Sunday, October 8, 2017






Một Chuyến Lãng Du





Một Chuyến Lãng Du

Tôi lại khăn gói lên đường một chuyến lãng du. Những chuyến đi không biết nơi đến và không hẹn ngày trở lại thường đánh dấu những khúc quanh quan trọng nhất ttrong cuộc đời.

Thuở ấy, sau ngày quốc nạn năm 1975, số người Việt ty nạn cộng sản được nhận vào Mỹ càng lúc càng đông, phân tán khắp nơi trên khắp xứ Mỹ. Một số may mắn có thân nhân được định cư ở các thành phố lớn. Số còn lại mồ côi bị đẩy đưa trôi nổi đến những vùng xa xôi hẻo lánh, hoặc ở những tiểu bang giá lạnh, phải chịu nhiều gian truân khổ ải trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập.

Trong lúc người ta rần rộ bỏ xứ ra đi chạy trốn loài quỉ dử thì rất nhiều  sinh viên du hoc đang ở Mỹ lại tìm đường chui trở lại Việt Nam vì gia đình còn kẹt lại. Nguyện vọng được trở về phục vụ xứ sở sau khi tốt nghiệp không thể thực hiện được, họ đành chấp nhận kiếp sống tha hương bất đắc dĩ. Như con chim lạc đàn, họ cũng lạc lõng bơ vơ, không biết đời mình sẽ trôi nổi về đâu cũng như bao nhiêu người Việt ty nạn khác.

Lúc ấy (1976) tôi cũng vừa tốt nghiệp xong. Trong lúc chưa định hướng được cuộc đời mình, tôi nhận được cú điện thoại của người anh kết nghĩa, vốn là một sĩ quan không quân cấp Tá QLVNCH vừa cùng gia đình đến ty nạn ở một thành phố nhỏ miền bắc California.

Cú điện thoại của anh đến đúng lúc như một định mệnh. Không đắn đo suy nghĩ tôi thu xếp hành trang vỏn vẹn chỉ có cái va li và thùng sách cũ lái ra xe đi, bỏ lại phía sau trường cũ, bạn xưa, và thành phố Fort Collins (CO) u buồn với bao nhiêu kỷ niệm trong hai năm trường đi học ở đây.

Tôi muốn đi tìm cho mình nguồn sinh khí mới để thở, nguồn hy vọng mới để vươn lên và niềm vui mới để sống, những thứ mà tôi vừa bị cướp mất đi khỏi tầm tay khi miền Nam sụp đổ.

*
Chị Oanh, bà vợ của ông anh kết nghĩa, có người anh ruột cũng vừa dọn về đây lập nghiệp có cô con gái đến tuổi cập kê. Sự xuất hiện của người đẹp ở cái thành phố quê mùa nầy mang đến sinh khí cho đám trai trẻ trong làng đang chết khô vì thiếu bóng đàn bà. Bóng dáng người đẹp làm chúng “rậm rà rậm rực” khiến gia đình chị Oanh vừa bực mình lại vừa lo cho đứa con gái đang trong lứa tuổi cập kê.

Tôi xuất hiện đúng lúc như một vị cứu tinh. Chị Oanh chụp ngay cơ hội bằng vàng, nhất định ép duyên tôi cùng cô cháu gái.

Lần đầu tiên gặp người đẹp tôi thấy có cảm tình ngay. Người sao mà dễ thương, vóc dáng thanh tao, môi son má phấn. Vừa đến Mỹ, nói tiếng Mỹ chưa rành mà đã có khối bạn trai tóc ngắn tóc dài. Nhìn cô là người ta cảm nhận ngay ở cô chỗ nào cũng mượt mà tươi mát. Cô chào hỏi đãi bôi, gọi chú xưng em ngọt xớt.

Chị Oanh thấy tôi có vẻ “phê” cô cháu rồi nên xúi vô:

- Chú “dô”con bé đi, chị thấy nó “chịu đèn” chú rồi đó. Chị hỗ trợ cho là ăn chắc.

Tôi giãy nẩy:

- Thôi bà nội ơi đừng có xúi dại. Em già rồi, trai băm (mấy) mà đòi lấy gái hăm (mấy) coi làm sao được?

- Già đâu mà già, trai cỡ tuổi chú mà còn độc thân thì mới là đồ quí hiếm. Đứa nào mà vớ được chú là nó có phước ba đời đó, nghe lời chị đi. Chị giãy nảy.

Nghe chị “ca”tôi cũng thấy hả hê trong bụng, cũng muốn vì việc nghĩa hy sinh đại cho rồi, nhưng vì chỗ thân tình nên còn thấy ngại. Đây là chuyện người lớn làm ăn thiệt chứ không phải chuyện con nít choi choi, tìm mì ăn liền rồi vọt.

