Giọt nước mắt Sikiew
Viết cho những người ở trại tỵ nạn Sikiew Thái Lan
… Giờ này đã khuya lắm rồi, bầu trời đêm nay như một dải lụa đen nhánh, bóng bẩy và lấp lánh đầy kim tuyến. Đã gần 1 giờ sáng rồi mà tôi không thể nào chợp mắt nổi dù đã nhiều lần tôi cố dỗ giấc ngủ. Sở dĩ mà tôi không ngủ được là vì có nhiều thảm cảnh đã và đang xảy ra hàng ngày trong cái trại tỵ nạn bé cỏn con này đã in đậm vào trong tâm khảm của mình. Trong tôi, giờ đây như một ve thuốc độc đầy ắp và chỉ chực chờ trào ra. Những hình ảnh đầy phẫn uất nơi đây đã gợi lại vết thương dĩ vãng của tôi trong những năm tháng sống ở quê nhà khiến tôi liền gượng ngồi dậy, với tay lấy chiếc gương nhỏ đang treo ở trên vách vội vã soi lại quá khứ… Ô kìa! tại sao mình lại giống như một loài yêu quái. Trên gương mặt xám xịt trông như một thửa ruộng sau mùa gặt, đất đai khô cằn với những vết nứt nẻ ngang dọc và lỗ chỗ đầy những nét gian truân lẫn mệt mỏi chán chường…
… Ve thuốc độc trong tôi đã trào ra một chất lỏng bầy nhầy khiến tôi liền vung tay ném thật mạnh chiếc gương xuống đất vỡ tan tành. Chính nó đã làm cho tôi trằn trọc, trăn trở trong đêm nay. Đêm Sikiew thật vắng lặng, lạnh lẽo và âm u như một bãi tha ma. Ngoài kia gió vần từng cơn thổi vi vu như tiếng những oan hồn, âm binh đang than oán với màn đêm. Gió vẫn từng cơn xô đẩy những cành lá của những cây bạch đàn tạo lên những âm thanh xào xạc càng làm tăng thêm vẻ lạnh lẽo của miền rừng núi hoang vu này. Từng cơn gió lạnh nghe buốt xương tuôn tràn qua khe cửa được che chắn bằng những miếng nylon cũ rách và vá víu chằng chịt. Hơi lạnh từ phía trên mái tole phà xuống chẳng khác nào như những nhát dao vô hình đang chém mạnh vào cơ thể vốn đã tàn tạ và tiều tụy của mình. Tôi mơ hồ thấy mình như một con điếm về chiều, một mình lặng lẽ lê bước chân rã rượi trong một cơn mưa tầm tã, phấn son nhòe nhoẹt chảy dài để lộ ra khuôn mặt mệt mỏi và bơ phờ. Hai mắt tôi vẫn mở thao láo trong bóng tối và nhìn trừng trừng vào màn đêm. Tôi nghe những nỗi xót xa cùng niềm cay đắng đang từ từ xâm chiếm cõi lòng mình. Thế rồi dòng thời gian vẫn cứ trôi ngược lại khiến tôi mệt mỏi và thiếp đi lúc nào không biết…
… Tôi giật bắn mình và vội choàng tỉnh dậy khi nghe một tiếng rú thất thanh dội mạnh vào tai khiến tôi liền định thần và nhận ra tiếng thét đó đã xuất phát từ căn nhà tập thể đối diện. Tiếng thét đó thật to, thật dài và nghe lanh lảnh như ma kêu quỷ réo đã vang dội cả một khu C trong trại tỵ nạn Sikiew và đồng thời tiếp theo là những tiếng chân người chạy lạo xạo hòa lẫn những tiếng nói ồn ào, xôn xao đã làm náo động giữa một đêm trời se lạnh cuối năm.
Bản tính cũng hiếu kỳ như bao nhiêu người khác vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra khiến tôi cũng vội vàng tung chăn và lao thật nhanh ra khỏi chỗ nằm rồi băng mình hòa vào đám người để tiến đến nơi đã xuất phát tiếng kêu có vẻ khẩn cấp đó. Tới nơi, trước mặt tôi, một cảnh tượng kinh hãi và ghê rợn đã bày ra là ở ngay chính giữa căn nhà C4! Trên một cái xà ngang có một xác người con gái treo cổ tòn ten, tóc xõa ra trong một sợi dây ny lon màu xám và to bằng ngón tay. Tiếp đến, có hai người thanh niên gan dạ đã nhanh chóng nhắc chiếc ghế đẩu đặt phía dưới xác chết rồi lẹ làng leo lên để tháo sợi dây “oan nghiệt”ra và đỡ nhẹ tử thi đặt nằm xuống nền nhà. Mặc cho những người hiếu kỳ đang lố nhố vây quanh để xem mặt, năm anh em của cô con gái tự vận liền ôm chặt lấy xác em mình mà vật vã khóc lóc thật thảm thiết. Lúc đó khoảng 2 giờ sáng ngày 11/12/1992. Mọi người được biết sau khi bị Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc kết tội di dân vì kinh tế và khước bác quyền tỵ nạn nên đã khiến nạn nhân là cô Hoàng Thị Thu Cúc, 26 tuổi đã tìm đến cái chết để giải oan bằng cách thắt cổ tự tử.
