Chuyện Từ Một Căn Cứ Mỹ Ở AFG
Nguyễn Văn Tới
Kéo mũ trùm đầu và cái zipper lên cho đỡ lạnh, tôi bước hẳn ra ngoài đường. Tuyết vẫn rơi nhẹ và đều, ngọn đèn trên cao chiếu xuống một thứ ánh sáng trắng soi rõ những viên sỏi lát đường. Tôi hít thật sâu không khí trong lành cho đầy lá phổi.
Tôi vừa trở lại vùng đất đầy biến động này thêm một lần nữa, với hợp đồng dân sự làm việc trong ba tháng. Nơi làm việc lần này là thị trấn B., một tỉnh lỵ cao nguyên phía đông bắc đất nước Afg.
Đất nước này gần 35 triệu dân, được gọi là Islamic Republic of Afg. gồm nhiều núi non và sa mạc, là một miền đất bị khóa lại (land-locked country) không có lối ra biển và nghèo (per capita: $1888); tuy khí hậu khắc nghiệt nhưng không thiếu cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nhiều phong cảnh đẹp đến sững sờ. Về giáo dục thì chỉ 38.2% dân biết đọc và viết, hầu hết là đàn ông.
Đa số dân Afg. sống rải rác theo lối du mục hay từng bộ lạc, từng làng nhỏ, họ chăn cừu và nuôi lạc đà, nông nghiệp không đáng kể. Trong khi đó thì toàn thể dân chúng lại bị những giáo sĩ cuồng tín cai trị và gieo vào đầu họ những tư tưởng hận thù. Họ quan niệm phương Tây, nhất là Mỹ, đều là kẻ thù, các tôn giáo khác là những kẻ lạc giáo (infidels) cần phải giết cho bằng hết.
Nơi tôi ăn ở và làm việc là một phi trường lớn của quân đội Mỹ ở đất nước này. Sở dĩ chúng tôi được trả lương hậu vì đây là vùng đất đang xảy ra chiến tranh (war zone).
Hành trình tới AFG
Nhớ lại trước ngày lên đường rời đất Mỹ, tôi phải vào khám răng và chụp X-ray trong phòng mạch một cô nha sỹ gốc Đại Hàn. Cha mẹ cô cũng là những người di dân như tôi. Cô hỏi sao tôi lại chọn đi nơi nguy hiểm như vậy, sao không ở nhà yên ấm với vợ con? Không do dự, tôi trả lời “I owe this country”, tôi thiếu nợ đất nước này. Câu trả lời làm cô và cô phụ tá im lặng hồi lâu và tôi thấy trong mắt họ như có vài ánh lệ long lanh. Họ chúc tôi lên đường bình an và cố gắng trở về an toàn.
Từ vùng tôi sang Trung Đông lần này, vì máy bay quân sự không còn chỗ nên tôi cầm sự vụ lệnh (LOA) và đáp máy bay dân sự hãng Delta Airlines, quá cảnh Atlanta, Georgia mấy giờ đồng hồ. Chuyến bay nửa đêm đưa tôi đến xứ sở cối xay gió Hòa Lan (Netherlands), và đáp xuống phi trường Schipol, Amsterdam.
Sau 3 tiếng chuyển tiếp, tôi tiếp tục bay đến Kuwait vào khoảng 10 giờ đêm hôm sau. Khi tôi xếp hàng qua hải quan, trình giấy, nhân viên trả lời tiếng Anh với toàn những âm “R” nghe đến “R-R-R-R-RUNG” cả màng nhĩ mà chẳng hiểu chi. Tôi phải hỏi lại 2, 3 lần, anh ta cáu, đứng dậy chỉ về hướng cầu thang và phán “Visa over there... RRRRRRRRRRR”.
