Sunday, October 22, 2017

Cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa

Nguyễn Thừa Bình


Sáng nay cùng với ba ông bạn đến Nguyen Pho & Grill ở 500 Grand Blvd, Kansas City, MO 64106 ăn sáng, uống cà phê, chuyện gẫu, và nghe Trần-thiện-Thanh đang hát “Thôi em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, để anh buồn như anh chàng làm thơ…”, tôi liên-tưởng đến hai câu thơ chót bài thơ “Ngập-ngừng” của thi sĩ Hồ-Dzếnh Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ. Cho nghìn sau lơ-lửng với nghìn xưa”. Bởi vì có “nghìn sau lơ-lửng với nghìn xưa”, tôi mới chạnh nghĩ ra mình với bạn bè mình, với đất nước mình mấy chục năm nay có trước có sau gần một thế-kỷ. Nhớ thời sống ở nhà quê “Cây số 6 “ Phú-lâm, Hàm-thuận; thời nơi Đức-long, thị-xã Phan-thiết; thời “xếp bút-nghiên theo việc binh-đao” rày đây mai đó; thời nước Việt-nam Cộng-hòa mất vào tay Việt-cộng gọi là Giải-phóng, và thời bây giờ đây đang sống ở đây Kansas City của Missouri đã hai mươi lăm năm…


Bia-đài Đức-long, Phan-thiết

Trí nhớ mù-mờ, áng chừng năm 1949 gia đình tôi xa phố-phường Phan-thiết “bỏ phố lên rừng” sống đời thôn-dã ruộng vườn ngay cây số 6 đường vào Sài-gòn. Ở đây, vài ngày lính Pháp trông dữ-dằn trên đồn “Ngã-hai” lại đi “patrouille” một lần, ai cũng sợ. Chiều chiều mấy mén du-kích Việt-minh trông hiền khô lẻn về tuyên-truyền được cảm-tình bà con hơn. Mấy năm ở đây, cuộc đời lam-lũ đã đành đời gia-đình một nông-dân, nhưng không khổ bằng lúc thì Pháp lúc thì Việt-minh. Chừng tám, chín tuổi tôi đã chứng-kiến anh Dục, con trai của người bác Họ theo Việt-minh bị lính Pháp bắn chết bên nhà hàng xóm. Tôi cũng thấy chừng một tiểu-đội lính Việt-minh phục-kích trước nhà để giật mìn đoàn “convoy” Pháp ngay cây số 6 “cõng” đồng-đội bị thương chạy vào Cát. Sống đã cực-khổ mà không đủ ăn, lại phải chịu nghịch-cảnh giữa hai lằn đạn Pháp, Việt-minh gần 3 năm trời, gia-đình tôi năm 1951 trở về lại Phan-thiết. Có sống ở nhà quê, tôi mới nghiệm ra một điều, việc mà tiêu-diệt du-kích Việt-minh thì không dễ chút nào thời đó, và sau nầy chính quyền Việt-nam Cộng-hòa làm sao mà “lùng và diệt” cho hết bọn Việt-cộng!? Việt-nam Cộng-hòa bắt chính ngay Viêt-cộng mà còn phải xử tới xử lui theo luật, nhưng Việt-cộng muốn cắt cổ ai là cứ cắt để khủng bố. Việt-nam Công-hòa làm sao có đủ lính, đủ người, đủ của… để bảo-vệ an-ninh cho hết đồng-bào được ở những nơi thôn-dã xa xôi, là những nơi Việt-cộng dễ lộng-hành?

Tôi về Đức-long, Phan-thiết thời mà đèn đường mấy năm sau mới có. Nơi đây lúc thì làng, lúc thì ấp, lúc thì hộ, lúc thì phường trừ “phố Năm căn” ra, lẹt đẹt chỉ có mấy căn nhà mái tranh, vách lá chung-chạ với mả mồ người Việt, người Hời chết từ thuở nào xa xửa xa xưa. Con đường Trần-quý-Cáp trọn-lỏn giữa sông và biển nằm trong lòng những đụn cát trắng đầy những đám xương rồng, cỏ dại, lang thang vài con chó hoang, mèo hoang ngẩn-ngơ! Con đường dẫn lên Bia-đài, đồn Chữ-y, Mả-lạn, Căn… đám-ma như cơm bữa từ tờ mờ sáng đến tối om. Chừng năm 1953-1954 có dãy nhà tôle 35 căn chính-phủ làm để cấp cho người nghèo, mà người nghèo cũng chê đến mấy năm sau vẫn chưa đủ người vào ở. Tôi đã 10 tuổi mới bắt đầu đi học lớp 5 năm 1952. Ở đây, tôi lớn lên theo từng cơn gió Bấc thổi về; theo từng dòng nước sông Cà-ty lúc lên lúc xuống; nghe sóng biển xóm Câu, xóm Ghẹ lúc động, lúc yên, và xóm làng thì luông-tuồng ngõ-ngách. Dù chỉ là một rẻo đất nhỏ giữa sông với biển tiếp đất Bình-tú và xa xa là mật-khu Ba-hòn, nhưng mấy mạng du-kích Việt-cộng đâu dám léng-phéng về tuyên-truyền như ở cây số 6 Phú-lâm. Cuộc sống bình-yên. Chỉ một lần, như chừng năm 1962, bác Quế, Công-an phường Đức-long bị Việt-cộng từ Ba-hòn ra ám-sát vào lúc 1 giờ đêm. Nhà bác Quế gần nhà tôi.


