Thursday, October 5, 2017

Khi nhà văn “lên sân khấu”

Ký Thiệt

Trước khi trở thành một MC trên băng ca nhạc Thúy Nga Paris, ông Nguyễn Ngọc Ngạn là một nhà văn viết truyện chống cộng khá ăn khách ở hải ngoại vào những năm giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước. Khi đổi nghề, gác bút, bỏ viết lách, trang điểm dung nhan để lên sân khấu, ông Ngạn cũng thành công bên cạnh cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, ái nữ ông Nguyễn Cao Kỳ, người rất “nổi tiếng”, cả về những thành tích tốt cũng như không tốt.

Nhận xét về sự thành công trên sân khấu của ông Nguyễn Ngọc Ngạn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa viết trên Tạp chí Làng Văn ở Toronto, Canada: “Sự thành công của Nguyễn Ngọc Ngạn trên video không phải do may mắn hay tình cờ, mà do sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi ra sân khấu.”

Hai ông Nguyễn Hữu Nghĩa và Nguyễn Ngọc Ngạn cùng cư ngụ tại Toronto và khá thân nhau vì khi từ trại tị nạn tới định cư tại Canada, ông Ngạn đã tá túc ở nhà ông Nguyễn Hữu Nghĩa một thời gian, và Nhà Xuất Bản Làng Văn của ông bà Nguyễn Hữu Nghĩa – Nguyên Hương đã ấn hành những sách do ông Nguyễn Ngọc Ngạn viết.

Năm 1997, Thúy Nga Paris phát hành băng video 40 chủ đề “Mẹ” đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội trong Cộng đồng người Việt hải ngoại, trong đó có Tạp chí Làng Văn do Nguyễn Hữu Nghĩa làm chủ nhiệm. Cuốn băng này bị gọi là “B-40” (khẩu súng công phá mạnh của VC) và bị buộc tội là vu cáo QLVNCH và cổ võ hòa hợp hòa giải với VC.

Nguyễn Ngọc Ngạn nói rằng Nguyễn Hữu Nghĩa “đánh B-40” là do “ganh tị” với ông ta. Có lẽ ông Ngạn cho rằng ông Nghĩa đã ganh tị với ông ta vì từ khi làm MC cho Thúy Nga Paris ông ta có vẻ ăn nên làm ra và đã xây cái nhà to hơn nhà Nguyễn Hữu Nghĩa.

Nguyễn Hữu Nghĩa, vốn là một nhạc sĩ trước khi bước vào làng báo hải ngoại, đã đáp lễ MC Nguyễn Ngọc Ngạn với một bài khá dài trên tờ Làng Văn, tựa là “Lý do thầm kín của một sự phỉ bảng”, trong đó có đoạn như sau:

“Làng Văn là báo và nhà xuất bản, không dính dáng gì đến Trung tâm băng nhạc Làng Văn và nghề nghiệp của ông Lai nên không có chuyện ‘tranh thương bất chính’.

Làng Văn, hay Nguyễn Hữu Nghĩa, cũng không có lý do để ‘ganh tị’ Nguyễn Ngọc Ngạn như ông thầm mong. Tôi từ sân khấu bước lên văn đàn, không cùng lộ trình từ văn đàn bước xuống sân khấu như ông, xin ông an tâm. Việc gì tôi phải ‘ganh tị’ và ‘đánh’ Nguyễn Ngọc Ngạn vì ‘ganh tị’?”

Thì ra ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng làm nhà văn, nhà báo “sang” hơn, hay “oai” hơn làm MC. Điều đó thì không chắc, nhưng có thể nói chắc không sợ sai là nhờ làm MC mà Nguyễn Ngọc Ngạn “nổi tiếng” hơn, được nhiều người biết hơn, bằng cớ là ngày nay đi đâu cũng thấy hình ông Nguyễn Ngọc Ngạn trên những tờ quảng cáo thẻ điện thoại gọi về Việt Nam và quảng cáo dược thảo trị bá bệnh dán đầy các chợ, tiệm ăn, và cửa hàng người Việt.

