử mới có thông tin "vi phạm Luật quốc tịch của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từ phía cơ quan chức năng".
"Ngay sau đó, bà Hường có đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội," trang Zing.vn trích lời ông Hạnh Phúc.
-----------
-----------
No comments:
Post a Comment