Tuesday, July 4, 2017

Trung Quốc và những chiến thuật thâm độc
Song Chi/


Tàu hải cảnh Trung Quốc cặp sát tàu cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông. (Hình minh họa: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Trung Quốc xưa nay là bậc thầy trong việc sử dụng những chiến thuật kiểu như “tằm ăn dâu,” đặt người ta trước sự đã rồi. Cứ nhìn lại trước năm 1974 Trung Quốc rõ ràng một thước đất cắm dùi trên biển Đông cũng không có, nhờ bắt được thời cơ vàng tiến đánh rồi cướp được Hoàng Sa của Việt Nam rồi từ đó có thế tiến dần, vừa xây vừa chiếm, đến bây giờ biển Đông đã gần như trở thành “ao nhà” của họ.
Một chiến thuật khác cũng rất hay được Trung Quốc sử dụng đó là “luộc ếch,” ai cũng biết chuyện luộc ếch, nếu luộc nước sôi ngay từ đầu thì con ếch đã nhảy ngay ra ngoài, nhưng nếu nước nóng dần dần, con ếch không cảm thấy cho đến khi nước sôi muốn nhảy ra thì không còn kịp nữa… Mọi việc đối với Việt Nam hay các nước láng giếng nhỏ yếu hơn, Bắc Kinh đều chơi cái trò như vậy.










