Hành trình kỳ diệu của một cô gái: Chạy trốn khỏi Bắc Hàn và trở thành sinh viên Mỹ
Khi Grace Jo bước đi trên những con đường rợp bóng cây ở trường cao đẳng Montgomery tại thành phố Rockville, bang Maryland, cô trông bình thường như bất kỳ sinh viên Mỹ nào khác. Thế nhưng ít ai biết cô đã từng có một hành trình đầy khó khăn khi cố gắng chạy trốn khỏi chế độ độc tài Bắc Hàn hà khắc. Cuộc hành trình đó đã đưa cô từ chỗ suýt bị chết đói tới một cuộc sống khác xa những gì cô từng tưởng tượng về nước Mỹ.
Grace Jo hiện giờ đã là một công dân Mỹ, cô nói rằng cách các biện pháp cứng rắn là điều duy nhất mà chính quyền Bình Nhưỡng có thể hiểu. (Ảnh chụp/video)
“Mỹ là đất nước tuyệt vời nhất trên thế giới,” Grace nói với Fox News trước diễn đàn “Tinh thần của tự do: tại quê hương, trên thế giới” được tổ chức bởi Viện Geogre W. Bush tại New York. Sự kiện này tập trung vào các chủ đề như tự do, thị trường tự do và an ninh. Tham dự sự kiện có cựu tổng thống George W. Bush, cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice, Madeline Albright và Đại sứ đương nhiệm của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley.
Grace tuy còn khá trẻ nhưng có một nghị lực mạnh mẽ. Cô bày tỏ hy vọng chính quyền của Kim Jong-un sẽ sớm kết thúc. Tên Triều Tiên của cô không được Fox News tiết lộ, có thể vì bảo vệ danh tính của những người liên quan đến Grace tại Bắc Hàn.
“Chính quyền Bắc Hàn không nên tồn tại trên thế giới này thêm một ngày nào nữa. Quân đội Chính phủ Mỹ hay một lực lượng quân đội độc lập nào đó cần phải chặn đứng họ lại, bởi vì chính quyền ấy đang giết chết những con người vô tội ở đó. Những đứa trẻ và những bà mẹ đang chết dần trong vô vọng.”
Là người bước ra từ chính nơi đó, cô nói rằng những biện pháp cứng rắn là cách duy nhất mà chính quyền Kim Jong-un có thể hiểu.
“Tôi tin rằng chính quyền Bắc Hàn sẽ không lắng nghe nếu chúng ta nói một cách nhẹ nhàng với họ. Vì vậy tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải hành động, bởi vì nếu chúng ta không hành động mà chỉ nói chuyện và tiếp tục viện trợ cho họ, thì cũng giống như là đưa kẹo cho một đứa bé đang khóc, cách đó có thể giải quyết vấn đề trước mắt lúc đó nhưng nó không phải là phương án lâu dài,” cô nói thêm.
Tuy vậy, theo cô việc tiến hành chiến tranh không phải là lựa chọn tốt bởi nguy cơ sẽ tạo ra một thảm họa cho Hàn Quốc và các nước khác trong khu vực. “Tôi không muốn thả bom”, cô nói. Cô cũng không cho rằng chế tài có thể ngăn chặn chương trình hạt nhân và sự hung hăng quân sự của Bình Nhưỡng. Cô nói: “Họ rất khôn ngoan, đó là lý do vì sao họ có thể duy trì chính quyền đó lâu đến vậy.” Grace hy vọng rằng nước Mỹ và đồng minh sẽ thực hiện những chiến lược kín kẽ có thể dẫn tới sụp đổ chế độ Bắc Hàn hiện tại.
Grace đã nhận được Học bổng Tự do Bắc Hàn của Viện George W. Bush. Cựu tổng thống Mỹ Bush và viện nghiên cứu mang tên ông đã thành lập một quỹ $25.000 để giúp 8 người thoát Bắc Hàn đầu tiên có thể “học lên đại học và xây dựng một cuộc sống thịnh vượng, có giá trị với tư cách là những người Mỹ mới.” Các ngành học của họ bao gồm từ thần học, y học cho đến kỹ thuật.
Grace hy vọng rằng sau này cô có thể theo học trường luật. Giấc mơ Mỹ của cô đã trở thành hiện thực, đối lập với cơn ác mộng bất tận mà cô phải chịu đựng ở Bắc Triều Tiên.
Cô nói cô và gia đình đã 3 lần cố gắng bỏ trốn sang Trung Quốc, nhưng đều bị bắt và gửi trả về. Hai em trai cô đã bị chết đói còn cha cô đã chết vì bị tra tấn trong tù chỉ vì cố giấu một túi gạo mang về từ Trung Quốc. Grace chia sẻ về tuổi thơ và thời niên thiếu luôn thiếu ăn, thỉnh thoảng chỉ nhận được một túi khoai tây từ chính phủ.