Gia đình cô Cúc từ trước đến nay vẫn bị nhà cầm quyền CSVN chèn ép, theo dõi và bị đe dọa an ninh trong đời sống vì thân phụ của anh em cô là ông Hoàng Trọng Kháng. Trước năm 1975, ông Kháng làm Trưởng Ty Thông Tin và Chiêu Hồi tại tỉnh Thừa Thiên và ông cũng là một cán bộ cao cấp của đảng Ðại Việt thời bấy giờ. Cũng chỉ vì toàn bộ cuộc sống của toàn gia đình của cô quá bức bách khi thân phụ của mình qua đời trước những áp lực chính trị quá nặng nề và gay gắt khiến các anh em cô đã phải liều chết để vượt biển ra đi tìm tự do vào năm 1989 và tại nơi đây, cô cũng đã buộc phải chấm dứt cuộc đời mình bằng một cái chết thê thảm trong “vòng dây” thanh lọc bất công và tù đày giam hãm của các trại tỵ nạn ở Thái Lan. Ðây cũng là vụ tự sát lần thứ 7 tại Sikiew và đó cũng là một tiếng chuông nữa đã gióng lên để đánh động lương tri và lòng nhân đạo của nhà cầm quyền Thái Lan. Một khi tương lai và cuộc sống của con người đi đến chỗ bị bế tắc khiến họ lâm vào tình trạng tâm lý bị uất ức đến mức cùng cực thì trong những giây phút túng quẫn đó, nạn nhân luôn luôn nghĩ đến một cách là tự kết liễu cuộc đời như cô Cúc.
Vợ tôi cũng đã có một lần toan tự vận như cô Cúc! Gia đình tôi còn nhớ rõ mồn một cái ngày gia đình tôi lên hội trường của trại để nhận “cái chết”! Vì kết quả thanh lọc là một hồi chuông kết thúc cuộc sống người tỵ nạn hoặc là kết liễu cuộc đời họ do những người Thái Lan quyết định. Vì nếu những ai được công nhận quyền tỵ nạn thì mới có cơ hội thoát được sự giam cầm và hành hạ của họ, bằng không, khi đã bị phủ quyết là tước đoạt quyền tỵ nạn thì đành phải… chết! Gia đình tôi cũng không thoát khỏi nỗi đau đớn nặng nề nhất khi bị công bố rớt thanh lọc! Thế là hết! Ðời đen như mõm chó và đời tàn trong trại cấm! Tôi ngồi thẫn thờ trong căn nhà C9 còn đang cất dở dang như người mất hồn mà khóc với những giọt nước mắt đau đớn và tuyệt vọng buộc phải rơi cho số phận hẩm hiu của mình. Có rất nhiều người cũng cùng chung số phận như gia đình tôi vì chỉ có vài phần trăm người được ban phát quyền tỵ nạn. Thời gian này, không khí ở trại Sikiew như một bãi tha ma. Những nét mặt buồn bã, thất vọng nhìn nhau làm tăng thêm những nỗi khắc khoải của những con người kém may mắn và họ lo sợ sẽ phải bị trả về Việt Nam, nơi địa ngục mà họ đã phải liều chết để trốn chạy.
Ngoài những trường hợp của những người rớt thanh lọc rồi tự tử ra, có còn những trường hợp bi thương khác không? Chắc chắn ở một cái trại giam nhỏ xíu này, có hàng ngàn những chuyện thương tâm khác…
… Phùng, một thanh niên trẻ trong lứa tuổi 25. Anh ta vượt biên chỉ có một thân một mình. Trong thời gian sống ở trại Sikiew, Phùng đã yêu một thiếu nữ tên Thanh. Họ được sự chấp thuận của bà Ðoàn, mẹ cô Thanh, nên bà Ðoàn đã đứng ra tổ chức một cái “đám cưới” nho nhỏ cho con, mặc dù đó chỉ là một buổi tiệc trà đơn giản và mặc dù họ không được sự công nhận của trưởng trại nhưng điều này cũng đã thể hiện rằng Phùng và Thanh đã trở thành vợ chồng như bao nhiêu cặp vợ chồng bình thường khác. Tôi cảm thấy vui lây khi chứng kiến cái cảnh đầm ấm và hạnh phúc trong trại giam khốn khó này của đôi vợ chồng trẻ này giữa khúc quanh của quãng thời gian tỵ nạn. Thế nhưng dòng đời không bao giờ xuôi chảy, khi niềm vui chưa trọn vẹn thù đùng một cái, vào sáng ngày 24/1/1992, Phùng nhận được một tin sét đánh ngang tai là anh phải chuyển sang một trại khác!
