Thủ Đô Sài Gòn Cali Hai Lần Thoát Nạn
. . . chỉ có ta với mình, vừa đả đảo lại vừa hoan hô. Sao lại phải khổ thế chứ!
Hai lần Dân chủ đề xướng hai dự luật giống nhau, hai lần toàn bộ Dân chủ bỏ phiếu thuận, hai lần toàn bộ Cộng hoà bỏ phiếu chống. Thủ đô tỵ nạn của người Việt hai lần bị đánh tận sào huyệt. Cộng đồng Viet-American suýt chút nữa đã cười ra nước mắt! Năm 2008, rồi đến 2017 tiền đồ và vận mệnh của những người con vong quốc hay người Việt lưu vong suýt bị bóp nát trong nháy mắt và giấc mơ tự do sau cùng cũng sẽ sống quằn quại trong đau thương tức tưởi. Trước khi chọn quên hai dự luật cho phép đảng viên cộng sản làm việc trong hệ thống chính quyền, kể cả trường học - tức là chọn quên cái gì không lợi cho cho đảng ta, thúc mọi người bỏ qua và cấp tiến về phía trước (move on, move forward), cộng đồng có nên nhìn lại để có thêm chút kinh nghiệm nào không?
Dự luật SB 1322 do Thượng Nghị sĩ Dân chủ Alen Lowenthal - người từng đóng góp mục báo “Phục vụ tâm lý và con người: Triển vọng cá nhân” ở Cuba (1985) đề xướng
Kết quả thong qua 24/41. Có 24 TNS Dân chủ bầu thuận và toàn bộ 15 Cộng hoà đều bầu chống. Lúc đó, Luật sư Trần Thái Văn là Dân biểu Cộng hoà, đại điện cho Địa hạt 68, phối hợp với 2 cộng Đồng người Việt tại Nam và Bắc California, lấy hơn 5,000 chữ ký phản đối. Ngày 29/9/2008 thống đốc Cộng Hoà Arnold Schwarzenegger phủ quyết (veto). Nếu ông Schwarzenegger bị phục rượu xin xỉn, lên dầu sống, nửa tỉnh nửa mê mà gật đầu một cái là xong.
Đến nay 2017, lại cũng con số 22, dự luật AB 22 cũng do dân biểu Dân chủ, Rob Bonta đề xướng cho đảng viên cộng sản tham gia chính quyền, trường học với số phiếu thông qua 41/30 trong đó tuyệt nhiên không có phiếu Cộng hoà nào ủng hộ. Lần này trời khiến có bà TNS Cộng hoà Janet Nguyễn tích cực vận động 3000 chữ ký và bà phản đối kịch liệt ở Thượng viện cùng với Tuyên cáo của cộng đồng người Việt quốc gia bắc California gửi lên; kết quả là dân biểu Rob Bonta tự động xin rút lại dự luật trước khi thượng viện thông qua. Lần trước, cộng đồng may mắn có LS Trần Thái Văn (Cộng hoà) và thống đốc Schwazenegger (Cộng hoà), lần này lại may mắn có thượng nghị sĩ Janet Nguyễn (Cộng hoà). Nếu dự luật AB22 lên thượng viện thì cũng sẽ thông qua do Dân chủ nắm đa số như trước và RẤT có thể sẽ đầu xuôi đuôi lọt vì thống đốc bây giờ cũng là Dân chủ. Lý do rút lui của DC rất dễ hiểu, là chỉ vì sợ mất phiếu của cộng đồng Việt – American mà thôi, chứ không phải vì DC từ bỏ tả khuynh thứ thiệt - cực tả. (hướng về xhcn, cộng sản chủ nghĩa - far left – socialism – communism)
Sự rút lui lần hai chỉ là sự tạm thời đình chỉ; gốc rễ cây ấy luôn còn đó, chỉ chờ thời mưa thuận gió hoà để ra cành lá. Năm 2008 đã một lần thử, nhưng do số người già làm cột trụ không chấp nhận cộng sản còn đông đảo, cho nên việc không thành. Chín năm sau, 2017 một lần nữa, một số người già đã qui tiên, số trẻ tăng lên và có thể theo đảng DC nhiều hơn; con số ghi tên phản đối giảm từ 5000 xuống còn 3000; lần sau không biết con số sẽ còn được bao nhiêu. Sự sống còn của Sài gòn thật là mong manh! Người đề xướng cả hai dự luật cho phép cộng sản tham gia chính quyền, kể cả trong ngành quan trọng bậc nhất cho tương lai là giáo dục mà không bị đuổi việc, đều là Dân chủ; kết quả phiếu bầu thông qua toàn bộ cũng đều là của Dân Chủ. Con số không biết thiên vị, nó đã nói lên rất rõ rằng Dân biểu hay TNS Dân chủ Cali. đã tỏ rõ lập trường mạnh dạn chấp nhận và ủng hộ cộng sản. Chỉ có một số lớn người Việt vì đảng phái của mình nên không chịu nhìn sự thật này mà thôi.
