Bs Hoàng thị Mỹ Lâm và Bs Trần văn Tích
Kính thưa quý Chủ Tịch Hội Hội Viên thuộc Liên Hội NVTN ,
Trong chiều hướng trao đổi suy nghĩ với Niên Trưởng BS Trần Văn Tích, tôi xin được phổ biến tiếp một bài viết nhân dịp Tết Đinh Dậu cũng về vấn đề này nhưng trên khía cạnh khác. Xin mời đọc:
Mặt Trái Của Đa Nguyên
Đành biết rằng làm công tác Cộng Đồng là cả một sự khó khăn vì trăm người ngàn ý , không ai có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Tuy vậy khi một tập thể có ít ra cùng một mẫu số chung , cùng một chiều hướng để làm việc thì sự hoạt động cũng thuận tiện hơn. Một ví dụ điển hình là Cộng Đồng người Việt tại Hoa Kỳ chẳng những cấm được cờ đỏ lộng hành tại Quận Cam mà tại San Jose Hội Đồng Thành Phố cũng đã thông qua Nghị Quyết chống cờ đỏ CSVN ngày 24.01.2017. Sự thành công của Cộng Đồng người Việt tại Hoa Kỳ đem lại hãnh diện cho người Việt hải ngoại và nêu cao chính nghĩa cho tinh thần Quốc Gia Dân Tộc.
Cộng Đồng người Việt tại Đức hiện tại thì ngược lại, đó là một tập thể chưa ổn định.
Trước khi nước Đức thống nhất thì chỉ có người Việt tỵ nạn Cộng Sản ở Tây Bá Linh và Tây Đức , sinh hoạt Cộng Đồng có tính cách ôn hòa đồng nhất vì sau một cuộc biển dâu đổi đời những người Việt tỵ nạn tha hương cảm thấy gần gũi nhau hơn . Lá cờ vàng được giương cao ngạo nghễ mà không ai cần phải đặt câu hỏi nên hay không nên, vì lá cờ vàng là biểu tượng đương nhiên của tự do dân chủ , là đã thoát được ách Cộng Sản.
Sau khi nước Đức thống nhất thì thoạt đầu sự lạc quan tràn ngập trong Cộng Đồng người Việt tỵ nạn . Lý do thứ nhất của sự lạc quan là sự tan rã của khối Cộng Sản Đông Âu báo hiệu một sự sập đổ liên hoàn trong khối Cộng đưa đến giải thể đảng CSVN trong thời gian sắp tới . Lý do thứ hai là Cộng Đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản tăng lên nhanh chóng vì số người Việt làm thợ khách hoặc du sinh ở Đông Đức tràn sang làm đơn xin tỵ nạn chính trị rất đông .
Tinh thần chống Cộng được thể hiện công khai và nhiều khi còn có tính cách phô diễn , vì khi họ càng chứng minh mình tham dự biểu tình chống Cộng càng mạnh , có hình ảnh và giấy chứng nhận đứng dưới lá cờ vàng càng nhiều thì cái cơ hội được công nhận là người tỵ nạn để chính thức ở lại nước Đức càng cao.
Điển hình là cuộc biểu tình ngày Quốc Hận 30.04.1995 ghi dấu mốc 20 năm mất nước tại Bá Linh có đến trên hai ngàn người tham dự. Lá cờ vàng bay phấp phới trên cả cây số đường trải dài từ Brandenburger Tor đến ngã năm Tượng thần Chiến Thắng .
Sau đó thì hiện tượng tỵ nạn của những người Việt từ Đông Đức và Đông Âu không còn làm thuyết phục các cơ quan xét đơn của chính phủ Đức được nữa. Một số lớn không được chấp nhận quy chế tỵ nạn , họ chỉ được giấy phép ở lại vì lý do nhân đạo . Người nào đã trụ được trên 18 tháng trên nước Đức có chứng minh được chỗ làm và không sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ Đức thì họ sẽ nhận được giấy Aufenthaltserlaubnis (giấy phép cư trú) cho ở lại chính thức .
Thời điểm thay đổi quan trọng là vào ngày 17.11.2006 Bộ Nội Vụ các Tiểu Bang Đức đã thống nhất đưa ra bộ luật Bleiberecht (quyền lưu trú) ; theo luật này thì các người ngoại quốc đã ở được 6 năm (cho người có con ) hoặc 8 năm (cho người không con ) và có công ăn việc làm thì sẽ được cấp giấy cho ở lại nước Đức lâu dài.
Bước ngoặt về tinh thần chống Cộng bắt đầu từ đó.
