Mọi sự mọi xong
Trà Lũ
Mùa Thu Canada
Thời gian đi nhanh quá. Mới ngày nào tôi báo tin Canada đã vào xuân, đã vào hè, rồi mới vào thu, thế mà hôm nay Canada đã giữa mùa thu. Mấy tiệm bán hoa ở ngã tư gần nhà tôi đã bày la liệt các chậu cúc. Xưa nay hễ nói tới cúc là ta nghĩ tới cúc vàng, nhưng ở nước thiên đàng Canada này không chỉ có cúc vàng mà cúc trăm sắc. Trí khôn con người thật siêu việt. Canada đã biết trộn màu và pha giống. Thật quá sức tưởng tượng của tôi. Cúc tím đậm, cúc tím lạt, cúc xanh da trời, cúc xanh lá cây, cúc hồng, cúc đỏ… Các nhà trồng hoa lại còn cấy xen lẫn nhau. Mỗi lần nhìn các chậu hoa thì bao giờ tôi cũng nhớ tới lời Cha Paolo bảo chúng tôi năm xưa: Thiên Chúa hiện diện nơi đây rõ ràng. Tại sao cũng từ một nắm đất đen mà tự nhiên lại mọc lên hoa muôn sắc là thế nào?
Vâng, Canada đang chìm ngập trong vườn hoa mùa thu huy hoàng của Thượng Đế, và đang đón chào các em học sinh cắp sách đến trường bắt đầu niên học mới. Tháng này tôi có cái say mê là mỗi buổi sáng ra trước cửa ngồi ngắm các em bé đi học. Ôi những em bé con mắt nai tơ đẹp như những thiên thần bé nhỏ lẫm chẫm theo mẹ tới trường mới đẹp làm sao. Mỗi lần thấy các em thì tôi thường nhớ tới bài văn Ngày khai trường của Thanh Tịnh ban xưa. Các cụ còn nhớ bài này chứ, hồi còn bé ta phải học thuộc lòng mà.
Tương lai đất nước là đây, những dòng học sinh đang tới trường đây. Báo chí cho biết các trường từ tiểu học tới trung học và đại học Canada đều tăng sĩ số một cách kinh ngạc. Dân số thì giảm vì dân Canada lười đẻ mà sao sĩ số lại tăng? Thưa, sĩ số tăng đáng kinh ngạc vì các bậc cha mẹ khắp nơi trên thế giới đều gửi con đến đây. Bộ giáo dục cho biết họ đến từ Trung Cộng, Ấn Dộ, Đại Hàn, Pháp, Mỹ, Saudi Arabia, Nigeria… Tất nhiên trong số du sinh to lớn này có rất nhiều học sinh từ VN sang đây. Bạn tôi cho biết là ở VN hiện nay việc gửi con đi ngoại quốc du học là một phong trào mang tên “Lên Thuyền”. Ngày xưa lên thuyền vượt biên tỵ nạn, bây giờ không phải vượt biên vì tỵ nạn chính trị mà tỵ nạn giáo dục, trốn cái giáo dục sai lầm và ngu dốt của CS. Chính sách giáo dục của CSVN càng ngày càng sa sút nên những cha mẹ có tiền bạc đều gửi con du học các nước tiên tiến ở Âu Châu và Mỹ Châu. Ai cũng mong con cháu mở mắt nhìn thấy sự thực và học được những điều tốt đẹp.
Xin chúc các em du sinh học hành thành công để về giúp nước và mở mắt hết nha, và nhớ lời nổi tiếng của TT Nguyễn Văn Thiệu: Đừng tin những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những việc chúng làm.
Anh H.O. trong làng nghe tôi kể đến đây thì giơ tay xin phát biểu: Tôi thấy bọn CSVN đầy tội ác với nhân dân và tổ quốc, tội ác ngập đầu, rõ ràng đây là cái nhân rất xấu, thế mà chúng có bị trời phạt đâu. Ông nào cũng nhà lầu xe hơi và tiền bạc đầy túi, cho con du học nước ngoài, sắm nhà ở nước ngoài. Luật Nhân Quả có xảy ra cho bọn này đâu?
Cụ B.95 nghe tới tiếng “CSVN” thì không cho anh H.O. nói nữa. Cụ bảo chúng gieo nhân xấu thì nhất định sẽ bị trái xấu, vấn đề là thời gian mà thôi.
