Chuyện Đổi Đời
Sau mấy năm làm ăn ở Buffalo, NY. Một bữa kia nhân viên cho hay, có một bà khách tới tìm...
Tôi bước ra chào hỏi qua loa thì bà tự giới thiệu:
- Tôi là Trưởng khoa môn Xã hội học tại Đại học Buffalo. Lớp tôi phụ trách năm nay có một số sinh viên tốt nghiệp và bắt đầu tìm việc làm. Tôi đã nghe báo chí viết về ông bà thời gian qua, nên muốn mời ông đến nói chuyện với các học sinh của tôi.
Tôi ngần ngại:
- Tôi học hành dang dở, tiếng Anh yếu kém... Làm sao mà nói chuyện với các học sinh sắp sửa tốt nghiệp Cao học môn Xã hội của bà được.
- Không sao! Tôi không mời ông đến để nói về tiếng Anh, tôi mời ông đến đó để nói về chuyện "nước lã mà gột nên hồ" (from nothing to be something) như rất nhiều người Việt Nam tị nạn đã làm được trong mấy chục năm qua. Tôi muốn các Sinh viên của tôi sau khi học hỏi phần lý thuyết tại trường cần có thêm những bài học thực tế, mà những người như ông đã trải qua, để sau này họ có thể giúp những di dân mới tới, dễ dàng hội nhập và thành công như người Việt Nam các ông.
Tôi suy nghĩ rồi nhận lời.
Buổi nói chuyện tại lớp học được giới hạn trong 2 giờ, trong đó 1.15' là phần trình bày của tôi, 45' còn lại dành cho các học viên đặt câu hỏi, tôi trả lời phần tôi biết, bà giáo sẽ giải thích thêm phần còn lại và những nhận xét của bà.
Tôi bước vào lớp cúi chào bà giáo và mọi người. Có độ vài chục các học viên cả nam lẫn nữ. Bà giáo giới thiệu tên tôi, cơ sở thương mại của chúng tôi và mục đích của cuộc truyện trò này.
Tôi bắt đầu bằng việc giới thiệu hoàn cảnh địa lý và lịch sử Việt Nam cận đại. Về cuộc đô hộ gần trăm năm của thực dân Pháp, về nạn đói năm Ất Dậu 1945 do ảnh hưởng của Thế chiến thứ II mà người Nhật chịu trách nhiệm trực tiếp, đã cướp đi mạng sống của gần 2 triệu người miền Bắc. Nói về cuộc di cư trốn chạy cộng sản 1954 của gần một triệu người, trong đó có cha mẹ tôi. Nói về chiến tranh Việt Nam và những nỗi điêu linh của người dân Việt phải chịu với bao gian khổ chồng chất. Nói về máu của những người lính Mỹ đã đổ ra để giúp bảo về miền Nam và hơn 58 ngàn chiến binh Mỹ đã hy sinh cho cuộc chiến này, nhưng cuối cùng miền Nam sụp đổ kéo theo những hệ lụy của bên thua trận và chúng tôi, dân Miền Nam bị trả thù, bị phân biệt đối xử dưới sự cầm quyền của cộng sản.
Tôi kể cho họ nghe cuộc vượt biển kinh hoàng của chúng tôi.
Khởi sự bằng việc đầu tiên là kiếm tiền mua ghe, sửa chữa, ráp máy, sắm sửa các thiết bị đi biển, tích luỹ dầu.. cách trốn công an, từ nhà đi ra tàu...Khi khởi hành mới được một ngày thì bị cướp biển, máy tàu hư, bị lênh đênh trôi dạt trên biển, rồi lại bị cướp, đàn ông thì bị đánh đập, quăng xuống biển, mưa bão, sóng lớn, tàu sắp chìm... Rồi có người đến cứu đem vào bờ. Sau hơn 1 năm chúng tôi được định cư tại Mỹ.
Tôi kể cho họ nghe về cuộc sống ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh của gia đình tôi trong 20 năm tại đây và kết luận:
Sở dĩ chúng tôi thành công trên đất nước Hoa Kỳ nhờ hai yếu tố:
- Thứ nhất là tánh chăm chỉ, sẵn sàng làm nhiều giờ trong một ngày, 6 hoặc cả 7 ngày một tuần. Nhiều khi vài ba năm không có vacation cũng không sao.
