Wednesday, October 18, 2017

SƠ LƯỢC VỀ MÔN BÓI TOÁN


Đài Tiếng Nói Việt Nam tại Toronto và Montreal, phát thanh từ ngày 5 đến 8 Decembre 2002

Do Giáo Sư Phùng Quang Tuấn và nhà văn Võ Kỳ Điền, phần 2
……….

Phùng Quang Tuấn:…. Bạn tốt nghiệp đại học, có cái học khoa học luận lý Tây Phương, tại sao bạn lại thích những chuyện huyền bí mơ hồ như vậy ?

Đáp : từ nhỏ tôi thường có những quan niệm ngược đời, thường suy nghĩ khác thường và không được hướng dẫn đúng đắn, chọn ngành, chọn nghề như các cháu bây giờ. Khi đậu Tú Tài xong, bạn bè ai nấy cố gắng chọn cho mình một nghề nghiệp vững chắc hầu có một tương lai ổn định, tươi sáng. Còn tôi thì không. Về trình độ học vấn thì tôi thuộc hạng học khá giỏi, tất cả các kỳ thi đều đậu hạng cao. Thời đó chưa có chế độ thi tuyển, muốn học ngành nào thì cứ nộp đơn vô học nhưng mà tôi lại nhẩn nha nhẩn nhơ, thi vô ban Việt Hán ở Sư Phạm và Văn Chương Trung Hoa bên Văn Khoa. Để chi vậy ? vì từ nhỏ hễ nghe ai nói tới chữ nho thì cho là khó lắm. Mà tôi cái gì khó thì ưa thử, cái tánh hiếu thắng lớn quá mà. Hơn nữa trong nhà có các bộ sách chữ nho, nhiều lắm, sách bói, sách thuốc của ông bà để lại, xưa lắm rồi, không biết họ viết cái gì ở trỏng, mỗi lần cầm lấy các quyển đó thì tức mình không chịu nổi…

Phùng Quang Tuấn :….. cứ như vậy mà anh đã học chữ nho.. để chơi, không thèm học nghề gì khác ? .

*Võ Tấn Phước : Cứ như vậy sau 6 tháng ở đại học, tôi đọc lỏm bỏm được Tam Quốc Chí nguyên bản ngon lành, té ra chữ nho cũng đâu có khó như mình nghĩ. So sánh lại thì thấy con nít Tàu cũng đâu có giỏi hơn con nít Việt Nam. Khó hay dễ là do mình tưởng mà thôi. Đọc hết tiểu thuyết rồi thì đọc tới sách bói, sách tử vi, phong thủy, tướng mạng,… cuốn nào có được thì đọc hết.

Tôi cũng đã biết bói từ khi chưa biết chữ nho. Thân phụ tôi là thầy thuốc đông y, ông cụ biết chữ nho rất giỏi, ngày xưa học thuốc với sư phụ người Huế. Vị thầy nầy vì làm chánh trị chống thực dân Pháp phải trốn lánh ở đảo Phú Quốc cư ngụ trong chùa Sùng Hưng Cổ Tự của gia đình tôi. Ba tôi biết ông là người tài nên xin theo học. Tôi chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn quẻ bói ba tôi đoán cho bạn bè và những người khách quen thuộc. Tỷ lệ trúng rất chính xác và khá cao. Tôi đâm ra say mê và học cách chấm và đoán quẻ bằng chữ Việt. Hồi đó bất cứ việc lớn việc nhỏ gì cũng gieo quẻ thử coi đúng không và đúng tới mức độ nào. Điều gì nên tin và điều gì không nên tin. Do cái tánh hay thắc mắc nên cứ tìm tòi, khám phá… rồi đâm ra lậm chuyện bói toán hồi nào không hay.

Hỏi : xin anh cho biết sơ qua về các khoa bói mà anh thích nghiên cứu và theo anh thì con người có tự do hay có số mạng, nên tin bói hay không tin bói.

