Wednesday, July 26, 2017

Phòng trà Sài Gòn níu chút vàng son

Sau 15 năm “ngăn cách một đại dương”, có đôi tình nhân gặp lại, họ hẹn hò nhau ở một phòng trà chỉ để nghe một đêm nhạc Phạm Duy. Họ tin không gian thân thuộc ấy, những ca khúc day dứt về tình yêu, sự xa cách cất lên bởi những giọng ca vốn quen với khói thuốc và đèn đêm nói thay cho biết bao điều.


Cà phê phòng trà ca nhạc Người Sài Gòn trên đường Thái Văn Lung quận 1 

Phòng trà, trong tâm cảnh đó như không gian đối thoại tinh tế, thanh lịch còn tìm thấy trong lòng một đô thị đã đi qua nhiều cuộc bể dâu, thăng trầm. 

“Sài Gòn vẫn hát”

Tấm màn phông sân khấu của quán cà phê Người Sài Gòn (9 Thái Văn Lung, Quận 1) là ký họa không gian phố xá Sài Gòn trước 1975, với những quán lề đường, tên đường, tên phòng trà vang danh một thời. Và đặc biệt, bức họa cũng mô tả hình ảnh những tao nhân mặc khách một thuở của miền Nam: ông Trịnh Công Sơn trầm tư với khói thuốc bên ô cửa, hỏi “em còn nhớ hay em đã quên”, ông Bùi Giáng trung niên thi sĩ bước chân quàng xiên theo một em Mọi trong tâm tưởng hay cặp đôi Lê Uyên-Phương đèo nhau trên xe vespa “theo em xuống phố trưa nay”…

Bên trên bức tranh là slogan “Sài Gòn vẫn hát”.

Những đêm tình ca vào tối thứ 7, Chủ Nhật ở đây luôn kín chỗ, thường bắt đầu và kết thúc tương đối muộn (9 đến 11 giờ 30). Khách đến đa phần là bạn trẻ, tuổi từ 20-30 nhưng mê nhạc tiền chiến, dòng nhạc boléro và thích sống trong không gian âm nhạc kiểu Sài Gòn “đời 60-70”. Cũng có những đêm nhạc Phạm Duy, Lam Phương… ở đây thu hút người nghe lớn tuổi ưa hoài niệm. Trẻ, già đến đây đều chung chia một mong muốn – được nối kết trở lại với một kiểu thức sinh hoạt tinh thần đã từng rất quen thuộc trong quá khứ vàng son của đô thị này.

Chừng nào người Sài Gòn vẫn hát, thì chừng đó còn không gian những phòng trà vẫn sáng đèn.


Phòng trà Uyên Voice 

Không gian sinh hoạt văn hóa đầy thanh lịch này gần như bị đứt quãng từ 1975 đến tận những năm đầu 2000, vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến sự đứt gãy về văn hóa và sự cạnh tranh của mô hình sân khấu ca nhạc đại chúng mới, công nghệ giải trí mới. Ở vào thời điểm đó, nhiều phòng trà cũ của Sài Gòn vẫn còn lay lắt hoạt động với phương thức (và cả cái tên) ngày cũ như Tiếng Xưa, Tự Do đã cùng những tên gương mặt mới hơn, như ATB, Ðồng Dao, M&Tôi, Tiếng Tơ Ðồng… vẫn tìm hướng khai thác triệt để phân khúc khách hàng của mình bằng nhiều cách, nhưng nhiều trong số nói trên đã rơi vào khốn đốn bởi lý do quan trọng nhất: dòng chảy âm nhạc bị đột ngột đứt quãng và thành phần nghe nhạc thay đổi, gu và tâm thế tiếp nhận của công chúng cũng khác.

Thế rồi như một cuộc hồi sinh mạnh mẽ nhưng âm thầm, không gian phòng trà, cà phê kiểu phòng trà Sài Gòn trở lại trong chừng chục năm trở lại đây cùng với sự khuấy động dòng nhạc boléro trên các kênh truyền hình của những đài phía Nam, cùng với hiện tượng xuất bản những cuốn sách, tài liệu có màu hoài niệm một “Sài Gòn năm tháng cũ” và cuối cùng là một cảm thức tìm nguồn, kết nối trở lại của văn hóa, tái định vị giá trị Sài Gòn bị phủ đậy, nhấn chìm trong vài ba thập niên.

