Tác-Giả: Nguyễn-Thị-Thanh-Dương
Tôi đang nấu cơm, trưa nay có khách, bà Cư là bạn thân của mẹ tôi sẽ đến nhà chơi. Con gái bà chạy xe từ Houston đưa mẹ xuống đây. Họ đang trên đường đi.
Mẹ tôi sốt ruột sau chục năm chưa gặp lại bạn và nhất là thương cảm hoàn cảnh của bạn cứ vào ra lẩm bẩm:
– Tội nghiệp bà mẹ già vô phước. Có 4 đứa con mà chẳng được ở yên với đứa nào, mỗi đứa một tiểu bang khác nhau và bà Cư thì phải thay phiên đến ở nhà từng đứa.
Mẹ tôi đã nghe từ bà bạn nào đó kể thế. Tôi cùng tâm trạng với mẹ:
– Làm sao mà cả 4 người con không chiều nổi một bà mẹ già, để bà mẹ hơn 80 tuổi phải khổ sở lếch thếch nay bay đi tiểu bang này mai bay về tiểu bang nọ.
Mẹ tôi thở dài:
– Con cái thời nay đối xử tệ bạc với cha mẹ thiếu gì.
Tôi cảm thấy xót xa thương cho bác Cư và mong gặp bác để thăm hỏi, an ủi.
Từ Houston đến Dallas gần 4 giờ lái xe, chị Nhàn đã chở Mẹ đến nhà tôi đúng giờ đã hẹn. Chị không ở lại dùng cơm mà cáo từ:
– Vì bác và mẹ cháu hẹn nhau ở chơi đến chiều nên cháu để mẹ ở đây với bác, còn cháu nhân dịp này đi thăm mấy người bạn vùng này, chiều cháu sẽ trở lại đón mẹ về.
Chị Nhàn cũng có lý, sẵn một chuyến đi xa, được việc cả mẹ lẫn con. Mà nhờ thế mẹ con tôi tha hồ thăm hỏi bà Cư, khỏi phải giữ ý tứ e dè nếu có mặt con gái bà.
Bữa cơm hội ngộ hai bà bạn già quen biết nhau từ hồi còn trẻ ở Việt Nam. Sang Mỹ hai bà đã gặp nhau vài lần cách đây hơn chục năm và bây giờ mới gặp lại lần nữa.
Ăn xong hai bà ra ghế sofa ngồi nói chuyện bên ấm trà sen nóng tôi vừa mới pha, tôi cũng ngồi bên để hầu trà. Bà Cư bắt đầu than thân trách phận:
– Thấy mẹ con chị ấm êm mà tôi phát thèm. Thân tôi, mẹ già vô phước.
Mẹ tôi bùi ngùi:
– Chị vẫn ở với gia đình thằng Cả ở tiểu bang Washington bấy lâu nay tưởng đã quen con cháu, quen nơi chốn rồi chứ?
Bà Cư chép miệng:
– Thằng con Cả tôi sợ vợ, đứa con dâu thì gớm ghê lắm. Thỉnh thoảng nó lại đuổi khéo tôi “Hay là mẹ về California chơi với gia đình chú Hai vài tháng để thay đổi không khí cho khỏe”.
Tôi thành thật lên tiếng:
– Vâng, chị ấy nói đúng, bác ở Seattle mưa nhiều khí lạnh về California nắng ấm hiền hòa.
– Nó mua vé máy bay “TỐNG” tôi đi California. Ðến nhà vợ chồng thằng Hai ở được vài tháng thì chúng lại kiếm cớ: “Mẹ về thăm nhà chú Ba trước mùa đông cho đỡ vất vả nhé!”
Mẹ tôi buồn rầu xen vào:
– Chúng đùn đẩy cho nhau đấy chị ạ. Con cái thời buổi này hư quá….
– Ðúng thế, thằng Hai mua vé may bay “tiễn” tôi về nhà thằng Ba tiểu bang Kansas, ở đến mùa đông thì thằng Ba có lý do “đẩy” tôi ra khỏi nhà: “mẹ ơi, mùa đông đến tuyết rơi lạnh lẽo, mẹ muốn về Houston, Texas với cô Út cho ấm không”.