Cô nhớ lại rằng có giai đoạn gia đình cô phải trải qua 10 ngày mà không có gì ăn, chỉ cầm cự bằng nước uống. Lúc đó mẹ cô đã bắt được 6 con chuột con trên đồng và bà của cô đã nấu canh chuột để cho cả nhà ăn.
“Chúng tôi gần như đã bỏ mạng. Quả là kỳ diệu khi gia đình tôi có thể sống sót [qua thời kỳ đó].”
Cô nói khi còn nhỏ cô được dạy phải luôn cúi đầu cảm ơn trước chân dung của hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật (Kim Jong Il), ông nội và cha của nhà độc tài đương nhiệm Kim Jong-un.
“Vào dịp năm mới, chính quyền sẽ cho những đứa trẻ chúng tôi một túi quà đựng bánh kẹo. Chúng tôi phải nâng cái túi trước ngực rồi cúi đầu trước bức chân dung ba lần, đó là điều mà bà tôi đã dạy tôi. Tôi phải cúi đầu trước ảnh chân dung và cảm ơn họ bất cứ khi nào tôi có cái để ăn.”
Grace kể về một lần trốn thoát không thành, cô bị bắt và gửi trở lại một nhà tù tình báo Bắc Hàn.
“Tôi thấy các đặc vụ Bắc Hàn đánh đập và quát tháo những người lớn, đó là một nơi rất đáng sợ. [Tôi ở trong] căn phòng nhỏ tối tăm và không có ánh sáng, chật ních người vào ban đêm, có rất nhiều côn trùng bò trên tường, còn có một cái hố đen có hàng rào bao quanh, nó thực sự rất đáng sợ.”
Cuối cùng thì Grace đã đến Mỹ vào năm 2008 cùng với mẹ và chị gái theo chương trình của Cao Ủy LHQ về người ty nạn (UNHCR). Cô trở thành công dân Mỹ vào năm 2013 và bày tỏ sự cám ơn tới Viện nghiên cứu Bush vì đã quan tâm tới vấn đề Bắc Hàn.
Linsay Lloyd, Phó Giám đốc về Sáng kiến Nhân quyền của Viện Bush, cho biết: “Đây là vấn đề mà Tổng thống Bush luôn canh cánh trong lòng. Khi ở văn phòng ông ấy đã từng gặp vài người bất đồng chính kiến đến từ Bắc Hàn. Ông là vị Tổng thống đầu tiên làm điều đó. Họ thường không nói nhiều về chuyện này, nhưng họ thường gặp mặt những người bỏ trốn, những người ty nạn và các nhà hoạt động chính trị.”
Năm 2014, Viện Bush bắt đầu tập trung vào vấn đề Bắc Hàn và tìm cách giúp đỡ cộng đồng những người Bắc Hàn vốn rất nhỏ ở Mỹ. Bà Lloyd nói rằng có khoảng 250 người ty nạn và khoảng 300 đến 400 người Bắc Hàn khác đã an cư ở đây. Nhiều người trong số họ cần được giúp đỡ không chỉ để thích nghi với khí hậu mới mà còn để hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ.
“Chúng ta có thể thấy rõ một điều là giáo dục rất quan trọng. Tất cả mọi người đều công nhận lợi ích của giáo dục. Chúng tôi đã làm việc với cộng đồng những người Mỹ gốc Hàn để gây quỹ và thành lập một chương trình học bổng vào tháng 1 năm 2017.” Chương trình Học bổng Tự do Bắc Hàn lần 2 sẽ được công bố vào sang năm.
Mặc dù Grace cảm thấy rất biết ơn khi mình có được may mắn này, cô cũng mong rằng những người còn ở lại Bắc Hàn không bị lãng quên, và hy vọng mọi người không chỉ quan tâm tới mối đe dọa hạt nhân từ Kim Jong-un mà còn cả vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên.
“Ở đất nước tôi mọi người đang vật lộn và chết dần chết mòn. Xin hãy nghĩ đến những đứa trẻ đang chết dần trong vô vọng ở đó.”
Cô nói rằng bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để siết chặt chính quyền họ Kim, nhưng tình huống ở Bắc Hàn “đang trở nên xấu đi, và chưa bao giờ tốt lên.”
Bên cạnh việc học tập, Grace cũng phụ trách một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giải cứu những người Bắc Hàn và ổn định cuộc sống cho họ ở một đất nước an toàn. Tổ chức Người ty nạn Bắc Hàn ở Mỹ (North Koreans Refugees in the United States, viết tắt là NKinUSA) đang cố gắng gây quỹ 10.000 USD để thực hiện hai cuộc giải cứu.
Thành Đô
Theo Fox News
No comments:
Post a Comment