Thursday, May 31, 2018

Những thành phố trả lương cao nhất thế giới

Người làm việc ở San Francisco (Mỹ) kiếm gần 5.000 USD mỗi tháng, còn tại Zurich (Thụy Sĩ) là hơn 5.700 USD.
Nhà băng lớn nhất Đức - Deutsche Bank vừa công bố báo cáo "Mapping the world's prices", nghiên cứu chi tiết giá hàng hóa và dịch vụ tại các thành phố lớn và quyền lực nhất thế giới. Để tìm ra giá cả sinh hoạt toàn cầu, ngân hàng này tìm hiểu mọi thứ, từ giá một bao thuốc lá đến tiền thuê trung bình một căn hộ hai phòng ngủ.

Một trong các yếu tố Deutsche Bank nghiên cứu là người lao động kiếm được trung bình bao nhiêu tiền mỗi tháng. Con số này là chỉ báo khá hữu ích về sự giàu có của một thành phố.

Nhìn chung, những người sống tại các thành phố có chi phí sinh hoạt cao thường cũng có mức lương cao hơn. Những cái tên top đầu là các trung tâm tài chính lớn như London, New York, hay Frankfurt. Mức lương tại Frankfurt đã tăng hơn 200 USD một tháng trong năm qua, khi các ngân hàng tìm cách chuyển nhân viên khỏi London sau Brexit.

Dưới đây là danh sách 10 thành phố người lao động được trả lương cao nhất thế giới. Các vị trí dẫn đầu gần như không đổi so với năm ngoái.
10. Frankfurt
Quốc gia: Đức
Lương trung bình tháng: 3.389 USD

9. Dubai
Quốc gia: Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)
Lương trung bình tháng: 3.447 USD

8. Copenhagen
Quốc gia: Đan Mạch
Lương trung bình tháng: 3.462 USD

7. Chicago
Quốc gia: Mỹ
Lương trung bình tháng: 3.650 USD

6. Oslo
Quốc gia: Na Uy
Lương trung bình tháng: 3.664 USD

5. Boston
Quốc gia: Mỹ
Lương trung bình tháng: 3.740 USD

4. Sydney
Quốc gia: Australia
Lương trung bình tháng: 3.914 USD

3. New York City
Quốc gia: Mỹ
Lương trung bình tháng: 4.115 USD

2. San Francisco
Quốc gia: Mỹ
Lương trung bình tháng: 4.974 USD

1. Zurich
Quốc gia: Thụy Sĩ
Lương trung bình tháng: 5.764 USD
Người có ‘cánh tay vàng’: Hơn 60 năm với 1173 lần hiến máu cứu sống 2,4 triệu trẻ em


Năm 1951, cậu bé James Harrison 14 tuổi người Úc đã may mắn tỉnh lại sau ca đại phẫu thuật lồng ngực. Các bác sỹ đã mất rất nhiều thời gian để cắt bỏ một bên phổi của James, sau đó cậu phải nằm lại bệnh viện 3 tháng liên tiếp. Trải qua cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh, James vẫn sống, đó là một kỳ tích nhờ vào lòng tốt của những người xa lạ.

Bố James nói rằng con trai của ông đã sống nhờ nguồn máu khổng lồ mà cậu nhận được từ những người khác. James Harrison nhớ lại khoảng thời gian khó khăn đó: “Bố nói, tôi đã được truyền 13 đơn vị máu và tôi đã được cứu bởi những người hoàn toàn xa lạ”.
Tỉnh lại sau kỳ tích, James phát nguyện rằng sẽ dùng máu của mình để cứu sống nhiều người gặp khó khăn khác. Tuy nhiên, theo luật pháp nước Úc, từ 18 tuổi trở lên công dân mới được hiến máu. Vậy là James đành hoãn lại ước nguyện của mình sau 4 năm.
Đúng như lời hứa, năm 18 tuổi, James đến Hội Hồng Thập Tự Úc và ghi danh hiến máu. Vì không thích tiêm, nên cậu thường quay đi mỗi khi nhân viên y tế lấy máu từ cơ thể mình.
Sau 60 năm, tính đến nay, ông James đã hiến máu tới 1173 lần và cứu mạng 2,4 triệu đứa trẻ. Tờ The Sydney Morning Herald nhận xét về Harrison với một mỹ từ hết sức đẹp đẽ: “người đàn ông có cánh tay vàng”. Ông hiện cũng đang nắm giữ kỷ lục thế giới Guinness về số lần hiến máu.

(Ảnh dẫn qua Abcnewsgo)

“Tại Úc, năm 1967, có hàng ngàn trẻ em chết mỗi năm, các bác sỹ không tìm được nguyên nhân, điều đó thật kinh khủng”, Jemma Falkenmire thuộc Hội Hồng Thập Tự Úc nói với CNN. “Phụ nữ bị sẩy thai rất nhiều và trẻ em bị tổn thương não”.
Theo kết quả điều tra, những đứa trẻ này bị bệnh tan máu, gọi là HDN. Hiện tượng này thường xảy ra ở phụ nữ có nhóm máu Rh âm tính và đứa trẻ trong bụng lại mang nhóm máu Rh dương tính, sự không tương thích này sẽ khiến cơ thể người mẹ không tiếp nhận tế bào hồng cầu của thai nhi dẫn đến tình trạng “tan máu”.
Sau một thời gian nghiên cứu, các bác sỹ đã phát hiện ra cách chữa căn bệnh HDN bằng cách tiêm cho những phụ nữ mang thai huyết tương có kháng thể hiếm. Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm nguồn máu thích hợp từ các ngân hàng máu và người mà họ phát hiện ra chính là một người hiến máu ở New South Wales: James Harrison.
Lúc đó, ông James đã tham gia hiến máu được hơn 10 năm. Khi được các nhà khoa học hỏi rằng, ông có tham gia vào chương trình phòng chống bệnh HDN hay không, ông James không hề lưỡng lự để trả lời câu hỏi này. “Họ đề xuất tôi trở thành người thử nghiệm, và từ đó tôi liên tục hiến máu”, ông Harrison kể lại với CNN.

(Ảnh dẫn qua Pinterest)

Trước đó, các nhà khoa học đã phát triển một kiểu tiêm gọi là Andi-D, sử dụng huyết tương từ máu hiến của ông Harrison. Liều đầu tiên được truyền cho một phụ nữ mang thai ở bệnh viện Price Alffred năm 1967, kết quả của ca tiêm đầu tiên này nhận được thành công ngoài mong đợi.
Trong suốt hơn 60 năm, nguồn máu của ông Harrison đã cứu sống khoảng 2,4 triệu trẻ em nước Úc sinh ra từ những người mẹ có nhóm máu hiếm Rh. Ông Barlow, người điều phối chương trình Rh nói:
Mỗi mũi tiêm Anti – D được sản xuất tại Úc đều có máu của ông James ở trong đó. Ông ấy đã cứu hàng triệu trẻ em. Tôi ứa nước mắt mỗi khi nghĩ đến điều đó.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân tại sao cơ thể ông Harrison lại sản xuất được những kháng thể hiếm, nhưng cho rằng nó có liên quan tới lượng máu ông được truyền từ hồi nhỏ.
Chia sẻ với CNN trong lần thứ 1.101 đi hiến máu, ông Harrison hài hước nói: “Có lẽ tài năng duy nhất của tôi là trở thành một người hiến máu”.
Tại trung tâm hiến máu, ông chào hỏi các y tá thân quen. Như thường lệ, ông ngoảnh mặt đi khi họ đâm kim tiêm vào, trong khi tay phải nắm chặt một quả bóng màu cam giúp giảm căng thẳng.

(Ảnh dẫn qua Abcnewsgo)

Khi một phóng viên hỏi liệu điều ông đang làm có phải là sự dũng cảm không, ông Harrison nhắm nghiền mắt và lắc đầu.

“Đó là điều khác thường của James. Ông ấy nghĩ việc ông ấy hiến máu cũng giống như những người khác. Ông không nghĩ rằng ông thật xuất sắc”, anh Falkenmire nói.
Năm 2013, ông James Harrison đã nhận danh hiệu “Người đàn ông với cánh tay vàng” được ghi vào sách Kỷ lục thế giới Guinness, cùng với những danh hiệu lớn nhỏ khác, từ Huân chương trao tặng người có thành quả xứng đáng được vinh danh đặc biệt của Úc năm 1999 đến hình trang bìa quyển sách vàng nơi ông ở năm 2013.
Nhưng trong các cuộc phỏng vấn, ông Harrison luôn nói phần trọn vẹn nhất trong cam kết hiến máu của ông là những đứa trẻ ông đã giúp cứu sống – gồm cả những đứa cháu của ông.
“Nói rằng tôi tự hào về James (bố tôi) là không đủ”, cô Tracey Mellowship, con gái ông Harrison viết trên Facebook tháng trước, nói rằng cô đã được tiêm Anti -D năm 1992 sau khi sinh con trai đầu lòng. “Để gửi lời cảm ơn tới bố sau đó tôi đã sinh một cậu bé khoẻ mạnh khác vào năm 1995… cảm ơn bố đã cho con cơ hội có được hai đứa trẻ khoẻ mạnh – các cháu của bố.”
Ở tuổi 81, ông đã qua ngưỡng tuổi cho phép được hiến máu, và trung tâm truyền máu đã quyết định ông Harrison phải ngừng hiến máu để bảo vệ sức khoẻ, tờ The Sydney Morning Herald đưa tin.
Khi ông Harrison ngồi trong ghế hiến máu, bốn quả bóng bay màu bạc lấp lánh những con số 1 1 7 3 –  phía trên, thể hiện 1.173 lần ông hiến máu. Nhiều bậc cha mẹ đã đến bệnh viện tham dự buổi lễ – bế theo những em bé ông từng cứu sống.

