Saturday, May 6, 2017

Chuyện Góc Bếp




6
Một ngày 24 tiếng, tôi thường chỉ ở trong bếp chừng vài tiếng, nhưng sao những chuyện tôi được nghe và thấy ở trong bếp lại in vào trong trí tôi lâu đến thế. Từ những chuyện vui buồn thuở thơ ấu bên Việt Nam cho tới sau này bên đất Mỹ. Ngày còn bé, ngoài giờ đi học và phụ giúp bố mẹ ngoài ruộng vườn, tôi rất thích quanh quẩn trong bếp nếu không chơi ngoài vườn, nhất là khi có mẹ ở đó. Bếp dưới quê tôi ở Kinh 5, Kiên Giang, ngày xưa, thường gần chuồng heo, ổ gà đẻ trứng hay ấp trứng, và cũng gần bờ ao để tiện lấy nước cho việc bếp núc, hay chữa cháy khi cần. Trong ngăn rơm, kế mấy ông đầu rau, cách bởi một vách đất cho khỏi cháy, mẹ cũng để đủ rơm và củi cho ít nhất ba ngày, phòng khi mưa bão. Bố tôi ít xuống bếp, nên bếp là giang sơn của mẹ và các anh chị em tôi.

Những năm ngập lụt, nhà bếp là nơi cho chúng tôi câu cá. Ruộng miền Tây thấp, nên khi nước lên, cá từ sông Cửu Long tràn về khắp ruộng đồng. Những năm không lụt, chúng tôi cất vó, cắm câu ngoài sông, và giăng lưới ngoài ruộng. Nhưng khi ngập lụt, chỉ cần ngồi trên giường, cũng có thể bắt được nhiều loại cá, nhất là cá rô đồng, bằng nhiều cách. Người lớn thì lo lắng buồn phiền vì nước làm mất mùa màng, sẽ thiếu ăn cho năm sau, và lo sợ sập nhà. Ngược lại, bọn trẻ con chúng tôi, vui thích vì được nghỉ học, nhởn nhơ dầm nước, chèo thuyền khắp nơi chơi đùa, hái trái cây còn sót trên cành, và bắt cá tôm thỏa thích.

Những đêm gần lễ Noel và cuối năm, nước đã rút, vườn tược xơ xác, gió bấc về rét khô mốc da, chúng tôi không có đủ quần áo, chăn mền. Mẹ lót rơm trên nền nhà đất nện, và trải chiếu buồm lên trên cho mấy đứa ngủ dưới bếp cho ấm. Những ngày này, vì lạnh nên lũ trẻ mau đói, mẹ cũng nấu thêm cơm nếp đậu đen hay đậu xanh cho chúng tôi ăn trưa ngoài ruộng và ăn dặm thêm trước khi đi ngủ.

Vui nhất là những ngày gần Tết, khi sắp có quần áo mới và đồ ăn ngon hơn ngày thường. Mẹ tôi cũng hay nấu rượu nếp trắng cho bố và cả rượu bách nhật màu hổ phách, chỉ nhìn cũng thấy ngon. Mẹ không cho tôi uống rượu nhưng cho ăn mấy viên cơm rượu ngọt lịm. Năm nào có chị Ba ở tỉnh về quê ăn Tết, chị thường mang về đường cát trắng phau để làm đủ thứ kẹo mứt. Mẹ chỉ gói bánh chưng cho Tết, mẹ không thích làm mứt. Mẹ nói làm mứt tốn nhiều đường cát trắng, thứ mà bên nhà không sản xuất được, có nghĩa là tốn nhiều tiền. Mẹ chỉ muốn dùng những thứ có sẵn trong ruộng vườn cho đỡ hao tốn. Anh Tư thích ăn ngon, hay chê mẹ là Bắc kỳ di cư hà tiện, quê mùa. Mẹ nói, nếu không hà tiện như thế, khi mới di cư vô Nam làm sao bố mẹ nuôi được sáu đứa con với hai tay trắng. Tôi không cần ăn mứt, chỉ thích nằm ổ rơm ngắm mẹ canh nồi bánh chưng trên bếp củi đỏ hồng, lách tách văng những tàn lửa như sao xẹt gần tới chỗ tôi nằm, thấy đời sao ấm áp, êm đềm, và rồi ngủ ngon lành lúc nào không biết.