- Thứ hai là ham học.
Khi mới đến đây, những người có điều kiện thì trở lại trường học: bắt đầu bằng học tiếng Anh, kế đến là nghề nghiệp chuyên môn, xa hơn nữa là khoa học kỹ thuật và những kỹ năng khác.
.. Người bắt buộc phải đi làm vẫn học tập hàng ngày ở môi trường mà họ đang làm, để nâng cao tay nghề và cả những hiểu biết cần thiết khác trong cuộc sống. Cùng lúc họ luôn lưu tâm dậy dỗ, khuyến khích con cái phải cố gắng học hành. Với hai yếu tố kể trên, nếu thế hệ chúng tôi chưa thành công thì những thế hệ kế tiếp sẽ thành công.
Phần câu hỏi cũng khá nhiều tôi sẽ kể trong một dịp khác.
Mùa hè năm sau tôi cũng đến làm như vậy với một lớp học sẽ tốt nghiệp cuối năm.
Sau đó tôi đi chuyển về sống và làm ăn ở Orlando. Năm sau rồi năm sau nữa họ tiếp tục mời và đồng ý trả tiền để tôi về Buffalo tiếp tục công việc này nhưng xa xôi bất tiện quá nên tôi từ chối.
Bây giờ chúng tôi đã nghỉ hưu, ngẫm nghĩ lại mấy mươi năm định cư tại quê hương thứ hai này, có rất nhiều cơ hội và cả những thách đố. Như tiêu đề bài viết, tôi muốn kể lại vài trường hợp tiêu biểu về "Cơ Hội Làm Thay Đổi Cuộc Đời" của bà con mình.
Truyện thứ Nhất:
Gia Đình anh Võ Văn Đương ở Seattle, WA.
Tôi quen biết anh vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi ấy việc đầu tư vào thị trường chứng khoán nhiêu khê lắm, phải có broker làm việc trong các công ty đầu tư làm trung gian giúp người đầu tư mua bán, chứ không giống như bây giờ, người đầu tư chỉ cần mở một tài khoản với những công ty ấy rồi tự mình mua bán, lời ăn lỗ chịu.
Tôi với anh cùng có anh Lê Bung làm broker. Cứ đến cuối năm anh Lê Bung mời chúng tôi ăn tất niên, năm nào trúng thì ăn ở tiệm, năm nào trung bình thì anh đãi tại nhà. Dần dần chúng tôi quen nhau và trở thành bạn.
Anh sinh ra và lớn lên ở Hòn Đất, Rạch Giá, cùng quê với tôi nhưng khác huyện. Thuở thiếu thời đi chăn bò, hết bậc Tiểu học thì nghỉ và đi ghe biển, tập tành nghề đánh cá. Kinh nghiệm nghề nghiệp cứ lớn dần theo tuổi tác, tay nghề giỏi dần nên được chủ giao cho làm tài công, tức người điều khiển con tàu đi đánh bắt cá ngoài biển. Rồi anh cưới vợ. Chị cũng là người chơn chất thiệt thà, như đa số những người phụ nữ miền quê thôn dã.
Cuối năm 76 việc đánh cá gặp nhiều khó khăn không chỉ do thiếu thốn dầu mỡ, các phương tiện hành nghề, mà còn do việc tập thể hoá, nay họp mai bàn mà mỗi người mỗi phách, kẻ biết nghề phải nghe lời đứa không biết... Anh và các thủy thủ đang ngao ngán thì có người móc nối nhờ chở họ đi vượt biên. Chiếc tàu anh điều khiển khá lớn với máy 3 block đầu bạc và gần chục thủy thủ. Anh bàn bạc với các anh em rồi làm một chuyến chở hơn 40 người đến Mã Lai.
Hồi đó phong trào vượt biên mới bắt đầu, giá chi phí còn cao. Sau năm 78, nhà nước CS tổ chức cho đi bán chính thức, giá thấp hơn mà cũng còn khoảng trên chục lượng vàng một đầu người.
Trở về Rạch Giá, anh chia tiền cho các anh em và căn dặn phải kín đáo, đừng ăn xài vung vít kẻo bị lộ thì ở tù cả đám.