Ông Barlow nói với tờ The Sydney Morning Herald: “Chúng ta sẽ không bao giờ được thấy lòng tốt của ông nữa, ông luôn khoẻ mạnh và sẵn sàng và dòng máu của ông đủ mạnh mẽ để liên tục hiến trong cả một quãng thời gian dài như thế là rất, rất hiếm có”.
Các nhân viên hội truyền máu nói họ hy vọng sẽ có thêm nhiều người hiến máu khác; có lẽ sẽ có một James Harrison khác trong số đó. Hiện thời có khoảng 200 người hiến máu cho chương trình Anti-D. Hội nhóm hiến máu Australian Red Cross Blood Service trực thuộc Hội Hồng Thập Tự Úc từng nói: “Lòng tốt của ông đáng được để lại thành di sản và đặt ra thách thức cho cả cộng đồng nếu muốn đánh bại kỷ lục đó”. Ông Harrison nói với Hội Hồng Thập Tự là ông hy vọng rằng di sản 1.173 lần hiến máu của ông sẽ được phá vỡ.


(Ảnh dẫn qua timeanddate)

Đúng như người ta vẫn thường nói, lòng tốt trên đời là một vòng tuần hoàn, người cứ cho đi rồi người lại nhận lại. Chúng ta đem yêu thương gửi tặng một người, rồi yêu thương đó lại được nhân mầm tới biết bao người khác. Chỉ cần trên thế giới này, trong lòng mỗi người ươm một hạt giống lòng tốt, như thế chẳng phải thiên nhiên của tình người sẽ lại tươi xanh và xum xuê trở lại, sẽ không còn những đau khổ và thương tổn ngoài kia. Xin hãy yêu thương khi còn có thể…
Xuân Dung
Phim ngắn Xưng Tội - giải nhất phim ngắn
Phim ngắn 10 phút đoạt giải thưởng hạng nhất của Đại Hàn (nói tiếng Hàn, có phụ đề Việt ngữ). 

https://www.facebook.com/ChuaJesus/videos/1523403754376494/
Món ăn lạt lẽo nhưng có giá đến 1,000 euro 1 ký ở Tây Ban Nha



Món lươn non (giống cọng mì) với tôm phổ biến tại Tây Ban Nha. (Getty Images)

ASTURIAS – Một thời từng là thực phẩm cho gia súc, nhưng qua thời gian, đến nay món lươn non, còn gọi là angulas, đã trở thành một trong các món ăn đắt tiền nhất của Tây Ban Nha, và nhiều người vẫn không hiểu được tại sao món này đắt đỏ đến vậy.

Khi còn sống, lươn non trong suốt, mỏng, và run rẩy như những con rắn con. Khi đã nấu chín, chúng có màu đục với hai con mắt đen nổi bật. Nhiều người cho rằng, đôi khi các món ngon không có ngoại hình quá nổi bật, điều quan trọng chính là hương vị. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, lươn non gần như không có mùi vị gì cả, nhưng lại có giá đến 1,000 euro ($1,165 Mỹ kim) một ký. 

Một số người, thậm chí là chính người Tây Ban Nha, cũng không hiểu tại sao lại có người chịu trả nhiều tiền như vậy cho món lươn non. Nhiều người tin rằng, chính cách chế biến kiểu truyền thống, là xào lươn trong dầu olive cùng tỏi ớt, mới là điều khiến món này có hương vị. 

Giống lươn này có vòng đời hết sức phức tạp. Chúng sống ở vùng nước sạch, thở qua da và có thể di chuyển trên đất một khoảng cách dài. Khi lươn khoảng 10 tuổi, chúng sẽ bơi ngược dòng chảy của sông, băng qua châu Âu để đến Đại Tây Dương, và bằng một cách nào đó mà khoa học vẫn chưa hiểu được, chúng xuất hiện ở biển Sargasso ở Bắc Đại Tây Dương, cách khởi điểm của chúng 5,000 cây số.

Sống ở độ sâu hơn 500 mét là một kỳ tích với giống loài sống gần như cả cuộc đời ở vùng nước ngọt và cạn. Lươn đẻ trứng và chết. Trứng trôi dạt trên dòng hải lưu Gulf Stream về phía châu Âu và nở thành lươn non. Một hành trình của chúng mất khoảng 2 năm. Khi lươn non cuối cùng về đến bờ biển Đại Tây Dương của Tây Ban Nha. Các ngư dân đã đợi sẵn để đánh bắt. Mùa lươn non bắt đầu từ tháng 11, và thời gian để bắt được nhiều lươn non nhất là vào những đêm lạnh nhất, tối tăm nhất, mưa to nhất. Việc đánh bắt khó khăn hơn cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá của lươn non rất cao.

Đợt đánh bắt lươn non đầu tiên bao giờ cũng giúp ngư dân thu về nhiều tiền hơn những đợt sau đó. Năm 2016, mẻ lươn non đầu tiên thu hoạch trong năm nặng 1.25 ký, và được bán sỉ nguyên cả mẻ với giá 5,500 euro. Tuy nhiên, ở đợt đánh bắt thứ hai, số lượng tương tự đã được bán với giá 1,070 euro. Ông José Gonzalo Hevia - chủ nhà hàng Casa Tista ở Asturias - cho biết, có những khách hàng đã đến nhà hàng của ông từ 20 đến 30 lần vào một mùa, chỉ để ăn những con lươn non. Ông Hevia từng hỏi một số vị khách rằng, điều gì khiến họ thích món lươn non đến vậy, và các vị khách cho biết họ thích cảm giác trơn tuột và hơi giòn của con lươn non. 

Món lươn non tại Tây Ban Nha đang càng lúc càng hiếm hoi, do loài này đang dần bị giảm số lượng vì môi trường thay đổi, khiến giá của chúng càng thêm đắt đỏ. Tuy vậy, đối với nhiều người Tây Ban Nha, món lươn non là món không thể thiếu trong những ngày lễ quan trọng trong năm. ​

HỒN  MA  NĂM 


Truyện của Phương Lan

 
Diễm Lan mồ côi mẹ, cô sống với bà ngoại trong một khu nhà tồi tàn ở vùng Khánh Hội.  Dân ngụ cư ở đây đa số đều sống bằng những nghề lao động chân tay như thợ mộc, thợ hồ, phu khuân vác, đạp xe xích lô, bán hàng rong… Buổi sáng, họ túa đi các nơi kiếm ăn, buổi chiều mới trở về cái tổ ấm thân yêu của mình, và những mái tranh nghèo lại toả khói lam những bữa cơm chiều.  Dân trong xóm đa số là những người lương thiện, cũng có một số ít kẻ lưu manh, nhưng họ lường gạt, hoặc làm những chuyện xấu xa ở đâu không biết, đối với người lối xóm đồng cảnh nghèo, họ cũng tỏ ra tử tế, không doạ nạt, húng hiếp ai.  Hai bà cháu sống yên ổn trong cái xóm nghèo đó cũng đã khá lâu..  Nghe đâu gia đình cô lúc trước cũng thuộc loại giàu có, chỉ sau này mới xa xút.  Bà ngoại buôn bán lặt vặt để nuôi cháu, đem hết tình thương ra bù đắp cho đứa cháu mồ côi.  Diễm Lan được đến trường, được mặc quần áo đẹp như những con nhà khá giả khác, cô sung sướng sống trong sự bảo bọc, yêu thương của bà ngoại.  

Cho tới một ngày, cô đủ lớn khôn để hiểu rằng không có cha mẹ là một điều bất hạnh, một sự mất mát lớn lao, không gì có thể bù đắp.  Cô chỉ biết mẹ cô chết lúc còn rất trẻ, năm đó cô mới lên ba tuổi.  Nhưng còn cha?  Diễm Lan cảm thấy vô cùng bối rối, và xấu hổ mỗi khi phải điền hai chữ “vô danh’’ vào mẫu khai lý lịch của nhà trường, chỗ trống để dành cho tên của người cha.  Đã nhiều lần cô hỏi bà ngoại, thì bà chỉ nói: 

-  Cha cháu còn sống, nhưng không muốn nhìn cháu, thôi đừng hỏi  nữa.

Điều này làm cô càng thêm thắc mắc và đau khổ, vì không muốn làm buồn lòng bà ngoại, cô không dám hỏi tới, nhưng nhủ lòng nhất định sẽ phải tìm hiểu.  Con nhà nghèo, nhưng Diễm Lan có dáng dấp quí phái và rất xinh đẹp, càng lớn lên, cô càng giống mẹ như đúc, so với ảnh của mẹ cô chụp thuở còn là học trò, người ta cứ tưởng hai người chỉ là một.

