Một thời yêu Biển
Tam Giang Hoàng Đình Báu
Từ ngày nhập ngũ Khóa 11 SVSQ/HQ (Đệ Nhất Bảo Bình), chúng tôi được đưa vào thụ huấn tại TTHL/HQ Nha Trang tháng tám năm 1961 và ra trường vào tháng 3 năm 1963. Khóa 11 mang danh hiệu Bảo Bình (Aquarius) là chòm sao thứ 11 trên hoàng đạo tính từ điểm xuân phân. Khi mặt trời đi qua chòm sao nầy, vào khoảng thời gian từ 21/1 đến 20/2 là lúc trời mưa nhiều, nước đổ trắng xóa. Một thần nữ đẹp, nóng bỏng không mảnh vải che thân giữa trời đông giá lạnh dùng bình tưới nước xuống trần gian là biểu tượng cho Khóa 11 SVSQ/HQ Nha Trang. Theo thần thoại Hy Lạp, vị thần nữ đổ nước đã cưu mang và duy trì sự sống cho loài người. Do đó khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình có phù hiệu.
Từ đó các Sinh viên Sĩ quan Hải quân sau khi ra trường phải xuống các Chiến hạm hay các Giang đoàn, Duyên đoàn để sống và làm việc với nước trong sông hay trên biển như đã hứa với nữ thần Aquarius.
Do đó, tôi đã phục vụ từ lúc ra trường đến ngày mất nước trên biển với các Chiến hạm HQ 02 với Hạm Trưởng Bùi Huy Phong (Khóa 6/ NT); HQ 327 với Hạm Trưởng Đoàn Danh Tài (Khóa7/NT); HQ 404 với Hạm Trưởng Nguyễn Quang Dật (Khóa 3/ Brest) và Hạm Trưởng Võ Duy Ninh ( Khóa 4/ Brest); HQ 2 với Hạm Trưởng Vũ Xuân An (Khóa 2/Brest).
Sau đó tôi làm Hạm trưởng liên tiếp các chiến hạm: HQ 608, HQ 331, HQ 403 và cuối cùng là Hộ Tống Hạm Kỳ Hòa HQ 09. Dưới thời các Tư Lệnh Hạm Đội Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu, HQ Đại Tá Nguyên Xuân Sơn, và sau cùng là HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê.
Nhìn lại lịch sử, trai thời loạn hầu hết đều vào quân ngũ. Đầu thập niên 1960 khi những hoạt động của Cộng Sản miền Bắc được sự yểm trợ của khối Cộng Sản Nga -Tàu muốn thôn tính miền Nam. Do đó Hải, Lục, Không Quân là những chọn lựa ưu tiên của thế hệ trẻ lúc bấy giờ để bảo vệ miền Nam Việt Nam thân yêu. Riêng tôi vào Hải Quân ngoài bổn phận và trách nhiệm bảo vệ Quê hương, bảo vệ lãnh hải còn là hoài bảo theo đuổi giấc mộng hải hồ.
Hồi đó, khi đọc các sách báo về các nơi xa lạ tôi có cảm tưởng phải đi biển mới đến được nhiều nơi trong nước cũng như ngoài nước. Có đi xa mới trau dồi kiến thức, yêu quê hương, mở rộng tầm nhìn. Hồi còn nhỏ đứng trước biển cứ mơ mình là thủy thủ. Khi xuống bến tàu, thấy con tàu sắp rời bến, nghe tiếng còi tàu và cột khói cao nhả khói lòng lại thấy nao nao. Tắm biển, nghe tiếng sóng vỗ về bờ cát trắng, nhìn xa con tàu nhỏ xíu ở phía chân trời xanh mà thương đời thủy thủ.
Khi đi biển mới thấy tình yêu trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại. Nhờ đi biển HQ 404 tôi đã lên Hoàng Sa tiếp tế nhiều lần cho binh sĩ đang sống xa gia đình thiếu thốn mọi điều để bảo vệ đảo. Và cũng nhiều lần tham dự công tác dựng bia chủ quyền tại quần đảo Trường Sa sau đó cũng nhiều lần đưa tàu ra bảo vệ và tiếp tế nước uống và lương thực cho binh sĩ trú đóng các đảo ở Trường Sa.
Trong những lần đi thực tập trên Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ hay đi lãnh Chiến hạm hay sửa chữa chiến hạm, tôi đã đến nhiều nơi như Hoa Kỳ, Honolulu, Guam, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba…
Nhiều bến lạ, nhiều hải đảo đẹp và mộng mơ nhưng cũng nhiều xót xa vì xa gia đình, xa người thân, ngày đêm sống với con tàu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Có khi tàu gặp bão, người thủy thủ ói ra mật xanh mật vàng vẫn phải làm việc để giữ con tàu được bình an.
