Sunday, June 10, 2018

Cháu Hãnh Diện Về Ba





Sau khi miền Nam bị chiếm (30 tháng 4 năm 1975) rất nhiều cô nhi, quả phụ của các chiến sĩ VNCH đã gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và tiến thân trong xã hội mới ở Việt Nam. Cộng đồng hải ngoại cũng lãng quên họ. Ai biết được họ đã sống ra sao? Ai biết các cô nhi đã nghĩ gì về những người cha đã hy sinh cho Tổ Quốc?

Từ hơn nửa thế kỷ trước, đối với tôi, điều đáng sợ nhất trong đời lính là khi từ chiến trường trở về hậu cứ phải đối diện với những vành khăn tang trắng còn mới tinh trên mái tóc xộc xệch của vợ con những đồng đội đã nằm lại tại chiến trường. Những đôi mắt thơ ngây hoen ngấn nước trên khuôn mặt các em bé mất cha luôn làm tôi đau nhói trong lòng. Càng vinh quang thì càng nhiều khăn tang, đó là những vết thương kết lại thành những vết sẹo khó phai, là tâm trạng của các cấp chỉ huy khi trở về sau những chuyến hành quân dài ngày, dù là về với chiến thắng, với thăng thưởng, cấp bậc và huy chương.

Tôi không còn nhớ ai đã gắn huy chương và huy chương loại nào, nhưng tôi nhớ mãi tên đồng đội, anh em thân thiết như ruột thịt đã hy sinh. Đằng sau những tấm huy chương là máu của họ, là nước mắt của vợ con họ. Có những đứa con còn chưa kịp rơi nước mắt khóc cha vì chúng chưa biết nói hoặc còn trong bụng mẹ.

Niềm khắc khoải đó trong tôi đã được xoa dịu phần nào khi tôi may mắn gặp được một vài cô nhi mà cha của họ là đồng đội thân thiết của tôi, nên dù ít hay nhiều tôi đã góp phần cho các cháu biết tin tức về những cha, về những giây phút cuối đời của cha đã chiến đấu và hy sinh như thế nào. Tôi đã được cùng đi một đoạn ngắn ở cuối cuộc hành trình cô đơn của các cháu trong suốt mấy mươi năm qua. Các cháu đã tìm được kết thúc, đã biết rõ và hãnh diện về cha.
 
*
 1. Cô Nhi Yvonne Trần

 “Cháu nhớ mãi, má cháu và cháu đứng trước vỉa hè nhà, đợi Ba cháu về. Cháu thấy xe GMC chở lính Thủy Quân Lục Chiến chạy ngang qua nhà, nhưng cháu không thấy Ba cháu về...

Cháu nhớ mãi một hôm cháu đi học về, thì thấy má cháu nằm trên ghế salon, khóc sướt mướt. Lúc đó, cháu quá nhỏ, mới 5 tuổi nên không hiểu chuyện gì xảy ra.

Rồi khi thấy một quan tài nằm trên phản ở nhà nội, thời ấy nhà quê không có đèn điện, chỉ le ngoe vài cây đèn cầy ánh sáng lập lòe. Nội cháu ngồi bên cạnh quan tài, đập đập lên quan tài rồi gào thét. Cháu khóc theo, nhưng không biết Ba mình nằm trong quang tài đó.

Chiến tranh VN, nhìn lại, nhìn khía cạnh nào cũng thấy nỗi đau.”
 
Đó là thư Yvonne gởi cho tôi. Yvonne là con gái của cố Đại Úy Trần Đăng Túc Tiểu Đoàn 2/TQLC. Cô định cư ở tiểu bang Virginia,  là Kỹ Sư Hóa Học, từng làm việc cho Trung Tâm Nghiên Cứu Về Chiến Tranh của Hải Quân Hoa Kỳ (Naval Surface Warfare Center - NSWC) trong 16 năm. Hiện nay cô đang làm việc ở Federal Aviation Administration, Office of Commercial Space Transportation, Washington D.C.