Cộng đồng người Việt nghĩ gì? Một mặt, cờ vàng tung bay hiên ngang tưng bừng trong những cuộc biểu tình đả đảo, hay gây quỹ gửi về cứu trợ đồng bào ruột thịt thân thương ở quê nhà thì mặt khác, chính một số không nhỏ vừa cầm cờ lại vô tình ủng hộ, vun xới cái gốc cây trái đắng – tức là chống cái quả mà vun bồi cái nhân! Như vậy thì chống làm gì! Và có phải là mình đánh ta hay ta đốn mình trồng chăng? Dù bị chối bỏ để cấp tiến kiểu - tiến nhanh, tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa như thường nghe nói, thì sự thật nó cứ vẫn sờ sờ, đã được phơi bày hai lần, không còn úp mở gì nữa. Muốn hay không, qua hai lần kinh nghiệm trên, người ta vẫn thấy rõ rằng: ai muốn một ngày mai không xa, có cộng sản cùng nắm quyền, dạy con em mình học thì cứ như lâu nay, tiếp tục ủng hộ cho đảng Dân chủ thêm sức mạnh; còn ai không muốn cái tương lai ngậm đắng nuốt cay mà mình đã bỏ chạy thì không theo đảng Dân chủ. Chỉ có đơn giản vậy thôi! Ở xứ tự do, vào hay ra một đảng nào còn dễ hơn ăn ớt và quyền tự do chọn lựa của mỗi người đều được tôn trọng, nhưng dù sao thì tình đồng bào nên trân qúi bằng cách nên tỏ thái độ dứt khoát, rõ ràng.
Người bình dân chưa nhiễm tư tưởng đảng phái, chưa bị tuyên truyền, dễ dàng nhìn ra chấn động vừa qua như một bài toán cộng trừ ở bậc sơ học. Nhưng người có trình độ chính trị bài vở, trường lớp, khoa bảng có lập luận khác tùy mục tiêu riêng, tùy đảng phái mà họ dấn thân phục vụ. Vì thế bằng cách này hay cách khác, lời nói của họ thường có màu mè khác với chính sự việc.
Sống ở Hoa Kỳ, hàng ngày nên theo dõi tin tức nhiều chiều hướng khác nhau; nếu không đặt mình vào hàng ngũ bang phái nào, người ta mới có thể dễ dàng nhận ra những luận điệu tuyên truyền, mị dân trước khi bị tiêm nhiễm, ngu hoá. Chẳng hạn năm 2008, sau khi ông Obama đắc cử tổng thống các đài báo tả khuynh tưng bừng ca tụng bà First Lady Michelle Obama là một trong 100 người phụ nữ đẹp nhất thế giới; tiệm quán từ nhỏ đến lớn khắp nơi đều có tạp chí đăng hình người đẹp. Năm nay Mỹ có bà First Lady Melania Trump, phụ nữ “chân dài” từ giới model, là di dân, nói được 5, 6 thứ tiếng, nhưng đố ai tìm được một lời khen hay một tờ tạp chí nói đến. Báo chí 90 % tả khuynh miệng lúc nào cũng ủng hộ di dân nhưng sao không nghe một câu ủng hộ người di dân vào Toà Bạch Cung cho lọt tai? Hình của bà First Lady mới Melania Trump không thấy tạp chí nào đăng cả. Do cái tâm phe phái nhỏ nhen, do trí óc kém minh mẫn hay do cặp mắt của những nhà truyền thông báo đài lớn bị bệnh gì? Lại nữa, Trump ngu dốt nay đã có bằng tiến sĩ gì chưa; Trump khùng, Trump bệnh tâm thần ... nay đã hết bệnh chưa, mà dám đi gặp lãnh đạo nước ngoài? Đây chỉ là vài ví dụ nhỏ, còn không kể hết bệnh của truyền thông tự do bất lương, không kể hết công cụ tuyên truyền đã ngu hoá quần chúng.
