Saturday, July 15, 2017

Chuyện của bé Charlie Gard

người lính già oregon


      1. Có một câu ngạn ngữ Latin, thuộc ngành Luật, đã được nhà hùng biện Latin Cicéron (106-43 BC) nhắc đến trong De Officiis, I, 10, 33:  Summum jus, summa injuria. Dịch từng chữ là “Quá nhiều pháp luật, quá nhiều bất công”. Cicéron muốn nói, qua đó, rằng người ta phạm nhiều sai trái khi áp dụng luật lệ một cách quá cứng ngắc.

Hơn bao giờ hết câu ấy có thể áp dụng trọn vẹn cho trường hợp bi thương của em bé người Anh Charlie Gard đã được những Netizens (Công dân Mạng) và thế giới bàn luận sôi nổi, trong mấy ngày vừa qua.

Xin kể lại một cách vắn tắt: Ấu nhi Charlie, mới 11 tháng, bị một bệnh rất hiếm, di truyền, được gọi là “mitochondrial DNA depletion syndrome” (MDDS) –làm mất sức lực (energy) toàn diện trên cơ bắp, và nội tạng, gan, ruột, thận: bé không thể tự cử động tay chân, hay thở được, và não bộ bị chấn thương. Bé sống nhờ ống thở và ống bơm thực phẩm. Tình trạng của bé vô vọng, và các bác sĩ tại nhà thương nhi đồng Great Ormond Street Hospital (GOSH) ở London bó tay, và dự trù rút ống thở, nghĩa là cho bé chết. Cha mẹ bé không chịu. Bệnh viện bèn đưa nội vụ ra tòa án Anh quốc, xin được quyền rút ống thở mà không cần sự chấp thuận của cha mẹ. Tòa án Anh, đủ các cấp, kể cả Tòa Án Hoàng Gia Tối Cao, đứng về phía bác sĩ, cấm đưa bé ra ngoại quốc điều trị, lấy cớ mọi cố gắng chạy chữa sẽ là vô ích và càng làm bé đau đớn thêm. Cha mẹ bé kháng án lên Tòa Án Âu Châu về nhân quyền, và tòa này giữ y quyết định của tòa Anh.

      2. Đức Giáo Hoàng Francis đã lên tiếng, xin chính phủ London, vì lòng thương xót (mercy), cho phép bé được qua Rome chữa trong bệnh viện nhi đồng Bambino Gesu của Vatican, nhưng tòa bác bỏ. Còn Tổng thống Trump tweet, sẵn sàng cho bé qua Mỹ chữa trị, và có hai bệnh viện Mỹ hứa chữa miễn phí cho Charlie, trong chương trình thử nghiệm, và đề nghị gửi qua cho bệnh viện Anh một thứ thuốc để bé uống thử, trong trường hợp yêu cầu được chữa tại Mỹ bị tòa án khước từ. Mẹ của bé, Connie Yates, lý luận rằng, đàng nào bé cũng chết, thì uống thử vài viên thuốc, có sao đâu, biết đâu, may ra… Nghĩa là còn nước còn tát. Nhưng các bác sĩ GOSH vẫn không chịu. Cha mẹ bé đã quyên được hơn một triệu đô (1.3 triệu bảng Anh) để trả các chi phí tại Mỹ, và dân chúng Anh đã gửi thỉnh nguyện thư, có 350 ngàn chữ ký lên bệnh viện GOSH yêu cầu bác sĩ hoãn việc rút ống thở –dự trù vào thứ năm 13/7 này. Cha mẹ bé quyết không bỏ cuộc. Thủ tướng Theresa May, trong khi bày tỏ niềm thông cảm với cha mẹ Charlie, không biết lấy quyết định như thế nào. Bộ trưởng Ngoại giao và Tư pháp từ chối can thiệp và tuyên bố tuân theo phán quyết của Tòa. Nữ hoàng Anh, có quyền uy tối thượng, và mọi thành viên trong hoàng tộc đều im thin thít. Phải chăng giới lãnh đạo Anh quốc đã ngậm miệng ăn tiền… lương hàng tháng do dân đóng thuế góp, trong số có cha mẹ của Charlie? Hay đã bị trói tay trói chân bởi một thứ luật pháp quái đản, vô nhân đạo... từ thời Trung Cổ? Một giáo sư nổi tiếng người Anh tên Robert Winston, được phong tước Lord, tức Lord (Lèo) Winston, lại còn trắng trợn chỉ trích Giáo Hoàng Francis và Tổng thống Trump đã xía vào chuyện của nước Anh, không có lợi cho bệnh tình của bé Charlie và làm cho tình trạng càng thêm rắc rối.