Ông ODP nói thêm: Cầu mong Tổng Thống Trump bên Hoa Kỳ theo được gương của Tổng Thống Reagan ngày xưa. Các bạn nhớ TT Reagan đã làm tan khối Cộng sản Nga Xô năm 1990 chứ, và giải phóng toàn bộ Đông Âu. Bây giờ CSVN được Tàu Cộng bao bọc. Ai cũng cầu mong Tổng Thống Trump theo được gương cụ già gân Reagan mà làm cho chế độ Tập Cận Bình tan, Trung Cộng tan thì CSVN sẽ tan theo tức thì.
Tôi cũng ao ước như vậy, vì mới đây tôi đọc được một bài rất hay bàn về tương lai thế giới của BS Trần Mộng Lâm ở Montreal. Bài viết về người lính máy rôbô tương lai của Hoa Kỳ. Mê quá và lên tinh thần quá. Lính rôbô được chứng minh bằng chuyện ở Dallas.
Năm 2016 vừa qua, anh chàng Micah Johnson ở Dallas nổi điên đã ám sát 5 cảnh sát da trắng rồi rút vào garage tử thủ. Cảnh sát trưởng David Brown đến hiện trường thuyết phục Johnson ra đầu hàng nhưng tên này cương quyết không, nhất định cố thủ và chống trả. Tức thì anh lính rôbô được đem tới. Anh rôbô được trang bị đủ máy móc và súng đạn. Anh rôbô tiến tới và hạ sát anh Johnson cái rẹt. Từ biến cố này dẫn tới chương trình thay thế quân nhân hiện tại bằng quân nhân rôbô. Quân nhân rôbô không biết sợ hãi, không biết lùi, cứ mục tiêu tiến tới.
Hiện nay quân đội Hoa Kỳ có dự án Furure Combat System, thay thế quân nhân người bằng quân nhân rôbô, với ngân sách 127 tỷ đô la. Việc gì sẽ xảy ra trong tương lai, thưa các cụ? Dưới đất là quân nhân người máy, và xe tăng với người máy, trên không là máy bay ném bom cũng do người rô bô lái. Liệu đoàn quân của Tập Cận Bình và Kim Chính Ủn có kháng cự nổi đoàn quân rôbô của Hoa Kỳ không? Có thể thế hệ chúng ta chưa thấy rõ câu trả lời, nhưng thế hệ con cháu chúng ta sẽ thấy rõ.
Nhân nói tới lực lương quân nhân rôbô tôi chợt nhớ tới lời tiên tri về các hệ thống xe hơi chạy xăng hiện nay. Rằng trong tương lai, kỹ nghệ xe hơi chạy bằng điện sẽ tràn ngập thị trường. Không còn ô nhiễm không khí nữa. Sẽ không còn tranh chấp các mỏ dầu như hiện nay vì ta không cần xăng nữa. Rồi xe hơi không cần người lái. Tự nhiên các hãng làm xe hơi hiện nay phải đóng cửa. Thế giới sẽ bớt ô nhiễm. Sẽ không còn tai nạn xe hơi. Các hãng bảo hiểm xe hơi cũng đóng cửa… Đây là cách chúng ta để lại gia sản tốt nhất cho các thế hệ tương lai.
À, còn tin thời sự này liên quan tới Canada và VN. Đó là việc Bộ Y tế VN phát hiện thuốc trị bệnh ung thư giả mang tên H-Capita, những người bị bắt khai rằng thuốc H-Capita sản xuất ở Canada. Điều này gian dối, Canada không hề sản xuất thuốc này. Nghe nói tay tổ buôn thuốc này là bà con gì đó trong bộ y tế VN. Bộ Y tế mà bán thuốc giả cũng như Bộ Giáo Dục mà dạy sử VN bị bóp méo, thì tổ tiên ơi, xin cứu chúng con…
Trên đây là những chuyện “chung”, sau đây xin mời các cụ nghe những chuyên “riêng” của làng tôi.
Trong tháng này có lễ Vu Lan, làng An Lạc chúng tôi được hai cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân đãi món cơm gà Huế, ngon hết biết. Ông ODP là anh cả của làng, trước 1975 ông là trung tá của quân đội VNCH, ông đã đóng quân ở Huế rất lâu và có lần ông tiết lộ rằng ông xém chết vì cô gái Huế nấu cơm tháng… Bữa nay ông ăn xong chén cơm gà Huế thì gật gù phán: “Ngon tuyệt, rất Huế!”.
