Mổ Ruột
* * *
Từ nhỏ tới lớn tôi vốn thích ăn trái cây. Có người nói sinh tuổi con khỉ thì hảo trái cây là phải rồi (!). Hồi học lớp nhì trường bà sơ Tấn Tài, giờ ra chơi hay leo cây hái khế ngọt ăn. Mùa cà chua chín, hay xuống rẫy cà ở Đạo Long hái giùm chủ, được cho phép muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Lên đệ lục, đệ ngũ hay rủ bạn lên vườn xoài Mỹ Đức của bạn học, leo hái, cắt lát chấm mắm ớt. Trong nhà mỗi lần có giỗ, làm anh lớn, chuyên thầu hết phần trái cây cúng ông bà mang xuống: đu đủ, cam quít, lê táo xoài mận … Những năm trước 75, tới mùa mía ngọt, xe bò tấp nập chở đầy nhóc bán ngoài đường, gọi mua cả vác mía 12 cây dài vứt bỏ ở phòng ăn, để dành lai rai chặt khúc lấy răng xiếc, ăn rều rệu như tằm ăn dâu.
Qua Mỹ, ở Cali trái cây rẻ, nên mấy chục năm liền, lại tha hồ ăn cam, táo, bưởi, lê, đào, hồng... Mua nhà ở, chịu khó trồng cả chục cây cam, quít, bưởi, hồng, ổi sau vườn cho không khí mát mẻ và ăn được cây nhà lá vườn, khỏi mua. Nhiều khi ăn trái cây thay cho cơm bữa, cá, thịt. Tôi ăn ngọt dữ lắm. Uống cà phê bỏ 3 muỗng đường, nước cam nước chanh gì cũng phải thêm đường, thêm mật cho đậm đà. Ăn ngọt nhiều mà blood sugar vẫn thấp. Bạn bè người quen, hỏi ai cũng nghe thở dài than bị tiểu đường, trong khi mình trên 70 tuổi, ăn ngọt nhều mà đường máu vẫn cứ trên dưới 83 (range 65-99) trong khi nhiều người trẻ hơn mà đường tới 180… phải uống, chích liên tục. Có điều, lớn tuổi bao tử hình như co lại, không ăn đuợc nhiều như lúc còn thanh niên. Không thích ăn thịt, ngửi mùi thịt gà thấy hôi hôi, thịt bò thì sợ, chỉ ăn cá, rau. Ăn một chén cơm là đã thấy no, ít khi thấy đói, không có appetite, mà ăn uống cũng dễ, nấu nướng đơn giản, có gì nhét bụng cũng xong, chả hề có nhu cầu đi nhà hàng để ăn ngon.
Cách đây ba năm, có lần sáng sớm bụng đói, qua chơi Bolsa, thấy mít chin bán thơm phức, tôi mua nguyên một khúc, trên đường lái xe về Riverside ngồi ăn sạch, bị đầy bụng tắc ruột, ba ngày không đi cầu được. Anh bạn học cũ, là bác sĩ giải phẩu, anh bạn bấm huyệt đông y ở Little Saigon, hối thúc vô Emergency Room soi ruột kẻo ruột quấn phải mổ, cắt khâu lại. Tôi lo lo, lật đật nhập viện cho bác sĩ Cat Scan, ông coi hình nói đúng là ruột bị quấn (twisted), phải ở lại một đêm để theo dõi. Đêm đó, chưa chi đã có ngay bác sĩ mổ tới hỏi thăm sức khỏe, nói ở trên giao chuẩn bị mổ bụng tôi, cắt bỏ chỗ ruột quấn. Tôi sợ hãi, cả đêm không ngủ được, sợ chết, tính viết di chúc. May mà nửa đêm khát nước, dậy tìm nước uống nhiều lần mà sáng sớm ruột tự tháo gỡ ra, đi cầu đuợc. Hú vía, xin ký giấy “tự ý bỏ ra về,” thầm cám ơn Trời đất cứu mạng kịp thời, thề không bao giờ ăn mít nữa.
