Sunday, July 23, 2017

 Họp Mặt kỷ niệm 60 năm Đại Học Huế
 
 Kim Thư, Cựu SV ĐH Khoa Học
  
Hôm nay ngày 9 tháng 7 năm 2017, dưới tiết trời oi bức của mùa hè, thành phố San Jose Bắc Cali  bỗng nhiên trở nên ấm áp hơn bởi gần 400 vị khách từ muôn phương hội tụ về nhà hàng Dynasty, tọa lạc tại số 1001 đường Story, để cùng nhau hoài niệm năm thứ 60 ngày Viện Đại Học Huế ra đời (1957-2017).  Họ là những người Thầy, Cô giáo của Viện Đại Học Huế ngày xưa, những sinh viên một thời miệt mài với đèn sách với ước vọng trở thành những trí thức để cùng nhau xây dựng một đất nước giàu đẹp cho mai sau… 
       
60 năm trước, cũng vào một ngày mùa thu năm 1957, một cơ sở giáo dục tự trị non trẻ được chính thức thành lập ở cố đô Huế, theo sắc lệnh số 45/GD của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Đó là Viện Đại Học Huế. Lễ Khai Mạc cũng là Lễ Khai Giảng năm học đầu tiên của một tân Đại Học Quốc Gia đã được vinh dự đón Ông Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, từ Sài Gòn ra chủ tọa.

blank
Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong ngày khai mạc Viện Đại Học Huế

Nếu tôi không lầm thì chỉ riêng Đại Học Huế, những Thầy Cô, những cựu Sinh Viên hiếu học của Đại Học Huế, những tấm lòng thủy chung vốn có của người Việt chúng ta… , họ mãi mãi trung kiên với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”. Đó cũng là lý do mà những vị Thầy tóc đã bạc, da đã mồi, cùng ngồi lại với nhau, để đi đến quyết định sau cùng là “…phải tổ chức và  có một đặc san cho ngày Kỉ Niệm 60 Năm Đại Học Huế, chúng ta không còn cơ hội lần thứ hai…” (Thầy Lê Đình Cai đã nói). Vâng, chúng ta sẽ không còn cơ hội nào nữa khi mà tuổi tác của Thầy-Cô ngày càng bị bào mòn dần theo năm tháng.
       
Những buổi họp liên tục được triển khai từ tháng hai, 2017. Một Ban Tổ Chức được nhanh chóng hình thành. Những mái tóc muối tiêu bên cạnh những mái đầu bạc trắng, qua emails, qua những cuộc điện thoại, qua mặt đối mặt, trên mỗi phút giây của từng ngày…, họ cùng nhau ngồi lại làm việc và tổ chức thành công mỹ mãn ngày kỉ niệm 60 năm Viện Đại Học Huế được thành lập. Với số khách tham dự sau cùng được ghi nhận là ba trăm sáu mươi người và chương trình kéo dài trong bốn tiếng, từ 11 sáng đến 3 giờ chiều của ngày chủ nhật, 9 tháng 7 năm 2017. Đó là chưa kể những giờ phút của Tiền Hội Ngộ ở nhà Thầy Bửu Quê-Cô Vân Trà (Nhóm cựu SV sư phạm tổ chức) và Hậu Hội Ngộ ở nhà của Thầy Nguyễn Văn Liễn-Cô Diệu Hiệp (Nhóm Đồng Khánh 70 tổ chức).
      
Sau những giây phút hàn huyên tâm tình…phải nói đây là khoảng khắc quý giá nhất, hiếm hoi nhất để có được trong cuộc đời. Mọi người nhất định sẽ được đắm mình thỏa thích trong cảm giác khám phá thú vị: Bạn là ai? Bạn dạo này ra răng? Thầy (Cô) nớ có khỏe không?, vân vân và vân vân. Tôi nhìn Cô Quế Hương, Cô Thanh Tâm. Tôi nhìn bạn Thúy Phượng, bạn Trần Đại Lộc… Trong phút giây gặp gỡ này, với những vòng tay ấm áp thế kia, vậy mà tôi chẳng thấy gì ở Bạn, ở Cô. Tôi chỉ thấy cả một khung trời của Huế bỗng nhiên sống lại. Con đường Lê Lợi có hai hàng phượng vĩ xanh um, nơi đó có hai ngôi trường đong đầy kỉ niệm: Trường Đại Học Huế và Trường Đồng Khánh của tôi, của các Thầy Cô và các Bạn… Tôi nghe trái tim có chút se sắt buồn và cảm giác cay cay tràn lên đôi mắt.
       
