Đi Tìm Xác Ba
Mới đó mà 50 năm từ ngày Ba mất. Ba mất vào mùa Xuân Mậu Thân, 1968. Từ đó cho đến 1975, cứ khoảng sau Tết là nhang khói ngập trời cả thành phố Huế.
Ngày ấy cả thành phố chìm ngập trong màu khăn sô trắng. Gần sáu ngàn anh linh, nạn nhân của một cuộc tàn sát đẫm máu, vất vưởng đâu đây trên những bãi cát vùng Diên Đại, Xuân Ổ, Xuân Đại, Phú Thứ. Những oan hồn lẩn khuất quanh sân trường Gia Hội, Kiểu Mẫu. Những người vô tội bị xử tử ngay tại nhà, trước mặt người thân. Những vị bác sĩ từ tâm người Đức bị sát hại sau chùa Tường Vân và hàng trăm người dân vô tội ở vùng Phủ Cam bị lùa xuống khe Đá Mài.
Ôi! Tôi không muốn nhớ đến cảm giác hãi hùng ấy nhưng sao nó vẫn cứ khắc sâu trong tâm khảm. Phải chăng những anh linh ấy không siêu thoát được vì cái chết đau thương của họ đã bị lịch sử bóp méo? Thoang thoảng đâu đây như tiếng kêu gào “Trả sự thật lại cho chúng tôi”.
Ba! Con sẽ không quên. Lịch sử sẽ không quên và rất nhiều người trên thế giới này sẽ mãi không quên dù ai đó cố tình đổi trắng thay đen để chạy tội cho cuộc tàn sát mọi rợ đó.
Ngày đó, tuy còn nhỏ nhưng con đã biết nhận xét mọi chuyện. Gia đình mình gần như là nơi tụ tập của Uỷ Ban Truy Tầm Nạn Nhân Mậu Thân. Mỗi buổi sáng là hai chiếc xe GMC đậu trước nhà để chở dân và nhân công đi tìm kiếm mồ chôn tập thể. Mấy dì trong ban tổ chức có chồng mất tích như Cô Tôn Thất L. ,dì Quýnh, Dì An, Dì Dương, Dì Mại, Mạ con… đều lo sửa soạn vật dụng mà Chú Thuyên (phó quận trưởng quận Phú Vang) và mấy chú lính chở tới như những cây vải ny lông để bó hài cốt, dây cột, thẻ bìa carton trắng để ghi chi tiết nhận dạng cho mỗi thi hài…
Sáng nào tụi con cũng giúp mấy dì cắt rồi xếp những mảnh ni lông, mỗi mảnh dài khoảng hai thước để bó thi hài. Thường thì mỗi ngày cắt khoảng độ một trăm tấm ni lông như vậy. Ni lông xài có ngày dư, nhưng có nhiều khi thiếu, đó là những ngày tìm được nhiều mộ san sát nhau.
Những thi hài kiếm được, đem về tập trung ở sân trường La San thuộc xã Phú Thượng. Có gia đình nhận dạng được người thân thì đem về nhà làm đám riêng nhưng cũng có gia đình vì nghèo hoặc vì lý do riêng đã để thân nhân an táng cùng với đám tang được tổ chức bởi chính quyền.
Phần lớn công cuộc tìm xác đều do thân nhân tình nguyện đóng góp công sức. Ngoại trừ đội hốt cốt là được thuê mướn để làm công việc vô cùng cực khổ này vì cả ngày phải tiếp xúc với xác người sau hơn một năm đã phân hủy và bốc mùi hôi thối.
Trưởng đội hốt cốt là ông Noại, chuyên nghề khâm liệm người chết. Mỗi sáng, ông Noại bắt đầu một ngày làm việc bằng ly rượu trắng nhỏ. Ông làm việc rất có tâm, được mọi người thương mến và kính trọng. Người chết trong tư thế nằm ngồi ngổn ngang chồng lên nhau trong những cái hố chật hẹp nhưng ông cẩn thận lượm từng mảnh xương nhỏ từ đốt tay, đốt chân của mỗi thi hài. Có thi hài còn đủ áo quần, nhưng cũng có những thi hài chỉ trần xì cái quần đùi, rất khó nhận diện.
Tôi đã nghe được nhiều mẩu chuyện cười ra nước mắt bởi ông và mấy chú bác về việc tìm xác thân nhân.