– Chị về với con gái là yên vui rồi nhỉ…
– Chưa đâu chị, ở nhà con gái đến hết mùa đông, Bây giờ trời sang Xuân ấm áp con gái chưa đuổi nhưng thằng con rể thì…tôi không ưa. Thấy mặt nó là mùa xuân tan biến mất. Chắc sau chuyến đến thăm chị tôi lại trở về Washington. Chúng tống, tiễn, đẩy và lại đưa tôi về cái “trạm” ban đầu.
Giọng bà Cư lanh lảnh, nhất là khi nhắc đến con rể, hình như anh con rể có một lỗi lầm gì to lớn lắm mà bà không bao giờ tha thứ được.
Nghe xong chuyện mẹ tôi thất vọng:
– Khổ thân chị, lại về với thằng cả và… vài tháng lại đi tiếp.
– Số tôi vô phần vô phước, không hợp với dâu rể nhà mình. Cứ nghĩ tới dâu rể là tôi phát ốm.
Tôi ái ngại, thắc mắc hỏi bà Cư:
– Bác lại về ở với con dâu cả ghê gớm, có chịu đựng nổi không?
Bà Cư giọng đanh lại:
– Con này người miền Trung, nó ghê gớm thì làm gì được tôi, tôi cũng có cách của tôi chứ. Xưa kia tôi bán gà chợ An Ðông, vừa bán vừa mắng khách hàng, đố đứa nào dám không mua gà của tôi. Con dâu cứ hỏi thăm vàng mẹ cất đâu thì tôi nói dối mẹ bán hết rồi. Không ăn cắp vàng được thì nó ăn cắp quần áo của tôi cháu ạ, quần áo tôi vắt la liệt trong tủ nó tịch thu hết, chỉ còn vài bộ…
Tôi bắt đầu tò mò tìm hiểu:
– Nàng dâu thứ hai thì sao, bác?
– Con này người miền Bắc, đáo để lắm. Ngày tôi về Việt Nam xem mắt nó cho con trai tôi, nó nhún nhường chiều chuộng tôi đủ thứ, mỗi buổi sáng thuê xe xích lô chở tôi ra phố ăn điểm tâm nay hàng phở, mai hàng bánh cuốn, thích ăn gì nó cũng chiều, khi tôi về Mỹ nó tặng quà ngập mặt. Nó đã theo chồng sang Mỹ mấy năm nay, tôi đến nó chẳng vồ vập nữa, lại tính toán từng tí một với tôi. Thế có vô ơn không hả chị, hả cháu?
– Nàng dâu thứ ba “tội tình” gì, bác?
– Con này người miền Nam, tiêu tiền như lá rụng, đã thế còn hàng tháng gởi tiền cho mẹ nó ở Việt Nam. Người ta hàng tháng đóng hụi còn có ngày hốt hụi, nó thì mất trắng. Tôi ý kiến vào thì nó bảo tôi lắm lời và cãi tiền nó làm ra nó có quyền tiêu pha theo ý nó miễn không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình chồng con.
– Thế anh con rể lấy cô Út nhà bác đã sai phạm điều gì, bác?
– Ôi giời, thằng này thì hơn cả mối thù truyền kiếp, con gái tôi ngày xưa xinh đẹp giỏi giang, mấy đám giàu sang có chức có quyền xin cưới mà con gái không chịu vì đang yêu thằng đẹp trai học giỏi nhưng nghèo kiết xác. Tôi đã quyết liệt phản đối mà không xong nên bao nhiêu năm qua cứ thấy mặt nó là tôi lại tức lộn máu lên đầu.
Tôi nghe đến đây đã đoán ra phần nào sự thật câu chuyện về bà mẹ già “vô phước”. Mẹ tôi và bà Cư nói chuyện cho đến khi cả hai bà cùng mệt và vào phòng nằm nghỉ.
