Wednesday, May 10, 2017

NHÀ THƯƠNG THUYẾT

Tin Nam Hàn: Ông Moon Jae-In, Ứng Cử Viên Tổng Thống, chủ trương nên thương thuyết với Bắc Triều Tiên. Ông vừa thắng cử trong cuộc bầu cử đặc biệt ngày 9 tháng Năm, tìm người thay thế bà Tổng thống Park Geun Hye bị truất phế vì tội tham nhũng.

VÀO SÁNG SỚM NGÀY 18 THÁNG TÁM NĂM 1976 hai người lính Mỹ được lệnh đi tỉa cành cây của một cây dương trong Khu Phi Quân Sự(DMZ). Cây dương có cành lớn mọc xòe ra, che khuất tầm quan sát giữa khu vực Liên Hiệp Quốc nhìn sang vọng gác bên Bắc Triều Tiên. Đây là đường ranh giới chia cắt vùng Cộng Sản phía Bắc với vùng tư bản Nam Hàn từ ngày chấm dứt Chiến Tranh Triều Tiên 1950-53. Hai bên đều cử lính đi tỉa cành cây, nhưng lần này Bắc Triều Tiên cử lính ra ngăn cản việc tỉa cây. Đại úy Arthur Bonifas và Trung Úy Mark Barrett từ chối không nghe. Ngay lập tức họ bị đánh chết bằng chính cái rìu chặt cây của họ.

Tướng Richard G. Stilwell khi đó đang là Tư Lệnh lực lượng Liên Hiệp Quốc ở Nam Hàn liền ra lệnh đốn bỏ cây dương này đi. Ông làm như vậy để biểu lộ thái độ cứng rắn của ông. Trong số những người lính được gửi đi chặt cây dương này có một người lính trẻ Nam Hàn tên là Moon Jae-in. Tình trạng căng thẳng giữa đôi bên tăng cao tột độ, hết sức nguy hiểm. Cho đến ngày nay, khi nhớ lại kỷ niệm này, ông Moon nhận xét: “Nếu Bắc Triều Tiên nhảy ra can thiệp việc đốn cây, chắc chắn chiến tranh sẽ bùng nổ.” .

Một lần nữa chiến tranh lại có nguy cơ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên- và ông Moon kỳ này có thể sẽ là người đứng ở tuyến đầu của chiến tranh. Là một luật sư về Nhân quyền, ông Moon năm nay được 64 tuổi, và hiện đang dẫn đầu trong cuộc tranh cử Tổng Thống ở Nam Hàn, tổ chức vào ngày 9 tháng Năm, sau khi bà Park Geun-Hye bị truất phế vì liên quan đến vụ tai tiếng tham nhũng. Nam Hàn hiện nay đang có khá nhiều vấn đề. Trong đó, có vấn đề thanh niên bị thất nghiệp nhiều, sự phân chia lợi tức bất công nhất trong vùng Á châu Thái Bình Dương, và mức độ phát triển kinh tế quá yếu. 

Nhưng ngay lúc này, chủ đề tranh cử chuyển sang đề tài ai sẽ là người xứng đáng nhất đại diện cho Nam Hàn để nói chuyện với Kim Jong Un, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Họ Kim hiện đang gặp bế tắc trong cuộc thử thách với Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump về chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên. Họ Kim công khai phô bầy những vũ khí mới, hỏa tiễn địa đạo, trong cuộc diễn binh hào nhoáng vào ngày 15 tháng Tư vừa qua, và y còn cho thực hiện một loạt những vụ thí nghiệm hỏa tiễn vào ngày 29 tháng Tư, trước khi ông Trump gửi đoàn tầu chiến tiến vào bán đảo Triều tiên để chuẩn bị tấn công. Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Vương Nghị phải lên tiếng cảnh cáo: “Chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.”.

