Có một gã làm nghề đòi nợ thuê. Hắn kể đã từng chém đứt bàn tay của một bà nhà giàu để lấy chiếc nhẫn kim cương, hay đã từng đá sẩy thai một phụ nữ thiếu nợ. Hắn thấy khoan khoái sau những việc làm ấy. Thế rồi đời hắn coi như bỏ đi khi hắn bắt đầu sám hối. Và bây giờ hắn đã qui y tại một ngôi chùa...
Hắn là điển hình cho cái triết lý “quay đầu là bờ” của nhà Phật.
Vị sư quen biết rất lấy làm tự hào mỗi khi giới thiệu hắn với những người đến đây. Dĩ nhiên, gương mặt của vị sư chán ngắt bởi cái vẻ trông rất hiền từ của ông, nhưng dù sao vẫn còn dễ chịu hơn một gương mặt sám hối, bởi trông nó thật thê thảm. Nó giống dòng nước vào mùa mưa lũ pha trộn nửa đục nửa trong.
Sám hối là khi không thể ác được nữa và trở đầu. Hình như trong mỗi con người đều có một chỉ số gian ác nhất định, tương tự như chỉ số thiện tâm và chúng chỉ bùng lên hay xẹp xuống theo hoàn cảnh. Nhưng một kẻ ác không đến nơi cũng giống một kẻ thiện nửa vời. Thế giới này bị nhàm chán bởi những kẻ đó...
Một lần, tôi đối diện với một gương mặt không như mong đợi - nó không thiện cũng không ác. Nhưng ông ta khiến tôi chú ý bởi đôi mắt nhìn có phần kém minh bạch. Vị sư không giới thiệu gì về ông ta – một ông Du già lẩn thẩn quét lá trong sân chùa.
Tôi không đoán ra trước kia ông làm nghề gì. Nhìn gương mặt ông cũng khó đoán tuổi chứ nói gì đến nghề nghiệp. Hầu hết những kẻ dạt đến ngôi chùa này phần lớn cuộc đời họ đều đã trải qua những đợt thăng trầm trước đó.
Cả ngày ông Du già chẳng để ý đến chuyện gì ngoài việc quét lá. Ông thơ thẩn vô hồn trong cõi nào đó như chẳng có thế giới bên ngoài. Nhưng lần đó, ông làm tôi sửng sốt khi bỗng nhiên ông trở nên hoạt bát lạ thường với ánh mắt sáng quắc và hỏi tôi một vài câu về thế sự. Tôi trả lời ngập ngừng. Ông tiếp tục đoán tôi đang làm một nghề gì đó bình thường. Tôi nói hầu hết ai cũng làm một nghề bình thường để kiếm cơm.
Ông lại nhận xét tiếp: “Cậu cũng không làm gì bí mật.”
Tôi cười: “Vậy chắc ông đã từng làm một nghề gì bí mật?”
Ông cũng cười: “Cậu không nguy hiểm chút nào. Một người muốn thành công phải có nhiều bí mật và tỏ ra nguy hiểm một chút.”bí ẩn. Trông ông chẳng thấy điều gì như thế. Nhưng có cái mà tướng số gọi là ẩn tướng. Sự nham hiểm thật sự thường giấu sau vẻ ngoài khó đoán. Những câu hỏi dò xét của ông khiến tôi cảnh giác dần. Ở xứ này, sự nghi ngờ luôn thường trực trong óc từng người.
Nhưng ông chẳng thể hiện gì thêm. Rồi bất ngờ ông hỏi tôi: “Cậu đoán thử trước đây tôi làm nghề gì?”
“Chịu. Sắc sảo như ông chắc là luật sư hay công an?”
“Trật lất. Bọn luật sư là lũ lợn. Còn đám công an là bọn óc trâu, chúng chỉ giỏi hống hách thôi.”
“Vậy tôi thua… ”
Bỗng ông cười ha hả thật khoái chí: “Cho đến bây giờ chẳng có ai đoán đúng cả. Cậu cũng không ngoại lệ.”
Cuối cùng, ông tiết lộ mình từng là giám thị trại giam, hay huỵch toẹt ra là nghề cai ngục, và đã về hưu.
Đây là lần đầu tiên tôi gặp một người làm nghề cai ngục - cái nghề kỳ lạ nhất trong những nghề có trên đời này. Nhưng nó hẳn cũng là một nghề. Nghĩa là làm việc cả tháng và cuối tháng lãnh lương.