Năm Diễm Lan mười sáu tuổi, bà ngoại cô qua đời vì biến chứng của bệnh tiểu đường.  Trước khi mất, bà cầm tay cô dặn dò: 

-  Theo ý nguyện của mẹ cháu, lẽ ra bà không nói cho cháu biết cha cháu là ai, nhưng đây là trường hợp bất khả kháng. Bà cứ tưởng có thể sống tới ngày nuôi cháu nên người, nào ngờ…

Trong tiếng khóc sụt sùi của cô cháu gái, bà bắt đầu kể:

-  Gia đình mình trước đây ở Đà Lạt.  Ông ngoại cháu làm nghề thầu cung cấp gỗ cho các xưởng cưa ở Sài Gòn.  Dạo đó Đà Lạt còn nhiều khu rừng rậm, có những cây cổ thụ sống trên cả trăm năm, cho nhiều gỗ quí, thật là một môi trường thuận lợi cho những nhà khai thác.  Ông ngoại là một trong số những người tiên phong đi khai hoang, một công việc nguy hiểm, nhưng kiếm được rất nhiều tiền.  Gia đình mình khá giả nhờ đó, công việc làm ăn đang hồi phát đạt thì xảy ra một tai nạn, ông ngoại không may bị cây đổ đè chết.  Lúc đó mẹ cháu mới vừa mười hai tuổi.  Ông bà ngoại hiếm hoi, chỉ có một mình mẹ cháu, bên nội cũng chẳng còn ai, bà phải một mình bương chải nuôi con.  

Diễm Châu càng lớn càng xinh đẹp, nổi tiếng một thời là hoa khôi của trường Bùi Thị Xuân, thanh sắc không ai bì, chỉ phải cái tính hơi lãng mạn.  Nhà không có đàn ông, thật khổ, bà mải lo kiếm sống, không ai kềm cặp, dạy dỗ, Diễm Châu không chú tâm vào việc học, mà chỉ thích mơ mộng những chuyện viển vông.  Năm mười bảy tuổi, vì mê đóng phim nên Diễm Châu sa vào cạm bẫy của một ông đạo diễn, và bị ông này dụ dỗ đến mang thai.  

Ông Hoàng Vĩnh Điền tuổi gần bốn mươi, đã có gia đình, nhưng tính nết trăng hoa, chỉ thích lường gạt gái thơ.  Ông này ngoài bộ mã điển trai, bằng cấp tốt nghiệp từ bên Pháp, lại giữ chức vụ giám đốc sản xuất kiêm đạo diễn của hãng phim Rạng Đông, một hãng phim lớn, khá nổi tiếng thời đó, nên ông là mục tiêu của các cô gái nhẹ dạ tìm tới, mong tìm một chút hư danh.  Về phương diện nghệ thuật điện ảnh, ông là một đạo diễn tài ba, được thiên hạ nể phục, nhưng về tư cách thì ngược lại, thật đúng với câu hữu tài nhưng vô hạnh.  

Khi biết Diễm Châu mang thai, ông Hoảng sợ, chỉ lo bà vợ ghen của ông biết được, thì ông sẽ tiêu tan sự nghiệp, bởi vì tất cả tài sản, sự nghiệp cũng như địa vị của ông ngày nay đều do một tay bà ta tạo nên.  Để xoá tội, hắn lừa cho Diễm Châu uống thuốc phá thai rồi đưa về.  Ngay hôm sau, hắn lên máy bay, đi Thái Lan, tiếng là để quay phim, nhưng kỳ thật là để đi trốn.  Chẳng hiểu vì thuốc không đủ mạnh, hay vì số trời, nên Diễm Châu chỉ bị đau bụng sơ sài, nhưng vẫn giữ đưọc cái thai, vì thế nên cháu đã thoát chết.  Biết được âm mưu khốn nạn của hắn, Diễm Châu mới kể hết, thú tội với bà.  Lúc đó bà mới ngã ngửa trước sự thật phũ phàng, khỏi nói, cháu cũng hiểu nỗi đau đớn của bà lúc đó.  Gia đình mình ở Đà Lạt, mấy đời được tiếng thơm, nay bỗng chốc có cô con gái chửa hoang, còn nhục nhã nào  bằng?  Nhưng mẹ cháu đang lâm vào đường cùng, làm sao bà nỡ bỏ mặc? Thế là để tránh búa rìu dư luận, bà đã phải bán hết nhà cửa, âm thầm bỏ xứ ra đi. 

Hai mẹ con dắt díu nhau lên Sài Gòn, nơi thị tứ đông đúc, không ai biết tung tích của mình.  Mẹ cháu bụng mang dạ chửa, bà thì lạ nước, lạ cái, chưa tìm ra kế sinh nhai.  Ngồi không ăn mãi, núi của cũng hết, huống chi vốn liếng đâu có nhiều, gia đình mình bắt đầu sa sút.  Sanh cháu xong, bà ở nhà giữ cháu cho mẹ đi làm.  Diễm Châu làm thơ ký kế toán trong một hãng buôn để nuôi gia đình, bà buôn bán để kiếm thêm, tiện tặn thì cũng đủ sống.  Nhưng thuở nhỏ, cháu hay ốm đau, quặt quẹo luôn, ra vô bệnh viện thường như cơm bữa.  Vì sanh thiếu tháng, các cơ quan chưa phát triển kịp, tim cháu có một lỗ thông nơi vách ngăn giữa hai buồng tim. Thỉnh thoảng cháu hay bị những cơn khó thở, mặt xanh đi, nhiều phen nguy kịch, phải chở đi cứu cấp.  Đồng lương thơ ký ít ỏi của mẹ cháu không thể nào thanh toán được tiền thuốc men, tiền bệnh phí của cháu đã lên tới một con số khổng lồ.  Cùng túng quá, mẹ cháu phải liều lấy trộm tiền của công quỹ.  Việc đổ bể, sợ bị tố giác và bị đi tù, mẹ cháu phải ép lòng làm tình nhân của ông chủ hãng để có tiền chạy chữa cho cháu.  Không may, bà vợ lớn biết được, đến bắt ghen, làm ầm ỹ và đánh mẹ cháu đến bị thương tật.  Xấu hổ và nhục nhã, mấy mẹ con, bà cháu lại phải bồng bế nhau đi, dọn nhà đến xóm này từ dạo đó.  Do ảnh hưởng thương tích của trận đánh ghen, mẹ cháu lâm trọng bệnh, không thể đi làm được nữa.  Gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nghèo đói, bệnh tật cộng thêm nỗi uất ức đã lấy đi mạng sống của mẹ cháu.

Nói tới đây, bà ngưng lại để nghỉ, một cơn mệt dâng lên làm bà thấy khó thở.  Bà nhắm mắt lại một lúc, khi mở ra, mắt bà đã mờ đi rồi, nhưng câu chuyện cần phải kết thúc, bà gắng gượng nói tiếp:

-  Phần sau của câu chuyện thì cháu đã biết rồi.  Cũng may, nhờ trời thương, cháu càng lớn lên thì bệnh cũng theo đó mà thuyên giảm, rồi hết hẳn. Mẹ cháu trăn trối không muốn cho cháu nhìn cha cháu.  Nhưng, sau khi bà chết, họ hàng thân thích không còn ai, cháu sẽ bơ vơ không nơi nương tựa.  Thôi thì hãy tìm đến với cha cháu, hy vọng vì tình máu mủ, ông ấy sẽ không nỡ ngoảnh mặt làm ngơ…

Từ nãy giờ, Diễm Lan chỉ yên lặng lắng nghe, không nói một lời, bấy giờ cô mới ngẩng đầu lên, mắt đẫm lệ, cô nhìn bà ngoại trong cơn hấp hối, cảm thấy ruột gan như thắt lại.  Cô nắm lấy tay bà, nghẹn ngào nói gần như thì thầm:

-  Cháu biết sẽ phải xử sự ra sao, xin bà yên tâm. Thôi bây giờ bà ngủ đi, nãy giờ bà nói nhiều, mệt rồi.

Cô kéo chăn đắp cho bà, rồi rón rén đi ra cho bà ngủ, chính cô cũng cần được nghỉ ngơi, vì bỗng dưng cô cảm thấy choáng váng, hoa cả mắt.  Khép nhẹ cánh cửa, cô lảo đảo đi ra nhà ngoài.  Bà ngoại qua đời hai ngày sau đó.   

Diễm Lan trải qua một cơn khủng hoảng, những tiết lộ của bà ngoại về người cha tàn nhẫn làm cô bàng hoàng, đau đớn và phẫn uất.  Ông ta bây giờ đang sống sung sướng trong danh vọng, sang giàu, còn mẹ cô phải chết trong đói khổ, bệnh tật và oan ức.  Cô tự nhủ, bằng bất cứ giá nào, cô phải đòi lại công lý cho mẹ, để mẹ cô có thể ngậm cười nơi chín suối.  Tang ma cho bà xong, cô thu xếp nhà cửa, gởi người hàng xóm trông coi dùm, rồi khăn gói lên đường, đi tìm cha.  Cô chỉ đem theo số bạc ít oi bà ngoại để lại, và một ít quần áo cũ của mẹ.

