Wednesday, July 5, 2017

July 4 và Người Mỹ Gốc Việt



July 4 là Ngày lễ Độc Lập của Mỹ. July 4 năm nay 2017 là July 4 thứ 42 đối với người Mỹ gốc Việt.

Về nền độc lập của Mỹ, có vài sự kiện và ngày tháng đáng ghi nhớ. Ngày 6 tháng 7 năm 1776: thành lập Ủy ban soạn thảo bản Tuyên Ngôn Độc Lập đứng đầu là Thomas Jefferson, và thành viên là John Adams, Ben Benjamin Franklin, Philip Livingston và Roger Sherman. Ngày 6/7/1776: tờ báo Pennsylvania Evening Post là tờ báo đầu tiên đăng bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Ngày 8/7/1776: công bố đầu tiên bản tuyên ngôn trước công chúng tại Independence Square của Philadelphia với hồi chuông lịch sử của Independence Hall lúc bấy giờ gọi là “Province Bell” sau này đổi tên là Liberty Bell. Ngày 4/7/1776 là ngày Bản Tuyên Ngôn Độc Lập bắt đầu ký. Ngày 8/7/1776 ký xong. Ngày 4 tháng 7 năm 1776 được chấp nhận là ngày kỷ niệm chính thức của nền độc lập Hoa Kỳ khỏi nước Anh. 4/7/1777: Lễ Independence Day được cử hành lần đầu tiên.

Ngày Lễ Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đại lễ July 4 của Mỹ năm nay 2017 vào Thứ Ba 4 tháng 7 năm 2017. Đối với người Mỹ gốc Việt, July 4 này là July 4 thứ 42 trên đất Mỹ. Đây là một ngày lễ liên bang để kỷ niệm Tuyên ngôn Độc lập được ký năm 1776. Dân chúng Mỹ nói chung của mọi ngành nghề được nghỉ. Không thể thiếu những cuộc hành lễ, chào quốc kỳ, viếng di tích lịch sử, các viện bảo tàng chiêm ngưỡng di vật lịch sử, bắn và xem pháo bông, họp mặt gia đình, hòa nhạc, ăn ngoài trời, chơi hay coi bóng chày, ăn thịt nướng, tổ chức đi chơi ngoài trời, ra bãi biển, và mua những món hàng bán hạ giá ở các siêu thị. Đó là những hành động văn hoá vật thể có tính truyền thống của người Mỹ.

Nhưng cũng không thiếu những hành động văn hoá phi vật thể, như suy gẫm, hoài niệm, hồi hướng lịch sử của nhiều người Mỹ sống nội tâm nhơn ngày khai nguyên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Về tiến trình lập quốc, chống thực dân, bầu quốc hội, thảo bản tuyên ngôn độc lập, suy tưởng của những nhà lập quốc, lập hiến cao minh, viễn kiến nổi bật trong hiến pháp, ý nghĩa của quốc kỳ, quốc ca Mỹ, những thăng trầm của lịch sử, những khúc quanh của lịch sử để Mỹ được như ngày hôm nay nhờ độc lập, tự do, dân chủ là yếu tố căn bản tạo thành.

Văn hoá Mỹ rất chú trọng lợi ích của việc ôn cố để tri tân. Không thể tưởng tượng được nhiều viện bảo tàng qua nhiều biến cố vẫn còn bảo tồn những di vật và di tích lịch sử như vầy đây. Trong một phóng sự nhơn ngày July 4 của VOA, có kể lại một chuyện rất cảm động về lá cờ thiêng liêng của Mỹ. Viện Bảo tàng Lịch sử Mỹ thuộc hệ thống bảo tàng viện quốc gia Smithsonian, trưng bầy lá cờ Mỹ đã 200 năm tuổi. Đó là lá cờ làm bằng tay đã tạo nguồn cảm hứng để Francis Scott Key viết bài thơ đã trở thành bài quốc ca Mỹ. Một bài quốc ca nói lên Mỹ là một hiệp chủng quốc đa sắc tộc, đa văn hoá của những người dũng cảm, những người nhập cư, nhưng là một, out of many one.

Hỏi nước Mỹ làm sao không mạnh khi mà một thiếu niên 14 tuổi nhìn lá cờ thiêng của Tổ Quốc Mỹ có những suy nghĩ như Em Milena Carothers 14 tuổi từ Miền Tây nước Mỹ ngây ngất nhìn và nói “Lá cờ lớn hơn rất nhiều so với suy nghĩ của em. Và thật là kỳ diệu khi thấy nó được bảo quản khá tốt – ta vẫn còn nhận ra đấy là một lá cờ, không bị hư hại bao nhiêu – quả là kỳ diệu.”

