Planned Parenthood, một lò phá thai khổng lồ
người lính già oregon
1. Tin cho biết, thứ hai 17/7 vừa rồi, Bộ trưởng Tư Pháp của tiểu bang cực kỳ Dân Chủ Cấp Tiến Xanh Lè California, Xavier Becerra, lại đem xét xử, tại San Francisco Superior Court, vụ phóng viên David Daleiden, chủ tịch Center of Medical Progress (CMP), chống phá thai, và “đồng lõa” Sandra Merritt –năm 2015, đã phỏng vấn và lén lút quay phim một số nhân viên của Planned Parenthood (PP) tố cáo những bác sĩ của tổ chức này đã moi các bào thai từ bụng mẹ ra như thế nào, và đem bán những bộ phận thai nhi như thế nào. Daleiden không bị cáo buộc về tội nói sai sự thật, mà về việc không cho biết lý lịch, nghiệp vụ –tức phóng viên, nhà báo– của mình trước khi phỏng vấn người ta. Nghĩa là, theo văn chương bình dân, nhà báo đã giả dạng thường dân để moi tin tức, vì thông thường, những nhân viên ngại tiết lộ tệ trạng của sở làm cho báo chí. Nói cách khác, bị can ghi âm và thâu băng mà không được sự đồng ý của đối tượng.
Đọc tin này, tiện nhân không khỏi nghĩ đến Upton Sinclair (1878-1968), nhà báo và nhà văn có khuynh hướng xã hội, thiên Cộng, tác giả quyển tiểu thuyết gây tranh cãi The Jungle, 1906, khiến các phê bình gia gọi Sinclair là một muckraker, tức một nhà báo chuyên đi phanh phui những bê bối của chính quyền. Nội dung xoay quanh chuyện của một di dân nghèo khổ từ Lithuania, có tên Jurgis Rudkus và vợ, làm công việc gói thịt (meatpacking) trong một lò sát sinh ở Chicago, vào đầu thế kỷ XX. Điều kiện làm việc quá khắc nghiệt, tiền lương không đủ, và công nhân bị chủ lò bóc lột. Tương tự như Germinal(1885) của Émile Zola trước đó, mô tả đời sống, còn cơ cực gấp bội, của giới thợ thuyền, đặc biệt những phu mỏ than tại Pháp. Để có dữ kiện cụ thể, Sinclair đã giả công nhân làm việc mấy tháng tại đó. Quyển sách gây sốc cho chính quyền, và không nhà xuất bản nào dám in. Nhưng đỡ hơn Daleiden, Sinclair không bị đưa ra tòa. Trái lại, chính quyền cho ra đời quyết nghị có tên Meat Inspection Act.
Nhân vụ xử Daleinden, một bài báo mới đây đăng trên Mạng, “Planned Parenthood video trial – is free speech or privacy under fire?”, của John Moody, thuộc Fox News, đặt vấn đề với tòa án, liệu “tự do ngôn luận” và “sự riêng tư” (privacy) có bị đe dọa chăng? Moody cũng nêu lên sự kiện là đã có hàng ngàn cuộc phỏng vấn như thế diễn ra tại các nhà hàng, hay các phòng họp, tức là nơi công cộng. Rồi nếu kết tội những nhà báo giả dạng, tại sao không đưa ra tòa xét xử những cảnh sát chìm (undercover), chẳng hạn? Còn Brentford Fereira, luật sư của Deleinden. gọi thân chủ mình là “citizen journalist” (citizen, ở đây, đồng nghĩa với civilian, tức dân sự, khác với công chức). Hiện giờ, chưa có tin gì về kết quả của vụ xử.
