Friday, May 26, 2017

Du Học Mỹ Năm 1975





blank
Horsetooth reservoir (Fort Collins) và tác giả (1974).

Tôi bỡ ngỡ đứng trước George Town University (Washington DC) với hai cái va-li to tướngngơ ngác trước sự vĩ đại của trường đại học thì có mấy sinh viên, có lẽ là người ngoại quốc, xáp vào hỏi chuyện rất là thân thiện. Rồi họ xúm nhau đứa đẩy vali, đứa mang túi xách, giúp tôi đi đến khu International Programs để tìm hai người bạn đang học ở đây. Tôi vừa mới bước chân đến Mỹ.

An và Quí đẩy cửa bước vào phòng đợi gặp tôi. Vừa thấy tôi hai ông bạn trố mắt ngạc nhiên, mừng rở. Quí bật miệng trước:

- Ủa! Trời đất! Ông mới tới sao?

- Sao không gọi tụi tui? Anh An chen vô.

Tôi đang sung sướng thấy mình như vừa thoát qua một cơn ác mộng, trả lời đùa:

- Biết cách gọi điện thoại chết liền, rồi nói tiếp:

- Định nằm vạ ở phi trường, mấy xếp mình làm ăn cái kiểu gì kỳ cục quá, đem con bỏ chợ! Tôi đến phi trường Washington DC nhưng không thấy ai đón cả. Hên quá mò được tới đây gặp được hai ông!

Quí và An đưa tôi về Hartnett Hall, nhà trọ nơi hai anh đang tạm trú được tháng nay. Cái studio nhỏ xíu. Tôi ngủ tạm trên Sofa đêm ấy. Quí đã nhường cho tôi cái mền nhưng vẩn thấy lạnh thấu xương.

Đó là đêm đầu tiên tôi ở Mỹ, và cũng là cái đêm kỷ niệm lần đầu tiên tôi được nhìn tuyết rơi lả tả qua ánh sáng ngọn đèn đường trước nhà. Tuyết thật chứ không phải tuyết trong TV.

Suốt đêm trằng trọc vì bị “jet lag” lại bị lạnh cóng,tôi chỉ mong cho trời sáng mau để được ra ngoài sân xem tuyết. Vừa mở cửa ra sân tôi vội thục lùi vì không khí lạnh ùa vào phòng lạnh buốt. “Xứ gì mà lạnh quá”, tôi lầm bầm trong miệng. Tuy nhiên tôi không thể giữ được tiếng “wow! ” ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh tuyết trắng phủ đầy, ngoài sân, trong vườn, trên mái nhà, ngoài đường phố, bám đầy trên các cành cây trơ trụi, sáng rực một màu trắng long lanh. Tôi ngỡ như mình đang sống trong mơ vì mới ngày hôm qua tôi còn vẫy tay chào thân nhân đưa tiển ở phi trường TSN, mồ hôi nhễ nhại ướt cả cái áo “vét-ton” còn thơm mùi vải mới.

Rồi cả ba chúng tôi dọn về một “boarding house” khác ở đường Wyoming St, nơi đây chúng tôi sẽ ở trọ ba tháng để tiếp tục học Anh ngữ.

Thời gian ở Washington DC có lẽ là thời gian đẹp nhất của chúng tôi ở Mỹ. Tuổi trẻ vô tư, đầy sức sống. Tâm hồn trong sáng hồn nhiên với viễn ảnh rực rở về tương lai đang thênh thang rộng mở. Chúng tôi không biết lo biết buồn là gì. Ở thập niên 1970s được đi du học Mỹ là một đặc ân và chúng tôi là những người may mắn nhất.

Xứ Mỹ bao la vĩ đại nhưng bị thu nhỏ lại trong phạm vi chúng tôi có thể đi bộ được: từ nhà đến trường cách xa chừng 3- miles, cái chợ “Safe Way” cách vài “blocks” và trạm xe buýt ở bên kia đường.