Năm nay, mới tuần trước, nhân con gái dẫn 2 cháu ngoại từ miền Đông qua thăm, nhân chợ 99 ngó qua Phước Lộc Thọ bán xoài Kent chín thơm phứt có 5 đồng một thùng, tôi mua về cho cả nhà, nhất là cho con gái ở bên đó mới qua (ít khi đựợc ăn trái cây thức ăn ngon như bên này). Bà xã tôi lại nấu một nồi súp cà chua ăn với bún chả cá. Khi con gái chở các cháu đi đâu đó, tôi lôi xoài ra bỏ tủ lạnh, cắt ăn liền 3 trái ngọt lịm thơm mát, lại đớp thêm một tô súp bún cà chua chả cá, không ngờ chất chua hai thứ quả ùn lên bao tử làm căng bụng to tướng, đau anh ách. Mỹ gọi chứng này là heartburn, tôi tìm mãi không thấy lọ thuốc kẹo Tums để nhai nuốt hút chất gas ra, đành chịu trận đi qua đi lại một lúc cho “hạ hỏa,” ngồi chồm hổm cúi mặt sát đất mới nôn ra được một bát nước chua, nhẹ bụng bớt một phần ba, nhưng tối tới vẫn còn đau anh ách. Nằm lăn lộn mãi, ngẫm nghĩ nhớ mười bốn năm trước cũng mùa hè trời nóng như hôm nay, ăn mấy trái bắp luộc mà lại uống nước chanh chua nên bắp không tiêu, bụng căng cứng lăn lộn đau đớn mà không mửa được, mặt mày tái xanh, phải nhờ thằng con chở vào Urgent care cứu cấp. Ở đó 3 tiếng, họ thấy còn đi đứng được, đủng đỉnh bắt chờ, rồi cho uống 2 viên thuốc mà “charged” bảo hiểm Kaiser cả bạc ngàn... Lần này chắc cũng vậy, ăn nhiều chất chua quá nên hơi gas dồn làm căng phồng bao tử, uống nước cho loãng chất chua, nhưng chỉ mửa ra đuợc một chút chứ không “xì hơi”hay buồn đi cầu. Phân vân không hiểu có tắc ruột như lần trước không, mới gọi anh bạn giải phẩu ở Bolsa hỏi ý.
- Ông ra tiệm thuốc mua “fleet enema” đút đít coi có đi cầu không, nếu không, phải vô E.R cho họ soi liền coi có tắc ruột không. Coi chừng ruột quấn như lần trước, phải mổ.
- Kỳ trước, ăn mít sình hơi, nhựa mít làm ruột dính lại là phải, còn kỳ này ăn chua mà sao ruột quấn được? Hay là chỉ có chất lỏng, không có cơm, thịt cá đầy bụng nên chưa đến lúc phải đi cầu đó thôi?
- Ông cứ nghe tôi đi, nhiều khi trong bao tử hay ruột ông có cancer, mụt nhọt hay da mỏng nên quấn lại nghẽn tắc, nên ăn gì nhiều một lúc là có chuyện, phải Cat Scan, chụp hình X-Ray mới biết tại sao.
Tôi biết tánh ông này hay dọa, nhưng cũng nghe lời, lái xe vô E.R đậu, bước vô phòng đợi, bấm tên tuổi, click vô bệnh tiêu hóa trên computer. Hôm nay thứ bảy, ít bệnh nhân hơn kỳ trước, nên sau khi đưa thẻ bảo hiểm ra, có bác sĩ Mỹ trắng vô hỏi han liền, kể sơ qua, y tá bảo nằm lên “băng ca” đẩy đi Cat Scan ngay. Một lát, y tá đưa vào phòng ngủ,nói ở lại đêm, thay nhau đo áp huyết, nhiệt độ, oxy, chuyền serum có thuốc giảm đau. Bác sĩ vô, nói coi scan thấy ruột quả có bị “blocked”, chờ mai coi có hết tắc không, nếu không cần phải mổ. Con gái tôi vô thăm, đem cho hộp thuốc viên Zantac 150 uống trị heartburn, vài chai plastic nước uống, hai lon soda gừng (Gibger ale) để hút gas ra. Chập tối, như kỳ trước, lại một bác sĩ giải phẩu xuất hiện tới bên giường, lần này là người Mễ, vui vẻ ân cần. Ông nói vợ ông là Vietnamese như tôi. Tôi trố mắt hỏi:
- Sao ông biết tôi người Việt?