Thế là người có tiền nhiều thì mở quán ăn sang trọng hoặc mở chuỗi tiệm ăn ở nhiều nơi , kẻ có tiền ít thì mở quán ăn nhanh nơi góc phố hoặc mở tiệm bán hoa tươi hoặc như khoảng mấy năm gần đây mở tiệm làm móng tay. Còn người không có vốn cũng sống được nhờ làm công rẻ mạt cho những người có vốn , hay ít nữa thì cũng bỏ chút ít tiền xin cấp một chứng nhận có việc làm từ các chủ tiệm Việt Nam . Từ đó sanh ra các dịch vụ không tưởng tượng được như :
Dịch vụ cấp giấy lậu có việc làm để làm đơn xin Bleiberecht , dịch vụ vợ chồng con cái khống với những người đã có giấy tờ ở lại hoặc với người có quốc tịch Đức, dịch vụ làm liều sanh con trên nước Đức để theo con mà được ở lại ….Cuộc sống của họ lao theo việc làm và giấy tờ cho đến khi được Bleiberecht. Khi được Bleiberecht rồi thì họ làm giấy tờ kéo con cháu họ hàng qua tiếp… và cái vòng luẫn quẩn cứ xoay tròn… và cái bùa "chống Cộng" không còn cần thiết để xin giấy tờ ở lại nữa .
Sứ Quán Cộng Sản nhân cơ hội này đem nghị quyết 36 áp đặt vào cái tập thể "bát nháo" đó với miếng mồi "quê hương là chùm khế ngọt" . Các Đại Tư Bản Đỏ xuất hiện, các hội đồng hương , hội du sinh , hội phụ nữ.. mọc như nấm dưới sự lèo lái của "Đảng và Bác".
Về phương diện chính quyền sở tại thì Cộng Hòa Liên Bang Đức là một nước mà căn bản pháp lý được xác định trong Hiến Pháp là "die Würde des Menschen ist unantastbar" (cf. Artikel 1 des Grundgesetzes), dịch ra là : phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Từ nguyên lý đó thì mọi con người khi đứng trước luật pháp đều có giá trị ngang nhau. Thêm vào đó là chủ trương đa nguyên , đa văn hóa trong một nền dân chủ vững mạnh đã nằm sâu trong tiềm thức mỗi người công dân Đức . Điều đó có nghĩa là đảng viên Cộng Sản VN cũng được có mặt , làm ăn và lập hội hè trên nước Đức miễn là họ không phạm luật . Không thiếu gì một số Giáo Sư Đại Học người Đức khuynh tả vẫn còn mơ tưởng thiên đường Cộng Sản đã yểm trợ lót đường cho tay sai Cộng Sản trên nước Đức ; nhưng đó chỉ là thiểu số, nếu không thì cả chế độ Cộng sản Đông Đức đã không sụp đổ.
Nhà cầm quyền CSVN lợi dụng khe hở của nền dân chù đa nguyên len lỏi thâm nhập vào Cộng Đồng người Việt hải ngoại . Trước là để kiềm chế tiến trình dân chủ trong lòng dân Việt xa xứ và ru ngủ họ rằng trật tự thế giới không hề thay đổi sau khi bức tường Bá Linh sập đổ (ví dụ chứng minh về trường hợp này là dự án tái tạo khu tưởng niệm Hồ Chí Minh tại Moritzburg của Đại Sứ Quán mà tập thể chống Cộng đã đánh bại ), sau là để phân hóa và tiện việc theo dõi người Việt trong cộng đồng hải ngoại. Những hội đoàn "yêu nước" nằm ngoan ngoãn dưới sự lãnh đạo của Đại Sứ Quán trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi : đừng chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản VN thì muốn mua nhà bán đất ở VN , đem tiền ra vào bao nhiêu cũng được . Có cả hội đoàn mà ban chấp hành là đảng viên công khai của Mặt Trận Tổ Quốc xưng tên tiếm danh người Việt tỵ nạn Cộng Sản đứng ra nhận tiền tổ chức hội nhập cho người Việt tại Đức .
Sự khác biệt là người Việt tỵ nạn Cộng Sản là những người Việt đã đến Đức từ thập kỷ giữa 1978 đến 1988, quá trình hội nhập đã vững chắc và quy củ từ những bước đầu .
