Đóa Hồng Tặng Mẹ
Ngày cưới Ba Mẹ 1967.
Hằng năm, cứ đến mùa Lễ Vu Lan, bao giờ em cũng không khỏi bồi hồi xúc động và rất nhiều hãnh diện khi em chọn một cánh hoa hồng đỏ xinh nhất, tươi thắm nhất để nhờ các chị trong gia đình Phật Tử cài lên ngực, nơi trái tim em xao xuyến với biết bao nhiêu tình thương yêu dành cho Mẹ! Em hãnh diện vì còn có Mẹ bên cạnh là phải, vì từ lúc nhỏ cho đến ngày khôn lớn, mỗi ngày em đều có thể kể với Mẹ đủ điều, từ việc lớn đến việc nhỏ, để nhận được những lời khuyên bảo thích đáng, những an ủi khích lệ, và những cái vuốt ve trìu mến. Em luôn yên tâm với "Hậu Phương" đó-chỗ dựa tinh thần luôn ấm áp của em!
Dù ở tuổi nào, lúc còn bé hay đến nay đã trưởng thành, em luôn thấy mình bé bỏng, luôn là con "Mèo con" của Mẹ. Bài hát "Bông Hồng cài áo" vang vang đâu đây, em đã thuộc lòng lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Mẹ, Mẹ là dòng suối dịu hiền, Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối..."
Trong sân chùa ngày lễ Vu Lan, khi những cô thiếu nữ, những em bé, những chàng thanh niên cài trước ngực đóa hoa màu trắng, tự nhiên lòng em lại dấy lên những ngậm ngùi đầy trắc ẩn, em thấy trong mắt họ có những phảng phất buồn đau. "Mất Mẹ là mất cả bầu trời", có người bảo thế, và em thấy câu đó thật là đúng! Đêm về em chỉ tâm nguyện, và cầu xin cho Mẹ em được bình an, sức khỏe tốt để sống đời với con!
Trước kia Mẹ từ một cô nữ sinh Đồng Khánh khả ái, với mái tóc dài đen nhánh, yểu điệu trong tà áo dài màu tím hoa sim, đã từng làm ngẩn ngơ những chàng trai phố cổ Hội An. Thế rồi trong một lần đại đội thám báo của Ba hành quân ngang qua nhà ngoại, người đại đội trưởng đó với vóc dáng của chàng trai Võ Bị oai hùng với một chút phong sương làm "ai đó" động lòng. Chỉ ít lâu sau, Ba đã trở thành một trong những thành viên của dòng họ "Trần Xuân" của gia đình Mẹ!
Nhiều lần Mẹ đã kể cho chúng em biết lý do tại sao gia đình chúng tôi lại "trôi dạt" về vùng quê hẻo lánh Long Khánh với rừng cao su ngút ngàn, với những rẫy cà phê và vườn cây ăn trái. Mẹ còn giải thích cho chúng em biết một câu mà chúng tôi nghe rất khó nhớ: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu". Đại khái là sống trong gia đình phải theo cha, nghe lời cha mẹ, lập gia đình phải phụ thuộc theo chồng. Bà ngoại nói: "Có chồng thì phải theo chồng, chồng đi hang rắn, hang rồng cũng phải theo!" Thế là Mẹ theo Ba về "hang rắn" Long Khánh vì lúc bấy giờ Ba đang đóng quân tại đó!
Trong giờ thứ 25 của cuộc chiến, khi trận Xuân Lộc đang dầu sôi, lửa bỏng, Ba em đã theo sát đơn vị, sư đoàn 18, từ quân đến Tướng lúc bấy giờ không ai còn nghĩ đến bản thân và gia đình mình. Mẹ đành ngồi như tượng ôm các con cho đến lúc ngoài đường đầy dép râu, nón cối. Tương lai đen tối chờ phía trước nhưng Mẹ thấy mình không thể ngã gục trước nghịch cảnh éo le. Cúi lau nước mắt, thu gom chút ít tiền bạc còn rơi rót lại sau ngày chạy loạn, Mẹ quyết tâm về lại Long Khánh với bầy con dại...