Cái ngôn ngữ mỏi tay và biểu cảm trên khuôn mặt mới thật là dễ hiểu làm sao! Khi lên cầu thang thấy quen quen, 6 tháng trước tôi có đến chỗ này rồi. Xuống cầu thang trở lại chỗ anh chàng lúc nãy, không thèm ngó tờ giấy, chàng ra hiệu cho đi qua. Tôi nhờ một nhân viên người Ấn Độ lấy dùm 2 cái túi quân trang và hành lý và đẩy tới quán cà phê trong khi tôi quải cái ba lô theo sau, biếu $5, anh mừng lắm, anh nói nếu chờ bạn thì cứ để hành lý trên xe, không sao cả.
Mấy cô Ả Rập uống Starbuck xài I-phone, trong quán cà phê ở phi trường Bahrain, Kuwet.
Ở Trung Đông một thời gian, tôi nhân xét thấy đời sống dân chúng ở các nước dầu hỏa nói chung, và Kuwait nói riêng, khá sung sướng. Từ những bộ lạc du mục nghèo đói nay trở thành một nước giàu có văn minh nhờ “vàng đen” nên họ làm biếng chỉ lo hưởng thụ và không chịu làm việc.
Người Kuwait chỉ làm chủ, dù ở nhà không đi làm vẫn có con sen người hầu đầy đủ, tất cả mọi việc tay chân, họ đều mướn người từ các nước nghèo như Ấn, Bangladesh, Philippines, Indonesia hay Malaysia, Tibet, Nepal, Uzbekistan hay các nước Trung Á qua làm công và đứng bán hàng. Ở đây ai phạm tội ăn trộm, họ chặt tay. Dân Trung Đông thường e dè những lao động tới từ các nước cộng sản, vì theo họ người cộng sản không thật thà, đi đâu cũng mang tiếng ăn cắp.
Vì đi máy bay dân sự nên cái gì cũng phải tự lo. Liên lạc với xếp nơi sẽ đến, họ dặn dò sau khi lấy hành lý, kiếm cái bàn ngồi ở quán tên… cứ thoải mái uống mấy ly cà phê và chờ.
“Cứ kiên nhẫn chờ, khi nào thấy một người đàn ông Mỹ trẻ, mặc đồ dân sự, tay cầm laptop, ngồi xuống uống cà phê, đó là người sẽ đưa anh về trại”.
Uống hết một ly cà phê và hai chai nước mà chẳng thấy ai. Chờ cho đến gần 0200 giờ sáng mới thấy người được mô tả lừng lững đi vào. Vừa ngồi xuống là có khoảng 4 người, nãy giờ cũng ngồi đồng cà phê như tôi, ùa đến nhanh như chớp. Tôi có thấy họ sau khi lấy hành lý và đoán chắc cũng là người Mỹ đi công tác như mình, quả đúng y chang. Dân Mẽo đi công tác qua Trung Đông hầu hết làm việc cho quân đội hoặc quốc phòng. Vì có kinh nghiệm, chỉ nhìn lối ăn mặc và hành lý, nhất là cái ba lô cũng đoán được là họ vì tôi cũng sắm 1 cái ba lô y chang kiểu mẫu, chỉ khác màu mà thôi. Tôi cũng đến trao đổi và trình thẻ. Mọi người được đưa ra bãi đậu xe có tài xế đang chờ sẵn trong một chiếc mini-bus.
Chúng tôi về đến trại Arfj. khoảng 3 giờ sáng. Dọc đường, tuy màn cửa vẫn phải buông kín như thường lệ, lần này tôi bớt lo âu căng thẳng nên hé màn quan sát, ban đêm mà xa lộ Kuwait vẫn nhộn nhịp xe cộ ngược xuôi trên 4 làn đường mỗi bên. Những dãy cột đèn chiếu sáng xa lộ cách nhau chừng 70 mét và không hề có một sợi dây điện nào lòi ra, chứng tỏ họ cũng có hệ thống xa lộ tiên tiến, đẹp đẽ, êm ái không thua gì các nước Âu Mỹ. Dọc đường bảng chỉ dẫn tất cả đều được viết bằng 2 thứ tiếng Ả Rập và Anh ngữ, và đặc biệt thành phố của họ đèn thắp sáng choang, có khi còn hơn các thành phố ở Mỹ.