Còn người Việt đến Đức sau 1989 trong cái hệ thống "bát nháo" luôn tìm bắt kẽ hở để lách luật . Hệ thống hóa những con người đó là một điều mà luật pháp Đức mong mỏi . Để hệ thống hóa những con người này một cách hiệu quả là phải nhờ tay "dĩ độc trị độc" hoặc nhờ kẻ "nằm trong chăn mới bắt được rận" ; đó là các nhân viên Sứ Quán hay tổ chức Cộng Sản ngoại vi Mặt Trận Tổ Quốc . Chính quyền Đức thừa biết về sự hoạt động của CSVN trên nước Đức, nhưng sự hoạt động này không có hại đến nền an ninh Đức mà lại có lợi để chung tay kiểm soát người Việt di dân hoặc hồi cư .
Đó là mặt trái của nền đa nguyên dân chủ . Ngoài ra người Đức phải đặt quyền lợi của nước Đức trên hết . Trước tình trạng thâm nhập và trà trộn của con người Cộng Sản vào Cộng Đồng người Việt hải ngoại chẳng những người Việt tỵ nạn Cộng sản cảm thấy bất an mà còn có cảm nhận bị xúc phạm vì ngày xưa họ đã liều mình bỏ nước ra đi chỉ vì chế độ Cộng Sản thế mà ngày nay Cộng Sản và tay sai lại theo bén gót qua tận đây . Tuy rằng tay sai Cộng Sản trên nước Đức không thể công khai làm hại người Việt tỵ nạn Cộng Sản , nhưng các tay sai này vẫn âm thầm chơi xấu như lấn sân sinh hoạt , giành dựt tiếng nói cộng đồng người Việt trước công luận Đức, lập hồ sơ đen, trấn áp tinh thần người Việt tỵ nạn Cộng Sản khi có cơ hội …
Do đó người Việt tỵ nạn Cộng Sản phải luôn cảnh giác trước âm mưu xâm lấn tiếm danh của tay sai Cộng Sản và vạch rõ đường ranh Quốc – Cộng . Lá cờ vàng lại càng được giương cao hơn để nêu lên được ý chí quyết tâm chống độc tài độc đảng giành quyền lợi cho quốc gia và dân tộc. Trong sinh hoạt tự do và dân chủ chúng ta tin vào sự hỗ trợ của pháp lý Đức để bày tỏ thái độ chính trị hầu bảo vệ những tiếng nói kiên cường của người dân bị đàn áp trong nước. Chúng ta cũng không cần thi đua làm công tác hội nhập với các tổ chức tay sai của Cộng Sản, mà chỉ tiếp tục làm những việc mà chúng ta đã làm tự bao giờ và làm những việc phải làm .
Một Cộng Đồng người Việt tỵ nạn thành công và hội nhập trên mọi phương diện trên toàn nước Đức là một chứng minh hùng hồn cho những thành quả mà chúng ta đã và đang gặt hái được.
Ngoài ra còn có một vài luồng tư tưởng khác trong khối người Việt không Cộng Sản tại Đức cũng được một số người ủng hộ .
Đó là phe không cờ. Họ không treo cờ trong các buổi sinh hoạt của họ với quan niệm lá cờ Vàng chỉ là biểu trưng cho một chế độ . Thành phần này đa số là những người không liều mình vượt biên tìm tự do . Nền tự do đến với họ quá dễ dàng nên họ không thể hiểu lá cờ Vàng là hồn thiêng sông núi , là anh linh dân tộc. Họ đã chưa từng trải qua những cảm xúc chạm tới tận tâm linh khi cầm lại lá cờ Vàng trong tay như tìm lại được nguồn sống nhân bản tự do.
Vì đang sống và đấu tranh cho một xã hội đa nguyên dân chủ nên luồng tư tưởng này chỉ được xem là một tư tưởng khác biệt chứ không phải tư tưởng đối lập . Cũng vì vậy mà trên nước Đức này đã xảy ra trường hơp ca sĩ Mai Khôi vào đầu tháng 11/2016 tha hồ tung hoành từ Köln , Stuttgart , Frankfurt , München do nhóm không cờ yểm trợ và cuối cùng là Berlin do nhóm Phụ Nữ đỏ tổ chức. Người Việt tỵ nạn tại Đức chỉ nhìn mà ngao ngán. Sau khi hoàn thành chương trình ở 5 thành phố lớn tại Đức , ca sĩ Mai Khôi có lẽ lấy làm tự đắc nên tiến bước sang Hoa Kỳ mà không ngờ Cộng Đồng người Việt tại Hoa Kỳ quá vững mạnh , khác hẳn Cộng Đồng phức tạp của người Việt tại Đức , khiến cho nội vụ bị nổ bung một thời .