Nhưng một số đâu chịu nghe lời, ăn xài vung thiên địa... Anh sợ bị lộ nên xin mua lại con tàu của ông chủ, họ đồng ý với nhau, rồi sẵn mối quen biết cũ anh làm thêm một chuyến hơn 50 người nữa và cùng đưa vợ đi luôn. Trong khi chờ đợi ở trại Ty nạn Paula Bidong, anh chị sanh cháu gái đầu lòng và đặt tên là Võ Thị Đông.
Anh chị cùng với cháu Đông đến định cư tại Seattle tiểu bang Washington năm 1979. Năm 1981 sanh thêm cháu trai tên Võ Văn Mỹ. Năm 1983 sanh thêm cháu trai nữa tên Võ Văn Quốc, năm 1986 sanh cháu gái út tên Võ Minh Châu.
Như một số người Việt Nam khác, anh chị thiếu căn bản về học vấn nên lúc đầu cũng ráng đi học cho biết chút ít tiếng Anh, rồi học làm body xe và ra hành nghề với công việc này hàng chục năm.
Lúc quen biết nhau và trở thành bạn anh thì các cháu còn bé. Anh chị thường tâm sự:
-Cả hai chúng tôi đều thất học nên cuộc đời đương nhiên phải thua kém thiên hạ. Tụi tui ráng làm sao cho bầy con được ăn học đàng hoàng để sau nầy ấm thân và không thua thiệt với đời.
Năm 1998 chúng tôi rời Seattle đi Buffalo- New York mở chợ và tiệm phở, thì cháu Đông mới bắt đầu vô Đại học, ba đứa em thì vẫn còn trong High school và Middle school.
Dù xa nhau nhưng những tin vui của gia đình anh vẫn đến với chúng tôi đều đặn.
Đầu năm nay, lần đầu tiên trở lại Seattle sau 19 năm. Chúng tôi đến thăm gia đình anh chị và biết rõ hơn sự thành đạt của các cháu:
- Cháu Võ Thị Đông tốt nghiệp Bác sĩ y khoa năm 2006, hiện nay là MD Dong Vo, Chief of Staff HighLight Hospital vùng SW Seattle.
- Cháu Võ Văn Mỹ tốt nghiệp cao học ngành kế toán năm 2003 (Master of CPA). Sau hai năm theo đuổi nghề kế toán cháu học tiếp và lấy bằng Luật sư ngành quan thuế, rồi làm việc tại cơ quan Thuế vụ tiểu bang Washington. Năm 2008 ông Gary Lock (người gốc Hoa) cựu Thống đốc tiểu bang Wa, được TT Obama bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại thì ông đưa cháu Mỹ đi theo làm việc ở Washington DC. Tại đây cháu vừa làm việc vừa học thêm về luật thuế quốc tế. Sau khi tốt nghiệp và có thêm bằng Master về ngành này. Cháu trở về tiểu bang Washington và hiện nay cháu là một trong những nhà lãnh đạo của cơ quan Ngân khố tiểu bang.
Nhóm này điều hành ngân sách hàng trăm tỷ USD mỗi năm của tiểu bang WA.
- Cháu Võ Văn Quốc tốt nghiệp Master ngành vật lý năm 2004 (21 tuổi) và làm việc cho bộ Không quân Hoa Kỳ. Hiện nay mang cấp bậc Thiếu tá (Major) của bộ Không quân. Cháu còn học thêm và đã xong phần thần học của Thánh kinh và muốn trở thành một mục sư sau này.
- Cháu út Võ Minh Châu tốt nghiệp cử nhân ngành financial năm 21 tuổi rồi lấy chồng và làm việc tại Amazon. Sau mấy năm làm việc tại đó thì ông sếp của cháu được microsoft nhận sang làm việc cho họ. Tại đây ông giới thiệu cháu với công ty Microsoft và được họ mời sang đó làm việc với mức lương cao hơn, quyền lợi nhiều hơn.
Tuổi trẻ, tài cao...Hiện nay cháu không chỉ là sếp của ông sếp cũ mà cháu còn là Manager của một Department được hưởng mức lương trên số lượng sản phẩm bán được (commission).
Lương hàng năm của hai vợ chồng cháu cùng làm việc cho Microsoft kiếm được lên đến hàng triệu USD.