Vậy kẻ thù thường xuyên của người thủy thủ là thời tiết, sau đó mới là kẻ thù mà Tổ quốc đã nhận diện. Trên chiến hạm kỷ luật rất nghiêm minh, không chấp nhận bất kỳ một sai phạm nào có thể gây tai hại cho sự an toàn của chiến hạm. Do đó các đoàn viên trên chiến hạm phải làm việc chung với nhau, hợp lực với người bên cạnh. Từ đó tình chiến hữu càng lúc càng gắn bó như anh em một nhà. Không thân thương sao được khi phải sống bên nhau nhiều ngày, nhiều tháng có khi nhiều năm và cùng ăn một thứ, uống một thứ và cùng thở một luồng không khí.
Biết bao chiến hạm đã hải hành trong cơn bão giữa trời biển bao la tưởng chừng như không sao thoát được. Đương đầu với cơn bão nhiều lúc thấy đứng tim vì con tàu đang hụp lặng dưới những đợt sóng cao như núi cố sức nhận chìm con tàu. Bao lần đối đầu với cơn sóng dữ, con tàu ví như chiếc lá đang hụp lặn trong nồi nước sôi. Đại dương nổi giận không chừa bất kỳ một con tàu nào, do đó hạm trưởng và thủy thủ đoàn phải giỏi và dũng cảm mới cứu được con tàu ra khỏi vùng mắt bão.
Chiến đấu với thiên nhiên cũng như chiển đấu với kẻ thù chung, chiến thuyền Việt Nam ngày xưa đều là thuyền buồm nhưng đã oanh liệt thắng quân xâm lượt phương Bắc với các trận hải chiến Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn, Bạch Đằng… Bởi vua tôi đều một lòng, cảnh giác cao độ và quyết tâm sống mái với giặc.
Ngoài đánh giặc xâm lược phương Bắc, Thủy Quân Việt Nam còn bình Chiêm về phía Nam thời Lý Thánh Tôn. Cuộc hành quân bằng đường biển của Lý Thánh Tôn và Lý Thường Kiệt đã hoàn tất vào năm 1086. Đó là thành tích của Hải Quân Việt Nam ngày xưa.
Nhưng cũng có khi trời yên biển lặng. Buổi sáng bình minh rực rỡ với những bờ biển miền Trung chạy dài từ Đà Nẵng xuống tận Vũng Tàu. Từ chiến hạm nhìn vào bờ biển là những đường viền xanh ngắt song song cùng hàng dừa xanh đen xen kẻ những đồi cát trắng mênh mông.
Rồi những hoàng hôn lộng lẫy với muôn triệu ánh đèn của ghe câu mực như sao đêm giăng trên biển lặng. Người thủy thủ lúc nầy là hoàng tử. Cũng có lúc ánh trăng xanh, mặt biển nhấp nhô bóng trăng trôi trên làn sóng bạc. Thật là tuyệt vời, người thủ thủ cô đơn trên đài chỉ huy nhìn biển trời mênh mông, lòng mênh mang và lân lân tưởng chừng như bay bổng.
Ngày xưa, theo truyền thuyết tạo hóa muốn loài người sống trên đất, không phải sống trên mặt nước, người thủy thủ làm sai ý Trời nên phải bị phạt sống trọn đời trong nỗi cô đơn, và cô đơn ngay khi sống với người thân ruột thịt trong gia đình. Ngày xưa đi biển chỉ dành cho những ai yêu biển nên khi được về bến vài hôm thì người thủy thủ lại hướng lòng về những bến lạ, những người yêu xa, những hình bóng cũ hay những bạn bè cùng hội cùng thuyền. Người đi biển ngày đó thích mạo hiểm và yêu thiên nhiên, chứ không vì niềm khát vọng làm giàu như ngày nay.
Trở lại sông, năm 1967 tôi về thay thế HQ Đại Úy Võ Hữu Danh (Khóa 10) duyên đoàn trưởng Duyên Đoàn 37. Duyên đoàn đóng tại làng Tiệm Tôm, xã Tân Thủy thuộc quận Ba Tri tỉnh Kiến Hòa nay gọi là tỉnh Bến Tre.
Duyên đoàn 37 nằm cạnh duyên đoàn 34 do HQ Đại Úy Dương Quang Sang (Khóa 11) làm Duyên Đoàn Trưởng. Cả hai Duyên đoàn đều trực thuộc Vùng 3 Duyên Hải Vũng Tàu. Dưới quyền các Tư Lệnh HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn, HQ Đại Tá Bùi Cửu Viên.