Radio Ấp Chiến-lược

Những năm cuối 1960, tôi còn nhớ như in cái radio ấp Chiến-lược với đôi song-ca Ngọc-Cẩm và Nguyễn-hữu-Thiết, mà bây giờ và mãi-mãi không còn nữa. Người ta bu quanh cái “ra-dô” đó nghe hai giọng ca thanh-thót, trầm-trầm giọng Huế nghịch nhau mà trau chuốt cho nhau: 

Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm-trường mênh-mang…”, “Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái? Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn-dài…”, “Một chiều anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi…”

Cuộc đời êm-ả trôi. Tôi lớn lên từng ngày. Nước chảy dưới cầu, mây bay trên trời cao, và ngày tháng đi vào cuộc chiến khốc-liệt. Lứa tuổi 20 chúng tôi đã bắt đầu vừa ôm súng đạn ra trận, vừa hẹn-hò tình-yêu trăng-sao. Cuối năm 1963, thằng bạn thân Nguyễn-văn-Hùng vừa đậu Tú-tài 1 bỏ hát “Từ biệt nhau đi giữa mùa trăng xẻ đôi, lúc tình mới thành lời…”, bỏ con bồ nhỏ Đức-long mới quen, bỏ dạo phố-phường Phan-thiết với bạn với bè, bỏ ngay người mẹ già nghèo-khổ đơn-chiếc nuôi nó lớn lên cho ăn cho học…để vào mật-khu theo Việt-cộng, và chết rục xương nơi rừng sâu, núi thẳm nào đó, lúc nào đó không biết! 

Tết năm 1964 một cô gái Bắc ở Sài-gòn ra, không biết ai mê-hoặc ai, mà hằng tuần cả hơn một năm trời, tôi và cô ta cứ nhận thư của nhau. Thư của tôi thì khô-khan, vụng-về của một thằng hình như chưa biết yêu, và chắc-chắn là không biết viết thư tình. Thư của “Cô em Bắc-kỳ nho nhỏ…tóc demi-garçon” thì như chìa đôi cánh tay nõn-nà trắng phau mong-manh những sợi lông tơ, và nụ cười lóng-lánh long-lanh trăng sao lãng-đãng dìu tôi vào cuộc tình mơ với mộng. Những giọt dầu thơm Rêve d’Or giọt vắn giọt dài vào tờ thơ pelure màu hồng, kèm theo đôi môi son hôn lên cuối trang thơ làm tôi ngất-ngây đến bây giờ nghĩ về, vẫn còn thẩn-thơ thẫn-thờ lưu-luyến. Sấp nhỏ bây-giờ chắc không có những bức thư tình mật-ngọt như chúng tôi hồi đó mấy chục năm trước vừa mộng-du lãng-mạn, vừa vỗ-về tình-ái thăng-hoa! Tôi ngân-nga câu thơ Hồ-Dzếnh “Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ, cho nghìn sau lơ-lửng với nghìn xưa”.


Trường Trung-học CHU-VĂN-AN năm 1961

Năm 1964 tôi vào Sài-gòn ở với gia-đình ông anh ruột nằm trong hẻm đường Đại-tá Trần-hoàng-Quân giữa 2 đường Trần-nhân-Tôn và Sư-vạn-Hạnh. Xa nhà luôn từ đó, tôi theo học Trung-học Chu-văn-An, Đại-học Văn-khoa Sài-gòn, và làm précepteur mấy đứa nhỏ dưới Tân-định. Vào thời điểm nầy, đây là một giai-đoạn chiến-tranh tương-tàn do Cộng-sản Bắc-việt gây-hấn một cuộc chiến-tranh ý-thức hệ giữa hai miền Nam, Bắc Việt-nam, mà tuổi trẻ chúng tôi phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung” miệt-mài dấn-thân. Những bài hát hơi-hướm chiến-tranh lãng-đãng khắp nơi “Tôi lại gặp anh người trai nơi chiến-tuyến, súng trên vai bước về qua đường phố…”, “Anh còn gì cho tôi? Tôi còn gì cho em? Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù…”. 