Linh tính mách cho tôi là sắp được nghe một câu chuyện hấp dẫn...
Những kẻ làm nghề chăn bò hay chăn dê muốn giỏi phải hiểu được tập tính của chúng. Buổi sáng khi mở cửa chuồng, sự hứng khởi sẽ khiến bọn chúng lồng lên và rông chạy bỏ đàn. Còn buổi chiều là lúc bọn đực hay đú đởn. Trong đám ấy, luôn có những con cứng đầu. Chỉ cần để ý mấy con này là ổn. Hay có những con gọi là đầu đàn vì hành vi của chúng dễ làm gương cho bọn còn lại noi theo. Toàn bộ triết lý của việc chăn bò hay chăn dê nằm ở đó.”
Ông này coi bộ thâm sâu hơn tôi tưởng. Đến cả việc chăn bò mà cũng nặn ra được cả một triết lý dài dòng đến thế.
“Nghề cai ngục cũng vậy thôi, chẳng khác gì chăn dê hay chăn bò. Dĩ nhiên đó là một nghề khó nhọc bởi có những kẻ rất thông minh và cứng đầu, cứng đầu ngay cả khi bị nỗi đau đớn giày vò...
Con người cũng có nhiều dạng, nhất là khi dồn họ vào cùng một nơi như nhà tù thì sự khác biệt sẽ bộc lộ rất rõ. Giám thị bọn tôi thường chia bọn tù ra làm ba loại:
Loại một: được gọi là lũ lợn, bởi bọn này chẳng có gì bí mật hay nguy hiểm. Đây là lũ tham lam một ít, gian ác một tí. Cái bọn này chỉ cần hù doạ nhẹ một cái là đái đầy quần. Đây là loại mà các cai ngục thích nhất bởi, ngoài cái dễ doạ nạt, các cai ngục còn được bọn này cung phụng rất nhiều thứ, từ tiền bạc hằng tháng cho đến đồ tiếp tế từ gia đình bọn chúng. Chúng tôi sống nhờ chủ yếu vào bọn này.
Loại hai: là bọn hung dữ và lì lợm. Đây là lũ đầu trâu mặt ngựa, cướp giật, giết người không gớm tay. Trị bọn này hơi khó một tí, vì cũng phải “ăn chia” ít nhiều. Bọn tôi thường dùng bọn này để cai quản bọn lợn hay trừng phạt bọn loại ba.
Loại ba: đây là loại đáng sợ nhất. Bọn này không hung ác, cũng chẳng hiền. Đây là bọn thiên về trí tuệ. Bọn chúng luôn đoán biết được tụi tôi sẽ giở trò gì...
Những ngày sau bảy lăm, tôi là cai ngục ở một trại giam. Ở đây tụi tôi phải cai quản một bọn toàn loại ba. Bọn chúng là những sĩ quan cũ, văn nghệ si Sài Gòn hay vài tay chính trị gia...
Bọn tôi được lệnh phải hành hạ bọn này cho ra trò, và chúng tôi đã nghĩ ra mọi cách để làm việc đó.
Bọn tôi luôn thực hiện mọi thứ nghĩ ra được để làm bọn chúng kiệt quệ về thể chất và, qua đó, tiêu diệt tinh thần của bọn chúng. Vì thế, bọn này chỉ được cho ăn ‘vừa đủ’ để tồn tại. Bệnh tật không bao giờ được chạy chữa. Trong cả trại, chẳng có thằng tù nào không bị ghẻ lở. Tụi tôi sung sướng khi thấy bọn chúng bị những mụn ghẻ lở loét hành hạ và chết dần chết mòn.
Nói thật, giết hết bọn chúng đi rất dễ, nhưng nếu làm như vậy thì còn gì trò vui nữa, nên bọn tôi luôn biết cách để cho bọn chúng ‘sống’. Dù vậy, tuần nào bọn tôi cũng phải khiêng đi chôn vài mạng.
Bọn tôi luôn muốn nhìn thấy sự đau đớn hiện rõ trên gương mặt bọn chúng. Điều này làm cho tôi thấy hả lòng hả dạ sau bao năm phải chịu khổ cực...
