Người Việt Online
Bà Châu Thị Thu Nga. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI (NV) – Báo Tuổi Trẻ cho hay trong phiên tòa hôm 5 Tháng Mười, cựu Đại Biểu Quốc Hội Châu Thị Thu Nga “hai lần xin khai về $1.5 triệu ‘chạy’ đại biểu Quốc Hội nhưng không được chủ tọa cho phép vì không nằm trong phạm vi vụ án.”
Bà Châu Thị Thu Nga. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI (NV) – Báo Tuổi Trẻ cho hay trong phiên tòa hôm 5 Tháng Mười, cựu Đại Biểu Quốc Hội Châu Thị Thu Nga “hai lần xin khai về $1.5 triệu ‘chạy’ đại biểu Quốc Hội nhưng không được chủ tọa cho phép vì không nằm trong phạm vi vụ án.”
Bà Nga, tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Đầu Tư Xây Dựng Nhà Đất Housing Group, cùng chín đồng phạm phải ra tòa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.” Dự tính phiên xử kéo dài 20 ngày.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật: “Khi [Luật Sư Hoàng Văn Hướng] đặt câu hỏi thẩm vấn cho bà Nga đã đề cập đến khoản tiền $1.5 triệu (đôla) mà bà Nga đã khai là dùng để ‘chạy’ đại biểu Quốc Hội. Bà Nga xin phép trả lời nhưng chủ tọa nói rằng nội dung này nằm trong tổng số tiền hơn 157 tỷ đồng ($6.9 triệu) chi không có chứng từ của bà Châu Thị Thu Nga. Cơ quan cảnh sát điều tra đã lấy lời khai của những người mà bà Nga khai đã đưa tiền nhưng những người này đều không thừa nhận. Tiến hành đối chất, bà Nga và những người liên quan đều giữ nguyên lời khai của mình.”
“Do thời hạn điều tra đã hết nên ngày 9 Tháng Sáu năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An ra quyết định tách nội dung này để điều tra làm rõ. Chủ tọa phiên tòa cho rằng nội dung này không nằm trong phạm vi vụ án nên luật sư không hỏi làm mất thời gian. Sau khi luật sư đã thẩm vấn xong, bà Nga còn nán lại vành móng ngựa xin được trả lời về nội dung này nhưng chủ tọa phiên tòa yêu cầu bà về chỗ,” theo báo Tuổi Trẻ.
Hôm 5 Tháng Mười, từ Hà Nội, Luật Sư Trần Vũ Hải bình luận: “Vị chủ tọa không cho bị cáo khai về số tiền ‘chạy đại biểu Quốc Hội’ với lý do không trong phạm vi vụ án là không khách quan, vô tư và trái luật tố tụng lẫn thực tiễn xét xử. Chính phiên tòa xử [các ông] Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn ngay tại Tòa Án Hà Nội này mấy tuần trước, tòa án đã để các bị cáo khai đưa cho ai tiền chi lãi ngoài, kể cả những vụ công an đang điều tra. Các tình tiết thành khẩn khai báo và tích cực giúp đỡ các cơ quan phát hiện tội phạm là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, nay tòa không cho bị cáo nói là tước đi quyền của bị cáo. Theo tôi, luật sư của bị cáo Nga cần khiếu nại ngay vị chủ tọa, yêu cầu triệu tập những người bị tố cáo nhận tiền của bị cáo ra đối chất! Tòa phải là nơi sự thật, công lý, bình đẳng được bảo đảm, chứ không phải nơi thẩm phán theo lệnh của ai đó chặn họng bị cáo và luật sư!”
Phiên họp Quốc Hội Việt Nam vào Tháng Mười Một năm 2016. (Hình: báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam)
Trước đó, Luật Sư Phùng Thanh Sơn ở Sài Gòn dẫn link bài về vụ khai chạy đại biểu Quốc Hội của bà Nga trên mạng xã hội và viết thêm: “Cái gì cũng có cái giá của nó cả. Nó không đơn thuần chỉ là đảng cử dân bầu! Giờ [tôi] mới hiểu tại sao năm 2007, mặc dù đã qua được hiệp thương vòng một, vòng hai nhưng Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Tây Ninh vẫn không cho [tôi] vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc Hội và cũng không cho biết rõ lý do.”
Phiên họp Quốc Hội Việt Nam vào Tháng Mười Một năm 2016. (Hình: báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam)
Hồi Tháng Chín, ông Đặng Ngọc Quang, giám đốc Trung Tâm Dịch Vụ Phát Triển Nông Thôn (RDSC) viết: “Cái ghế mà biết nói năng thì nhiều đại biểu hàm răng chẳng còn. Trong chế độ chính trị ở Việt Nam, giới doanh nghiệp không chỉ có thể kiếm chác từ quan hệ ‘lợi ích nhóm’ với giới cầm quyền hay giới chính trị. Họ còn trực tiếp tham gia nhóm chính trị qua việc kiếm ghế ở Quốc Hội hay hội đồng nhân dân để ‘tham nhũng chính sách’. Thuật ngữ tương đương trên thế giới là ‘bắt chính sách làm con tin’. Để rồi giới cầm quyền có một câu cửa miệng là ‘mọi việc đều đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật’. Khi pháp luật và chính sách đã là con tin, mọi bất công đều đúng pháp luật, chẳng phải vậy sao?”
Blogger Phùng Chí Kiên, người tự nhận mình là “một kẻ ‘Hà Nội phố’ bình thường và khinh bỉ những người theo Cộng Sản,” viết trên Facebook: “Mấy vị tự ứng cử [đại biểu Quốc Hội] sáng ra chưa? Chỗ người ta làm ăn mà cứ lao vào… Còn bọn thảo dân đã hiểu tại sao các loại luật, thông tư, nghị định… nhiều lúc như trò cuời chưa?”
Cựu tổng biên tập của báo Đại Biểu Nhân Dân Hồ Anh Tài viết: “Nghe nói đối chất không ai nhận. Vậy công khai đối chất để người đời phán xét. Ví dụ bà Nga bảo chạy vào Quốc Hội mất một số triệu đô la! Anh tổng thư ký Quốc Hội bảo chạy vào làm gì? Cơ quan chức năng không kết luận nổi, nhưng chúng ta tất nhiên có kết luận.”
Nhà báo Hoàng Linh của báo Tuổi Trẻ viết: “[Tôi] còn nhớ lời khai rúng động của bị cáo [cựu phó giám đốc công an Hải Phòng] Dương Tự Trọng năm nào, cho đến nay những nội dung đó đã chìm vào quên lãng.”
Hồi Tháng Năm năm 2014, báo điện tử VietNamNet đăng bài “Dương Tự Trọng ‘xin khai, không sợ ở tù’” trong phiên xử vụ ông này giúp anh trai là [cựu Cục Trưởng Hàng Hải Việt Nam] Dương Chí Dũng “trốn đi nước ngoài.”
Báo Thanh Niên ở thời điểm đó cho hay, trong phiên tòa, nhân chứng Dương Chí Dũng “khai đã đem $500,000 tới nhà Thứ Trưởng Bộ Công An Phạm Quý Ngọ.”
Nhà Hoạt Động Nguyễn Lân Thắng bình luận trên Facebook: “Chết dở, [cho bà Nga] khai thì lộ hết những thằng còn lại à!” (T.K)
---------
No comments:
Post a Comment