Thật chẳng khó khăn tí nào khi tìm ra tông tích một người giàu có, tăm tiếng trong một cái tỉnh nhỏ bé là thị xã Đà Lạt này.  Diễm Lan đến trước ngôi biệt thự sang trọng, nằm ẩn mình dưới bóng mát của những hàng cây cao, trong một khu phố vắng vẻ, tĩnh mịch.  Lúc đó đã hơn 7 giờ chiều, trời đã nhá nhem tối, thành phố vừa mới lên đèn. Ánh đèn vàng vọt, yếu ớt, nhưng cũng đủ soi sáng tấm bảng bằng đồng gắn trên cánh cổng, có in chữ nổi tên chủ nhân của ngôi biệt thự.  Khẽ nhếch môi cười lặng lẽ, cô đưa tay lên bấm chuông…

Hoàng Vĩnh Điền, nhà đạo diễn, kiêm giám đốc của phim trường Rạng Đông đặt tập bản thảo truyện phim đang đọc dở qua một bên, rồi ngả đầu ra sau trong dáng điệu mệt mỏi.  Chuông đồng hồ vừa gõ bẩy tiếng rời rạc, trời sắp tối mà vẫn nóng hầm hập, nực nội làm sao.  Đà Lạt vào mùa hè thỉnh thoảng có những ngày oi ả, bầu trời như thấp hẳn xuống, tạo cảm giác ngột ngạt, khó thở, không một ngọn gió, nắng hanh làm khô da, nẻ môi. Thời tiết xấu tới nỗi những người khoẻ mạnh cũng cảm thấy khó chịu.  Từ lúc thấy mình không được khoẻ, ông đã giảm bớt công việc, mướn người làm phụ thêm, để có nhiều thì giờ nghỉ ngơi.

Sau khi bà vợ già của ông qua đời, đã gần mười năm nay, ông không lấy vợ khác, chẳng phải vì trung thành, hay còn lưu luyến người vợ cũ, người đã tạo dựng cho ông cơ ngơi ngày hôm nay, mà chỉ vì ông thích đời sống độc thân, tự do, thoải mái hơn.  Ông không thích sự ràng buộc, hơn ba mươi năm phải sống với bà vợ già, xấu xí, hợm của, lúc nào cũng gắt gỏng, cau có, làm cho ông chán không khí gia đình.  Bà chết đi, ông cảm thấy như trút được gánh nặng.  Gởi hai đứa con trai lớn đi du học bên Pháp, ông bây giờ tự do, thoải mái, tha hồ bay nhảy, ăn chơi mặc thích.  Ông thay nhân tình như thay áo, nay cô này, mai cô khác, toàn những cô trẻ đẹp.  Sống với họ một thời gian, khi cảm thấy chán, ông lại thay người mới.  Những cô nhân tình đến với ông vì tiền, ra đi cũng được ông đền bù một số tiền, nên không phàn nàn chi hết, chưa bao giờ ông gặp rắc rối trong vấn đề ghen tuông cả.  Ông quả là một người may mắn, công việc làm ăn đang hồi phát đạt, những phim do hãng ông sản xuất có rất đông khán giả, tiếng tăm ông nổi như cồn, số lợi nhuận thu vào không phải là nhỏ, ông sống đế vương như một ông vua nhỏ.  Tình, tiền, danh vọng đủ cả, ông thoả mãn với lối sống của mình, chẳng gì làm ông bận tâm, ông an nhiên hưởng thụ cuộc đời.  

Thỉnh thoảng có những phút giây hiếm hoi nhớ về quá khứ, cũng làm ông băn khoăn, nghĩ ngợi đôi chút, nhưng rồi ông lại gạt đi, tự nhủ cái gì đã qua nên để cho nó qua.  Chỉ có một điều làm ông bận tâm, là sức khoẻ của ông dạo này có hơi suy sụp, ông hay cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt.  Ông đi khám bác sĩ, nhưng cũng không tìm ra bệnh gì, có lẽ chỉ tại tuổi già, năm nay ông gần sáu mươi rồi, và có lẽ cũng do hậu quả của những năm tháng dài ăn chơi vô độ, ông nghĩ chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khoẻ lại. 

Chiều hôm nay, cả nhà đi vắng hết.  Ánh Tuyết, cô nhân tình trẻ đẹp của ông về Nha Trang thăm gia đình, ba tuần nữa mới trở lên. Chị bếp cũng đã ra về, sau khi rửa dọn xong chén bát của bữa cơm chiều.  Ngoài kia, trời bắt đầu tối, phố xá mới lên đèn, ở trong phòng lạnh mãi cũng bí, ông cảm thấy ngột ngạt, nên đứng dậy, bước ra ngoài cho thoáng.  Ông đi tản bộ trong vườn, cảm thấy dễ chịu hơn.  Thình lình chuông cửa chợt reo vang, ngạc nhiên ông tự hỏi:

-  Ai tới nhà mình vào giờ này nhỉ?

Ông lững thững bước ra cổng, bóng dáng một người con gái đứng khuất trong bóng tối làm ông chú ý, ông mở hé cổng và hỏi:

-  Cô tìm ai?

Một giọng trong trẻo cất lên, chứng tỏ cô ta còn rất trẻ:
-  Tôi muốn được gặp ông đạo diễn Hoàng Vĩnh Điền.
-  Chính là tôi, cô tìm tôi có việc gì?
-  Lát nữa ông sẽ rõ nguyên nhân.  Ông mời tôi vào nhà chứ?

Vĩnh Điền chăm chú quan sát người con gái đang đứng nép sau cánh cổng, như để thẩm định giá trị của cô ta thuộc hạng người nào.  Một ý nghĩ đểu giả chợt thoáng qua trong óc, ông mỉm cười, giọng bỡn cợt:

-  Cô đến tìm tôi vào giờ này, hẳn là có chuyện cần?  Nói ngay đi! để xem tôi có thể giúp gì cho cô?  Nếu tôi đoán không lầm, thì cô muốn xin một vai phụ diễn trong bộ phim sắp tới?

Một tràng cười cất lên, tiếng cười nửa như mỉa mai, nửa như chế diễu, làm ông nhột nhạt, vội tắt ngay nụ cười:

-  Ha ha! ông tưởng tất cả mọi người con gái trẻ tìm đến ông, đều chỉ vì mục đích đó sao?  Ông lầm rồi, câu chuyện tôi sắp nói đây, quan trọng hơn nhiều.  Nhưng chúng ta cứ đứng ngoài đường mãi ư?

-   Thôi được, mời cô vào!
Ông mở rộng cánh cổng rồi đứng tránh qua một bên, bấy giờ cô gái mới bước ra vùng có ánh đèn.  Ông hơi giật mình khi thấy mái tóc dài liêu trai và màu áo tím quen thuộc.  Khi nhìn rõ mặt cô ta, Vĩnh Điền bỗng lùi lại một bước, mặt tái nhợt, giọng lạc đi vì sợ hãi:

-  Có thể nào? không lẽ lại là…?
-  Phải, không sai đâu.  Cô ta cười nhạt, giọng mỉa mai, thì ra ông vẫn còn nhớ đến người xưa?

Ông bủn rủn cả người, lắp bắp:
-   Diễm Châu? có phải Diễm Châu hay không? nhưng cô đã chết rồi kia mà?
-  Đúng vậy, Diễm Châu đã chết thật rồi, nhưng chết đi đâu có nghĩa là mọi việc đều chấm dứt? ông đừng  hòng mong thoát tội!

Giọng cô gái bỗng dưng trở nên khác lạ, nghe khao khao, giống như tiếng của người từ cõi âm, hai luồng nhỡn tuyến của cô ta sáng quắc như hai đốm lửa, chiếu thẳng vào mặt ông.  Vĩnh Điền rùng mình, có cảm tưởng như oan hồn người chết vừa hiện về, ông sợ hãi vội đóng xập cổng, bỏ chạy thật nhanh vào nhà, ông nhào xuống giường, ôm ngực thở hổn hển như người sắp đứt hơi.  Nằm một lúc cho tim bớt đập,Vĩnh Điền hít vô một hơi thật sâu, cố lấy lại bình tĩnh, sự việc xảy ra đột ngột quá, những chuyện ngày xưa, ông tưởng đã chìm trong quên lãng, bây giờ đột ngột quay lại trong đầu ông như một cuốn phim.

Suốt đêm hôm đó, ông lục đục không sao ngủ được, cứ nhắm mắt là những hình bóng oan khiên trong quá khứ lại hiện về làm ông sợ hãi.  Ông tự hỏi có phải mình đang nằm mơ?  Diễm Châu quả thực đã chết từ lâu lắm.  Có lần đi đưa đám ma một người bạn tại nghĩa trang Gò Vấp, tình cờ ông đã trông thấy mộ nàng với tên, tuổi, hình ảnh khắc trên bia mộ rành rành, làm sao có thể lầm lẫn? Nhưng… nhưng mà… rõ ràng cô ta vừa hiện về, cũng với vóc dáng mảnh mai, mái tóc thề buông xõa ngang vai, màu áo tím quen thuộc ngày nào, cũng vẫn nụ cười có chiếc răng khểnh và nốt ruồi son trên môi… Bao nhiêu kỷ niệm cũ hiện về, ông mơ màng như đang sống trong dĩ vãng.

Bất chợt một luồng gió lạnh buốt thổi tới khiến ông rùng mình, Diễm Châu đột ngột xuất hiện ngay trước mặt ông, đang nhìn ông bằng cặp mắt oán hận.  Ông sợ hãi, quỳ xụp xuống đất, van lạy:

-   Tôi có lỗi với em.  Xin Diễm Châu tha thứ cho tôi, bao nhiêu năm qua, tôi hối hận nhiều rồi.