Còn nhớ Tháng Mười Một, 2007, khi Trung Quốc tuyên bố thành lập một đô thị cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là Tam Sa có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo tranh chấp với Việt Nam: Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa), Sài Gòn, Hà Nội rần rần biểu tình, lần đầu tiên là vào ngày 9 Tháng Mười Hai, 2007. Đây là cuộc biểu tình tự phát có sự tham gia của đông đảo giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ trí thức đầu tiên sau bao nhiêu năm hầu như không có những hoạt động như vậy kể từ biến cố Tháng Tư, 1975, chỉ trừ những cuộc biểu tình do chính nhà nước tổ chức có mục đích tuyên truyền chính trị. Sau đó cứ Chủ Nhật hàng tuần lại diễn ra biểu tình cho tới khi bị đàn áp. Người Việt nước ngoài cũng lên tiếng, khí thế, ở nơi này nơi khác, để ủng hộ người trong nước.
Và tất nhiên nhà cầm quyền phải ngăn chặn ngay, đặc biệt là tại Sài Gòn, nơi vốn có truyền thống đấu tranh của sinh viên, học sinh, trí thức trước năm 1975 mà nhà nước này quá biết rõ bởi chính họ đã lợi dụng lòng yêu nước, phản đối chiến tranh và sự ngây thơ chính trị của một số người dân Sài Gòn lúc đó.
Khi tàu Trung Quốc lần thứ 3 ngang nhiên cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vào ngày 30 Tháng Mười Một, 2012, những lời kêu gọi biểu tình đã nổ ra trên mạng trong Tháng Mười Hai, 2012, nhưng những đợt biểu tình lần này chỉ có thể diễn ra tại Hà Nội còn Sài Gòn hoàn toàn bị khống chế. Còn nhớ lời kêu gọi từ trang web Nhật Ký Yêu Nước.
Một lần khác khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981) vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1 Tháng Năm, 2014, nhà nước Cộng Sản Việt Nam lên tiếng phản đối, đồng thời tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm. Lần đó người Việt cũng xuống đường biểu tình mạnh mẽ.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra trong Tháng Năm, 2014 tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam: Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hóa… Tại đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia. Người Việt ở nước ngoài cũng sôi nổi tiếp sức.
Nhưng rồi tinh thần của mọi người cứ nguội dần, những cuộc biểu tình thưa vắng dần, một phần do sự đàn áp càng ngày càng mạnh của nhà nước Cộng Sản. Một phần do nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta sẽ phân tích dưới đây.
Ngày 20 Tháng Sáu vừa qua, báo Thanh Niên vừa đưa tin Trung Quốc lại kéo giàn khoan Hải Dương-981 xuống Biển Đông chưa kịp bao lâu thì lẳng lặng rút bài xuống. Người dân chỉ còn có thể đọc thấy tin tức này trên những báo, đài bên ngoài như RFA, VOA… để biết rằng Trung Quốc lại điều dàn khoan Hải Dương HD-981 đi xuống khu vực thuộc vùng biển ngoài khơi cửa vịnh Bắc Bộ, nơi chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Còn chúng nó làm gì, tình hình diễn biến ra sao, người dân hoàn toàn không rõ. Giả dụ bây giờ Trung Quốc có bất thình lình đánh úp lấy nốt những đảo còn lại ở Trường Sa cũng chẳng ai hay, nếu báo đài nước ngoài không nói không viết!
Trên Facebook sáng nay, Chủ Nhật 25 Tháng Sáu, có đưa tin, hình ảnh một số bạn trẻ ở Sài Gòn phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam và lập tức bị công an đàn áp, có người bị bắt về đồn, có người bị đám công an đội lốt côn đồ đánh đập man rợ, tóe máu… Tất nhiên, cuộc biểu tình nhanh chóng bị dập tắt. Nỗ lực lên tiếng của những con người yêu nước thật đáng quý.
Nhưng nỗi buồn đọng lại trong lòng tất cả chúng ta là gì?
Đó là từ năm 2007 khi nổ ra cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lần đầu tiên tại Sài Gòn, Hà Nội cho đến nay, phong trào dân sự, phong trào dân chủ ở Việt Nam vẫn chưa thật sự lớn mạnh hơn. Các hoạt động biểu tình, phản đối Trung Quốc hay phản đối những chính sách cụ thể của nhà nước Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức tự phát, từ những nhóm lẻ khác nhau, chưa thể tập họp thành một phong trào mạnh mẽ, có sự chuẩn bị đối phó lâu dài.
Chỉ cần nhìn qua phong trào biểu tình của học sinh sinh viên Hồng Kông năm 2014, còn gọi là “cách mạng dù” bao gồm những cuộc biểu tình, phản biểu tình và những hành động như trưng cầu dân ý trên mạng đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, và có những gương mặt thủ lĩnh thực sự, là chúng ta thấy. Vậy mà “cách mạng dù” ở Hồng Kông còn không thành công nổi! Nhưng chí ít nó cũng đã gây tiếng vang trên thế giới, khiến thế giới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của tuổi trẻ Hồng Kông.
Việt Nam chưa có được những phong trào như vậy, ngược lại, theo thời gian những cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc (khoan nói đến phản đối nhà nước cộng sản Việt Nam, đòi tự do, dân chủ, đòi thay đổi thể chế) cứ ngày càng thưa thớt, chỉ dăm chục, một trăm con người quan tâm đến chuyện bọn Tàu đang làm gì ngoài kia trên biển của ta, còn lại hơn 90 triệu con người vẫn sống bình thường “mọi chuyện đã có nhà nước lo.”
Chiến thuật “luộc ếch” đã bắt đầu phát huy hiệu quả, cũng như mọi chiến thuật “tằm ăn dâu,” “bất chiến tự nhiên thành” khác mà Trung Quốc đã áp dụng từ trước tới nay đối với Việt Nam.
Đó là chưa nói đến những nguyên nhân khác. Thời thế đã khác. Thế và lực của Hà Nội, ngày càng yếu, uy tín của chính quyền này trong mắt dân và trên trường quốc tế, ngày càng giảm sút.
Hà Nội từ lâu đã ở trong thế cô đơn tuyệt vọng khi đối đầu với Bắc Kinh, nay càng tuyệt vọng. Nhìn quanh không có một mống đồng minh, bạn bè nào. Mỹ thì đang thời của Donald Trump chỉ lo “American first,” Trump cũng chả quan tâm gì mấy đến chuyện nhân quyền thành ra Việt Cộng khỏi chơi trò du dây được nữa, khỏi hy vọng nếu có chuyện gì Hoa Kỳ còn lên tiếng cho.
Còn nếu đánh nhau? Thua là cái chắc. Không chỉ thua về tài chính, tiềm lực vũ khí, tài trí của những người lãnh đạo (nhìn mấy cái mặt của các vị Trọng, Quang, Phúc, Ngân thì bản lãnh đâu mà đọ lại với Tập Cận Bình, với Lý Khắc Cường?), mà thua vì tinh thần chiến đấu không còn. Xưa đánh Mỹ ít nhất những người Cộng Sản cũng còn có tinh thần, có cái lý tưởng (mà họ tin là đúng), có sự hậu thuẫn hùng hậu của Liên Xô, Trung Quốc và cả khối XHCN phía sau, nay có ai, lý tưởng cũng không còn. Nay từ quan chức cho tới quân đội cả một đám chỉ lo vơ vét, làm giàu, tài sản “khủng” nên sợ mất, sợ chết hơn bao giờ hết, tinh thần đâu mà đánh nhau?
Dân Việt Nam bao giờ cũng yêu nước, nhưng liệu bây giờ người dân có sẵn sàng lên đường hy sinh xương máu cho một đảng cầm quyền bán nước buôn dân, một chế độ hẻn với giặc ác với dân?
Trong bao nhiêu năm qua một mặt Bắc Kinh tung tiền của mua chuộc đám quan chức Việt làm cho họ hèn yếu đi, đổ đủ thức chất độc lẫn thực phẩm, hàng hóa độc hại vào Việt Nam vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa đầu độc sức khỏe người Việt Nam, làm cho người Việt bịnh hoạn, yếu sức; mặt khác, Trung Quốc ráo riết, quyết liệt “rào lưới,” bao vây Việt Nam, từ ngoài biển khơi cho tới trên bờ, từ Nam ra Bắc chỗ nào cũng nhung nhúc người Hoa, vị trí đắc địa, quan trọng nào các công ty của Trung Quốc cũng cài cắm hết rồi, đánh nhau một cái, từ trên biển đánh vào, từ trong bờ tản ra, trên cao nguyên úp xuống… Việt Cộng trụ được bao lâu?
Chẳng lẽ số phận Việt Nam lại nghiệt ngã đến thế. Chẳng lẽ giang sơn này ông cha ta nghìn năm nay đổ máu xây dựng và giữ gìn để cuối cùng đảng Cộng Sản phá nát, hai tay dâng cho Tàu mà người dân chịu được?


Tẩu Vi Thượng Sách

No comments:

Blog Archive