Ông anh thấy tôi còn lưỡng lự, bồi thêm vào một nhát:

- Anh coi được đó chú. Con gái xứ Mỹ nầy hiếm có. Để cho thằng khác nó vớt mất con bé thì uổng lắm, bà Oanh tiếc của bả tự tử cho coi!

Tôi nghe bùi tai nên đổi giọng:

- Không lẽ em kêu anh bằng Dượng, kêu chị Oanh bằng Cô rồi xưng “con” à? Tôi nói giỡn chơi.

- Có sao đâu. Dượng cháu lại càng thân mật hơn.

Rồi anh cười ngất khoái chí chắc ăn là đã kết được thằng cháu rể vừa ý. Chị Oanh thấy tôi có vẻ xiêu lòng, bèn kết thúc buổi hội nghị:

-Thôi mệt quá. Chịu rồi thì ừ đại cho người ta tính cho, còn càm ràm em chả rồi “ở dá” cho mà coi!

Rồi bà mai Oanh dàn xếp bên “đàng gái” mời tôi sang ăn cơm. Đá lông mi qua lại, nàng nũng niụ có vẻ mắc cỡ “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Tôi thì như mở cờ trong bụng nghĩ rằng cá đã cắn câu rồi, phải thừa thắng xông lên kẻo sẩy.

Rồi từ đấy tôi đóng vai chàng công tử hào hoa phong nhã. Ngày nào cũng đón đưa người đẹp đi học, chở nàng đi dạo phố, shopping, hạnh phúc lắm. Thú thật, ban đầu tôi không mặn mà gì cho lắm nhưng càng lúc càng thấm đòn, thấy tim mình bắt đầu xao xuyến. Vắng nàng vài hôm là tôi thấy nhớ muốn chết! Mặt tôi vênh váo khi nhìn mấy cậu tóc ngắn tóc dài mặt này buồn xo tiếc rẻ của trời bị phỗng tay trên.

Nhưng hạnh phúc nào cũng có cái giá phải trả. Lúc sang thăm ông anh tôi dự trù ở chơi năm ba ngày rồi đi, ai ngờ nơi đây hấp dẫn quá nên đổi ý muốn dừng chân. Nhưng cái hầu bao đã cạn rồi thì chàng công tử lấy gì để hào hoa phong nhã?!

Ở cái thành phố Livingston quê mùa nầy hầu hết mọi người đều làm việc cho hãng Foster Farms, hãng nuôi và sản xuất thịt gà lớn nhất nhì xứ Mỹ. Với 120,000 nhân viên, hàng năm hãng làm thịt 140 triệu con gà để cung cấp cho những tiểu bang miền Tây nước Mỹ và Hawaii. Chị Oanh đề nghị tôi nộp đơn xin đi làm thử, ai ngờ họ nhận ngay, lại được làm chung ca đêm với chị, từ 8:00PM đến 5:00 AM. Đang túng tiền mà được việc làm, tôi mừng húm nhận ngay. Chị Oanh cúng ông địa nãi chuối vì từ nay chị hết bị ông chồng cằn nhằn vì đưa đón. Ông anh là sung sướng nhất vì không còn cái cảnh thức dậy lúc 4:30 giờ sáng, mắt nhắm mắt mở lái xe đi rước vợ làm ca đêm về!

Ngày đầu tiên xách túi đi làm tôi thấy vừa quê vừa nực cười. Cơm cha áo mẹ cực khổ nuôi cho con ăn học thành tài, rồi được đi Mỹ du học mong làm rạng rỡ tổ tông, bây giờ đi làm cu li  hãng… gà với lương tối thiểu $2.00 một giờ, cộng thêm 15 cent phụ trội làm đêm! Lần cuối gặp nhau, người đẹp nét mặt nghiêm và buồn nói lời từ giã rồi sang số “de” vọt mất. Lòng tôi tan nát, đêm đêm đem mấy con gà ra mà hành hạ để tra thu riêng cho duyên kiếp phũ phàng.

Thôi hết rồi mộng công hầu danh tướng, hết rồi những ảo vọng tình yêu, tôi đành trở về với thực tế phũ phàng, đêm đêm làm bạn với lũ gà!

*
Chúng ta ai cũng ăn thịt gà nhưng có mấy người biết cách làm thịt gà ở Mỹ? Dĩ nhiên là không có cảnh “Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà” của thi sĩ Nguyễn Khuyến, rượt gà chạy vòng vòng khắp vườn rồi đè nó ra cắt co sống, trong khi con vật kêu la oan oát, giãy chết đành đạch trước mắt mình. Nếu người Mỹ mà thấy cảnh tượng nầy chắc là họ không dám ăn thịt gà luôn!