Sau thủ tục nhập trại, đóng dấu phiếu ăn, tôi nhận giường, lấy quần áo đi tắm cho tỉnh táo.
Trở lại phòng mà lạnh run vì thời tiết bên ngoài khoảng 10 độ C, leo lên giường nằm đó mà ngủ không được, nhìn đồng hồ 04:30 sáng, ráng nhắm mắt nhưng vẫn không tài nào ngủ được cho đến 0900 sáng phải ngồi dậy vì tiếng ồn ào xung quanh. Đây là trại tiếp liệu và chuyển tiếp cho lính tráng đi hoặc về nên lúc nào phòng ngủ tập thể cũng có người ra vô, khó mà ngủ thẳng giấc.
Sáng hôm đó, lên văn phòng ghi danh bay đi B., nước Afg., họ hỏi có ULN number không? No ULN number, no flight. Tôi không có vì tự bay bằng đường dân sự nên phải tự kiếm cách để kiếm ra hay nhờ ai đó làm cho một ULN. Coi bộ việc này không dễ dàng gì khi người ra vô tấp nập như thế này.
May sao, tôi gặp một anh trung sĩ Mỹ da màu trực văn phòng, thấy tôi bối rối, anh hỏi có cần giúp gì không? Tôi trình bày, anh lục trong cuốn sổ tay và cho tôi số phone và tên của một sĩ quan, dặn dò chỉ được gọi vào giờ nhất định thôi. Ngó đồng hồ, còn lâu mới tới giờ, nên tôi đứng tán gẫu, biết anh đến Mỹ năm 12 tuổi từ vùng Carribean Nam Mỹ. Anh tâm sự có người bạn thân Nam Hàn cũng trong quân đội nên anh tưởng tôi cũng người Hàn.
Nhờ cùng cảnh ngộ là dân nhập cư với nhau, tôi gặp hên. Ông thiếu úy mà tôi gọi cho biết còn một chỗ trong chuyến C-17 vào trưa mai, ông sẽ dành cho tôi chỗ đó, sau khi bảo tôi viết xuống ULN number mà ông ta sắp đọc cho nghe.
Hôm sau, ra phi trường, tôi “check-in’ với người lính trẻ đang ngồi làm việc, anh nói chuyến bay không thay đổi, cứ việc đi chơi hay ăn uống trong trại, nhưng phải trở lại phòng đợi trước giờ “lock-down”, nếu không thì ráng chịu.
Đi bộ ra phi đạo, leo lên chiếc vận tải cơ C-17 mới thấy nó lớn cỡ nào; bên trong là những containers chứa hàng và 2 chiếc xe chiến đấu MRAP còn khá mới, hai hàng ghế hai bên dựa lưng vào thành máy bay dành cho hành khách khoảng 17 người gồm lính tráng và duy nhất tôi là dân sự. Mất 4 giờ bay, ngủ gà gật, cuối cùng tôi cũng đến B. Air Field, Afg.
Những dãy núi hùng vĩ với tuyết trắng chung quanh phi trường.
Máy bay đáp xuống phi trường trong đêm đen; cái hay và tài của phi công Mỹ là họ đáp ban đêm không cần đèn pha chiếu sáng mà chỉ dùng “night goggle” (kính nhìn ban đêm). Vậy mà phi cơ vẫn đáp xuống nhẹ nhàng.
Người ra đón chở thẳng đến nhà ăn, sau đó đến văn phòng làm việc nhận nhiệm sở mới. Tôi được phân chia làm việc ca đêm và người hướng dẫn khuyên tôi nên ráng thức để hôm sau về ngủ dễ hơn. Anh ta cũng cảnh báo phải luôn sẵn sàng, khi báo động vang lên là mọi người phải mang áo giáp, nón bảo vệ, và vào ngay hầm.