Trong bài “Hãy Kể Cho Tôi Nghe” gởi cho đặc san Sóng Thần TQLC 2017, Yvonne tâm sự:
                                     
“Ba tôi chết đã gần 50 năm. Khi ông chết, ông để lại bốn đứa con, từ một tuổi tới tám tuổi. Gia đình tôi khi xưa ở Thủ Đức, khoảng 20 -25 cây số phía Bắc của thủ đô Sài Gòn. Tôi không có nhiều kỷ niệm của Ba tôi. Nhưng tôi nhớ, Ba tôi không có mặt ở nhà nhiều. Ông đi biền biệt. Mỗi lần ông về, thì tôi thấy Ba tôi mặc đồ lính rằn ri. Tôi nhớ mẹ tôi nói Ba tôi có đi Hoa Kỳ một thời gian. Tôi cũng có nghe nói Ba tôi là lính Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), và chết trong lúc đi hành quân. Khi miền Nam Việt Nam mất, lúc đó tôi đã thấy lớn nên ít nhiều tôi cũng hiểu biết những gì xảy ra, và biết cuộc sống không còn như xưa. Tôi không ngạc nhiên khi thấy những kỷ niệm đi lính của Ba tôi đã biến mất. Hình ảnh của Ba tôi mặc quân phục với mũ xanh trên bàn thờ đã thay bằng hình người mặc đồ bình thường. Thời gian trôi qua, tôi quên đi hình bóng Ba tôi mặc đồ lính rằn ri, đội mũ xanh…”
      
Nhưng có lẽ trong trí óc của người anh Yvonne, hình bóng người cha TQLC vẫn chưa phai nhạt. Anh vẫn tìm đọc những bài viết về TQLC, chính người anh đã bắt đầu cuộc hành trình tìm biết về Ba.

Một hôm, người anh gọi điện thoại cho Yvonne và hớn hở khoe rằng anh tìm được một người ở trong TQLC Việt Nam biết Ba của họ khi xưa. Anh chỉ cho Yvonne tìm đến website của TQLC, ở đó cô tìm được địa chỉ e-mail của người nhắc đến tên Đại Úy Túc.  Lúc đó Yvonne chỉ biết tên người ấy là cựu Đại Tá Ngô Văn Định, vị chỉ huy của cha cô khi xưa. Sau vài email qua lại, Yvonne gọi ông là bác Định.

Những trao đổi với bác Định đã biến Yvonne từ một người tưởng đã quên đi hình bóng của cha thành một người đi tìm kiếm tin tức, kỷ niệm về cha.

Một hôm, Yvonne đọc một tài liệu của những người TQLC Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam. Tài liệu này có đề cập tới những người sĩ quan TQLC Việt Nam đều phải qua Hoa Kỳ để thực tập ở trường The Basic School tại Quantico, Virginia.

Tài liệu ấy làm Yvonne nhớ đến tấm hình của Ba cô chụp ở Baltimore, Maryland. Từ ý nghĩ đó, Yvonne tìm đọc thêm những bài viết về TQLC Việt Nam, trong đó có bài viết về trận Tiểu Đoàn 2 TQLC bị phục kích tại Phò Trạch, Huế vào ngày 29 tháng 6 năm 1966 của cựu Đại Tá Tôn Thất Soạn đăng trong “Tuyển Tập 21 Năm Chiến Trận Của TQLC” do Tổng Hội TQLC in năm 2005.

Tim cô thót lại, mắt cô mở lớn khi biết Ba cô có tham dự trận đánh đó và bị thương, cô vội vã đọc tiếp, và Yvonne đã thấy Ba cô trong tấm hình TĐ2/TQLC chụp tại trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, Phước Tuy.

Yvonne sững sờ, cô muốn nhéo mình để xem có phải cô nằm trong mơ không? 

Sau mấy chục năm, hình ảnh oai hùng của Ba cô trở lại rõ ràng trong ký ức khiến cô xúc động nghẹn ngào như ngày xưa chạy đến nắm tay Ba mỗi khi ông đi hành quân về.

Đọc tuyển tập “21 Năm Chiến Trận” Yvonne mới biết chi tiết về chuyến đi hành quân ấy của Ba cô quá nguy hiểm, có nhiều thương vong. Tiểu Đoàn Trưởng là Trung Tá Lê Hằng Minh cùng với 42 thuộc cấp tử trận, 95 người bị thương, trong đó có Ba cô và Đại Úy Cố Vấn Thomas E. Campbell.

image001
TĐ2/TQLC chụp tại trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, Phước Tuy.