Bạn bè tôi, những người con trai có người ra đi không trở về, có người thân-thể một phần bỏ lại ngoài mặt-trận; những người con gái ngày đêm vật-vả khóc tình-yêu dang-dở “Gọi anh giữa đêm, sầu-thương tay đứt ruột mềm. Gọi anh giữa đêm khổ-đau như xé con tim”…Các trường Võ-bị Đà-lạt, Hải-quân, Không-quân Nha-trang “chê” cái bằng Tú-tài 2 ban C, tôi loay-hoay thi đậu khóa 1 Chiến-tranh Chính-trị rồi bỏ; xin được Bộ Quốc-gia Giáo-dục cho dạy Anh-văn dưới Vĩnh-bình rồi cũng bỏ; sau cùng đậu và vào học khóa 2 Học-viện Cảnh-sát Quốc-gia trong Biệt-khu Thủ-đô.


Chợ Cồn Đà-nẳng năm 1970

Ra trường, tôi về Quảng-ngãi cuối năm 1967 đến đầu năm 1969 ra Đà-nẳng sống với người vợ mới cưới. Trong thời-gian ở hai nơi nầy sau tết Mậu-thân năm 1968, chiến-tranh như nỗi ám-ảnh ma-quái chực chờ giết người dã-man như giết thú-vật không biết lúc nào. Sông Trà-khúc ở Quảng-ngãi máu đỏ thành dòng, và người như lục-bình trôi từng đám. Đà-nẳng, con đường Trưng-nử-vương khu tôi ở kiệt Bảo-trác, con đường Duy-tân dẫn vào phi-trường, vào bệnh-viện, và chung quanh khu-vực chùa Tỉnh-hội Phật-giáo thường-xuyên đạn 122 ly trong rừng Việt-cộng bắn ra tìm đường phá tan nhà cửa, xé nát xương thịt con người. “Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên nóc nhà thành-phố, trên những đường quanh co...”. Sống đó, chết đó từng giây, từng phút người ta lì ra, quen đi, thản-nhiên: “trời kêu ai nấy dạ”!

Cuối năm 1969, tôi chuyển về Phan-thiết quê mình, thành-phố đổ nát sau cuộc tổng công-kích tết Mậu-thân của Việt-cộng tôi đã chứng-kiến trước đó trong mấy ngày phép đầu năm 1968. Anh Bảy chồng chị Phụng bán bánh “quai-vạc” sát bên nhà tôi bị bắn chết để lại vợ con, và tiếng khóc than thảm-thiết mấy tháng trời! Xác chết không còn nguyên vẹn để lại trên chiến-trường có những người là những anh em thân-thiết cùng xóm làng, cùng trường học! 

Cuối năm 1970, tôi vào Trung-tâm Huấn-luyện Quang-trung rồi trường Bộ-binh Thủ-đức theo học Khóa 6/70 Trừ-bị. Khoảng tháng 5 năm 1971, tôi gặp thằng bạn cùng xóm, cùng trường đang thụ-huấn khóa 5/70 Đặc-biệt. Nó không có Tú-tài I phải ra Đồng-đế học lấy lon Trung-sĩ năm 1965, và bấy-giờ năm 1971 vào Thủ-đức kiếm lon Chuẩn-úy. Ra trường chưa tới một tháng, nghe tin nó đã bị bị chết cháy không nhìn ra nó là ai trong trận đánh với Việt-cộng ở Hòa-tân, Gò-công. Ba má nó chỉ có 2 đứa con, mà nó là đứa con trai duy nhất làm sao không buồn-thúi-ruột cho được! Học trường Bộ-binh Thủ-đức, tôi may-mắn thoát chết trong đường tơ kẻ tóc trong một lần khám súng vào đúng 12 giờ trưa ngày 21 tháng 4 năm 1971. May, viên đạn thật không biết làm sao nằm trong súng M.16 của thằng bạn nằm giường dưới của tôi tên Sơn, tôi đặt bí-danh nó là Sơn-Rhadé bắn xẹt qua màng-tang của tôi cách chừng vài li. Đúng vào ngày giờ đó ở Phan-thiết, thằng con trai đầu lòng của tôi sinh ra. Có mối linh-thiêng nào đó dính-dáng vào?