Rồi một đêm, tình cờ có người phát hiện bọn chúng chuyền tay nhau đọc cái gì đó. Tôi cho người theo dõi và phát hiện được đó là một bài thơ. Tôi còn nhớ bài thơ chép trên một tờ giấy đi cầu, và chẳng hiểu sao tôi lại thuộc lòng nó lúc nào không hay. Đây là bài thơ duy nhất mà tôi thuộc trong đời mình…”
Rồi ông ta từ từ đọc bài thơ cho tôi nghe…
Đó là một bài thơ tình, diễn tả nỗi nhớ da diết một người yêu nào đó đã xa xôi.
“Bài thơ càng làm cho tôi thêm quyết tâm phải huỷ diệt bọn này. Tôi nghĩ bọn cấp dưới đã quá nhân đạo để cho bọn chúng còn làm được cả thơ trong tù nữa. Sau đó, tôi sai lôi cổ thằng đã làm bài thơ này lên phòng hỏi cung. Đó là một gã có gương mặt nhỏ và hiền. Người hắn gầy còm, bước đi rất khó nhọc vì bị ghẻ toàn thân. Nhưng lạ thay, hắn luôn mỉm cười, ngay cả lúc đã ngồi trước mặt tôi. Hắn đối đáp nhẹ nhàng những câu hỏi của tôi. Cung cách trí thức của hắn càng làm cho tôi tức điên lên. Tôi muốn cho hắn một phát vô đầu ngay lập tức cho bõ ghét, nhưng chợt nghĩ lại: làm như thế có khác gì giúp hắn, nên tôi tạm tha cho hắn và bắt đầu suy nghĩ vạch ra một kế hoạch để hành hạ riêng hắn...
Tôi sai làm một cái chuồng lợp tôn thấp lè tè ở giữa sân sau và nhốt hắn vào đó, rồi cắt người theo dõi. Vài hôm sau tôi chờ đợi để xem hắn có van xin thả ra không, nhưng chẳng thấy. Người của tôi báo cáo hắn luôn ngồi xếp bằng, hai tay để lên đùi, mắt nhắm, miệng mỉm cười mặc cho cái nắng như đổ lửa đang nung nấu.
Tôi hạ lệnh không được cho hắn uống nước, để coi hắn chịu đựng được bao lâu. Rồi đích thân tôi ra theo dõi...
Nhưng lạ lùng thay, hắn vẫn cứ ngồi như cũ, miệng luôn mỉm cười như thách thức. Có người đã mách cho tôi biết là hắn đang tập thiền. Tôi cứ nghĩ ngợi hoài, chẳng lẽ tập thiền thì có thể chịu đựng được cái nóng và khát hay sao? Và tôi quyết tâm tự mình theo dõi thêm ít hôm nữa...
Nhưng mặc cho sự tức tối của tôi, hắn vẫn cứ điềm nhiên như không có gì.
Hôm sau tôi cho người sửa lại cái chuồng cho thấp hơn nữa, chiều cao chỉ còn đủ nằm dài mà thôi. Rồi cho gắn thêm một cái chuông điện vào đó. Tôi sai một thằng ngồi túc trực bên cái công-tắc chuông, cứ vài phút là phải bấm một hồi dài. Tôi quyết không để cho hắn có thể ngồi thẳng lưng hay có lấy bất kỳ giây phút yên tĩnh nào để có thể tập thiền.
Buổi trưa hôm đó, tôi thích chí khi thấy hắn nằm dài trong chuồng, dưới cái nóng khủng khiếp. Tôi tin chắc hắn đang bị nướng và sẽ chẳng thể chịu đựng được lâu. Cả ban đêm tôi vẫn bắt một thằng túc trực bên công-tắc để bấm chuông liên tục.
Tôi nghĩ lần này, một là hắn chết, hai là tôi chiến thắng...
Sáng hôm sau, có người chạy lên cấp báo là hắn đã chết rồi.
Tôi cho gỡ mái tôn và khiêng hắn ra. Quả thực, hắn đã chết thật rồi, người ngợm gần như bị nướng chín. Nhưng lạ thay, miệng hắn vẫn giữ được nụ cười như thường lệ. Mấy thằng cấp dưới hí hửng vui mừng vì từ nay khỏi phải vất vả đối phó với cái gã cứng đầu này nữa. Nhưng riêng tôi, khi nhìn nụ cười của hắn, tôi biết mình đã thua, vì không phải hắn chết mà hắn đã thoát...”