      a) Một bài báo, được phổ biến trên Mạng, đặt vấn đề “What kind of a nation would kill a baby in his mother’s arms?” của Todd Starns, đài Fox News, cho rằng Tòa Án Âu Châu về Nhân quyền đã không đếm xỉa gì đến “nhân quyền”, tức quyền được sống, của bé Charlie, và quyền chăm sóc con của cha mẹ bé. Bài báo ngắn, gọn, đầy đủ, rất thuyết phục.   

   b) Hai dân biểu Cộng Hòa Mỹ, Brad Wenstrup (R-Ohio) và Trent Franks (R-Arizona) đã soạn thảo, thứ sáu tuần qua, một dự luật cho Charlie và cha mẹ bé quyền thường trú nhân tại Mỹ để bé được đưa đến Hoa Kỳ chữa trị –điều mà theo thiển ý sẽ vấp phải phản đối dữ dội của các tòa án Anh, và e rằng sẽ quá trễ do thủ tục biểu quyết rườm rà tại Quốc Hội. Chưa kể cái đám Dân Chủ cho rằng hai dân biểu Cộng Hòa làm như vậy với mục đích chính trị (kiếm phiếu). Suy bụng ta ra bụng người là thế. Cái đám Dân Chủ Cực Kỳ Cấp Tiến (Ultra Liberal) ồn ào này không bao giờ có lòng thương xót ai, kể cả cái bào thai còn thở trong bụng mẹ, vô bệnh, vô tội và vô phương tự bảo vệ, cũng bị móc ra, giết đi, một cách hợp pháp, huống chi là Charlie. Bọn họ cứ tưởng ai cũng đóng kịch giống như Chief Clown Vừa Già Vừa Xấu Chuck Schumer (D-NY) của bọn họ –đã mếu máo, đứng khóc thương cho số phận của di dân, hợp pháp hay bất hợp pháp, bị kẹt tại phi trường NY bởi sắc luật của Tổng thống Trump tháng 3 vừa rồi.

      3. Cá nhân NLGO tôi, cũng như tất cả bạn bè, thân hữu, mà tôi có dịp nói chuyện về ấu nhi Charlie Gard, đều thấy bất mãn, nếu không muốn nói phẫn nộ. Đành rằng trên thế giới có hàng triệu trẻ em, trong số có Việt Nam, đã, hay đang, gặp những hoàn cảnh thảm thương, vì chiến tranh hay sự cai trị độc tài của lãnh đạo, chẳng hạn. Nhưng mỗi trường hợp là duy nhất, cũng như cuộc sống của mỗi cá thể. Tôi không thể tin rằng xứ sở của một James Bond hào hoa luôn cứu giúp những nạn nhân trước Sự Ác, hay xa hơn, của một John Milton với rưng rưng niềm vui lúc thiên đàng, đã mất, được tìm thấy lại, lại có thể vô cảm, vô trách nhiệm trước nỗi thống khổ của tha nhân, của Charlie và cha mẹ bé, đến thế!

Thực ra, phải nói giới cầm quyền vô cảm, chứ không phải người dân Anh, nói chung, rất tử tế  –đã nhân danh Charlie quyên tiền và ký thỉnh nguyện thư.

a)    Các quan tòa Anh:

Đoạn này, NLGO tôi xin hầu chuyện với quý bạn sống ngoài Hoa Kỳ. Không biết bên Anh, những ông tòa có phải do dân bầu lên, hay được chính quyền chỉ định. Nhưng chắc chắn, bên Mỹ, các ngài đại diện cho đệ tam ngành, tức Tư pháp, sau Hành Pháp (tổng thống), Lập pháp (quốc hội), không được dân bầu. Ba ngành, trên danh nghĩa, hoàn toàn biệt lập và độc lập với nhau. Tuy nhiên, điều phi lý là, trong khi Hành pháp và Lập pháp phải được dân bầu, nhưng Tư pháp, từ tòa dưới (thẩm phán liên bang, chẳng hạn) lên tòa trên (Tối cao pháp viện), lại được Tổng thống đề cử và Quốc hội chuẩn y. Như thế, thì làm sao ngành Tư pháp có thể độc lập? Độc lập cuội?