Ba ông “Hai Lúa Cần Thơ” lúc nào cũng đi chung, ngày ngày cắp sách đến trường, cuối tuần đi chợ hoặc đón xe bus xuống downtown Washington DC để lục lạo dưới basement tìm đồ “on sale” giá bèo.

Đi đâu bọn tôi cũng xách theo cây dù kể cả lúc trời không mưa không nắng. Có người thắc mắc hỏi sao lại xách dù đi phố? Xin thưa, chúng tôi dùng dù làm vũ khí tự vệ. Nếu lở có bị mấy đứa Mỹ đen đứng lù lù ở mấy gốc đường tấn công ẩu, ông sẽ dùng dù chĩa cho nó đổ ruột! Washington DC nhiều Mỹ đen thấy ghê lắm.

blank
Georgetown Univ. Tác giả (1st), An (3rd), Quí (4th),và các bạn cùng lớp.
Boarding house cung cấp bữa ăn sáng. Ông bà chủ tuy là Mỹ trắng nhưng vì sống lâu năm với đám người ngoại quốc nên làm biếng nói tiếng Mỹ, họ cứ “what” hoài mắc công giải thích. Mỗi thực khách được chọn hai quả trứng gà mỗi buổi sáng. Thay vì hỏi “How do you like your eggs (cooked)” rồi phải giải thích lòng vòng ông hỏi thẳng:

“Hard-boiled, scrambled or over easy? ”

Mình được chọn trứng một trong ba kiểu nầy: trứng luộc, trứng đánh chiên hoặc trứng chiên còn nguyên. Sữa tươi, cereal, coffee dùng thoải mái nhưng trứng thì chỉ có 2 quả. Ngày 2 quả, một tháng 60 quả. Thuở ấy làm gì có hàng quán Việt Nam để thay đổi món ăn sáng như mì, phở hay bún bò Huế! Ba chàng đếm quả hằng ngày nghe ớn đến cổ nên bàn nhau chuyện lén nấu món Việt Nam trong phòng ngủ.

Thức ăn được giữ trong tủ lạnh do kỹ sư Cần Thơ tự chế, làm bằng thùng carton để ngoài cửa sổ. Lúc ấy là mùa đông, trời Washington DC khá lạnh nên cái tủ lạnh tự chế “chạy” rất tốt, chứa đầy nước ngọt, bia, trái cây, rau cải, sữa bò.. đủ thứ. Chỉ cần mở cửa sổ, thò tay vào thùng carton là lấy được đồ trong tủ lạnh.

Đầu bếp chánh của chúng tôi là anh Hàn An, chuyên nấu món gà rô ti. Anh “chuyên” món nầy vì đó là món duy nhất anh biết. Anh An, người cao lớn nhưng ốm nhom. Trước khi đi Mỹ, bà xã anh sợ ông chồng ốm yếu ở Mỹ thiếu ăn nên dạy anh nấu món nầy tẩm bổ. Tôi và Quí là bếp phụ nên chiên xào đủ thứ, những món không tìm thấy trong sách dạy nấu ăn.

Thỉnh thoảng chúng tôi nhận thêm hội viên mới, từ Việt Nam sang Mỹ tu nghiệp ngắn hạn hoặc dự các hội nghị. Tuy ở Việt Nam cở hàng Giám Đốc, Trưởng Phòng, nhưng khi gia nhậphội chỉ có hai chức vụ,hoặc đầu bếp hoặc busboy, tự chọn. Anh Lợi (G. Đ. Phủ Tổng Thống) thêm vào menu món gà nấu cam, anh Dương Minh Đức (G. S. ) vừa tốt nghiệp xong, trên đường về Việt Nam) lảnh phần phục vụ, dọn dẹp. Trải báo ngồi dưới thảm mà ăn, mọi người hồn nhiên, vô tư như đám học trò nội trú.