Phụ-tá Đặc-Biệt BCH/CSQG tỉnh Quảng-Đức

Cuối năm 1971 Đại-úy, tôi lên Quảng-đức làm Phụ-tá Đặc-biệt Bộ-chỉ-huy Cảnh-sát Quốc-gia Tỉnh Quảng-đức, còn gọi là trưởng F. Đặc-biệt cho đến ngày 23 tháng 3 năm 1975 di-tản về Lâm-đồng rồi lần lượt Nha-trang, Sài-gòn. Ở đây hơn 3 năm, tôi làm việc dưới quyền Tỉnh-trưởng kiêm Tiểu-khu-trưởng của các ông Trung-tá Hoàng-công-Duân, Đại-tá Phan-đình-Niệm, Trung-tá Cao-văn-Chơn, Trung-tá Nguyễn-hữu-Thiên, và cuối cùng là Đại-tá Phạm-văn-Nghìn. Làm việc dưới quyền là vì mỗi sáng thứ Hai, tôi phải thuyết-trình tình-hình an-ninh lãnh-thổ trong tuần qua, và nhận-định tình-hình trong tuần tới trước các ông Tỉnh-trưởng, phó Tỉnh-trưởng, và các ông Ty, Sở trưởng nội, ngoại thuộc Tỉnh trong phòng họp tòa Hành-chánh Tỉnh; cũng như mỗi ngày trong phòng họp Tiểu-khu, chúng tôi là F. Đặc-biệt với các phòng của Tiểu-khu thuyết-trình về phần hành của mình trước Tiểu-khu trưởng, Tiểu-khu phó, Tham-mưu trưởng, Chỉ-huy trưởng CSQG, Trưởng-ty ANQĐ, Chi-khu trưởng quận Khiêm-đức và các Phòng, Ban của Tiểu-khu…

Chính một trong các cuộc họp nầy dẫn đến cái chết oan-khiên của ông bạn già Nguyễn-văn-Tư, Trưởng phòng 2, và tôi cũng còn một chút nữa xuống Âm-phủ làm ma không còn con người nguyên vẹn. Nguyên-do là ông Trung-tá Cao-văn-Chơn thay Đại-tá Phan-đình-Niệm về làm Tư-lệnh Sư-đoàn 22 Bộ-binh là người gây ra cớ sự. Một cớ sự hồ-đồ, nông-nỗi không cần-thiết, và tai-hại. May, ông ta làm Tỉnh-trưởng chỉ đúng một tháng thì có Trung-tá Nguyễn-hữu-Thiên thay thế, không thì không biết còn chuyện gì nữa xảy ra? Trung-tá Thiên, tôi lại nhớ lệnh “anh ra giải quyết tụi Việt-cộng đang sinh-hoạt với đồng-bào ở Nghi-xuân, có cả thằng Thiện ở đó” vào đúng ngày Hiệp-định Ba-lê có hiệu-lực. Tới nơi, tôi thấy rõ ràng là Đại-úy Thiện, Chi-khu phó Chi-khu Khiêm-đức đang hết sức lúng-túng trong hoàn-cảnh bảy tên Việt-cộng có đầy đủ vũ-khí với đồng-bào, và chính cả lính của mình nữa đang đánh bài với nhau, cười vui với nhau. “Nguy rồi!”, tôi nghĩ như thế, và tìm cách “bắt” tụi nó. Cái khó là bắt tụi nó như thế nào, thì ai cũng sợ “vi-phạm Hiệp-định Ba-lê” mới vừa ký. Cuối cùng tôi cũng “bắt” được tụi nó một cách êm-ái, một cách tụi nó tình-nguyện. Có điều, khi về báo-cáo với Trung-tá Tỉnh-trưởng Nguyễn-hữu-Thiên thì Trung-tá “vắng” như là cố-ý; báo-cáo với Trung-tá Chỉ-huy Trưởng CSQG Cao-khánh-Sang thì Trung-tá hoảng lên “Trời ơi! Bắt về làm gì?”. Việc nầy, tôi đã nói tới nói lui rất chi-tiết mấy lần trước. May cho tôi, ngay đêm đó, Việt-cộng vi-phạm trắng-trợn Hiệp-định Ba-lê mới vừa ký chưa ráo mực đã đánh vào xã Đạo-nghĩa của Kiến-đức, tôi có được “Anh-dũng Bội-tinh” ngôi sao đồng của Trung-tá Tiểu-khu Trưởng Nguyễn-hữu-Thiên cấp cho, không thì không biết mình bị xử tội gì! Cái buồn cười ở đây là các ông ông Đại-úy Chi-khu phó Khiêm-đức của tôi đã không bị kỷ-luật là may, lại được “hưởng-sái” cũng như hai ông Trưởng-phòng Tổng quản-trị Tiểu-khu, Thiếu-tá Cẩn, tôi quên họ, và Chủ-sự phòng Quản-trị BCH/CSQG, Trung-úy Tống-kim-Lương “ngồi mát ăn bát vàng”.