Đáp : hỏi chi mà khó quá vậy, đó là câu hỏi nhức đầu nhân loại từ lâu rồi. Trả lời sao cũng trúng, mà sao cũng trật. Tuy vậy tôi có thể khẳng định là dù văn minh hay chậm tiến, con người ai cũng mê bói hết dù bây giờ là thế kỷ 21 rồi, vì đó là bản năng. Cũng có những người dứt khoát không tin nhưng đó là bề mặt, hoặc do giáo dục hoặc do tôn giáo cấm cản nhưng tự trong tiềm thức đều có niềm tin đó. Bản chất loài người là yếu đuối, từ thời tiền sử con người sống trong sợ hãi, hoang mang trước những hiện tượng của thiên nhiên, vũ trụ… Bốn nỗi khổ lớn nhân loại mà đức Phật có nêu là sanh, lão, bịnh, tử. Mà tử là nỗi lo sợ lớn nhứt. Chết do nhiều cách : sấm sét, thú dữ, tai nạn, bịnh hoạn, giặc giã, kẻ thù.. Làm sao để tránh cái chết và làm sao để biết trước được ? Dân tộc nào cũng vậy tìm đủ mọi cách để làm sao biết trước được lúc nào nắng, lúc nào mưa, lúc nào có giặc, lúc nào khoẻ mạnh, lúc nào ốm đau…

Bây giờ thì chúng ta có khoa học, có khoa thống kê, sưu tập các dữ kiện, làm các thí nghiệm nhiều lần rồi tiên đoán các kết quả sẽ xảy ra để giúp cho cuộc sống thoải mái, sung sướng hơn như trong y học, kỹ thuật, kinh tế, chánh trị, xã hội,… mà hướng dẫn các việc làm ngày càng hợp lý và chính xác.

Ngày xưa làm gì có khoa học, làm gì có khoa thống kê, máy móc chính xác như bây giờ… các bậc hiền triết, thánh nhân tức là những bậc trí thức cổ đại chỉ còn cách nghĩ ra bói toán để tiên đoán, hầu mong cho cuộc sống được an toàn hơn… Coi tướng, coi tử vi hoặc tử bình là áp dụng óc quan sát với khoa thống kê. Trung Hoa có một dân số đông đảo nhứt thế giới và một lịch sử lâu dài. Hàng ngàn năm quan sát tìm những dữ kiện rồi đúc kết lại những nét chính yếu rồi ghi nhận những kết quả xảy ra theo một thời gian lâu dài, do đó mà đoán trước được tốt xấu như thế nào..

Còn khoa bói Dịch thì căn cứ vào những khía cạnh siêu hình của quyển Kinh Dịch, bộ kinh làm nền tảng triết lý của Trung Hoa. Quyển Trung Dung của Khổng Tử có viết câu - chí thành thông thánh. Nghiã là hết sức thành tâm thì biết được mạng trời. Con người là một động vật linh thiêng nhứt trên trái đất nầy, cái phần tinh thần tinh anh cao quí do trời cho mình, nếu tập trung lại cao độ thì sẽ biết trước được chuyện xấu tốt. Bốn vị thánh lớn của Trung Hoa là Phục Hi, Văn Vương, Chu Công và Khổng Tử là những người đặt ra khoa bói Dịch, ông thầy bói chỉ là người thông dịch quẻ bói mà thôi. Dĩ nhiên có thông dịch hay và thông dịch dở.

*Vấn đề đặt ra là con người có tự do không? Tôi trả lời dứt khoát là có. Mình trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu. Chớ hổng lẽ trồng dưa mà lại được đậu.

*Nhưng mà cũng có định mạng xen vô nữa, đôi khi mình trồng dưa mà gặp gió bão, hạn hán, trâu bò hoặc sâu rầy phá phách… thì đám dưa mình trồng cực khổ đâu có được trái nào. Người xưa đặt ra bói toán là để tiên đoán coi đám dưa mình trồng đó có bán được trái nào không, nhiều hay ít, lời hay lỗ… đại khái là xu kiết, tỵ hung và biết trước được chút nào thì hay chút nấy, để đỡ lo. Cái bản năng muốn biết trước đó nó thôi thúc, đòi hỏi, lo lắng…

Tóm lại theo tôi thì con người sống trong đời như con cá lội trong dòng nước. Nó tung tăng bơi lội nhưng dòng sông trôi bên đông thì nó theo bên đông, dòng sông trôi bên tây thì nó theo bên tây, nó không tự chủ được đâu tuy rằng nó có cảm tưởng là có tự do. Con người sống trong dòng đời như con cá sống trong dòng nước. Mà muốn biết dòng nước trôi lăn như thế nào thì ngày xưa chỉ biết dùng khoa bói toán mà thôi..

