Sunday, July 16, 2017

“Cao hơn là làm sạch làng báo” 

damphong
Ký giả Đạm Phong (1937-1982)

Đạm Phong, một thời Ngôn Luận, Tự Do…

Ngôn Luận, Tự Do là tên hai tờ báo, Đạm Phong là tên một ký giả, anh và tôi cùng làm nhật báo Ngôn Luận những năm giữa thập niên 50 tại Sài Gòn, qua Mỹ anh tiếp tục nghề cũ với bán nguyệt san Tự Do ở Houston và tôi cũng không làm gì khác hơn, với tờ Thời Tập ở vùng tam biên Maryland Virginia và Washington, DC. Chỉ khác là sau thời gian làm nhật báo, tôi nghiêng dần qua phía tạp chí văn nghệ, văn học, nơi ngòi bút được thong dong với thơ văn, với tình cảm tâm thức miên viễn của con người, trong khi Đạm Phong dùng ngòi bút để tranh đấu cho một đời sống và cho một xã hội tốt đẹp hơn, trực tiếp hơn. Sự có mặt của Đạm Phong trong một tờ báo Bắc ở Sài Gòn chỉ hai năm sau di cư 1954 đã khiến anh và tôi có một liên hệ nghề nghiệp hơi phức tạp, nhưng nhiều vui thú, ấy là anh nói giọng Nam là đương nhiên, nhưng tin tức tường thuật do một phóng viên người Nam viết cho độc giả gốc Bắc thường thường phải chỉnh lại chính tả, và tôi được giao phó công việc ấy, nhất là với tin tức xuất phát tại Quận Cảnh Sát Gia Định do anh Đạm Phong phụ trách, và Tin Từ Thành Đến Tỉnh (hay tin tòa án Sài Gòn) do thông tín viên Văn Đô phụ trách.
mo-ba2.jpg?w=640Con cháu ký giả Đạm Phong bên mộ ông ở Pearland, T. (Hình: Nguyễn Thanh Tú cung cấp)
Đạm Phong họ Nguyễn, tóc bồng, hoạt bát vui vẻ, đi một cái xe mobylette, thường thường ghé tòa báo vào khoảng gần trưa, trong khi tòa soạn mở cửa khoảng tám giờ sáng. Nói vào khoảng vì trong nghề báo, giờ giấc không chính xác từng phút như giờ giấc hành chánh, xê xích khoảng 15 phút là chuyện không đáng kể. Tòa soạn Ngôn Luận lúc ấy, những năm 1955, 57, đặt tại đường Lê Lai, con đường bên hông ga xe lửa Sài Gòn, chỉ có khoảng bốn năm người thường trực, không kể ông chủ nhiệm chủ bút Hồ Anh và ông giám đốc trị sự Lê Tâm Việt. Thường thường khi tôi tới đã thấy ông tổng thư ký Thái Lân và ông thư ký Vân Sơn đã có mặt, đối diện nhau nơi một mặt bàn tròn trên bày la liệt báo mới trong ngày, các bản tin Thông Tấn Xã, AP, Reuter, UPI, teletype, v.v… Lúc đầu sau khi tới trình diện, tôi được ông tổng thư ký chỉ trỏ các chồng báo, các xấp bản tin, bảo cậu đọc đi, xem có gì lạ không, viết được gì thì viết ngoài việc thường ngày. Việc thường ngày là mỗi phóng viên phải phụ trách vài cơ sở lấy tin: phóng viên kinh tế tài chính sẽ tới các bộ liên hệ, tôi phụ trách lấy tin từ ba cơ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công tại Nhà Kiếng trên đường Lê Văn Duyệt của ông Trần Quốc Bửu, Lực Lượng Thợ Thuyền của ông Bùi Lượng – ông này ưa mặc sơ-mi đen, – và Tổng Liên Đoàn Lao Động của ông Cơ, tôi quên mất họ của ông. Chưa kể xưởng Ba Son bến tầu, khá xa và khá phức tạp. Anh Đạm Phong đến là ồn ào ngay. Dường như nếu tôi nhớ không lầm, anh đeo một cái giây chìa khóa bằng vàng (hay mạ vàng), một đầu móc vào dây lưng da, đầu kia có chìa khóa nằm trong túi quần dài. Tôi để ý vì như mình nghĩ, thường thường người lớn mới hay đeo giây chìa khóa, Đạm Phong chỉ hơn tôi vài tuồi, kể là còn quá trẻ để đeo cái giây ấy. Anh cũng có một cái cặp nữa, đựng đầy giấy tờ tài liệu.