Còn người lớn thì nâng niu, trân trọng những di vật buồn hay vui của lịch sử. Như Ông Andrea Lowther, giám đốc dịch vụ phục vụ khách của Viện Bảo tàng Lịch sử Mỹ cho biết: “... chúng tôi có cái mũ mà Tổng thống Abraham Lincoln đã đội vào đêm ông bị ám sát. Chúng tôi có cái hộp kê mà tổng thống Thomas Jefferson đã thảo bản Tuyên ngôn độc lập trên đó, ý tôi muốn nói không có gì hoàn hảo hơn đối với ngày 4 tháng 7 so với những bảo vật này.”

Đối với những người sống nhiều với nội tâm, thiên về văn hoá phi vật thể, như Bà Christine Coombs ở thành phố Gaithersburg, trong bang Maryland nói “Tự do là tất cả trên đất nước chúng ta. Tôi nghĩ đó là ý nghĩa của đất nước chúng ta. Đó là biểu trưng của chúng ta – là khả năng được chọn lựa. Tôi thực sự yêu mến tôn giáo của tôi và điều quan trọng đối với tôi là được quyền chọn lựa.”

Ông Ronnie Stephens, ở Jacksonville, Florida nhận định: “Tôi nghĩ là người Mỹ, chúng ta thường cho các quyền tự do mà chúng ta có là điều đương nhiên. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần ngưng lại và suy ngẫm về mức độ lợi ích của việc chúng ta được hưởng các quyền tự do đó bất kể chúng ta theo đường lối chính trị nào. Chúng ta có thể cùng đến với nhau và tận hưởng những gì chúng ta có ở đây.”

Nền độc lập, tự do, dân chủ Mỹ là một kinh nghiệm máu xương, quí giá nếu không muốn nói là bài học rất có ích cho người Việt. Lịch sử tự do, dân chủ Mỹ có cả 241 năm, còn dài hơn Pháp nữa; cách mạng tự do dân chủ của Pháp xảy ra vào năm 1789. Còn Mỹ độc lập tự do, dân chủ năm 1776. Người Việt chỉ có 20 năm tự do, dân chủ thời Việt Nam Cộng Hoà..

Kinh nghiệm cho biết tự do, dân chủ không phải đương nhiên mà có. Phải chiến đấu, phải tranh đấu mới có. Không bao giờ ngồi không chờ mà được. Đoàn quân của 13 tiểu bang tiền thân của quân đội Mỹ đứng lên giành độc lập từ chế độ thuộc địa Anh, thiếu súng, thiếu đạn, thiếu cả giày vớ, mùa đông giày rách, vớ rách máu chân thấm đỏ đường hành quân đầy tuyết trắng.

Người Việt di tản qua Mỹ định cư được 41 năm. Nhờ tự do, dân chủ Mỹ, người Việt đã đạt được những thành tích xuất sắc. Vận động khéo léo với chánh quyền các tiểu bang, quận hạt và thành phố Mỹ giương cao quốc kỳ VN Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ lên, được chánh quyền của một trăm mấy chục thành phố thừa nhận là biểu tượng, là di sản tự do, dân chủ của người Mỹ gốc Việt. Người Mỹ gốc Việt đưa quốc kỳ VN vào nghi thức các lễ hội chánh trị và văn hoá, quốc kỳ, quốc ca VN Công Hoà được chào kính, ca vang lên. Kể cả trong các cuộc biểu tình chống Cộng cũng trương cờ VN lên như biểu tượng của tự do, dân chủ, nhân quyền VN.

Lý tưởng, chánh nghĩa tự do, dân chủ mà người Mỹ gốc Việt đấu tranh cho đồng bào mình trong nước đã và đang bị CS độc tài đảng trị toàn diện tước đoạt, được chánh quyền Mỹ, đặc biệt là Quốc Hội Mỹ tích cực yểm trợ. Vì lý tưởng tự do, dân chủ này cũng là giá trị truyền thống, lịch sử của Mỹ, mà ngày lễ Độc Lập July 4 là ngày kỷ niệm, hòai niệm, tưởng và suy niệm. Nhứt là người Mỹ gốc Việt cần suy niệm để giúp cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN của đồng bào trong nước sớm thắng lợi./. (VA)

No comments:

Blog Archive