Cô vô cùng cảm phục và hãnh diện về Ba, nhất là khi đọc đến đoạn trong hồi ký của ông Thomas Campbell:

“Hầu hết các quân nhân trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn bị thương, tôi bị thương. Tôi thấy Trung Úy Túc, Ban Ba, cũng bị thương nhưng ông vẫn ném lựu đạn vào bọn chúng. Sau trận này Trung Úy Túc được tưởng thưởng huy chương Combat V. “

Cũng nhờ đọc “21 Năm Chiến Trận” Yvonne mới biết rằng bác Định, người đang lặng lẽ bắc cầu cho cô đi ngược dòng thời gian để tìm hiểu về đời lính của cha chính là một trong những người hùng của “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972. Ông chính là Lữ Đoàn Trưởng TQLC đã đem quân chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị.

Với sự giúp đỡ và hướng dẫn của bác Định, Yvonne đã gửi e-mail cho National Archives xem họ có lưu giữ giấy tờ gì về huy chương của Ba cô không.

Tháng 12 năm 2012, cô được National Archives xác định có tin chính thức về huy chương Combat V đã được tặng cho Đại Úy Trần Đăng Túc, Tiểu Đoàn  2 TQLC. Cô bèn làm đơn xin lại huy chương của Ba cô.

image002
Yvonne nhận lại Huy Chương Combat V của Ba do National Archives gửi đến tận nhà năm 2012.

Sau đó, huy chương được gởi đến tận nhà. 

Yvonne viết:

“Tôi không thể tưởng tượng được, tôi đã xin lại được huy chương của một người cha đã chết. Ông không chết mười năm, hai mươi năm, mà đã chết cả nửa thế kỷ rồi. Quá khứ và hiện tại, chia cách vì thời gian, hầu như xích gần lại nhờ cái huy chương này. Nắm huy chương gọn trong tay, tôi biết nếu tôi đã lấy lại được vinh dự của một người lính đã chết, thì tôi cũng sẽ biết đến vinh dự của những người lính còn sống.

Chiến công, tôi biết đếm, nhưng tôi không đếm được hy sinh của người lính miền Nam trong suốt 21 năm chiến tranh. Khi Hoa Kỳ đã rút lui, thì súng đạn không còn nữa, họ vẫn đánh, đánh đến khi họ phải bắt buộc đầu hàng. Khi quê hương tôi mất, họ chỉ còn là người lính bại trận. Nếu thoát được khỏi ách Cộng Sản, người lính đó trở thành một người tỵ nạn, sống âm thầm, sống lặng lẽ trên xứ người. Còn người lính kẹt lại, họ bị bắt đi tù, bị hành hạ, bi chết đói, chết rét không ai biết đến, hay họ chỉ còn là thương phế binh lạc loài, bên lề cuộc đời trên chính quê hương mình. Hình ảnh của người lính TQLC can đảm, anh hùng, nhân đạo, và sống chết cho Danh Dự- Tổ Quốc mãi mãi sẽ là hình ảnh tôi mang theo”.
 
Trong một lá thư gửi cho tôi, Yvonne nói rằng cháu rất hãnh diện về cha, nhưng ngoài chuyện riêng tư gia đình cha con, đối với đồng đội của cha, đối với đơn vị, với binh chủng và quân đội thì sao?

Sau đây là nguyên văn lời chia sẻ của Yvonne với tôi. Lời nói như khắc ghi trên bia đá của một cô nhi, như tấm gương soi cho những ai, thế hệ trước và sau, xem thường sự hy sinh cùa người lính Việt Nam Cộng Hòa.
 
“Hãnh diện về cha chỉ là hãnh diện cá nhân, nhưng hãnh diện nhất của cháu là biết sự thật về chiến tranh đã có những người lính miền Nam  hy sinh để bảo vệ Tô Quốc và đồng bào khiến cháu không thể nào quên được.”
 