Nhưng bóng áo tím lắc đầu như muốn nói:
-  Tôi không tin, không tin…

Cô ta lùi dần, lùi dần, đến vách tường thì biến mất.  Còn đang bàng hoàng không biết tỉnh hay mơ, thì một hồi chuông điện thoại reo vang, kéo ông ra khỏi cơn mộng du.  Ông chụp vội lấy ống nghe, thoạt đầu, ông cứ tưởng là điện thoại của Ánh Tuyết, cô nhân tình trẻ đẹp của ông, cô ả có tính bốc đồng, hay gọi điện thoại vào những giờ giấc bất ngờ nhất, để nhõng nhẽo, vòi tiền, hoặc để kiểm soát xem ông đang làm gì. Nhưng không phải, bên kia đầu giây là một giọng nữ, giọng của cô gái lúc ban chiều:

-  Ông đang làm gì thế?  Tôi biết đêm nay ông không ngủ được, phải không?
-  Cô… cô là ai?  Vĩnh Điền hỏi, giọng lạc đi vì sợ, cô muốn gì?
-  Tôi là ai? điều đó không quan trọng.  Nhưng tôi tới đây để nói chuyện ngày xưa, nhắc ông phải nhớ đến những gì ông đã làm trong quá khứ.

Vĩnh Điền run lên lập cập:
-  Có… có phải hồn ma Diễm Châu?  Van cô tha tội cho tôi, việc xảy ra đã lâu, tôi bị lương tâm cắn rứt, tôi hối hận nhiều rồi.

-  Tôi không tin là ông hối hận, nếu hối hận thì trong bao nhiêu năm qua, sao ông không đi tìm con ông?  Ít ra ông cũng cần biết nó là trai hay gái? còn sống hay đã chết? sướng khổ ra sao? Đàng này ông ngoảnh mặt làm ngơ, chẳng màng đến giọt máu rơi…

- Con tôi? Ông lắp bắp, làm gì có chuyện đó? tôi đã cho Diễm Châu uống thuốc phá thai rồi mà?

-  Ông vừa thú nhận tội ác ông đã làm rồi đó nhé?  Giọng cô gái đột ngột trở nên giận dữ, sau khi lừa người đàn bà uống thuốc phá thai mà ông nói dối là thuốc dưỡng thai, ông đã bỏ đi luôn, không bao giờ thèm quan tâm đến số phận của bà ta ra sao.  Nhưng rủi cho ông, đứa bé không chết như ý ông mong muốn, nó ra đời trong hoàn cảnh vô cùng bi đát.  Trong khi ông sống trên đống bạc, thì con ông đói lạnh, và mẹ nó chết vì không tiền chữa bệnh.  Thật là tàn nhẫn… Hừm! người như ông làm gì có lương tâm mà bị cắn rứt? ông sẽ bị quả báo đó, ha ha ha…

Tiếng cười lanh lảnh như xoáy vào óc khiến ông bủn rủn, buông rơi điện thoại, đưa tay lên ôm lấy đầu, sợ hãi lẫn hoang mang.  Cứ thế, ông thức trắng đêm, sáng hôm sau ông kiệt sức và đâm ra ngớ ngẩn.  Những ngày tiếp theo, cảnh cũ lại tái diễn, bóng cô gái áo tím thấp thoáng sau cánh cổng, và những cú điện thoại lúc nửa đêm… Riết rồi ông đâm sợ những tiếng chuông cửa, và không dám nhấc cả điện thoại.  Có đêm, ông tưởng như nghe thấy tiếng chân bước đi trên cầu thang, và ông đã kêu rú lên kinh hoàng khi nghe tiếng khóc than, rên rỉ, tiếng người cãi cọ ngay tại phòng đọc sách kế bên.  Thật ra đó chỉ là âm thanh phát ra trong một phim kinh dị chiếu trên TV mà ông quên tắt.   Bây giờ thì ông lẫn lộn, không còn phân biệt đâu là thực, đâu là mộng nữa.  Ông bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ cả công ăn, việc làm, suốt ngày đi ra đi vào, lẩm bẩm nói chuyện với một người vô hình, một người mà ông ngỡ đã quên đi, nhưng trong thâm tâm ông vẫn biết là ông đã tự dối mình.  Bóng hình của người đó vẫn ám ảnh ông trong suốt quãng đời mười tám năm qua, và bây giờ cái bóng đó đang lảng vảng quanh ông.

Ba tuần sau, trở về nhà, Ánh Tuyết kinh ngạc thấy Vĩnh Điền đã biến thành một người khác, ông gầy xọp đi, và đầu óc không còn tỉnh táo.  Vội vã, cô đưa ông đi bệnh viện, tại đây họ làm đủ mọi thử nghiệm, nhưng cũng không tìm ra bệnh gì.  Bác sĩ cho ông uống thuốc an thần, và ông lảo đảo ra về.  

Đến mùa đông, sức khoẻ của Vĩnh Điền trở nên sa sút, nên ông ít đi ra ngoài.  Loanh quanh trong nhà một mình, ông cảm thấy buồn chán và cô đơn hơn bao giờ hết.  Phim trường đã đóng cửa, sang cho người khác, bạn bè không còn tới lui thăm viếng, Ánh Tuyết cũng đã bỏ đi, theo một anh tình nhân trẻ.  Ông muớn một người khán hộ ở luôn trong nhà để chăm nom, săn sóc thuốc men, và đêm hôm cho có bạn.  Lúc này ông hay bị mất ngủ, và thường xuyên phải dùng thuốc an thần. Ảnh hưởng của thuốc làm cho ông ngủ li bì, luôn luôn thấy ác mộng, có khi ông nằm mơ cả ban ngày.

Một buổi chiều cuối đông, sau một giấc ngủ dài do thuốc an thần, ông thức dậy trong trạng thái lâng lâng, nhẹ nhõm, ngực ông không còn đau tức và khó thở như mọi ngày.  Bên ngoài, trời bắt đầu tối, bây giờ mới hơn 5 giờ chiều, mà mặt trời đã đi ngủ sớm, ánh sáng yếu ớt của buổi chiều còn sót lại, chiếu qua tấm mành buông kín, cho ông một cảm giác dễ chịu.  Chắc ông ngủ quên lâu lắm, nhưng không thấy ai vào đánh thức.  Thấy căn phòng hơi tối, ông đưa tay toan bật đèn, nhưng lập tức ngưng lại, vì chợt cảm thấy một sự gì khác lạ đang xảy ra ở trong phòng.  Trong ánh sáng nhá nhem của buổi chiều tà, ông chợt trông thấy mờ mờ hình dáng của một người đàn bà đang đứng tựa bên cửa sổ, quay lưng lại ông.  Tim đập mạnh, hồi hộp, thoạt đầu ông ngạc nhiên tự hỏi Ánh Tuyết đã về à? cô ta tới đây lúc nào?  Nhưng rồi ông lại gạt ngay ý nghĩ đó, ông không tin Ánh Tuyết có can đảm trở về, sau khi đã cuỗm hết của ông một số tiền lớn và tất cả vàng bạc, nữ trang ông cất trong tủ.  Ông nghĩ có lẽ ông hoa mắt nên trông lầm. Ông nhắm mắt lại, định thần một lúc, khi mở ra, ông vẫn thấy cô ta đứng nguyên chỗ cũ, đầu hơi cúi xuống như đang cầu nguyện. Một luồng gió lạnh từ đâu bỗng thổi tới, làm ông lạnh giá cả toàn thân.  Ông khẽ liếc về phía cô gái, bây giờ ông mới để ý là cô ta có mái tóc dài, và mặc một cái áo kiểu xưa.  Chắc chắn không phải là Ánh Tuyết rồi, vì Ánh Tuyết tóc ngắn.  Một cảm giác rờn rợn làm ông nổi gai ốc, nhưng lạ thật, ông không cảm thấy sợ hãi.  Dáng dấp của cô gái có một vẻ gì quen thuộc, làm ông cứ nghĩ ngợi mãi, ông rất muốn cô ta quay lại để ông có thể nhìn rõ mặt, nhưng ông không dám lên tiếng, chỉ sợ cô ta biến mất.  

Bây giờ trời đã tối hẳn, căn phòng trở nên âm u, dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.  Không thấy người y tá vào phòng cho ông uống thuốc như mọi khi, không nghe một tiếng động nào cả, mọi người đâu cả rồi?  Mấy hôm nay, nhà ông nhộn nhịp lắm, khách khứa tới lui tấp nập, hai đứa con trai của ông từ bên Pháp cũng về thăm ông từ hai tuần trước, chắc sắp đến ngày chúng nó lên đường. Cảm thấy khát nước, ông toan ngồi dậy để lấy chai nước để trên cái bàn cạnh giường, nhưng vì yếu quá, nên việc này cũng làm ông mệt.  Ông cất tiếng gọi, nhưng tiếng nói yếu ớt của ông không thoát ra khỏi cổ họng.  Ông đành bất lực nằm im, lắng nghe một cảm giác lạnh buốt từ ngực đang từ từ lan xuống tới chân.