Mỗi duyên đoàn có một đại đội lính hải thuyền với nhiệm vụ tuần tiểu cửa sông Hàm Luông và bảo vệ an ninh các xã chung quanh như xã An Hòa Tây, xã Tân Thủy xã Bãi Ngao… Hai duyên đoàn nầy nằm cô lập trong vùng VC nên đời sống của gia đình quân nhân trong duyên đoàn rất khó khăn về mọi mặt nhất là các con em của gia đình binh sĩ trong duyên đoàn đều không có trường học. Tiếp tế lương thực phải đi bằng ghe về Vũng Tàu hoặc đi ghe ban đêm lên thị xã Bến Tre, ngoài ra không còn con đường nào khác. Mỗi duyên đoàn đều có hầm trú ẩn cá nhân và nhiều hầm trú ẩn tập thể dành cho nhiều gia đình ẩn núp khi địch tấn công hay pháo kích.
Thời đó liên duyên đoàn 34-37 luôn bị áp lực nặng nề bởi các đơn vị VC từ các mật khu Thạnh Phong, Thạnh Phú và mật khu Hốt Hỏa thuộc quận Bình Đại. Người lính hải thuyền ngày đó vừa tuần tiểu trên sông trên biển mà còn tác chiến trên bộ nữa.
Trên dòng sông Hàm Luông còn có các cù lao nổi tiếng như Cù Lao Ốc, Cù Lao Đất, Cù Lao Nhung… mà ghe tàu của duyên đoàn thường bị bắn sẻ hay bị phục kích. Nơi đây HQ 231 đã bị phục kích hằng cây số với B40 và pháo 57 ly của VC, kết quả chiến hạm bị thiệt hại nặng về cả chiến hạm lẫn nhân mạng, trong đó có Hạm phó là HQ Đại Úy Võ Văn Quợt (Khóa 11) tử trận.
Có những trận đánh kinh hồn như trận Bãi Ngao năm 1966 đã gây thiệt hại nặng nề cho hai duyên đoàn; những trận phục kích ở Cầu Dĩ; những trận pháo ban đêm vào duyên đoàn; những đặc công VC đánh ghe hải thuyền neo trên sông rạch vào ban đêm. Nhưng anh em hải thuyền phần đông là ngư dân địa phương rất thông thuộc địa hình, lại có sức chịu đựng và gan dạ nên đã đánh trả và gây cho địch nhiều thiệt hại.
Riêng Tết Mậu Thân 1968 Liên Duyên Đoàn 34-37 hành quân và bắt sống gần 100 tên địch sau đó những tù bình nầy được cho hồi chánh và về sum họp với gia đình. Cộng tác với tôi đắc lực thời đó có Duyên đoàn phó HQ Trung úy Trần Thanh Tùng (Khóa 13),sau đó là HQ Trung Úy Nguyễn Thành Tư (Khóa 14).
Để đánh đổi với nhiệm vụ bảo vệ vùng cửa sông từ Cửa Đại, Cửa Tiểu, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông qua cửa Định An thuộc tỉnh Kiến Hòa, Liên Duyên Đoàn 34-37 trong những năm chiến đấu kiên cường đã có nhiều Sĩ quan, Hạ sĩ quan và binh sĩ hy sinh cùng một số ghe thuyền bị thiệt hại nhưng phía VC cũng phải trả giá rất đắt. Đặc biệt năm 1966, Duyên Đoàn trưởng Duyên Đoàn 37 là HQ Đại Úy Nguyễn Đức Bổng (Khóa 10) đã hy sinh trong một trận phục kích gần duyên đoàn.
Nhớ lại Tiệm Tôm là vùng đất cát, nước mặn quanh năm nhưng người dân ở đây rất hiền hòa, và người con gái ở đây rất đẹp nhờ có nước da trắng hồng, tóc đen dài đã làm say mê biết bao chàng trai lính biển. Đã có nhiều Sĩ quan, Hạ sĩ quan, binh sĩ trú đóng ở đây đã lấy vợ Tiệm Tôm. Lạ nữa, đã có một Duyên đoàn trưởng (gốc nhảy dù) và một Duyên đoàn phó thuộc Duyên Đoàn 34 đã cưới hai chị em trong một gia đình, còn lính Hải Quân làm rể Tiệm Tôm thì nhiều lắm.
Tiệm Tôm thời đó là làng đánh cá nằm cạnh cửa sông Hàm Luông với nhiều ngư dân đánh bắt tôm cá bằng ghe cào và nhiều hàng đáy dăng ngang cửa sông Hàm Luông. Những lúc được mùa tôm cá đầy ghe, dân làng phơi sấy tôm cá để đưa lên Sài Gòn bán. Do đó làng chài lưới nầy có tên Tiệm Tôm.