Với sản lượng khổng lồ, 250,000 con gà làm thịt mỗi ngày, các hoạt động của hãng được cơ giới hóa tối đa nhưng vẫn còn nhiều công việc mà máy móc không thể thay thế bàn tay khéo léo và trí thông minh của con người như lựa chọn, treo, móc, cắt, xẻ, mổ bụng, hút phổi, ra thịt, xếp thùng…

Gà sống được chuyên chở đến hãng làm thịt bằng xe tải flat bed, rồi từng con một bị kéo ra khỏi lồng sắt, bị treo ngược lên móc của hệ thống giây chuyền chạy bằng mắt xích (chain). Đây là khu “gớm” nhất. Nhân viên mặc đồ giống như các phi hành gia, người che kín từ đầu đến chân, phủ đầy… phân gà.

Để tránh làm con vật bị đau đớn, gà sống bị giật điện bất tỉnh trước khi vào máy cắt tiết, nhúng nước sôi và đánh lông. Ra khỏi máy đánh lông, gà trông sạch sẽ trắng trẻo, bị máy cắt đứt ngang đầu gối rơi lộp bộp xuống bàn.

Các chị ga đã làm sạch lông nằm hơ hớ, vểnh phao câu, khoe ức ,khoe mông, khoe đùi chắc nịch, trông giống y chang mấy chị “amiga” Mễ ú nù làm trong hãng. “Sao trông giống thế” tôi nghĩ. Khiếu thẩm mỹ của tôi về phái đẹp cũng bị méo mó ít nhiều từ đó vì mỗi khi nhìn mấy chị Mễ ú nù là tôi liên tưởng đến chị gà mái nằm hơ hớ trên bàn.

Công việc của tôi bắt đầu nơi đây, treo lại mấy chị gà sexy nầy lên móc của đường dây chuyền. Thế thôi. Dễ ợt, nhưng không phải dễ chơi! Khi treo được một con, hai ba chỗ bị bỏ trống. Càng cố chạy theo để lắp các chỗ trống, càng có nhiều cái móc không chạy qua. Tôi lăng xăng, lính quýnh, chạy tới chạy lui cả đêm. Mùa đông bắc California trời lạnh như cắt da mà mồ hôi mồ kê của tôi ra ướt cả áo. “Kê” là con gà, sao lại có “mồ kê” trùng hợp lạ lùng thế nhỉ?

Trong khi tôi đang hụt hơi vật lộn với đám gà thì anh Cai người Mễ đứng sau lưng nhìn tôi, tay vuốt chòm râu mép mỉm cười khoái chí. Lâu lắm nó mới được xem lại cái cảnh vui nầy. Tôi rủa thầm trong bụng: “Cho mày nhe răng cười tao rồi mầy mắc dịch gà (H5N1) chết toi mẹ bây giờ!”

Anh Cai dư biết chuyện gì sẽ xảy ra khi mướn người mới để tập treo gà nên đã dặn dò anh Mễ đứng kế bên tôi. Vì khu treo gà nầy có hai người nên khi treo một móc phải để trống một cái cho đứa kia. Tôi vốn tánh tình quảng đại, thay vì để trống một cái móc, tôi cho nó hai ba chỗ, tha hồ mà treo. Anh Mễ rất dễ thương nhìn tôi lính quýnh, nó cười “hì hì” rồi treo hết những chổ còn sót. Hai tay anh làm nhanh thoăn thoắt nhịp nhàng trông rất điệu nghệ. Anh còn biểu diễn tài nghệ bằng cách đứng xa ra chừng 1 thước rồi ném con gà lên móc. Con gà vừa bay vừa xoay tròn đúng lúc móc cái gối chân vào cái móc đang chạy tới. Hỏi ra mới biết anh làm việc ở đây đã lâu, ở khu treo gà nầy thôi, đã trên năm! Mỗi ngày anh móc 62,500 con gà. Trong một năm thôi anh đã móc 22 triệu con gà, làm sao mà không giỏi!

Một khi gà được treo lại trên line, gà được “chăm sóc sắc đẹp” lần cuối như tắm rửa, nhổ lông tơ, đốt lông nách... Giai đoạn kế tiếp là phần mổ bụng (evisceration), cắt tim gan mề và hút phổi. Với con dao nhỏ xíu bén như dao cạo, tên “rạch đít gà” múa võ ngón tay là bụng gà bị rạch mà không để phạm vào ruột gan. Người kể tiếp là tên “Moi ruột gà” chụm mấy đầu ngón tay thọt sâu vào bụng gà, vừa xoáy vừa kéo là nguyên bộ đồ lòng ruột gan phèo mề... tuôn ra lòng thòng cho những người kế tiếp mỗi người cắt một món. Họ làm việc nhịp nhàng như ban nhạc robot theo tiếng bass “rột rột” của máy “hút phổi gà” đều đều như đánh nhịp. 

