Friday, June 29, 2018

Tôi đi du lịch bụi ở Nhật

Trịnh Thanh Thủy

Hồi đó đến giờ ở Mỹ lâu, quen cảnh lên xe, xuống cũng xe, có đi du lịch cũng đi theo tour hay nhóm, tôi chưa bao giờ đi du lịch kiểu bụi tức đeo hay vác một cái ba lô to tướng trên lưng mà rong ruổi trên con đường thiên lý. Mỗi lần qua xứ này, xứ nọ, thấy các bạn trẻ tay xách, vai mang, lầm lũi qua đèo, qua suối, tôi phục lăn. Lần này một người thân trong gia đình tình nguyện dẫn đi và bảo đi du lịch bụi ở Nhật rất khoẻ, lại an toàn tối đa, tôi bèn đánh chữ liều một phen. Theo chương trình do người thân hoạch định, tôi lên đường. Hành trang của tôi tối giản, chỉ mang những thứ thật cần thiết, quần áo hai ba bộ đồ đi tới đâu bỏ giặt tới đó, đã vậy còn mang theo máy móc chụp hình lỉnh kỉnh và tripod nữa chứ.
 
blank
Pic 1 Tàu hoả siêu tốc (Bullet train).
 blank
Pic 2 Giờ cao điểm ở nhà ga Shinjuku, Tokyo
 
blank
Pic 3 Bảng thông báo bằng tiếng Anh và Nhật tại nhà ga

Tôi tới Tokyo một chiều xuân đầu tháng Tư, trời gây lạnh. Sau khi xuống phi cơ, tôi dùng Bullet Train(Tàu hoả siêu tốc), rồi chuyển qua tàu điện ngầm, xong phải cuốc bộ 15 phút mới tới khách sạn. Vừa tới nơi trú chân là tôi giải thoát ngay cái ba lô nặng trên lưng đã vác từ phi trường về, để nghỉ chân vài phút trước khi ra lại tàu điện ngầm đi tới Meguro River để xem hoa Đào về đêm. 

Vì phương tiện di chuyển chính của tôi ở Nhật là phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, tàu siêu tốc, xe bus và lô ca chân nên suốt thời gian ở Nhật đôi chân của tôi làm việc không ngừng nghỉ. Có đi du lịch bụi tôi mới biết đời sống thành thị của người Nhật phụ thuộc gần như tuyệt đối vào các đường hầm tàu điện ngầm, nhất là các giờ cao điểm. Từ sáng tới khuya, bất cứ lúc nào, vừa leo xuống các bậc thang dẫn vào thế giới ngầm dưới lòng đất, bạn sẽ thấy sự tất tả, bận rộn xuôi ngược của khối lượng khổng lồ những con người đang di chuyển nhanh như máy. Họ gần như chạy chứ không phải đi, từ ga này qua ga khác. Học sinh, du khách, người đi làm, kẻ buôn bán, mua sắm hay người già, trẻ con, đều dùng phương tiện công cộng này để di chuyển. Nếu bạn nhìn không quen sẽ cảm thấy chóng mặt vì có lúc trông như họ va vào nhau, thế mà không có chuyện đó. Nhưng tôi đã chứng kiến có một người đàn ông ngã nằm thẳng cẳng, nhân viên an ninh lấy tay gối đầu cho ông và gọi cứu thương. Có lẽ ông mệt quá vì chạy cho kịp chuyến tàu hay làm việc quá sức, hoặc bệnh hoạn gì đó mà lăn quay ra, không dậy nổi. Người Nhật đi làm 6 ngày một tuần, chỉ nghỉ ngày Chủ Nhật, học sinh đi học cũng vậy. Tại nhà ga hay trên tàu điện tôi gặp rất nhiều người Việt đi làm, đi du lịch lẻ tẻ hay thành từng nhóm.
 