Tuổi thơ chúng tôi ở nhà quê có nhiều niềm vui đơn sơ mộc mạc, nhưng cũng không thiếu những bất hạnh khó khăn. Hơn 50 năm rồi tôi vẫn còn nhớ rõ, mẹ tôi điềm đạm, hiền hòa, bà cưng con chừng nào thì bố tôi nóng nảy hung dữ chừng đó. Ở quê tôi, chuyện dạy vợ dạy con bằng cách đánh đập là bình thường. Dù vậy, tôi đã bị khủng hoảng nặng nề khi chứng kiến. Tôi thường có những cơn ác mộng, và những triệu chứng khác như hay giật mình, dễ sợ hãi quá độ.

Còn nhớ, ba tôi đánh mẹ tôi và anh chị em chúng tôi bằng gậy gộc mỗi khi ông say rượu. Tôi sợ và buồn lắm. Cũng không hiểu tại sao ông phải đánh đập vợ con nặng nề như vậy. Nhiều lần, ước rằng mình có thể bỏ nhà ra đi, nhưng tôi hoàn toàn không có cơ hội. Nếu có, chắc cũng không nỡ bỏ mẹ mà đi. Mỗi khi như thế, tôi sợ hãi chui vào góc bếp, núp sau những khạp rượu, khạp mắm, hay sau những bó củi bó rơm trong bếp, và sau đó tìm cách chui ra vườn hay trèo cầu khỉ qua sông, chạy qua nhà chị Hai.

Sau mỗi lần bị bố hành hung, và sau khi ông đã mệt nhoài ngủ say, mấy mẹ con thường túm tụm ngồi lặng lẽ dưới bếp. Tôi nhỏ nhất nên được mẹ ôm vào lòng như ra sức an ủi chở che. Nhờ tình thương của mẹ, tôi mới có thể nguôi ngoai cơn buồn giận và sợ hãi phần nào. Tôi đã ráng sống bình thường như không có chuyện gì xảy ra, học rất giỏi, và ngoan ngoãn siêng năng làm việc. Tuy vậy, tôi nhủ lòng rằng, khi lớn lên tôi sẽ không lấy một người nghiện rượu làm chồng.

Một lần tôi hỏi mẹ: “Tại sao bố cứ đánh đập mình vậy?” Mẹ tôi không trả lời thẳng. Bà kể cho tôi nghe chuyện gia đình bên nội. Ông nội tôi là thầy đồ. Thời đó, thầy đồ đánh học trò bằng roi, bằng thước. Ông nội đánh học trò bằng roi, còn khi đánh bà tôi, bố tôi, các chú các cô, thì bằng roi gậy lớn hơn. Một lần say rượu, ông dùng dao, lưỡi dao đã cắt ngang mặt người cô út mới sanh khi bà nội đang bế.

Mẹ tôi giải nghĩa, bố tôi tin là ông có bổn phận phải dạy dỗ mẹ tôi và anh em chúng tôi, giống y như cách ông nội đã dạy vợ mình và đàn con. Hơn một lần, mẹ tôi đã bị thương ở chân khoảng một tháng không đi lại được, sau khi ông “dạy dỗ” bà. Mẹ tôi bảo, cho nên con cứ tiếp tục cầu nguyện cho bố. Lúc đó tôi còn nhỏ, đầu óc đơn sơ, tôi nghe và ghi nhớ điều mẹ nói, nhưng suy nghĩ mãi. Tôi cảm thấy xa cách với bố, ít khi dám lại gần, và không tin khi lớn lên tôi sẽ lấy một ông thầy giáo hay con trai ông ta làm chồng.

Trong trí óc non nớt của lúc bấy giờ, tôi cứ nghĩ chỉ có những người đàn ông nóng nảy say sưa mới hung ác với đàn bà trẻ con. Tôi vẫn thấy những người cha trong xóm đánh vợ con thường xuyên. Còn những người đàn bà làm mẹ, tôi nghĩ, toàn là những người kiên nhẫn hiền hậu.

Ít lâu sau, khi tôi khoảng 7, 8 tuổi, một chuyện xảy ra và ghi sâu vào tâm trí tôi cho đến giờ, và cho tôi cái nhìn sâu sắc hơn về chuyện đánh đập, ngược đãi con cái. Hôm đó, tôi đi lễ nhà thờ buổi chiều chủ nhật. Gần hết buổi lễ, tôi đau bụng nên ra ngoài tính về nhà. Khi vừa ra khỏi nhà thờ, tôi thấy một bà mẹ mang theo đứa con độ 3, 4 tuổi, nhưng còm cõi, xanh xao trông nhỏ như mới lên 2. Chẳng hiểu lý do gì, em bé khóc quá. Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ có thể em bị đói, hoặc đang bị bịnh, bị nóng, bị lạnh, ngứa ngáy vì ghẻ lở, rôm sảy cắn, hay chỉ vì quen thói khóc nhè chăng.