Sau đó gà được làm lạnh nhanh bằng cách cho gà vào bể chứa nước lạnh như đá (0-4 độ C). Ba bốn giờ sau, khi gà được lùa ra khỏi bể lạnh là gà đã đủ lạnh ở 40 độ F (4.4 C), được đem ra phân loại.

Tôi vốn tuổi Dậu, cầm tinh con gà, nên thầy bảo phải bươi móc mới có ăn. Mỗi đêm tôi khỏi “bươi” nhưng phải móc 62,500 con gà! Trung bình mỗi con gà nặng một kí lô, mỗi đêm tôi móc 62.5 tấn thịt gà. Đố ai làm giỏi như tôi, kể cả nhà đô vật Hulk Hogan hay nhà vô địch quyền anh Mahomed Ali chưa chắc đã làm nổi tuy lúc ấy tôi cân nặng chỉ có 115 pounds. Về nhà tôi “hết xí quách”, thân thể rã rời, tay chân bủn rủn nặng như treo chì, mệt quá nằm vật ra giường ngủ vùi, không màng đến chuyện ăn uống! Đúng là số con gà lận đận! Chị Oanh thấy tội nghiệp, nấu cháo cho ăn. Tôi nhứt định không ăn vì chị nấu cháo với thịt gà, cái thứ mà tôi không ưa. Tôi hận thù gà đến thế!

Nhưng nào đã hết kiếp lận đận con gà. Ba hôm sau, trong khi đang chiến đấu sống còn với đàn gà đang ào ào đổ xuống, anh Cai dẫn một anh Mễ lạ đến thế chỗ tôi, rồi dẫn tôi lên văn phòng có chuyện.

Tôi buồn muốn khóc nhưng không trách ai vì biết mình bất tài, chỉ treo gà thôi mà còn bị đuổi lên đuổi xuống! Mấy amiga Mễ, thấy tôi buồn thiu lẽo đẽo đi theo anh Cai lên văn phòng, ngước nhìn tôi với đôi mắt thương hại, như muốn chia sẻ nỗi buồn với người sắp bị thất nghiệp.

Nhưng hôm sau, mọi người ngạc nhiên khi thấy tôi xuất hiện trở lại, mặt mày tươi rói! Tôi mặc áo choàng trắng (blouse), chân mang dày bốt, đầu đội nón nhựa màu cam có chữ “QC”, tay đẩy cái xe lỉnh kỉnh đồ nghề. Trong hãng gà, nón nhựa nầy chỉ dành cho hàng “chức sắc” cỡ như tôi bây giờ (ghê chưa!). Màu xanh cho ban cơ khí (thợ sửa máy), màu cam cho ban kiểm soát (QC, QA), và màu đỏ cho ban quản trị (supervisors, foremen).

Tôi về nhà ghẹo chị Oanh là tôi được tăng chức làm “Quân Cảnh”. Chị cười ngặt nghẽo chỉnh ngay: “Ông nội ơi, nói bậy người ta cười, QC (Quality Control) tiếng Việt gọi là… “Quan Chức” đó”. Chị nói thêm: “Làm quan hay dân gì cũng được, miễn là chú thoát khỏi cái tên “Thằng treo gà” là chị vui rồi”. Sau nầy mới biết tôi được cho làm “QC” vì bập be nói được tiếng Mỹ khá hơn mấy anh Mễ rặc chứ không có tài cán gì. Trong đơn xin việc tôi khai chưa tốt nghiêp trung học, do ông anh tôi mách lối. Thế mà tôi được nhận, trong khi ông anh tôi trước đó cũng xin việc ở đây nhưng bị đánh rớt vì khai có bằng đại học và lái máy bay khu trục. Anh giận quá về nhà tập đẩy máy cắt cỏ. Sau cùng anh được nhận làm cho hãng trái cây nhờ khai dối làm nghề cắt cỏ. Thật ra anh được nhận nhờ cái to con, lớn xác.

Là một Kiểm Soát Viên (Quality Controller), suốt đêm tôi lo chuyện “vạch lá tìm sâu” để kiểm soát phẩm chất gà ra lò. Có những kiểm soát nhỏ thôi tôi có thể tiết kiệm hằng trăm ngàn đô cho hãng như kiểm soát kidney lobes, kiểm soát mỡ bụng. Mỗi con gà nếu để bị hút mất 10 gr mỡ bụng trong lúc hút phổi, hãng sẽ mất 2,500 kg/ngày, trị giá $500/ngày (lúc ấy giá thịt gà 10 cents/ lb) hay là $182,500/năm, trong khi lương tôi chỉ có khoảng $5,000 một năm. Mỗi con gà hà tiện một cục mỡ bằng đầu ngón tay đủ tiền trả hơn 30 nhân công!