2. Cô Nhi Nguyễn Thành Thật

Ngày 29 tháng 4 năm 2018, tại lễ kỷ niệm 43 năm ngày Quốc Hận trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster City, tôi đang bồi hồi nhớ lại cảm xúc khi phải nhận lệnh buông súng lúc 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Bộ Chỉ Huy Căn Cứ Sóng Thần (Dĩ An), thì bất ngờ anh Ngọc, một quân nhân thuộc Hội TQLC Nam California, dẫn một người trung niên đến gặp tôi.

Người này mặc bên ngoài một cái áo trận TQLC hơi cũ với huy hiệu Trâu Điên, bảng tên “THA 1”, Ngọc nói với anh ta:

“Đây là bác Cấp, người mà cháu muốn tìm”.

Không chờ tôi lên tiếng, hai tay anh ta nắm chặt lấy tay tôi lắc lắc, miệng chào:

“Thưa bác, con là Nguyễn Thành Thật, bố con là Nguyễn Văn Thà, ngày xưa mang máy truyền tin cho bác, con có chuyện riêng muốn thưa với bác.”

 Giữa trưa nắng Little Saigon mà tôi cảm thấy lạnh xương sống khi nghe nhắc đến tên “Thà”, người mang máy truyền tin C25 cho tôi, đã tử trận hơn 50 năm về trước.

Sau buổi lễ, chúng tôi đến một nơi riêng tư hơn để nói chuyện. Thật nói:

“Thưa bác, con từ Saigòn sang Mỹ lo việc riêng, theo lời hướng dẫn của chú Tám, con đến tìm bác để xin bác kể cho con nghe về Ba con. Cái áo con được hãnh diện mặc đến đây chính là của Ba con, tức: “THÀ Đại Đội 1”.

Chi tiết rất đúng, nhưng để xác định thực hư cho chắc, tôi hỏi thêm:

“Chú Tám nào, và quen biết với cháu ra sao mà chú ấy bảo cháu đến tìm tôi?”

“Thưa bác, con ở Gò Vấp, gần nhà chú Tám, tức chú “Tám Nhót”. Con chơi thân với thằng Tâm con chú Tám. Chú Tám kể là ngày xưa Ba con và chú ấy đều mang máy cho bác. Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, chú Tám nhận được quà của bác gửi về để tổ chức tất niên cho mấy người cùng đại đội, con được tham dự. Khi nghe con nói sắp sang Mỹ lo việc riêng thì chú Tám khuyên con ráng tìm cách đến Little Saigòn để tìm bác mà hỏi về Ba con. Chú Tám còn dặn nhớ mang theo cái áo này để bác tin. Khi đến Little Saigon con nghe radio thông báo có buổi lễ kỷ niệm 30/4 được tổ chức tại tường đài Việt Mỹ nên con tìm đến, con thấy chú Ngọc mặc quân phục TQLC nên con nhờ chú tìm bác”.

Hơn 50 năm về trước, Đại Đội 1 của tôi có hai hiệu thính viên, Nguyễn Văn Thà mang máy liên lạc với tiểu đoàn, và Nguyễn Văn Tám, tự “Tám Nhót” mang máy liên lạc với các trung đội. Vì Tám có tật hay trốn đi chơi nên tôi đặt cho cậu ta cái tục danh là “Tám Nhót” (nhảy nhót). Tám có thằng con tên Tâm. Nghe Thật nói thế là đúng rồi, tôi mừng quá vội choàng tay phải qua vai Thật xiết mạnh, tay trái xoa xoa đầu Thật. Cả hai bác cháu tôi cùng bồi hồi xúc động. Hồi lâu sau Thật mới lên tiếng:

“Cái áo trận này của bố con, tuy cũ nhưng con hãnh diện và giữ mãi kể từ sau ngày bố con tử trận. Con ước ao muốn tìm hiểu xem bố con đã chiến đấu và hy sinh như thế nào, con có hỏi chú Tám nhưng chú ấy không nhớ rõ, xin bác kể lại cho con nghe”.