- Đọc tên họ anh thì biết ngay. Vợ tôi cũng họ Phạm.
Tôi kể sơ qua 3 năm trước đã vô đây nằm vì cùng triệu chứng tắc ruột này, và họ cũng đòi mổ, nhưng nhờ tôi lén uống nhiều nuớc nên sáng ra ruột tự tháo ra, đi cầu sạch bụng. Ông nói muốn đút cái tube vô lỗ mũi tôi, thòng sâu vô ruột như kỳ trước anh chàng y tá Phi làm ( mà tôi không chịu vì nhột và đau quá) để hút hơi gas ra. Tôi nhăn nhó lắc đầu, nói,”No, no… đau lắm, không chịu nỗi được.”
- Ba năm trước, anh y tá Phi ở đây cũng đòi làm, nhưng ống to quá, tôi cự tuyệt, nói thà để mổ còn hơn.
- Không sao đâu, tôi lựa cái tube số 3 nhỏ nhất, và lần này đích thân tôi đút vô ruột để hút gas ra. Tôi là bác sĩ mà, rất khéo léo, anh yên tâm... Sau khi hút (decompress) gas ra,có 2 cách chụp hình trong ruột: một là đút cái scope điện tử nhỏ vô miệng anh, cho chạy xuống ruột chụp hình, gửi information ra ngoài 1 dụng cụ gắn ở ngoài da( hai thứ trong ngoài connected với nhau) rồi khi anh đi cầu, scope theo hậu môn ra ngoài. Hai là X-ray bao tử và ruột nhiều tấm, coi phim, tìm ra lý do tại sao ruột tắc, và tắc ở khúc nào... để chữa trị.
Ông này khéo nói quá, và bắt cô y tá đứng bên rót nước vô miệng tôi uống, để cuống họng mở to cho tube chui xuống dễ dàng. Bỗng có người tới báo có emergency, gọi đi mổ gấp cho bệnh nhân nào đó. Ông lật đật bỏ đi liền, nói tôi đợi một lát. Tôi cố gắng chịu đau chờ, chờ mãi, nhưng mười phút qua không thấy ông trở lại, nên bảo cô y tá tháo tube ra. Cô nói cô đút tube một mình được, nhưng tôi không tin tưởng, sợ đau, nên lắc đầu không chịu, đòi ngủ.
Đêm đó, tôi uống nước thật nhiều, hy vọng như lần trước sẽ “xì hơi” và đi cầu được, nhưng tới sáng vẫn không có triệu chứng gì là “bowel movement”. Trong khi đó, chốc chốc có ông y sĩ nào trực hay mới đổi cas, bước vô cầm sổ hỏi:
- When was your last bowel movement?
- Two days ago.
Có ông lại hỏi:
- Có ai nói với anh chuyện đút scope vô miệng chưa?
Rồi cứ hai tiếng lại có một cô y tá vén màn bước vô đo áp huyết, đút ống hàn thử biểu vô miệng dưới lưỡi đo nhiệt độ và gắn cái device nhỏ vô đầu ngón tay đo oxygen, tất cả đều bình thường. Khoảng 8 giờ hơn, có hai y tá nam tới nói đưa tôi đi X-Ray ruột, tôi đứng dậy qua nằm xe lăn họ đẩy tới, vô thang máy xuống tầng 3, tới phòng X-ray giao cho anh X-ray technician.
Anh chàng Mỹ này còn trẻ, người chắc nịch khỏe mạnh, dáng điệu sành sõi với công việc, ăn nói vắn tắt gọn gàng, đưa 2 ly cối nước gì mặn mặn bắt tôi uống hết, rồi bảo nằm xuống 15 phút nghiêng bên phải cho nước mau thấm xuống ruột để chụp.
- Tôi sẽ chụp 5 sáu tấm hình, mỗi lần cách nhau 15 phút, để coi ruột anh có cái gì lạ. Bác sĩ sẽ đọc phim và cho anh biết kết quả sau.
Tôi ngoan ngoãn tuân lệnh răm rắp. Anh bước tới phòng nhỏ xíu gần đó, bấm nút điện, dõng dạc hô:
- Breathe!
Tôi lật đật hít vô đầy phổi.
- Freeze!
Tôi liền nín thở.