Riêng người Việt sang Hoa Kỳ, thế hệ thứ nhất nay đã cao tuổi. Điểm lại, thời trước năm 1975 ở miền Nam, người Việt đã sống và hưởng nền tự do dân chủ rất non trẻ, chỉ trong vỏn vẹn vài thập niên, có được bao nhiêu người còn nhớ hay hiểu tận tường về nền tảng, cương lĩnh chính trị (platform) của các đảng phái như Dân Chủ hay Cộng Hoà thời đó. Nếu có thì con số ấy chắc chắn không là bao. Và khi được định cư đến nay, có được bao nhiêu người hiểu rõ cương lĩnh và xu hướng của hai đảng lớn trong nền chính trị Hoa Kỳ? Lần nữa, thử đoán xem con số ấy được bao nhiêu phần trăm? Và nếu số đông chỉ hiểu mù mờ thì thật đáng tiếc, bỡi chính sự mơ hồ ấy đã nhiều lần giúp người ta tự phản bội chính mình qua lá phiếu, hay huênh hoang ủng hộ cho những chính sách đánh đổ những thứ mình trân qúi và cần gìn giữ để rồi phải cười ra nước mắt.
Để giúp cho cộng đồng Việt ngữ nâng cao dân trí, truyền thông tiếng Việt cần trung thực khách quan, một điều dễ như đói thì ăn, khát thì uống nhưng quả thật ngày càng khó kiếm! Điều đáng sợ là khi truyền thông đã tuyên truyền làm cho cả khối người ngoan ngoãn tín thác, gửi hết quyền chọn lựa của mình cho một đảng; gọi là tự do chọn lựa nhưng lại vì đảng mà không cần tìm hiểu, phán đoán, suy luận gì cả, không nhìn xem phía sau những lời nói, luận điệu ấy là gì và hệ quả ra sao.
Thật đúng khi nói rằng người HK rất tự do và cũng không sai khi nói rằng một số không nhỏ di dân khi đã trở thành công dân HK lại coi thường tự do mình đang có. Họ tự mình đánh đổi tự do cũng như những giá trị văn hoá, đạo đức mà dân tộc họ đã thủ đắc qua hàng nghìn năm chỉ để thoả mãn óc đảng phái. Họ vừa đá đổ ngay những gì họ trân qúi và vừa bênh vực cái mà họ chống rất quyết liệt. Nghe rất ngược đời nhưng đó là sự thật đau lòng khó nói: ta giữ mình phá hay ta chống mình bênh!
Một mặt, người Việt rất trân qúi và gìn giữ giá trị và đạo đức ở gia đình, rất tự hào về đức tự chủ, biết tiết chế những dục vọng cá nhân, coi trọng giềng mối luân lý, đạo đức - đó chính là bảo thủ từ đầu đến chân, thế mà mặt khác lại đả kích bảo thủ không tiếc lời, và ngược lại, ủng hộ Dân chủ, Cấp tiến - tả khuynh tự do thoả mãn dục vọng của con người, đòi nhà nước cung cấp bao cao su và thuốc ngừa thai, quyền tự do phá thai xem như quyền sử dụng cơ thể và được nhà nước chu cấp. Như thế khác nào khuyến khích con em trai gái, phụ nữ trong nhà xem thường giá trị đạo đức nhân bản. Làm sao tránh được hệ quả trác táng, trụy lạc, sao đọa!
“Tay làm hàm nhai” hoặc “có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần cho ta” là bực thang căn bản, rất chắc trong tinh thần tự chủ, tự cường của người Việt, nhưng tiếc thay không ít người lại ủng hộ đảng đã đề ra và thông qua luật hợp pháp hoá ma túy thì con em thế hệ mai sau tránh sao khỏi nghiện ngập, gật gà, gật gù sống nhờ trợ cấp của nhà nước. Có còn không những cá nhân thật trưởng thành? Có còn không rường cột của ga đình và quốc gia xã hội? Có còn không một xã hội an bình thạnh trị? Có cần xem những luật này do bên nào đề xướng và bên nào thông qua hay không? Ta có quyền chọn lựa đảng nhưng trách nhiệm đối với con cháu không phải là cái có thể chọn lựa lấy hay bỏ. Ta cần thoả mãn đảng phái mà ta thích bây giờ hay ta nên hy sinh chút khoái lạc vì con em mai sau.