Tại Vùng Hoa-Thịnh-Đốn cũng có một nhà văn vừa... bước vào làng ca nhạc hải ngoại. Mấy tuần nay, nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy Sơn Tùng xuất hiện trên tờ bích chương quảng cáo Nhạc Hội Lam Phương vào ngày 15.10.2017 sắp tới dán ở nhiều nơi trong Vùng Hoa-Thịnh-Đốn.

Phải chăng ông Sơn Tùng đã chán viết chính trị, chán nhận định thời cuộc, và tố cộng? Hơn nữa, Sơn Tùng chỉ viết “lời dẫn” cho các bản nhạc hay còn xuất hiện trên sân khấu, đọc các lời dẫn và làm... trò gì khác nữa?

Nhiều thắc mắc và nhiều câu hỏi đã được nêu ra nên Ký Thiệt đã xin ông Sơn Tùng một cuộc “trò chuyện”.

Ký Thiệt: Xin ông cho biết vì lý do nào ông đã cộng tác với Chương trình Nhạc hội Lam Phương vào ngày 15 tháng 10 tới đây?

Sơn Tùng: Lý do à? Tại sao làm gì cũng phải có lý do? Viết lách vẫn là nghề của tôi mà?

KT. Nhưng, ông chỉ viết sách, viết báo chứ chưa bao giờ viết “lời dẫn” cho các  bản nhạc.

ST. Thì có gì khác nhau giữa viết sách viết báo với viết lời dẫn cho các bản nhạc? Viết cái gì thì cũng là viết.

KT. Thưa ông, có khác chứ ạ! Có người nói lâu nay chỉ thấy ông viết những bài về chính trị khô khan, không có gì... ướt át hay tươi mát cả, mà nhạc Lam Phương thì rất tình cảm và ướt át, sợ không hợp với ông. Ông trả lời thế nào?

ST. Tôi là con người, tôi có bộ óc và cũng có một con tim như mọi người nữa chứ. Vả lại, tôi đã viết văn, viết những truyện ngắn và truyện dài rất tình cảm, trước khi viết báo.  Còn kịch nghệ thì tôi đã…lên sân khấu từ năm 12 tuổi và đóng vai chính trong vài vở kịch, thí dụ vai Đinh Bộ Lĩnh trong vở kịch lịch sử do Hướng Đạo dựng tuồng…

KT. Wow! Thế ông còn nhớ vở tuồng ấy tên gì và ông đã làm những gì trong vai Đinh Bộ Lĩnh không?

ST. Làm sao mà nhớ được với bộ óc non nớt của một Sói con sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời. Nhưng có một điều tôi không bao giờ quên là trước khi đóng vai Đinh Bộ Lĩnh trên sân khấu, tôi đã được đưa tới đền thờ Đinh Tiên Hoàng (tức vương hiệu của Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn sứ quân và lên làm vua) để vái lạy xin phép được đóng vai vua trong vở kịch. Tôi thấy có cái gì thiêng liêng, trọng đại và nhớ mãi cảm giác khi tôi đóng vai Đinh Bộ Lĩnh hồi nhỏ chăn trâu ngoài đồng. Vì sân khấu lộ thiên trên bãi cỏ trống nên tôi cảm thấy rất hưng phấn, kích thích như chính mình là Đinh Bộ Lĩnh thật, múa cờ lau, hò hét ra lệnh vung vít... giữa tiếng vỗ tay hoan hô của khán giả xem chùa nhân ngày hội gì đấy.

KT. Như vậy, nói theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa thì ông đã “từ sân khấu bước lên văn đàn” rồi nay lại “từ văn đàn bước xuống sân khấu”?