Hiện này anh chị Đương đã về hưu. Anh hàng ngày ngồi trước computer để thỉnh thoảng bấm nút mua bán stock, cái nghề tay trái đã giúp anh kiếm thêm "đồng ra đồng vào" từ vài chục năm nay. Và quan trọng nhất là niềm vui trong tuổi xế chiều.
Anh chị tâm sự:
-Nếu tụi tui còn ở bển thì chắc mấy đứa này cũng nối tiếp nghề cha mẹ: Con trai thì đi biển còn con gái sẽ lấy chồng, đẻ con và tối ngày lúi húi trong bếp.
Truyện Thứ Hai:Chị Nguyễn Thuỵ Dương
Chị cùng quê với tôi, học chung với nhau từ những năm vỡ lòng.
Ở miền quê buồn lắm! Một tuần lễ 6 ngày hầu như giống hệt nhau, sáng thức dậy thật sớm để tham dự thánh lễ tại nhà thờ, về nhà ăn cơm sáng rồi mới đi học. Lớp bắt đầu lúc 7:30 đến 11;30 thì tan. Về ăn cơm trưa rồi phụ giúp gia đình trong việc cầy cấy ruộng đồng, trời cập quạng mới về ăn cơm tối xong mở bài học ê a được môt chút rồi lăn ra ngủ. Ngày Chúa Nhật có thêm chương trình học giáo lý và sinh hoạt khác của các đoàn thể trong giáo hội Công Giáo của xứ đạo.
Trò chơi thời thơ ấu của chúng tôi ngày ấy: nữ thì nhảy giây, đánh chuyền, rải hột..Nam thì đánh khăng, bổ cù (con quay), chơi u.. Một vài thú vui mang thêm lợi tức cho gia đình như: mùa nước đi thả lưới, câu cá, mùa khô thì đào, bẫy chuột đồng, đầu mùa mưa thì đi soi ếch, vui nhất là lúc bắt được ếch cặp khi chúng nó đang yêu nhau.
Hết bậc tiểu học chúng tôi phải lội sình vài ba cây số trên bờ kinh và đạp xe hàng chục cây số trên đường lộ để đến trường trung học. Hết giờ học cũng lộ trình ấy trở về nhà và công việc hàng ngày của gia đình thì sáng trưa chiều tối vẫn như xưa. Bởi vậy khi học lớp mẫu giáo có hàng trăm em mà đến hết trung học thì lớp chúng tôi còn được 7 nam và 4 nữ.
Rồi biến cố 1975 xảy đến. Trong những ngày tan tác ấy, các tin đồn không vui diễn ra hàng ngày, cái tin làm mọi nguòi xôn xao nhất là con gái phải lấy chồng ngay, nếu không mai kia...
Thế là các cô các cậu được bố mẹ thúc dục và hỏi cưới lia lịa. Chị Nguyễn Thuỵ Dương "là một trong số giai nhân ấy, khăn gói theo chồng tưởng được vui".
Mà vui làm sao được! Ruộng lúa thì bị ép hiến cho nhà nước, rồi đi làm công cho cái hợp tác xã được nhà nước dựng lên và tổ chức làm ăn ngay trên thửa ruộng của mình. Ngày xưa mình làm chủ thì cố gắng mọi bề hầu tăng thu giảm chi để có lời nhiều, còn bây giờ cha chung không ai khóc, làm ăn lề mề, lại thiếu nguyên vật liệu nên càng ngày người nông dân càng bết bát hơn.
Đi buôn à? Từ nhà ra đến đầu kinh mỗi ấp có một trạm kiểm soát. Trước khi đến mỗi chợ có trạm kiểm soát, ranh giới mỗi xã, rồi mỗi huyện, mỗi tỉnh đều có trạm kiểm soát. Thời gian này người ta gọi là giai đoạn "ngăn sông cấm chợ", người sống ở đô thành đã khổ còn người nông dân càng khổ hơn.
Chị cũng đã cố xoay sở cách này, cách khác để tồn tại: vài lần đem gạo nhà đi xa mong bán được giá cao hơn đôi chút, vài lần thử thời vận bằng cách mua rổ măng cầu của vườn nhà hàng xóm, hay mấy con gà con vịt đem xuống chợ thị xã bán lại để kiếm chút đỉnh tiền lời mua sữa cho con, nhưng cứ lâu lâu lại bị bắt một lần, mỗi lần bị bắt là một lần cụt vốn.