Tôi tạm thời quên cơn đau bụng của mình, thót ruột gan đứng như trời trồng, chứng kiến bà mẹ nhìn cũng khổ sở như đứa con, đánh em rất tàn nhẫn. Tôi không tin một người mẹ có thể đánh con mình như thế. Chắc bà đang bực mình chuyện khác, bực ông chồng, bực bà mẹ chồng, chuyện mùa màng, chuyện gia đình, hay chính bà đang đói, đang mệt. Có thể có một đứa bé khác trong bụng đang hành bà mệt muốn chết. Có thể bà cảm thấy xấu hổ vì đã không dỗ được con nơi tôn nghiêm, làm người khác chia trí. Nhìn bà mẹ quê khắc khổ, nóng giận đánh con một cách dữ dội, nhìn đứa trẻ thơ còm cõi xanh xao dưới đất khóc oằn người vì đau đòn, tôi thấy cơn nghẹn của tức giận, của sợ hãi và bất lực, ứ ở cổ họng, nước mắt muốn ứa ra. Dù còn bé lắm, và tôi cũng gầy cũng đen đúa không khác đứa bé kia mấy, tôi tự hỏi thầm rằng: Khi lớn lên, tôi có thể làm gì để cải thiện cuộc đời của chính mình, và có thể chút nào giúp đỡ những người yếu đuối bị ngược đãi, kể cả như bà mẹ và em bé gầy gò khốn khổ nầy.

Thời gian trôi qua thật nhanh, đã có biết bao dâu biển trong mấy chục năm qua. Bây giờ tôi đã già hơn bà mẹ ở nhà thờ ngày xưa. Tôi đã thấy những gia đình nhìn bên ngoài hạnh phúc. Tôi đã thấy những đứa trẻ lớn lên mạnh khỏe, vui vẻ, và giỏi giang. Tôi cũng đã thấy những gia đình không được êm ấm, những đứa con lớn lên chật vật thiếu thốn, tinh thần hoang mang khủng hoảng. Dù là cha hay mẹ, dù giàu hay nghèo, ở trong hoàn cảnh nào giai cấp nào, vẫn có những cha mẹ ngược đãi con cái về thể chất hay tinh thần.

Mẹ tôi chết sớm vì ung thư gan. Tôi lớn lên, lấy một người sỹ quan quân đội VNCH. Chúng tôi sống với nhau hơn 24 năm. Ngay từ những ngày đầu, người chồng cũ này của tôi điều khiển hết mọi việc trong gia đình. Ông chồng tôi không nghiện rượu, cũng ít đánh con bằng roi. Ông chỉ chửi mắng, đay nghiến, và dùng áp lực tiền bạc để trừng phạt vợ con.

Lúc đầu, tôi cố nghĩ những điều này bình thường; dù sao thì ông ấy phải lo lắng nhiều, hoặc là tôi tìm cách bênh vực như: “Ô, đàn ông người ta tính nóng nảy mà.” Nghĩ vậy, nhưng vẫn thấy rất buồn và hoang mang. Tôi cố gắng hoàn thành bổn phận của mình cho tốt hơn, hy vọng mình sẽ được thương yêu và đối xử tử tế. Nhưng những mối quan hệ trong gia đình chúng tôi càng ngày càng tồi tệ. Sự căng thẳng mỗi lúc thêm nặng nề, đến nỗi thỉnh thoảng tôi lại nghĩ đến chuyện bỏ nhà ôm con đi, nhưng rồi lại không làm được vì nghĩ mình phải bảo vệ, gìn giữ cái gia đình này cho các con tôi và cho danh dự của cả đại gia đình. Thêm vào đó, tôi cũng không sẵn tiền trong túi để mang con đi.

Khi cảm thấy khổ sở quá, tôi cứ đau bệnh suốt. Có lần, tôi nói với một vị bác sĩ về vấn đề của mình. Ông ta không hiểu tôi nói gì đã vội vàng cho thuốc an thần. Tôi gọi điện thoại cho cha xứ trong nhà thờ, không biết ông có hiểu không, và ông gửi cho tôi một cuốn thánh kinh. Vấn đề vẫn còn nguyên ở đó, tôi không còn biết nói chuyện với ai nữa.