Chị Ba Biên Hòa đã vào bếp xem hai cô nấu món cơm này. Chị bảo: nét chính là cơm với gà luộc, nhưng cơm nấu cách đặc biệt, thịt luộc tẩm với các hương liệu đặc biệt. Tôi nghe hai cô giảng nghĩa mà nghe không kịp. Rồi Chị Ba cười hì hì. Hai cô Huế này nói chuyện với cả làng thì ai cũng hiểu, nhưng khi hai cô nói chuyện riêng với nhau, toàn tiếng Huế và giọng Huế, thì trời ơi, có trời mới hiểu. Chị Ba đã phải mở tài liệu trên mạng xem chi tiết nấu món Huế này và thấy hai cô Huế đã nấu y chang lời viết trên mạng: Nước luộc gà dùng để nấu cơm nên hạt cơm có màu vàng nhạt và ngọt mùi vị gà. Gà luộc xong xé nhỏ thấm với hành tây, rau răm, muối tiêu. Nước chấm là tương ớt sền sệt. Đĩa cơm được trang trí với chút bạc hà, rau răm, hành tây. Cái hay của đĩa cơm gà là miếng thịt thơm và cay nhưng không bở. Dân làng đã ăn say sưa, ai cũng xuýt xoa vừa vì ngon vừa vì cay.
Cụ Chánh phát biểu: người Việt mình, mỗi địa phương có một cách nấu cơm khác nhau. Theo như lão biết thì người Miền Nam có cơm Tấm và cơm dừa Bến Tre, miền Trung có cơm gà Hội An, cơm Hến Huế, cơm Âm Phủ, miền Bắc có Cơm Cháy Ninh Bình và cơm niêu đập, miền Thượng có cơm Lam. Hôm nay làng ta dưọc hai cô Huế cho ăn món cơm gà kiểu Huế, chính ra đây là món cơm gà Hội An. Vậy lần sau, xin hai cô Huế làm lại, làm món cơm Hến nha.
Mọi người vỗ tay nhiệt liệt vì rồi đây làng tôi sẽ lần lượt được ăn cơm đặc sản của bốn miền đất nước. Các cụ có thấy làng tôi sung sướng chưa!
Cụ bà B.95 lên tiếng: Bữa nay được ăn cơm Huế thì phải có chuyện cười Huế. Các cô Tôn Nữ và Cao xuân đâu, hai cô mang hai dòng họ lớn của xứ Huế, hai cô đã cho ăn ngon, bây giờ xin cho dân làng nghe vài chuyện cười đặc biệt Huế coi. Hai cô Huế liền chắp tay vái cụ B.95 xin tha cho việc kể chuyện cười. Rồi hai cô đưa mắt xin phe liền ông tiếp cứu. Tức thì anh H.O. nhảy vào ngay.
Anh kể rằng có một anh Bắc kỳ kia, tên Tư, mới có người yêu gốc Huế. Bữa đó anh mời người yêu đi ăn nhà hàng. Ăn xong cô Huế liền mời anh về nhà ra mắt bố mẹ. Cô chỉ đường cho anh lái xe. Đến ngã tư thì cô Huế nói “thặng”. Anh Bắc kỳ này bối rối vô cùng vì không biết cô muốn bảo anh thặng là đi thẳng hay thặng là thắng xe lại. Anh ngần ngừ trong giây lát rồi thấy người yêu ra dấu chỉ tay về phía trước thì anh mới hiểu là người yêu bảo đi thẳng. Tuần sau, thay vì đi ăn nhà hàng thì anh được cô mời tới nhà đãi cơm do cô nấu. Anh vừa bước vào nhà thì bị con chó chạy ra táp vào chân. Cô Huế liền nói: Không có răng mô. Anh Bắc Kỳ bị chó cắn chảy máu chân mà người yêu lại bảo con chó không có răng là làm sao. Mãi sau thì anh mới hiểu “không có răng mô” là tiếng Huế đặc, có nghĩa là “không có sao đâu”. Từ hôm đó, anh Tư Bắc kỳ về nhà cố học tiếng Huế để hiểu cho đúng ý của người yêu.
Rồi anh H.O. xin hết chuyện. Cả làng vỗ tay râm ran khen câu chuyện hay. Bà cụ B.95 nghe xong chuyện này thì cũng thích nhưng vẫn muốn nghe chuyện cười từ thần tượng của cụ cơ, anh John ấy mà. Anh John tỏ vẻ như chưa sẵn sàng, cụ liền nhắc tuồng: Anh cứ kể chuyện học tiếng Việt, so sánh tiếng Việt với tiếng Mỹ, cũng đủ hay rồi. Anh John được cụ gợi hứng bèn xin kể: Cháu có hai chuyện. Thứ nhất là chuyện cái tên VN chuyển sang tên Canada, như sau:
Có hai ông bạn kia tên là Phạm Vi và Phạm Thủ. Khi viết tên mình theo lối Canada là phải đảo ngược, Phạm Vi hóa ra ‘vi phạm’ và Phạm Thủ hóa ra ‘thủ phạm’, nghe kỳ quá, phải không các cụ? Tôi đã gợi ý là hai ông nên chọn thêm tên Canada, ông Vi Phạm biến ra Vincent V. Phạm và Thủ Phạm biến ra Thomas T. Phạm. Bây giờ thì tên hai ông ngon lành và đẹp quá rồi, phải không cơ.