Những lời tâm sự của Thật làm cho vết thương trong lòng tôi như lại rỉ máu. Nén xúc động tôi kể lại tóm tắt cho Thật nghe những gì đã xảy ra hơn năm mươi năm về trước mà như đang diễn ra trước mắt tôi:

 “Trong trận Bời Lời ở mật khu Hố Bò, suốt đêm 16 tháng 9 năm 1968, Việt Cộng (VC) bao vây và tấn công vào vị trí Đại Đội 1 của bác nhưng không được. Tảng sáng ngày 17 tháng 9 thì nghe chúng bắn rất mạnh và hô “xung phong”, (chuyện này hay xảy ra mà tài liệu học tập trong quân trường gọi là “tấn công rạng đông”)... Lúc đó bác đang ngồi trên miệng hố cùng cố vấn Mỹ để điều khiển trực thăng Cobras tác xạ. Ngồi bên cạnh là chú Tám và Ba cháu đang liên lạc máy. Bất ngờ Ba cháu phát giác một tên VC núp trong bụi rậm gần đó cầm lựu đạn chạy tới...Vì là hiệu thính viên chỉ trang bị súng Colt 45 không kịp bắn nên Thà vội quăng ống liên hợp rồi phóng tới ôm tên VC vật ngã nó xuống. Lựu đạn tên VC cầm tay và chất nổ cài trong người hắn đã phát nổ. Tiếng nổ lớn, bùn sình cỏ cây văng tung tóe, hậu quả là xác Ba cháu nằm đè lên xác tên VC cách chỗ bác ngồi chừng mười thước. Bố Thà cháu đã hy sinh để cứu đồng đội, cứu bác, và cố vấn Mỹ. Thật là cao cả”.

Tôi nhớ lại ngày xưa, mỗi khi từ vùng hành quân trở về thì hai con của Thà và Tám từ trại gia binh nằm sát doanh trại đều chạy vào đón bố. Nhìn cha con họ quyến luyến, cười đùa khiến tôi vui lây.

Nhưng sau chuyến hành quân Bời Lời ngày 17 tháng 9 năm 1968 trở về, con của Tám chạy đến ôm chân bố, còn cháu Thật đầu chít khăn tang, không thấy bố Thà nên đứng xụt xùi khóc!

Thương cháu quá, tôi vội ngồi xuống ôm cháu vào lòng. Mọi lời nói đều vô nghĩa, tôi xoa-xoa đầu cháu. Năm mươi năm sau, tôi vô tình lập lại cử chỉ đó với người đàn ông trung niên này, như tôi đã xoa đầu thằng bé bốn tuổi sau ngày Ba cháu tử trận.

Cháu Thật ngồi chăm chú nghe tôi kể chi tiết về tấm gương anh dũng của Ba và những kỷ niệm ngày xưa khiến cháu xúc động, vừa lau nước mắt vừa nói:

“Thưa bác, mất Ba là một điều vô cùng đau khổ và thiệt thòi đối với tuổi thơ chúng con, nhưng nay biết được sự hy sinh của Ba như thế, con vô cùng hãnh diện...”
 
*
3. Cô Nhi Jimmy Nguyễn Bowden

Nếu ta quan niệm rằng có những kỷ niệm để nhớ thương đã là may mắn, thì cậu bé Nguyễn Hải Phúc tức Jimmy Nguyễn Bowden lại bất hạnh hơn vì cha tử trận khi cháu mới sinh được Ba tháng nên cháu không hề nhớ mặt cha.

Cha của Hải Phúc là Trung Úy Nguyễn Văn Nhượng, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 7. Trước khi Nhượng thuyên chuyển sang Tiểu Đoàn 7 mới thành lập thì Nhượng thuộc Tiểu Đoàn 2 nổi tiếng với biệt hiệu Trâu Điên.

Kể từ khi có trí khôn cho tới lúc trưởng thành, Hải Phúc luôn chú tâm tới việc đi tìm tung tích của cha, luôn mang theo bên mình tấm hình của cha.

Năm 2015, cậu bé Nguyễn Hải Phúc đã trở thành luật sư Jimmy Nguyễn Bowden từ Oklahoma sang Houston TX mở Law Offices. Bằng một nhân duyên kỳ diệu, người chủ cơ sở bên cạnh văn phòng của Jimmy có bạn là một TQLC. Với sự tha thiết muốn biết về cha, Jimmy như người tìm được một đầu dây. Jimmy đã lần lần tìm ra manh mối và đã gặp được chú TQLC Nguyễn Kha Lạt, hiện định cư tại Sasinaw Dallas, Texas, là thuộc cấp của cha ngày xưa. Lạt đã cùng tham dự trận đánh với Nhượng và chứng kiến lúc Nhượng tử trận. Lạt kể:

“Ngày 20 tháng 6 năm 1970, khi anh Nhượng được lệnh dẫn đại đội đi hộ tống đoàn xe tiếp tế cho đồng bào tại Preyveng Campuchia thì bị VC phục kích, xạ thủ đại liên tử trận, trong lúc nguy ngập, chính anh Nhượng đã thay thế xạ thủ đại liên bắn chặn để ngăn địch quân tràn lên và anh đã tử trận. Vì quá thương tiếc và khâm phục lòng dũng cảm của cấp chỉ huy nên tôi (Lạt) luôn để tấm hình của Trung Úy Nhượng chụp chung với Thiếu Úy Truyền trên bàn thờ. Tôi cũng đã gửi tấm hình này cho Chị Nhượng sau khi anh hy sinh. Đó cũng chính là tấm hình Jimmy mang theo bên mình”.

image005
Trung Úy Nhượng chụp chung với Thiếu Úy Truyền.

Hai chú cháu Lạt-Jimmy liên lạc với nhau, gặp nhau tại Texas để so sánh tấm hình của do chính Lạt chụp chỉ một thời gian ngắn trước khi Nhượng hy sinh. Và rồi hai người, một già một trẻ, chưa từng biết nhau, chưa từng nghe đến tên nhau đã trở thành chú, cháu.

Sau bốn mươi lăm năm tìm kiếm, Jimmy được nghe chú Lạt kể về chuyện của cha. Dù đã thành danh, nhưng Jimmy cảm thấy mình quá nhỏ bé trước hình bóng của cha trong bộ quân phục rằn ri. Đó là hình ảnh của cha trước khi cha đi vào trận chiến và đi mãi không về! Nay Jimmy bất ngờ nghe được những chi tiết cuối đời của cha, cha như sống lại trong tim. Jimmy vội mặc chiếc áo trận của cha, đứng dưới tấm hình của cha và các bạn đồng Khóa 21 Võ Bị mà cháu vẫn trưng trong office để chụp hình.

Jimmy cười:

 -I'm very happy now and I like to wear my father’s TQLC jacket. I share my feelings when I wear it. (Con quá hạnh phúc khi được mặc cái áo trận TQLC của Ba con.)

image004
Jimmy Nguyễn mặc áo trận của bố.

 Mẹ Jimmy (chị Nhượng) tâm sự:

“Tôi và Jimmy đã theo dõi những tin tức qua truyền hình và báo chí VN, tôi đã đọc những quyển đặc san các đơn vị quân đội VN để tìm hình ảnh của anh Nhượng. Nhất là Jimmy cứ ước mong tìm được đồng đội, đồng khóa của bố. Dù không nhớ mặt bố, nhưng cháu luôn luôn giữ bên mình tấm hình bố do chú Lạt chụp ngày xưa. Từ nhỏ đến nay lúc nào cháu cũng buồn mà lại thích mặc những bộ đồ hoa rừng của bố. Sau khi tìm được tin tức về bố, thay vì gọi điện thoại, thì cháu vội vã chạy từ Houston (Texas) về Oklahoma để nắm tay tôi rồi nói với tôi: “Mẹ, con đã tìm được Bố, gặp được chú Lạt cùng đơn vị với Bố rồi”. Lâu lắm tôi mới nhìn thấy cháu cười khi nhắc tới Bố”.

Lòng mong ước của con (Jimmy) đã tìm thấy cha cũng là ước nguyện của bà mẹ (chị Nhượng), dường như chỉ chờ có thế nên sau đó vài tháng chị Nhượng đã đột ngột “đoàn tụ” với chồng (Nguyễn Văn Nhượng.)
 