Vì vậy, Tổng thống tương lai của Nam Hàn khi nhậm chức sẽ thừa kế một cuộc khủng hoảng nặng nề giữa một bên là nhà độc tài trẻ, dễ nổi nóng, và bên kia là một lãnh tụ mới bước chân vào làm chính trị. Nhưng ông Moon, một ứng cử viên tả khuynh phái trung ương trong đảng Democratic Party ở Nam Hàn tin rằng ông được giao sứ mạng đem hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn ngồi lại với nhau sau hơn bảy chục năm chia cách. Hồi năm 2012, ông Moon đã ra tranh cử tổng thống, và chỉ thua bà Park với số phiếu khít khao. Ông từng nói rằng: “Bắc và Nam Hàn cùng chung một dòng giống, nói chung một thứ tiếng, có chung một văn hóa trong suốt 5,000 năm. Bắt buộc chúng ta sẽ phải thống nhất.”

Ông Moon là con trai của một người ty nạn cộng sản từ miền Bắc di cư xuống miền Nam. Ông cương quyết sẽ tìm ra phương cách giải quyết vấn đề theo cách của ông. Theo ông, chúng ta không thể đối phó với chế độ Bắc Hàn của họ Kim bằng cách xâm lăng Bắc Hàn, mà phải bằng cách thuyết phục. Tình trạng thù nghịch hiện nay không đem lại ích lợi cho phe nào cả, nhất là trong lúc người dân của Vương Quốc Cô Lập Bắc Hàn đang lầm than khốn khổ. Ông Moon tâm sự: “Cha tôi trốn chạy khỏi miền Bắc vì ghét chế độ cộng sản. Cá nhân tôi cũng rất ghét hệ thống cai trị kiểu cộng sản ở Bắc Triều Tiên. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ để cho người dân miền Bắc tiếp tục sống lầm than trong chế độ độc tài, đàn áp người dân.”.

Ông Moon sinh ra trong nỗi ám ảnh của cuộc chiến tranh. Cha mẹ của ông trốn chạy khỏi miền Bắc trên chiếc tầu chở hàng tiếp tế của Liên Hiệp Quốc, và xuống đến miền Nam vào tháng 12 năm 1950 cùng với hàng ngàn người ty nạn cộng sản khác. Hai năm sau, ông Moon chào đời trên đảo Geoje của Nam Hàn. Đời sống của Nam Hàn lúc đó rất nghèo, cơ cực, chưa phải là một nền kinh tế công nghiệp phát triển, hay một vùng nông nghiệp thịnh vượng, nhưng tương đối vẫn còn dễ thở hơn ở miền Bắc. Ông Moon kể lại: “Sự nghèo khó uốn nắn tuổi thơ của tôi. Song cũng nhờ đó, tôi trở nên con người tự lập, khôn lớn trước tuổi so với đám bạn cùng trang lứa, và tôi nhận ra rằng đồng tiền là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống.”.

Khi ông Moon bước vào tuổi trưởng thành, Nam Hàn trở thành một quốc gia phát triển cực kỳ nhanh chóng vào thập niên 1960’s và tiền bạc ào ạt đổ vào đây, nhờ sự phát triển thần kỳ trong các ngành kỹ nghệ đóng tầu, kỹ nghệ xe hơi, và kỹ nghệ sản xuất mặt hàng kỹ thuật cao để xuất cảng. Ông Moon được nhiều người biết đến như một sinh viên trẻ, tài giỏi, hăng hái hoạt động xây dựng dân chủ. Ông đậu kỳ thi lấy bằng luật sư vào năm 1980. Theo đuổi nghề luật sư cao quí, ông được mời vào làm việc trong nội các của cựu Tổng thống Roh Moo Huyn. Ngày nay, nền kinh tế mà ông Moon sẽ lãnh đạo đứng vào hàng thứ 12 trên thế giới tính theo GDP. Ngược lại, ở miền Bắc, vì đi theo đướng lối kinh tế hoạch định theo kiểu Xô Viết, nên lâm vào tình trạng nghèo đói, chậm phát triển, và là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với dân số 25 triệu người.