Hình như có người vừa bật đèn, một luồng ánh sáng kỳ lạ, giống như sương mù toả khắp căn phòng, che mờ mọi đồ vật, chỉ có cô gái là rực sáng và càng lúc càng rõ nét.  Cô ta quay lại, Vĩnh Điền giật mình, nhận ra khuôn mặt xinh đẹp của cô nữ sinh hoa khôi trường Bùi Thị Xuân năm nào, ông thảng thốt kêu lên:
-   Diễm Châu!

Diễm Châu, phải, người đó chính là Diễm Châu, mỉm cười dịu dàng:
-  Ông vẫn chưa quên em ư?

-   Làm sao tôi quên em được?  Từ trong tiềm thức, hình ảnh của em vẫn in rõ rệt trong ký ức tôi.  Nhắc chuyện ngày xưa, quả thật tôi đã làm điều sai quấy với em, nhưng chuyện xảy ra đã lâu rồi, bỏ qua cho tôi, em nhé?

Ông ngồi dậy, rời khỏi giường, cảm thấy thân mình nhẹ bổng như không còn một tí trọng lực nào cả, ông đưa hai tay lên, chới với bước về phía nàng, nhưng Diễm Châu lùi lại để tránh. Vĩnh Điền quỳ xụp xuống chân nàng, van lạy:

-  Bây giờ tôi mới biết sám hối.  Những gì tôi đã gây ra, không thể tha thứ được, tôi biết chỉ có cái chết mới có thể rửa sạch được tội lỗi của mình.

Diễm Châu nhìn ông bằng cặp mặt thương hại:
-  Thì ông đã chết rồi.  Nhìn kìa!

Ông quay lại, và nhìn thấy thân thể ông nằm ở trên giường, co quắp, hai tay ôm lấy ngực, miệng há ra như người đang kêu cứu, một dòng nước bọt xùi ra từ hai bên mép.  Hai đứa con trai ông đứng bên cạnh giường, một đứa vuốt mắt cho ông, đứa kia đang từ từ kéo tấm mền trắng phủ kín toàn thân ông.  Ô! thì ra ông đã chết thật rồi.
 
PHƯƠNG LAN
Việt cộng con

Viết theo lời kể của một cô gái người Bắc.

Đương nhiên, tên của tôi không phải là “Việt Cộng Con” rồi. Và tôi cũng không phải là Việt Cộng, xin bảo đảm một trăm phần trăm.

Tên tôi là Trinh, Trần Thị Ngọc Trinh. Tôi lấy chồng là một người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Con trai tôi tên là Nam, cháu nay đã được năm tuổi rồi. Mỗi lần về thăm nhà, cháu luôn luôn hãnh diện khoe với ông bà ngoại:

“Ông ơi, bà ơi, cháu là con của Lính Cộng Hòa đấy.”

Tức là, tôi không có dính dáng gì đến Việt Cộng cả. Vậy thì tại sao tôi lại có cái tên... “Việt Cộng Con”?

Theo lời bố tôi kể lại, bố mẹ tôi quê quán ở Phú Thọ, sau chuyển về Hà Giang. Đến năm 1979 thì mới về Hà Nội ở. Lúc đầu, gia đình tôi không có "hộ khẩu", phải sống tạm bợ ở gầm cầu. Hàng ngày, ba mẹ tôi đi ra chợ, bến xe hàng hay là bến xe lửa xuyên Việt đứng chờ công việc làm, ai nhờ việc gì thì làm việc nấy, thông thường là khuân vác, đẩy xe, cưa cây... Kiếm được việc làm không phải dễ, vì ba mẹ tôi là dân mới tới, thường bị đám người sống lâu năm ở chợ tranh dành đuổi đi đừng ở nơi xa chứ không cho đứng ở gần chợ.

Một hôm, có một đoàn người gồm đa số là đàn bà từ miền Nam vào, nhờ đẩy hàng đi Hà Giang. Hà Giang cách Hà Nội cả trăm cây số, đám đầu nậu không biết địa thế, hơn nữa, vì Hà Giang gần núi, có nhiều sơn lam chướng khí, nên không ai dám nhận đi hàng, bọn chúng mới gọi bố mẹ tôi đến mà bố thí cho việc làm. Tưởng đi đâu chứ Hà Giang thì bố mẹ tôi sống ở đó từ nhỏ, biết từng góc rừng, từng con đường mòn xuyên qua núi. Thì ra đó là những người vợ, con của Lính Cộng Hòa bị đi tù cải tạo. Từ Hà Nội đến Hà Giang thì có xe hàng, nhưng từ Hà Giang tới các trại tù thì phải gánh hàng đi bộ nhiều ngày mới tới.

Bố mẹ tôi chịu cực khổ đưa những người khách hàng đến tận nơi, chờ họ gặp người thân xong xuôi rồi lại đưa họ trở về ga Hàng Cỏ Hà Nội. Những người này cám ơn bố mẹ tôi và tặng tiền nhiều lắm. Sau chuyến đi đó, bọn đầu nậu đứng bến có vẻ nể nang bố mẹ tôi, không dám dành mối như trước nữa. Thực ra, cũng vì không có đứa nào biết đường đi nước bước ở Hà Giang và những vùng xa xôi có trại tù cải tạo, nên bố mẹ tôi hầu như được độc quyền đưa đón thân nhân những người tù cải tạo. Những người này vừa tử tế lịch sự, vừa cho tiền thưởng khá, vì thế, cuộc sống của gia đình tôi mới đỡ vất vả. Nhờ có ít tiền, bố mẹ tôi mới... mua được hộ khẩu ở Hà Nội và cho anh em chúng tôi đi học. Trong thời gian đưa đón những người Miền Nam này, bố mẹ tôi đã được họ tin tưởng, vui vẻ nói chuyện và còn chỉ dẫn cách nấu những món ăn ở Miền Nam, như là bánh xèo, bánh phồng tôm, chả giò... Đã có một lần, một nhóm người vì phải mang theo nhiều hàng, lại già yếu bệnh tật, nên đã nhờ bố mẹ tôi vào Nam để mang hàng từ đó ra ngoài Bắc cho họ. Nhân dịp này, họ đã đưa bố mẹ tôi đi chợ mua những món hàng cần thiết và đãi bố mẹ tôi ăn một bữa no say.

Đến khi những người đi thăm thân nhân tù cải tạo vơi đi dần, bố mẹ tôi liền giải nghệ mà mở một quán ăn nhỏ, chuyên bán những “Món Ngon Miền Nam”. Thời gian đó, bất cứ món hàng nào có xuất xứ "Miền Nam" đều được dân miền Bắc thèm muốn, mua bằng hết, từ cây kim sợi chỉ, nói chi tới những Món Ngon Miền Nam. Cửa hàng của bố mẹ tôi vì thế mà lúc nào cũng đông khách.

Học xong đại học, tôi xin đi làm cho chính phủ, thời gian rảnh thì phụ bố mẹ tôi trông coi công việc. Cửa hàng bán những món ăn Miền Nam của bố mẹ tôi càng ngày càng phát triển, không những chỉ bán hàng ăn, bố mẹ tôi còn mở công ty, mua nhiều loại hàng ở Miền Nam đem ra Bắc bán nữa.

Trong thời gian làm việc, tôi đã được tiếp xúc với một số bạn bè đi du học trở về, đa số đều nói ngoại ngữ rất khá, và đều vào Sàigòn làm việc, chứ không chịu ở lại ngoài Bắc, dù rằng Hà Nội mới là thủ đô. Tôi bắt chước bạn bè, xin bố mẹ tôi cho vào Nam làm việc, nhân tiện làm đầu cầu mua hàng trong Nam đem ra Bắc.

Vào tới Sàigòn rồi, đi làm một thời gian rồi, tôi mới thấy là giữa những người giữ chức vụ cao, được gọi là "lãnh đạo cơ quan" mặc dù là học thức kém, tầm mức hiểu biết về việc làm rất là hạn chế, nhưng lại là những người ngồi mát ăn bát vàng, hống hách với dân chúng nhiều nhất. Càng tỏ ra khó khăn, họ càng được hối lộ và lấy đuợc nhiều tiền trong công quỹ. Những người có bằng cấp, biết làm việc và phải tiếp xúc với dân chúng nhiều như chúng tôi thì lại bị đẩy cho làm việc thật là nhiều. Và cũng vì sự hống hách quan liêu của cấp trên, mà chúng tôi bị vạ lây, bị dân chúng miền Nam ghét bỏ. Thậm chí, chỉ nhìn thấy chúng tôi, hoặc chỉ cần nghe giọng nói của chúng tôi thôi, họ đã bỏ đi, không quên nói nhỏ với nhau: "Cái đồ Bắc Kỳ... thấy ghét"

Mặc dù những điều kiện mà chúng tôi giải thích, là do cấp trên đòi hỏi, chứ chúng tôi không hề muốn làm như vậy.