Đáng buồn thay, một ngày kia, con Bê, đứa con thứ ba, nói riêng với tôi là tôi thật là ngu ngốc, khi cháu lớn lên cháu nhất định sẽ không sống cuộc đời khổ sở như mẹ. Con bé nói, nó không muốn sống trong cái gia đình có không khí nặng nề khó thở, trọng nam khinh nữ, và không giải quyết vấn đề một cách công bằng ôn hòa. Con bé nổi loạn, có những hành động nguy hiểm ở tuổi 11. Nó mắng tôi, khó khăn đau khổ như thế thì đi Mỹ làm gì, sao không đẻ nó ở Việt Nam cho nó được giống bạn bè bên đó.

Năm 14, con bé bắt đầu bỏ nhà đi, điểm học tụt xuống. Tôi bỏ công việc, theo con đi học hằng ngày. Khi cháu bỏ nhà đi thì tôi lại đi tìm ngày đêm. Hễ mang được cháu về thì con bé cũng lại đi nữa, nó nói nó không muốn ở trong căn nhà bất ổn. Frere An Phong, anh Trần Đình Tuấn, là bạn gia đình tôi, cũng cán sự xã hội quận hạt Santa Clara, cùng những người tôi nhờ cố vấn, đều khuyên tôi kiên nhẫn. Một số cha mẹ khác lại khuyên phải nghiêm khắc không nhân nhượng. Trong gia đình lại chê trách đổ thừa lẫn nhau. Tôi xót con nhưng chẳng còn biết đường đâu mà mò.

Điều xảy ra đã làm cho tôi thay đổi suy nghĩ, đó là một tai nạn xe hơi làm con bé suýt chết và phải nằm nhà thương lúc cháu 15 tuổi. Khi nhà thương gọi cho biết con gái bị tai nạn nặng, tôi té sụm xuống, và không đứng lên được suốt ngày hôm đó vì sợ hãi và chịu đựng sự căng thẳng đã quá lâu. Tôi không đi tới nhà thương thăm con được. Tay chân gần như tê liệt, nhưng cái đầu tôi chợt sáng ra. Tôi nghĩ rằng con đang rất cần sự giúp đỡ của mẹ, tại sao tôi lại ngồi tê liệt ở đây. Tôi phải sống khỏe mạnh, vui vẻ, vững vàng để nuôi con, và làm gương, làm chỗ nương tựa cho con khi nó về.

Như thế là đủ rồi. Tôi đã quá chán chường cái cảnh hà hiếp nhau, dù là về thể chất, tình cảm, hay tài chánh, và mình cứ phải vừa tìm cách để làm vui lòng người khác, vừa phập phòng chờ cơn thịnh nộ của họ nổ ra giáng xuống, cùng với những đay nghiến, miệt thị, và mánh lới cách ly, chặn đầu chặn cổ. Sự hy sinh chịu đựng của tôi chỉ gây ra đau khổ cho bản thân và cho con cái. Chẳng có một người nào trong gia đình được vui vẻ. Những đứa con trong nhà đã phải trải qua nhiều khủng hoảng. Riêng bé Bê, sau tai nạn xe, đã phải gửi đi trọ học xa nhà một thời gian để hồi phục. Khi về lại nhà, con bé giận tôi 2 năm không nói chuyện. Nó dọn ra ngoài ở riêng khi mới 17 tuổi.

Hai năm sau, vợ chồng chia tay, tôi dọn ra căn nhà khác. Phải ly dị là một điều rất khổ tâm cho tôi. Tôi hoang mang, sợ hãi. Tôi không còn cái vị trí tôi đã quen bao nhiêu năm như một người vợ, một người lo toan nhiều việc trong cơ sở làm ăn của gia đình, một người dâu, mất hết bạn bè cũ, và phải đóng vai mẹ lẫn cha khi các con ở với mình. Tôi khóc mỗi ngày, đồng thời phải chạy vạy lo toan mọi việc một mình.

Dần dần, nhờ sự giúp đỡ của những người tư vấn của tôi và cố vấn trong trường Mission College nơi tôi đã theo học, thầy cô ở SJSU, và một vài người bạn và thân nhân, tôi trở lại trường học và hoàn tất chương trình cử nhân và cao học của social work, một nghề mới mà tôi rất thích. Những điều tôi học được ở trường lớp giúp tôi hiểu rõ vấn đề bạo hành, giải thích tại sao mình đã lâm vào, chấp nhận nó một thời gian lâu mà vẫn mang nặng mặc cảm tủi hổ; đồng thời, không biết làm sao để thoát ra khỏi.