Ông Moon biết rằng việc thống nhất đất nước sẽ khiến cho Nam Hàn phải gánh vác một gánh nặng tài chánh hết sức to lớn. Chính vì thế bước đầu tiên cần phải làm để giúp hai nước Nam & Bắc Hàn xích gần lại với nhau là sự hợp tác của đôi bên về kinh tế. Ông muốn các công ty Nam Hàn sử dụng nguồn nhân công rẻ ở Bắc Hàn, và tái lập việc trao đổi văn hóa giữa hai miền. Theo ông Moon: “Hội nhập kinh tế không những đem lại lợi lạc cho miền Bắc, mà còn giúp miền Nam có một đầu máy mới để phát triển, nhờ vậy có thể làm cho nền kinh tế Nam Hàn sống mạnh trở lại.”.

Nhưng cố gắng lần hồi đi đến thống nhất không phải là chuyện dễ dàng vì những vấn đề sinh tồn và kinh tế của đôi bên. Vùng Phi Quân Sự- DMZ- chia đôi đất nước, nhưng ngày nay vùng này còn chia cách hai miền về kinh tế và xã hội: Miền Nam là một xã hội tiêu thụ với hàng hóa ê hề, đời sống phong phú, còn miền Bắc là một xã hội nghèo đói, rữa nát vì theo chế độ cộng sản kiểu Stalin. Ít có trường hợp nào có tình huống kỳ lạ như vậy: Hai nước ở rất gần nhau, nhưng cuộc sống lại rất cách biệt, chưa kể là miền Bắc còn bị đặt dưới sự cai trị của một nhà độc tài ngang ngược, và có vũ khí nguy hiểm trong tay, y sẵn sàng sử dụng loại vũ khí đó mà không sợ bất cứ ai. Chính vị vậy khó khăn đầu tiên của các nhà lãnh đạo miền Nam là vấn đề làm cách nào để đối phó với Kim Jong Un.

Quan hệ giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên không phải chỉ ở tình trạng rất xấu, mà hầu như đứt đoạn,không hề có quan hệ giữa đôi bên. Lần sau cùng có cuộc nói chuyện giữa Bình Những và Hán Thành xảy ra cách đây hơn 10 năm. Thậm chí ngay ở vùng Phi Quân Sự cũng không hề có cuộc đối thoại nào từ năm 2013. Mỗi khi lực lượng quân sự của Liên Hiệp Quốc muốn liên lạc với phía Bắc Hàn, họ phải dùng loa phóng thanh la hét thật to, vọng sang tháp canh của phe bên kia. Theo ông Moon hình thức liên lạc, nói chuyện với nhau theo kiểu này là không thể chấp nhận được. Ông nói: “Dù cho tên Kim Jong Un là một tay lãnh đạo điên khùng, chúng ta vẫn phải chấp nhận sự kiện thực tế là hắn đang cai trị Bắc Hàn. Vì vậy chúng ta cần phải nói chuyện với hắn.”.

Có vài dấu hiệu cho thấy lãnh tụ họ Kim đang nới lỏng sự cứng rắn của chế độ. Mặc dù những người đối lập vẫn bị đàn áp thẳng tay, nhưng họ Kim đang bắt đầu cho phép có một nền kinh tế thị trường, và hệ thống hành chánh phân phối nhu yếu phẩm đang có sự thay đổi. Ngày nay nhiều bin đinh cao tầng được mọc lên ở Bình Nhưỡng, truyền hình với màn ảnh mỏng được dùng ở khắp nơi, dân chúng được hát karaoke, và người địa phương nói chuyện về đời sống tất bật vào giờ đi làm “cao điểm”. 

Trong một bài diễn văn đọc hồi năm 2015, Kim Jong Un nói y sẵn sàng nói chuyện với miền Nam. Đề tài khó khăn nhất vẫn là vẫn đề vũ khí nguyên tử. Ý thức được yếu điểm của mình, Kim Jong Un nhắc lại rằng vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên không được “đem ra thương thuyết”, phải để yên, không được đá động tới. Đối với ông Moon, cuộc đối thoại giữa hai miền chỉ đáng được thực hiện khi có triển vọng tháo bỏ, hay ngưng hẳn chương trình vũ khí nguyên tử.