Một gia đình kia có ba anh em tên là Lý Cần, Lý Cẩn và Lý Cận. Sang tới Canada thì tên viết ngược và không có dấu. Cả ba anh em đều mang tên CAN LY. Nếu có người Canada gọi điện thoại đến nhà muốn xin nói chuyện với ông Can Ly thì mọi người lúng túng, không biết Can Ly là ông nào. Cuối cùng thì cả ba anh em đều phải chọn thêm tên Canada, Peter C. Ly, Paul C. Ly, Mike C. Ly. Bây giờ thì cả ba anh em có tên rõ ràng, không còn lẫn lộn và lúng túng nữa.
Đó là chuyện thứ nhất. Còn đây là chuyện thứ hai liên hệ tới tiền bạc. Ở Bắc Mỹ này chúng ta có đồng tiền tên là đô la. Nhưng không phải lúc nào đồng tiền cũng gọi là đô la. Nó có nhiều tên khác nhau và rất chính xác, ví dụ:
– Tại nhà thờ hay chùa, tiền ta dâng cúng thì tên nó là donation
– Tại nhà trường, tên nó là fee, học phí,
– Trong hôn nhân, tên nó là dowry, của hồi môn
– Khi ly hôn, tên nó là alimony, tiền cấp dưỡng
– Khi vay ai, tên nó là debt, tiền nợ
– Khi đóng cho chính phủ, tên nó là tax, tiền thuế
– Ở tòa án, tên nó là fines, tiền phạt
– Khi hưu trí, tên nó là pension, hưu bổng
– Chủ nhân trả tiền cho nhân viên, tên nó là salary, tiền lương
– Tiền cho trẻ em, tên nó là allowance, phụ cấp nhi đồng
– Tiền vay ngân hàng, tên nó là loan, tiền nợ
– Tại nhà hàng, tiền thưởng cho người phục vụ, tên nó là tips
– Tiền phải đóng cho tên bắt cóc, đó là tiền ransom, tiền chuộc
– Tiền lấy lòng, tên nó là bribe, tiền hối lộ
Và câu kết của anh John, anh vừa cười vừa nói: Khi anh chồng lãnh lương về rồi nộp hết cho vợ thì tiền này gọi là DUTY, tiền nghĩa vụ.
Mọi người vỗ tay khen hay hết ý. Thấy cụ B.95 không hiểu lắm về các tên tiếng Anh nên anh xin kể đền cho cụ một chuyện cũng liên hệ tới tiền. Rằng có cặp vợ chồng xồn xồn kia, họ lấy nhau đã ngoài 20 năm. Một hôm bà vợ có ý trêu chồng nên hỏi:
– Anh là người nghiện bia. Vậy mỗi ngày anh uống bao nhiêu ly?
-3 ly.
-Mỗi ly anh trả bao nhiêu tiền?
-5 đồng, vừa tiền bia vừa tiền tip.
-Như vậy một tháng anh tiêu cho bia 450 đồng, một năm 5400 đồng, và 20 năm qua anh đã tiêu hết 108.000 đồng. Nếu anh để dành số tiền này trong ngân hàng, và với tiền lời, thì bây giờ anh có thể mua một cái máy bay.
Nghe đến đây, anh chồng cười hà hà rồi hỏi lại vợ:
-Thế em có uống bia không?
-Không bao giờ!
-Thế bây giờ máy bay của em đâu?
Phe liền ông trong làng nghe đến đây thì thích quá, vỗ tay ào ào. Phe các bà bị các ông trêu, không đáp lại được, bèn quay vào cụ Chánh tiên chỉ làng xin cứu.
Cụ Chánh bèn cười rồi nói: Các bà đừng buồn, bữa nay phe liền ông chúng tôi được ăn cơn Huế và uống bia ngon quá nên sung sướng quay ra chọc các bà chút xíu mà thôi. Nãy giờ lão thấy bác ODP im lặng lâu quá, xin bác ODP mở lời coi.