Tìm cách di-tản, không chịu sống với Việt-cộng

Mấy chuyện nầy tôi đã nói chi-tiết và nhiều lần trong nhiều bài viết trước đây. Vào ngày 23 tháng 4 năm 1975 lúc 1 giờ 30 chiều, Thị-xã Gia-nghĩa của Quảng-đức di-tản. Di-tản là toàn thể quân, dân, cán, chính bỏ chạy khi chưa có tiếng súng giao-tranh, và Việt-cộng còn ở đâu đâu trong rừng sâu. Di-tản là lệnh của Trung-tá Tham-mưu Trưởng Tiểu-khu Quảng-đức bày chuyện báo-cáo láo về Sài-gòn rằng thì là “Việt-cộng tràn ngập” để chạy. Ông Đại-tá Phạm-văn-Nghìn là Tỉnh-trưởng bình thường thì oai-phong dữ, nhưng lúc dầu sôi lửa bỏng ổng đã “tẩu vi thượng-sách” từ hồi nào rồi. Chạy khỏi Quảng-đức, tôi về Bảo-lộc, Lâm-đồng ở nhà ông Đại-úy Hồ-Hối lúc bấy giờ là Đại-đội trưởng CSDC Lâm-đồng. Ở đây tứ bề yên ổn, nhưng cũng chộn rộn như Gia-nghĩa, Quảng-đức của tôi. Chừng năm ngày sau, được ông Hồ-Hối lo máy bay quân-sự về Nha-trang. Tôi tạm-trú ở nhà ông Đại-úy Võ-Thân, một quân-nhân biệt-phái cho đến chiều tối ngày 2 tháng 4 xuống cầu đá Nha-trang chạy tiếp vào Sài-gòn. Chạy tới chạy lui, rồi cũng chạy vào tù gọi là “học-tập cải-tạo” vào cuối tháng 6 năm đó. “Học-tập cải-tạo” trong Nam ra Bắc, rồi lại ngoài Bắc vào Nam 8 năm 10 tháng 25 ngày đời tù chết đi, sống lại mấy lần!

Tù “học-tập cải-tạo” ra, đời một “ngụy-quân, ngụy-quyền” bị dồn vào tận cùng nghiệt-ngã bởi một nhà cầm-quyền man-rợ, ngu-dốt, thù-hận. Một xã-hội trân-tráo, ngọng-nghịu, đói nghèo, phi-nhân, bất-đạo chình-ình ra cái đuôi lạc-hậu của thế-kỷ trước phá nát bóng dáng văn-minh có từ khi tôi chưa sinh ra. Miền Nam Việt-nam của tôi không còn gì! Tôi, bạn-bè tôi, đồng-bào tôi như bóng ma-trơi sống như chết đi rồi từ thuở mất nước Việt-nam Cộng-hòa mệnh-danh Hòn Ngọc Viễn-Đông. 

HO. 14, hai vợ chồng tôi với 5 đứa con qua Mỹ cuối tháng 11 năm 1992, và sống ở thành-phố Kansas City, tiểu-bang Missouri nầy từ đó cho đến nay còn khoảng một tháng nữa là 25 năm rồi. Ở đây, dù thành-phố nhỏ, nghèo nhưng đúng như bạn tôi HO. 9 qua trước cũng tại thành phố nầy đã nói: “Một trăm năm nữa Việt-nam như chúng tôi đang sống lúc bấy giờ cũng không bằng được”. Bây giờ tuổi đời chồng-chất tháng năm hun-hút ngồi nghĩ lại, mình cũng có những cái may của một đời người không hơn ai, mà cũng chẳng thua ai bên đàn con, cháu…

Cái may là may “sấp nhỏ” không đến nỗi nào. Cái may là may sống trong một thể-chế chính-trị lưỡng-đảng, và một chế-độ văn-minh tôn-trọng con người sống với con người. Cái may là may được sống giữa 2 thế-kỷ 19 và 20 của năm 2000 “Y2K” để thấy người ta xôn-xao, người ta lo sợ đến mức nào! Cái may là may vào lúc 1 giờ 05 phút trưa Thứ hai, ngày 21 tháng 8 năm 2017 vừa qua được nhìn Nhựt-thực toàn-phần, mà 99 năm nó mới trở lại thành-phố nầy, làm Kansas City tối-tăm cả 2 phút dài. Dĩ-nhiên là còn biết bao nhiêu là cái may nữa được sống ở đây; chứ còn ở Việt-nam thì “không chết cũng bị thương” cả một đời “ngụy-quân, ngụy-quyền” dưới chế-độ lạc-hậu, mạn-rợ của Việt-nam Cộng-sản. 