Chị Nhàn quay trở lại nhà tôi đón mẹ sớm hơn dự tính. Thấy hai bà còn nghỉ yên ắng trong phòng, tôi tiếp chị Nhàn ngoài phòng khách, Chị Nhàn hỏi:
– Chắc mẹ em tâm sự với mẹ chị nhiều lắm? Cứ nói chuyện với ai là mẹ em lại than thở mình vô phước gặp toàn con dâu tệ hại và rể chẳng ra gì.
– Vâng, nhưng nghe bác nói chuyện tôi chưa tin hẳn.
Chị Nhàn tâm sự:
– Mẹ em tuổi già khó tính, hay quên trước quên sau lại dở hơi lẩm cẩm, ở với con nào cũng chê. Vợ chồng anh Cả đều là kỹ sư, họ có nhà bạc triệu mà mẹ em cứ vu khống con dâu muốn ăn bớt tiền già của bà, muốn ăn cắp vàng bạc của bà, chẳng qua một lần dọn giường cho mẹ, chị dâu thấy chiếc nhẫn mẹ gói trong tờ giấy napkin nhét dưới nệm bấy lâu nay mẹ đã quên đi nên hỏi mẹ còn vàng bạc nữa thì đưa con cất giữ cho.
Còn quần áo mẹ treo bừa bộn đầy nghẹt cả closet, đồ chưa mặc chồng chất lên đồ mặc rồi xông mùi hôi hám, chị dâu phải thu gom cất bớt cho sạch gọn thì mẹ nói ăn cắp quần áo của mẹ.
Tôi nói xen vào:
– Ðấy… đấy… lúc nghe bác kể đến câu này là tôi đoán ra bác Cư lẩm cẩm rồi, con dâu ăn cắp quần áo của bà làm gì chứ…
Chị Nhàn kể tiếp chuyện gia đình:
– Anh Hai em sau khi ly dị vợ, về Việt Nam cưới vợ khác mang qua Mỹ vài năm nay, nàng dâu mà mẹ em về Việt Nam xem mắt đấy. Hai vợ chồng trắng tay chăm chỉ làm lại từ đầu mẹ không vun đắp lại còn chì chiết con dâu. Mẹ mở vòi nước quên tắt vòi, vào trong restroom xong quên tắt đèn, chị Hai nhắc nhở thì mẹ hờn dỗi đánh giá nàng dâu bần tiện tính toán với mẹ chồng từng li từng tí một.
Tôi phải thốt lên:
– Con dâu nhắc nhở đúng còn bị mẹ chồng giận. Khổ thật.
– Tới nàng dâu thứ ba, chị ấy làm nail, chị dành dụm tiền tip khách cho, mỗi tháng gởi 200 đồng về Việt Nam phụ các em nuôi mẹ chị ấy thì mẹ em không bằng lòng và cả ngày thì thầm to nhỏ bắt anh Ba phải theo dõi vợ xem gởi tiền nhiều hay ít.
– Thế là cả 3 nàng dâu của 3 miền Bắc Trung Nam không ai vừa lòng bà mẹ chồng cả.
– Vâng, ở với con dâu nào mẹ em cũng dòm ngó xét nét từng tí một để chê bai, cũng may các chị dâu hiểu và cùng bảo nhau không chấp, miễn là mẹ vui. Mỗi lần đại gia đình tụ tập giỗ Tết các chị em dâu còn xúm vào nịnh mẹ chồng cho bà bớt lạnh lùng gay gắt.
Tôi lại thắc mắc:
– Con dâu thì thế, còn con rể?
– Mẹ em cũng ghét luôn.Ngày xưa mẹ phản đối không cho em lấy anh ấy vì nghèo. Chúng em làm ăn khấm khá mẹ đã hết giận, nhưng vài năm nay vợ chồng em làm kinh doanh thất bại lỗ lã thì mẹ em trở lại ghét cay ghét đắng con rể và cho là anh ấy mang tai họa vào cuộc đời em.
Tôi thán phục:
– Phải công nhận tuy lẩm cẩm mà bác nhớ dai và…thù dai thật.