2. Tuy nhiên, vấn đề mà tiện nhân nêu ra trong bài này không phải là vụ xử án, mà là “lý lịch” và bản chất của cái gọi là Planned Parenthood, còn gọi là Planned Parenthood Federation of America. Đó là một tổ chức bất vụ lợi, miễn thuế, được hai chị em Margaret Sanger thành lập, dưới nhãn hiệu "bệnh viện ngừa thai" (birth control clinic), năm 1916, tại Brooklyn, NY, và từ năm 1942, đổi thành Planned Parenthood cho tới bây giờ. Parent - hood, có nghĩa, theo tự điển, là “sự / tình trạng làm cha mẹ” (tiếng Việt khó nghe). Nhưng parent, ở đây, lấy từ nguyên ngữ Latin, tức parere (động từ ở thể infinitive), parens (ở thể gerund / present participle), partum (ở thể past participle, ví dụ post-partum), có nghĩa sinh đẻ (to give birth), phải được hiểu, và dịch, là sự “sinh đẻ” có kế hoạch. Tổ chức này đặc trách về sức khoẻ phụ nữ, và chỉ riêng về bộ phận sinh dục nữ và những vấn đề liên đới: ngừa thai là chính, và giống như các nhà thương khác, cung cấp dịch vụ khám ngực, tử cung là phụ. Vào năm 2014, tổng sản lượng của PP là 1.3 tỷ đô do bá tánh tình nguyện đóng góp và trong số có 530 triệu tiền đài thọ của Liên Bang, tức là tiền của dân đóng thuế (kể cả nam giới, không dính líu gì đến kinh kỳ trồi sụt hay thuốc ngừa thai). Mục tiêu phục vụ và hành động rất tốt, đáng ca ngợi. PP có chi nhánh tại 12 nước trên thế giới, trong số có Anh và Pháp. Điều hành 650 bệnh viện tại Mỹ. Giám đốc hiện thời là Cécile Richards (con gái của bà cựu thống đốc Dân Chủ Texas, Ann Richards, rất kỵ Bush cả cha lẫn con), lương hàng năm là 1 triệu đô.
Điều đáng nói là trước kia, cùng với dịch vụ thông thường liên quan đến ngừa thai và sức khỏe đặc biệt cung cấp cho nữ giới, PP là hang ổ của những vụ phá thai bất hợp pháp, vì lúc ấy bị cấm. Sau phán quyết Roe v Wade (1973), Planned Parenthood v Casey (1992) của Tối Cao Pháp Viện, PP công khai hành nghề phá thai, thả giàn, có môn bài hẳn hoi, do các chính phủ Dân Chủ và Cộng Hòa (Nixon) cấp, và là thành viên của National Abortion Federation (NAF). Thống kê năm 2014 cho biết trong số 9.5 triệu dịch vụ kín có 350 ngàn vụ phá thai, mà thân chủ đa số là các teenagers (choai choai). Trong những năm qua, các bệnh viện PP là mục tiêu đánh phá, nổ súng, gây thương vong bởi những phần tử chống phá thai cực đoan, hoặc ra tòa khai mắc bệnh tâm thần. Năm 2015, CMP và David Daleiden tung ra cuốn video về những vụ phá thai dã man (những thai nhi đã bị móc khỏi bụng mẹ và chặt ra từng bộ phận để bán) được thực hiện tại các bệnh viện của PP –khiến công luận xôn xao, xúc động và căm phẫn.
• Trong số những nhà tài phiệt ủng hộ tiền cho PP có Bill & Melinda Gates Foundation, nhưng họ ghi kèm điều kiện là tránh dùng tiền đó vào việc phá thai.
• Trong vụ bầu cử 2016, PP đã bỏ ra 50 triệu, để ủng hộ và cổ động cho Hillary – ứng cử viên cực kỳ pro-choice. May quá, mợ thất cử. Thắng cử, Tổng thống Trump dọa cắt, và đã cắt, hết mọi ngân khoản của Liên Bang dành cho PP. Phe Dân Chủ Cấp Tiến và Truyền Thông Fake News Thổ Tả, dĩ nhiên, lập tức la ó, gọi ông là kỳ thị đàn bà, là bảo thủ cực đoan, là đạo đức giả, là bla-bla-bla. Như thường lệ.
3. Ông Trump thắng cử, được 52% phiếu của người Công giáo Mỹ vs Hillary 48%, vì lập trường chống phá thai, chứ không vì cá nhân của ông (hai lần ly dị, ăn nói rất bựa, rất “vô tổ chức”, theo chữ nghĩa VC) hay chính sách di dân, hay bức tường Mỹ-Mễ, hay chuyện (ruồi bu) global warming. Những người chống phá thai nêu ra nhiều lý do khác nhau. Tựu trung: (a)phá thai là phạm tội sát nhân, (b) về phương diện y khoa: lâu rồi, đầu thập niên 1990, trên tờ Paris Match, người ta phổ biến những bức hình chụp được của một bào thai, khi tượng hình, đã thở, nghĩa là đã có sự sống, và như thế có thể được xem là một sinh vật, nếu không muốn nói một con người, cần phải bảo vệ, (c) về phương diện tôn giáo, bào thai đã có một linh hồn, nghĩa là đã là một con người, (d) lại còn câu hỏi liên quan đến pháp lý: Tại sao giết một hài nhi được sinh ra khỏi bụng mẹ, ví dụ bóp mũi cho nó chết, hay bỏ trong thùng rác, bị kết tội sát nhân, mà giết một bào thai, sắp sửa trở thành hài nhi, bị móc ra từ trong bụng mẹ, thì lại OK? Phải chăng bào thai, trong trường hợp này, bị xem là một vật phế thải cần phải trút bỏ qua cửa trước, cũng như những cặn bã tự nhiên cần phải trút bỏ qua cửa sau? Thật phi lý, bất công, và tàn ác!
4. Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế giới, và sự xác nhận của GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ Sản VN, vào tháng 9, 2016, thì Việt Nam Cộng Sản là nước đứng đầu thế giới về phá thai, bứt xa Hoa Kỳ và các nước tân tiến, trong đó có 20% trường hợp còn ở tuổi vị thành niên. Thống kê không làm chúng ta ngạc nhiên chút nào: quả vậy, giá trị văn hóa, đạo đức, học vấn, xã hội, nhân bản… tất cả đã xuống dốc thê thảm dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ngày nay. Người dân đã trở thành vô cảm, dửng dưng trước thảm họa mất nước vào tay Tàu Cộng: người giàu có thì sáng nhậu, trưa nhậu, chiều nhậu, uống say ngủ lăn quay, không biết trời trăng mây nước, người nghèo thì bươn chải kiếm tiền, vất vả ngược xuôi, bữa no bữa đói, nhưng tất cả có chung một thái độ: không còn nghị lực đấu tranh –và đó cũng là điều mong muốn và “ý đồ” của lũ lãnh đạo tự phong. Đất nước mà còn bị người dân coi như đồ bỏ, thì sá chi những bào thai vô tội, không thể tự bảo vệ, tự chống đỡ. Một thiểu số còn ý thức và tỉnh táo đứng lên đấu tranh cho đất nước thì bị bạo quyền bắt bớ, đánh đập, giam tù, và có khi sát hại.
5. Tại Hoa Kỳ và Âu Châu, những kẻ ủng hộ phá thai thường lập luận rằng: “Tôi có toàn quyền trên cơ thể của tôi”. Đồng ý. Nghĩa là có toàn quyền cắt bỏ tử cung, hay chặt cánh tay, hay bắn cái bụp vào đầu mình, thì cứ việc. Nhưng thai nhi không phải chỉ là một phần thân thể, cánh tay hay tử cung, mà còn là một bản thể (essence) độc lập, khi bắt đầu tượng hình và biết thở, nhưng tạm thời phải sống nhờ, như một người khách trọ (guest), vào cơ thể của người mẹ trong một thời gian nhất định, chờ ngày vào đời, tức hiện hữu, hay hiện sinh (existence), nếu dùng chữ của Jean-Paul Sartre. Vì vậy, không ai có quyền hủy diệt bản thể độc lập ấy mà không có tội, nếu không đối với luật pháp bây giờ, thì cũng đối với lương tâm, trời đất, và Đấng Tối Cao trong các đạo giáo –tất cả đều cấm phá thai, dù chỉ là điều luật bất thành văn, vì từ hàng ngàn năm trước, vấn đề phá thai chưa được đặt ra. Chưa nói quả báo (karma) đời này hay đời sau, mà chỉ những cá nhân, hay tổ chức, như PP, vi phạm mới lãnh đủ hậu quả.
Tuy nhiên, như mọi vấn đề trên đời, phá thai cũng có luật trừ và được luật pháp chấp nhận khi cần cứu mạng sống người mẹ và trong trường hợp hiếp dâm hay loạn luân. Chính vì quan niệm khắt khe, không khoan nhượng, về phá thai mà linh mục Stephen Fermoyle, nhân vật trong quyển tiểu thuyết best-seller The Cardinal, 1950, của Henry Morton Robinson –không cho phép em gái chửa hoang của mình, tên Mona, phá thai theo đề nghị của bác sĩ, vì cái thai lớn quá và xương chậu (pelvis) của cô nhỏ quá (không biết thời đó phương pháp C-section đã được áp dụng chưa). Mona chết khi sanh đứa con gái, Regina, xinh đẹp, khoẻ mạnh. Truyện này đã được quay thành phim rất ăn khách, năm 1963, do Otto Preminger đạo diễn và tài tử lừng danh Romy Schneider đóng một vai phụ.
Portland, thứ bảy 22 - 7- 2017
NLGO
No comments:
Post a Comment