Hàng ngày ba “cậu” đầu đội nón, cổ quấn khăn, trịnh trọng xách cặp Samsonite đến trường. Chúng tôi đi bộ trên những con đường nhỏ dọc theo những hàng cây trơ trụi. Hai bên đường là những dải nhà xưa cổ kính, xây bằng gạch đỏ, cửa đóng im lìm có treo vòng hoa Christmas. Ngoài đường không một bóng người đi lại. Thỉnh thoảng có ông già dẫn chó đi bộ. Đường phố vắng hoe. Lâu lắm mới có vài chiếc xe qua lại. Mùa đông ở Washington DC buồn đứt ruột.

Sau ba tháng học Anh văn ba “cậu” dọn nhà bếp về Fort Collins, CO. để vào đại học CSU. Trong suốt 2 năm đi học ở CSU, ba đứa tôi ở chung một nhà trọ. Nhờ vậy món gà rô ti độc nhứt vô nhị của anh An vẫn còn đủ ba người khách trung thành.

Tuy đã được huấn luyện Anh văn rất kỹ ở Hội Việt Mỹ ở Việt Nam và ở George Town University, phải đủ điểm Toefl trước khi vào đại học, trình độ Ang ngữ của chúng tôi còn rất yếu. Mấy “semesters” đầu tiên ở Đại Họctôi nghe thầy giảng như vịt nghe sấm. Thời gian học lại cố định nên phải lấy nhiều lớp một lúc mới kịp thời gian. Vì là sinh viên cao học nên tôi phải lấy những lớp cao nên “lội” thấy mà thương để theo kịp các sinh viên khác. Phải mượn “notes” của bạn bè. Phải tra tự điển từng từ ngữ một trong ngành chuyên môn. Tuy nhiên, kết quả thi cử lại thường rất là khích lệ vì sinh viên Việt Nam nổi tiếng là mọt sách. Trong khi các sinh viên khác “party” vui chơi, chúng tôi cậm cụi“cày”, lọ mọ ngày đêm trong thư viện.

Trước năm 1975, chưa có người Việt ty nạn nên người Việt ở Mỹ rất ít. Lúc ấy cũng chưa có từ ngữ “Việt Kiều”. Ở trường CSU, có khoảng mươi mấy sinh viên Việt nam, gồm đủ thành phần như trường Vỏ Bị Quốc Gia Đà Lạt, bộ Kinh Tế, ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp, Đại Học Nông Nghiệp… Hầu hết sinh viên đều có học bổng của USAID, được chăm sóc bởi một “Liaison Oficer”, Dr. Webber.

Trước khi đi Mỹ ba đứa tôi được xếp ngạch là Giảng Nghiệm Viên đại học, chỉ số lương 500, thuộc về hạng khấm khá, lương tháng khoảng 40,000 đồng ($340) trong khi ấy lương lính Dân Vệ khoảng 13,000 đồng. Đi du học theo kiểu công chức như bọn nầy, ngoài tiền lương ở VN gia đình lãnh đủ, còn được học bổng cho thêm $300 tiền mặt mỗi tháng để chi xài. Ăn uống tốn khoảng $100, tiền phòng mất $100, con dư $100 đô xài hoài không hết, tôi để dành mua xe hơi.

Chiếc xe đầu tiên tôi mua $300 đô, Pontiac Catalina 1969. Xe cũ nhưng tuyệt đẹp, nệm da, trong ngoài láng cón. Nó lớn đến nỗi nằm trên nệm sau khỏi phải co chân. Ông cố đạo bán xe cho tôi, đã lấy tiền bỏ túi nhưng không chịu đi, cứ đứng nhìn hoài tiếc rẻ chiếc xe! Trước khi đi, ông còn vỗ vào đầu xe mấy cái rồi trách móc “sao mầy nỡ bỏ tao! ” tuy rằng ông là người bán nó!

Chúng tôi có được chiếc xe làm chân, tôi làm tài xế cho các người Việt mới đến,cuối tuần đi đi câu cá bẻ măng tây mọc hoang. Cá thì không thiếu, chỉ thiếu người làm cá!