Phải nói là sự đúng giờ của tàu điện ngầm thật đáng khen, ít khi nào có chuyện trễ giờ dù là 1 phút. Bảng hiệu nói 5 giờ 30 thì đúng 5 giờ 30 nó có mặt. Giờ cao điểm thì tàu nào cũng đông nghẹt, bao nhiêu cửa vào đều đặc cứng. Ai cũng sợ trễ giờ nên ráng ép vào làm các toa tàu đặc như nêm cối. Cơ hội được ngồi trên hai dãy ghế trong tàu của bạn rất mong manh. Nếu cuốc xe của bạn dài 1, hay 2 tiếng đồng hồ, bạn phải đứng trong tư thế lắc qua, lắc lại, khó thở vì toàn hơi người là chuyện thường. Tôi được người quen cho biết, luật trong tàu điện ngầm không được ăn uống và trò chuyện, có nói thì chỉ nên thì thầm. Để ý kỹ, tôi không nghe tiếng điện thoại cầm tay reo, dù ai cũng có smart phone. Thỉnh thoảng tôi thấy, một cô (cậu) học sinh vì vội chưa ăn sáng chạy đi học, len lén mở một cái bánh mì loại sandwich kẹp thịt, các mí bánh được ép dính, ra ăn. Ăn xong em bỏ rác vào cái túi ni lông mang theo, để về nhà bỏ rác. Chuyện này nhắc tôi đến thành phố ở Nhật đông người kinh khủng mà sạch sẽ. Tôi không thấy rác và ăn mày, nếu lâu lâu có lăn lóc đâu đó một cái lon không bỏ trong góc kẹt, thì có lẽ do du khách vô ý thức bỏ lại do không tìm ra thùng rác. Tôi cũng khổ vì tìm thùng rác ở Nhật rất khó, khi dạo phố Nhật. Có cái rác, muốn tìm một thùng rác để bỏ cho rảnh nợ, tìm hoài không thấy, đành học người Nhật, kiếm một bao nilông để trong balô dùng bỏ rác, khi về khách sạn mới cho vào thùng rác của khách sạn. Nghiên cứu thêm tôi mới biết các luật khi đi tàu điện ngầm là cấm: hút thuốc, ăn uống, nói chuyện, chụp hình và phải để chuông điện thoại “silent”. Ngoài ra có những chỗ ngồi dành riêng cho người tàn tật và người già. Tuy nhiên tôi thấy có khi chỗ ấy bị những người trẻ, khoẻ mạnh chiếm. Người già lên tàu, đứng cả buổi mà họ lờ đi vì có lẽ họ mỏi chân quá cần nghỉ cặp giò hay người trẻ ấy đang ngủ gục trên chỗ ngồi ấy. Phần lớn những người có ghế ngồi, đều say sưa ngủ gục hay xem, text, trên smart phone. Các trạm dừng đều có bảng thông báo chạy chữ bằng hai thứ tiếng Nhật và Anh ngữ kể cả các loa phóng thanh loan báo. Nếu ngủ quên, bạn chỉ việc xuống tàu, lấy chuyến đi ngược lại. Có điều vì nhà ga quá lớn, nhất là ở ga Shinjuku-Tokyo, tìm chuyến nào phải đi, phải chuyển, mà bạn không rành rẽ, lạc như chơi. 

Shinjuku station là nhà ga đông người nhất thế giới, khoảng 3.46 triệu khách mỗi ngày và có tới 51 sàn chờ, 200 cửa ra vào. Tệ hơn nữa là từ mặt đường bước xuống thế giới tàu điện ngầm, bạn không thể định hướng được mình đang ở chỗ nào, phải bắt bao nhiêu chuyến xe để tới nơi định đến và lúc leo thang lên đến mặt đất mình không biết mình đang ở chỗ nào của thành phố. Tuy nhiên với sự tiến bộ của thời đại điện tử bạn đừng lo, cái smart phone làm nhiệm vụ dẫn đường cho bạn rất hiệu quả, bạn chỉ cần mua dịch vụ internet, bạn sẽ có một người hướng đạo trung thành luôn luôn bên bạn, kiêm cả phần dịch thuật. Tôi thấy rất nhiều người ngoại quốc đi du lịch bụi như tôi tay cầm Smart phone làm máy định vị và hiện nay hầu như các nhà ga tầu hoả hay phi trường đều có ghi chú hai thứ tiếng Nhật và Anh Ngữ.
 