*
4. Cô Nhi Marie Tô

Marie Tô là con gái cuả Đại Úy Tô Thanh Chiêu. Khi Chiêu tử trận thì Marie Tô chưa ra đời. Trong một lần họp mặt gia đình, cháu Marie Tô đến hỏi tôi:

 “Thưa bác, con đọc cuốn truyện “Tháng Ba Gãy Súng” của tác giả Cao Xuân Huy, thấy tác giả có viết về Ba con là Tô Thanh Chiêu. Con cũng có đọc bài: “Những Ngày Tháng Sau Cùng...” của bác, trong đó bác viết về Ba con. Con ao ước bác kể cho con nghe về Ba con đã chiến đấu và tử trận như thế nào? Vì trong Law Offices của con có mấy bạn đồng nghiệp cứ hãnh diện khoe rằng Daddy của họ đã chiến đấu và tử trận ở Việt Nam, còn con là người Việt Nam, có Ba tử trận tại VN mà không biết gì về Ba con thì buồn quá!”

Chiêu và tôi là anh em con chú, con bác. Chúng tôi ở cùng Binh Chủng TQLC, cùng bị thương, cùng được về làm việc tại Trung Tâm Huấn Luyện tại Rừng Cấm, Thủ Đức.

Chiêu mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ nên anh em Chiêu rất thương yêu và lo cho nhau. Khi Chiêu bị thương, anh ruột Chiêu là Tô Đức Hạnh, (dân biểu Quốc Hội đơn vị bẩu cử Lâm Đồng) muốn đem Chiêu về tiểu khu Lâm Đồng, an toàn hơn đi tác chiến nhưng Chiêu nhất định không chịu. Chỉ một thời gian ngắn sau, Chiêu quyết định xin ra đơn vị tác chiến là Tiểu Đoàn 4 TQLC, biệt hiệu là “Kình Ngư”. Hắn nói với tôi: “Sẽ sống với Kình Ngư và chết với Kình Ngư."

Khi nghe Marie hỏi về Chiêu, tôi mở lại những trang ký ức để kể với cháu:

Vào “Những Ngày Tháng Sau Cùng” đó, tháng 3 năm 1975, Lữ Đoàn 147 TQLC gồm các Tiểu Đoàn 3, 4, 5, 7 và Pháo Binh TQLC được lệnh rút từ Huế ra bờ biển Thuận An để tàu Hải Quân vào đón đưa về Đà Nẵng. Ngoài ra còn đồng bào và các quân nhân khác lạc đơn vị đi theo TQLC nên đoàn người lên đến hơn ba ngàn người. Vì sóng to gió lớn tàu Hải Quân không vào đón được, không được tiếp tế đạn được và lương thực, lại còn Việt Cộng thì tiếp tục pháo kích và tấn công làm cho quân ta và đồng bào bị thương và chết rất nhiều.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 25 tháng 4 năm 1975, VC pháo kích và tấn công vào vị trí phòng thủ của Tiểu Đoàn 4 TQLC ở bãi biển Thuận An khiến Tiểu Đoàn Phó là Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam và Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 là Đại Úy Tô Thanh Chiêu cùng tử trận. Sau khi thương binh và tử sĩ được đem về trạm xá TQLC trong căn cứ Non Nước, tôi đến đó tìm xác em thì chỉ thấy xác Thiếu Tá Tá Nam. Đồng đội Chiêu cho biết khi chuyển xác Chiêu lên tàu Hải Quân trong lúc hỗn loạn thì xác bị rớt trở lại xuống biển, mất tích!  

Phần tôi, vào lúc 7 giờ sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975, từ bờ biển Non Nước, tôi đành gạt nước mắt trôi dạt ra tàu Hải Quân rồi xuôi Nam, để lại xác Chiêu thì nằm đâu đó cùng nhiều đồng đội khác bên bờ biển thôn An Dương, Thuận An và Non Nước Đà Nẵng.

Cho tới năm 2012, đồng bào thôn An Dương và các thôn dọc theo bờ biển Thuận An đã thu gom được tất cả 132 bộ xương trôi dạt vào bờ, trồi lên mặt cát. Các ân nhân này đem các bộ xương này tập trung vào một khu gọi là nghĩa trang với bia đá: “Thập Loại Cô Hồn Hiển Hách Chi Mộ”.

Những TQLC còn sống sót vào ngày đó đã trở lại thăm chiến trường xưa và tìm được tin tức và hình ảnh về ngôi mộ này.