Có một bà nhận được xác chồng nhưng không có đầu (có lẽ ông bị xử tử bằng cách chặt đầu). Tội nghiệp bà vợ không nỡ để chồng không đầu nên cứ lần lữa, tìm kiếm mãi. Bà đi theo và năn nỉ với ông Noại:
- Chú ơi! Chú có cái đầu mô dư cho con một cái.
Ông nạt ngang:
- Người mô thì đầu nấy, dư mô mà cho, nói tào lao!
Vậy mà mấy hôm sau, đi vùng khác, tìm được một cái đầu lâu trong bụi rậm, ông nhắn “Chôn chưa, về chú cho cái đầu nè.” Bà ta tất tả mừng rỡ chạy đến gói cái đầu lâu về làm đám chồng.
Rồi còn có một chị trong xóm, đi tìm xác chồng nhưng không được vào trong (mọi người phải ngồi ở địa điểm tập trung an toàn và nghe nhận diện thi hài qua haut-parleur (máy phóng thanh). Chị bèn xin làm thiện nguyện với nhiệm vụ phụ gánh thi hài ra xe để có dịp vào tìm kiếm.
Cứ hai người gánh một thi hài đã được bọc nylon và bó dây kỹ lưỡng. Một lần kia, chị phụ gánh một thi hài nhưng đi được vài chục bước thì thi hài rớt ra, chị phải dừng để buộc lại, đi thêm vài chục bước thì thi hài rớt thêm lần nữa, lại buộc và đi tiếp. Qua lần thứ ba thi hài lại rớt và xổ tung cả bao ni lông ra, chị phải nhặt gom lại và chợt thấy mảnh vải quần đùi của chồng mà chị tự tay may lấy. Chị giở ra xem lại và oà khóc nức nở, chị đã gánh đúng xác của chồng chị mà không biết!
Còn rất nhiều mẩu chuyện “trời đất dun dủi” như thế nữa, nghe rất thương tâm.
Cực khổ rứa đó mà ngày nào Mạ cũng đi, sáng đi chiều tối về. Ngày nào Mạ cũng lê la bên mấy mồ chôn để mong nhận diện ra Ba. Ngày nào cũng hít thở mùi xác chết thối rữa trong cái nắng mùa hè, vậy mà Mạ không sợ. Cũng may trời thương, Mạ không bị bệnh hoạn chi hết.
Sáng sớm Mạ mua ít đồ ăn vất lại cho bầy con ở nhà tự xoay sở lấy, cả hàng quán cũng vất liều luôn. Mạ mua ít gói xôi hay vài trái bắp làm thức ăn trưa rồi dang nắng suốt ngày ở những vùng đất cát trắng nóng như đổ lửa, hôi thối ghê người ấy.
Bác của tôi cũng đi theo để phụ Mạ tìm xác Ba, người em trai duy nhất của ông. Thấy cực khổ quá nên có khi Bác khuyên Mạ nên ở nhà để lo cho các con rồi thỉnh thoảng thay phiên với Bác cũng được.
Thế nhưng, ở nhà một hôm thì Mạ thấy lòng bị thôi thúc, ruột gan không yên, ở nhà mà cả ngày cứ ngửi thấy đâu đây mùi xác người chết. Vậy mà, trời đất phù hộ, khi lăn lóc với các hầm chôn người thì Mạ không cảm thấy gì hết. Mạ lại nhập vào cuộc kiếm tìm và nhờ vậy, khi tìm ra xác Ba, cả Mạ và Bác có thể lo chu toàn hơn.
Đoàn đi tìm xác nạn nhân đã đi từ vùng Xuân Ổ, Diên Đại là những vùng xôi đậu, ngày theo Quốc Gia, đêm phò Cộng Sản. Nghe đâu có người ở vùng đó về chiêu hồi mới kể lại là có những hầm chôn người tập thể nhưng vẫn không biết chính xác ở chỗ nào.
Sau mùa mưa, những hầm chôn sụt lở, lộ ra nhiều xương người. Lúc đầu, người về đó kiếm tìm cũng không có bao nhiêu vì không biết địa điểm chính xác. Dân làng phải chịu đựng cơ nguy bệnh dịch cùng mùi xác chết nực nồng mà không dám khai báo vì sợ đến đêm Việt Cộng sẽ về trừng trị.