Sau gần hai năm sông biển, tôi được lên núi làm Trung tâm trưởng Trung Tâm Kiểm Soát Vùng 3 Duyên Hải đóng tại đỉnh núi nhỏ thành phố Vũng Tàu, nằm trong khu nhà của Hải Đăng Vũng Tàu.
Nhân viên trung tâm khoảng 30 người phần đông là giám lộ và vô tuyến. Nhiệm vụ của trung tâm là điều hành các chiến hạm, ghe duyên đoàn kể cả các thương thuyền vào ra cửa sông Roài Rập, Long Tào và Cửa Tiểu.
Hồi đó Vũng Tàu quân Mỹ đóng rất đông nên có nhiều khách sạn, nhà hàng, vũ trường nhất là các quán bar ở Bãi Trước và Bãi Sau. Các thủy thủ từ các nơi về, từ các Chiến hạm lên đã làm cho Vũng Tàu thành phố biển nhộn nhịp với màu trắng Hải quân. Và rồi những người lính biển xa nhà nầy đã trở thành những người lính đa tình như trong bài hát “Anh Là Lính Đa Tình” của nhạc sĩ Y Vân :
Anh là lính đa tình.
Tình non sông rất nặng.
Tình hải hồ ôm mộng.
Tình vũ trụ ngát xanh.
Và mối tình sống êm đềm.
Là tình riêng trong lòng.
Anh yêu em...
Trở lại biển, Hộ Tống Hạm Kỳ Hòa HQ 09 vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975. Khi Cộng Sản Bắc Việt từ Huế tràn xuống đánh chiếm thành phố Đà Nẵng, Dân chúng và quân đội VNCH đã bỏ chạy ra biển để tìm về Sai Gòn. Chiến hạm đã cứu vớt hàng nghìn đồng bào ngoài cửa biển Đã Nẵng. Họ đã tháo chạy ra bằng đủ mọi phương tiện từ ghe nhỏ đển tàu thuyền lớn kể cả ghe thúng.
Có những câu chuyện do người trốn chạy Việt cộng kể lại rất cảm động, trung thực đến nỗi người nghe không thể cầm được nước mắt. Có những cụ già suốt nhiều ngày trên chiến hạm không chịu ăn uống, đôi mắt nhìn vào hư không chỉ vì chuyện quá đau thương, quá kinh hoàng xẩy ra cho gia đình trên đường chạy trốn…
Chiến hạm lại di chuyển xuống cù lao Chàm, đảo Lý Sơn, Quy Nhơn, Nha Trang đón thêm người tị nạn đưa về Cam Ranh để đồng bào đón xe về Sài Gòn. Chiến hạm lại trở ra Nha Trang đón hằng trăm đồng bào tại Cầu Đá rồi về ghé Mũi Né, Phan Thiết đón thêm đồng bào di tản từ Đà Lạt xuống để đưa về Vũng Tàu.
Những người di tản gồm đủ mọi thành phần Quân Cán Chính VNCH và gia đình cũng như các ngư dân, thường dân bỏ chạy khi người cộng sản vô thần từ Bắc tràn xuống miền Nam.
Đây là một cuộc di tản đau thương và vĩ đại nhất chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tất cả người dân miền Nam đang sống trong ấm no, thanh bình nay liều mình bỏ tất cả để tìm tự do trong biển máu và nước mắt.
Nhìn lại trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân Việt nam Cộng Hòa và Hải Quân Trung Quốc ngày 19 tháng 1 năm 1974 chỉ là sự xâm lược lãnh thổ giữa một nước mạnh và một nước yếu.
Sau cuộc chiến nầy Biển Đông đã thay đổi và các cuộc tranh chấp lãnh thỗ và lãnh hải xuất hiện khắp khu vực Thái Bình Dương từ Nhật Bản xuống Đài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương. Rồi ngày nay cục diện lại thay đổi, Biển Đông là sự đối đầu giữa Mỹ-Nhật cùng các nước đồng minh chống lại phe Trung Quốc - Nga. Biết đâu sự kiện nầy lại đưa đến một trận chiến thảm khốc của toàn cầu.
Vậy thì tiếng súng từ các Chiến hạm VNCH trực xạ vào quân xâm lược Tàu ngày 19/1/1974 tại Hoàng Sa dù không thành công nhưng báo hiệu một nguy cơ cho hòa bình thế giới phát xuất từ Biển Đông. Vậy Hải Quân VNCH bám biển và đi ra biển khơi ngoài Hải phận để chặn kẻ gian từ xa đến là một nhiệm vụ tất yếu của lịch sử mà bất cứ Hải Quân nào cũng phải tuân theo.