Chị Nhàn thở than:
– Mẹ có tiền già, bảo hiểm y tế miễn phí, sức khỏe mẹ còn đi lại được, chúng em có ai ngại nuôi mẹ đâu, tại mẹ tự làm khổ mình thôi. Ðấy, mẹ ở nhà em mới vài tháng đang đòi về với anh chị Cả vì nhìn mặt con rể bà… ăn cơm không ngon!!!
o O o
Sau khi khách ra về tôi nói với mẹ:
– Hôm nay mẹ con mình tận mặt nghe bác Cư kể chuyện, và con cũng nói chuyện với chị Nhàn. Bác Cư không khổ, không vô phước, không đáng thương gì cả.
Mẹ tôi ngạc nhiên:
– Các con dâu đối xử với bác ấy chẳng ra gì mà, đứa nọ đẩy mẹ qua đứa kia mà?
Tôi kể cho mẹ nghe những gì đã biết sau khi nói chuyện với chị Nhàn và nói:
– Bác Cư luôn rình rập moi móc nói xấu nàng dâu, chỉ huy vào cuộc sống của họ, thậm chí bác đứng quan sát con dâu thái củ su hào cũng không vừa ý, bóc củ tỏi chậm bác cũng chê. Bác ghét dâu, chê dâu nên động một tí là bất mãn và hờn dỗi đến ở nhà nọ nhà kia là thế. Con nghe bác khoe ngày xưa bác bán gà ở chợ An Ðông kiểu chụp giựt là đủ hiểu bác bản lĩnh thế nào rồi.
Mẹ tôi xác nhận:
– Ừ, bác Cư nổi tiếng là bà hàng gà đanh đá nhất chợ An Ðông thời đó.
– Tính nết đanh đá của bác vẫn còn cho đến bây giờ, bác rêu rao nói xấu con dâu con rể và làm chúng ta lầm tưởng bác là bà mẹ già bị con cái đối xử tệ bạc, tưởng như 4 người con của bác đều là con bất hiếu.
Mẹ tôi hiểu ra:
– Mẹ nghe bà bạn kể lại, câu chuyện chỉ nghe một chiều nên cứ oán trách các con bác Cư và ngậm ngùi thương bác Cư.
– Mẹ ạ, có nhiều bà mẹ già đáng kính, đáng yêu, hết lòng giúp đỡ con cháu và vun đắp hạnh phúc gia đình cho con dù mẹ phải chịu lép vế hay thiệt thòi với con, dù mẹ bị con đối xử không ra gì. Nhưng cũng có những bà mẹ già không dễ thương tí nào vì khó tính, vì tuổi già lẩm cẩm, hoặc ích kỷ, thương con thương cháu không đúng chỗ v.v… đã làm mất hạnh phúc của con, xen vào cuộc sống riêng của con cái, xúi giục con về phe mình chê bai chồng nó, vợ nó.
Mẹ tôi kể:
– Mẹ biết chuyện một bà ở Việt Nam, có thằng con là bác sĩ ở Mỹ, bà quan niệm con thành tài phải báo hiếu cha mẹ nên đòi hỏi con gởi tiền về giúp đỡ xây nhà to nhà đẹp, xong nhà, phải gởi tiền về lo cho các em. Vợ anh bác sĩ xót xa bạc tiền phản đối thì bà mẹ xúi con trai bác sĩ cứ bỏ con vợ “không biết điều” này, về Việt Nam mẹ cưới cho vợ khác con nhà danh giá trẻ đẹp ngoan hiền thiếu gì.
Tôi mỉm cười:
– Về chuyện gia đình bác Cư, ở tuổi ngoài 80 như bác nhiều người bệnh hoạn ốm đau nằm liệt giường sống dở chết dở, bác Cư vẫn còn sức bay qua lại mấy tiểu bang và còn sức nói xấu dâu rể. Các con bác hiểu tính Mẹ! Nên chịu đựng được! Bác là Bà MẸ GIÀ vô cùng có phước đấy mẹ ạ!!!
No comments:
Post a Comment