Một ngày kia, người làng truyền miệng nhau là nếu biết hầm ở đâu thì ban đêm cứ lén cắm que làm dấu để ngày mai thân nhân về dời mộ đi cho đỡ hôi thối.
Ngày hôm sau, đội tìm xác quay lại thì thấy trên mặt đất khắp nơi đầy que cắm rợn người!
Đội hốt cốt làm việc cật lực và chỉ hơn mười ngày là xác tập trung đầy cứng sân trường La San.
Hơn năm trăm thi hài được cải táng đợt 1 ở nghĩa trang Ba Đồn. Ngày đưa tang cảnh tượng bi ai mà tôi không bao giờ quên được!
Cứ hai người nhân dân tự vệ gánh một thi hài và đi thành hàng tư. Cứ thế, đoàn gánh thi hài nối tiếp nhau dài hơn cả cây số. Thân nhân toàn là phụ nữ mặc áo dài trắng, đội nón lá đi sau khóc râm ran, lăn lộn nhìn rất thảm thương. Đau khổ, ai oán tưởng như vang tận đến trời.
Chỉ khoảng gần nửa tháng sau là cải táng đợt hai. Lần này còn nhiều thi hài hơn, không còn gánh nổi, nên các thi hài được chở bằng xe vận tải của quân đội (ngày đó gọi là xe GMC) lên nghĩa trang Ba Đồn.
Rồi những thân nhân còn lại chưa tìm được xác người thân lại miệt mài tìm kiếm. Hết Xuân Ổ, Diên Đại rồi qua đến Phú Thứ. Hầm có xác của Ba được tìm thấy ở Phú Thứ sau hơn một tháng kiếm tìm và mỏi mòn hy vọng.
Hầm chôn tập thể này khác với những hầm chôn khác là khá sâu và nấm đất được vun cao chứ không nông như những hầm khác. Có lẽ đây là những người bị giết đầu tiên nên áo quần còn đầy đủ, chỉ có đồng hồ và những tư trang khác như nhẫn cưới, đồng hồ là bị lột sạch mà thôi.
Khi đào lên thì Mạ đứng cạnh hầm. Mạ nhìn thấy Ba đầu tiên trong tư thế ngồi như cố nhoi lên. Ngày xưa ba bị tai nạn xe, gãy hết mấy cái răng cửa nên phải làm lại răng xương viền vàng, đó là điểm chính yếu để Mạ nhận ra Ba. Ngoài ra, khi bị bắt đi thì Ba mặc áo dài xuyến đen, Mạ đưa thêm cái áo vest khoác ngoài kẻo lạnh nên Mạ nhìn ra liền. Kỹ hơn, mạ xé một mảnh vải quần đùi trên xác Ba, chạy xuống ao nước kế bên vò sạch thì thấy đúng là cái quần đùi sọc Mạ tự tay cắt may cho Ba.
Khi biết đúng rồi thì Mạ ngã gục xuống bên hố, nhưng may mắn có Bác tôi đã bình tĩnh trông coi và giúp sức với ông Noại hốt cốt cẩn thận cho đến cả xương lóng tay, lóng chân.
Điều đặc biệt là hầm chôn xác Ba đều được nhận dạng hết vì toàn là người trong một xóm. Hầm gồm có hai mươi bảy người, toàn là người trong xóm đã nghe lời Việt Cộng ra “trình diện học tập”. Tất cả các nạn nhân đều bị trói giật khuỷu tay bằng dây điện và có lẽ bị bắn, có người trúng đạn có người không, nhưng bị trói chùm nên tất cả đều bị xô xuống hố đào sẵn.
Các thi hài nằm ngồi ngang dọc, đè lên nhau, người hốt cốt phải có tâm lắm mới có thể phân chia riêng rẽ từng thi hài một.
Ở hầm này, người thân còn may mắn biết được ngày mất vì có một chú lận cái đồng hồ lên tận nách nên không bị tước đoạt. Ngày xưa đồng hồ phải lên giây mỗi ngày vì vậy khi đồng hồ đứng là biết chết trước đó một ngày. Cả nhóm bị bắt ngày mùng 6 âm lịch thì bị giết ngày mùng 8 vì đồng hồ đứng ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch, năm Mậu Thân.
Tất cả các hài cốt được đưa lên tập trung ở sân trường La San. Có người quyết định để thân nhân mình lại đó để được an táng cùng tập thể nhưng có một số gia đình thì xin đem về để làm đám táng tại nhà như Ba tôi và các chú bác khác.