Tôi cũng trãi qua 11 năm trong lao tù Cộng Sản và đã ở các trại tù trong Nam như Long Giao, Suối Máu đến các trại ngoài Bắc như Hoàng Liên Sơn, Sơn La, Yên Bái, Nghệ Tĩnh, cuối cùng về trại Z 30 D Hàm Tân mới được thả năm 1982.
Ngày 7 tháng 5 năm 1983, tôi và cả nhà đi vượt biên. Bất hạnh, ghe bị Việt cộng bắn ngay tại cầu chữ Y, thuộc sông Sài Gòn. Bà xã tôi với 4 đứa con gái bị tử nạn cùng với 53 người trên ghe. Tôi và đứa con trai còn sống sót. Tôi bị bắt lại về "tội vượt biên" năm 1984 và bị nhốt tại Trại Số 4 Phan Đăng Lưu thuộc tỉnh Gia Định 6 tháng, sau đó chúng đưa lên nhốt ở trại Chí Hòa một năm, cuối cùng ở trại lao động Tống Lê Chân thuộc tỉnh Bình Long gần 3 năm và được thả ra năm 1987.
Những năm sống lang thang ở Sài Gòn tôi làm nghề bán rượu dạo để sống qua ngày. Đến 24 tháng 11 năm 1991 tôi được qua Mỹ theo diện HO 9.
Đáp lời kêu gọi của cựu Đề Đốc Trần Văn Chơn, người anh cả của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Những người lính biển năm xưa cùng phu nhân từ mọi Quân trường, khắp năm châu bốn bể trở về đây, tại Thung Lũng Hoa Vàng để đàn anh đàn em gặp nhau trong tình Huynh đệ Chi binh. Đây là lần đầu tiên có Đại Hội Hải Quân/VNCH Toàn Cầu ngày 2 & 3 tháng 6 năm 2017 tại San Jose.
Chúng ta còn nhiều hậu duệ nối tiếp truyền thống của cha anh đã có mặt trong mọi Quân Binh chủng, có người đã lên cấp tướng trong Quân lực Hoa kỳ. Hậu duệ còn có mặt trong mọi lãnh vực khoa học, giáo dục, chính trị, kinh tế của đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Các hậu duệ còn tham gia rất nhiều trong các sinh hoạt cộng đồng từ cấp địa phương đến cấp Tiểu bang và Liên bang. Hiện nay người Việt ở Hải ngoại cũng đang yểm trợ các chương trình giúp thương phế binh VNCH tại quê nhà và cứu trợ dân oan, dân nghèo tại Việt Nam.
Cuối cùng, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, Hải Quân/VNCH vẫn giữ vững lý tưởng Quốc gia và tình yêu quê hương. Một điều mong ước duy nhất của người thủy thủ năm xưa là Việt Nam sớm có thanh bình, thịnh vượng và tự do dân chủ. Đảng Cộng Sản Việt Nam hèn với giặc, ác với dân trong lúc 90 triệu dân Việt trong cũng như ngoài nước với truyền thống hào hùng của Quang Trung Nguyễn Huệ và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sẽ đập tan mọi ý đồ xâm lược của giặc Tàu cùng bè lũ bán nước Việt Cộng.
Nay, chúng ta gặp mặt nhau tại San Jose xin đốt những nén nhang lòng để tưởng nhớ đến những anh hùng tử sĩ đã vị quốc vong thân, tưởng nhớ đến các thuyền nhân, bộ nhân đã bỏ mình trên sông, trên biển. Chúng ta cũng xin gửi lời thăm hỏi những Niên Trưởng, Niên Đệ những bạn bè không đến tham dự được vì bất cứ lý do nào. Rồi chúng ta đây mỗi người mỗi ngã nhưng trong lòng vẫn còn chất chứa biết bao ưu tư như sóng gió đại dương. Nhưng dù trong hoàng cảnh nào, chúng ta đều có thể tự hào Hải Quân/VNCH là những người trọn tình trọn nghĩa với Tổ Quốc và Đại Dương, như biển rộng sông dài.
Trước khi chia tay với bao niềm thương nỗi nhớ, xin mượn 4 câu thơ của nhà thơ Quang Dũng nói về “Kẻ ở người đi” :
Mai chị về em gửi gì không.
Mai chị về nhớ má em hồng.
Đường đi không gió lòng sao lạnh.
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong.
28/05/2017
Tam Giang Hoàng Đình Báu
No comments:
Post a Comment