Trong thời gian trường nghỉ xả hơi (school break), mấy đứa chúng tôi chất đầy xe đi khám phá xứ Mỹ vì sợ rằng một khi về VN sẽ không còn cơ hội trở lại nữa, như đi Grand Canyon, Yellow Stone, Golden Gate,Yoyemite, Dead Valley, Disney Land, Universial Studio, Sea World…

Đi chơi đến đâu chúng tôi ở tạm nhà các bạn bè, đều là sinh viên với nhau. Lúc ấy còn trẻ, tôi lái xe cả ngày đêm không biết mệt, khi buồn ngủ ghé qua các “rest areas” ngủ tạm. Cả bọn sống bụi đời, lại ỷ đông nên không biết sợ mấy tên bụi đời thứ thiệt ở đó. Bây giờ nghĩ lại mới thấy ớn.

blank
Gia đình anh chị Sáu Minh ở Fort Collins và đám sinh viên.
Tôi còn nhớ kỷ niệm lần đầu lái xe trên xa lộ ở California. Quen lái xe trong thành phố Fort Collins nhỏ xíu loe ngoe mấy chiếc xe nên khi lái lần đầu trên xa lộ ở California, hồn vía tôi muốn xuất. Tay đổ mồ hôi ướt mẹp. Không ngờ ở đây người ta chạy xe khiếp quá! Tôi là tài xế lái xe, mà như lái chiếc máy bay Boing 747, có hai phi công phụ, người đọc bản đồ, người phụ nhìn xe cộ.

- Ối cha, sao mà khiếp quá. Còn bao xa hả Quí? Tôi hỏi.

- 2 miles thì exit. Ông coi đổi lane thì vừa. Quí trả lời.

- Xe nhiều quá, coi đằng sau giùm tui anh An.

- Khoan… khoan, còn cả dọc xe, bật signal chưa?

- Rồi nhưng tụi nó không nhường

- Thì ông vọt lẹ lên đi, chạy tè tè như vầy làm sao sang lane được.

- Bảy chục rồi cha nội.

- Thì chậm lại cho nó qua. Không kịp bây giờ.

Quí, chuyên viên bản đồ, hoảng hốt la:

- Chết cha rồi, exit trước mặt đó.

Có tiếng An la:

- Ok, OK, nó nhường rồi, đổi lane đi, lẹ lên.

Tôi vừa đổi được lane là thấy cái exit lù lù trước mắt. Nếu bỏ cái exit nầy… thì phiền lắm. Quýnh quá tôi chơi luôn, quay nhanh tay lái nhào vô cái exit, làm xe chao mạnh. Mấy ông ngồi trong xe bị rớt khỏi băng, la trời như bộng. Quang vừa lồm cồm ngồi dậy, vừa cự nự giọng Bắc kỳ.

- Gớm… Ông lái ô tô cáí kiểu gì vậy? Lạng quạng bỏ mẹ!

Có tiếng anh Thạch càu nhàu:

- Kỳ tới đi xe ông tui đội nón bảo hiểm cho chắc ăn.

Thời bấy giờ tiểu bang Colorado rất ít người Việt. Có lần chúng tôi gặp được một đồng hương, chị tên Hương, còn trẻ, lấy chồng Mỹ. Gặp nhau mừng quá, chị bảo “Chỉ nghe các anh nói tiếng Việt thôi là đã thấy thương rồi”. Chị mời chúng tôi đến thăm nông trại của vợ chồng chị ở một làng nhỏ mà tôi quên tên, bên tiểu bang Wyoming giáp ranh với Colorado.

Một ngày cuối tuần đẹp trời, tôi lái chiếc “Boeing 747” với 2 pilot phụ và phái đoàn, vượt ranh giới Colorado sang Wyoming thăm chị Hương. Phải lái xe ngoằn nghèo theo mấy con đường núi mất hai ba giờ mới tới.

Wyoming là xứ tuyết, ít dân nhất ở Mỹ. Năm 1975, cả tiểu bang chỉ có hơn 380 ngàn dân. Giữa mùa hè mà có nơi vách tuyết hai bên đường cao tới đầu. Bill, chồng chị Hương, đón chúng tôi tận ngoài đường cái. Muốn vào nông trại phải lội bộ qua một dòng suối nhỏ, nước chảy lấp xấp trong mùa hè khi tuyết tan. Chỉ có xe “four wheel drive” mới qua được suối.