Hầm bê tông tránh pháo kích, được che chắn thêm bằng bao cát.
Kế văn phòng tôi làm việc là một bunker (hầm tăng xê) để tránh đạn. Trần và vách hầm được đúc bê tông dày khoảng 15 inches và được che chắn thêm bằng bao cát. Thấy bao cát là “ngửi” được không khí chiến tranh. Dân VN mình không xa lạ gì những hình ảnh này.
Công việc quân sự ngoài tiền tuyến không phân biệt ngày đêm. Nhưng được phút nào thong thả, cứ thoải mái cái đã! Xong thủ tục nhận nơi làm việc, còn một mình trong phòng, tôi buông người vào chiếc ghế bành, bỏ một hộp Keurig (cà phê) vào máy, nhấn nút, nhấp một ngụm cà phê nóng. Bên ngoài, nhiệt độ xuống -2 C.
Đại bác dàn chào
Cách phòng ngủ của tôi vài trăm mét là bức tường bê tông cao gần 20 feet, còn hằn vết đạn rocket để lại sau một vụ trại bị pháo kích.
Chỉ 5 ngày sau khi tôi nhập trại, khu căn cứ chúng tôi được phía địch dàn chào bằng một loạt đạn pháo. Khác với lần trước ở K., 10 ngày sau khi tôi tới chúng mới đánh hơi ra để chào mừng.
Bữa chúng bắn, loa hệ thống báo động có kêu đủ ba lần “Incoming”(địch bắn vô) nhưng thằng tôi đáp lại bằng tiếng ngáy “I’m snoring” (tao đang ngáy). Vẫn chưa quen với múi giờ khác biệt), nên tôi cứ vờ không nghe, tiếp tục kéo gỗ say sưa mặc cho ngoài kia súng đạn tơi bời vì tôi đơn giản nghĩ là giày dép còn có số.
Của đáng tội, tiếng nổ kỳ này nghe khá xa mãi ở đâu đâu lận, mà phòng ngủ của tôi lại sát bức tường T-wall bảo vệ. Khi an giấc trong đêm pháo kích, tôi tưởng như còn nghe đâu đây văng vẳng tiếng hát Khánh Ly một thời ở quê nhà “Đại bác đêm đêm, dội về thành phố...” Và “người say giấc nồng vẫn ngáy ro ro…”.
Một hôm khác, tôi đang nằm coi phim trong phòng sau giờ làm việc, tôi nghe loa báo động “IDF Attack, Take cover” 3 lần. IDF= Indirect Fire, có nghĩa bị bắn vô. Vội bỏ ống nghe ra khỏi tai và mở cửa coi việc gì xảy ra. Thấy ai nấy vội vàng trở về phòng và đóng cửa lại. Tôi mới hay là trại đang bị pháo kích. Lần đó, nơi bị bắn ở rất xa nên chỗ chúng tôi không ảnh hưởng gì.
Ở trại này, chúng tôi thường xuyên nghe báo động mỗi tuần. Có 4 loại báo động từ thấp đến cao. Thấp thì không cần phải vào hầm hay mặc áo giáp mà chỉ cần đâu ở yên chỗ đó cho tới khi loa thông báo “All clear” thì mới được di chuyển.
Khu căn cứ được bảo vệ bằng những bức tường cao gần 20 feet che chở xung quanh. Ngoài ra, trại chúng tôi còn có Iron Dome Defense System giống như quốc gia Do Thái đã từng bảo vệ đất nước nhỏ bé của họ một cách hiệu quả khỏi tất cả đạn pháo hay hỏa tiễn từ các nước lớn như Iran. Năm 2012 Iron Dome tiêu diệt 400 hỏa tiễn từ trên cao bắn vào dân cư Israel.