Ở đây, còn một cái may nữa, mà tôi muốn nói nhất và cũng lấy làm sung sướng nhất là được đi bầu từ các chức-vụ nhỏ nhất ở thành-phố đến lớn nhất của đất nước Hoa-kỳ là tổng-thống một cách tự ý, tự quyền. Bầu-cử tổng-thống Hoa-kỳ lạ-lùng nhất, phức-tạp nhất thế-giới cứ xẩy ra vào thứ Ba đầu của tháng 11 trong năm bầu-cử. Người thắng, không thắng ở phiếu bầu phổ-thông popular vote, mà thắng ở phiếu bầu đại-biểu electoral vote trong cử-tri đoàn electoral college. Electoral college có 538 elector. Ứng-cử viên tổng-thống nào đạt được 270 electoral vote thì đắc-cử. Tôi đi bầu tổng-thống Mỹ lần đầu tiên trên đất Mỹ vào thứ Ba, ngày 7 tháng 11 năm 2000, thời liên-danh George W.Bush – Dick Cheney của đảng Cộng-hòa thắng 271 electoral vote so với 266 electoral vote của liên-danh Al Gore – Joe Lieberman thuộc đảng Dân-chủ để trở thành tổng-thống thứ 43 của Hoa-kỳ. Chỉ nhờ thắng 537 phiếu phổ-thông popular vote ở tiểu-bang Florida mà liên-danh Bush – Cheney cộng thêm 25 electoral vote có được để vào tòa nhà Bạch-ốc một cách gây-cấn, dù liên-danh Gore – Lieberman thắng trên toàn quốc nhiều hơn 543, 895 phiếu phổ-thông. 

Một cuộc bầu-cử gây nhiều tranh cãi kéo dài hơn 1 tháng, chỉ chấm-dứt sau ngày 12 tháng 12 năm 2000 tòa-án Tối-cao Pháp-viện Hoa-kỳ United States Suprem Court với tỷ số 5/4 tuyên-bố thắng cử cho liên-danh Bush – Cheney. Thời đó, với CNN mua mỗi tháng trả mấy chục đô-la, vợ chồng tôi theo-dõi một cách nhiệt-tình đầy kích-thích, mà hơn nửa đời người chưa từng được tham-gia, chưa từng được chứng-kiến. Bốn năm sau, thứ Ba ngày 2 tháng 11 năm 2004, Tổng-thống Bush tái đắc-cử với 286 electoral vote so với 251 electoral vote của liên-danh John Kerry – John Edwards, và cũng hơn liên-danh nầy trên 3 triệu phiếu bầu phổ-thông popular vote.

Đến năm 2008 cuộc tranh-tài giữa một người ít tên tuổi da đen Barack Obama của đảng Dân-chủ với một Thượng nghị-sĩ da trắng nổi tiếng John McCain của đảng Cộng-hòa gây nhiều ngạc-nhiên, hết sức bất-ngờ. Cái ngạc-nhiên, cái bất-ngờ trước hết là ngạc-nhiên, bất-ngờ ông Obama đã hạ “đo-ván” bà vợ Tổng-thống Bill Clinton nổi tiếng, đầy tham-vọng trong chính-giới Hoa-kỳ ngay trong đảng Dân-chủ của mình trong thời kỳ bầu cử sơ-bộ. Cái bất-ngờ hơn hết là cặp Barack OBama – Joe Biden đã thắng lớn cặp John McCain – Sarah Parin với 365 electoral vote so với 173 electoral vote, và với tỷ-số cử-tri bầu 52.93% cho liên-danh Obama, 45.65% cho liên-danh McCain trong ngày bầu-cử thứ Ba, ngày 4 tháng 11. Bốn năm sau, vào thứ Ba ngày 6 tháng 11 năm 2012, liên-danh Obama – Biden lại thắng liên-danh Mitt Romney – Paul Ryan của đảng Cộng-hòa, tái đắc-cử với 332 phiếu đại-biểu cử-tri electoral vote so với 206 electoral vote của liên-danh Romney – Ryan, và phiếu phổ-thông 65, 915,795 của phía Obama, so với 60, 933,504 của phía Romney.