Bill là một cựu quân nhân chiến đấu ở Việt Nam, giải ngũ trở về Mỹ với chiến lợi phẩm là một cô gái quê miền Nam vừa đẹp vừa hiền. Thấy chúng tôi lưỡng lự vì phải cởi giày, xăn quần lội qua suối nước lạnh như cắt da, anh đề nghị cõng từ đứa sang suối. Tôi ôm cổ Bill như con khỉ ôm cột nhà vì Bill cao hơn 6”, nặng trên 250 lb, trong khi tôi gầy đét ốm nhom như cây tre miễu, dù đã ráng uống sữa tẩm bổ cũng chỉ lên được 115 Lb. Tuy Bill hiền từ dễ thương nhưng tôi vẫn thấy đã nư trong bụng khi được anh cõng trên lưng, tự nhủ: “Mi đã biết lỗi nên ông tha cho cái tội chôm chĩa con gái Việt Nam”.

Vợ chồng chị Hương tiếp đãi chúng tôi thật nồng hậu. Wyoming là thiên đàng cho ai thích câu cá. Các dòng suối nước trong vắt nhìn thấy bầy cá Trout lội nhởn nhơ, mấy con cá chép cỏ (grass carp) cả chục pounds, lừ đừ trong các vũng nước đọng. Trên đồi, rau húng lủi, rau hẹ mọc hoang như cỏ dại. Dưới suối, rau xà lách son mọc từng dề xanh rì. Trong lúc chúc tôi mê mẩn câu cá, hái rau, Bill đã chuẩn bị sẵn một con trừu nướng cho bữa ăn trưa. Phái đoàn ăn một bữa hả hê!

Tội nghiệp chị Hương, nước mắt rưng rưng khi chúng tôi từ giã ra về. Chị bảo có lẽ cả năm nữa chị mới có dịp gặp được người đồng hương, mới được nói tiếng Việt! Tiếng Việt mình quí hiếm lắm.

Nơi chị Hương ở nghe nó xa vời như làng Cổ Cò ở xứ Năm Căn ở Đồng Tháp, hoặc làng Timbuktu bên xứ Mali ở Phi Châu. Không biết ngày nay chị có còn sống ở cái làng Timbuktu của chị không? Chắc chị có thêm nhiều bạn đồng hương mới để được nói tiếng Việt và không còn cô đơn nữa?

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 xảy ra như một cơn ác mộng, làm đảo lộn tất cả đời sống yên bình của những sinh viên du học Mỹ.

Họ mất ăn mất ngủ, nhốn nháo tìm nhau để bàn luận, trao đổi tin tức đã thu nhận được trong ngày. Mỗi tối họ tụ lại, yên lặng ngồi xem tin tức trên TV, nhìn bản đồ Việt Nam bị sơn đỏ theo sự bành trướng của Cộng Sản đang xâm chiếm miền Nam. Họ theo dõi những hình ảnh đau thương đầy máu lửa của cuộc chạy loạn miền Trung tiếp nối là cuộc di tản hãi hùng. Ai cũng sững sờ nhìn nhau mà nước mắt rưng rung. Không biết người Việt Quốc gia đã làm gì nên tội mà họ phải trả bằng một giá quá cao, bằng xương trắng máu đào và nước mắt của hàng triệu sinh linh vô tội mà trong đó có thân nhân gia đình của chúng tôi. Họ thấy bất lực, chỉ biết nhìn nhau ngỡ ngàng khóc không thành tiếng.

Tòa Đại Sứ VNCH đóng cửa, mọi thông tin liên lạc về Việt Nam hoàn toàn bị cắt đứt (và kéo dài 20 năm cho đến ngày 07/11/1995 mới bình thường hóa). Học bổng là nồi gạo của các sinh viên cũng bị chấm dứt.