Chương trình được bắt đầu bằng nghi thức chào cờ. Sau đó là lời chào mừng và cám ơn của Trưởng Ban Tổ Chức, Thầy Lê Đình Cai gởi đến quan khách, các cựu giáo sư và cựu sinh viên, những người đã đóng góp nhiều công sức cho việc tổ chức thành công đại hội ngày hôm nay. Ngày mà cách đây 60 năm, một Viện Đại Học non trẻ được chính thức hình thành, đã làm cho thành phố Huế và một số tỉnh miền trung trở nên khởi sắc. Sự ra đời của Viện Đại Học Huế đã chắp cánh cho đời sống tinh thần của người dân xứ Huế. Buổi hội ngộ hôm nay cũng không ngoài mục đích tạo cơ hội cho Thầy-Trò gặp gỡ ôn lại những kỉ niệm của một thuở ngày xưa dưới mái trường Đại Học Huế thân yêu. Thầy  Lê Đình Cai, trưởng ban tổ chức, đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến quý Thầy Cô. Thầy nói: 

"…chúng tôi chân thành cảm  tạ những vị Thầy, những Cô Giáo đã miệt mài trên bục giảng ngày ấy để biến giấc mơ của thế hệ chúng tôi trở thành sự thật. Những vị ấy đa phần đã trở thành người thiên cổ, một số it, rất ít, còn lại hôm nay đang ngồi trong hội trường này như Thầy Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu; như cô Tăng Thị Thành Trai, vị Khoa Trưởng đầu tiên của trường Luật; như Thầy Lê Bá Vận, vị Khoa Trưởng Đại Học Y khoa sau cùng của Đại Học Huế; như Thầy Đoàn Khoách, Giám Đốc Học Vụ Đại Học Sư Phạm; như Thầy Tạ Văn Tài và Thầy Nguyễn Văn Canh trong giảng huấn đoàn của trường Luật Huế…”.
       
Ngoài ra các Thầy Cô của thế hệ kế tiếp cũng đều được Thầy Lê Đình Cai nhắc lại với lòng biết ơn sâu sắc: Thầy Nguyễn Thanh Trang (Phụ Tá Viện Trưởng); Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh (ĐH Văn Khoa); Thầy Dương Đình Châu (ĐH Y Khoa); Thầy Trần Hữu Thục (ĐH Văn Khoa); Thầy Nguyễn Văn Liễn (ĐH Khoa Học); Thầy Lê Đình Cai (ĐH Văn Khoa & Sư Phạm); Thầy Nguyễn Quốc Dũng (ĐH Luật Khoa); Thầy Nguyễn Công Bình (ĐH Luật Khoa); Thầy Lê Khắc Huy (ĐH Khoa Học); Thầy Võ Thành Tân (ĐH Khoa Học); Thầy Ngô Văn Bằng (ĐH Sư Phạm); Thầy Trần Tiễn Ngạc (ĐH Y Khoa & Khoa Học). Cả hội trường im lặng lắng nghe để tất cả cùng nhận ra một điều, đó là tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo” luôn luôn hiện diện và mãi mãi in sâu trong trái tim của mỗi người TRÒ đối với các vị THẦY kính yêu.    
       
Tiếp theo là Thầy Nguyễn Thanh Trang tường trình thành quả 18 năm (1957-1975) của Đại Học Huế. Mười tám năm, một thời gian không dài nhưng đủ để đánh dấu một bước chuyển mình vô cùng ngoạn mục, mà người đáng ghi ơn đó là Cố Linh Mục Cao Văn Luận, vị Thầy đã mở ra cho thành phố Huế một kỷ nguyên mới. Một tầng lớp trí thức mới được được hình thành không riêng cho Huế mà lan rộng đến các tỉnh thành miền trung. Thầy Nguyễn Thanh Trang, trưởng ban tổ chức, đã nhắc lại những điểm son đáng tự hào cho Viện Đại Học Huế. Thầy nói: 