Trước đây, ông Moon đã từng chứng kiến cuộc nói chuyện giữa hai miền, và ông tin rằng hai miền Nam Bắc có thể ngồi lại để nói chuyện với nhau. Lúc bấy giờ, trong vai trò phụ tá cao cấp của Tổng thống Roh, chính ông Moon đã đứng ra thực hiện cuộc hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng Thống Nam Hàn với Kim Chính Nhất, cha của Kim Jong Un vào năm 2007, và thực hiện cuộc hội nghị bãi bỏ vũ khí nguyên tử với sự tham dự của sáu nước: Nam & Bắc Hàn, Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nga và Nhật Bản diễn ra từ năm 2003 đến năm 2009. Bỗng dưng Bình Nhưỡng phóng hỏa tiễn khiến cho cuộc thương thuyết bị chấm dứt ngang, người ta nói rằng số tiền $4.5 tỉ đô la viện trợ cho Bắc Hàn trong “chính sách ánh dương” dụ Bắc Hàn tham gia cuộc nói chuyện bị chế độ cộng sản miền Bắc lừa gạt, dùng tiền này để phát triển vũ khí. Tuy nhiên, theo ông Moon, Bản Tuyên Bố Chung ký kết ngày 19 tháng 9 năm 2005 liệt kê việc tháo gỡ chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, hiệp định hòa bình, và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ là bằng chứng cho thấy chính sách ánh dương tốt hơn nhiều so với hàng chục năm cô lập, kềm kẹp theo sau. Ông Moon nói thêm, phía Bắc Hàn đã dập tắt lò luyện nguyên tử. Cứ theo trình tự đó, đi từng bước là được.”.

Trước thái độ chê bai của ông Trump đối với thỏa ước về vũ khí nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Iran, thật là khó tưởng tượng ra chuyện ông Trump sẽ nhiệt tình theo đuổi việc thực hiện một thỏa ước nguyên tử với Bắc Hàn. Chưa kể là chế độ của họ Kim nổi tiếng là nói mà không giữ lời hứa. Nhưng ông Moon cho biết ông và ông Trump đồng ý với nhau về chiến lược đối phó với Bắc Hàn: Họ đồng tình cho rằng chính phủ Obama đã thất bại khi tìm cách gỉai quyết vấn đề vũ khí nguyên tử với Bắc Hàn, và ông sẵn sàng đi theo đường lối khác. Có lần ông Trump từng tuyên bố ông có thể ngồi xuống nói chuyện với Kim Jong Un và ăn hamburger với họ Kim. Theo ông Moon, ông Trump là một con người rất thực tế. Ông nói: “Trong ý nghĩa đó, tôi tin rằng tôi có thể chia sẻ một số ý kiến, thảo luận và đạt được những thỏa ước mà không gặp khó khăn.”. Thực vậy, vào ngày 1 tháng Năm vừa qua, ông Trump từng nói với hãng thông tấn Bloomberg rằng ông “lấy làm hân hạnh” được đi gặp họ Kim và nói chuyện.

Có một số giải pháp khác an toàn hơn được đề nghị. Ông Trump đang làm áp lực với Trung cộng, quốc gia nắm 90% quan hệ mậu dịch của Bắc Hàn. Ông Trump muốn Trung Cộng xiết chặt vòng cương tỏa đối với Bình Nhưỡng, và từng bước gây áp lực với những ngành kinh doanh, và ngân hàng Trung Cộng đang làm ăn với Bắc Hàn. Ông Trump từng nói: “Trung cộng có rất nhiều ảnh hưởng đối với Bắc Hàn.”.Nhưng có lẽ hiện nay quan hệ giữa hai nước Trung Cộng và Bắc Hàn không hoàn toàn thân thiện, mà lún sâu trong sự nghi kỵ, bất tín với nhau. Bắc Kinh đã ký tên vào bản nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đòi trừng phạt Bắc Hàn. Bắc Kinh cũng ra lệnh cấm nhập cảng than đá của Bắc Hàn cho đến hết năm nay. Bắc Kinh có thể làm áp lực thêm nữa với Bắc hàn chẳng hạn như ngưng cung cấp nửa triệu tấn dầu thô mỗi năm. Đó chính là lý do ngày xưa Kim Chính Nhất phải chịu ngồi vào bàn hội nghị hồi năm 2003.