Chỉ có một nước Mỹ tự-do, dân-chủ mới có một người da đen không tiếng-tăm trong chiến-trường chính-trị, không được biết tên biết tuổi nhiều như Barack Obama khi ra tranh-cử ai cũng cười xòa, thậm-chí chế-giễu mới thắng được chức tổng-thống Hoa-kỳ mà thôi. Và cũng chỉ có nước Mỹ mới có một người như nhà tỷ-phú Donald Trump chưa từng hoạt-động chính-trị lại lời ăn tiếng nói bộc-trực, tênh-hênh, thô-lỗ bị đánh tả-tơi tứ bề từ những tay tổ trong đảng, từ giới truyền-thông thiên-tả cực-đoan, từ ban vận-động của đối-thủ tiêu tiền bạc tỷ, từ uy-tín Đệ-nhất phu-nhân cộng với các chức-vụ Thượng Nghị-sĩ, Bộ Trưởng Ngoại-giao… mà thắng đậm bà Hillary Clinton một cách hiễn-nhiên, oanh-liệt để trở thành tổng-thống thứ 45 của Hoa-kỳ qua cuộc bầu-cử thứ Ba, ngày 18/11/2016 vừa qua. 

Liên-danh Donald Trump – Mike Pence thắng liên-danh Hillary Clinton – Tim Kate với 306 electoral vote so với 232 electoral vote trong số 538 electoral vote ( hay pledged elector ) qua các tiểu-bang lững-lờ ( swing state ) Florida, North Carolina, Ohio, Iowa, và ngay cả các tiểu-bang là thành đồng vách sắt (blue wall) của đảng Dân-chủ như Michigan, Pennsylvania, Wisconsin, dù thua gần 3 triệu phiếu bầu phổ thông (popular vote) từ của Tiểu-bang California. Cuối cùng, ngày 19/12, các pledged elector trong Cử-tri đoàn (Electoral College) có 2 pledged elector không bầu cho ông Trump, và 5 không bầu cho bà Hillary, mà bầu cho Colin Powell 3, và bầu cho các ông John Kasich, Ron Paul, Bernie Sanders, Faith Spotted Eagle mỗi người 1. Vậy là, Liên-danh Donald Trump – Mike Pence với 304 pledged elector thắng mặn-mà, thắng đậm-đà Liên-danh Hillary Clinton – Tim Kate chỉ có 227 pledged elector. 

Cuộc bầu-cử tổng-thống Mỹ lần nào, chúng tôi cũng theo-dõi một cách sôi-nổi đầy cảm-hứng, nhưng chắc chắn chưa lần nào bằng lần nầy. Bầu-cử lần nầy, giới truyền-thông Mỹ “đánh lận con đen” quá-quắc, làm cho vợ chồng tôi có ủng-hộ tích-cực Trump – Pence cách mấy cũng không nghĩ liên-danh nầy thắng nổi. Mười giờ đêm chúng tôi tắt TV, tắt đèn đi ngủ, “nhìn chi tội nghiệp ông Trump”, bà vợ tôi nói vậy. Vợ tôi ngủ, và cứ ngu ngon. Tôi cứ thao-thức, và thao-thức đến 12 giờ khuya, mắt nhắm mắt mở bật TV lên coi. Không thể tin được, và cũng không thể không cười ra nước mắt mừng nỗi mừng không bút mực nào diễn tả được. “Ông Trump thắng rồi”, tôi vừa lay bà xã dậy, vừa la to. Vợ chồng tôi từ đó thức cho tới sáng. Bà vợ tôi cũng người thích chuyện thời-cuộc chính-trị, gọi vào hãng xin nghĩ làm ngày thứ Tư sau đó.

Cái “tệ” của cái mà người ta tự xưng là truyền-thông “bênh” và “bỏ” một cách trắng-trợn, thiếu lương-tâm, vô-liêm-sỉ của Mỹ. Cái tệ xuyên-tạc, bóp-méo, có nói không, không nói có nầy đã làm mất nước Việt-nam Cộng-hòa của chúng ta. Và cái “tệ” nữa là cái tệ ngành truyền-thông “ăn-theo” như đĩa đói của người Việt-nam ở hai miền Bắc, Nam California có tri-thức “lượm mót”, nhưng không có trí-thức biện-luận! Đài truyền hình lớn của người Việt hải-ngoại là đài SBTN từ Đỗ-Phủ, Tường-Thắng đến Đỗ-Dzũng, Mai-Phi-Long ngày nào cũng như ngày nào cũng chỉ ra-rả cung-bậc âm-thanh nhàm-chán: chống, chê, sỉ-vã, lật-đỗ…ông Trump không biết mệt. Tê hơn nữa, đài SBTN nầy còn lì, còn lợm quây một video cho phường văn-nghệ chợ-cá Trần-Quốc-Toản giá-trị không bằng cọng long sợi tóc người ta mà a-dua một cánh ngu-muội ca-ngợi bà Clinton là trí-thức, là đứng-đắn, là thông-minh, là dân-chủ, là đầy quyền-lực, là bảo-vệ nhân-quyền…, mà chê-bai hết sức vô-học, vô ý-thức, vô liêm-sỉ rằng ông Trump thiếu kinh-nghiệm, ăn nói bừa-bãi, kỳ-thị chủng-tộc, khinh-thường người di-dân, khinh-thường người đàn-bà phụ-nữ, ngu-xuẩn, chống đối người tị-nạn, làm mất mặt đất nước…