Anh Cai bây giờ tuy là “amigo” nhưng ớn tôi lắm vì tôi có quyền đề nghị cho line chạy chậm lại nếu sản phẩm không đủ tiêu chuẩn qua sự kiểm soát của tôi. Nếu line bị chậm vài lần anh Cai coi như mất việc, còn tôi chắc cũng mất một bàn tay vì bị Mễ trả thù!

*
Suốt đêm tôi đẩy xe đi rảo khắp nơi trong hãng dưới cặp mắt thán phục của các chị Mễ. Tôi biết mặt hầu hết các nhân viên làm ca đêm, đa số là người Mễ, một ít Mỹ, Ấn độ và Việt Nam. Hầu hết các amiga Mễ đều tròn vo, chắc nịch như mấy con gà của tôi, nhưng tôi lại bị hốt hồn bởi nét quyến rủ của một cô rất trẻ. Dáng cô nho nhỏ xinh xinh. Ba vòng rõ rệt. Nhưng điều làm tôi ngơ ngẩn là làn da trắng như trứng gà bóc vỏ, tương phản với mái tóc thề đen tuyền, đôi mắt to với hàng mi cong vút. Sắc đẹp nửa Á nửa Âu làm tôi mê mệt. Tôi lượn qua lượn lại chỗ amiga làm và mỗi lần như vậy đều được nàng đáp trả bằng nụ cười chúm chím kín đáo gởi riêng tặng cho tôi.

Nhóm “Quân Cảnh” trong hãng gà gồm có bốn người: Roger (Ấn Độ), là Foreman, Anna (Mỹ), tôi (Mít) và Gilbert (Mễ). Roger ngoài chuyện làm xếp, không thấy hắn làm thêm gì, suốt đêm chắp tay sau đít đi long nhong, hết tán dóc với đám Mễ, lại đến nói chuyện với tôi và Anna. Mỗi lần đến rù rì với Anna, chém chết Roger cũng tấn Anna vào cái góc tối thui. Hắn có thói quen chắp tay sau đít khi nói chuyện, kể cả khi đứng cạnh Anna hắn cũng không bỏ cái thói quen nầy, nhưng thay vì chắp tay sau đít mình, hắn lại chấp tay sau mông đít Anna! Khi thấy Anna cười khúc khích là sau đó cả hai đều biến mất. Một lúc sau, Anna mở cửa đi vào trước, vừa đi vừa cài nút áo, rồi Roger đi theo, sau tiếng đóng cửa kêu “rầm” của chiếc xe van đậu ngoài parking lot tối thui. Tôi nhìn đồng hồ. Kỳ nầy họ “biến” đúng 25 phút, vào trễ mười phút sau giờ nghỉ xả hơi. Tôi là QC mà, chính xác từng giây từng phút.

Tôi thấy người ta rửng mỡ mà lòng cũng thấy nôn nao, bèn mon men lại làm quen đại với người đẹp mà tôi đã thầm yêu trộm nhớ. Không ngờ cô vui mừng thấy rõ, miệng cười toe tóet, ánh mắt long lanh. Mấy amiga chung quanh cũng líu lo tham gia vào cuộc đàm thoại. Mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy nghe, vì các amiga không ai biết tiếng Mỹ, còn tôi thì bù trất tiếng Xì (xì pa nít là tiếng Mễ đó). Sau cùng tôi cũng ghi được số điện thoại của người đẹp.

Một hôm thấy nhớ, tôi gọi điện thoại thăm nàng. Mỗi lần gọi như vậy tôi đều được nói chuyện với đại gia đình bên ấy. Người đẹp mở speaker phone cho cả nhà cùng nghe phụ, rồi cả nhà xúm nhau phụ trả lời bằng tiếng Mỹ. Được vài lần, tôi thấy chán cái lối tâm tình “hội đồng” nầy, đâu có riêng tư và lãng mạn của cặp tình nhân! Yêu nhau mặt phải nhìn mặt, tay phải nắm tay thì mới tỏ được nỗi lòng.

Rồi cũng tại bà mai Oanh xúi dại, một hôm tôi đánh bạo mời người đẹp đi xi nê. Cô em nhận lời ngay làm tôi sướng tê người. Hình như gia đình “đằng ấy” cũng rất quý tôi, chỉ kẹt là vấn đề ngôn ngữ bất đồng.

Tôi đưa nàng đi xi nê. Lần đầu được ngồi cạnh bên nhau thật là hạnh phúc. Tình yêu không ngôn ngữ, tôi và nàng trò chuyện mỏi cả tay.