blank
Pic 4 Mì Ramen ở các tiệm trong khu nhà ga Shinjuku
 
blank
Pic 5 Tiệm bánh trong nhà ga
 
blank
Pic 6 Tiệm kẹo trong nhà ga

Bạn có thể tìm ra mọi thứ cần thiết trong các thành phố dưới lòng đất của tàu điện ngầm này. Phố ngầm ở Tokyo lớn nhất, có cả các thương xá lớn gồm cả các cửa hiệu danh tiếng, các tiệm ăn thì khỏi nói, đủ các món ăn thiệt cũng như ăn chơi nhất là các tiệm bánh. Theo nhu cầu, người Nhật dùng bánh trái rất nhiều trong việc giao tiếp nên các tiệm bánh của Nhật mọc ra như nấm, lúc nào cũng đông khách. Mùi thơm của bánh làm tại chỗ, bay khắp nơi, kích thích con tì, con vị của hành khách xuống ga tàu, nhất là loại bánh ngọt có cheese. Đó là điều đặc biệt tôi nhận thấy đầu tiên khi bước xuống các thế giới ngầm. Đặc biệt hơn là bánh của Nhật ít ngọt, lại được trình bày hoa mỹ đẹp mắt và tao nhã. Người Nhật từ lâu đã nổi tiếng về sự tinh tế và mỹ thuật trong văn hoá ẩm thực. Riêng mục bánh ngọt chỉ cần dạo một vòng các tiệm bánh của thế giới dưới đất, bạn cũng thấy được sự khéo léo, phong phú và đa dạng của bánh ngọt Nhật ngày nay. Ngoài các loại bánh truyền thống, họ du nhập công thức bánh ngọt Tây Phương vào rồi chế biến, bỏ ít đường hơn, dùng vỏ và đủ loại nhân bánh khác nhau khiến cái bánh Tây Phương nguyên thủy biến dạng, khác hẳn đi, mang hương vị mới thật đặc biệt.

Một điều hay nữa của chính phủ Nhật là ưu đãi khách du lịch bằng cách giảm giá vé Tàu Hoả Siêu Tốc-Bullet Train cho du khách ngoại quốc, vì hệ thống tàu hoả này thuộc chính phủ. Tỷ như vé hạng thường của tàu Bullet cho công dân Nhật, giá môt chuyến đi từ Tokyo tới Kyoto là $120, $240 cho khứ hồi. Trong khi, vé của Japanese Jail Pass đặc biệt dành cho du khách ngoại quốc đi toàn quốc trong vòng 7 ngày là $263 hạng thường ($351 hạng nhất), 14 ngày là $419 hạng thường($568 hạng nhất). Do đó với giá hạng thường một chuyến khứ hồi Tokyo-Kyoto dành cho công dân Nhật, du khách chỉ thêm $23 lại có thể đi bất cứ nơi nào trên toàn nước Nhật trong vòng 7 ngày. Bullet Train chạy rất nhanh có thể lên đến 443 km một giờ tức 275 miles một giờ nhưng nó chỉ được chạy tối đa 320 kmh(200 mph) để bảo đảm an toàn cho khách hàng. Ngày nay chiếc Bullet Super Fast Train nhanh nhất có thể chạy tới 603kmh(375 mph). Ghế ngồi rộng rãi, êm ái thoải mái và có cả bàn để ăn uống. Còn các hệ thống khác như xe bus hay xe điện ngầm do tư nhân sở hữu nên không được giảm giá.
 
blank
Pic 7 Tiệm bánh ngọt trong nhà ga
 
blank
Pic 8 Tiệm quần áo Tae Ashida trong nhà ga

Điều tôi rất thích là ở các nhà ga đều có các locker (các hộc tủ nho nhỏ vừa cho một cái vali loại carry on). Đó là nơi bạn có thể gởi tạm hành lý của mình với giá khoảng 5 đô la rồi đi thăm thú các nơi, xong trở về tự mở tủ lấy cái vali nhỏ đi tiếp tới thành phố khác. Kinh nghiệm lần đi bụi này cho tôi biết mức an toàn cho khách du lịch phải nói là tối đa. Tôi không thấy ăn mày, không thấy móc túi, cướp giật hay bất cứ khuyến cáo nào về các sự việc trên. Tôi đi ngoài phố ban đêm mà thấy an tâm không chút lo lắng hay mắt la mày liếc, sợ trộm, sợ cướp như các nước khác mà tôi đã đi qua. Tôi nghe nói chính phủ Nhật trừng phạt tội phạm rất nghiêm khắc, nên ít ai dám phạm tội. Tỷ như có 1 công dân Nhật lấy trộm 10 Yen(12 cent Mỹ) ở một nghĩa trang mà người ta hay bỏ những đồng tiền vào đĩa với lời nguyện cầu cho người chết. Bị bắt gặp, ra toà, ông khai là lấy chơi, ông ta được hưởng án giảm khinh là 1 năm tù 8 tháng, thay vì 2 năm 6 tháng theo luật định. Người Nhật rất ghét tội phạm. Một người phạm tội sát nhân vào tù trong suốt 15 năm, vợ con và gia đình anh ta không bao giờ vào thăm. Khi mãn hạn tù anh bị người thân xa lánh và không bao giờ nhìn mặt anh ta nữa, kể cả làng nước, họ hàng. Do đó người Nhật ít phạm tội và có thể nói nước Nhật là nơi an toàn nhất trên thế giới cho du khách đến chơi.

Trịnh Thanh Thủy thực hiện

No comments:

Blog Archive