Nói đến đường con cái ông Trời lại ban phát cho chị hậu hỹ.
10 năm chị sanh 5 đứa. Ngày gia đình chị vượt biển, đứa lớn mới 10 tuổi còn đứa bé nhất còn ẵm ngửa. Lang thang, vất vưởng ở mấy trại ty nạn hơn một năm rồi cũng được định cư tại Mỹ vào năm 1987.
Cũng như bao người ty nạn khác, hành trang của cả gia đình là mấy bộ quần áo cũ, không đủ để chống lại cái lạnh đầu xuân trên quê hương mới, nhưng rất hạnh phúc vì tin tưởng rằng từ nay cuộc đời sẽ thảnh thơi, tươi sáng. Chị bắt đầu cuộc sống tại quê hương mới với hai bàn tay và ý chí, quyết tâm xây dựng lại cuộc đời, vừa chăm sóc con cái vừa nhận đồ về nhà may, may ngày đêm để kiếm được chút tiền làm vốn. Nhưng sau gần 5 năm miệt mài chị vẫn chưa thấy được chút ánh sáng cuối đường. Bây giờ chị có thêm một cháu gái và đang mang thêm môt bào thai nữa. Chị quyết định phải thay đổi và trở lại trường học, tất nhiên đây là một thách đố mới.
Và thật không may một biến cố lớn xảy đến: Anh chị chia tay nhau. Tất nhiên cuộc đổ vỡ nào cũng đau thương mất mát cho cả hai phía, nhưng nói cho cùng người đàn bà chắc chắn sẽ thiệt thòi hơn, vì tình thương và gánh nặng của bầy con, mà chị thì có tới 7 đứa, trong đó chưa có đứa nào trưởng thành, biết lo toan một cách chu đáo và kiếm được tiền để nhờ cậy.
Sau này chị kể rằng: Tôi cứ mơ thấy mình bị ngã, ngã hoài, nhiều lần cố gượng đứng dậy đi được vài bước thì lại ngã tiếp.
Thử tưởng tượng, mỗi sáng thức dậy lo cho từng ấy đứa con, mỗi đứa mỗi lớp, mỗi trường, rồi đem những đứa bé đi babysit, rồi mới đến lượt mình phải vào trường. Chiều về lo ăn uống, lo nhắc nhở các con học bài và có khi phải giúp chúng làm homework, nhắc chúng đi ngủ, xem lại chương trình ngày mai trước khi mình có thể ngồi xuống học và làm làm homework. Hai vai trĩu nặng, mệt mỏi từng ngày...Mỗi đêm trước khi đi ngủ tôi chỉ biết cầu nguyện dâng lên cho Chúa và Đức Mẹ những khó khăn dang dở và phó thác cậy trông, xin các Ngài nâng đỡ thêm sức mạnh cho.
Lời khẩn cầu của chị được bề trên nhận lời, ông bà ngoại của các cháu vừa qua định cư và bắt đầu phụ giúp coi sóc các cháu. Từ đây chị có nhiều thời gian hơn để dùi mài kinh sử. Ước mơ của chị là kinh doanh nên sau khi hoàn thành chương trình sinh ngữ, chị ghi danh học về quản trị kinh doanh quốc tế, và nghĩ rằng: Học xong dù chưa có điều kiện làm cho mình mà có làm cho công ty nào thì mình cũng có cơ hội đi đó, đi đây... cũng thích. Nhưng được nửa đường thì đổi ý, vì đàn con lúc nào cũng cần mẹ gần gũi thì mình còn đi đâu được! Nên phải đổi qua Management Information System và Minor in Computer science.
Ý chí, lòng can đảm và sự chăm chỉ làm việc đã đem lại kết quả. Chị tốt nghiệp 4 năm ngành này năm 43 tuổi, chưa kịp nhận bằng thì IBM đã vào trường phỏng vấn và nhận chị vào làm việc cho đại công ty này với title "Software engineer". Ngày nay với ngành điện toán phát triển mạnh, rất nhiều người không cần phải đến sở hàng ngày, họ có thể ngồi ở nhà trước bàn phím mà làm việc vẫn hiệu quả. Hơn 10 năm qua chị đã làm như vậy để có thêm thời gian với gia đình.