Nhân đây, xin giải thích đôi chút về hệ thống bảo vệ C-RAM của phe ta. C-RAM là chữ viết tắt của hệ thống bảo vệ trại: Counter Rocket, Artillery, and Mortar, abbreviated.
Hệ thống C-RAM là loại vũ khí đặc biệt khi radar báo có đạn pháo, hỏa tiễn địch đang bắn tới, giàn súng Phalanx trong trại sẽ bắn lên hằng loạt đón đường và phá hủy chúng trước khi chạm đến mục tiêu. Khẩu Gatlingun này bắn 75 viên/1 giây và tiếng nổ y như tiếng bò rống thật to và điếc tai. (hình bên)
Những dãy nhà ngủ 2 tầng nhìn từ xa, có hàng rào kẽm gai và 2 lớp tường bê tông che chở. Xa xa là những ngọn núi tuyết...
Những dãy nhà ngủ hai tầng nhìn từ xa, có hàng rào kẽm gai và 2 lớp tường bê tông che chở. Xa xa những ngọn núi tuyết phủ tạo thành cảnh vật vừa hùng tráng vừa thơ mộng. Đó là căn cứ quân sự nơi chúng tôi đang sống. Vùng đất chiến trường này là nơi những người lính trẻ của chúng ta đang đối diện với nguy hiểm hằng ngày với những IED (Improvised Explosive Devices) bom mìn gài trên đường. Nhiều người lính đã tử trận hoặc phải bỏ lại một phần thân thể trên những vùng đất lạ cho quê hương hiệp chủng quốc Hoa Kỳ được an ninh, thịnh vượng.
Là một công dân Mỹ gốc Việt qua tuổi lính từ lâu, làm với bộ quốc phòng theo hợp đồng dân sự, việc tôi nhận công việc nơi tiền tuyến hoàn toàn do tình nguyện. Khi quyết định phải góp phần với đất nước đã cưu mang mình, tôi đã tự động viên mình để yên tâm làm việc trong điều kiện hung hiểm này.
Trời mùa Đông u ám nhiều ngày, tuyết vẫn nhẹ rơi, không liên tục, nhưng đủ làm người viễn chinh cô đơn ít nhiều, lạnh bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn.
Cuộc sống thời chiến nơi trại lính tiền tuyến xa nhà, đương nhiên khác hẳn đời sống gia đình. Thiếu vắng và thấy nhớ nhiều thứ. Thiếu tiếng bà vợ ra lệnh “nhờ” đi rửa chén, giặt đồ; Nhớ cái máy massage đấm lưng mà thường tôi là operator chứ không phải nàng. Nhiều cái bình thường trong cuộc sống an bình nay chỉ còn trong mơ.
Dù sao, hãy quen và vui với nếp sống tiền tuyến.
Trại lính nơi chúng tôi đang sống, dù ngay trên đất Afg, nhưng không có người địa phương làm việc.
Ban quản lý trại đã chấm dứt mướn người địa phương sau vụ nổ bom năm ngoái. Chuyện là một tên người địa phương cuồng tín làm trong nhà bếp, ngày nào hắn cũng đem bánh trái từ nhà vào mời bạn bè ăn. Hắn khoe vợ làm bánh (home-made cake) ngon lắm nên đem vào chia xẻ với mọi người nên không ai nghi ngờ gì. Kéo dài vài năm, hắn có đủ thuốc nổ dấu trong bánh để làm một trái bom. Và vụ nổ bom tại khu chợ trời trong trại gây thương vong cho một số người, kể cả cái mạng bèo bọt của hắn.
Từ đó, những nhân viên dân sự lo về an ninh được mướn từ Ghana hay Uganda Châu Phi. Họ mang súng tiểu liên AK đứng canh bên ngoài nhà ăn, nhà giặt đồ, và những khu buôn bán, với nhiệm vụ coi giấy tờ và thẻ của bất kỳ ai ra vô những tòa nhà đó.