Một ví dụ khác, nhà ai cũng có hàng rào, tường xây kín chắc chung quanh, đi ra khoá, đi vô cài; thấy ai hơi lạ giống di dân bất hợp pháp là lo dặn con cái nên dè chừng; đánh xe ra chợ cũng mang theo thái độ đó hoặc xuống đường kêu gọi chống Tàu lấn biên giới Việt nam. Trong khi ở đây chính phủ ra sức làm tường rào bảo vệ biên giới, ngăn di dân lậu tràn vào nước – không phải tất cả đều là người xấu nhưng đây là vấn nạn chung cho đất nước, trong đó có phần của ta thì mình lại theo đảng chống lại, ghép tội chính sách đủ điều. Thế nghĩa là sao? Có phải là lối bắt chước, học đòi “phải đạo chính trị” hay vì đảng mà đánh mất đi cái khí chất lương thiện của mình?
Cứ chạy theo chi tiết người ta dễ bị tuyên truyền làm lệch lạc cái nhìn chân chất, và tin cái giả ngụy thay cái chân. Xin giới thiệu vài nét khái quát về chính trị ở Hoa Kỳ cho những người công dân mới:
HIẾN PHÁP là kim chỉ nam cho nền tự do dân chủ Hoa Kỳ
Hoa Kỳ giữ vững được nền tự do nhờ sự duy trì được Hiến Pháp. Một khi HP bị dẫm lên vì mưu đồ chính trị của đảng phái, lái đất nước đi theo một chủ nghĩa ngược lại với cốt lõi tinh thần của HP, quyền của dân trên hết : “We The People” (dân vi qúi) thì thể chế chính trị rung rinh và xã hội bắt đầu rối loạn.
Nhìn khái quát về chính trị (Bảo thủ, Phóng khoáng đến phóng túng, Cấp tiến)
CH và DC đều có nhóm bảo thủ, DC có ít hơn nhưng ngày nay con số này giảm dần đáng kể trong vòng 15 năm trở lại đây trong khi đó nhóm tự do buông thả (liberal) ngày càng lớn dần đưa đảng DC ngày càng đi xa về phía trái (far left) không còn như DC thời Tổng thống Kennedy hay Regan. Năm 2000 có khoảng 27 % theo tư tưởng tự do buông thả. Hiện nay con số đó tăng lên khoảng 41%. Ưu điểm của chính trị ở Hoa Kỳ là làm sao giữ được thế cân bằng; các đảng phái phải luôn tôn trọng Hiến pháp, rốt cùng cũng tìm điểm chung, xoay quanh ở trung tâm bằng những chính sách ôn hoà (Moderate). Bên nào nắm quyền lực có mưu toan đưa đất nước đi thái quá về phía của mình bằng những chính sách cực đoan vượt ngoài giới hạn của HP cũng có thể gây hại cho quốc gia, xã hội. Đi quá xa về bên trái, kinh tế sẽ yếu kém, đạo đức suy đồi, xã hội thoái hoá, chính phủ sẽ dần hồi trương nở, dài tay kiểm soát, sẽ trở nên bạo quyền(tyranny), độc tài toàn trị (totalitarian), độc tài cộng sản (communism). Đi quá xa về bên phải chính phủ sẽ quá nhỏ, không đủ quyền lực, người dân quá nhiều quyền, nếu người dân kém giáo dục, thiếu ý thức tự kiềm chế, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ dẫn đến hỗn loạn vô chính phủ (Anarchy)
Nhiệm kỳ của thành viên lưỡng viện Quốc Hội và của Tổng thống có thể coi như một trong những nút để điều tiết. Chính sách nào được thực hiện một thời gian không thấy có kết quả hoặc kết quả tồi thì vẫn không có ảnh hưởng vĩnh viễn vì chính phủ mới sẽ kịp thời thay đổi, sửa chữa, bổ sung hoặc hủy bỏ luôn. Chính vì vậy mà nước Mỹ sớm vươn lên trở lại sau những lần suy sụp. Xem trong lịch sử Hoa Kỳ người ta có thể thấy được dân Mỹ chóng quên quá khứ và ưa thay đổi cho nên khó có đảng nào giữ ghế Tổng thống 12 hay 16 năm hoặc hơn nữa. Dù nước Mỹ an bình, thịnh vượng tốt đẹp tuyệt vời cũng chưa chắc là đảng đương quyền có thể tiếp tục giữ ưu thế quyền lực lâu dài. Hoặc ngược lại, trừ khi trời xui đất khiến, vận mệnh nước Mỹ suy vi chưa đủ, mùi bĩ cực phải chịu chưa thấm đủ thì một đảng nào đó tiếp tục đắc cử trong khi dân tình đã và đang chịu kham khổ bỡi kinh tế yếu kém, xã hội chia rẽ, xáo trộn, an ninh không bảo đảm.