Tôi về nhà, người tôi thơm phức mùi dầu thơm lạ. Chị Oanh có vẻ hiếu kỳ, đợi hoài nhưng không thấy tôi phúc trình kết quả cuộc xuất hành. Tôi nghĩ “Chuyện riêng tư cơ mà, ai lại đi tâm sự” nên vờ luôn.

Không chịu nổi nữa, chị đành mở lời thăm dò trước:

- Mà… nầy… Chú Chín đưa người đẹp đi… xem phim gì vậy… có hay không?

Tôi nhìn chị, nheo một mắt, cười cười:

- Thú thật với chị, chị đừng cười. Em mà có biết tên phim em làm con chị!

Tưởng đâu câu nói đùa làm chị vui, ai ngờ chị sầm nét mặt, nói trổng không:

- Ừa há… biết mà, … vui quá há!

Tôi biết mình đã lỡ lời, cái tật ăn nói vô duyên không bỏ được.

Từ đấy chị Oanh không ưa amiga của tôi nữa, gặp mặt cô ấy là chị “hứ”, “hé”:

- “Hứ”…Cái đồ... hư, đồ …thúi. “Hé”…Trông cái bản mặt…ngựa… là không ưa.

Tôi cười xòa rồi giã lã ngâm nga: “Có còn hơn không, có còn hơn không!”

Không thấy chị cười lại bị chị quắc mắt nhìn. Chắc tôi lại diễu dở, vô duyên nữa rồi!

Từ mến thành yêu. Tình hữu nghị Mễ-Việt càng ngày càng thêm khắng khít. Trong giờ giải lao, chúng tôi thường gặp nhau, tôi trao nàng cái chả giò, cái bánh bao, nàng cho tôi cái taco… cái burrito mới hâm còn nóng hổi.

Tôi là tài xế lái xe chở mọi người đi làm hằng đêm. Thấy chiếc xe Mustang 67 “cà rịt cà tang” của tôi quá chật chội, chị Oanh xúi tôi đề nghị đổi lấy chiếc van của ông anh để đi làm đêm cho rộng rãi. Ông anh đâu có biết là thằng em  có âm mưu đen tối nên đồng ý ngay. Từ đấy mọi người đều vui vẻ vì được đi xe rộng. Nhưng có lẽ người vui nhất là amiga bé nhỏ của tôi. Cái băng sau rộng mênh mông, mặc tình nàng trăn trở. Xe van tuy cũ nhưng cửa đóng còn êm, không kêu “rầm” to như xe của thằng cha Roger, xếp của tôi.

*
Vì làm ca đêm nên ban ngày tôi ngủ vùi. Nhà mướn chỉ có 2 phòng ngủ mà có 4 người lớn và 3 đứa con nít nên tôi ngủ ngoài phòng khách. Một hôm thức giấc tôi giật mình khi thấy chị Oanh đang ngồi cạnh giường nhìn tôi với đôi mắt đẫm lệ. Chị tức tưởi tâm sự:

- Chị buồn quá chú à. Anh không còn thương chị nữa!

Tôi ngạc nhiên, hỏi lại:

- Ủa… Sao chị nói kỳ vậy?

- Chắc ảnh chê chị nên tuy ngủ chung ảnh chèn cái gối ôm ở giữa. Chú xem có giận không?”

Trời đất ơi! Chuyện phòng the của chị làm sao tôi biết được mà có ý kiến! Nhưng khi nhìn chị khóc thút thít tôi cũng thấy mủi lòng, thấy thương cho bà chị cô đơn. Tôi tìm cách an ủi:

-Nói bậy nè. Ảnh ham làm “overtime” quá nên khờ câm đó, chị không thấy à?

-Thấy chớ. Ảnh mê làm overtime rồi về nhà mê ngủ hơn là mê chị, nằm đâu là ngủ đó lại ngáy re re, đâu còn để ý gì đến chị nữa!

Chị Oanh đã nghĩ oan cho ông anh tôi. Anh làm cho hãng trái cây, khu “Shipping Receiving”, suốt ngày khuân vác xếp thùng trái cây. Tôi nâng gà mỗi con nặng có hai pounds mà rên như bộng, trong khi ảnh nâng thùng trái cây nặng 20 pounds nên khi về nhà anh oải lắm, hết rọ rạy luôn! Anh bù đầu với chuyện trong hãng, chuyện nhà, chuyện con cái, lại phải đi học đêm. Hai vợ chồng lại ít gặp nhau, người làm ca đêm, kẻ làm ca ngày, nói chuyện với nhau qua các notes gắn trên tủ lạnh. Thuở ấy làm gì có điện thoại cầm tay để gọi nhau. Tôi gần gũi chị Oanh hơn nên bất cứ chuyện vui buồn gì chị cũng lôi tôi ra để tâm sự. Vợ chồng cắn đắn chị lại mang tôi ra làm trọng tài. Dĩ nhiên tôi luôn luôn xử cho chị thắng.