Sự giúp đỡ từ những người bạn chung hoàn cảnh, chung văn hóa, đã thực sự giúp tôi vượt qua sự đau khổ, từng bước tìm lại con người của mình, những gì mình thực sự muốn làm, mà không còn bị lèo lái, áp chế về thể chất, tình cảm hay tài chánh.

Bây giờ tôi và các con đã có thể sống bình an trong gia đình, dù là một gia đình đã bị chia ra.

Căn nhà này khi mua đã cũ lắm, nhưng có khu vườn rộng đẹp nên tôi rất thích. Tôi vừa học xong cử nhân nên có thì giờ, bỏ ra mấy tháng sửa sang lại nhà cửa vườn tược cho sạch sẽ, ngăn nắp. Căn bếp rộng rãi thoáng mát, nhìn ra vườn sau xanh mướt, đầy cỏ hoa, làm tôi nhớ căn bếp và khu vườn của bố mẹ tôi bên Việt Nam ngày xưa.

Ba tôi cũng đã qua đời sau khi tôi với con bé út về thăm ông được hai lần. Tôi không còn giận ông nữa, và hiểu rằng nếu tôi sinh ra, lớn lên, sống mãi trong môi trường và hoàn cảnh của ông, chắc tôi cũng hay nóng giận hung dữ như ông ngày xưa.

Con bé Bê xin về ở với mẹ và anh em. Ngày đó, nó đã 19 tuổi, học giỏi, sắp tốt nghiệp cử nhân sinh học, và sau đó được nhận học bổng toàn phần vào UC Irvine học tiếp. Con bé bây giờ tử tế, trưởng thành, chín chắn hơn những bạn đồng tuổi. Trước đây nó quậy tôi không còn biết đường mò. Từ ngày nó về, không ai nhắc lại chuyện xưa nữa. Vốn liếng Anh Văn của tôi bây giờ đã khá. Tôi sửa bài cho con hằng tuần, và giúp con viết bài luận xin học bổng chương trình tiến sĩ. Mấy mẹ con lại quây quần hằng đêm trong góc bếp, nấu nướng, ăn uống và lo bài vở. Có lần con bé khen rằng:

- I am very proud of you mom! You are the only immigrant mother that I know whose children can come for help with English.

Hơi ngạc nhiên, tôi chưa nghe con bé này nói tốt về mẹ trước đây, chỉ nói cảm ơn khi con khen mình. Tôi đã hiểu thêm sự quan trọng của đức khiêm nhường, phó thác, thông cảm, và sự giới hạn cũng như tiềm năng của con người nói chung, của chính mình nói riêng. Tôi dần dà tập tính biết ơn trong mọi hoàn cảnh, hy vọng nhiều và kỳ vọng ít, không buồn lâu và cũng không mừng vui quá đáng.

Một buổi chiều sau khi đi làm đi học về, hai mẹ con nấu nướng, ăn uống xong, tôi nhận phần rửa chén, Bê lau bàn và cất đồ ăn còn lại vào tủ lạnh. Tự dưng nó ngưng lại và mặt mày nghiêm nghị:

- Má! Má ngu lắm, má có biết không?

- Má biết má ngu nhiều thứ, nhưng má không rõ Bê muốn nói má ngu cái gì.

- Má tính tẩy não Bê bằng cách gửi Bê đi group home. Má đã xài nhiều tiền một cách vô ích. Má gửi Bê 14 tháng, vừa ăn ở vừa tiền học, trên Spokane hết bao nhiêu vậy?

- Ừ! Má gửi Bê đi hết nhiều tiền, nhưng má nghĩ không vô ích.

- Má tưởng má tẩy não Bê được sao? Má sai rồi! Đầu óc Bê vẫn còn nguyên, không thay đổi được. Con bé cười cười một cách thách thức.

- Má có muốn tẩy não Bê hồi nào đâu?

- Thế má tốn tiền gửi Bê đi Spokane làm gì?

- Để cho Bê đừng chết, vì Bê hăm tự tử rồi đụng xe gần chết đó. Mặt nó lộ vẻ ngạc nhiên:

- Lúc đó Bê đau khổ quá, giữ cho sống thì có ích gì? Sao má không để cho con chết đi?

- Bê chưa đầy 15, sao má để cho con tự hủy hoại được.

- Thế má giữ cho Bê sống tới 18, rồi sau đó Bê vẫn muốn chết thì sao má cản được?

- Má có thể không cản được. Nếu Bê chết khi đã trưởng thành thì má vẫn đau buồn, nhưng chắc sẽ không ân hận bằng khi Bê chết lúc 14, 15.

- Sống mà khổ quá thì sống làm chi?