Từ đầu xóm đến cuối xóm đèn đuốc sáng rực vì phải làm rạp chứa đám ở trước nhà. Hai mươi bảy bà goá phụ với đám con nhỏ mồ côi cha khăn áo tang trắng xóa, não nùng, thảm thiết nguyên cả xóm.
Ngày đưa tang Ba cùng với ngày cải táng tập thể đợt 3 và cũng là đợt cuối chấm dứt nỗ lực "Tìm Kiếm Nạn Nhân Mậu Thân".
Tôi vẫn còn nhớ như in quang cảnh ngày đó! Xe đưa tang ba đi sau đoàn cải táng, người người xếp hàng hai bên đường cung kính cúi đầu nón mũ cầm tay hoặc cầm hoa, nhang đưa tiễn. Ngang qua trường tiểu học Thế Dạ, học sinh và thầy cô giáo xếp hàng hai bên đường dài cả cây số để chào tiễn biệt. Đoàn thẳng tiến ra nghĩa trang Ba Đồn còn đám táng Ba thì rẽ vào An Cựu lên Ngự Bình để được an táng gần ông Nội của chúng tôi.
Khi Ba bị bắt đi thì đứa em út mạ bồng trên tay vừa tròn sáu tháng, khi đám tang ba thì em đã chập chững bi bô quanh nhà.
Anh lớn nhất của tôi cũng bị Việt Cộng bắt đi cùng ngày với Ba và tuyệt tích. Niềm thương nhớ chồng và con trai đầu lòng đã làm cho Mạ gần như gục ngã, nhưng Mạ cố ngoi lên vì còn chín đứa con thơ đang cần sự bảo bọc của Mạ.
Sau khi đám Ba rồi thì Mạ không còn hy vọng là anh P. còn sống. Mạ thường nói "Nếu nó không bị giết thì cũng chết vì bệnh sưng đầu voi" (bệnh chảy máu nội ở khớp gối).Vậy mà có hôm, khá lâu sau đó, tôi nghe Mạ kể chuyện với bà bạn "Tui nằm mơ thấy anh L. tui và thằng P. Anh L. chỉ nhìn tui một cách buồn bã còn thằng P. nằm trong cáng, tui chạy tới gần thì thấy cái chân hắn còn nhúc nhích. Chắc hắn còn sống..."
Không dám tin tưởng ở thực tại, Mạ đã đem niềm hy vọng vào trong mơ.
Ôi! Mạ của con!
Ôi! Những người mẹ Việt Nam!
Mạ mất chồng khi mới ba mươi chín xuân xanh, bơ vơ với bầy con thơ chín đứa.
Mỗi lần Xuân về, tôi lại nhớ đến Ba và thương các em vô vàn. Ai đã nỡ ép vành khăn tang trắng trên đầu các em bé dại, chưa hưởng trọn tình phụ tử?
Vì ai mà Mạ trở thành goá phụ trẻ, chúng tôi trở thành những đứa bé mồ côi cha?
Vì ai! Vì ai! Vì ai?!?!
Hỏi Trời, Trời cũng lặng thinh
Hỏi Đất, Đất cũng quay mình làm ngơ!
Hỏi ai? Hỏi đến bao giờ?
Một vết nhơ lịch sử cho đến giờ không ai dám nhìn nhận và những thủ phạm năm xưa vẫn chối tội, đổ lỗi lẫn nhau.
Dù năm mươi năm, một trăm năm, hay một ngàn năm sau nữa, dù cuộc tàn sát này bị chính quyền Việt Cộng không cho ghi vào sử xanh, thì cũng đã khắc ghi trong tâm khảm của những gia đình nạn nhân cho đến đời con, đời cháu, chít.
Vô vàn ký ức của nhân chứng đã được ghi lại, đã trở thành những bản cáo trạng hùng hồn không thể chối cãi cho đến đời đời.
Ngày giỗ Ba năm nay, con ở nơi phương xa hơn nửa vòng quả đất. Con chỉ có mâm cơm chay đạm bạc và nén hương chân thành nguyện cầu Ba và tất cả các vong linh oan uổng trong cuộc tàn sát Mậu Thân 1968 sớm siêu sinh miền Tịnh Độ.
Susan Nguyễn
No comments:
Post a Comment