Sự thâm nhập trà trộn của tay sai Cộng Sản vào Cộng Đồng người Việt không dừng lại ở một biên giới lãnh vực nào. Trong vài tháng nay bỗng nhiên trang saigonbao.com trong cột Dân Chủ/Democracy xuất hiện thêm tên tờ báo Thoi Bao.de . Đó là một tờ báo điện tử tự xưng là của Cộng Đồng người Việt tại Cộng Hòa Liên Bang Đức có trụ sở tại Bá Linh và hay đăng tin, viết bài cho Đại Sứ Quán Cộng Sản . Tờ Thoi Bao này đồng thời cũng xuất hiện tại vị trí cũ trong cột Cộng Sản/Nội Địa . Không hiểu bàn tay nào đã đưa một tờ báo Cộng Sản xếp vào hàng ngũ Dân Chủ trong trang saigonbao.com.
Sự khó khăn trong Cộng Đồng người Việt tại Đức đòi hỏi người Việt tỵ nạn phải giữ một cái đầu lạnh trong cái xã hội đa nguyên đa văn hóa và phải luôn cân đo mức độ khoan dung (Toleranz ) của mình để kịp thời đối phó với những tình huống bất ngờ. Một ví dụ là trong một buổi tọa đàm với nhà văn Trần Trung Đạo năm 2014 tại Berlin có sự tham dự của một số người Việt đến từ phía Đông ; ban tổ chức ghi nhận điều này một cách cởi mở ; rất tiếc là khi chào Quốc Kỳ khai mạc họ không đứng lên như mọi người ; do họ ngồi những hàng ghế cuối cùng nên chỉ có một số anh em giữ trật tự phát hiện nhưng không can thiệp kịp thời để mời họ ra khỏi phòng trước khi chào cờ tiếp tục .
Về phía chính quyền Đức , người Việt tỵ nạn Cộng sản phải canh chừng cảnh báo họ trước sự tiếm danh của những tổ chức ngoại vi của cộng sản lấy tên cộng đồng người Việt thực hiện những âm mưu bất chính ; tuy nhiên người ta vẫn nên tin tưởng vào lối điều hành của chính phủ Đức đối với tập thể người Việt phức tạp ở đây. Luật pháp là để bảo vệ quyền công dân, người Việt tỵ nạn bây giờ là công dân Đức có quá trình di cư ( Deutsche mit Migrationshintergrund) . Với nguyên tắc "ngay thắng gian", chúng ta cứ sống và sinh hoạt theo đúng luân lý đạo đức công dân . Những con người vì cuộc sống nên lề thói chao đảo , thì một ngày nào đó khi tiến trình hội nhập hoàn tất thì có thể chính họ sẽ nhận ra con đường sai trái của chính mình để hướng thiện . Ngày đó họ sẽ nhìn ra họ sống ở đâu và chính thể nào đã nuôi nấng gia đình họ , đã nhào nặn ra con người và con cái của họ. Có phải đó lại là một cái kết "gậy ông đập lưng ông" cho tay sai Cộng Sản , vì chính do hội nhập thành công mà người Việt "bát nháo" bỗng nhiên nhìn ra chống Cộng là chính nghĩa.
Mồng hai Tết Đinh Dậu ( 29.01.2017)
BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
---------
INTEGRATIONSGIPFEL (Hội nghị thượng đỉnh về Hội Nhập)
Kính thưa Ông Phùng Khải Tuấn,
Thưa Anh Đinh Kim Tân và Anh Phạm Công Hoàng,
Qua Chị Mỹ Lâm tôi được biết quí vị hằng tỏ nỗi băn khoăn về sự kiện Ông Nguyễn Văn Thoại đại diện Hội Liên Hiệp của Việt cộng được Văn phòng Phủ Thủ tướng mời tham gia ngày Integrationsgipfel ở Berlin năm ngoái trong khi Liên Hội lại vắng mặt.
Thực ra Phủ Thủ tướng đã mời phía bên kia tham gia Integrationsgipfel từ lâu rồi. Tháng giêng năm 2012 (trước khi cá nhân tôi nhận phụ trách Liên Hội) Hội Diên Hồng ở Rostock do Ông Nguyễn Duy Long đại diện đã nhận được lời mời của Thủ tướng phủ. Ông Nguyễn Duy Long có tham gia Gipfel (hội nghị thượng đỉnh) không, cá nhân tôi không được rõ.