“…Đại Học Huế đã ra đởi trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì chiến tranh tang tóc và thiếu thốn mọi bề, nhưng nhờ sự quyết tâm và tài lãnh đạo của Linh Mục Viện Trưởng Cao Văn Luận và các vị Viện Trưởng kế tiếp, chỉ trong vòng 18 năm đầu ngắn ngũi, Đại Học Huế đã tiên phong thực hiện nhiều cải cách tiến bộ và đã đào tạo được hằng trăm Luật Sư, Cử Nhân Khoa Học, Cử nhân Văn Khoa, 1,256 Giáo Sư trung học và khoảng 400 Bác Sĩ Y Khoa. Lực lượng chuyên viên trẻ trung và đầy nhiệt huyết đó đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển và hưng thịnh của Việt Nam Cộng Hòa hơn hẳn Miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản độc tài phi nhân trước khi Miền Nam Tự Do bị nhuộm đỏ năm 1975”.
       
Thầy cũng cho biết: “… Tại Việt Nam năm nay cũng có tổ chức Ky Niệm 60 năm Đại Học Huế, nhưng họ cố lờ đi công lao của những vị Thầy đã từng khai sáng và gây dựng nên cơ sở giáo dục quan trọng bậc nhất đó tại miền Trung, ngay cả Linh Mục Cao Văn Luận, vị viện trưởng sáng lập cũng không được nhắc tới...”.
       
Ngoài ra, Thầy Trang đã không quên nhắc lại những điểm son mà Đại Học Huế đã gặt hái được trong thời gian 18 năm đầu tiên 1957-1975:  

(Một) Đại Học Huế là Đại Học đầu tiên do người Việt Nam thành lập, đã tiên phong xử dụng tiếng Việt để giảng dạy. 

(Hai) Viện Hán Học đã được thành lập trực thuộc Đại Học Huế. Việc làm này đã đi trước giới Đại Học Miền Bắc trên 30 năm. 

(Ba) Môn Tân Đại Số đã được đưa vào chương trình giảng dạy của Cử Nhân Toán. 

(Bốn) Năm 1969 Chương trình Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng ra đời gồm các ngành Tạo Tác, Thủy Lợi và Sinh Hóa. 

(Năm) Năm 1965, trường Trung Học Kiểu Mẫu được thành lập để trắc nghiệm thực hành các phương pháp sư phạm tân tiến và hữu hiệu để dạy tại các trường trung học. 

(Sáu) Năm 1966, nhiều môn học mới lạ đã được đưa vào chương trình Cử Nhân Luật 4 năm, gồm có: Cổ Luật VN; Pháp Y học; Báo Chí Học; Kỷ Thuật Ngân Hàng; Quản Trị Xí Nghiệp; Kế Toán và Doanh Thương. 

(Bảy) Tại Đại Học Y Khoa, hai ngành Y Tế Cộng Đồng  Y Khoa Cổ Truyền đã được đưa vào chương trình chữa bệnh theo hai truyền thống Đông Y và Tây Y. 

blank
Thầy Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu phát biểu
Phía sau là Thầy Nguyễn Thanh Trang (L) và Thầy Lê Đình Cai (R)

Tiếp đến là phần dâng ky vật lên các Thầy Cô. Những tấm plaques có lô-gô Tòa Viện Trưởng cùng những hàng chữ nhũ vàng thật đẹp mắt, lần lượt được các cựu nữ sinh viên trong những tà áo tím của các phân khoa Luật, Sư Phạm, Văn Khoa, Khoa Học, Mỹ Thuật, trao đến các vị thầy đã từng giảng dạy dưới mái trường Đại Học Huế. Đặc biệt riêng Thầy Lê Thanh Minh Châu, cựu Viện Trưởng khả kính, người đã tiếp sức lèo lái để hoàn thánh sứ mạng của Đại Học Huế, sau Cố Linh Mục Cao Văn Luận, Ban Tổ Chức đã trước tiên tặng lên Thầy một bó hoa với đầy đủ sắc màu của Tím thủy chung, Hồng son sắc và trắng tinh khiết. Tôi tìm thấy trọn vẹn ý nghĩa cao đẹp trong bó hoa được dâng lên từ các cựu giáo sư và cựu sinh viên của Viện Đại Học Huế: Hoa LyLy trắng hiển thị lương tâm trong sáng của nhà mô phạm,  màu tím của hoa Thạch Thảo chình là tấm lòng chung thủy của các cựu SV và cựu GS của Viện Đại Học Huế luôn luôn kề cận bên Thầy, và hoa hồng là tình yêu muôn thuở chúng con ghi nhớ công ơn Thầy đã dìu dắt, gìn giữ cho Viện Đại Học Huế mãi mãi có một nền giáo dục muôn đời tươi xanh cho đến năm 1975. Kính cám ơn Thầy.
       