Trên con đường đất đỏ lầy lội, gập ghềnh ổ gà vì bom đạn cày xới, trên xe các con vẫn li bì ngủ trong vòng tay Mẹ. Nhìn các con, những khuôn mặt ngây thơ đáng yêu quá, Mẹ bỗng chảy nước mắt, những gì đang đón đợi, những ngày tháng sắp tới sẽ như thế nào đây?
Rồi chiếc xe đò cũng về đến bến, và dừng lại, mọi người lục đục kéo xuống, một vài người gồng gánh xuống trước, đã tốt bụng bồng hộ em, để Mẹ còn dắt các chị và anh trai em xuống. Mấy túi xách lát đựng vài bộ áo quần, và chút ít gạo, mắm muối cũng chỉ một mình Mẹ xách. Ngay lúc vừa xuống xe, một người đã kề tai Mẹ nói nhỏ: "Nhà của ông bà Trung Tá bị chiếm mất rồi, bộ đội đang ở mấy ngày nay, bà về cũng đừng mong xin lại được đồ dùng trong nhà!"
Mẹ nghe như sét đánh ngang tai, sự thật phủ phàng quá! Mới chưa đầy 2 tháng trước đây, khi Xuân Lộc bắt đầu bị pháo kích, bà con lục đục di tản. Ba từ đơn vị về, xin được 2 ngày phép đã thu xếp đưa Mẹ và chúng em lánh nạn về Sài Gòn. Những tia nắng rớt còn vương trên những ngọn cây cao su bên kia đường trước chợ, cũng nhạt nhoà theo nước mắt của Mẹ...
Mẹ đâu có ngờ cuộc đời của Mẹ thay đổi quá nhiều khi Mẹ quyết định đi theo Ba, lao theo những thăng trầm của đất nước, nhiều lúc tưởng như quá sức chịu đựng của một người đàn bà yếu đuối. Tháng 6 năm 1975, Ba đi tù Việt Cộng từ Long Giao, Suối Máu, Yên Bái, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh, Hoang Liên Sơn cho đến Gia Rai, Mẹ ở nhà với đàn con dại, chị Hai mới 7 tuổi cùng 4 đứa em, em là út được 4 tháng tuổi. Em cũng không thể nào nhớ được đã bao nhiêu lần 6 mẹ con phải bị "di tản" trong suốt thời gian 10 năm Ba bị tù đày, chỉ biết Mẹ rất khổ cực, bươn chải với cuộc sống đầy thiếu thốn, vừa lo cho chồng trong tù, hình ảnh của Mẹ chẳng khác gì người đàn bà trong những câu thơ của Trần Tế Xương:
"Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông"
Mẹ cũng có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười với đàn con thơ dại của Mẹ, nào là vụ cháy nhà không lâu sau năm 1975, chị Hai thấy mọi người đổ dồn tới căn nhà nhỏ nhắn duy nhất của mấy mẹ con để che nắng, che mưa, chị Hai đã sợ người ta lấy đồ đạc trong nhà, chị đã không quên "cẩn thận" khoá cửa lại, trước khi dắt đàn em chạy trốn ra khỏi căn nhà mà cuối cùng đã bị cháy rụi, thế là mấy mẹ con bị rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất", rồi tới cảnh anh Ba, khi đó mới lên 6, 7 tuổi, không biết là muốn giúp Mẹ hay muốn tập cho mình có một cái nghề sau này, đã kéo ba đứa em nhỏ ra, quyết định cắt tóc cho tụi em! Mẹ em khi đi dạy học về, sau một ngày mệt nhọc, vừa bước vào nhà thì thấy ba tụi em chạy ùa ra đón Mẹ để khoe tóc mới, Mẹ kể ba đứa đều có mái tóc lỏm chỏm, chỗ cao chỗ thấp mà Mẹ chưa biết làm sao phải điều chỉnh lại, khi Mẹ cuối xuống định hôn tụi em, thì than ôi mùi nước mắm vẫn còn nồng nặc trên tóc của ba đứa nhỏ, anh Ba đã "chơi xịn" dùng nước mắm, thay vì nước để xịt tóc cho tụi em! Thế là Mẹ phải xắn tay áo lên, rồi đem tụi em ra tắm gội, trong khi chưa kịp ngồi xuống để nghỉ ngơi, và lo cơm nước cho cả nhà. Sự cố gắng tập sự đầu tiên của anh Ba thế là bị thất bại hoàn toàn, chỉ làm cho Mẹ thêm khổ!