Với hiện tình xã hội và nhiệm kỳ thông thường 8 năm của tổng thống DC, dân Mỹ thay tổng thống là điều không có gì là trái lẽ thông thường. Nhưng sỡ dĩ xã hội có nhiều rối ren sau bầu cử là do hai lý do:
Thứ nhất là nền tảng mà người tiền nhiệm đã xây trong một khối dân chúng trái với con đường truyền thống mà người kế nhiệm đang muốn xây dựng lại.
Thứ hai, là TTDC (truyền thong dòng chính) một khi đã biến mình thành tổ chức tuyên truyền cho một bên (bias), tức cái tốt đã biến chất trở thành mối nguy cho xã hội. Qua cuộc bầu cử tổng thống 2016 càng nổi rõ trắng đen hơn 90% truyền thông dòng chính thiên Dân chủ, tả khuynh (liberal). Khi truyền thông đã trở thành công cụ của một phe đảng thì dĩ nhiên là bất công, thiếu trung thực, không ngụy biện thì cũng lèo lái lái dư luận với những tin bị cắt xén, thêm bớt, bẽ cong, bóp méo, đẽo gọt, khéo léo hay lố bịch phô diễn ý cá nhân thiên lệch chứ không còn là tường trình. Có vị hãnh diện là mình đã dịch, sao chép từ báo lớn như NY time, Washington Post; tiếc rằng họ đã xem những tựa đề hấp dẫn như những tiêu chuẩn đạo đức hay lời truyền giáo mẫu mực mà bỏ mất câu hỏi đàng sau đó là gì; hoặc trích lời ông giáo sư này, bà tiến sĩ kia, chuyên gia nọ, nhưng tiếc thay chỉ là phổ biến những lý lẽ một chiều, hay diễn dịch tin và bình luận đã xào nấu từ các đài TV, trống kèn rùm beng nhưng rập khuôn một điệp khúc ca vũ. Quả táo đã bị úng, viên thuốc bổ đã quá hạn đều trở thành thứ độc. Truyền thông thiếu trung thực còn hơn thế nữa, vì nó có thể làm nên cơn dịch tậm lý tràn lan trong cộng đồng vô tội cả tin vì thiếu thời gian tìm hiểu.
Ở các nước tự do nhất là ở HK việc ủng hộ đảng nào kể cả đảng lớn như đảng Công hoà (con voi) và đảng Dân chủ (con lừa) còn dễ hơn chọn một đội đá bóng để cá độ. Có lẽ nào để ta phải hy sinh, chỉ nhắm mắt theo đảng và không cần biết phía trước là gì, nhất là trong thời buổi xã hội xáo trộn, rối ren, quyền chọn lựa của cá nhân dễ dàng bị tập thể hóa.
Ở đâu cũng vậy, truyền thông tự do tuy rất tốt nhưng một khi nó trở thành một tập thể biến tướng, ra sức phục vụ cho một mục tiêu ngu hoá quần chúng thì nguy hiểm hơn vũ khí trong trận chiến nhất thời. Nhà văn Dương Thu Hương đã nói lên nỗi ngậm ngùi cay đắng qua bài “Sức Mạnh Của Chủ Nghĩa Ngu Dân”, nếu ai đã đọc sẽ cảm nhận được sự hối tiếc muộn màng, cay đắng của một con người sau khi đã cho mượn cuộc đời vì những ngộ nhận, lầm lẫn. Dân chủ hay Cộng hoà, ai nuôi mộng bắt cầu rước quá khứ đau thương. Trong lúc hô cứu hoả bên kia bờ đại dương, có nên chăng ủng hộ người đem lửa ấy đốt dưới mông mình? Đã hai lần thủ đô Sài gòn được thoát nạn, nhưng chắc gì sẽ được may mắn ở những lần sau. Đã nhận chân được cây nào ra trái đắng, người ta có nên tiếp tục chăm bón nó nữa chăng? Hậu quả của chọn lựa sai lầm chắc chắn sẽ là đám mây đen bao phủ cả bầu trời Sài gòn Cali. không biết bao nhiêu năm. Dù sao thì tự do chọn lựa vẫn được tôn trọng và chỉ có trách nhiệm của những người đi trước đối với tương lai của con em chưa từng nếm mùi cay đắng, chưa biết chân giả thì không thể từ nan.
Vĩnh Tường
No comments:
Post a Comment