Ban Tổ Chức đã rất sâu sắc khi dành riêng một bàn cho các Cựu Sinh Viên Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Ngôi trường nằm ở thành phố sương mù, Đà Lạt. Chính cựu Viện Trưởng, Thầy Lê Thanh Minh Châu, là người đã ủng hộ việc cấp văn bằng Cử Nhân cho trường Võ Bị QGVN. Sinh viên Võ Bị sau khi tốt nghiệp ra trường bốn năm sẽ được nhận văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng. Đó là lý do để Thầy Cựu Viện Trưởng nhận thêm một kỷ vật từ những cựu sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
       
Sau những giây phút nhận hoa và ky vật, Thầy Cựu Viện Trưởng đã có vài lời tâm tình trước cử tọa rất chân thành và cảm động. Tôi không nhớ hết những gì Thầy bày tỏ. Tôi chỉ hiểu thêm về Thầy, một con người luôn mang trong tim nỗi niềm hoài cố, như hai câu thơ mà Thầy đã nhắc: 

“Thương chi bằng nỗi thương con/ Nhớ chi bằng nhớ nước non quê nhà”. 

Cho đến bây giờ  nỗi nhớ ấy vẫn ngập tràn trong trái tim Thầy vì mãi đến hôm nay, dù tuổi đã cao, Thầy vẫn chưa về lại Việt Nam. Cho đến bây giờ Thầy vẫn dành trọn cảm tình cho lớp đàn em mà một thời đã cùng Thầy chia vui xẻ buồn dưới mái trường Đại Học Huế. Và cho đến phút giây này, chúng con, lớp cựu Sinh Viên đã không còn trẻ như xưa, luôn luôn cầu chúc cho Thầy-Cô một sức khỏe dồi dào để hy vọng sẽ còn được gặp lại nhau trong những lần hội ngộ về sau. Hãy hy vọng, sống với hy vọng, chúng ta sẽ thấy cuộc đời có một ý nghĩa rất vô cùng. 
 blank
Trao Kỷ Vật

Trong niềm cảm thông với Thầy Cựu Viện Trưởng cũng như lòng thương mến đối với các cựu SV Y Khoa Huế, Thầy Lê Bá Vận, vị khoa trưởng cuối cùng của trường Đại Học Y Khoa Huế đã có bài nói chuyện ngắn với đề tài “ĐHYK Huế trong bối cảnh ĐH Huế và đất nước, 1957-1975” chia sẻ đến với tất cả cựu SV thuộc Viện Đại Học Huế.
      
Sau hết là đáp từ của Chị Tôn Nữ Ngọc Hoa, cựu SV Sư Phạm, đã thay mặt cho toàn thể Cựu Sinh Viên các phân khoa, bày tỏ lòng biết ơn đến Thầy Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu và phu nhân, Cô Tăng Thị Thành Trai, cùng tất cả anh chị em cựu SV của bao thế hệ đã hội tụ về trong bầu không khí thân thương giữa Thầy Trò và bằng hữu của một thời hoa mộng.
       
Những giây phút tìm về với đường xưa lối cũ qua đi đến 12:30 chiều thì thức ăn được đưa ra và một chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” rất đặc sắc bắt đầu. Những nhạc phẩm đều nằm trong nội dung tình Thầy nghĩa Bạn (Hợp ca: Tình Bạn, của Bác Sĩ Hoàng Thế Định); tình yêu quê hương đất nước (Tam ca: Hoa Bướm Ngày Xưa, của Nguyễn Hiền). Nỗi bật nhất là tiết mục  song ca “Thương Về Xứ Huế” của Minh Kỳ, với hai chiếc áo dài màu thiên thanh, hòa trong những tà áo tím với những chiếc nón bài thơ duyên dáng… đã làm tăng phần ý nghĩa cho chương trình văn nghệ của Đại Học Huế.

blank
Song ca Thương Về Xứ Huế

2:45pm, Thầy Lê Văn Phước thay mặt Ban Tổ Chúc đã nói lời cám ơn đến quý Thầy Cô và các Cựu Sinh Viên cùng toàn thể anh chị em đến tham dự. Chương trình Hội Ngộ được khép lại. Mọi người lưu luyến chia tay.   

No comments:

Blog Archive