Hỏi : khoa bói toán ngày xưa mà bạn nói đó, bây giờ có giá trị hay không.

Đáp : -tôi nghĩ là có. Tuy khó mà giải nghiã tại sao nó lại đúng nhưng tôi theo dõi, quan sát, kinh nghiệm thực tế những kết quả xảy ra… thì thấy tỷ lệ trúng rất cao, nhiều khi độ chính xác cao như có thần thánh trước mặt khiến mình sững sờ.. Cũng có nhiều quẻ bói trật, coi lại thì thấy lỗi tại mình, do chủ quan cứ kiếm cái tốt mà đoán, không thấy những điểm xấu sờ sờ hiện ra trong quẻ. Cái lỗi đó là do trình độ mình còn kém, chớ không phải lỗi của thánh nhân, những vị đặt ra khoa nầy.

Người xưa đặt ra khoa bói toán là để xu kiết tỵ hung, tránh điều xấu, đạt điều tốt lành. Biết được chỗ khó khăn mà ẩn nhẫn chờ thời, biết được vận tốt thì hành động không do dự… thánh nhân gọi là thuận với mạng trời thì sống an vui, hạnh phúc. Nếu mình coi bói mà để đi tới chỗ sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng thì thê thảm và kinh hoàng quá. Ông thầy bói không được nói những lời khiến người ta đau khổ đi đến chỗ tuyệt vọng, cũng không được quyền khen ngợi vẽ vời ca tụng bậy bạ để người ta vui mà lấy tiền cho nhiều. Cả hai thái độ đều không đúng.

Hỏi : đó là anh nói tư cách đạo đức của ông thầy bói. Xin anh cho biết quan niệm của người đi coi bói nên như thế nào.

Đáp : người đi coi bói cũng nên biết tại sao mình đi coi bói, nghiã là mình đang làm cái chuyện gì vậy, có giống đi chợ mua thịt mua cá không. Không phải vậy vì bói toán là chuyện mơ hồ, không thể sờ mó và khẳng định chắc chắn được. Đòi hỏi bói toán phải đúng 100% là không tưởng. Cũng vậy đừng nên bao giờ coi ông thầy bói là tiên, là thánh nghe theo răm rắp. Tôi thấy có nhiều người nghe lời thầy nhiều khi đến độ mù quáng mà không chịu phán đoán suy xét.

Ông thầy cũng chỉ như mình thôi, có điều ông ta có nghiên cứu, có học hỏi về khoa nầy, biết hơn mình một chút xíu. Và cái hiểu biết đó cộng thêm kinh nghiệm của thời gian, trúng ở chỗ nào, trật ở chỗ nào. Tuy sách vở bói toán có ghi nhưng không phải là áp dụng được đúng hết, điều gì nên tin, điều gì không nên tin, phải suy xét cho kỹ.

Hỏi : nói như anh vậy thì không nên đi coi bói làm gì..

Đáp : tại sao không, nên chớ. Nếu khoa nầy không có giá trị gì hết thì nó đã mai một rồi, dù xã hội văn minh hay chậm tiến bói toán vẫn tồn tại hoài hoài mà. Đâu có ai ngu dại gì mà tốn tiền làm chuyện vô ích. Nếu nghiên cứu kỹ thì con người có lúc hên, có lúc xui, nghiã là thời vận tốt xấu. Với khoa bói toán chuyện đó có thể thấy được dễ dàng. Như nhà khí tượng tiên đoán trời nắng, trời mưa vậy. Thời vận tốt mình xấn tới hành động, không do dự. Thời vận xấu, mình ẩn nhẫn nhường nhịn cho qua … Như vậy sự thành công và thất bại mình có thể nắm chắc được. Nên đi coi bói cho biết để chọn lựa thái độ hành động đúng nhứt, hay nhứt..

Hỏi : nếu biết được chuyện xấu mình có cách gì hoá giải không.