Trở lại vụ Charlie Gard. Dù được dân bầu hay không, các ông tòa Anh và Âu Châu hành xử như những ông trời con. Cho ai sống là sống, bắt ai chết là chết. Cũng giống như một thẩm phán Mỹ thuộc loại quèn (cf. Trump, “a so-called judge”), ở Seattle, WA chẳng hạn, do một tổng thống (Obama) bổ nhiệm, vì chính trị đối nghịch, lại có quyền phế bỏ sắc luật (về di dân) của một tổng thống khác (Trump). Kỳ quặc quá, tôi không thể hiểu nổi. Xin quý bạn giải thích giùm cho cái đầu u tối về luật của kẻ hèn này được sáng ra...

Ông quan tòa cũng như anh dân ngu khu đen đều là người. Là người ai cũng có khi sai lầm, dĩ nhiên. Nhưng ra phán quyết sai lầm trên sự sống của một cá nhân, cho dù là một ấu nhi hay một bào thai, là một trọng tội, nếu không về mặt pháp lý, thì cũng đối với lương tâm –sẽ cắn rứt suốt đời. Chưa nói đến ý niệm karma, có vay có trả, trong các đạo giáo.

Quả vậy, các ông tòa nước Anh lấy quyền gì để tước bỏ quyền sống của Charlie và quyền chăm sóc con mà Thượng Đế dành cho cha mẹ của bé? Lại nữa, luật lệ, hay cả luật pháp, là do con người tạo ra thì cũng có thể bị sửa đổi hay phế bỏ bởi con người. Chẳng qua, nữ hoàng, thủ tướng và các bộ trưởng sợ án lệnh của các ông tòa, như sợ cọp, như nàng Kiều ngày xưa trông lên mặt sắt đen sì, nên các ông phải múa, dương oai diễu võ –là lẽ tất nhiên.

b)    Các quan thầy thuốc Anh:
     
Những bệnh nhân, ở Mỹ, nếu không tin cậy một bác sĩ, có quyền tìm một bác sĩ khác, còn gọi là second opinion. Đó là một ưu điểm trong ngành Y của Mỹ: chữa bệnh cũng là một thứ business –vì thế mới có nghiệp đoàn bác sĩ. Và cũng như trong business, bệnh nhân, tức khách hàng, là Thượng Đế. Không như các bác sĩ của bệnh viện GOSH, quá tự cao tự đại: không chữa được, nhưng bởi tự ái vặt, không cho ai khác chữa thay. Còn lý do nào khác để cắt nghĩa thái độ vô lý, nếu không muốn nói vô luân, của họ?

      4. Hôm qua, thứ hai 10/7, khi tôi viết những dòng này, thì đọc được tin các bác sĩ GOSH, có lẽ do áp lực bởi thỉnh nguyện thư của dân chúng, cho cha mẹ của bé Charlie một cơ hội chót: được trình bày trước quan tòa, có tên Francis, một bằng chứng mới và mạnh mẽ (“new and powerful evidence”) về kết quả chữa trị thử nghiệm, còn gọi là “nucleoside therapy” (uống một loại thuốc viên có thể làm thay đổi DNA) cung cấp bởi các bệnh viện khác, Bambino Gesu của Vatican hay New York-Presbyterian Hospital ở Manhattan, mà một số bác sĩ ngoài GOSH nói là đã có hiệu quả rất tốt. Cha mẹ Charlie có thời gian 48 tiếng, từ thứ hai cho đến hết trưa thứ tư để làm việc này. Dựa trên đó, Tòa sẽ xử lại vào ngày thứ năm 13/7. Trước tòa, trong cuộc hearing, các luật sư của bệnh viện đánh phủ đầu rằng không có bằng chứng nào cho thấy “nucleoside therapy” thành công đối với căn bệnh của Charlie. Điều này khiến Chris Gard, cha của bé Charlie, nổi nóng, đã hét lên, về hướng đám luật sư của GOSH: “Chừng nào thì các ông bắt đầu nói lên sự thật?”. Luật sư của cha mẹ Charlie, trái lại, quả quyết rằng, nếu được chữa thử, Charlie có cơ may khỏi bệnh, hoặc ít nhất kéo dài tuổi sống. Bên ngoài tòa án, một đám đông dân chúng giơ cao nhiều biểu ngữ phản đối với những câu như: “Release Charlie”, “This is a murder”, “Let Charlie go to USA”...
     
Kết quả xử án chưa biết ra sao. Trong khi chờ đợi, xin quý bạn đang đọc bài này hãy cùng tôi cầu nguyện cho ấu nhi Charlie Gard và cha mẹ của bé, Chris và Connie. Cầu xin Thượng Đế toàn năng xót thương họ, ban cho bé  Charlie một phép lạ…


Portland, thứ ba 11/7/2017
NLGO

No comments:

Blog Archive