Nghe “rắc” một cái. Tôi thở ra. Anh ta nhanh nhẩu bước lại, bảo quay nằm nghiêng bên phải cho nước mau rút xuống ruột già, chờ 15 phút nữa chụp tấm khác. Tôi vốn sợ X-ray chụp răng, chụp gan, phổi, bao tử, sợ tác hại, sau này dễ bị ung thư, nhưng đành nín thinh cam chịu. Chụp tới tấm thứ tư, bỗng thấy nặng bụng, phải đi cầu gấp ( hai ly cối nước uống vô nảy giờ đã có tác dụng xổ phân ra khỏi hậu môn), bèn ngồi dậy, chạy vô bathroom, nước vàng trút xòa xuống ngập bồn, cả người thấy nhẹ hẳn. Biết ngay, hễ có nước vào bụng đầy ruột là có “bowel movement” ngay. Sau tấm thứ 5, tôi lại vào toilet lần nữa xổ nốt chất lỏng còn lại. Anh chàng technician đưa cái áo gown mới khác cho tôi thay, nằm lên giường chụp một tấm chót, rồi đẩy xe trả về phòng ngủ. Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, tôi chột bụng, đi cầu thêm một lần nữa thì thấy ông bác sĩ giải phẩu người Mễ trở lại, xin lỗi tối qua bỏ đi ngang vì công việc đòi gấp, nói không cần đút tube vô mũi hay scope vô bụng tôi nữa, vì X-ray đã tìm thấy lí do tại sao hơi cứ dồn lên bao tử và tắc ruột. Ông tỉ mỉ cắt nghĩa:
- Ruột non anh, chỗ gần nối với ruột già tự nhiên hơi teo lại (narrowing) một đoạn vài ba centimet nên thức ăn tới đó là bị nghẽn, thức ăn chuyển rất chậm xuống ruột già. Hơi chua của xoài và cà chua anh ăn thay vì chui xuống ruột già xì hơi ra, dồn lại, bốc gas lên làm bao tử phình ra đau anh ách. Ruột già chưa nhận đủ phân từ ruột non xuống, nên anh chưa đi cầu được.
Tôi hỏi:
- Chỗ ruột non teo lại đó là bẩm sinh hay mới đây, và vì lý do gì mà teo? Hồi trẻ tôi ăn rất mạnh, tiêu hóa không có vấn đề gì.
Ông lắc đầu nói:
- Không phải do bẩm sinh, nhưng tôi không biết vì sao nó co lại. Anh có biết là ruột non anh teo lại chỗ đó nên phải mất 60 phút, 2 ly nước cối anh uống trước khi chụp hình mới chảy hết xuống ruột già. Do đó, mấy tấm phim X-ray đầu không thấy gì cả vì nước chưa xuống để “clear”ruột già. Chỉ tấm sau cùng, tôi mới phát giác ra cái eo ở cuối ruột non chính là thủ phạm. Bây giờ, anh nên để tôi mổ chỗ teo đó cho ruột non ruột già thông thương thì việc tiêu hóa mới suông sẻ bình thường được, nếu không, sau này chắc chắn thế nào cũng có lúc bị tắc ruột lại, phải lại vô đây nằm.