Tin này đã đến với Tổng Hội TQLC Hải Ngoại. Để cám ơn tấm lòng của người dân sống dưới chế độ CS đã không quản ngại khó khăn, vẫn nhớ đến những người lính TQLC Việt Nam Cộng Hòa năm xưa mà tặng cho một mái nhà chung “Hiển Hách Chi Mộ”, Tổng Hội TQLC Hải Ngoại đã gửi một số hiện kim nhờ đồng bào làm lễ cầu siêu cho các anh linh nhưng cường quyền địa phương không cho phép.

Khi nghe tin tức về những bộ hài cốt TQLC ở thôn An Dương, nhà báo Huy Phương đã mời tôi nói chuyện trong chương trình Huynh Đệ Chi Binh trên đài truyền hình SBTN về sự kiện này và trận chiến tại bờ biển Thuận An. Trong buổi nói chuyện, trên màn hình có chiếu tên tôi và số điện thoại.

Một thời gian sau tôi nhận được tin nhắn báo cho biết ngoài những bộ xương, người dân còn nhặt được một số thẻ bài (*) trong đó có một tấm mang tên Tô Thanh Chiêu. Nhưng rất tiếc người nhắn tin này không để lại số điện thoại nên chúng tôi không thể liên lạc để biết rõ chi tiết.

Khi tôi báo cho anh ruột Chiêu là Tô Đức Hạnh và gia đình Chiêu về tin tức này thì mọi người vô cùng xúc động, bàn tính làm cách nào để đón Chiêu về với gia đình, nhất là Marie Tô mong ước có được tấm thẻ bài khắc tên Tô Thanh Chiêu. Đó là một kỷ vật vô cùng quý giá đối với Marie Tô.

Tuy nhiên, sau vài lần bàn tính, gia đình Chiêu và tôi cùng đồng ý rằng:

Nếu chỉ có một bộ xương và tấm thẻ bài thì dễ dàng, nhưng không liên lạc được với người cho biết tin về tấm thẻ bài nên không biết rõ thực hư.

Nếu trong 132 bộ xương đó có Chiêu thì bằng cách nào để xác định? Vậy thì hãy cứ để Chiêu “xum họp” cùng đồng đội. Khi sống Chiêu chiến đấu cùng anh em dưới mái nhà “Kình Ngư”,  thì khi hy sinh cứ để Chiêu đoàn tụ cùng đồng đội dưới nấm mồ “Hiển Hách Chi Mộ”.

Sống “Anh Hùng”, chết “Hiển Hách”, đó đã là một vinh dự và an ủi rồi. Hằng năm, cứ vào ngày 25 tháng 3 thì anh em con cháu Tô Thanh Chiêu xin lễ và dâng hương hoa cho Chiêu cùng 131 anh linh tử sĩ TQLC tại thôn An Dương là tốt nhất.
 
*
Thân phụ của các cô nhi kể trên là đồng đội, là anh em thân thiết của tôi, đã từng sống chết bên nhau, vì thế tôi coi các cháu như những người cùng một gia đình.

Dù thân phụ tử trận khi các cháu còn quá nhỏ hoặc chưa sinh ra, sau gần nửa thế kỷ, các cháu đã trưởng thành, đã thành công dân Mỹ, nhưng vẫn tìm về cội nguồn và hãnh diện có cha đã hy sinh cho Tổ Quốc Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy có bổn phận kể lại cho các cháu những điều chúng tôi chúng tôi biết về cha các cháu. Từ đó các cháu mới hiểu vì sao các cháu có mặt trên đất nước văn minh này mà nhớ ơn các người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Nhưng còn biết bao nhiêu cô nhi tương tự khác cũng đang mong ước tìm hiều về cha. Các cháu tìm tài liệu ở nơi đâu? Đó là câu hỏi tôi luôn mang trong lòng và tôi hy vọng những ai là đồng đội của các tử sĩ, những người ngày nay còn đang được hít thở không khí tự do cũng có cùng câu hỏi đó./.

Captovan

 Chú Thích:

(*) Thẻ bài là miếng inox ghi tên, số quân, loại máu mà mỗi quân nhân bắt buộc phải luôn đeo vào cổ. Khi bị thương thì y tá biết ngay là loại máu nào (A, B, A+B, O) mà tiếp máu. Trong trường hợp tử thương, vì lý do xác “tan nát” hay biến dạng, không nhận diện được thì thẻ bài mang theo để nhận diện danh tánh./.

Captovan

No comments:

Blog Archive