- Má tin sông có khúc người có lúc, mỗi ngày mỗi khác, mỗi ngày là một ngày mới với cơ hội mới.

- Nhưng Bê ghét má, má đã không bỏ thì giờ, không chăm sóc con, cứ gửi con cho người này người kia. Má là người mẹ tệ hại.

- Má sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, chỉ biết cách nuôi dạy ở nhà quê Việt Nam. Khi tới đây, má không rành tiếng Mỹ, văn hóa Mỹ, không có tay nghề, vừa học, vừa làm, vừa sanh con nuôi con. Lo sao cho có chỗ ở, cái ăn cái mặc, và xe cộ đi về hằng ngày đã khó khăn rồi. Khi má đi làm, má gửi con cho các bác, các chú thím, các anh chị (họ) thôi mà.

- Má cực khổ như vậy, để chết bớt một đứa, không đỡ khổ hơn à?

- Má có lỗi đã để con khổ con buồn, nhưng làm sao để con chết được. Nếu con còn sống, thì con còn cơ hội vượt qua, và má còn cơ hội làm lành với con chứ!

- Chứ không phải để tẩy não Bê sao?

- Không! Bê coi hình ông ngoại này. Bê giống ông ngoại, má cũng giống ông ngoại. Ông ngoại cứng đầu lắm. Không ai tẩy não được ông ngoại, không ai tẩy não được má, và cũng không ai tẩy não được Bê.

Mặt con bé bắt đầu dãn ra. Nó cười hồn nhiên như lúc lên 2.

- Má xin lỗi đã không nuôi dạy, chăm sóc Bê tốt, để Bê khổ sở rồi Bê ghét má. Má chỉ biết có bấy nhiêu, và má đã cố gắng hết sức mình. Hy vọng ngày nào đó con khôn lớn trên đất nước này, con có đủ kiến thức và phương tiện để nuôi dạy con của con tốt hơn. Đừng lặp lại nhưng lỗi lầm của má nữa.

Bây giờ thì khuôn mặt nó kênh kênh trở lại, còn tôi thì thực sự biết khiêm nhường nhận sự thiếu sót, chấp nhận hậu quả không thở than, trách móc. Chỉ mong con hiểu để đừng buồn giận mình nữa mà tội cho nó. Tôi đã hiểu ra rằng, con mình chỉ cắn vú mình khi mình cho nó bú, chứ nó đâu có cắn vú, đấm ngực hay giựt tóc người khác đâu.

- Má ngu khờ, má đẻ nhiều con nên phải khổ. Bê không khờ như má, nên Bê sẽ không đẻ con, làm sao lầm lỗi được.

Nó cười cười, nụ cười đắc chí của kẻ thắng. Làm như sự chân thành của tôi, một cách nào đó, đã cho nó thấy tình thương vô điều kiện của mẹ mà nó đã tưởng là không có trước đây, đã hóa giải hết oán hận. Giống như tôi đã biết ơn cha tôi, và thương yêu lẫn thương xót ông khi tôi đã trưởng thành, chắc con tôi đã thương xót cho sự lận đận và cố gắng hết mình của mẹ. Nó đập đập vào vai tôi một cách vui vẻ:

- Thôi! Vậy từ nay Bê với má huề nhé!

Nó khôn, nó dại, hay nó hỗn, cũng là lỗi tại tôi mọi đàng. Con dại thì cái mang. Dù sao nó đã can đảm nói điều suy nghĩ trong đầu và ôm nặng trong lòng nhiều năm trời với mẹ, người nó đã từng oán hận, giận không nói chuyện suốt 2 năm để chống đối lối sống bảo thủ, kiểm soát con chặt chẽ vì sợ con hư.

Trong khi tôi kiểm soát theo dõi chặt chẽ những sinh hoạt của con, tôi đã không hiểu những cảm xúc tế nhị riêng tư của đứa con nhạy cảm, những nhu cầu về tinh thần, nhất là được sống trong môi trường bình yên, không xào xáo như cơm bữa, có được cái cảm giác an toàn, và được chấp nhận thương yêu không điều kiện. Tôi đã không đủ tự tin để cư xử với mọi người chung quanh như lòng mình mong muốn mà cứ phải chiều lòng, vì nể những người nắm quyền hành. Tôi không đủ sáng suốt và can đảm để thắc mắc và nêu vấn đề về sự lạm dụng ngược đãi trong gia đình, nhất là đối với trẻ em yếu đuối, ngây thơ. Tôi đã quá tin tưởng những người mà tôi giao con cho họ chăm sóc, tôi cũng tham công tiếc việc, không biết chia thì giờ để quan tâm tới con nhiều hơn.

