Wednesday, July 19, 2017

Nói về thực trạng của bệnh viện tại VN mấy năm trước đây. 

Bài viết của Đỗ Hoàng Diệu
tác giả Bóng đè ngày 26 tháng 11 năm 2016

Con người là nhân tố quan trọng và căn bản.
Không phải cơ sở vật chất, máy móc thiết bị tân tiến có thể "chữa bệnh cho bệnh nhân được
"

Thực tình đời tôi đã chịu đựng hay chứng kiến nhiều pha "ói ra máu" trong các bệnh viện công xứ Việt ta, nhưng chẳng mấy để bụng. Bởi hiểu ngành y tế, bác sĩ cũng chỉ là vệ tinh nạn nhân của cái nhà máy khổng lồ chế tạo nghìn triệu chiếc vòng kim cô khổng lồ ném ra, choàng thắt xã hội mà thôi. Bởi tôi vẫn coi những bác sĩ giỏi là một giống loài khác, loài giống thiên tài, kiểu mơ mộng cẩu thả nóng tính như tôi không bao giờ có thể học tới. Nhưng chuyện này thì tôi nhớ, không chỉ nhớ mà mỗi lần nghĩ đến máu vẫn rỉ, thành vũng mồi cho nỗi hận, nhóm nhen lòng căm thù mà thiết nghĩ chẳng nên có thêm nữa trong lòng người Việt.

Bảy năm trước, cha tôi phát hiện khối u ở đỉnh phổi phải và sinh thiết tại bệnh viện Việt- Pháp cho kết quả âm tính. Vị bác sĩ Pháp không tin kết quả đó vì hình ảnh ông ta thấy hiện trên màn hình gần như chắc chắn là một khối ung thư. Ông ta mời bs Hùng ở khoa Phẫu thuật lồng ngực bv Việt Đức sang hội chẩn, cuối cùng thống nhất là sẽ chuyển cha tôi sang viện Lao Phổi TW sinh thiết lại. Cẩn thận, vị bs Tây viết một lá thư gửi các đồng nghiệp bên ấy ghi rõ tình hình bệnh nhân và cô thư ký dịch sang tiếng Việt vô cùng trân trọng. Còn tôi, nghe nhiều về bệnh viện công nên nhờ vả Bs Hùng giới thiệu cho một đồng nghiệp quen biết bên đó.

Theo số bs Hùng cho, tôi điện thoại đến bs Khánh ở khoa Màng phổi kể sự tình. Anh ta nói sáng mai đưa bệnh nhân đến rồi tính. Sáng mai, tôi chìa thư của bs Pháp ra, bs Khánh không thèm nhìn, nói chị ra làm thủ tục đóng tiền rồi đưa bệnh nhân đến khoa nội soi gặp bs Đại. Hóa ra cái thư kể sự tình mà vị bs Tây trân trọng viết ấy, bs Khánh xem như bao cao su vừa dùng xong nên ném xuống hồ. Phần mình, tôi đã thủ sẵn phong bì nhưng nghĩ rằng xong xuôi sẽ cảm ơn, có biết đâu ở ta, cái sự nghĩ rằng đưa sau là ý nhị là tôn trọng ấy đã hại người cha đang đau ốm hoảng loạn của mình thêm bao nhiêu là máu và tuyệt vọng.

Ở phòng nội soi đông bệnh nhân, tôi lại chìa ra thư của bs Pháp, bs Đại xua tay hỏi có muốn làm trước không. Tôi ngây thơ trả lời nếu được thế thì tốt quá mà không để ý tới cánh tay và ánh mắt chờ đợi cái gì đấy rút ra từ túi mình của người bs trẻ cỡ chừng ba mươi. Thà rằng anh ta cứ nói thẳng, cứ xộc tay vào túi tôi mà lấy tiền, có lẽ còn hơn...