Tôi thảng thốt nhìn vào mắt ông, nơi thường chỉ là một cõi vô hồn, nhưng lúc ấy hằn lên những tia đỏ máu dọc ngang trước khi dịu xuống. Tôi biết mình vừa được chứng kiến một gương mặt ngoại hạng, bởi nó vượt xa ngoài kích cỡ cái ác thông thường mà tôi từng biết đến...
“Rồi… ông không cảm thấy ăn năn chút nào hay sao?” tôi dè dặt hỏi.
Bây giờ gương mặt ông đã trở lại bình thường. Có lẽ câu chuyện khủng khiếp ấy vẫn luôn ám ảnh ông cho đến tận bây giờ và vẫn còn đủ sức để kích động cái bản năng dã thú trong con người ông.
“Cậu hãy nghe cho hết câu chuyện rồi lên mặt dạy đạo đức cho tôi cũng chưa muộn…”
“Vâng, xin lỗi… ”
“Cái chết của kẻ ấy bắt đầu trở thành gánh nặng cho cuộc đời tôi từ đó… Chẳng có lúc nào nó không ám ảnh tôi, cả khi ngủ lẫn khi thức. Nó là chiếc bóng mà tôi phải đeo đẳng chẳng thể dứt ra được.
Ít lâu sau đó, vì không còn chịu đựng được nữa, tôi đã xin chuyển công tác sang bộ phận khác. Nhưng dù đã rời xa công việc cũ, tâm trí tôi cũng chẳng tìm được chút an bình nào.”
“Có phải vì vậy mà ông đi tu?”
“Đúng vậy, nhưng không hẳn là do ý chí của tôi. Với tôi, mọi chuyện bắt đầu có vẻ tình cờ, nhưng sự thật thì sau cái đêm người tù thiền chết, cuộc đời tôi đã bước vào một nẻo khác thường, như đã được ai đó sắp đặt mà tôi không biết…
Thực ra, người tù thiền chưa chết. Khi gỡ hắn ra khỏi chuồng cọp, bọn nhân viên đưa xác hắn lên để tạm trong một chòi gác bỏ hoang nằm cách xa khu trại giam. Sáng mai, một tên nhân viên hốt hoảng chạy lên báo cho tôi là “cái xác đã biến mất”. Tôi xuống kiểm tra hiện trường, xem xét mọi dấu vết nhưng tuyệt nhiên chẳng tìm thấy gì. Cả bọn cai ngục tin là cái xác đã bị thú dữ tha mất, nhưng riêng tôi, tôi tin là hắn chưa chết và đã trốn thoát. Nhưng tôi im lặng chẳng nói gì và ra lệnh thông báo là hắn đã chết.
Ngay trong sáng hôm ấy, tôi cùng một đội súng ống đầy đủ, bắt đầu lùng sục các khu rừng chung quanh trại giam. Chúng tôi lùng sục cả tháng trời ở tất cả những nơi mà tôi đoán hắn có thể tới. Nhưng vẫn biệt vô âm tín.
Cấp trên của tôi không chấp nhận cho tôi tiếp tục truy tìm nữa, bởi họ cũng cho rằng người tù ấy đã chết. Nhưng dù thế nào tôi vẫn không thể bứt ra khỏi cái suy nghĩ rằng người tù ấy vẫn chưa chết và đang ở đâu đó cười nhạo tôi với nụ cười giễu cợt mà tôi đã thấy.
Từ đó tôi xin nghỉ việc hẳn và đi tìm người tù ấy…”
Ông Du già ngừng kể đột ngột, cúi xuống nhặt một chiếc lá vàng rồi mân mê trên tay. Tôi tưởng ông sẽ nghỉ đôi chút rồi sẽ tiếp tục câu chuyện, nhưng không, ông ngừng hẳn. Rồi bất thần, ông bỏ đi mà quên mất là có tôi đang chờ nghe tiếp câu chuyện.
Tôi đi tìm vị sư. Vị sư cưởi, nói: “Ông ấy vẫn thường như vậy. Lúc kể chuyện là lúc ông ấy được ‘trở về thực tại’, còn những lúc khác tâm trí ông ấy phiêu lãng ở một cõi nào đó không ai biết, nhưng…”, vị sư ngừng lại, rồi nói tiếp: “... Người tù thiền chắc đã chết rồi. Chỉ có lòng hận thù thắng thua của ông ấy là vẫn chưa chết. Thỉnh thoảng nó lại trồi lên hành hạ ông ấy…”
No comments:
Post a Comment