ST. Tôi không bước lên hay bước xuống gì cả. Tôi chỉ bước qua hay bước lại giữa sân khấu và văn đàn. Việc gì thấy đáng làm, nên làm thì làm.

KT. Ông có thể cho biết Nhạc hội Lam Phương kỳ này có gì đặc biệt hơn nữa, ngoài “lời dẫn” do ông viết? Và, ngoài viết các lời dẫn, ông còn giữ vai trò nào trong các tiết mục khác không?

ST. Có giữ vai trò nào khác hay lời dẫn do tôi viết có đặc biệt và hấp dẫn hay không thì phải…mua vé vào xem mới biết chứ (cười). Còn những mục khác thì tôi không nằm trong ban tổ chức mà cũng không muốn đóng vai  quảng cáo cho buổi nhạc hội. Nhưng, ban tổ chức cho biết sẽ cống hiến cho  khán giả những màn mới lạ chưa hề có trong các buổi trình diễn trước đây.

KT. Trên bích chương quảng cáo cho biết Nhạc Hội Lam Phương kỳ này lấy chủ đề là “Tình Người Tình Quê”. Ông có thể nói thêm về chủ đề này không?

ST. Vâng. Những người yêu nhạc Lam Phương đều biết trong gần bảy mươi năm sáng tác với hơn hai trăm ca khúc, nhạc Lam Phương luôn luôn thắm đượm tình yêu người và tình yêu quê hương đất nước. Nhạc hội này là chọn lọc của những bài tiêu biểu nhất, được giới thưởng ngoạn yêu thích nhất suốt mấy thế hệ người Việt niềm Nam và bây giờ cả miền Bắc nữa, dù bị cấm.

KT. Xin hỏi ông một vấn đề hơi tế nhị. Có một số người cho rằng giá vé vào cửa xem Nhạc hội Lam Phương ngày 15.10.2017…hơi mắc. Ông thấy thế nào?

ST. Tôi thấy mắc hay rẻ là tùy cách suy nghĩ. Nói chung, giới thưởng ngoạn và những người mến mộ Lam Phương nghe tin nhạc hội này thì rất háo hức chờ ngày đi xem. Có những người ở các tiểu bang khác khi nghe quảng cáo Nhạc hội Lam Phương đã gọi điện thoại lấy vé ngay, không chần chờ, sau đó mới xin nghỉ phép và mua vé máy bay để chờ ngày đi, trong khi có những người đựơc xem là thành phần…sáng giá trong cộng đồng người Việt ở vùng thủ đô Washington, cũng thích văn nghệ và yêu nhạc Lam Phương, nhưng lại đắn đo suy nghĩ  với lý do giá vé vào cửa “hơi nặng”, chờ giờ chót xem có… vé  mời hay giảm giá chăng theo kiểu “văn nghệ phường khóm”. Thật đáng buồn. Tổ chức một nhạc hội lớn rất khó khăn và tốn kém. Hơn nữa, nhạc hội này ngoài trình diễn ca nhạc và thưởng ngoạn âm nhạc ở trình độ cao còn là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa không thể đánh giá bằng tiền bạc. Lam Phương không phải chỉ là một nhạc sĩ nổi danh, được nhiều người ái mộ, mà còn là một nghệ sĩ với tâm hồn cao đẹp và nhân cách hiếm có, khác hẳn nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại kéo nhau về Việt Nam ca hát, quên mình từng là một người ty nạn cộng sản. Chỉ vì tiền, họ không chỉ ca hát mà còn nói những lời nịnh hót ngụy quyền, tà quyền, bọn tội phạm đã gây bao tội ác tày trời với dân tộc Việt Nam.

KT. Vậy thì có phải đó là một trong những lý do để tổ chức nhạc hội này?

ST. Vâng, đúng như vậy. Và, Lam Phương cũng muốn có dịp để đích thân tạ mối ân tình với khán giả Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, cũng như ở vài nơi khác mà ông có thể đi trong lúc sức khỏe suy kém.