Mẹ cũng hay kể lại cho cả nhà nghe không biết bao nhiêu lần, tụi em đã dùng nước rửa chén để mà tắm hay là gội đầu. Cũng xin kể lại là vào thời đó, đời sống rất thiếu thốn, mấy chị của em phải đi gánh nước, quay lên từ cái giếng bên nhà hàng xóm để dùng, cho nên nước vo gạo, được giữ lại trong một cái thao, dùng rửa chén, không cần phải nói, cái thao này trộn đủ "gia vi" nào là nước mắm, mỡ, hành, tỏi...thôi thì đủ thứ hết! Mẹ có lẽ cũng đã quen, và lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng "đối phó". Sau này, mấy chị hay "trách yêu" Mẹ, lý do mấy chị bị "lùn" chỉ vì bị gánh nước nhiều quá!
Em nhớ như in là trước sân nhà, Mẹ có trồng vài cây rau ngót (hay còn gọi là bồ ngót), Mẹ bảo với tụi em rau này rất dễ trồng, mà thiệt, chẳng bao lâu, nhà em có một bụi cây rau ngót trước nhà! Lá rau ngót có vị rất ngọt và mát! Mẹ bảo ông ngoại nói theo Đông y, lá và rễ của loại rau này đều có tác dụng mát huyết, lợi tiểu và có khả năng giải độc. Thường ngày, cả nhà rất thích ăn canh lá ngót, trong thời kỳ "thịnh vượng" thì Mẹ mua ít con tôm tươi, hay ít thịt nạc, Mẹ bằm ra để nấu canh, hương vị thơm ngát và chén canh lúc đó sao mà ngon đáo để! Nhưng em cũng không ngờ, bụi rau ngót này là vị "cứu tinh" của gia đình em trong khoảng một thời gian dài!
Có một dạo, gia đình quá túng thiếu, trong nhà không còn một thứ gì để có thể ăn được, đến nổi gạo cũng không có, Mẹ phải chạy đi mượn mỗi nhà hàng xóm một ít gạo để cầm cự cho tụi em khỏi bị đói, lúc đó tôm tươi hay thịt heo nạc chỉ là trong giấc mơ của tụi em! May mắn lắm thì Mẹ mới vét được năm ba đồng để chị Hai em chạy ra đầu ngõ, mua được một bịch mỡ, và một bịch tôm khô, nói là tôm khô chưa thật ra chỉ có vỏn vẹn 3-4 con trong bịch thôi, phần còn lại chỉ là những bột tôm vụn, còn cái bịch thì chỉ to hơn ngón tay cái của em bây giờ một chút!
Ngày này qua ngày khác, "thực đơn" của gia đình em, canh rau ngót với tôm khô, rồi canh rau ngót với tôm khô, rồi lại canh rau ngót với tôm khô, sao y bản chánh, vậy mà tụ em vẫn húp và gật đầu khen ngon, lúc đó, em chỉ thấy Mẹ ngồi im lặng nhìn đàn con, mà khoé mắt đỏ hoe. Hình như Mẹ có tính chịu đựng rất phi thường, em rất ít thấy Mẹ khóc trước mắt tụi em, có lẽ cuộc sống cơ hàn đã rèn luyện Mẹ biết khóc thầm, chắc có lẽ Mẹ khóc rất nhiều trong lúc đàn con của Mẹ yên giấc ngủ vào đêm...