- Ừ, huề. Bê còn sống là má vui rồi. Con còn sống thì còn cơ hội.

Con Bô sắp 14 tuổi, mới vừa đi tập gymnastics về, nó nghe được phần cuối của câu chuyện, nói chen vào:

- Má, từ hồi mình ở riêng, ba má không còn căng thẳng, mình mới thấy cái nhà yên ổn, dễ chịu, Bô mới thở được đó!

- Its good that mom did not give up on me. Bê nói tiếp em nó.

Năm 2010, sau khi đọc một bài báo của San Jose Mecury News nói về tệ nạn buôn người ở Việt Nam và bài phóng sự nói về các em gái nghèo đối tượng của buôn người ở Rạch Giá, quê của bố mẹ, Bê nhờ mẹ liên lạc với cô Diệp Vương, Giám Đốc của Vòng Tay Thái Bình Dương (Pacific Links Foundation) xin tình nguyện giúp đỡ các em gái Việt đã được giải cứu về nhà tạm trú ở Long Xuyên. Bê đã cùng đồng nghiệp trong trường UC Irvine tổ chức bữa ăn thân mật có bạn chơi nhạc giúp vui, và quyên tiền về giúp các em.

Sau chuyến đi về thăm các em ở Long Xuyên, nó không nói nhiều, nhưng tôi thấy con bé chững chạc hẳn ra. Tôi muốn con tự trải nghiệm và tìm những câu trả lời cho chính mình, và tôi rất vui khi thấy con đã trưởng thành chín chắn hơn. Mong con sẽ may mắn và khôn hơn mẹ.

Năm nay, 2016, Bê đã xong 2 năm Post Doc (Fellow), vừa dạy học vừa nghiên cứu về sự tái tạo các tế bào, các phần thân thể đã bị mất đi hay tổn thương (regeneration) ở University of California, San Diego (UCSD). Bê mong nghiên cứu của nó thành công, giúp cho những người bị thương tích, như mất da hay hư da, cụt chân tay có thể mau lành vết thương và mọc lại chân tay mới. Bê ao ước có thể giúp các em gái nghèo bên Việt Nam có cơ hội đi học, để các em có đời sống tốt đẹp hơn. Bạn trai của Bê, Alex mới vừa làm xong luận án tiến sĩ về cách trị bịnh ung thư cũng ở UC San Diego. Cả hai đứa đã 30 tuổi nên chuẩn bị lập gia đình. Bê vẫn giữ ý định không sanh con, nhưng biết đâu Alex thuyết phục được, và dù thế nào đi nữa, hễ con còn sống là tôi vui rồi.

Phải sống trong một gia đình tràn ngập sự căng thẳng hay có bạo động thì rất thê thảm. Gia đình đổ vỡ cũng không phải là điều mọi người mong muốn. Điều tôi muốn nói là, để tới khi gia đình đổ vỡ rồi thì quá muộn. Chúng ta có thể học cách giải quyết những xung đột để đáp ứng những nhu cầu của cá nhân và gia đình, một cách ôn hòa, hợp tình hợp lý, ngay từ khi vấn đề nảy sinh.

Tôi không muốn chỉ trích và cũng không còn oán hận. Với sự thông cảm và lòng thương xót, tôi tự tha thứ cho những khờ ngu vụng dại của mình, tôi chỉ muốn những người không may mắn vướng vào bạo hành trong gia đình có được những tin tức cần thiết, để họ khỏi phải trải qua những kinh nghiệm bối rối khổ sở như tôi trước đây.

Khi nói về những bất ổn, xào xáo, ngược đãi trong gia đình, nó giống như nhai phải miểng răng của mình bị bể, hay nuốt phải thức ăn mà mình đã ói ra, không phải là điều dễ dàng hay hãnh diện để làm.

Tuy vậy, tôi muốn những nạn nhân, và cả những phạm nhân, biết rằng có những sự giúp đỡ cho họ, có những người nói tiếng mẹ đẻ của họ và biết về văn hóa của họ trên khắp các tiểu bang ở nước Mỹ này, hãy cho họ nói chuyện khi cần, không phải tự chống chọi phấn đấu trong bóng tối một mình. Quận hạt Santa Clara nơi tôi ở được coi là quận hạt có những dịch vụ tích cực nhất, cho bạo hành gia đình và những người có khó khăn về tâm lý và bệnh tâm trí, trong các quận hạt miền Bắc California. Những người hàng xóm cũ của tôi, cha mẹ, và anh chị tôi khi xưa ở Việt Nam đã không có những cơ hội như tôi và con tôi.