Các sinh viên có gia đình còn vợ con ở Việt Nam là khổ tâm nhứt. Học hành dang dở, vừa lo kế sinh nhai vừa hoang mang lo lắng cho gia đình ở Việt Nam nên nhiều người không chịu nổi áp lực rơi vào tình trạng trầm cảm. Một số quyết định trở về Việt Nam với bất cứ giá nào, kể cả hy sinh tánh mạng của mình.

Tôi biết có sinh viên quyết tâm trở về qua chuyến tàu Việt Nam Thương Tín khởi hành từ Hawaii mang 1,600 người Việt hồi hương. Chuyến tầu vừa cập bến VN, tất cả đều bị đưa lên xe bít bùng về nơi tập trung, bị lột truồng lục soát, trấn lột. Tiếp theo là nhiều năm tù đầy, ít nhứt là 5 năm. Sau ngày mãn tù họ phải vượt biển lần thứ hai hoặc theo diện HO sang Mỹ trở lại.

Tôi có bạn du học ở Philippinnes trở về bằng tàu thương buôn và anh không bao giờ về đến Việt Nam. Anh bị cướp giết trên tàu rồi vất xác xuống bể.

blank
Tác giả 1975.

Tôi cũng có người bạn là du học sinh bên Pháp trở thành mất trí, lang thang ở các bến tàu và sau cùng bạn bè tìm được xác anh gục chết vì đói lạnh dưới một gầm cầu.

Cũng như các quân cán chính VNCH ở Việt Nam bị bỏ rơi, các sinh viên du học cũng cùng chung số phận, bị bỏ rơi như đàn gà con mất mẹ. Trong lúc Miền nam kêu gào giãy chết, những người Việt Quốc Gia hải ngoại trong đó có đám sinh viên du học như chúng tôi cũng giở khóc giở cười, ngậm ngùi cùng chia sẻ nỗi đau chung.

Đa số sinh viên phải bỏ học đi làm để sống. Một số khác may mắn hơn, được trường nhận làm GRA (Graduate Research Assistant) hoặc GTA (Graduate Teaching Asistant) để được tiếp tục sự học cho đến ngày ra trường. Trong số nhỏ may mắn nầy có ba đứa tôi. Các người bạn khác đều phân tán, không biết bây giờ lưu lạc ở đâu.

Lần lượt có nhiều gia đình người Việt được các nhà thờ Tin Lành bảo trợ dọn đến vùng Fort Collins, và các tỉnh nhỏ lân cận như Greeley, Loveland, Longmont. Khi vừa đến Mỹ ai cũng có tâm trạng ngỡ ngàng lạc lõng nên quí lắm khi gặp được đồng hương. Số người Việt lại quá ít nên tình đồng hương rất là khắng khít đậm đà. Nhiều gia đình thương chúng tôi là những sinh viên cô đơn nên được mời về chơi, được cho ăn đủ các món Việt Nam, không như xưa chúng tôi nấu ăn không có nước mắm. Tôi vẫn còn thấy như mình còn mang một món nợ với gia đình anh chị Sáu Minh với 6 đứa con nhỏ. Anh chị quí mến và đối xử với chúng tôi như người trong nhà. Mấy đứa con không có bạn để chơi, để nói tiếng Việt nên quấn quít bên chúng tôi, thương lắm. Từ khi có anh chị Minh về đây, món gà rôti của anh An trở nên ế ẩm, rồi dẹp tiệm luôn!

Ngày xưa, đi Mỹ du học là giấc mơ vàng son của tuổi trẻ. Sự sụp đổ của Miền Nam đã chôn vùi tương lai của cả một dân tộc, trong đó có những giấc mơ bé nhỏ của bọn sinh viên chúng tôi. Bao nhiêu ước vọng về tương lai, bao nhiêu mộng mơ đã xây dựng đều sụp đổ tan tành thành mây khói.