Cuối cùng vì không đưa tiền, cha tôi gần như là người cuối cùng của buổi sáng hôm đó vào nội soi, dù ông đến sớm hơn người khác. Cha vào rồi, một cô y tá mở cửa ra bảo: "người nhà vào đỡ bệnh nhân." Anh trai tôi vội vàng chạy vào rồi chạy ra nói có đỡ gì đâu, cha nằm trên bàn rồi mà. Chúng tôi ra sân ngồi chờ, đâu biết việc người nhà vào đỡ bệnh nhân ấy có nghĩa là vào đưa tiền bồi dưỡng.
Biết thì đã muộn, cha tôi ra, máu đầm đìa môi miệng, chiếc áo sơ mi xanh của người loang máu. Cha thều thào đau lắm, người ta chọc như chọc dao, vừa chọc vừa nói chuyện với nhau: con ông này không đưa tiền đâu, mạnh tay vào. Máu không ngừng chảy, tôi hoảng hồn xin bs Đại cầm máu cho cha. Anh ta nói chả sao đâu. Tôi phi lên phòng bs Khánh kể sự tình, nài nỉ. Bs Khánh trả lời:

- "Chảy một lít cũng chưa chết được đâu!" 

Trời ơi, tôi quay lại phòng nội soi, khoảng ngực sơ mi cha tôi đã không còn chỗ thấm máu, cha tôi ho từng cơn đứt đoạn. Vừa lúc cô y tá cầm mấy cái lọ ra bảo: bệnh nhân không khám điều trị ở đây nên bệnh phẩm tự mang đi mà xét nghiệm. Tôi ngơ ngác không nói nên lời. May thay, một chị khoảng bốn mươi rõ ràng làm nghề nông từ quê lên thúc vào sườn tôi xoa mấy đầu ngón tay ra dấu: tiền! tiền! tiền! Trí óc tôi sáng lòa, tôi đưa phong bì đã chuẩn bị sẵn từ trước đưa bs Đại nói cảm ơn các anh chị. Bs Đại đưa cho cô y tá, cô y tá dở phong bì ra đếm rồi thông báo 1triệu anh ạ. Bs Đại liền cười tươi như hoa lấy thuốc cho cha tôi uống cầm máu còn cô y tá ỏn ẻn: để em dẫn chị đi đến phòng giải phẫu bệnh. Và tất nhiên, ở đó, tôi đã biết đưa tiền trước.

Dìu cha ra ghế đá, tôi quay lại phòng bs Khánh, đưa chiếc phong bì đã chuẩn bị sẵn. "Cảm ơn anh, quà này tôi đã chuẩn bị từ trước, dù sao cũng cảm ơn anh. Đúng, mất một lít máu chưa chắc đã chết, bs nói đúng." Anh ta thản nhiên đút tiền vào túi không nói gì.

Trên đường về, nhìn người cha ôm cổ ho từng cơn, miệng còn nhoen vết máu, huyết quản tôi nóng ran. Nóng ran muốn quay lại ục vỡ mặt, bắn bỏ bs Khánh bs Đại cô y tá, đốt luôn cái bệnh viện ấy. Bệnh nhân ung thư như cha tôi, sự sống đếm từng ngày, sao người ta đang tâm làm như vậy. Tiền ư? Người ta cứ nói thẳng, cứ nói là chị phải đưa trước cho bọn tôi bao nhiêu, tôi sẽ đưa ngay mà chẳng tiếc nuối căn vặn gì. 

Rồi máu của tôi nguội xuống. Lạnh xuôi đi chút niềm tin còn sót lại trong lòng về một xã hội từng hy vọng rồi sẽ dần thay đổi tốt hơn.

Mà cuối cùng, cái bệnh phẩm họ đã chọc mạnh vào họng cha tôi để lấy ra ấy cũng đâu có phải tế bào ở khối u. Kết quả vẫn âm tính. Tôi đồ có thể cũng một phần nằm trong sự trả thù vì "con ông này không đưa tiền" cho họ. 

Cuối cùng, tôi đã phải đưa cha tôi trở lại bệnh viện Việt Pháp và mời một bác sĩ từ Bạch Mai sang sinh thiết mới ra kết quả chính xác. Thì đã quá muộn. 

Thưa các anh chị bs Viện Lao phổi trung ương, tôi không biết bảy năm sau, bây giờ viện ta còn bs Khánh bs Đại còn bác sĩ ABC, còn muốn tiền trước, chưa tiền thì chọc mạnh như thế nữa không. Xin hãy tỉnh lại, hãy rút mặt khỏi tiền trước khi quá muộn.


No comments:

Blog Archive