Phường chợ-búa hàng tôm, hàng cá đó là ai: là Trịnh-Hội, là Nguyễn-Cao Kỳ-Duyên, là Thái-Tài, là Đan-Nguyên, là Linda Trang-Đài, là Lâm-Thúy-Vân, là Phương-Hồng-Quế, là Ngọc- Đan-Thanh, là Trúc Lam – Trúc Linh, là hề rẻ tiền Hoài-Tâm, là hai đứa một trai, một gái nữa tôi không biết tên …Từ đó đến nay, chúng tôi đã không bao giờ nghe tin-tức trên đài SBTN nữa. Từ đó đến nay, bạn bè tôi ở khắp nơi Hoa-kỳ cũng đã bỏ đài SBTN không phải là ít. 

Dù cho ghét cay ghét đắng đến mức nào, chúng ta cũng phải công-nhận trí-tuệ, chí-khí, lòng can-đảm của ông Trump rất đáng khâm-phục, rất đáng nể, đáng sợ…, nào đâu “sè-sè nắm đất bên đường” mà khinh-miệt vô cùng lếu-láo, hỗn-xược đến như vậy!? 

Tôi thấy trước mắt, dĩ-nhiên là trước mắt, ai biết được chuyện khuất-tất? Một Obama để cho thằng Tàu tự-tung-tự-tác xây đão ở biển Đông, tung-hoành khắp bốn bể năm châu, và để cho mình phải đi cửa hậu máy bay và chẳng ai thèm ra đón rước; cúi cụp người xuống trước Nhật-hoàng Akihito, trước nhà vua Abdullah của Ả-rập Saudi; để cho Nga làm mưa gió ở Syria, chiếm bán đảo Crimea; tạo điều-kiện cho các tổ-chức Hồi-giáo phát-triển khủng-bố và lập ra quốc-gia; hối-lộ, vuốt-ve Iran là một tai-hoạ cho Mỹ trong tương-lai gần; để cho chú Kim Jong Un hù-dọa xin ăn hoài mà không biết phải làm sao; để cho các nước cổ lục-địa Âu-châu đã lợi-dụng, lạm-dụng mà còn coi-thường; với 8 năm cầm quyền đã tăng mức nợ công thêm 10 ngàn tỷ đô-la bằng mấy đời tổng-thống trước cộng lại; phân-hóa tính đoàn-kết quốc-gia, nhất là đen với trắng, giàu và nghèo; dung-túng di-dân bất hợp-pháp một cách vô-tôi-vạ để kiếm tiếng, kiếm phiếu…Tôi đã thấy, và tôi cứ nghĩ, những điều đó sẽ không xẩy ra trong thời Tổng-thống Donald Trump chưa nói 8 năm, nhưng ít nhất là 4 năm cầm quyền.

Cho ngàn sau lơ-lửng với nghìn xưa” nếu kể ra nữa thì kể làm sao cho hết chuyện một đời người cứ tiếp nối một đời người!? Ở đây tôi chỉ muốn nói một điều là tôi, những nguời bạn của tôi sống đồng thời ở miền Nam Việt-nam dẫu-gì cũng còn may-mắn, rất may-mắn nữa là khác. Chúng tôi được sống và chứng-kiến tận mắt cuộc sống của chính mình, khi thì lên voi, lúc thì xuống chó qua từng thời-cuộc vận nước nổi trôi, thế-sự thăng-trầm. Từ thời chiến-tranh Việt – Pháp nộ-lệ qua đi, tới thời chiến-tranh tương-tàn Quốc – Cộng; thời những người bỏ Bắc vào Nam, bỏ nước ra đi trốn lũ Việt-cộng; thời văn-minh Hòn Ngọc Viễn-Đông của Việt-Nam Cộng-Hòa bị cướp đi bởi những tên cuồng-nô mọi-rợ Marxist-Léninist; một đời tôi, sống cả hai thời lạc-hậu nhất ở nước Việt-nam Cộng-sản và văn-minh nhất hành-tinh con người ở nước Mỹ. Để thôi dài dòng thêm, tôi lại xin mượn hai câu thơ của nhà thơ hai dòng máu Việt-Tàu mở đầu ở trên để kết-thúc bài viết nầy:

“Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau lơ-lửng với nghìn xưa”

Nguyễn Thừa Bình
15/10/2017

No comments:

Blog Archive