Ông ODP liền lên tiếng. Rằng từ khi sống ở Saigon, tôi được nghe chuyện một ông lãnh binh có 5 vợ nức tiếng ở đây. Đố các bạn biết ông lãnh binh nổi tiếng này tên là gì và 5 bà vợ cũng nổi tiếng này là ai?
Cả làng chịu thua, ngay cả Chị Ba là người Saigon cũng chịu thua. Ông ODP liền cười ha ha rồi nói: Ban đầu nghe việc này tôi thấy hay mà hỏi thì chẳng ai biết, tôi bèn tìm sách vở nghiên cứu. Sách của Cụ Trương Vĩnh Ký đã cho tôi câu trả lời rất rõ ràng và chính xác.
Ông lãnh binh đây tên là Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866) là một võ tướng nổi tiếng triều Vua Tự Đức. Ông thuộc giới cách mạng chống Pháp đầu tiên ở Nam Kỳ. Ông quê ở tỉnh Bến Tre, từng tham dự các trận đánh Pháp ở đồn Cây Mai, ở Thủ Thiêm khi quân Pháp chiếm thành Gia Định. Ông nổi tiếng với trận Mù U làm quân Pháp thiệt hại rất nặng. Năm 1866 ông tử trận ở Gò Công, được đem về an táng tại quê nhà. Hiện ông được thờ tại đình Nhơn Hòa, quận I Saigon. Một cây cầu mang tên Cầu Ông Lãnh, ban đầu do chính ông xây. Ông có 5 bà vợ mang tên Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo và Bà Hom, mỗi bà trông coi một cơ sở ở một địa điểm xa nhau. Chợ Bà Chiểu lâu đời nhất ở Saigon. Chợ Bà Điểm ở huyện Hóc Môn với 18 thôn vườn trầu nổi tiếng. Chợ Bà Quẹo nổi tiếng về việc mua nông sản ở các miền lân cận. Chợ Bà Hom do việc buôn bán bàu ngâm hom tre. Rồi ông ODP xin hết chuyện. Chị Ba Biên Hòa liền vái ông ba vái và nói: Em là người địa phương mà không rành chuyện bằng bác. Xin bái phục.
Ông ODP từ tốn đáp ngay: Đó không phải là tôi nói mà là sách nói. Cái gì không biết thì tôi tìm trong sách, xưa là sách giấy, bây giờ là sách mạng. Nhiều thứ hay lắm. Như gần đây tôi may mắn đọc được một cuốn sách cai nghiện thần diệu. Tin thời sự cho biết là bắt đầu từ tháng 8 sang năm, Canada cho phép xử dụng cần sa. Tôi lo quá vì từ cần sa sang ma túy rất gần. Từ tự do sử dụng cho tới lúc nghiện không bao xa. Mà đã nghiện là tàn đời. Khi cơn nghiện đến thì người nghiện sẽ làm bất cứ hành động gì cho có tiền mua ma túy, như ăn cắp, cướp của, tống tiền, giết người. Cuốn sách tôi vừa đọc đã chỉ cho những người nghiện một toa thuốc chữa lành thần diệu. Đó là cuốn Những Cuộc Đời Đưọc Biến Đổi, tác giả Nguyễn Đặng Thu Vân, do Mục Vụ Phục Hồi VCRM xuất bản.
Nội dung cuốn sách là 7 bài do chính những người đã tuyệt vọng vì bị nạn nghiện tàn phá nay đã hết bệnh nhờ vào quyền năng biến đổi của Chúa Giê-xu. Bảy bài do chính các nạn nhân tự thuật. Cuối sách có những hình ảnh chứng minh. Độc giả có thể hỏi tin và hỏi mua sách qua Mục Sư Hồ Bình Minh, email: binhminh@sympatico. ca, và cell: (416) 833-9904.
Những chuyện hồi phục thành công trong sách làm tôi nhớ ngay tới lời một linh mục già ở VN ngày xưa, vị này đạo đức như Cha Thánh Gioan Vienney xứ Ars bên Pháp. Cha già này dạy tôi một câu mà tôi nhớ đời:
Có Chúa mọi sự mọi xong
Không Chúa, long đong suốt đời!
Xin giới thiệu cuốn sách qúy này tới những ai muốn cai nghiện hay muốn giúp thân nhân đang nghiện.
Trà Lũ
Lời NXB: Kho sách của Trà Lũ hiện chỉ còn 3 cuốn: 300 cười, 400 cười và cuốn chuyện phiếm Đất Quê Hương 2 đầy tiếng cười, giá 3 cuốn là 65 Mỹ kim gồm tiền sách và bưu phí. Bạn đọc muốn mua xin liên lạc: petertralu@gmail.com
No comments:
Post a Comment