Tôi rên rỉ, lắc đầu… Ông cứ thủ thỉ bên tai, nài nỉ như người bạn thân ái ngại:
- Tôi biết anh sợ nguy hiểm, biến chứng này nọ…, ai cũng vậy, cực chẳng đã mới phải cho mổ, chính tôi là bác sĩ cũng hết cách rồi mới khuyên anh mổ…Mổ mau lắm…
Tôi nghĩ thầm, mấy ông giải phẩu này đa số hay thích mổ, thuyết phục bệnh nhân mổ, vì được nhiều tiền, nhưng không bao giờ ký giấy cam đoan chịu trách nhiệm nếu lỡ bệnh nhân chết. Ngày xưa, Lâm ở San Jose cũng vì đi mổ mắt khỏi đeo kính cận mà gần như mù vì lỗi bác sĩ sơ ý quên nhỏ thuốc gì đó, không được bồi thường gì cả, cuối cùng bi quan yếm thế, chán đời, đi đến uống thuốc độc tự kết thúc đời mình trong motel. Tôi thì không sợ rủi ro chết vì mổ, vì chấm tử vi biết mình tuổi thọ cao, lòng hai bàn tay đều có “double lignes de vie”dài xống cổ tay… chỉ sợ sau này vết cắt mổ khâu lại đó nó đứt chỉ, bể ra, thì thức ăn trong ruột xì ra tung tóe, bộ phận tiêu hóa nhiễm trùng sưng tấy làm độc thì đau lắm, phải lại lết vô nhà thương cho bác sĩ mổ toang bụng ra để “clean up” rồi may lại. Cứ tưởng tượng hình dung ra là đã thấy sợ rồi. Ruột đang yên đang lành, chịu khó ăn kiêng và ăn ít lại đâu có việc gì. Chịu khó uống nhiều nước. Nếu trong phút bốc đồng, nghe lời ngon ngọt dụ dỗ, nể nang để cho họ mổ, sau này có gì là tại mình trăm phần trăm, đổ thừa cho ai? Chuyện các cô sửa mũi, mổ cằm, cắt má cho đẹp, sau xì ra loang lỗ xấu xí, chuyện Micheal Jackson thối mũi vì cắt sửa mũi mấy lần cho cao, báo chí đăng tin nhan nhản một dạo kia kìa. Bèn nói nửa đùa nửa thực để câu giờ:
- Bác sĩ lấy vợ Việt, có biết người Việt có câu tục ngữ này,”Cây đinh đã đóng lên tường rồi, sau này tuy nhổ ra, cái lỗ đinh vẫn còn trên tường.” You know what I mean?
Ông ta cười đồng tình, hiền lành gật đầu.
- Thôi, anh cứ về nhà nghỉ cho khỏe, rồi có quyết định gì, cho tôi hay.
Tôi lấy cell phone ra xin ông tên, email, và số phone để khi nào quyết định, sẽ gọi tham khảo. Trong lúc ông dùng ngón tay hí hoáy gõ vô cell phone, tôi chợt nghĩ ra tại sao ông không đưa phim X-ray cho mình coi chỗ ruột non co lại nhỉ. Nếu nó quá nhỏ, biết đâu mình lo lắng, chịu hẹn ngày cho mổ. Còn bây giờ ruột đã thông lại bình thường, bụng không đau đớn gì, trước mắt tôi chỉ thấy nhu cầu phải về nhà tắm rửa sạch sẽ, ăn nhẹ một cái gì đó sau hai ngày “fasting,” rồi lên giường nghỉ ngơi cho khỏe.
Hôm sau tôi email hỏi Tân, bạn học trung học cũ là bác sĩ ở Pháp. Tân nói tâm lý các surgeons thích mổ là vì có người tự nguyện cho mình thực tập mổ, rút thêm kinh nghiệm. Thứ hai có việc làm thì bệnh viện và mình có tiền đều đều, bệnh viện chỗ mình làm có tiền xây cất mở mang lớn thêm ra, mình có việc làm đều đều, khỏi phải xin nghỉ đi làm nhà thương khác.
Tôi sực nhớ đến Chấn, bạn cũ rất thân thời tiểu học, mới chết ba năm nay ở Oakland vì ung thư, có lần 15 năm trước, khi tôi ở San Jose xuống thăm, không biết bộ tiêu hóa có vấn đề gì mà chia sẻ mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm, một bữa cháo, chứ không dám ăn vặt. Đó là một lời tiên tri tốt. Tôi lại nhớ Kinh Dược sư có câu, ”Nhịn đói là liều thuốc chữa trị mọi thứ bệnh”. Như vậy kỳ này may mắn đuợc X-Ray, biết nguyên do tại sao hay tắc ruột, tôi quyết định không đi mổ, chỉ cần ăn uống cẩn thận, cái gì cũng điều độ, ăn làm nhiều bữa nhỏ thay vì một bữa thịnh soạn. Và nếu lỡ như sau này sơ ý có tắc ruột ngoài ý muốn, thì cứ uống nguyên một lít nước mằn mặn pha một muỗng dầu olive vô, thế nào cũng phải có lúc lật đật chạy vô cầu xổ ra sạch bụng, khai thông đường ruột liền, khỏi cần nhập E.R.
Phạm hoàng Chương
No comments:
Post a Comment