Đáp : Có. Không phải là cúng kiếng, cầu xin mà là suy nghĩ coi phải dè dặt tránh né thiệt hại như thế nào. Phải bình tĩnh đối phó để giảm bớt những bất lợi. Như sẽ bị tai nạn thì cẩn thận đừng lái xe ẩu tả, đừng đi chơi xa, đừng đi chỗ nguy hiểm. Như sắp bị mất tiền thì đừng hùn hạp, đừng ký tên bảo chứng nợ nần, đừng mua stocks ẩu tả…. Như vậy mình có thể tránh được cái vận xấu, nếu không được thì cái xấu cũng giảm bớt đi được phần nào, không bị thiệt hại nặng. Đại khái là dè dặt cẩn thận, nhưng tuyệt đối là tránh sợ hãi rồi đâm ra hoang mang. Chuyện xui chưa thấy mà mình đã bị bịnh thần kinh rồi… Lúc nào cũng phải nhớ lời Đức Phật dạy: tương lai là do ý niệm trong đầu “Ý niệm tác thành định mạng”. Nghĩ điều thiện, làm điều thiện thì đời sẽ tốt đẹp an vui.

Hỏi : anh vừa nói có thể tránh hoặc giảm bớt vận xấu do suy nghĩ và hành động của mình. Xin hỏi là khoa phong thuỷ có giúp gì cho việc tốt xấu không.

Đáp : Có chớ. Anh cư ngụ trong một căn nhà thoải mái, đẹp đẽ, ánh sáng, không khí đầy đủ, cửa nẻo, phòng ốc, vườn tược xinh xắn thì cảm thấy yêu đời, trong lòng anh ấm áp, vui vẻ, yêu đời. Mặt mày anh tươi tắn, mọi người xung quanh cũng vui vẻ theo anh. Ai cũng dễ thương hết sức. Do đó anh suy nghĩ hành động thuận lợi và đúng đắn. Kết quả mọi sự tốt đẹp.

Anh cư ngụ trong một căn nhà rộng quá hay chật quá, cửa nẻo, cầu thang, phòng ốc sắp xếp kỳ cục, tối tăm, trở ngại, u ám, lạnh lẽo, thê lương thì tâm trạng anh không yên ổn, sợ sệt, đồ đạc cồng kềnh, vướng víu, màu sắc dị kỳ… thì anh cảm thấy bực dọc, khó chịu rồi đâm ra cau có, khổ sở. Anh bực dọc sẽ gây ra bực dọc cho người liên hệ… từ đó hành động, suy nghĩ sẽ bất lợi, thất bại.

Những gì sách Phong Thủy Địa Lý viết, do kinh nghiệm tôi đều thấy có thể dùng được. Ba điểm chính yếu của khoa địa lý phải coi cho kỹ là : cửa chánh, phòng ngủ chánh và nhà bếp (môn, chủ, táo. Tôi dùng cuốn Dương Trạch Tam Yếu của Trương Cữu Phong).

-Tôi không tin mấy cái hình bát quái vẻ xanh xanh đỏ đỏ treo trước cửa nhà, nó không có năng lực phù phép gì cả, treo vừa khó coi, vừa tốn tiền mua vô ích.

*Nhưng mà anh Tuấn ơi, nếu sửa chữa mà tốt được như sách vở nói thì tôi làm Tổng Thống rồi, đâu có vất vả, thiếu thốn như bây giờ. Còn phải có phước đức nữa mới hưởng được những chỉ dạy tốt đẹp của tiền nhân. Sách phong thuỷ địa lý nào cuối cùng cũng viết câu : tiên tích đức hậu tầm long. Cứ ăn ở hiền lành, làm điều thiện tốt đẹp thì trời sẽ cho mọi niềm vui thành đạt, cần gì phải coi bói làm chi. Anh đồng ý với tôi như vậy không.

Nhân dịp nầy tôi cám ơn Đài Tiếng Nói VN tại Toronto cho tôi cơ hội đẹp đẽ nầy mà tâm tình cùng quí thính giả của Toronto.. Tôi cám ơn quí thính giả đã dành nhiều cảm tình ủng hộ và thương yêu tôi từ những thập niên trước. Kính chào và hẹn có dịp gặp lại.

Phùng Quang Tuấn : Cám ơn anh Võ Kỳ Điền.

No comments:

Blog Archive