Chị an phận thủ thường, chấp nhận cuộc sống lam lũ vì chồng vì con. Ngoài chuyện đi làm ca đêm full time, ban ngày chị phải lo chuyện nhà cửa, cơm nước, giặt giũ và con cái. Thuở còn là cô nữ sinh Gia Long, cở như ông anh tôi nếu không phải là một chàng trai tuấn tú với cái “mác” Phi Công từng du học Mỹ thì đừng hòng chị cho xách dép.

Lấy chồng cứ ngỡ được nương tựa tấm thân, ai ngờ tai trời, ách nước, thảm họa của dân tộc mọi người đều gánh chịu, tưởng rằng đến Mỹ tai nạn đã qua khỏi nhưng vẫn chưa xong. Trời lạnh cắt da, cô tiểu thơ đài các ngày nào, nay luộm thuộm trong hai ba lớp áo dầy cui, đầu quấn khăn che kín cả mặt mũi, suốt đêm âm thầm đứng cắt gà để kiếm sống. Chị không bạn bè, không đua đòi, không se sua, không có thú vui riêng. Trông chị bèo nhèo như con mèo ướt, trông tội nghiệp lắm.

. . .
Thời gian qua mau. Những ngày vui ban đầu không còn nữa. Cuộc sống trở nên nhàm chán. Cái cảnh làm ca đêm lần lần làm tôi phát sợ. Khi mọi người chuẩn bị đi ngủ, chúng tôi chuẩn bị đị cày, mắt còn cay xé vì buồn ngủ. Khi người ta ngủ vùi trong nệm ấm chăn êm, chúng tôi đứng suốt đêm, tay chân lạnh cóng vì hãng gà không mở sưởi. Càng lạnh càng tốt cho thịt gà.  Lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm, sinh hoạt rối loạn, ăn ngủ thất thường, sau một thời gian tôi lừ đừ trông như con gà nuốt dây thun.

Một hôm, tôi bỗng giật mình khi nhận thấy ở mình có gì thay đổi. Tôi thấy sợ sợ nên nhìn kỹ mình trong gương. Tôi thử đi qua đi lại, chưa thấy cái phao câu lúc lắc giống gà. Chưa thấy có mồng, có tích, nhưng mặt mày trông hốc hác, tai tái, hao hao giống mặt “gà mái”. Tôi quýnh quáng. Chết cha rồi! Chắc chắn là tôi bị “ám” nặng bởi linh hồn đám ma gà uổng tử.

Rồi mỗi đêm khi đi làm, tôi chán nản nhìn về hãng gà, ước mong sao nó bị cháy rụi để tôi khỏi phải đi làm, để những con gà vô tội không bị giết oan.

Mùa Xuân đến. Những hoa daffodil (cây hành dại) len lén chui lên từ lòng đất lạnh, vội vã nở hoa vàng trong nắng ấm. Cái hầu bao đã rủng rỉnh ít tiền xu. Nhìn những cánh chim tung tăng trong nắng mai, mộng giang hồ tưởng đã ngủ yên bổng thức dậy đang to nhỏ rủ rê đôi chân đang rục rịch đòi đi.

Mộng giang hồ thúc đẩy càng lúc càng mãnh liệt. Tôi phải ra đi cho thỏa chí nam nhi. Tôi nôn nóng muốn làm được chuyện gì để không phí công đèn sách, không phụ lòng cha mẹ, tuy xa cách nghìn trùng nhưng vẫn đặt nhiều kỳ vọng ở tôi, một con chim lạc đàn.

Tuy tôi chưa ngỏ ý ra đi với ai, nhưng mấy hôm nay chị Oanh trông buồn buồn. Chị ít nói hơn. Sau chút ngập ngừng chị hỏi:

- Bộ Chú định đi thật sao?

- Sao chị biết?

Chị không trả lời câu hỏi của tôi, nhìn xuống đôi bàn tay đang nắm chặt nhau, chị nói rất nhỏ giọng run run, như nói với chính mình:

- Không sao. Trước sau gì ngày nầy cũng đến thôi.

Tôi nhìn chị, không biết phải nói gì cho phải, có gì như nuối tiếc, ray rứt trong lòng, nhưng sau cùng tôi phải nói thật:

- Em xin lỗi chị, em phải đi thôi.

Tôi thấy hai bàn tay chị run run, xiết chặt nhau hơn, như cố nắm giữ cái gì, chỉ sợ nó vuột mất khỏi tầm tay. Trông chị thật tội nghiệp.