Cuộc “trò chuyện” còn dài, xin ngưng trích ở đây vì trang báo dành cho mục này có hạn. Xin chúc “quý khán giả” Nhạc hội Lam Phương thưởng thức một buổi trình diễn... đáng đồng tiền bát gạo.

Nhân nói tới các ca sĩ, nhạc sĩ từ hải ngoại về Việt Nam đàn ca và làm bậy, nói bậy, tưởng nên nhắc tới trường hợp một ông nhạc sĩ khá nổi tiếng trước đây với những bản nhạc không tên. Mới đây, ông ta đã đi Việt Nam trình diễn và bán sách đang gây ồn ào trong cộng đồng người Việt ở Oregon. Ông NLGO (Người Lính Già Oregon) đã viết nhiều bài về “ông nhạc sĩ không tên” kiêm thầy tu tắt này và đã bị đương sự hăm dọa. Ông NLGO đã đáp lễ ông nhạc sĩ không tên với một bài khá dài đề ngày 16.9.2017, trong đó có đoạn như sau:

      • “Cho phép một nhà tu hành Công giáo, dù chỉ là phó tế, chức nhỏ nhất trong hàng giáo phẩm, về nước ca hát, VC muốn chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng chúng không kỳ thị tôn giáo, và qua đó, và cùng với sự im lặng của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng có thêm đồng minh và phương tiện để tiêu diệt một cách tinh vi và mạnh mẽ hơn những linh mục và giáo dân đang biểu tình phản kháng chúng. Đã không ủng hộ họ thì chớ, mà vô tình (hay nhận lệnh) anh thầy tu tắt này cũng không nhiều thì ít đã đồng lõa, tiếp tay triệt tiêu sự chiến đấu đầy chính nghĩa của họ, trước công luận?”
     
      Lời bình luận trên về việc làm công khai của một người của quần chúng (public figure), như anh thầy sáu không tên, là hoàn toàn có tính cách cá nhân, nghĩa là chỉ có thể đúng, hay sai, nhưng tuyệt đối không có tính cách “sỉ nhục”. Cũng như lời phê bình dưới đây về bài không tên cuối cùng của anh ta:

      • “Nhân tiện, NLGO tôi, trong tư cách một khách thưởng ngoạn, xin có lời bàn nhỏ về những bài không tên: nhạc thì ủy mị, rên siết, sướt mướt, nghĩa là tầm thường, và nội dung bài nào, nhất là bài không tên cuối cùng, cũng xúi giục người đàn bà có chồng ngoại tình, trong tư tưởng, với thằng bồ cũ rất bựa, rất nham nhở, rất cà chớn và rất độc ác đã công khai khoe khoang thành tích chơi gái, không biết giữ gìn thanh danh, bảo vệ hạnh phúc gia đình cho người đã (lỡ dại) trao thân cho nó. Tôi thực tình không hiểu nổi, về mặt nghệ thuật, và nhất là đạo đức, não trạng nào đã khiến người ta, ở hải ngoại hay trong nước, có thể mê mẩn những bài hát có nội dung vô luân đến thế, đến nỗi phải tiến cử anh ta học làm thầy sáu, hoặc phải đứng hàng giờ dưới mưa, chờ đón anh ta trở về nước, hoặc phải tranh nhau để được hát chung trong cuộc lưu diễn này. Trước 1975, chẳng hạn, một con bé hàng xóm của tôi, mới mười tuổi, thường nghêu ngao hát những câu, “mưa bên chồng có làm em khóc… có làm em nhớ những khi mình mặn nồng…”. Đúng là bệnh hoạn!” (ngưng trích)

Chuyện ông nhạc sĩ không tên kiêm thầy tu tắt chắc sẽ còn dài và chưa biết hồi kết sẽ ra sao. 

Ký Thiệt
(Đời Nay ngày 6.10.2017)

No comments:

Blog Archive