Nghĩ lại thật là tội nghiệp cho bụi rau ngót và xót xa cho Mẹ! Chẳng bao lâu, bụi rau ngót trước nhà trụi lơ, chỉ còn những cành trống trơn, và xơ xác, không kịp ra lá để đáp ứng nhu cầu của gia đình em! Thế là ca nha phải đổi thực đơn bất đắc dĩ, nào là canh lá me, canh rau muống, nói chung những lá gì ăn được, Mẹ đều cho tụi em thưởng thức, không sót một thứ gì, rồi cũng có thời gian, món canh của gia đình là "canh toàn quốc" có nghĩa là "canh toàn nước"...
Thế rồi một hôm chúng em chợt "có tin vui trong giờ tuyệt vọng", cuối cùng Ba cũng được ra tù, đoàn tụ với vợ con và sau đó gia đình chúng em được đi Mỹ theo diện H.O., thế là gia đình em cùng Mẹ bắt đầu một trang sử mới, với niềm tin mới, tràn đầy hy vọng cho một tương lai sáng lạng hơn!
Khi được đặt chân tới miền đất tự do này, Mẹ lại cặm cụi đón xe buýt hàng ngày để đi học tại trường Thẩm Mỹ, thôi thì bốn cô con gái được Mẹ tha hồ... thử tài, khi nào Mẹ học được kiểu cắt tóc mới thì thế nào một trong bốn cô con gái cũng được Mẹ thử liền...cũng may là Mẹ không chọn nghề này để tiếp tục bởi vì sau này Mẹ có chứng bệnh bị rung tay, không thôi thì chắc Mẹ bị thưa kiện mỗi ngày quá!
Rồi chuyện Mẹ nhận hàng may về nhà để lo cho gia đình cũng là một kỷ niệm đáng nhớ cho em! Nếu may áo quần bình thường thì cũng không có gì đáng nói, đằng này, Mẹ nhận hàng may đặc biệt, áo đầm, nón và headbands cho em bé! hàng may la những chuỗi hạt pearl may vòng quanh những cái nón vải, hay là may trang trí những đóa hoa trên những cái áo đầm cho em bé! Rất là dễ thương nhưng cũng rất khó làm!
Trong nhà, em cũng có chút khéo tay giống Mẹ, thế là em...vô tình là trợ tá đắc lực của Mẹ...Lúc đó, em còn nhớ là em đang học lớp 11, mỗi lần đi học về là Mẹ nói: "phụ Mẹ chút đi con!"...cả một thời gian dài, em phụ Mẹ với công việc này, vui nhất là những lần đi giao hàng với Mẹ, khuôn mặt rạng rỡ và hạnh phúc của Mẹ khi được cô chủ trả tiền, đến bây giờ em vẫn còn nhớ như in!
Giờ đây nhìn lại chặng đường đã qua, chúng em tưởng chừng tất cả như là một giấc mơ! Những buổi Lễ ra trường của chúng em trên đất Mỹ, từ trung học, đến đại học, bao giờ Mẹ cũng cười vui, hạnh phúc tràn trề. Riêng ngày em ra trường Dược, có lẽ Mẹ đã cười vui rạng rỡ nhất, vì em là đứa con gái út đã sinh ra và lớn lên trong thời loạn, bao nhiêu đắng cay Mẹ con chúng em đã cùng gánh chịu và vượt qua, để rồi nay có thể nở nụ cười với đời. Nhìn Mẹ cười trong hạnh phúc sao lòng em lại rưng rưng muốn khóc! Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời của Mẹ cho gia đình, và cho riêng em, những thành quả mà em đã đạt được ngày hôm nay sẽ không bao giờ có được nếu không có bàn tay nuôi nấng với tấm lòng mẫu tử vô bờ bến của Mẹ!
Christina N. Cao
No comments:
Post a Comment