Tôi biết chị đang khóc trong lòng. Làm sao chị không khóc khi mất đi đứa em mà chị đã quen chăm sóc bấy lâu nay, mất đi người bạn để tâm sự cùng chia sẻ vui buồn, để nói, để cười, để cho ly cà phê nóng, để trò chuyện trên đoạn đường dài đến sở. Làm sao chị không khóc khi nghĩ đến viễn tượng đêm đêm chị phải thui thủi đi làm việc một mình, ngồi ăn một mình, cô đơn giá lạnh trong hãng gà. Chị khóc vì tủi cho thân phận mình sao mãi truân chuyên.

*
Tôi khăn gói lên đường khi thành phố còn say ngủ trong sương mù buổi sáng. Đời tôi lại thêm một lần nữa ra đi mà không biết nơi đến, một chuyến đi không hẹn ngày trở lại.

Tôi vẫy tay chào thân quyến đã vui mừng đón tôi đến rồi bùi ngùi khi tiễn tôi đi. Chị Oanh không tiễn đưa vì không muốn nhận lời cám ơn, để món nợ tôi cưu mang không bao giờ được trả.

Xin giã biệt thành phố Livingston. Tuy chỉ là một trạm dừng chân ngắn ngủi trên bước lãng du, nhưng nơi đây đã cho tôi bao nhiêu kỷ niệm.

Giã biệt người yêu bé nhỏ mà lúc viết hồi bút nầy tôi vẫn còn nghe vương vấn hương vị ngọt ngào của làn da mái tóc. Tôi còn nợ em một mối tình, một tình yêu không ngôn ngữ.

Tôi vẫy tay chào hồn ma của hằng trăm triệu con gà bị thảm sát nơi đây. Cái nghiệp nầy ai vay ai trả?  Đó là chuyện ân oán của gà, để cho gà lo.

Chuyện của tôi là đạp mạnh chân ga, chiếc xe vọt thẳng ra xa lộ 99, trực chỉ hướng Nam mà đi, bỏ lại phía sau thành phố buồn nhưng lắm tơ vương. Tôi hít thật sâu làn không khí trong lành buổi sáng, tận hưởng hương vị mùa Xuân của bầu trời rộng mở, cố quên đi quảng đời đang bỏ lại phía sau, cố quên đi những món nợ không bao giờ được trả.

Đến Fresno, những hàng cây bên đường đứng xếp hàng thẳng tắp nghiêm chỉnh chào người lữ khách. Tôi sẽ được nhìn Rocky Mountain hùng vĩ, nhìn rừng cây Sequoia đứng sừng sững nghìn năm, nhìn Yosemite đẹp hoang da lạ lùng.

Chiếc xe lướt qua Bakersfield, qua những cánh đồng Alfalfa vô tận, những ruộng bắp trải dài bát ngát, như mời mọc, rủ rê. Tôi được nhìn trời cao bể rộng khi rong ruổi trên xa lộ 101 dọc Thái Bình Dương. Xe vào thành phố Los Angeles rộn rịp xô bồ đầy cám dổ và thử thách…

Bánh xe vẫn lăn. Tôi mở to mắt để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của giang sơn gấm vóc. Tôi mở rộng trái tim đón nhận những cảm xúc dạt dào. Tôi dang rộng đôi tay để tiếp nhận một thế giới kỳ diệu đang hòa nhập vào tâm não. Tôi nhận thức được một tình yêu không ngôn ngữ đang bén rể đâm chồi. Phải chăng đó là tình yêu đầu tiên của tôi đối với xứ Mỹ, tình yêu quê hương đất mẹ đang nhen nhúm trong tim?

Tôi tự hỏi, có thật chăng đất nước bao la hùng vĩ và phồn thịnh nhất thế giới nầy sẽ là quê hương thứ hai của tôi? Sự mầu nhiệm nào đã mang đến cho tôi những giấc mơ đang biến thành sự thật? Ân đức nào đã ban cho tôi ân huệ nầy? Và nếu đây là sự thật, tôi phải làm gì để xứng đáng với sự ưu ái mà tôi đã nhận được? Tôi xin nguyện với lòng, xin nguyện với người…

Bánh xe vẫn lăn đều. Tôi tưỡng mình là một cánh chim đang bay bổng giữa bầu trời tự do, đang rong ruổi đi tìm nơi “đất lành chim đậu”.

Tôi thấy náo nức trong lòng khi nghĩ đến bến nào con tàu sẽ đỗ, nghe rạo rực trong tim khi nghĩ đến bàn tay nào sẽ níu được cánh chim bay?

Mất quê hương là nơi chôn nhau cắt rún, nhưng tôi đã tìm thấy được một thiên đàng.

Thank you, America, my saviour. I love you!

Chú Chín Cali

No comments:

Blog Archive