Phòng trà Uyên Voice (33 Trần Bình Trọng, Q. Bình Thạnh) thường càng về khuya càng nhiều khán giả ghi tên lên hát những ca khúc cũ trước 1975. Có gương mặt quen là cô giáo dạy ngoại ngữ ngoài sáu mươi, sau cua dạy kèm thường ghé qua hát một bản nhạc tình ngoại quốc thời phong trào nhạc trẻ Sài Gòn đầu thập niên 1970 rồi mới chịu về. Cũng có ông doanh nhân của tập đoàn lớn nghiện phòng trà, thường ghé hát để rồi trở thành giọng ca đặc sản của Uyên Voice với những bản slow, boléro “ngọt theo phong cách trước 75”. Ðôi khi nghe lơ lớ thứ tiếng Việt của người tha hương, và khán giả cũng chứng kiến nhiều màn khiêu vũ ngẫu hứng, điệu nghệ… 

Bình mới rót rượu cũ

Lớp ca sĩ Sài Gòn trước 1975 cũng làm những cuộc trở về với các gameshow truyền hình đại chúng và không quên xuất hiện trở lại những phòng trà cũ, mới của Sài Gòn, như thuở chập chững bước vào nghề. Phòng trà WE trên đường Lê Quý Ðôn (Q3) thường xuyên có các minishow của những giọng ca cũ: Tuấn Ngọc, Lệ Thu,… bên cạnh những tên tuổi mới của dòng nhạc trữ tình, tiền chiến: Trọng Bắc, Ðức Tuấn…


Chương trình nhạc xưa tại phòng trà Melody

WE nằm trong nhóm những phòng trà đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, công nghệ mới phong cách hiện đại nhưng khai thác dòng nhạc trữ tình trước 1975 khá hiệu quả.

Còn phải kể đến một tên tuổi mới xuất hiện về sau này, là Hi End trên đường Nguyễn Ðình Chiểu với dàn âm thanh hi-end thực thụ, dàn nhạc chơi acoustic bài bản, với các đêm nhạc xưa được phối sang trọng. Tại đây, khán giả gặp lại một giọng ca phòng trà đặc thù Sài Gòn nay đã ở độ tuổi “bà ngoại”- ca sĩ Hồng Vân bên những giọng ca mới chuyên hát những ca khúc ra đời ở miền Nam trước 1975: Ngọc Mai, Thụy Long, Tương Phùng, Hoàng Kim, Ngọc Quy…

Trong nhóm những phòng trà “kỹ nghệ mới” chơi nhạc trữ tình trội lên trong vài năm gần đây, còn phải kể đến Overture café (109 Trần Quốc Toản, Q3) với chất lượng âm thanh Audiophile được đầu tư kỹ lưỡng. Những giọng ca quen thuộc ở Hi End cũng thường xuất hiện tại đây. Trong một không gian mới mẻ, hiện đại, âm thanh tinh tế, những đêm nhạc boléro, chủ đề Nguyễn Ánh 9, Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn… vừa bảo đảm đủ sắc thái hoài niệm, vừa gần gũi với khán giả đương đại kén chọn và biết đòi hỏi cao.

Dân nghiện phòng trà nhạc trữ tình Sài Gòn xưa ngày nay chắc hẳn trong sổ tay còn có vài cái gạch đầu dòng khác để chọn lựa: Ân Nam, Không Tên, Da Vàng, Nam Quang. Người mê nhạc Pháp thập niên 1960-1970 thì trao đổi với nhau lịch hát của ông Quang Vĩnh (ca sĩ phòng trà hát nhạc Pháp có tiếng tại Sài Gòn) ở đâu để tìm đến thưởng thức… Một dạo, còn có Blue Ginger ở đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có tay chơi guitar bụi đời “đánh gục” nhiều khách sành nhạc vàng và cô MC người gốc Hoa, tên Nhi quá đỗi duyên dáng, nhưng nay tiếc thay, “chỗ chơi” này đột ngột đóng cửa.


Khán giả trẻ mê nhạc xưa. 

Mỗi phòng trà mọc lên với một khát vọng hay ý hướng nối kết với phần vàng son phôi pha dù thành công hay thất bại thì cũng đã góp vào trong sinh hoạt văn hóa đô thị một cuộc du hành về với quá khứ. Cuộc du hành đó bắt được mạch nhu cầu của nhóm đại chúng mới – yêu nhạc không chỉ vì chính những bản nhạc, mà muốn đắm mình trong chính nguồn mạch sáng tạo, sinh khí văn hóa, một không gian giao cảm.

Những phòng trà thanh lịch hôm nay với dòng nhạc xưa cũng là nơi gắn kết cho những cuộc trở về của người Sài Gòn lưu lạc qua nhiều biến cố, những nghệ sĩ trôi dạt xứ người tìm về hát trên quê hương. Trên tất cả, là sự nối tiếp một nét sống sang trọng, lịch lãm; gắn bó với đời sống tinh thần của thị dân với chính mạch nguồn văn hóa tự nhiên của đô thị mình đang sống một cách bền chặt, sâu sắc.

Sài Gòn, vẫn hát. Thế nên bạn hãy tin rằng, đôi tình nhân đầu bài viết sẽ không phải là chuyện hư cấu!

No comments:

Blog Archive