Một vài lần, tôi được dịp may tiếp xúc với những người ngoại quốc tới làm việc chung với chúng tôi, họ có kiến thức rất cao, nói chuyện rất lịch sự. Cũng có những lần tôi được tiếp xúc với vài du khách đến nhờ làm thủ tục, tôi thấy họ nói chuyện cũng hòa nhã và rất hiểu biết. Tầm mắt và kiến thức của tôi được mở rộng, tôi muốn được đi du học để mở mang trí tuệ, và cũng để có thể giúp cho công việc làm ăn của gia đình tôi được phát triển hơn. Tôi đem việc này ra bàn với bố mẹ tôi, cả hai đều đồng ý, nhất là ông bà nội của tôi. Chọn nơi học mới là điều khó khăn hơn cả. Đa số các bạn bè của tôi chọn đi học ở Mỹ (nhất là những đứa có cha mẹ có quốc tịch đảng), tôi lại thấy Úc là xứ sở hiền hòa có nhiền nét về văn hóa nghệ thuật, nên tôi đã chọn môn học về Tài chánh ở trường Đại Học RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology), Melbourne, nước Úc.

Dù là đã có một ít vốn liếng tiếng Anh đã học ở trường học cũng như trường đời, nhưng ngày đầu tiên đến giảng đưởng nghe giảng bài, thú thực là tôi như con vịt nghe sấm, chẳng hiểu ông Giảng viên tóc vàng nói cái gì cả, vì giọng của ông hoàn toàn là giọng Úc, khác xa với những phát âm theo tiếng Mỹ mà tôi đã từng nghe ở Việt Nam. Môn học kế tiếp thì tôi lại còn thua nặng hơn nữa, vì Giảng viên này gốc ngưởi Ấn Độ, tiếng Anh của ông còn pha nhiều âm thanh R R R thật là khó nghe.

Hai năm trời trôi đi thật nhanh, ngoài giờ học, tôi xin đi làm thêm ở những nhà hàng ăn ở đường Victoria, khu vực Richmond. Những nhà hàng này tuy bán món ăn Việt Nam nhưng đa số khách hàng lại là người da trắng, nên nhờ đó mà tiếng Anh của tôi đã khá hơn trước và cách phát âm cũng vì thế mà đổi hoàn toàn theo giọng Úc. 

Cuối cùng, tôi đã học xong cái bằng Master và sửa soạn khăn gói về nước. Bạn bè của tôi đa số xin ở lại Úc làm việc và sinh sống, tôi không có ý định ở lại, chỉ muốn về phụ giúp gia đình mà thôi.

Tôi mua vé máy bay về Sàigòn trước, nghỉ ở đó một ngày gặp bạn bè rồi mới về Hà Nội ở luôn. Ngồi bên cạnh tôi là một người đàn ông trung niên, ông không bắt chuyện với tôi mà chỉ ngồi im lặng, lâu lâu lại nhìn vào cái hộp sắt gắn kín đang cầm trên tay. Mãi khi xuống phi trường Changi để nghỉ hai tiếng, ông mới mở miệng nhờ tôi cầm dùm cái hộp sắt để đứng lên lấy hành lý để trên khoang xuống. Cái hộp tưởng là bằng sắt nhưng lại là hộp bằng nhôm rất nhẹ.

Ngồi trên ghế chờ đợi, ông mới cho tôi biết đó là cái hộp đựng tro của vợ ông. Vợ ông mới qua đời tuần trước, đã được hỏa táng và ông đem về Việt Nam để ở nhà mẹ vợ, theo lời trăn trối của vợ ông trước khi chết.

Tới phi trường Tân Sơn Nhất, ông chào và cám ơn tôi một lần nữa rồi ai về nhà nấy. Tôi không biết tên ông là gì và ông cũng chẳng bĩết tôi là ai?

Một năm sau, tôi quay trở lại Úc để dự lễ phát bằng cấp cho đứa em tôi. Đang đi trên đường Victoria, thật là ngạc nhiên, tôi đã gặp lại ông khách đi chung máy bay hồi nào. Ông cho tôi biết đã đem tro tàn của người vợ về xong xuôi rồi, đã đi làm trở lại. Tôi cũng cho ông hay là tôi đã xin được việc làm và đang làm việc ở Sàigòn, nhân dịp dự lễ phát bằng cấp cho đứa em, tôi xin nghỉ một tháng để đi thăm những thắng cảnh Úc mà trong suốt hai năm đi học tôi không có thì giờ đi đâu cả. Lần này ông cho tôi số điện thoại và nói nếu tôi muốn đi chơi thăm phong cảnh, ông sẽ xin nghỉ đưa tôi đi cho vui.

Thế là chúng tôi quen nhau. Ông tên Thanh, là Lính Cộng Hòa, ngày cuối cùng của cuộc chiến, ông là một Chuẩn Úy 18 tuổi mới ra trường, đánh trận đầu tiên và cũng là trận cuối cùng của đời lính. Ông có hai đứa con nhưng chúng nó đi làm ở Tiểu bang khác, lâu lâu mới về thăm nhà, còn tôi, tôi ba mươi lăm tuổi rồi, và chưa có ý định gì về tương lai cả.

Về lại Sàigòn, chúng tôi vẫn tiếp tục emails qua lại với nhau. Có một lần ông về Việt Nam thăm tro tàn của vợ và nhân dịp đó đi chơi uống cà phê với tôi. Qua năm sau, tôi muốn trở lại Úc một lần nữa để đi thăm Đảo San Hô ở Queensland, Thanh cũng xin nghỉ để đi chơi cùng với tôi.

Thanh đã ngỏ lời muốn cưới tôi làm vợ. Suy đi nghĩ lại, tôi tuy còn độc thân nhưng đã lớn tuổi rồi (so với Thanh thì tôi còn nhỏ lắm), nên đồng ý làm vợ Thanh.

Thanh làm bữa tiệc gia đình để ra mắt tôi với hai đứa con và bạn bè. Hai đứa con của Thanh nói toàn tiếng Anh, tụi nó không có ý kiến gì, miễn thấy ba nó vui là được rồi. Lần đầu tiên gặp những người bạn của Thanh, tôi vui miệng kể lại cuộc đi chơi ở Đảo San Hô:

“Thật là... Hoành Tráng chưa từng thấy. Đi xem đảo xong, chúng em đi phố mua hàng, chỗ nào cũng bán Khuyến mãi, thích ghê..”

Cả nhà đang ồn ào, tôi chợt thấy không khí có vẻ im lặng sau khi tôi nói chuyện, những người bạn của Thanh nhìn tôi có vẻ e dè lắm, họ vẫn nói chuyện, nhưng hình như không có nói chuyện với tôi. Một bà vợ của người bạn thân của Thanh đã hỏi thẳng tôi:

“Cô là... du học sinh hả? Lấy chồng già để... được ở lại Úc hả?”

Khi vào trong bếp lấy thêm đồ ăn, tôi thoáng nghe một người nào đó nói nhỏ với Thanh:
“Mày lấy... Việt Cộng Con đấy à?”

Tôi nghe Thanh trả lời:
“Đâu phải ai nói giọng Bắc cũng đều là Việt Cộng hết đâu!”

Tiệc cưới của chúng tôi mới là phiền phức, mặc dù chúng tôi chỉ tổ chức đơn giản thôi, nhưng bạn bè của Thanh nhận thiệp mời, họ đều có vẻ ngại ngùng, không muốn tham dự. Thanh nói với tôi:

“Ông Hội trưởng của anh họp cả hội lại để lấy quyết định... có dự tiệc cưới của anh hay không? Họ quyết định... đi với tư cách cá nhân mà thôi, vì dù sao cũng là bạn bè.”

Tôi ngần ngừ nói với Thanh:
“Anh ơi... nếu thấy khó khăn quá, hay là... mình đừng có lấy nhau nữa... Sao họ lại... kỳ thị với em như vậy? Em nói tiếng Bắc, vì em sinh đẻ ở ngoài Bắc, chứ em đâu có tội tình gì đâu?”

Thanh an ủi tôi:
“Em cũng phải hiểu cho họ, họ cũng như anh, đều là những người bị bọn Cộng sản Bắc Việt xâm chiếm đất nước, bắt tù bắt tội sống chết đủ điều. Suốt ngày họ nghe cái giọng Bắc kỳ mạt sát họ, nó thấm vào đầu, nên không thể có cảm tình với cái giọng Bắc được. Anh hiểu em, nhưng họ chưa hiểu và chưa thông cảm cho em. Cứ để một thời gian, họ sẽ hiểu em đó mà.”

Tôi sinh đứa con trai đầu lòng, đặt tên cháu là Nam. Ngày thôi nôi, anh chị nó đến dự, vui vẻ thay phiên ẵm em, đứa con gái út của Thanh ẵm em vừa cười vừa nói:
“My... baby brother”

Những người bạn chúc mừng Thanh..... “Đáo Mã Thành Công”.

Khi tôi tháo chiếc dây chuyền hộ mạng của tôi đeo vào cổ cho Nam, một bà ngạc nhiên nhìn sợi giây mà hỏi tôi:
“Cái gì vậy?”

“Dây chuyền hộ mạng của em đấy.”

“Đẹp quá nhỉ! Ai khắc mà đẹp quá, hình như là hai cái mặt chữ khắc trên gỗ đen thì phải.”

Chồng tôi biết tôi có sợi dây chuyền này, nhưng coi đó là đồ nữ trang của tôi thôi, nên chẳng để ý đến. Khi thấy ai cũng nhìn vào nó, tôi vui miệng kể lại lai lịch của sợi giây chuyền cho tất cả cùng nghe:

Tôi sinh ra ở Hà Giang. Nói là Hà Giang chỉ để cho có nơi có chốn trên bản đồ mà thôi, chứ thực ra, nơi tôi sinh ra không có tên trên bản đồ miền Bắc. Đó là một nơi ở giữa rừng núi âm u không có vết chân người. 