Tôi rất thích tác phong và kỷ luật của các toán an ninh gốc Phi châu này, hỏi ra mới biết họ cũng gốc lính mà ra. Trời lạnh căm căm, đôi khi tuyết rơi mà họ vẫn cứ phải đứng ngoài trời hằng giờ và canh giữ an ninh. Họ được quân đội Mỹ nuôi ăn và ở như tiêu chuẩn của quân đội Mỹ. Chúng tôi ăn gì, họ ăn thứ đó. Chúng tôi ngủ trong nhà tiền chế, họ cũng thế. Vì vậy họ không thấy sự khác biệt của người đi làm thuê và công dân Mỹ.
Và cũng như hầu hết mọi người trên thế giới, họ mong ước có ngày sẽ định cư và xây dựng một gia đình riêng của họ trên đất Mỹ: American Dream. Tôi hỏi sao không là Chinese Dream? Họ cười phá lên và nói China is number 10 với ngón tay cái trỏ xuống đất.
Ăn uống thì khỏi nói, đồ ăn thì đổ đi không hết. Quần áo, mùng mền thay ra thì bỏ vào túi lưới có tên và số của mình, đem vào nhà giặt nhờ các nàng xứ Kazahkstan, Kosovo, Serbia, hay Macedonia bỏ vô máy giặt dùm, ba ngày sau trở lại lấy, mọi thứ được các nàng gấp gọn gàng phẳng phiu.
Về các nàng từ mấy xứ sở này, phải công nhận họ rất đẹp, trắng trẻo dễ thương, có 3/4 nét tây phương và 1/4 nét Á Châu. Chắc họ rủ nhau về làm cho phòng giặt hay sao mà toàn là nghe họ nói chuyện ríu rít bằng ngôn ngữ của họ mà không lẫn một sắc dân nào khác. Đúng là buôn có bạn, bán có phường. Cũng như mấy anh Ấn Độ làm ở nhà ăn vậy. Mấy anh Chà Và này, nấu cái gì cũng bỏ cà ri, thậm chí cá hấp, rau cải kho, họ cũng tẩm mùi cà ri. Mỗi lần nhìn thực phẩm họ nấu, tôi ngán đến tận cổ, không dám đến gần.
Về việc di chuyển, trại cấp cho chúng tôi một chiếc bán tải (pick-up truck) với crew cab chở được 5 người để đi lại. Đó là chiếc Tata do Ấn Độ chế tạo mà tôi gọi là chiếc “tà tà” vì quả thật nó rất tà tà, vui thì nó nổ mà buồn thì nó im.
Mỗi lần đề máy mà thấy nó im rơ, không nghe gì hết, thì phải kêu thằng ngồi kế bên “get out”. Khi cái ghế nhẹ đi vì không ai ngồi thì xe mới chịu nổ máy. Thấy êm, mới có thể lại mời thằng đi chung, get back in, xin vui lòng an tọa. Ôi cái xe Ấn Độ! Tôi chưa bao giờ chạy xe hơi do các chú Ba chế tạo nên không thể so sánh em nào “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” hơn em nào.
Đặc biệt về lưu thông, tại đất nước Afg, xe Toyota chiếm đa số. Thì ra không chỉ dân Mít ta khoái xe Nhật, mà các chú Ả Rập cũng rất ưa loại xe này vì nó bền và chịu được sự văng vật của tài xế và chịu mưa nắng nóng lạnh bất thường của miền đất này.
Dù sao, với cái xe Ấn Độ tà tà, tôi đã lái nó đến được nhiều nơi khó quên, thấy được nhiều cảnh vật, nhiều câu chuyện khác thường. Hy vọng sẽ còn dịp kể thêm với bạn đọc.
Bài viết xong chiều 30 Tết Mậu Tý.
Nguyễn Văn Tới
No comments:
Post a Comment