Trong tình trạng nhiễu nhương lúc bấy giờ, tập trung tư tưởng để tiếp tục học hành không phải là chuyện dễ. Tôi cố gắng học để tốt nghiệp thật nhanh, mong sao sớm xếp lại chương cuối cùng của quá trình học vấn đầy biến cố. Tôi học miệt mài ngày đêm, mệt mỏi, căng thẳng, gần như kiệt quệ.

Ngày ra hội đồng tốt nghiệp, tôi hồi hộp ngồi đợi kết quả của hội đồng giám khảo đang hợp kín. Đây là giây phút quyết định cuộc đời tôi. Nếu thất bại lần nầy, tôi sẽ bỏ cuộc tất cả. Bao nhiêu công sức, tâm huyết đã đầu tư bấy lâu coi như vô dụng. Cho đến nhiều năm sau tôi vần còn bị ám ảnh bởi giây phút nầy. Nếu chẳng may thi rớt…

Tư tưởng vẩn vơ bị cắt đứt, tôi đứng bật dậy khi ông Department Head mở cửa phòng hợp kín đến bắt tay tôi nói: “Congratulations…”

Tôi không cần nghe thêm gì nữa ngoài “Congatulations”, một danh từ nhiệm mầu, mà tôi hằng chờ đợi!

Bao năm học tập miệt mài, bao cố gắng và tâm trí đã đầu tư, tôi chỉ mong đợi được nghe một chữ nầy thôi. Và tôi đã được nghe nó từ miệng của ông Phân Khoa Trưởng.

Như vừa được tháo gỡ gánh nặng nghìn cân, tôi chưa bao giờ có được cái cảm giác lạ lùng vậy, hệt như kẻ sắp chết đuối đã ngoi lên mặt nước kịp thời, trước khi vĩnh viễn chìm sâu dưới đáy biển. Tôi thở ra, như kẻ sống sót, không phụ lòng của bao người thân yêu đã đặt nhiều kỳ vọng vào mình.

Gom góp hành trang, với cái ba lô và thùng sách cũ, tôi lái xe ra đi, bỏ lại tất cả phía sau. Tôi muốn làm một chuyến lãng du, tìm cho tôi nguồn sinh khí mới để thở. Tôi chẳng màng đến chuyện dự lễ ra trường và từ giã bạn bè trước trước khi ra đi. Cũng vì vậy, tôi không có hình đội mũ tốt nghiệp để chưng ở phòng khách! Tôi tốt nghiệp sớm nhất (MS-1976), sau đó là Quí (MS). Anh Hàn An ở lại trường, tiếp tục học cho đến ngày tốt nghiệp Ph. D.

Nhớ hôm nào tôi hí hửng vẫy tay chào giã biệt Việt Nam lên đường đi Mỹđể mưu cầu công danh sự ngiệp. Có ai ngờ cái vẫy tay tạm biệt lại trở thành cái chào vĩnh biệt.

Nhớ thêm lần vẫy tay chào giã biệt thành phố Fort Collins, tôi còn thấy ngậm ngùi. Một mình lái xe, dấn thân vào một con đường mới, đâu biết được con đường ấy sẽ dẫn mình tới đâu?

Rồi sẽ còn bao nhiêu lần nữa tôi phải vẫy tay chào giã biệt trong cuộc sống nầy? Đời là một dòng sông chảy một chiều. Một khi đã ra đi mấy người quay trở lại?

Tôi viết những trang hồi ký nầy năm 2017, khi đã 72 tuổi. Lê Đình Quí 70 và Hàn An 76 tuổi. Hiện tại tôi đã về hưu ở thành phố Garden Grove, cách Santa Ana thành phố Quí ở 15 phút lái xe. Chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Dr. HanAn về hưu ở tiểu bang Idaho. Thỉnh thoảng gia đình anh có đến California thăm chúng tôi. Năm vừa qua (2016) tôi trở lại Fort Collins thăm trường cũ sau 41 năm từ ngày bỏ đi. Trường cũ hoàn toàn thay đổi và tôi chỉ gặp được một người bạn xưa, anh Quang Nguyễn, người duy nhất vẫn còn ở lại nơi đây.

Chú Chín Cali

No comments:

Blog Archive