Tuy nhiên, Trung cộng cũng chỉ có thể làm áp lực trong một chừng mực nào đó thôi. Nếu chế độ của Kim Jong Un sụp đổ, lập tức sẽ có rất nhiều người ty nạn chạy ào ạt sang Trung Cộng. Hiện nay ở Nam Hàn đang có 28,500 lính Mỹ đồn trú, và nếu hai nước Nam Bắc Hàn thống nhất, lính Mỹ sẽ ở ngay bên cạnh biên giới của Trung cộng. Chính vì vậy Kim Jong Un biết chắc rằng Trung cộng sẽ không dám dồn Bắc Hàn vào chân tường. Ông John Park, giám đốc nhóm Korea Working Group ở trường Harvard Kennedy School ví điều này giống như chơi đánh bạc mà biết tẩy của nhau.

Hành động quân sự của phía Hoa Kỳ là điều có thể xảy ra, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng việc Hoa Kỳ đánh bằng quân sự chắc sẽ không có. Ngoài việc e ngại Bắc Hàn sẽ đánh trả đũa, bất cứ khi nào Hoa Kỳ ra tay bằng quân sự chắc chắn sẽ làm tan vỡ liên hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh Á châu, và sẽ đẩy khu vực này gần hơn. về phía Trung Cộng. Ông Daniel Pinkston, chuyên gia về Đông Á ở trường Troy University ở Nam Hàn nói như sau: “Hoa Kỳ mà đánh Bắc Hàn thì Hoa Kỳ hay nước nào khác chẳng có lợi gì cả. Chỉ có điên mới đánh Bắc Hàn bằng quân sự.”

Với tất cả những lý lẽ trên, ông Moon mạnh dạn thúc đẩy việc kêu gọi Bắc Hàn ngồi vào bàn thương thuyết. Đối thủ ngang ngửa của ông Moon trong cuộc tranh cử tổng thống kỳ ngày 9 tháng Năm là ông Ahn Cheol -soo . Ông này một triệu phú tay trắng làm nên sự nghiệp trong ngành kỹ thuật , ông ta chủ trương nên dùng đường lối quân sự để buộc Bắc Hàn vào bàn hội nghị. Chủ trương đó bao gồm việc đón nhận hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn, gọi tắt là THAAD, đem vào Nam Hàn. Điều này khiến cho Trung cộng bực mình, khó chịu. Hiện nay, tính đến ngày 29 tháng Tư, thống kê thăm dò dư luận ông Moon hơn ông Ahn 21 điểm vì thái độ của ông thận trọng hơn trong việc thiết lập hệ thống chống hỏa tiễn THAAD. Ông nói việc đặt hệ thống THAAD sẽ được chính phủ sắp tới của Nam Hàn cứu xét lại.

Hôm nay, khi dịch bài này, chúng tôi nhận được kết quả bầu cử chính thức ông Moon Jae-in đắc cử tổng thống với tỉ lệ 44%, hơn ông Ahn 17 điểm.

Nhưng cả hai ứng cử viên cùng đồng lòng cho rằng Nam Hàn không thể đứng bên ngoài lề để mặc cho Hoa Thịnh Đốn thương lượng với Bắc Hàn. Hãy nhớ cho rằng nếu chuyện gì xảy ra thì nạn nhân đầu tiên sẽ là 50 triệu dân Nam Hàn. Và mặc dù thế hệ người trẻ ở Nam Hàn chỉ để ý chút ít về tình hình miền Bắc, song thế hệ già thì mong muốn hai miền Nam Bắc được thống nhất. Chính ông Moon cũng mong muốn điều này. Ông nói: “Mẹ tôi là người duy nhất trong gia đình bên phía bà di cư được xuống miền Nam. Năm nay bà cụ được 90, bà còn người em gái vẫn còn sống ở miền Bắc. Niềm ao ước sau cùng của mẹ tôi là được gặp lại người em gái này.”.

Đó cũng là niềm ao ước giao động trong lòng của rất nhiều thường dân Đại Hàn - ở cả hai bên bờ giới tuyến- họ đều muốn hòa bình thắng được nguy cơ chiến tranh.

Bài tường thuật của Charlie Campbell trên báo TIME ngày 15/5/2017

Nguyễn Minh Tâm dịch

No comments:

Blog Archive