Bao TuDo
Một góc tờ báo Tự Do của Đạm Phong xuất bản ở Houston trước 1982. (Hình: Viên Linh cung cấp)
Dọc một phía tường căn phòng làm việc có một cái bàn hình chữ nhật, tôi ngồi ở đấy. Anh đến cũng ngồi ở đấy, xếp tài liệu ra sao chép, viết lại. Viết được mấy tờ anh đưa cho anh thư ký tòa soạn Vân Sơn, sau này anh Vân Sơn đưa cho tôi, sửa lại những tiếng Nam ra tiếng Bắc trước khi giao lại cho Vân Sơn. Trước khi tôi vào làm Ngôn Luận, anh Vân Sơn phải làm việc ấy. Có tôi, anh Vân Sơn rảnh rang hơn để biến thành chị Thùy Hương, phụ trách trang phụ nữ. Càng về sau, khi biết rõ công việc của nhau, anh Đạm Phong làm việc trực tiếp với tôi nhiều hơn. Một trong những lần trò chuyện, anh cho biết cha anh là Ông Cò Gia Định, không còn nhớ là quận trưởng cảnh sát hay trưởng ty cảnh sát Gia Định, nhờ thế anh trực tiếp lấy giấy tờ trong sở của ông bố ra viết thành tin gửi cho báo chí, đặc biệt là cho Ngôn Luận. 
Sau 1957 nhất là sau vụ Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát hụt ở Ban Mê Thuột, báo chí Sài Gòn bị kiểm duyệt kỹ càng hơn, có tờ bị tịch thu sau khi phát hành, chẳng hạn tờ Dân Chủ của Vũ Ngọc Các trên đường Alexandria. Nghe tin tờ Dân Chủ đang bị cảnh sát lục soát, tôi được phái tới làm tin, thì cuộc lục soát đã xong, chỉ thấy một tờ giấy lớn dán ngang cánh cửa ra vào, trên có hai chữ nguệch ngoạc: “Niêm phong,” bên ngoài có cảnh sát đứng canh gác, vài người hiếu kỳ vẫn còn lảng vảng quanh đó. Thời gian sau đó tôi rời tờ Ngôn Luận, rời làng nhật báo qua làm tuần báo và tạp chí, sinh hoạt của anh Đạm Phong và tôi dần đà khác hẳn nhau, ngay cả khi ra hải ngoại cũng không có dịp gặp lại nhau, cho đến khi nghe tin anh bị truy giết tàn khốc ở miền Nam Hoa Kỳ, trong khi tôi còn ở miền Đông. Đạm Phong bị truy đuổi và bị bắn tới 7 phát đạn súng lục.
“Tại Houston, một sát thủ đuổi theo Nguyễn Đạm Phong từ nhà của ông khi ông vẫn còn trong bộ đồ ngủ và bắn ông bảy lần với khẩu súng lục cỡ nòng 0.45 inch.” “Tổng cộng là năm nhà báo người Mỹ gốc Việt đã thiệt mạng từ năm 1981 đến năm 1990. Họ đã làm việc cho các ấn phẩm nhỏ phục vụ dân tị nạn đang sống tại Mỹ sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975.” (1)
Đây không phải là những vụ ám sát mà là một cuộc thủ tiêu, khủng bố công khai, nhằm bịt miệng những ai lên tiếng, hay dùng ngòi bút, tố cáo những tội ác của băng đảng hung thủ. “Ở Pearland, Texas, bên ngoài thành phố Houston, có một nghĩa trang mọc đầy những cây thông và cây sồi cao. Gần phía sau của khu nghĩa trang, kế một con suối, là bia mộ của Nguyễn Đạm Phong. Cỏ dại đã bao phủ tấm bia nhỏ hình chữ nhật. Một bông hồng duy nhất, khô héo và đen màu, nằm yên trong chiếc bình kim loại. Nhưng những chữ được khắc vào tấm bia cẩm thạch khoảng 33 năm về trước vẫn còn đó: Bị ám sát trong lúc theo đuổi sự thật và công lý thông qua báo chí.” (1)