Nói về đàn con chị chia sẻ:
- Ơn trên ban cho các cháu ngoan và chăm chỉ, để hôm nay mỗi đứa đều có thể đứng trên đôi chân mình và làm những công việc mà chúng yêu thích:
- Vợ chồng cháu lớn nhất có business về Construction và Thuế.
- Vợ chồng cháu thứ hai làm nhà giáo dạy trung học.
- Cháu thứ ba tốt nghiệp đại học ngành kế toán rồi nhận job cũng gần nhà.
- Cháu thứ tư làm về kiến trúc: design and estimate cost for builders
- Cháu thứ năm: finance and management
- Cháu thứ sáu cũng dạy học
- Đặc biệt cháu Út Andy Đinh, tuổi trẻ tài cao, nhiều khả năng sáng tạo, có một tương lai rất tươi sáng về việc phát minh ra những trò chơi điện tử. Hiện nay cháu là chủ tịch Công ty "Team Solomid", được tờ báo Forbes đánh giá là SoloMid là đội hàng đầu của Bắc Mỹ trong trò chơi League of Legends thuộc Tencent, một eSport phổ biến rất đông, thu hút 100 triệu người chơi hàng tháng và bán các vũ đài như Madison Square Garden cho các cuộc thi trực tiếp.
Khi giới thiệu Andy Đinh, người sáng lập đội SoloMid, báo Forbes viết “Trong thế giới trò chơi điện tử cạnh tranh, Đinh có thể là Michael Jordan hoặc Nolan Ryan - một cầu thủ chuyên nghiệp đã chuyển chủ sở hữu đội và biểu tượng thể thao.
Andy Đinh, chủ tịch Công ty "Team Solomid", được báo Forbes đánh giá là đội hàng đầu của Bắc Mỹ trong trò chơi League of Legends thuộc Tencent, một eSport thu hút 100 triệu người chơi hàng tháng.
Kênh YouTube của TSM có nửa triệu người đăng ký, và cầu thủ ngôi sao của họ, Sren "Bjergsen" Bjerg có 1,2 triệu người theo trên Twitch.
Ai muốn tìm hiểu thêm về ngành này thì xin vào đây: Andy CEO Founder, Team SoloMid, https://www.forbes.com/profile/andy-dinh.
Nhờ học mấy năm trong ngành quản trị kinh doanh mà thời gian sau này chị có thể giúp cháu Út trong việc phát triển sự nghiệp mà cháu đam mê, yêu thích một cách hiệu quả hơn.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, cũng xuôi chèo mát mái! Khi chị bắt đầu trở lại trường, có người bàn rùn:
-Chị ấy tính đi học à? Năm nay đã gần 40 tuổi, học xong lấy bằng treo gác bếp chứ còn làm việc cho ai?
Rồi khi học xong có việc làm ở một hãng lớn thì lại có người cay cú:
-Vào IBM để bợ đít mấy thằng Managers chứ làm việc cái gì?
Biết vậy, nhưng chị vẫn vững bước tiến tới.
Điều đáng quí nhất là tấm lòng lân ái của gia đình chị với cộng đồng xã hội. Chị luôn sẵn lòng và nhắn nhủ các con cùng góp bàn tay chia xẻ với những người kém may mắn, cả chung quanh đây trên quê hương thứ hai này và vùng đất nơi chôn rau cắt rốn quê mẹ.
Bạn bè cũ ốm đau, hoạn nạn, những người hàng xóm nghèo chung quanh một thời xa xưa, những em bé khuyết tật, những hội đoàn bác ái... Có hay không có lời kêu gọi cầu cứu, nếu chị biết là chị đóng góp ngay. Có câu nói đâu đó rằng: "Bạn không thể cho cái mà bạn không có".
Sự cho đi của gia đình chị không phải chỉ tính bằng tiền mà bằng cả tấm lòng xót xa, cảm thông không bao giờ cân đo đong đếm được. Giá trị của những món quà này chắc sẽ được đón nhận một cách trân quí hơn.
Tôi thầm nghĩ: Chị là một trong những người đàn bà có nghị lực và ý chí phi thường, để từ một hoàn cảnh đầy gian nan trắc trở, rồi khi có cơ hội đã phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu đáng khâm phục vậy.
Hồ Nguyễn
No comments:
Post a Comment