Theo bố tôi kể lại, vào thời năm 1954, khi mọi người dân đều muốn di cư vào Nam, gia đình tôi gồm có ông bà nội, ba mẹ tôi và gia đình của các bác các chú đã gồng gánh từ quê lên Hải Phòng, để xuống tầu di cư vào Nam. Khi đang ở trên đường thì gặp một đám người khác cũng nhận là đi di cư và biết có một con đường tắt đi Hải Phòng rất gần, thế là cả bọn theo chân đám người này. Đến chiều tối thì có xe hàng tới chở tất cả, nói rằng đi xe cho chóng đến nơi. Xe chở đi tới một vùng rất xa, tài xế cho mọi người xuống mà nói rằng, nghỉ đỡ đêm nay, sáng mai sẽ có xe khác tới chở thẳng đến Hải Phòng. Ai cũng vui mừng trải chiếu ra ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, có xe tới đón thật, nhiều xe lắm, xe nào cũng chở đầy người. Mọi người vui mừng kéo nhau lên xe đi Hải Phòng. Xe đi cả ngày trời vẫn không tới vùng biển như mọi người mong đợi, trái lại, xe chở mọi người tới một nơi đầy lính canh có súng. Những người lính này chĩa súng bắt tất cả ngồi im không được hỏi han gì cả, họ khiêng từng miếng vải nhà binh tới phủ kín xe rồi bắt đầu chạy suốt đêm. Đến sáng mới tói nơi, cả bọn được đẩy xuống xe để bị chỉa súng bắt đi bộ vào trong rừng. Tới nơi, cán bộ tập họp mọi người lại, kết tội cả nhóm là đã phạm tội phản lại nhân dân, bỏ trốn vào miền Nam, bị đầy vào đây đến bao giờ được cách mạng và nhân dân khoan hồng, sẽ được về với nhân dân.

Đến lúc đó, mọi người mới biết rằng đã bị bọn Cộng sản đưa người ra dụ dỗ đi theo chúng để rồi bị đi đầy vào vùng rừng núi âm u không biết ngày về. Lâu lâu lại có từng đoàn người khác hoặc được xe chở, hoặc bị xiềng xích đi bộ ngang qua để tới những nơi xa xôi hoang vắng khác được gọi là “Cổng Trời”.

“Cổng Trời”
Vào khoảng năm 1960, có thêm một nhóm tù nữa được đưa tới Cổng Trời, đám người này thỉnh thoảng được ra ngoài làm rừng, họ tự xưng là “Biệt Kích Miền Nam” được thả ra Bắc để hoạt động, chẳng may bị bắt. 

Tôi sinh ra vào năm 1973 ở cái vùng rừng núi âm u, trại tù của những người muốn di cư vào Nam năm 1954 và trải qua thời thơ ấu ở giữa nơi núi rừng trùng điệp không bóng người này. Khi tôi được năm tuổi, một hôm đi theo cha chặt mây, đã bị ngã xuống hố sâu. Bố tôi bất lực nhìn thân xác của tôi mà không có cách nào để cứu. May thay, một nhóm Biệt kích đi ngang, thấy vậy đã thòng dây đu xuống tận vực xâu mà cứu tôi lên và đưa cả hai bố con tôi về tận nhà. Từ đó, lâu lâu những người Biệt Kích này lại đi ngang vào thăm gia đình tôi. Người Biệt kích cứu tôi nhận tôi làm con nuôi và đã gỡ sợi dây chuyền ông đang đeo để đeo vào cổ tôi mà nói:

“Tặng cho cháu cái bùa hộ mạng đó.”

Ông giải thích cho bố tôi biết, sợi dây chuyền này do ông đẽo gỗ trong rừng mà khắc thành hai chữ BK tức là Biệt Kích. Các chú này đã khuyên bố mẹ tôi nên tìm cách về thành phố mà sống, chứ đừng ở mãi nơi rừng hoang cô quạnh này mà bỏ phí cuộc đời của những dám con cháu.

Năm 1979, khi Trung cộng bắt đầu đánh Miền Bắc, những Biệt Kích đã bị đem đi nơi khác, bố mẹ tôi nhớ lời các Biệt Kích mà tìm đường trốn về Hà Nội, vì thế, tôi mới được đi học và sống cho đến ngày hôm nay.

Khi tôi kể xong câu chuyện, mọi người đều thay nhau cầm lấy sợi dây chuyền của con tôi một cách trân trọng và quý mến. Người bạn mà trước đây gọi tôi là “Việt Cộng Con” là người đầu tiên hỏi tôi:

“Gia đình của chị bị đưa đi... vùng kinh tế mới Cổng Trời đấy à? Chỉ vì muốn di cư mà bị đầy ải suốt hơn hai mươi năm trời đấy sao? Bọn Việt cộng chúng mày sao mà tàn ác thế! Cám ơn Trời Phật đã phù hộ cho gia đình chị, những người Việt Nam yêu Tự Do, còn sống được cho đến ngày hôm nay.”

Tôi mỉm cười nói thêm vào:
“Tôi cảm ơn Trời Phật và cảm ơn Chúa nữa. Ông bà chúng tôi không đi tìm Tự Do vào năm 1954 được, thì đến đời cháu tức là đời của chúng tôi, chúng tôi đã tìm được Tự Do rồi đấy. Nhờ các anh Biệt Kích Miền Nam mà tôi được cứu sống, nhờ lời khuyên của các anh mà bố mẹ tôi mới dám trốn vùng cải tạo để về được tới Hà Nội... Cũng nhờ những bà mẹ, bà vợ của những người Lính Miền Nam bị tù cải tạo mà bố mẹ tôi mói có cuộc sống đáng sống. Các anh chị thấy không, nhờ tình người, nhờ những người Miền Nam mà chúng tôi mới sống đến ngày hôm nay, chứ đâu có bác nào đảng nào cứu giúp chúng tôi đâu? Cũng vì thế mà dù có ai nói gì thì nói, tôi cũng cứ lấy người Lính Cộng Hòa mà tôi quý mến.”

Từ hôm đó, tôi thấy tất cả bạn bè của Thanh đã thay đổi thái độ với tôi. Các anh đã gọi tôi là “Chị Thanh” và các bà đã gọi tôi bằng “Trinh” hoặc là “Cô Em Gái Bắc Kỳ”.

Con tôi đã được năm tuổi rồi, cháu đã đi học mẫu giáo, tôi có thì giờ đi tìm một công việc tạm thời. Tôi tìm đến một văn phòng Luật Sư của người Việt để xin làm Điện Thoại Viên. Ông Luật Sư phỏng vấn tôi xong, nói với tôi:

“Để chú sắp xếp cho cháu làm hồ sơ nhé, còn công việc nghe điện thoại, chú sẽ tìm người khác”

Tôi thông cảm với ông Luật sư, mọi người vẫn còn... ác cảm, còn... kỳ thị với giọng nói Bắc Kỳ của tôi.

Tôi xin lỗi đã nói như vậy, nhưng thật sự tôi không biết dùng chữ gì để nói về hoàn cảnh của tôi.

Chồng tôi đã thông cảm với tôi, anh Thanh đã nói với tôi:
“Người ta nói “Cái áo không làm nên ông thầy tu” Nhưng thực sự cái áo đã làm cho người ta nhìn lầm nguời mặc nó là thầy tu. Em không những nói giọng Bắc, em còn dùng những từ ngữ mà cái đám Việt cộng thường dùng, ngay cả những người Miền Nam hay những người Lính Cộng Hòa mà nói cái giọng đó, cũng bị ghét, nói chi là Bắc Kỳ rặt như em.

Em cứ giữ cái giọng Bắc Kỳ của em, nhưng em đừng... Hoành Tráng, đừng... Bức Xúc nữa, có được không?”

Tôi suy nghĩ... Đúng! Chồng tôi nói đúng.
Nhập Gia Tùy Tục – Nhập Giang Tùy Khúc.
Tôi đã lấy chồng Lính Cộng Hòa rồi, mà tôi lúc nào cũng có cái giọng Bắc Kỳ Hai Nút (75, Bắc kỳ chín nút tức là Bắc kỳ 54) thì ai mà chịu nổi.
Bây giờ, tôi không còn... “Xử Lý” nữa, mà tôi phân tích, tôi tìm hiểu từng trường hợp mà giải quyết cho thỏa đáng. Mỗi khi đi ra ngoài đường, nghe tôi nói chuyện, không còn ai quay lại nhìn tôi rồi bỏ đi chỗ khác nữa.

Đôi khi, những ông bà bạn của anh Thanh vẫn gọi tôi là “Việt Cộng Con”. Nhưng họ nói chỉ để mà đùa dỡn mà thôi, chứ không còn châm chọc như trước nữa.

Riêng phần con tôi, cháu Nam, lúc nào cháu cũng khoe:
“Con là con của “Lính Cộng Hòa” mà!”

NGƯỜI VIỆT CỦA TÔI, LÀ THẾ ĐẤY.

NGUYỄN KHẮP NƠI

Blog Archive