Khi ProPublica và Frontline phổ biến tài liệu về cuộc khủng bố, tôi nhớ tới hai người bạn nạn nhân, Hoài Điệp Tử và Đạm Phong. Hoài làm việc với tôi nhiều năm trong nhật báo Tiền Tuyến khoảng 1966-72, mục này đã có bài về Hoài từ lâu. 
Mãi tháng này tôi mới liên lạc được với anh Nguyễn Thanh Tú, con trai Đạm Phong. Việc Tú làm là việc của một đời người, việc cao quí nhất mà một người con phải làm và anh đang làm, để dương danh lý tưởng người cha ký giả yêu sự thật và tự do, cũng như để vận động đưa bọn băng đảng tội ác ra trước tòa án lương tâm, tòa án công lý
Tôi cho Thanh Tú biết đã đọc xong tài liệu anh viết trên DCVonline, thư anh gửi cho các giới chức đương quyền, bài viết thật nhiều tin tức tài liệu; xưa nay là người làm báo, tôi vẫn đọc mọi tin tức tài liệu, nên thấy bài viết của anh rất thuyết phục. Mặt khác, kể anh biết sơ qua thời Đạm Phong làm báo: “Năm 1955 tôi bước chân vào làng báo, (17 tuổi), công việc là phóng viên, rồi chỉ vài tháng sau, là biên tập viên nhật báo Ngôn Luận. Dường như ngay thời gian ấy tôi gặp ba của anh, phóng viên Đạm Phong, cũng làm trong tờ Ngôn Luận với tôi. Phóng viên nhật báo ở Sài Gòn hồi ấy, cùng lớp tuổi ba anh và tôi, chỉ có vài người: những người kia là Anh Quân, Thanh Nhã, lớn hơn hai ba tuổi có Quốc Phượng, Ngô Tỵ, (Trời Nam, Tia Sáng, Tiếng Chuông, Lẽ Sống) … Hình ảnh ba anh rất sống động, và vì cả hai đều trẻ nhất trong tòa báo, nên rất gần nhau. Ba anh cho tôi biết, cha ông (tức là ông nội Thanh Tú) hình như làm ông cò gì đó (tôi không còn nhớ chính xác) ở Ty Cảnh Sát Gia Định. Tôi viết thư này cho Thanh Tú, một là đương nhiên tán thành việc anh đang làm, tìm công lý cho cha anh, cao hơn là làm sạch làng báo. Hai là xin anh một tấm hình của Đạm Phong (hình chụp với mẹ anh hay cả gia đình), ngày ông bị hại, nếu có tin, bài tường thuật càng tốt, kể cả của báo Mỹ ở địa phương.” Anh đã trả lời, đã cho tôi hình ảnh, đã cho biết những gì tôi viết trong thư đều đúng, đã khóc trong mấy dòng hồi âm ngắn ngủi vì thương nhớ người cha mệnh yểu …Đạm Phong,
Xin cầu nguyện cho Thanh Tú sớm thành công.
Cầu nguyện bạn một kiếp luân hồi bất tử.
Chú thích:
1.Theo “Khủng bố tại Little Saigon” của ký giả A.C. Thompson, ProPublica, 3 tháng 11.2015.https://www.propublica.org/article/terror-in-little-saigon-vietnam-american-journalists-murdered. Năm vụ ám sát, thủ tiêu nói trên cho tới nay chưa tìm ra thủ phạm; các nạn nhân là vợ chồng Dương Trọng Lâm ở San Francisco, vợ chồng Lê Triết ở Falls Church,Virginia, nhà văn Hoài Điệp Tử ở Westminster, California. Một nạn nhân khác là nhân viên tờ Văn Nghệ Tiền Phong của Hồ Anh ở Virginia, song ông này chỉ là thày cò (sửa bản in), không phải nhà báo.
VIÊN LINH / NV daily

No comments:

Blog Archive