Trong một phản ứng chống lại lệnh này của Phùng là cầm trên tay một con dao sáng loáng, anh chạy băng băng lên văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn với ý định toan mổ bụng tự sát! Nhưng anh được một số bạn bè ngăn cản khuyên nhủ và cộng thêm với lời giải thích của nhân viên Cao Ủy rằng: “Ðây là lệnh bắt buộc của Bộ Nội Vụ Thái Lan chứ họ không có quyền hạn và trách nhiệm!”. Dưới áp lực hết sức nặng nề của nhà cầm quyền Thái Lan khiến Phùng đành phải thúc thủ mà ra đi. Trong cảnh chia tay của đôi vợ chồng trẻ tuổi này, không có tôi chứng kiến vì tôi không muốn nhìn thấy cảnh kẻ ở người đi giống y như trường hợp của chính mình năm xưa khi còn đang sống nơi quê nhà. Tuy nhiên, sáng hôm sau, tôi gặp cô Thanh với đôi mắt bị sưng húp vì cô ấy đã khóc suốt đêm hôm trước. Tôi biết và hiểu được nỗi đau khổ của cô Thanh vì sự ra đi của người chồng mới cưới sẽ mịt mù xa thẳm, hơn thế nữa, với cái bào thai cô Thanh đang mang trong bụng cũng vừa tròn ba tháng và ấy là chưa kể đến nỗi khổ tâm của bà Ðoàn, người mẹ thương yêu của cô Thanh!
Tôi cũng không dám đến hỏi thăm và an ủi họ vì sợ rằng hai mẹ con cô Thanh càng thêm tủi thân mà khóc tiếp. Rồi chẳng bao lâu nữa, ở mảnh đất khô cằn nghiệt ngã này sẽ có thêm một đứa trẻ khóc chào đời trong một hoàn cảnh khốn khổ, éo le và oái oăm này, vì đứa trẻ vô tội sẽ giương đôi mắt ngây ngô, trong những ánh mắt thơ dại đó, nó sẽ nhìn mọi người lớn hơn nó, những đồng loại đang sống chui rúc như một bầy súc vật đang chen chúc nhau trong một trại giam mà chung quanh toàn là tường cao cổng kín và những hàng rào kẽm gai bủa giăng chằng chịt cùng với những nỗi cơ cực sẽ vây chặt lấy nó? Ðứa trẻ vô tội sẽ cất tiếng khóc, tiếng khóc oa oa đầu đời báo hiệu của một kiếp con người không có tự do. Rồi đứa bé sẽ bi bô thắc mắc là tại sao nó lại bị nhốt nơi đây và cha của nó là ai và ở đâu? Tại sao trong cái trại giam Sikiew bé tí tẹo này cứ mỗi ngày lại xảy ra những cảnh trớ trêu nhan nhản trước mắt tôi như vậy? Không có giấy bút mực nào có thể nói hết được những thảm cảnh trong trại tỵ nạn Sikiu nói riêng và tất cả những trại tỵ nạn khác nói chung.
Vĩnh biệt Sikiew
Ta may mắn trên đoạn đường tỵ nạn
Ngày lên xe xa rời khỏi Sikiew
Ta ra đi trong một sáng tiêu điều
Cây cỏ dại hai bên đường rũ xuống
Ta còn nhớ trong hàng rào trại cấm
Người chen người với ánh mắt mỏi mong
Thân tàn tạ với nỗi lòng héo hắt
Tự do ơi! sao ta nghe ớn lạnh
Những năm dài ta nếm mật nằm gai
Các bạn ta sao vẫn cứu hoài?
Trong trại cấm từng linh hồn giãy chết
Ta ra đi mà lòng còn thương tiếc
Nhớ hàng ngàn ánh mắt dưới bình minh
Xoáy vào tim như ngọn giáo vô hình
Nghe đau nhói ta từ từ gục xuống…
Sikiew ngày 15.7.1993
Sở dĩ tôi quay ngược dòng thời gian đã trôi qua hơn ¼ thế kỷ là bởi vì chỉ còn 3 ngày nữa là có một buổi họp mặt của những người cựu tỵ nạn Sikiew nói riêng và các trại khác nói riêng sẽ cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm không bao giờ phôi phai nên tôi mới kể lại vài trường hợp đáng thương đầy nước mắt trong trại Sikiew nhằm mục đích nhắc nhở những người đã từng ở trại tỵ nạn Sikiew năm xưa hãy cùng nhau đến tham dự nhằm mục đích tri ân vị linh mục người Thái đã từng giúp chúng ta trong cơn khốn khổ hoạn nạn.
Nguyên Sơn
No comments:
Post a Comment