Tuy nhiên năm ngoái, khi Ông Nguyễn Văn Thoại tham gia Gipfel thì không những tôi được phe Việt cộng cho xem hình ảnh rất lớn rất đẹp mà tôi còn được ít nhất năm nhân vật, xem như là thuộc phe chống cộng, phụ lực ViXi gửi hình cho tôi và nhiều đoàn thể, cá nhân chống cộng khác cùng xem! Ngoạn mục hơn nữa, ba tấm hình chụp Ông Nguyễn Văn Thoại với Bà Angela Merkel, với Ông De Maizière và với Ông Kurt Beck được chuyển đi nhiều nơi với đầu đề như sau : "Việt cộng ở Đức, còn người Việt tỵ nạn thì sao...????". Một dấu hỏi chưa đủ, phải có đến bốn dấu hỏi cơ! Lẽ ra những người chuyển tiếp hình ảnh và bình luận (bằng Đức ngữ) phải được Ông Nguyễn Văn Thoại cám ơn vì họ đã phụ giúp quảng cáo hình ảnh và hoạt động của Ông trên mạng mà quên mất rằng mình có phải là người tỵ nạn hay không nên mới nhẫn tâm nêu đến bốn dấu hỏi! Hình như họ không thấy có chút trách nhiệm nào trong vụ liên hệ nên nêu đến bốn dấu hỏi cho người khác, còn họ thì cứ tỉnh bơ, tự xem như hoàn toàn vô can! Tại sao họ không chịu khó gửi hình ảnh và bình luận cho một mình Chị Mỹ Lâm xem và đọc để biết mà liệu việc? Phải chăng họ đánh giá việc làm của mình là một kỳ công, phải cho bàn dân thiên hạ cùng biết mới xứng? Phải chăng họ không thấy có trách nhiệm gì cả trong vụ liên hệ?
Xin trở lại với điểm xuất phát. Tên gọi của buổi gặp mặt là Integrationsgipfel. Câu hỏi đặt ra ngay là quí vị – Ông Tuấn, Anh Tân, Anh Hoàng – có cần được integriert (hội nhập) không? Rõ ràng là không. Chẳng những thế, bên cạnh quí vị còn có một Dược sĩ Trung tá – có lẽ năm nay đã lên Dược sĩ Đại tá – hiện phục vụ trong Bundeswehr (phòng thủ liên bang) và đã từng cùng Quân đội Đức tham chiến ở A phú hãn. Bà Angela Merkel có bổn phận lo integrieren Ông Dược sĩ Đại tá này không ạ? Quí vị còn có một Giáo sư Bác sĩ hiện làm Giám đốc một bệnh viện lớn của Đức. Bà Angela Merkel có bổn phận lo integrieren Ông Giáo sư Bác sĩ này không ạ? Hay ho hơn nữa, Ông Giáo sư Bác sĩ có người hôn phối là một nữ bác sĩ gốc Đức 100% và đã có con với bà bác sĩ. Dường như Ông không cần Bà Angela Merkel integrieren Ông mà chính bản thân Ông đã integrieren người bạn đời gốc Đức vào đại gia đình họ Nguyễn của Ông!
Nói tóm lại, chúng ta đã integriert rồi. Tiến sĩ Rupert Neudeck còn bảo rằng chúng ta integriert tuyệt vời đến nỗi chúng ta hát quốc ca Đức thành thục hơn đội tuyển túc cầu quốc gia Đức!
Tất nhiên nếu muốn, Bác sĩ Mỹ Lâm có thể yêu cầu Văn phòng Phủ Thủ tướng ghi tên Liên Hội vào danh sách những đoàn thể được mời tham gia Integrationsgipfel. Nhưng chúng ta nếu có tham gia là tham gia cho người khác, vì người khác, do người khác; chứ không phải vì chúng ta cần quá trình Integration. Và Phủ Thủ tướng có mời Liên Hội hay không là quyền của Phủ Thủ tướng. Phần chúng ta, chúng ta còn có những việc khác thích hợp hơn phải làm.
Thực ra có một số hoàn cảnh riêng tư chi phối một số người thuộc tập thể chúng ta chưa được integriert. Tôi muốn đề cập đến các bà hay các ông có chồng hay có vợ người gốc xã hội chủ nghĩa, chẳng hạn. Nhưng con số đó có lẽ chẳng lấy gì làm đông lắm.
Suy tư của tôi về Integrationsgipfel là như vậy. Sở dĩ tôi viết thành bài và gởi đến ba vị qua điện thư là vì muốn nhiều người khác cùng suy tư với tôi, trong tinh thần chung lưng đấu cật chống cộng. Do đó, tôi xin phép phổ biến thư này đến một số bằng hữu hằng quan tâm đến vấn đề.
Xin kính chào Ông Tuấn và xin thân chào Anh Tân và Anh Hoàng. Hy vọng sẽ gặp mặt Ông và hai Anh ở Berlin vào Ngày Quốc Hận sắp tới.
Bonn, ngày 11.02.2017
Trần Văn Tích
No comments:
Post a Comment