*
Sau 7 năm trở lại trường học và đánh vật với sách vở, cùng với 3 năm tập sự không lương và 3 năm tập sự có lương, tôi đã trở thành cán sự xã hội bảo vệ nạn nhân của bạo hành gia đình, và là một chuyên gia y tế tâm thần. Các thân chủ của tôi từ sơ sinh tới 100 tuổi, nhiều nhất là các thiếu niên người Việt Nam và các sắc dân từ Á Châu và các đảo Thái Bình Dương. Qua những điều họ và thân nhân kể cho tôi nghe, không phải tự nhiên mà một đứa trẻ bỏ nhà ra đi, không phải tự nhiên mà một người bị trầm cảm, khủng hoảng sợ hãi, lo lắng quá độ, hay tệ hơn nữa, làm tổn thương và hủy hoại chính mình hoặc người khác.

Đa số có thể trải qua những khủng hoảng nhất thời, như thiên tai hay tai nạn bình thường. Nhưng ngược đãi do thân nhân, những khúc mắc ẩn ức, và nhiều khi đau khổ cùng cực của cá nhân và gia đình đã ray rứt nhiều năm, dễ đưa đến khủng hoảng về tâm lý, tâm trí và cả về thể chất. Người ta có thể đi bác sĩ vì cảm cúm, nhức đầu, đau bụng bình thường, nhưng khi buồn khổ, khủng hoảng kéo dài, thì lại dấu kín, không dám thổ lộ hay tìm sự chữa trị. Nếu còn ngại người khác biết, mọi người có thể tìm hiểu những tin tức ích lợi bằng cách dùng smart phone, laptop hay computer, “google” những điều cần biết, những quyền lợi và những dịch vụ sẵn có, bằng tiếng mẹ đẻ, hầu hết là miễn phí.

Công việc của tôi nhiều khi rất căng thẳng, cũng không kiếm được nhiều tiền như khi còn buôn bán, nhưng tôi rất vui vì hợp với khả năng tâm tính. Hơn nữa, có những bạn đồng nghiệp cùng ý hướng, tâm nguyện, cùng hợp tác chữa lành những thương tổn về tinh thần cho các thân chủ và thân nhân của họ. Điều vui nhất là giúp cho các cá nhân và gia đình trong cơn khủng hoảng tìm lại được sự ổn định, sinh hoạt bình thường, có cơ hội phát triển tiềm năng và đóng góp phần của họ vào gia đình, cộng đồng nơi cư trú nói riêng, và cộng đồng nhân loại nói chung.

Lễ Tạ Ơn 2016 vừa qua, các con tụ về nhà, và tôi cũng đã tới tuổi nhi nhĩ thuận. Tôi không còn lo sợ quá đáng con mình sẽ ra sao. Tôi tin có trời đất, có thánh thần, linh hồn bất tử, đời trước và đời sau. Tôi biết mình nhỏ bé và giới hạn, nhưng tôi vui vì đã đóng góp hết sức mình. Khi gia đình đang chuẩn bị bữa ăn trong bếp, Bé, anh kế Bê, ngồi khoe hình nó và vợ nó mới đi chơi bên Nhật về. Con Bê giúp anh Tí nó làm món tráng miệng Creme Brulee cầu kỳ mà nó mới học được trên Net. Con Bô, út bây giờ đã 25, có tiếng làm biếng, đi đảo quanh chọc ghẹo mọi người. Tới chỗ tôi, nó hỏi:

- Má! nếu lỡ bây giờ con có bầu thì má tính sao?

- Bô còn trẻ, con và bạn trai còn đang đi học, chưa có sự nghiệp vững vàng và chuẩn bị để có con. Nếu có con bây giờ chắc sẽ còn khổ hơn má ngày xưa. Má tính gì bây giờ? Con khôn thì con nhờ, con dại thì con ráng chịu... nhưng má không bao giờ bỏ con cháu đâu. Nếu con nuôi không nổi, má sẽ giúp hết sức mình, được không?

Bê ngừng tay đánh trứng, góp ý:

- Its worth it, mommy!

Tạ ơn nước Mỹ đã cho gia đình tôi cơ hội, và tạ ơn những người đã chia sẻ, khuyến khích và nâng đỡ, giúp cho mẹ con tôi vượt qua được thử thách, để còn sống và sống ý nghĩa đến ngày hôm nay.

2016

Iris Đinh

No comments:

Blog Archive